Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 3

     am Mao chết, Đen thì không chơi được, tôi cảm thấy hơi buồn tẻ. Nhưng may sao có được con người làm tri kỷ nên tôi cũng không thấy chán chường lắm.
Hôm trước có một người đàn ông gửi thư cho ông chủ, đòi gửi ảnh của tôi cho ông ta. Gần đây lại có người gửi cho bánh dày ngọt, đặc sản của Okayama, với danh nghĩa là gửi cho tôi. Càng được con người đồng cảm tôi càng dần dần quên mất mình là mèo. Không biết từ lúc nào, tôi đã thành ra có cảm giác mình gần gũi với người hơn là với mèo. Cái ý định kêu gọi tất cả đồng loại mình tập trung nhau lại, quyết một phen sống mái với cái ông giáo hai chân kia, gần đây không còn chút nào nữa. Không những vậy, tôi còn tin mình đã tiến hóa đến mức, thỉnh thoảng tôi có ý nghĩ mình cũng là một thành viên trong xã hội loài người. Tôi không dám khinh đồng loại mình đâu, mà đây chỉ là kết quả của xu thế “hướng tình cảm vào chỗ gần hơn, giữ yên thân cho mình” thôi. Nếu cho rằng đó là sự thay lòng đổi dạ, là khinh bạc, là phản bội hay là gì gì đó thì hơi phiền. Phàm những người hay chê bai, phê phán người khác như thế, đa phần chỉ là những kẻ hẹp hòi, không thức thời. Để rũ bỏ thói quen bẩm sinh của mèo, tôi không thể chỉ nghĩ đến Tam Mao hay Đen như một gánh nặng. Tôi muốn cũng bình đẳng với con người mà đánh giá tư tưởng, lời nói, việc làm của họ. Điều này không phải là khó. Chỉ có điều, tôi là một con mèo có kiến thức như vậy mà ông chủ thì cứ coi tôi như một con mèo con, vừa mới mọc lông. Họ chẳng thèm hỏi tôi, cứ tự tiện ăn bánh dày ngọt như thể đó là của mình, thật là chán. Rồi hình như cũng chưa chụp ảnh tôi mà gửi cho người ta nữa. Việc này thì quả là tức thật đấy. Nhưng mà ông chủ là ông chủ, tôi là tôi, suy nghĩ khác nhau cũng là đương nhiên, không thể tránh khỏi. Tôi đã trở thành người hoàn toàn mất rồi, nên thật là khó mà miêu tả bằng ngòi bút những động thái của một con mèo ít có giao tiếp xã hội. Tôi không chấp nhận sự đánh giá về tôi của các thầy Meitei cũng như Kangetsu.
Hôm nay là chủ nhật, trời rất đẹp. Ông chủ lò dò từ phòng sách ra, bày ra cạnh tôi nào là giấy, mực, bút lông… rồi nằm bò ra, miệng liên tục rền rĩ cái gì đó. Có lẽ ông ta sắp sáng tác một cái gì lớn đây nên mới phát ra cái thứ tiếng kỳ lạ như vậy? Tôi để ý thì thấy ông viết “hương nhất trụ” (đốt một nén nhang). Chà, thơ hay là haiku đây? “Hương một nén” với ông chủ này thì xa hoa thật. Tôi đang nghĩ như vậy thì một chốc sau, ông ta bỏ cái đó đấy, viết một dòng khác. “Từ lâu tôi đã định viết về Thiên nhiên cư sĩ”. Bút chì chạy được đến đó thì dừng lại và mãi không thấy nhúc nhích. Ông chủ nâng bút lên, vặn vẹo cổ, nhưng hình như chả có chủ định gì ghê gớm cả nên ông liếm đầu bút. Tôi thấy môi ông đen ngòm. Lần này ông vẽ một vòng tròn. Trong vòng tròn, ông vẽ hai cái mắt. Giữa vòng tròn vẽ một cái mũi và hai cái lỗ mũi nhỏ đang mở. Rồi ông gạch một nét ngang, vẽ cái miệng. Cái này không phải văn mà cũng không phải thơ. Rồi hình như không thích nữa, ông chủ len lén xóa bỏ cái mặt ấy đi. Ông lại bắt đầu viết một dòng khác. Có lẽ ông ta nghĩ là cứ xuống dòng, bất đầu viết một cái gì khác thì tự nhiên sẽ thành thơ ca, văn vẻ gì chăng? Cuối cùng ông ta viết một mạch bằng thể văn nói, ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày: “Thiên nhiên cư sĩ là một người nghiên cứu không gian, đọc luận ngữ, ăn khoai nướng và chảy nước mũi.” Văn chương gì mà lủng cà lủng củng. Ông thản nhiên đọc to lên rồi cười hơ hớ “chà hay thật”, nhưng mà “chảy nước mũi” thì hơi quá đáng, thôi bỏ đi. Ông cầm bút gạch bỏ chỉ câu đó.
Đáng lẽ chỉ gạch một nét là đủ thì ông gạch đến hai nét rồi ba nét, thành những đường song song rất đẹp. Nét gạch lấn cả sang dòng bên cạnh ông cũng mặc, cứ gạch. Đã gạch đến đường thứ tám rồi mà câu thơ tiếp theo vẫn chưa ra. Lần này ông quăng bút và nắm lấy bộ râu xoắn xoắn, trông bộ dạng như ông đang muốn kéo văn thơ từ trong râu ra vậy. Ông đang ra sức xoắn lên xoắn xuống chòm râu thì bà vợ từ phòng nghỉ đi sang, ngồi xuống ngay trước mặt ông. Bà lên tiếng:
– Này mình, nghe em nói đây.
– Cái gì vậy?
Ông cất tiếng rè rè như tiếng thanh la gõ trong nước. Không vừa lòng với tiếng đáp ấy, bà vợ lại gọi:
– Này mình, nghe em nói đây.
– Cái gì vậy?
Ông trả lời và dùng ngón tay nhổ lông mũi.
– Tháng này thiếu tiền…
– Sao lại thiếu được? Tiền thuốc bác sĩ cũng trả rồi, tiền sách tháng trước cũng trả rồi còn gì? Tháng này phải thừa mới đúng chứ!
Ông nói rồi nhìn cái lông mũi vừa nhổ ra như nhìn một kỳ quan trong thiên hạ.
– Vì mình không ăn cơm mà ăn bánh mì với mứt.
– Thế ăn hết mấy hộp?
– Tháng này phải đến tám hộp.
– Tám hộp? Tôi không bao giờ ăn nhiều như thế cả.
– Không phải chỉ mình mình, mà cả bọn trẻ cũng ăn.
– Dù ăn nhiều đến đâu thì cũng chỉ đến năm sáu yên là cùng chứ mấy.
Ông vừa nói vừa thản nhiên đặt cẩn thận từng chiếc lông mũi lên tờ giấy đang viết. Những sợi lông có chất dính nên đứng dựng như những chiếc kim. Như chợt phát hiện ra điều gì, ông thổi phù môt cái. Dù thổi mạnh đến mấy những chiếc lông cũng không bay đi.
– Ồ, ngoan cố nhỉ?!
Ông nói và tiếp tục thổi. Bà vợ nói với vẻ mặt đầy tức giận:
– Không phải chỉ có mứt thôi mà còn nhiều thứ khác nữa cũng phải mua.
– Có thể là có cái cần phải mua đấy…
Ông chủ vẫn tiếp tục nhổ lông mũi. Trong những chiếc lông nhổ ra, có nhiều màu, cái thì đen cái thì đỏ và có cả một cái trắng. Ông ngạc nhiên nhìn chằm chằm sợi lông bạc rồi đột nhiên chìa vào mặt vợ. Bà vợ cau mặt, phẩy tay:
– Khiếp, tởm quá.
– Nhìn xem. Đấy là sợi lông bị bạc đấy.
Ông chủ nói với vẻ cảm động. Quả thật làm bà chủ cũng phải cười rồi rút lui về phòng nghỉ. Chắc bà đã đành chịu trong vấn đề kinh tế. Ông chủ lại quay lại với “thiên nhiên cư sĩ”.
Dùng lông mũi để dẹp được bà vợ rồi, ông chủ chưa thể an tâm. Ông có vẻ nóng vội muốn viết nhưng mãi không thấy cây bút động đậy. “Ăn khoai nướng cũng phí, hãy để dành”. Rồi ông lại gạch câu này đi. “Hương nhất trụ” nghe có vẻ đường đột quá, thôi bỏ đi. Ông dùng bút tiêu diệt không thương tiếc, chỉ còn lại mỗi câu “thiên nhiên cư sĩ là người nghiên cứu không gian, đọc luận ngữ”. Ông nghĩ cái này có vẻ đơn giản quá. Rồi lại nghĩ văn vẻ gì phiền hà rắc rối quá, thôi dẹp. Thôi, chỉ viết thể “danh” thôi vậy. Ông phóng bút gạch một chữ “thập” rồi hăm hở vẽ trên mặt giấy một cái khung tranh văn sĩ (tranh do nhà văn vẽ). Ông đã cố vắt óc suy nghĩ mà chả để lại được chữ nào, bây giờ lại đi làm một thứ hoàn toàn khác. Sau đó ông lật phía sau tờ giấy, viết la liệt: “Sinh ra trong không gian, tận hiểu không gian, chết giữa không gian. Thiên nhiên cư sĩ, khi thì không, khi thì gian…”
Ông đang viết đến đây thì cái ông Meitei nọ lại xuất hiện. Ông Meitei này, chắc là nghĩ nhà của người khác cũng là nhà mình nên chẳng cần chờ ai mời cũng cứ vào. Thậm chí có khi ông còn lẻn vào cả bằng cửa sau nữa. Đây là một con người mà từ khi lọt lòng sinh ra đã rơi sạch đi đâu tất cả những khái niệm như lo lắng, e ngại, ý tứ, vất vả… Ông ta cứ đứng mà hỏi ông chủ:
– Lại người khổng lồ sức kéo hả?
Ông chủ nói huênh hoang:
– Không phải lúc nào cũng chỉ có “cự nhân dẫn lực” đâu. Tôi đang soạn thảo một bài khắc bia mộ cho “thiên nhiên cư sĩ’ đây.
– Thiên nhiên cư sĩ thì chắc lại là cải danh của “ngẫu nhiên đồng tử” (đứa trẻ ngẫu nhiên) chứ gì? – Meitei vẫn cứ nói bừa phứa.
– “Đứa trẻ ngẫu nhiên” cũng có à?
– Không, làm gì có. Tôi chỉ nghĩ có lẽ thế chăng thôi.
– “Ngẫu nhiên đồng tử” thì tôi không biết nhưng “thiên nhiên cư sĩ” là người mà cậu biết đấy.
– Vậy thì ai là người được cậu đặt cho cái tên đó thế?
– Là cậu Sorosaki đấy. Cậu ta tốt nghiệp xong vào Đại học viện, nghiên cứu đề tài “không gian luận” nhưng học nhiều quá, bị viêm thành ruột mà chết. Cậu ấy cũng là bạn thân của tôi mà!
– Bạn thân cũng được, tôi không bao giờ cho là xấu. Nhưng ai đã biến Sorosaki thành “thiên nhiên cư sĩ” vậy?
– Tôi chứ ai. Chính tôi đã đặt tên cho cậu ta như vậy. Vốn không phải tầm thường như những cái tên cải danh mà các ông (sư) trọc đầu đặt đâu nhé.
Ông chủ có vẻ tự hào, cứ làm như cái tên “thiên nhiên cư sĩ” là một cái tên rất phong nhã vậy.
– Nào, cho xem cái nội dung khắc bia mộ ấy xem nào.
Meitei cười, giằng lấy bản thảo, rồi ông ta cất tiếng đọc to:
– Cái gì? “Sinh ra trong không gian, tận hiểu không gian, chết giữa không gian. Ôi, thiên nhiên cư sĩ, không không gian gian…” A, cái này được đây, hợp với thiên nhiên cư sĩ lắm!
Ông chủ, vẻ phấn khởi hỏi “được không?”
– Cái bài bia mộ (epitaph) này đem khắc vào đá nén dưa rồi vứt ở sau từ đường chính, làm lục thạch”[43] được đấy! Rất là nhã mà Thiên nhiên cư sĩ cũng được siêu thoát đấy.
– Tôi cũng đang định làm thế đấy.
Ông chủ trả lời rất nghiêm chỉnh. Rồi ông bảo:
– Xin lỗi, tôi đi một chút về ngay. Cậu ở nhà chơi với con mèo này nhé.
Không cần đợi Meitei trả lời, ông đi luôn.
Tôi không ngờ lại bị ông chủ bắt tiếp ông Meitei, nhưng tôi cũng không tỏ ra bất bình mà nũng nịu cất tiếng “meo” rồi leo lên đầu gối ông ta. Thế là ông Meitei không lễ độ gì cả, xách luôn gáy tôi lên kêu: “Chà, béo quá nhỉ, xem nào!”. Rồi dường như chỉ một mình tôi không đủ, ông với sang bắt chuyện với bà chủ ở phòng bên cạnh.
– Duỗi chân sau thế này thì có vẻ không hay bắt chuột lắm nhỉ. Thế nào bà, con mèo này có bắt chuột không?
– Bắt chuột gì? Nó ăn cả zoni rồi nhảy loạn cả lên ấy.
Bà chủ đem tội cũ của tôi ra nói chẳng đúng lúc gì cả. Tôi vừa bị treo lơ lửng vừa bị mất thể diện. Meitei vẫn chưa chịu đặt tôi xuống.
– À thế hả. Đúng là cái mặt trông có vẻ múa được lắm đây. Này bà này, con mèo này trông tướng không hay lắm đâu, phải cẩn thận đấy. Trông rất giống con mèo ma có đuôi chẻ đôi ở trong truyện tranh ngày xưa ấy.
Ông ta vừa nói bừa bãi như vậy vừa bắt chuyện riết với bà chủ. Hình như bị làm phiền, bà chủ đành bỏ công việc khâu vá đó mà sang phòng khách.
– Anh ngồi một mình chắc cũng chán nhỉ. Nhà tôi cũng sắp về thôi.
Bà rót chén trà khác, bưng đặt trước Meitei.
– Ông ấy đi đâu nhỉ?
– Đi đâu cũng không bao giờ nói, chả ai biết là đi đâu cả. Chắc là lại đến bác sĩ đấy thôi ạ.
– Đến bác sĩ Amaki à? Bác sĩ Amaki cũng phải nhận chữa cho con bệnh như thế thì tai nạn quá nhỉ?
-Vâng.
Bà chủ có vẻ không muốn nói chuyện nên chỉ trả lời ngắn gọn. Meitei không hề ý tứ gì, hỏi:
– Gần đây thế nào? Dạ dày của anh ấy có đỡ hơn không?
– Chẳng biết là đỡ hay không nữa. Có đi bác sĩ Amaki đến mấy mà cứ ăn mứt như vậy thì làm sao mà khỏi được cơ chứ!
Bà chủ đã ngầm bày tỏ sự bất bình khi nãy với ông Meitei.
– Anh ấy ăn mứt nhiều thế cơ à? Cứ như là trẻ con ấy nhỉ.
– Không chỉ có mứt không đâu. Dạo này ông ấy còn bảo củ cải là thuốc chữa dạ dày nên ăn rất nhiều củ cải mài nữa…
– Kinh ngạc thật! – Meitei thán phục.
– Chẳng biết, thấy bảo là trên báo có nói là trong củ cải mài có chất diastase đấy ạ.
– À ra thế! Có ý tưởng bồi thường thiệt hại về mứt đây. Anh ấy có sự suy tính ghê đấy… hà hà…
Meitei có vẻ rất khoái chí được nghe bà chủ nói như thế.
– Dạo này còn cho cả đứa bé con đang bú sữa ăn nữa.
– Cho ăn mứt ấy à?
– Không, củ cải mài ấy… anh ạ. Ông ấy gọi “con ơi lại đây, bố cho cái này, ngon lắm”. Tưởng là thỉnh thoảng ông ấy cũng biết chiều nựng con, ai ngờ chỉ toàn làm những chuyện ngớ ngẩn như vậy. Cách vài ba hôm, ông ấy còn bế con bé giữa đặt lên nóc tủ nữa cơ.
– Ồ, có ý tưởng gì vậy? – Meitei, hễ cứ nghe nói gì là lại chỉ hiểu đó là “ý tưởng”.
– Chẳng có ý tưởng gì cả. Ông ấy chỉ bảo thử nhảy từ trên đó xuống xem nào. Con bé mới có ba, bốn tuổi, làm sao mà làm được cái chuyện tai ngược như vậy cơ chứ?
– Đúng rồi, thế thì hơi quá ý tưởng đấy. Nhưng anh ấy là người lương thiện, không có gì độc ác trong bụng đâu.
Bà vợ bày tỏ phẫn nộ thật sự:
– Trong bụng mà lại còn độc ác hơn thế nữa thì ai mà chịu được.
– Thôi, chị cũng không nên bất bình như vậy làm gì. Cứ sống từng ngày từng ngày không thiếu hụt như thế này mà lại hơn đấy. Anh Kushami không ăn chơi gì, áo quần cũng không cầu kỳ. Anh ấy thuộc loại người thích hợp với cuộc sống gia đình…
Meitei hào hứng lên lớp một cách vô lối.
– Nhưng mà anh nhầm đấy!
Meitei lấp lửng đáp bâng quơ:
– Có cái gì ngầm bên trong chăng? Cuộc đời không đơn giản, không thể xem thường được nhỉ!
– Không có sở thích gì, nhưng mà mua bao nhiêu là sách về, mặc dù chẳng đọc đến. Đã thế, giá mà cân nhắc chọn lựa rồi hãy mua thì còn được. Đằng này có lần đến Maruzen[44] mang về mấy quyển rồi cuối tháng cứ lờ đi. Cuối năm ngoái, tiền hàng tháng dồn lại, thật là khổ.
– Cái gì chứ sách thì lấy được bao nhiêu cứ lấy về, không sao cả. Nếu họ đến thu tiền thì hẹn là sẽ trả ngay, trả ngay, thế là họ về thôi mà.
Bà chu tỏ ra ngán ngẩm:
– Làm như vậy cũng không thể kéo dài mãi được.
– Thế thì nói lý lẽ, bảo anh ấy cắt bớt tiền sách đi.
– Làm gì có chuyện nói như thế mà ông ấy nghe cho. Hôm trước ông ấy còn bảo tôi “cô chẳng xứng đáng là vợ một học giả gì cả. Không hề biết giá trị sách vở là thế nào. Ngày xưa ở La Mã có một câu chuyện thế này, cô phải nghe mà học tập…”
– Thế thì thú vị đấy. Chuyện như thế nào?
Meitei hào hứng vì hiếu kỳ hơn là đồng cảm với bà chủ.
– Rằng ngày xưa ở La Mã có một ông vua tên là Tarukin (chum tiền) gì gì đó…
– Tarukin à? Tarukin thì nghe lạ nhỉ?
– Tên nước ngoài khó nên tôi không nhớ rõ nhưng nghe nói là đời vua thứ 7 gì đó…
– À, hiểu rồi, chum tiền đời thứ bảy, nghi lắm! Thế cái Tarukin đời thứ bảy ấy làm sao?
– Trời ơi, cả anh cũng chế giễu nữa thì tôi hết chỗ sống rồi. Anh biết thì nói cho tôi rõ có được không? Người đâu mà ác. – Bà chủ nổi cáu với Meitei.
– Không, tôi không ác đến nỗi chế giễu người khác thế đâu. Có điều là nếu Tarukin đời thứ bảy thì… Để xem nào, hoàng đế thứ bảy của La Mã à? Tôi nhớ không chính xác, nhưng có lẽ là Tarquin the Ploud chăng. Thôi, ai cũng được. Cái ông vua đó làm sao?
– Nghe nói là có một cô gái mang đến chỗ ông ta 9 quyển sách, hỏi ông ta có mua không?
– Ồ, thế à?
– Ông vua hỏi giá bao nhiêu, thì cô ta nói rất đắt. Vua bảo đắt quá, bớt đi một chút được không? Thế là cô ta lập tức lấy 3 quyển trong đó đốt đi.
– Tiếc quá nhỉ.
– Nghe nói trong sách đó viết toàn những lời sấm trạng gì đó mà không ở đâu có.
– Hừ.
– Ông vua nghĩ từ 9 quyển xuống còn 6 quyển thì chắc giá rẻ hơn, hỏi bao nhiêu thì cô gái vẫn nói giá như trước, không kém một xu. Vua bảo thế thì bậy quá. Cô ta liền đem 3 quyển nữa châm vào lửa. Vua có vẻ còn tiếc rẻ, lại hỏi ba quyển còn lại bao nhiêu thì cô ta bào vẫn là giá của 9 quyển. Từ 9 quyển còn 6 quyển rồi 3 quyển mà giá vẫn không kém một chinh. Nếu đòi bớt nữa thì 3 quyển còn lại cũng sẽ bị đốt mất. Thế là vua đành bỏ tiền ra mua ba quyển sách còn lại. Đấy, qua chuyện này, cô đã thấy được chút nào rằng sách là quý giá như thế nào chưa? Ông ấy nhấn mạnh “đấy!”, nhưng tôi thì chẳng hiểu quý giá ở chỗ nào cả.
Bà chủ đưa kiến thức của một gia đình ra, đòi ông Meitei trả lời, nhưng hình như ông này cũng bí nên lôi từ trong túi ra một chiếc khăn tay, trêu chọc tôi. Như chợt nhớ ra điều gì, ông ta gọi thật to:
– Nhưng mà này, bà chủ ơi. Vì anh ấy mua nhiều sách về, bày la liệt như vậy nên được mọi người gọi là học giả đấy. Vừa rồi tôi có mua một cuốn tạp chí văn học, thấy trong đó có bài viết về anh Kushami đấy.
– Thật à?
Bà chủ quay mặt lại, hỏi. Quan tâm đến sự đánh giá về chồng mình thế này thì hai người này quả thật rất xứng đôi.
– Họ viết cái gì cơ?
– Chỉ có vài ba dòng thôi, rằng văn của anh Kushami rất bay bổng, dạt dào.
Bà chủ hơi tươi cười hỏi tiếp:
– Chỉ có thế thôi à?
– Sau đó thì viết là “tưởng là ra nhưng thoắt cái biến mất, đi mất rồi thì mất hút luôn, quên mất cái quay về nơi vĩnh viễn.”
Bà chủ vẻ mặt băn khoăn, nôn nóng hỏi:
– Nói như vậy là khen à?
– Ờ, có thể là khen đấy.
Meitei nói và cứ dứ dứ cái khăn tay vào mặt tôi.
– Sách vở là công cụ để làm ăn thì cũng đành phải thế, nhưng mà ông ấy méo mó, lập dị quá.
Meitei tưởng bà chủ sắp thay đổi hướng tấn công nên đổi giọng và lấp lửng thanh minh:
– Méo mó thì có hơi méo mó đấy, nhưng các học giả thì ai cũng thế cả.
– Hôm trước ông ấy ở trường về, nói là sẽ lại đi ngay nên không cần thay quần áo. Anh biết không, áo măng tô cũng không cởi, cứ thế ngồi lên bàn mà ăn. Mâm cơm cứ đặt ngay lên mặt lò sưởi Kotatsu. Tôi bưng bát ngồi nhìn, thấy sao mà kỳ quặc.
– Chà, cứ như là ông tướng đi kiểm tra đầu lâu ấy nhỉ. Nhưng cái đó cho thấy anh Kushami là anh Kushami… dẫu sao cũng không phải là một người tầm thường, một “chukinami”[45]. – Ông ta tha thiết ca ngợi.
– Chukinami hay không thì phụ nữ chúng tôi không biết. Gì thì gì chứ như thế thì quá thô thiển.
– Nhưng vẫn còn hơn là “chukinami” chứ?
Nghe ông ta cố ý đế thêm như vậy, bà chủ có vẻ không hài lòng, vụt quay ra chất vấn về cái gọi là “chukinami”:
– Thế thì cái chukinami, chukinami mà lúc nào các anh cũng nói ấy, nó là cái gì?
– “Chukinami” à? Chukinami là cái… chà thế mà hơi khó giải thích nhỉ!
– Mập mờ như vậy thì chắc “chukinami” cũng có vẻ là tốt, phải không?
Bà chủ tấn công dồn dập theo phương pháp logic của riêng phái nữ.
– Không phải mập mờ đâu, rất rõ ràng đấy. Chỉ có điều là khó giải thích thôi.
– Tất cả những cái gì mình không ưa thì đều cho là “chukinami” chứ gì?
Bà chủ bất chợt nêu cái tự mình phát minh ra. Đến nước này thì bắt buộc Meitei phải tìm cho “chukinami” một cái định nghĩa của nó.
– Chị ạ, “chukinami” trước hết là chỉ những người mà:
“Xuân xanh chừng độ hai lần tám
Tuổi trẻ đang thì cũng đáng yêu
Suốt ngày nằm khểnh vô lo nghĩ
Chờ khi trời đẹp thì lên đê
Xách theo bầu rượu, vui thoả thuê”[46]
– Lại còn có cả cái loại người như thế nữa cơ à?
Bà chủ không hiểu gì nên đáp cho qua chuyện. Cuối cùng thì đành nhượng bộ, bảo:
– Lộn xà lộn xộn, tôi chả hiểu gì.
– Thế thì lắp cổ Major Pendennis[47] vào thân Bakin[48] rồi gói vào không khí châu u một hai năm chăng?
– Làm như vậy thì có được “chukinami” à?
Meitei không trả lời mà cười bảo:
– Chẳng cần phải cầu kỳ như thế cũng có thể có được. Chỉ cần lấy một cậu học sinh trung học cộng với cậu quản lý nhà hàng Siroki (Bạch Mộc, gỗ trắng) rồi chia đôi ra là có được sự “chukinami” tuyệt vời rồi.
– Thế à?
Bà chủ ngoẹo cổ, có vẻ như khó chấp nhận điều đó.
Ông chủ đã về từ lúc nào, ngồi xuống cạnh Meitei, hỏi:
– Cậu vẫn còn ở đây à?
– Vẫn còn ở đây à? Hỏi gì mà quá đáng. Cậu chả bảo là tôi đi một chút rồi về ngay, chờ nhé là gì?
Bà chủ quay nhìn Meitei, nói:
– Đấy, bao giờ cũng thế đấy.
– Vừa rồi, trong lúc cậu đi vắng, tôi đã được nghe hết những giai thoại về cậu rồi đấy.
– Đàn bà là cứ lắm chuyện, rất dở. Giá con người mà biết giữ được im lặng như mèo thì có phải hay không.
Ông chủ nói và vuốt ve đầu tôi.
– Nghe nói cậu đã cho con nhỏ ăn củ cải mài hả?
Ông chủ cười:
– Hì… Trẻ thơ bây giờ chúng nó khôn lắm. Từ sau lần đó, cứ hỏi cay chỗ nào con là nó thè lưỡi ra rất kỳ diệu.
– Cứ như là huấn luyện chó làm xiếc ấy, thật quá quắt. Chắc Kangetsu cũng sắp đến rồi đấy.
Ông chủ hỏi với vẻ khó hiểu:
– Kangetsu sẽ đến à?
– Sẽ đến mà. Tôi đã gửi bưu thiếp, hẹn cậu ấy đến đây vào khoảng trước 1 giờ.
– Cậu thật tùy tiện. Không thèm hỏi xem người khác bận hay rỗi, cứ làm theo ý mình. Cậu hẹn Kangetsu đến đây làm gì?
– Không phải thế. Việc hôm nay không phải chủ trương của tôi mà là yêu cầu của chính thầy Kangetsu đấy. Thầy ấy bảo là sẽ phải diễn thuyết ở hội đồng khoa học gì đó, nên phải tập trước và yêu cầu tôi nghe thử. Tôi bảo thế thì tốt quá, tôi sẽ bảo cả anh Kushami cùng nghe. Vì thế mới hẹn cậu ấy đến nhà cậu, hiểu chưa? Có gì đâu, rất đúng dịp tốt là cậu luôn rảnh rỗi mà. Cậu ta là người không có gì đáng ngại, nghe cũng được chứ sao?
Meitei tự mình quyết định như vậy. Ông chủ có vẻ tức với sự quyết đoán của Meitei, bảo:
– Diễn thuyết về vật lý vật lung thì tôi làm sao mà hiểu được?
– Nhưng đó không phải vấn đề khô khan, vô vị như kiểu vòi phun có gắn nam châm đâu. Đây là bài diễn thuyết cao siêu về lực học treo cổ, nghe rất có giá trị.
– Cậu treo cổ trượt thì cậu nghe chứ tôi thì…
– Cái loại phát sốt rét vì tuồng Kabuki thì không thể kết luận là không cần nghe đâu.
Meitei lại tếu như mọi khi. Bà chủ nhìn ông chủ, cười hí hí rồi lui về phòng bên. Ông chủ không nói gì im lặng xoa đầu tôi. Chỉ những lúc như thế này là ông xoa rất cẩn thận.
Sau đó khoảng 7 phút, đúng như đã hẹn, Kangetsu đến. Hôm nay anh phải “diễn thiệt”[49] (múa lưỡi) nên mặc áo vét đuôi tôm rất bảnh chưa từng thấy, cổ cồn mới giặt dựng đứng, làm tăng vẻ đẹp trai thêm 20 phần trăm. Anh ta từ tốn chào:
– Em xin lỗi đã đến muộn mấy phút.
– Hai người chúng tôi sốt ruột chờ cậu từ nãy đến giờ đấy. Xin mời cậu cho nghe ngay đi thôi. Có phải thế không nhỉ?
Meitei nhìn ông chủ nói. Ông chủ đành chỉ ậm ừ trả lời: “Ừ”. Kangetsu không vội vã, bảo:
– Cho em xin một cốc nước đi.
– Này, cậu làm thật đấy à? Rồi sau đó bắt chúng tôi vỗ tay hả?
Meitei tự mình làm náo nhiệt. Kangetsu lôi từ trong túi ra tập bản thảo, điềm tĩnh nói mào đầu:
– Đây là làm để tập dượt nên rất mong quý vị góp ý thẳng thắn, đừng e ngại gì cả.
Thế rồi anh ta bắt đầu tập luyện sự “múa lưỡi” của mình:
– Xử tội nhân bằng cách treo cổ là phương pháp được tiến hành chủ yếu trong tộc người Anglo-Saxon. Nhưng xét về thời cổ đại, thì đó chủ yếu là một phương pháp tự sát. Dân Do Thái thì có phong tục ném đá vào tội nhân. Nghiên cứu Cựu ước toàn tập thì thấy “hanging” là một từ chỉ một việc làm được chấp nhận, nghĩa là treo thi thể tội nhân lên cho thú dữ hoặc chim muông ăn. Theo Herodotos (sử gia Hy Lạp cổ đại) thì người Do Thái từ trước khi rời bỏ Ai Cập, họ đã coi việc bị phơi thây trong đêm là cảnh tượng ghê tởm, không muốn nhìn thấy. Người Ai Cập cắt cổ tội nhân, chỉ có thân mình của tội nhân bị đóng đinh treo trên cây thánh giá và phơi xác trong đêm. Còn người Ba Tư thì…
Meitei nói chen vào:
– Này Kangetsu, sao dần dần đi xa vấn đề treo cổ thế? Có sao không đấy?
– Bây giờ sẽ đi vào nội dung chính đây. Xin quý vị bình tĩnh, cố gắng lắng nghe. Nói về người Ba Tư thì thế nào? Ở đây hình như cũng có áp dụng hình thức phanh thây, có điều là đóng đinh để phanh thây khi người đó còn sống hay sau khi đã chết? Điều này hoàn toàn chưa rõ.
– Cái ấy thì không rõ cũng chẳng sao.
Ông chủ nói rồi ngáp với vẻ chán ngán.
– Vẫn còn nhiều chuyện muốn trình bày nữa, nhưng sợ làm phiền quý vị…
– Nói là đến đây để làm phiền thì dễ nghe hơn chỉ nói là làm phiền. Nhỉ, phải thế không, Kushami?
Meitei lại chỉ trích, ông chủ trả lời hờ hững:
– Cái nào cũng thế cả.
– Nào, bây giờ xin nói vào vấn đề chính.
– “Nói”, nghe có vẻ như giáo viên lên lớp ấy. Cậu là nhà “diễn thiệt” thì cậu phải tìm cái từ nào nghe kêu hơn một tí chứ?
Thầy Meitei lại phá quấy. Kangetsu hỏi, vẻ tức tối:
– Dùng “nói” thì bảo là tầm thường, vậy thì dùng từ nào mới được?
Ông chủ muốn mau chóng chấm dứt chỗ rắc rối, nói.
– Cái cậu Meitei này, không biết là nghe hay phá quấy đây. Kangetsu đừng bận tâm đến con ngựa kham ấy làm gì, cứ nói đi.
– Thế thì “tức giận mà trình bày, là cây liễu này đây”[50], phải không nhỉ?
Meitei vẫn tếu táo. Kangetsu bật cười, tiếp:
– Theo kết quả tôi đã tìm ra thì hình phạt treo cổ chính thức được áp dụng có trong tập 22 của Odyssey. Tức là vụ Telemachus xử treo cổ 12 nữ tỳ của Penelope. Nguyên bản này tôi có thể đọc bằng tiếng Hy Lạp, nhưng hơi điệu quá nên thôi. Xin quý vị cứ nhìn từ dòng 465 đến dòng 473 sẽ rõ.
– Tiếng Hy Lạp thì thôi. Cậu ta muốn khoe mình biết tiếng Hy Lạp đấy anh Kushami nhỉ!
– Cái đó tôi đồng ý. Không nên tham lam như vậy lại sâu sắc hơn, hay hơn.
Không hiểu từ lúc nào, ông chủ đã đứng về phía Meitei. Cả hai đều không biết một tiếng Hy Lạp nào.
– Thế thì mấy câu này tối nay bỏ đi. Bây giờ xin trình bày tiếp. Cái việc treo cổ này, ngày nay chúng ta có thể hình dung có hai phương pháp: Một là Telemachus được Eumaeus và Philiscius tiếp tay buộc một đâu dây lên cột. Trong cái dây ấy có khoét những cái lỗ, đút đầu các tỳ nữ vào, rồi kéo đầu dây kia, treo lên.
– Tức là, cứ tưởng tượng các tỳ nữ này treo lủng lẳng như một chuỗi quần áo, trên dây phơi của một tiệm giặt, là được chứ gì?
– Vâng, đúng là như vậy. Phương pháp thứ hai là một đầu dây cũng buộc lên cột như lúc nãy, còn một đầu buộc cao trên trần nhà từ trước. Từ cái dây này thòng xuống những sợi dây khác, ở đó có những vòng thắt sẵn, đút đầu các tỳ nữ vào, rồi bất chợt lấy những cái bệ dưới chân các cô gái đi. Đại ý là như vậy.
– Nói một cách ví von thì tưởng tượng nó như một chuỗi đèn lồng, mà mỗi đầu dây xâu một chiếc vòng đèn lồng, được không?
– Vòng đèn lồng là cái gì? Tôi chưa nhìn thấy bao giờ nên không có ý kiến gì. Nếu có cái đó thì cũng có thể là như vậy! Bây giờ nói về lực học thì ở trường hợp thứ nhất sẽ chứng minh là hoàn toàn không có khả năng thực hiện nên không xảy ra.
– Hay nhỉ.
Meitei nói. Ông chủ cũng nhất trí:
– Ừ, hay đấy.
– Chúng ta hãy giả định là các cô gái được treo ở cùng một khoảng cách, đồng thời sợi dây nối cổ các cô gái ở gần mặt đất nhất là phương nằm ngang, ở đây α1, α2,… α6 là góc độ tạo thành giữa cái dây và mặt phẳng, T1, T2,… T6 là lực tác động lên các phần của dây. T7=x là lực mà bộ phận dây chịu nhiều nhất. Còn W thì xin hiểu là trọng lượng cơ thể các cô gái. Thế nào, các vị đã hiểu chưa ạ?
Meitei và ông chủ nhìn nhau rồi trả lời “Ừ, tương đối hiểu”. Có điều, cái mức độ “tương đối” này là do hai ông tùy tiện đưa ra nên người ngoài không thể biết được nó là bao nhiêu.
– Nào, bây giờ theo nguyên lý tính cân bằng của hình đa giác mà các vị đã biết, chúng ta sẽ thành lập được 12 phương trình sau đây:
T1cosα1 = T2cosα2… (1), T2cosα2 = T3cosα3… (2)…
– Thôi, cái phương trình, phương thức ấy thế là đủ lắm rồi. – Ông chủ nói một cách trắng trợn.
– Chính cái phương thức này mới là cốt lõi của bài diễn thuyết mà.
Anh Kangetsu tỏ ra vô cùng luyến tiếc phần còn lại. Meitei thì có vẻ hơi nhún nhường, đề nghị:
– Vậy thì riêng cái phần cốt lõi ấy để nghe sau vậy.
– Nếu lược bỏ các phương trình này thì công trình nghiên cứu lực học rất công phu cũng đâm ra hỏng mất…
Ông chủ nói rất thản nhiên:
– Thôi, không cần tiếc rẻ gì, cứ lược hết đi.
– Vậy thì theo ý kiến thầy, đành bỏ đi vậy.
– Như vậy là hay đấy! – Đúng vào lúc tế nhị nhất thì Meitei nói và vỗ tay bốp bốp.
– Bây giờ chuyển sang nói về nước Anh. Trong tác phẩm Beowulf có giá treo cổ, tức là ta có thể nghĩ là luật treo cổ đã được tiến hành từ thời đại này. Theo Blackston thì những phạm nhân bị xử treo cổ, nếu vạn bất đắc dĩ, do cái dây mà không chết được thì lại phải nhận lại hình phạt ấy một lần nữa. Có cái lạ là trong Piers Flowman có một câu là “dù tội nặng đến đâu cũng không có luật xử treo cổ hai lần”. Chẳng biết cái nào đúng, nhưng có điều, có bằng chứng rõ ràng là có thể có người không thể chết trong một lần. Năm 1786 có sự kiện xử treo cổ tên tội phạm khét tiếng Fitz Gerald, do tình thế bất ngờ, lần thứ nhất khi nhảy ra khỏi bệ thì dây bị đứt. Làm lại lần thứ hai thì lần này dây quá dài, chân chạm đất, thế là cũng không thể chết được. Cuối cùng đến lần thứ ba thì phạm nhân đã được những người đi xem giúp cho chết được.
– Chà, chà…
Đến chỗ này Meitei bỗng trở nên hăng hái. Cả ông chủ cũng sôi nổi:
– Đúng là chết hụt nhỉ.
– Còn cái này nữa mới hay. Nghe nói là sau khi thắt cổ thì lưng hắn dài ra thêm một phân. Cái này bác sĩ đã đo chính xác, nên không sai.
– Đó là một phương pháp mới đấy nhỉ? Cậu Kushami mà được treo thử một lần thì hay đấy. Dài thêm được một phân thì sẽ không thua kém mọi người đâu.
Meitei quay sang bảo ông chủ thế. Không ngờ ông chủ hỏi rất nghiêm túc:
– Này Kangetsu, có trường hợp lưng dài thêm một phân mà sống lại được à?
– Cái đó thì nhất định là không rồi. Bị treo lên thì cột sống dãn ra, không phải là dài ra mà chính là bị vỡ cột sống.
– Thế thì thôi, chẳng làm nữa. – Ông chủ đành từ bỏ ý định.
Nội dung tiếp theo của bài diễn thuyết vẫn còn dài. Đáng lẽ anh Kangetsu còn đề cập đến tác dụng sinh lý của việc thắt cổ nữa, nhưng vì Meitei cứ nói chen vào những lời lung tung, còn ông chủ thì thỉnh thoảng ngáp vặt, không thèm để ý nên cuối cùng nhà diễn thuyết đã bỏ về giữa chừng.
Tối hôm đó anh Kangetsu đã hùng biện như thế nào với thái độ ra sao thì vì ở xa, tôi không biết được.
Hai ba ngày sau đó, không có gì xảy ra. Một hôm vào khoảng 2 giờ chiều, ông Meitei lại vô tư, bình thản như “ngẫu nhiên đồng tử” tìm đến như mọi khi. Vừa ngồi xuống, ông ta nói ngay, cứ như là đến để báo tin đặc biệt về Lữ Thuận thất thủ không bằng.
– Này, cậu đã nghe vụ Takanawa của Ochi Tofu chưa?
– Không biết. Gần đây tôi có gặp đâu.
Ông chủ thì lúc nào cũng ủ dột như lúc nào.
– Hôm nay, mặc dù rất bận, tôi vẫn cố cất công đến đây để cho cậu biết một chuyện thất sách của cái cậu Đông Phong tử ấy.
– Lại nói thánh nói tướng rồi. Cậu đúng là một kẻ bất liệt[51].
– Ha ha ha… có lẽ là “vô liệt” chứ không phải “bất liệt” đâu. về điểm này, mong cậu phân biệt rõ cho, nếu không sẽ ảnh hưởng đến danh dự của tôi đây.
– Thì cũng thế cả mà.
Ông chủ nói mạnh. Và cuộc tái viếng thăm của “thiên nhiên cư sĩ” thực thụ bắt đầu:
– Nghe nói chủ nhật tuần trước cậu Đông Phong tử đã đi chùa Sengaku Takanawa. Trời lạnh thế này lẽ ra không nên đi, thế mà lại đi. Thứ nhất là, những người tìm đến chùa Sengaku vào lúc này chỉ là những người nhà quê, không biết Tokyo…
– Đấy là quyền tự do của Tofu, cậu không có quyền ngăn cản nó.
– Đúng rồi, không có quyền. Nhưng thôi, quyền thì có hay không cũng chẳng sao, nhưng trong chùa có cuộc trưng bày, triển lãm của cái gọi là “Hội bảo tồn di vật nghĩa sĩ”, cậu có biết không?
– Ừ, không.
– Không biết hả? Nhưng cậu đã từng đi Sengaku rồi chứ?
– Không.
– Không à? Thế này thì kinh ngạc quá. Đây là một sự bào chữa bằng đạo lý cho Tofu đây! Dân Edo mà không biết chùa Sengaku thì thật đáng xấu hổ.
– Không biết cũng vẫn làm giáo viên được kia mà! – Ông chủ lại càng thiên nhiên cư sĩ hơn.
– Cái đó không sao. Cái cậu Tofu ấy vào xem triển lãm thì ở đó có một đôi vợ chồng người Đức. Đầu tiên họ hỏi Tofu cái gì đó bằng tiếng Nhật. Nhưng tiên sinh vốn rất thích nói tiếng Đức, nên mới liến láu thử hai ba câu và không ngờ nói rất tốt. Sau này nghĩ lại mới thấy, không ngờ đó lại chính là mầm móng của tai họa.
– Sau đó làm sao?
Kết cục, ông chủ đã bị câu chuyện lôi cuốn, hỏi.
– Người Đức đó thấy cái hộp sơn mài đựng con dấu của Otaka Gengo thì hỏi có bán không? Tofu trả lời rất hay rằng người Nhật toàn là những người quân tử thanh liêm, không bán được. Cái đó thì tốt rồi. Nhưng sau đó người Đức ấy muốn được giải thích đầy đủ, cặn kẽ hơn nên hỏi rất nhiều.
– Hỏi những cái gì?
– Hỏi gì thì nếu mà hiểu được đã chẳng phải lo. Đằng này, đã nói nhanh lại hỏi toàn những cái khó nên Tofu mới bí. Cậu ta chỉ thỉnh thoảng nghe được là họ hỏi về cái Tobikuchi[52] và cái búa gỗ (cái vồ) nhưng những cái này dịch sang tiếng Tây là gì đây? Vì chưa học nên tiên sinh nhà ta không biết.
– Đúng thế thật!
Ông chủ ngẫm đến thân phận cái nghề dạy học của mình nên tỏ ý thông cảm.
– Lúc đó những người rỗi việc xúm lại, vây kín xung quanh Tofo và người Đức nọ, để xem. Tofu mặt đỏ gay, ấp a ấp úng. Khí thế ban đầu biến đi đâu mất, tiên sinh trở nên yếu đuối.
– Cuối cùng thì thế nào?
– Cuối cùng, hình như Tofu không chịu đựng nổi nữa bèn nói “sai na ra” bằng tiếng Nhật rồi quấy quả bỏ đi. “Sai na ra” thì nghe lạ nhỉ? Tôi hỏi Tofu ở quê cậu, khi chia tay nói là “sai na ra” à? cậu ta bảo không vẫn nói là “sa yo na ra” (tạm biệt), nhưng vì đó là người Đức nên tớ nói thế cho cân xứng. Tôi thật lấy làm khâm phục cậu ta. Một con người khi cùng quẫn vẫn không quên giữ “cân xứng”.
– Sai na ra cũng được, nhưng, thế người Tây phương đó làm thế nào?
– Ông ta bị bất ngờ, cứ ngớ ra. Ha ha… Cậu thấy có hay không?
– Chả có gì hay cả. Có thế mà cũng cất công đến đây như cậu thì mới hay hơn nhiều!
Ông chủ nói và gạt tàn thuốc vào đĩa. Đúng lúc đó, chuông ngoài cửa réo như nảy lên, rồi có tiếng phụ nữ lanh lảnh “Xin lỗi, cho nhờ một chút”. Ông chủ và Meitei bất chợt im lặng nhìn nhau.
Khách phụ nữ đến nhà ông chủ là một việc hiếm thấy. Người chủ sở hữu của cái giọng lanh lảnh này kéo lê trên sàn chiếu hai lớp vải đũi lồng vào nhau mà vào phòng. Tuổi bà này có lẽ trên 40. Từ mép tóc đã được chải vén lên, mái tóc phía trước búi cuộn ngược như một bờ đê, ít nhất cũng cao bằng nửa chiều dài của mặt, vứt ngược lên trần nhà. Hai con mắt đối diện nhau qua một đường thẳng, xếch ngược lên. Độ dốc của nét xếch này phải ngang với độ dốc của cái đèo. Còn đường thẳng giữa hai mắt thì cứ hình dung là nhỏ như sợi chỉ. Chỉ riêng cái mũi thì rất to, trông cứ như lấy trộm mũi của người khác mà đặt lên mặt vậy. Người ta có cảm giác như đem chiếc bệ đá cột đèn của đền Chiêu hồn đặt vào một mảnh vườn khoảng ba chư-bô, trông thì rất uy nghi bệ vệ, nhưng sao thấy không vững chãi. Cái mũi diều hâu thì bắt đầu một cách hăng hái, cao vút lên, giữa chừng chắc thấy khí thế hơi quá nên vội từ tốn lại, đến chặng cuối thì không còn khí thế như trước nữa, quặp trĩu xuống, nhòm vào cái miệng bên dưới. Với cái mũi thế này, khi người đàn bà này nói, có cảm giác như cái mũi đang nghe cái miệng hơn là cái miệng đang nói. Để bày tỏ sự kính phục đối với cái mũi vĩ đại này, tôi quyết định từ nay trở đi sẽ gọi bà này là Bà Mũi[53]. Bà Mũi sau khi chào hỏi xã giao, nhìn lướt một vòng khắp nhà rồi khen “nhà tốt quá nhỉ”, ông chủ hít mạnh thuốc lá, trong bụng hét thầm “đồ giả dối”. Meitei ngước nhìn trần nhà, nói khích ông chủ:
– Này cậu, những chỗ lốm đốm kia là vân gỗ hay do mưa dột thế hả?
– Tất nhiên là do mưa.
Ông chủ trả lời. Meitei nói thêm:
– Tốt quá nhỉ!
Bà Mũi tức tối nghĩ bụng “cái bọn người chẳng biết xã giao tí nào”. Ba người ngồi như ba ông đồ rau một lúc lâu, không ai nói gì. Rồi bà Mũi lên tiếng:
– Tôi có một việc muốn hỏi nên đến đây.
– Vâng.
Ông chủ đáp lạnh nhạt. “Cứ thế này thì không được!”, bà Mũi nghĩ và nói tiếp:
– Tôi là người ở gần đây. Nhà tôi ở góc đường, trong ngõ kia.
– Cái nhà Tây to, có cả nhà kho phụ, có cái biển đề là Kaneda (Kim Điền – ruộng tiền) có phải không?
Ông chủ đã nhận thức được cái nhà Tây Kaneda, cái nhà kho Kaneda, nhưng xem ra mức độ tôn kính đối với bà Kaneda thì vẫn như cũ.
– Thực ra thì nhà tôi muốn đích thân đến đây nói chuyện với ông, nhưng công việc công ty rất bận…
Lần này bà nói với ánh mắt “đã biết chưa, thấm rồi chứ?”, nhưng ông chủ chả thay đổi gì. Lời lẽ của bà Mũi từ nãy đến giờ, với tư cách là một phụ nữ mới gặp lần đầu mà ăn nói quá thô đã làm ông phật ý.
– Chắc ông cũng đã biết, chúng tôi không chỉ có một mà là hai, ba công ty, mà công ty nào chúng tôi cũng có trọng trách cả…
Vẻ mặt bà như muốn nói “cái này thì đáng nể chứ?”. Vốn dĩ ông chủ là người, nếu mà nói đến giáo sư, tiến sĩ gì đó thì ông ta nể, chứ rất lạ là mức độ kính trọng của ông đối với các nhà doanh nghiệp lại rất thấp. Ông ta tin rằng cái chức giáo viên trung học của ông oai hơn doanh nhân. Dẫu không tin như vậy thì với bản chất không thức thời, ông cũng đoạn tuyệt mọi sự nhờ vả cũng như ân sủng của những doanh nhân, những kẻ lắm tiền, coi đó là sự mờ ám. Đã không có ý định nhờ vả như vậy thì dẫu có là người giàu có hay thế lực đến đâu cũng chẳng liên quan gì đến ông cả. Vì vậy, ngoài xã hội học giả ra, ông hoàn toàn xa lạ với mọi lĩnh vực. Đặc biệt đối với giới doanh nhân, ông không hề biết ai làm gì, ở đâu. Mà có biết thì ông cũng không hề mảy may tôn kính hay nể sợ. Về phía bà Mũi, ngay cả trong mơ, bà ta cũng chưa bao giờ nghĩ rằng ở một xó dưới gầm trời này lại có một con người kỳ quặc như thế này, mà cũng đang sống, đang sưởi ánh mặt trời nữa. Từ trước đến nay bà đã từng tiếp xúc với nhiều người đời, cứ hễ nói “tôi là vợ ông Kaneda” thì chưa bao giờ có một trường hợp nào mà người nghe lại không vội vàng thay đổi ngay cách đối xử. Trong bất kỳ cuộc hội họp nào, trước bất kỳ một người có địa vị cao đến đâu, phu nhân Kaneda cũng qua được hết. Còn cái loại học trò già, bị khói hun thế này thì chỉ cần nghe nói “nhà ở góc đường trong ngõ kia” thôi, chưa cần biết làm nghề gì đã phải giật mình rồi mới phải chứ!
– Cậu có biết người tên là Kaneda không?
Ông chủ thản nhiên hỏi Meitei. Meitei nghiêm túc trả lời:
– Biết chứ. Ông ấy là bạn của bác tôi mà. Vừa rồi cũng đi dự cái Hội viễn du gì đó.
– Ủa… Bác cậu là ai?
– Là Nam tước Makiyama.
Meitei càng nghiêm túc hơn. Ông chủ còn chưa nói gì thì bà Mũi đã vội quay sang nhìn Meitei, Meitei mặc kimono vải dệt Osima, quàng khăn lụa Ấn Độ.
– Ối chà, ông là thế nào với ngài Makiyama cơ? Thế mà tôi không biết, thật thất lễ với ông quá! Nhà tôi vẫn nói đã chịu ơn ngài Makiyama giúp đỡ rất nhiều.
Bà ta chợt đổi giọng, rất lễ độ, lại còn cúi chào nữa. Meitei cười “Ôi, không phải đâu? hí hí…” Ông chủ không hiểu gì, im lặng nhìn hai người.
– Xung quanh chuyện nhân duyên của con gái chúng tôi, quả thật chúng tôi đã nhờ vả, quấy quả ngài Makiyama rất nhiều…
– Ồ, thế à?
Về chuyện này, hình như Meitei cũng hơi bị bất ngờ nên giọng nói hơi giả tạo.
– Thực ra thì cũng có nơi này nơi nọ đánh tiếng đấy. Nhưng về phía chúng tôi, chúng tôi cũng có địa vị của mình, thành ra cũng chưa đâu vào đâu…
– Đúng thế đấy!
Meitei đã yên tâm. Bà Mũi quay sang ông chủ, giọng lập tức trở nên sỗ sàng:
– Tôi muốn hỏi ông về chuyện đó đấy. Nghe nói có người tên là Mizushima Kangetsu vẫn thường lui tới chỗ ông đây, tôi muốn biết đại thể anh ta là người như thế nào?
Ông chủ nói dấm dẳng:
– Bà hỏi về Kangetsu để làm gì?
– Chắc là chuyện có liên quan đến hôn nhân quý tiểu thư, nên bà muốn biết về lai lịch, tính cách của anh Kangetsu phải không? – Meitei rất nhạy cảm.
– Nếu được biết về những cái đó thì rất may.
– Có nghĩa là bà muốn gả con gái bà cho Kangetsu phải không?
– Tôi không nói là muốn gả.
Bà Mũi lập tức cho ông chủ thua.
– Cũng còn nhiều nơi khác, chẳng lo gì mà cần phải cố gả cho anh ấy.
Ông chủ lại gắng sức:
– Vậy thì cần gì phải hỏi về Kangetsu nữa?
– Nhưng ông cũng không có lý do gì cần phải che giấu cả.
Bà Mũi đã hơi bắt đầu kiểu cãi nhau. Meitei cầm chiếc tẩu bạc, ngồi giữa hai người như cầm chiếc quạt trọng tài sumo, trong lòng thầm reo “chà, chà, sắp bắt đầu đây!”. Ông chủ đẩy tay trước:
– Vậy anh Kangetsu có nói là muốn lấy con bà không?
– Không nói là muốn, nhưng…
– Nhưng bà nghĩ là anh ấy muốn chứ gì?
Hình như ông chủ đã giác ngộ rằng, với bà này thì chỉ có đẩy tay (tấn công) mới được.
– Chuyện chưa đi đến chỗ như vậy, nhưng với anh Kangetsu thì cũng không phải là không đáng mừng hay sao? – Bà ta đã lấy lại thế ở ngoài mép sàn đấu.
– Kangetsu có biểu hiện gì là đã yêu con bà chưa?
Ông chủ cong người chống đỡ với ngụ ý “có thì thử nói xem nào?”
– Cái đó thì cũng có đấy.
Lần này đòn tấn công của ông chủ đã không có hiệu lực. Từ nãy đến giờ, Meitei đóng vai trò người xem, nghe bà Mũi nói thế, có lẽ lòng tò mò nổi lên, bèn đặt cái tẩu xuống, vươn người về phía trước:
– Kangetsu đã gửi thư hay cái gì cho quý tiểu thư chưa? Chuyện này thú vị thật. Năm mới lại có thêm một giai thoại làm tư liệu tuyệt vời đây!
Meitei tự thấy phấn khởi. Bà Mũi mỉa mai gây sự:
– Không có thư, nhưng mà còn hơn cả thư nữa. Cả hai ông đều đã biết rồi đấy!
– Cậu biết à?
Ông chủ vẻ ngơ ngác hỏi Meitei. Meitei nói giọng ngớ ngẩn:
– Tôi không biết. Người biết là cậu chứ?
Ông ta tỏ ra khiêm tốn trong trường hợp vớ vẩn này. Chỉ có mỗi bà Hanako là rất tự hào:
– Không, đây là chuyện cả hai ông đều biết mà!
– Hả!? – Cả hai người đều cảm thán.
– Nếu các ông quên rồi thì tôi xin nói cho mà nghe. Dạo cuối năm ngoái, có cuộc hòa nhạc ở dinh thự ngài Abe ở Mukojima, anh Kangetsu chả đi dự là gì? Đêm hôm đó, trên đường về, cái gì đã xảy ra trên cầu Azuma? Anh ấy “không nói rõ ra vì sợ làm phiền cho người trong cuộc”. Chỉ thế thôi cũng quá đủ chứng cớ rồi. Vậy thì đó là cái gì?
Bà Mũi đặt hai bàn tay đeo nhẫn kim cương lên đầu gối, ngồi thẳng người lại trong tư thế cứng đơ. Chiếc mũi vĩ đại dần dần thay đổi màu, coi ông chủ và Meitei có cũng như không vậy. Trong trường hợp bất ngờ thế này, nói chi đến ông chủ, ngay cả Meitei cũng như kẻ mất hồn, ngồi ngớ ra một lúc, trông như vừa qua cơn sốt rét. Sự kinh ngạc, như cái đai siết chặt quanh người, dần dần dãn ra, họ lấy lại tư thế lúc trước, cảm giác hài hước ập tới. Hai người như trước, đồng thanh cười phá lên, cười rũ, cười rượi. Chỉ có bà Mũi là ngoài sự mong muốn, bà lườm hai người như muốn bảo “cười trong chuyện này là quá hỗn xược”.
– Đó là quý tiểu thư à? Thì ra là thế! Vậy thì được. Đúng như bà nói. Nhỉ, anh Kushami nhỉ? Đúng là cậu Kangetsu có để ý đến quý tiểu thư, không sai rồi… Thôi, có giấu cũng chẳng được, phải khai ra thôi.
– Ừ.
Ông chủ biết nghe theo. Bà Mũi lại kiêu hãnh:
– Thực ra có giấu cũng không thể giấu được, đã có chứng cớ rồi.
– Thế này thì hết đường rồi. Sẽ phải nói hết sự thật về cậu Kangetsu để bà tham khảo thôi. Này, Kushami, cậu là chủ nhà mà cười nhăn nhở như vậy thì còn ra cái gì nữa. Sự bí mật quả là đáng sợ thật! Thưa bà Kaneda, làm thế nào mà bà biết được bí mật này vậy? Thật kinh ngạc đấy!
Meitei tự nói một mình. Bà Mũi ra vẻ đắc thắng, nói:
– Tôi không có lơ là đâu.
– Bà đã quá không lơ là ấy chứ. Vậy bà đã nghe ai nói đấy?
– Nghe bà vợ ông hàng xe ngay sau nhà này chứ ai.
– Nhà hàng xe có con mèo đen ấy à? – Ông chủ tròn mắt kinh ngạc.
– Vâng, tôi đã nhờ bà ấy rất nhiều về việc anh Kangetsu. Mỗi lần anh ấy đến đây, nói những chuyện gì tôi đều nhờ bà ấy dò la, nghe ngóng hết.
Ông chủ nói rất to:
– Thế thì quá quắt lắm.
– Này ông, ông nói gì, làm gì tôi không quan tâm. Tôi chỉ để ý anh Kangetsu thôi.
Ông chủ tự nhiên nổi cáu:
– Chuyện anh Kangetsu hay chuyện ai cũng vậy. Tôi không bằng lòng về cái bà vợ nhà hàng xe ấy.
– Nhưng người ta đến đứng cạnh hàng rào nhà ông là quyền tự do của người ta chứ! Nếu ông không muốn bị người khác nghe thấy chuyện của mình thì một là nói bé đi, hai là ở cái nhà lớn hơn có được không?
Bà Mũi nói không ngượng chút nào.
– Chẳng phải chỉ có một mình bà hàng xe đâu. Tôi còn nghe người thầy dạy đàn nhị huyền ở trong hẻm nói rất nhiều chuyện nữa.
– Chuyện về anh Kangetsu ấy à?
– Không phải chỉ có anh Kangetsu thôi đâu.
Bà ta đã nói đến vấn đề hơi đáng sợ. Tưởng là ông chủ sẽ sợ, nào ngờ:
– Cái người thầy dạy đàn ấy chỉ được cái tỏ vẻ kiêu căng, cứ làm như chỉ mỗi mình mình là người thôi ấy. Rõ cái thằng dở hơi.
– Thưa quý ngài, người đó là đàn bà đấy ạ. “Thằng dở hơi” thì hơi bị nhầm đấy.
Lời lẽ của bà Mũi lại dần dần trở về bản chất gốc gác của nó. Kiểu này chắc bà ta đến đây để cãi nhau đây. Tình hình đến mức này thì Meitei rất Meitei, cứ theo dõi, lắng nghe cuộc đàm phán một cách thích thú. Mặt ông ta thản nhiên như ông tiên Thiết Quải[54] đang xem gà chọi nhau. Biết rằng việc giao thiệp bằng lời lẽ chua ngoa thì mình không thể địch nổi đối phương nên ông chủ đành ngồi im một lúc lâu. Rồi hình như chợt nhớ ra, ông cầu cứu Meitei:
– Cậu chỉ toàn nói cứ như là chính Kangetsu có tình ý với con gái bà này ấy. Nhưng theo như tôi nghe được thì hơi khác đấy Meitei ạ!
– Ừ, chuyện lúc đó nghe thì đầu tiên là quý tiểu thư bị ốm, nói mê sảng gì đó, nhỉ?
Bà Kaneda dùng lời lẽ của trường phái nói thẳng thừng:
– Không, làm gì có chuyện đó.
– Chuyện ấy, anh Kangetsu cũng nói là nghe qua bà vợ ngài tiến sĩ X nào đó mà.
– Đó là kế sách của chúng tôi. Chúng tôi nhờ phu nhân tiến sĩ X để thử ý anh Kangetsu thế nào đấy thôi.
– Phu nhân X biết chuyện đó và nhận lời à?
– Vâng. Nhận lời nhưng không phải chỉ nhận lời suông đâu, cũng phải có cái này cái khác đấy.
– Chắc bà kiên quyết nếu không hỏi được cặn kẽ về anh Kangetsu thì không về đâu nhỉ?
Hình như Meitei cũng hơi khó chịu, không biết từ khi nào, đã bắt đầu dùng lời lẽ khiếm nhã.
– Được thôi cậu, nói cũng chẳng mất cái gì. Mà mình cũng muốn nói cơ mà, Kushami? Thưa bà, nếu không có gì trở ngại, tôi và anh Kushami sẽ nói tất cả mọi sự thật về anh Kangetsu. Bà đã sẵn sàng nghe chúng tôi lần lượt nói tất cả chưa?
Bà Mũi cuối cùng đã chấp nhận và lần lượt đưa ra các câu hỏi. Lời lẽ, đã có lúc sỗ sàng, cũng trở lại tử tế như đối với Meitei lúc đầu.
– Nghe nói anh Kangetsu cũng là kỹ sư khoa học tự nhiên, vậy anh ấy học chuyên môn về ngành gì?
– Anh ấy nghiên cứu về từ trường trái đất, trong đại học viện.
Ông chủ trả lời rất nghiêm túc. Song, chẳng may bà Hanako lại chẳng hiểu thế nghĩa là thế nào. Bà nhăn mặt “hả” rồi hỏi:
– Học cái đó thì sẽ thành tiến sĩ à?
Ông chủ hỏi lại với vẻ khó chịu:
– Bà định nếu không thành tiến sĩ thì sẽ không gả con cho, có phải không?
– Vâng, nếu chỉ là kỹ sư bình thường thì bao nhiêu cũng có.
Bà Mũi trả lời thản nhiên. Ông chủ nhìn Meitei, nét mặt càng tỏ ra khó chịu. Meitei không mấy hài lòng, nói:
– Có thành tiến sĩ hay không thì chúng tôi không dám nói chắc. Vậy xin bà hỏi sang câu khác.
– Gần đây anh ấy cũng vẫn đang học cái gì ấy của địa cầu à?
Ông chủ nói chẳng cần phải giữ gìn gì:
– Cách đây vài ba hôm, anh ấy vừa trình bày vẻ kết quả nghiên cứu “lực học của sự thắt cổ” trong Hội đồng khoa học tự nhiên đấy.
– Trời ơi, khiếp thế. Thắt cổ thắt củng gì thì rõ là hâm quá đi rồi. Nếu thắt cổ gì đó như vậy thì không thể thành tiến sĩ được rồi, phải không?
– Nếu bản thân người đó thắt cổ thì khó đấy. Nhưng nếu là lực học của sự thắt cổ thì không phải không có khả năng đâu.
– Thế à?
Lần này bà ta quay sang dò xét nét mặt ông chủ. Đáng buồn là bà không hiểu ý nghĩa “lực học” nó là cái gì nên không được bình tâm lắm. Nhưng nếu cứ tiếp tục hỏi về cái này thì không lợi cho sĩ diện của bà Kaneda, nên bà chỉ nhìn mặt đối phương mà dò đoán. Mặt ông chủ thì khó đăm đăm.
– Ngoài cái đó ra, anh ấy có học cái gì dễ hiểu nữa không?
– À vâng, hôm trước anh ấy mới viết luận văn “Bàn về Stability của hạt dẻ” có liên quan đến chuyển động của các thiên thể đấy.
– Hạt dẻ mà cũng phải học ở trong trường đại học cơ à?
– Chà, tôi là người không có chuyên môn nên không rõ lắm. Nhưng đó là cái mà anh Kangetsu nghiên cứu thì chắc là có giá trị nghiên cứu lắm!
Meitei giễu cợt một cách tỉnh khô. Hình như bà Mũi đành từ bỏ những câu hỏi về học vấn, chẳng phù hợp với mình, nên đổi chủ đề:
– Bây giờ nói sang chuyện khác, hơi khác một chút. Tôi nghe nói là tết vừa rồi anh ấy ăn nấm, bị mẻ hai cái răng, có đúng không?
Dường như “câu hỏi này trúng vào vùng lãnh địa của mình đây”, Meitei lập tức cuống lên:
– Vâng, cái chỗ mẻ ấy đã được bánh dày bám vào, lấp kín rồi.
– Thế thì đoảng quá. Sao lại không dùng tăm nhỉ?
– Hôm nào gặp anh ấy, tôi sẽ nhắc.
Ông chủ cười khúc khích.
– Răng mà chỉ ăn nấm cũng bị mẻ thì thiết nghĩ chất lượng rất xấu, có phải thế không nhỉ?
– Không thể được đánh giá là tốt đâu, Meitei nhỉ?
– Không thể nói được là tốt đâu, nhưng mà cũng có nét đáng yêu lắm. Kể cũng lạ, không hiểu sao từ đó đến nay, cậu ta cứ để nguyên như vậy, không hàn lại. Chắc bây giờ vẫn còn mẩu bánh dày mắc ở trong đó. Một kỳ quan đấy!
– Anh ấy không có tiền hàn răng hay vì thích như vậy mà cứ để nguyên không hàn nhỉ?
– Bà cứ yên tâm. Anh ấy không thể cứ mang danh “người sứt răng cửa” lâu dài mãi được.
Meitei dần dần trở lại sôi nổi. Bà Mũi lại đưa ra vấn đề mới:
– Trong nhà ông đây có thư từ gì của anh ấy gửi đến không? Tôi muốn xem một chút.
– Bưu thiếp thì rất nhiều, xin mời bà xem.
Ông chủ mang từ phòng sách sang có tới ba, bốn chục tấm bưu thiếp.
– Không cần xem nhiều thế đâu, chỉ cần hai, ba tấm trong đó thôi…
– Đâu, đâu, để tôi chọn cho tấm nào tốt.
Thầy Meitei cầm một tấm bưu thiếp giơ lên, nói:
– Cái này thì hay đấy.
– Vẽ cả tranh à? Anh ấy khéo tay nhỉ. Đâu, cho tôi xem nào?
Bà ta nhìn vào, hơi cảm động, nói:
– Khiếp, con chồn à? Vẽ gì không vẽ lại đi vẽ con chồn lửng. Nhưng mà trông giống nhỉ.
Ông chủ cười bảo:
– Bà đọc những gì viết trong đó đi.
Bà Mũi bắt đầu cất tiếng đọc, nghe giống giọng cô sen vẫn đọc báo:
– “Đêm giao thừa tết âm lịch, những con chồn núi tổ chức hội viễn du, nhảy múa tưng bừng. Bài hát rằng ‘đêm nay, đêm giao thừa, những người đi săn trong núi cũng không đến đâu… Bung, bung, bung…’”
Bà ta có vẻ tức, bảo:
– Cái này là cái gì? Coi người khác là đồ nỡm à?
– Bà có thích cô tiên này không?
Meitei lại chìa ra một tấm bưu thiếp khác, vẽ một cô tiên có cánh đang chơi đàn tỳ bà.
– Cô tiên này mũi hơi nhỏ quá nhỉ?
– Nhỏ gì, thế là bình thường. Không cần để ý đến mũi nhiều, hãy đọc nội dung viết đi.
Lời viết là “Ngày xửa ngày xưa, có một nhà thiên văn học. Một đêm, như thường lệ anh ta leo lên đài cao, chăm chú ngắm nhìn những vì sao. Bỗng trên trời xuất hiện một tiên nữ xinh đẹp, đang gảy những bản nhạc kỳ diệu mà trên thế gian chưa từng nghe thấy bao giờ. Nhà thiên văn mải mê nghe nhạc, quên mất cái lạnh đang thấm vào người. Sáng hôm sau, người ta thấy sương phù trắng trên thi thể anh ta. Cái lão bộc dối trá ấy bảo đó là chuyện có thật.”
– Đây là cái gì thế hả? Chẳng có nghĩa lý gì cả. Thế này mà cũng là cử nhân khoa học đấy à? Có lẽ anh ta nên đọc cả tạp chí “Câu lạc bộ văn nghệ” nữa thì tốt đấy.
Kangetsu đã bị chơi tơi bời. Meitei lại nửa đùa nửa thật chìa ra tấm thứ ba:
– Còn cái này, thế nào?
Lần này là một chiếc thuyền buồm in hoạt bản như bình thường, bên dưới có viết rải rác những gì đó.
“Đêm qua trong nhà trọ
Cô geisha bé nhỏ, tuổi trăng tròn
mà cha cô giờ đã không còn…
Sáng sớm nay ngủ dậy; ngoài cồn
Chim choi choi kêu hoài chiêm chiếp
Làm cho cô muốn khóc cùng chim.
Cha của cô vốn là thủy thủ
Giờ ngủ yên dưới đáy đại dương. ”
– Hay quá nhỉ. Đáng phục đấy. (Anh ta) có thể nói chuyện được đấy chứ!
– Nói chuyện được hả?
– Vâng, cái này có thể ngâm với đàn shamisen được đấy.
– Đúng là ngâm shamisen được. Thế còn cái này?
Meitei cố đưa thêm một tấm nữa, nhưng bà Mũi đã tự quyết định:
– Thôi, xem bằng này là đủ rồi. Những cái khác thì thôi, không cần nữa. Tôi đã biết được là (anh ta) không đến nỗi ăn chơi bạt tử lắm rồi.
Những câu hỏi của bà Mũi về Kangetsu xem chừng đến đây là kết thúc. Bà ta đưa ra một yêu cầu hết sức tùy tiện:
– Tôi đã làm phiền ông nhiều. Việc tôi đến đây, xin các ông giữ kín cho, đừng nói với anh Kangetsu.
Phương châm của bà ta là muốn biết tất cả mọi thứ về Kangetsu nhưng không muốn Kangetsu được biết một tí nào về mình. Cả ông chủ lẫn Meitei đều trả lời hờ hững:
– Vâng.
– Lúc nào đó, tôi sẽ tạ ơn sau.
Bà ta hứa hẹn rồi đứng dậy. Hai người cũng đứng lên tiễn, rồi quay lại chỗ. Vừa về tới noi, Meitei bật hỏi:
– Thế là thế nào nhỉ?
Ông chủ cũng:
– Thế là thế nào nhỉ?
Cả hai đồng thanh hỏi nhau cùng một câu hỏi. Phòng bên cạnh, hình như bà chủ cũng hết nhịn nổi, bật cười khanh khách, khanh khách. Meitei nói lớn:
– Bà chủ ơi, một tiêu bản của “chukinami” vừa đến đây đấy. “Chukinami” mà đến mức ấy thì vui thật. Thôi, bà không cần phải giữ ý đâu, cứ cười cho thỏa thuê vào.
Ông chủ nói với giọng bất mãn:
– Trước hết là cái mặt, không thể chấp nhận được.
Nghe ông chủ tỏ vẻ ghét bỏ như vậy, Meitei hùa theo:
– Chiếc mũi chễm chệ giữa mặt, trông rất phong độ.
– Lại còn khoằm nữa chứ.
– Hơi quặp nhỉ? Mũi quặp thì kỳ lắm.
Meitei nói và cười khoái trá. Ông chủ cay cú nhận xét:
– Cái mặt lấn át chồng.
– Tướng ấy là một sản phẩm bị ế còn tồn đọng từ thế kỷ 19, được bày bán trên quầy của thế kỷ 20 đấy.
Meitei nói toàn những cái kỳ lạ. Vừa lúc đó bà chủ từ phòng trong đi ra, nhắc nhở một cách rất phụ nữ:
– Đừng có nói xấu nhiều quá thế, rồi lại bị bà vợ nhà hàng xe cho ăn đạn đấy.
– Cho ăn một ít đạn cũng là một liều thuốc đấy bà chủ ạ!
– Nhưng chê bai một bộ mặt sau lưng người ta thì thấp kém quá. Chẳng ai là người lại muốn có cái mũi như vậy cả. Hơn nữa, lại là một phụ nữ. Thật quá đáng!
Bà chủ bênh vực cho cái mũi của bà Mũi đồ thời cũng là gián tiếp bênh vực cho dung nhan của mình như vậy.
– Quá đáng gì mà quá đáng? Người ấy không phải là “phụ nhân” (phụ nữ, bà vợ) mà là “ngu nhân’’ (người ngu) đấy, phải không anh Meitei?
– Có thể là người ngu nhưng người ta là người rất oai quyền. Chẳng phải các anh đã được bà ta cho biết khá đủ móng vuốt của bà ta rồi đó sao?
– Liệu cô cho giáo viên là cái gì?
– Là cỡ ngang với nhà hàng xe sau nhà kia kìa. Muốn được nhân vật ấy tôn trọng thì chỉ có cách trở thành tiến sĩ thôi. Trước hết, không trở thành tiến sĩ như cậu là thất sách rồi, phải không bà chủ? – Meitei quay nhìn bà chủ, cười.
– Tiến sĩ hay tiến gì thì tóm lại cũng chả thành được.
Ông chủ đã bị ngay chính bà vợ loại bỏ rồi.
– Thế mà có khi thành tiến sĩ ngay bây giờ cũng chưa biết đâu. Cô đừng có mà khinh thường. Cô không biết chứ, ngày xưa, ông Isokrates đã viết tác phẩm lớn vào lúc 94 tuổi. Sophokles cho ra những kiệt tác làm ngỡ ngàng thiên hạ hầu hết là ở tuổi trên dưới 100. Simonides đã viết bài thơ kỳ diệu ở tuổi 80. Tôi ấy à…
– Chuyện dở hơi. Người đau dạ dày như anh sống được lâu như thế à?
Bà chủ đã dự tính tuổi thọ của ông chủ đâu ra đấy cả rồi!
– Láo quá. Thử đi hỏi ông Amaki xem? Nguyên do chính là vì cô cho tôi mặc cái áo kimono đầy mụn vá, với cái áo khoác vải sợi, màu đen, nhàu nát này nên mụ ấy mới coi khinh chứ. Từ ngày mai tôi sẽ mặc những thứ quần áo như anh Meitei đang mặc đây, cô hãy bỏ sẵn ra.
– Bỏ sẵn ra? Làm gì có những đồ sang trọng như vầy mà bỏ? Bà Kaneda lễ phép với anh Meitei là vì nghe tên ông bác của anh ấy chứ không phải lỗi tại áo kimono.
Bà chủ đã rũ được trách nhiệm của mình rất giỏi.
Nghe nói đến “bác”, ông chủ như chợt nhớ ra, hỏi:
– Cậu bảo cậu có bác mà hôm nay tôi mới nghe lần đầu. Từ trước đến nay cũng không nghe ai nói năng gì, có thật có không?
Nghe ông chủ hỏi, Meitei hết nhìn ông chủ lại nhìn bà chủ, vẻ như muốn nói “ta đang chờ đây”:
– À, ông bác ấy à? Bác tôi là một người hết sức gàn bướng, một người đã sống qua suốt thế kỷ 19 cho đến nay.
– Hi hi hi… Anh nói toàn những chuyện kỳ lạ quá. Thế bây giờ ông cụ sống ở đâu ạ?
– Ở Sizuoka. Mà không phải chỉ sống bình thường đâu. Cụ vẫn để búi tóc chonmage[55], thế mới sợ chứ! Bảo cụ đội mũ thì cụ kiêu ngạo nói “tao sống đến ngần này tuổi đầu, chưa bao giờ thấy lạnh vì không đội mũ cả”. Bảo cụ là trời lạnh lắm, ngủ thêm một chút nữa đi thì cụ bảo “con người ta mỗi ngày chỉ cần ngủ 4 tiếng đồng hồ là đủ rồi. Ngủ trên 4 tiếng là xa xỉ, lãng phí. Thế là trời còn tối cụ đã dậy. Cụ còn tự hào bảo “tao đã nhiều năm rèn luyện để giảm bớt giờ ngủ, thực hiện mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng thôi. Lúc trẻ tao cũng buồn ngủ lắm, không thể nào thực hiện được. Nhưng gần đây thì đã có thể làm được theo ý mình, tao rất vui.” Đã 67 tuổi rồi, không ngủ được là đương nhiên, cần gì phải rèn luyện. Vậy mà cụ cứ nghĩ mình đã thành công nhờ khổ luyện đấy. Rồi đi đâu cũng nhất định mang theo cái quạt bằng sắt.
– Mang để làm gì?
– Chẳng biết để làm gì, chỉ biết là cầm đi thế thôi. Chắc cụ nghĩ mang thay cho gậy chăng? Hôm trước có chuyện rất buồn cười.
Lần này ông ta quay sang nói với bà chủ. Bà chủ đáp không e ngại:
– Thế ạ?
– Mùa xuân năm nay tôi nhận được thư của bác tôi, bảo là phải gửi gấp cho cụ một cái mũ và một bộ vét đuôi tôm. Tôi ngạc nhiên, gửi thư hỏi lại thì được trả lời là mua cho chính bác tôi. Cụ ra lệnh rằng vào ngày 23 ở Sizuoka có lễ hội mừng chiến thắng, phải gửi gấp cho kịp. Có điều lạ là cụ bảo, mũ thì cứ mua cỡ ang áng, còn quần áo thì cháu liệu kích thước rồi đặt may ở Daimaru[56].
– Gần đây ở Daimaru cũng may đo à?
– Không, thưa thầy, thầy nhầm với Siroki-ya (nhà hàng Si-rô-ki) rồi.
– Bảo liệu kích thước thì liệu thế nào được nhỉ.
– Thế mới là bác tôi chứ!
– Thế cậu làm thế nào?
– Tôi đành phải mua rồi gửi về thôi.
– Cậu cũng liều nhỉ? Thế có vừa không?
– Thì cũng phải làm mọi cách cho ổn chứ. Tôi đọc trên báo, thấy nói là hôm đó ngài Makiyama đã mặc bộ vét đuôi tôm, tay cầm chiếc quạt ngoạn mục…
– Cụ có vẻ không bao giờ rời cái quạt ấy nhỉ.
– Ừ tôi định là riêng cái quạt ấy, nếu bác tôi chết sẽ bỏ vào áo quan cho bác.
– Thế mà áo và mũ cũng dùng được cả, may quá nhỉ.
– Nhưng không phải thế đâu. Tôi cũng cứ tưởng mọi sự đã trôi chảy, mừng quá. Nhưng được ít lâu thì có một gói bưu phẩm từ quê gửi lên. Tôi tưởng bác tôi gửi cho cái gì trả công. Mở ra hóa ra là cái mũ ấy. Kèm theo là thư bác tôi viết: “Chẳng mấy khi cháu đã cất công mua gửi cho bác, nhưng mũ bị rộng quá. Cháu mang đến hiệu nhờ người ta khâu nhỏ lại cho bác. Tiên sửaa mũ bác sẽ gửi bằng séc ngân hàng sau.”
– Thật lơ đãng quá nhỉ!
Ông chủ trông có vẻ rất hài lòng vì đã phát hiện ra ở trên đời này còn có người lơ đãng hơn cả mình. Cuối cùng ông hỏi:
– Thế rồi sau đó thế nào?
– Thế nào à? Chẳng còn cách nào khác, tôi đành để mình dùng vậy.
Ông chủ hớn hở cười:
– Dùng cái mũ ấy à?
Bà chủ thì hỏi với vẻ hoài nghi:
– Người đó là Nam tước đấy à?
– Ai cơ?
– Ông bác có cái quạt nan bằng sắt ấy ạ.
– Nam tước gì đâu. Bác ấy là nhà Hán học. Hồi trẻ dính chặt trong Thánh đường[57] với những Chu Tử học hay cái gì đó, cho nên mới cung kính mang cái búi tóc Chommage mà ngồi dưới đèn điện như vậy. Cũng đành thôi! – Meitei nói, tay xoa cằm lia lịa.
– Thế mà lúc nãy cậu bảo với mụ kia là Nam tước Makiyama.
– Vâng, đúng là anh đã nói thế mà. Ở trong phòng nghỉ tôi cũng nghe thấy! – Riêng vấn đề này thì bả chủ cũng nhất trí với ông chủ.
– Thế à? Ha ha ha…
Meitei bỗng cười phá lên rồi thản nhiên nói:
– Cái đó là nói bậy thôi. Tôi mà có ông bác là Nam tước thì bây giờ ít ra cũng đã làm cục trưởng cục gì rồi.
Ông chủ, vẻ như vừa vui sướng vừa lo lắng, nói:
– Hẳn nào, tôi thấy cứ nghi nghi.
Bà chủ rất cảm phục:
– Trời ơi, anh nói dối rất nghiêm chỉnh. Anh là người nói khoác tài quá đấy!
– Nhưng cái mụ ấy còn tài hơn tôi nhiều.
– Anh thì không sợ thua đâu.
– Nhưng mà bà chủ này, sự nói khoác của tôi đơn thuần chỉ là nói khoác thôi. Còn nói khoác của bà ta là sắp đặt sẵn, có bài bản hẳn hoi, bản chất là xấu. Không nên đánh đồng sự ham thích, đùa vui mà trời phú cho với thứ nghệ thuật bùa phép, được đúc kết bằng trí tuệ của khỉ. Làm như vậy sẽ dẫn tới hậu quả là, bắt buộc vị thần hài hước không thể không kêu lên rằng, trên đời này thiếu con mắt tinh tường đấy!
Ông chủ cụp mắt xuống, bảo:
– Thế nào nhỉ?
Bà chủ cười bảo:
– Cũng như nhau cả thôi mà.

*

Cho đến nay, tôi chưa bao giờ bước chân đến cái ngõ dọc phía trước mặt kia và tất nhiên cũng chưa nhìn thấy cái dinh thự nhà Kaneda ở góc đường ấy nó cấu tạo thế nào. Ngay cả nghe nói về nó hôm nay cũng là lần đầu tiên. Trong nhà ông chủ này, chưa bao giờ người ta nói đến chủ đề về các nhà doanh nghiệp. Do vậy, ngay cả tôi, kẻ ăn cơm của ông chủ, cũng không đơn thuần là chỉ không có liên quan gì đến lĩnh vực này, mà còn rất thờ ơ với nó nữa. Thế nhưng vừa rồi có sự viếng thăm bất ngờ của bà Hanako, tôi đã ngồi ngoài rìa mà nghe hóng được chuyện của bà. Tưởng tượng ra sắc đẹp của quý công nương con bà, rồi nghĩ đến sự giàu sang, quyền thế của nhà ấy thì dù là mèo, tôi cũng không thể an nhàn mà nằm khểnh trên thềm nhà được nữa. Không những thế, tôi còn vô cùng thông cảm với anh Kangetsu. Đối phương của anh đã mua chuộc từ phu nhân tiến sĩ, vợ nhà hàng xe cho đên Thiên Chương Viện đàn nhị huyền, để mà bí mật dò la đến cả việc sứt răng cửa của anh. Trong khi đó, anh Kangetsu chỉ biết cười hơn hớn, chỉ bận tâm đến mỗi cái dải áo khoác Haori, thì dẫu anh có là cử nhân khoa học đến đâu, cũng quá yếu thế. Đã thế, một người đàn bà mà đi đặt vào giữa mặt một cái mũi vĩ đại như vậy thì đó là loại người quá hiếm thấy, không nên dây vào.
Về việc này, ông chủ thì tất nhiên rồi, đã vô tình lại quá thiếu tiền. Meitei thì không khó khăn lắm về chuyện tiền nong. Song, cái ngữ ngây thơ như trẻ con ấy thì chẳng thể giúp gì được cho Kangetsu. Xem ra, người tội nghiệp nhất chỉ có ông thầy đã diễn thuyết về “lực học thắt cổ” thôi. Nếu tôi không hăng hái lẻn vào thành địch mà dò la tình hình thì bất công quá.
Tôi tuy là mèo, nhưng là con mèo sống trong nhà một học giả, đã từng đọc Epictetus rồi cầm sách đập xuống bàn, nên khác hẳn những con mèo đần mèo ngu nói chung trên đời. Lòng nghĩa hiệp khiến tôi có thể làm được những việc giống như chuyện mạo hiểm là thứ vốn chất chứa đầy đến tận đuôi. Không phải tôi mang ơn gì anh Kangetsu, mà đây cũng không phải là việc bầm gan sôi máu chỉ vì một cá nhân. Nói rộng ra đó là một cử chỉ đẹp, thể hiện cái thiên ý (đạo trời) là thích công bằng, ưa trung dung.
Không được cho phép mà đi rêu rao khắp nơi về cái sự kiện trên cầu Azuma, cho chó nằm rình trước hiên nhà người khác, rồi gặp ai cũng rỉ tai tất cả những gì đã nghe ngóng được. Sử dụng từ người phu xe, thằng đánh ngựa, bọn vô lại, lũ học trò lêu lổng, từ các bà nạ dòng đi làm thuê, bà đỡ đẻ, mụ yêu tinh, người tẩm quất cho đến những thằng đốn mạt bỏ đi… để gây phiền hà cho một nhân tài đắc dụng của đất nước, tất cả những cái đó nếu không biết tự hối cải thì mèo tôi đã lường trước và sẵn sàng đương đầu.
May là trời nắng đẹp, chỉ có hơi ngại là sương đang tan, nhưng tôi quyết dấn thân vì con đường mình đã chọn. Nếu chân bị dính bùn, bôi những vết bẩn như dấu hoa mai lên hành lang thì cũng có thể làm phiền cho chị bếp đấy, nhưng mèo tôi không coi đó là sự vất vả. Không phải ngày mai, mà là ngay bây giờ, phải đi thôi! Tôi kiên cường hạ quyết tâm với đầy nhiệt huyết, nhảy ra đến bếp thì chợt nghĩ “hãy gượm đã”!
Tôi là mèo, mặc dù đã tiến hóa đến cực độ rồi. Năng lực suy nghĩ của tôi, thiết nghĩ cũng không thua gì một học sinh trung học năm thứ ba. Nhưng có điều đau khổ là cổ họng thì vẫn cứ là mèo, không sao mà nói được tiếng của người. Giả sử tôi có lẻn được vào dinh thự nhà Kaneda một cách trót lọt, nghe ngóng được mọi thông tin của địch rồi, thì cái quan trọng nhất là anh Kangetsu kia, tôi cũng không thể nói cho anh ấy biết được. Tôi cũng không thể nói được với ông chủ hay thầy Meitei. Không nói được thì giống như một viên kim cương bị vùi dưới đất, không thể tỏa sáng lấp lánh. Những tri thức may mắn có được cũng trở thành vật báu vô dụng. “Cái này không được. Hay là thôi?!” Tôi đứng sững trên bậc thềm, ngẫm nghĩ. Nhưng bỏ dở một ý định đang muốn làm, có khác nào khi người ta đang chờ cơn giông ập tới mà cơn giông bay sang vùng khác cùng với những đám mây đen, sao mà thấy luyến tiếc vô cùng. Nếu lỗi là tại mình thì đã đi một nhẽ.
Vì chính nghĩa, vì nhân đạo, dẫu có phải thiệt mạng cũng cứ tiến lên, đó là ý nguyện của một đấng nam nhi biết nghĩa vụ của mình. Cái sự vất vả vô ích, hay bẩn chân chẳng để làm gì, cũng là điều thích hợp với mèo thôi. Vì nhân quả mà tôi đã sinh ra kiếp làm mèo. Tôi không có khả năng dùng ba tấc lưỡi để trao đổi, chuyện trò, nói tất cả suy nghĩ của mình với các thầy Meitei, Kangetsu, Kushami. Song bù lại, tôi lại hơn hẳn các thầy cái biệt tài lẻn trộm vào đâu đó, mà chỉ có loài mèo mới có được. Có thể làm thành thạo cái mà người khác không làm được là một sự khoái trá. Chỉ một mình tôi biết hết nội tình nhà Kaneda còn khoái hơn là không ai biết cả. Đó là cái khoái ở chỗ, mặc dù không nói được cho người khác biết cái mình đã biết, nhưng có thể báo hiệu cho họ biết rằng họ đã bị người khác biết đấy. Niềm thích thú cứ dần dần trào lên như vậy, khiến tôi không thể không lên đường. Thế là tôi quyết định ra đi.
Tới cái ngõ phía trước ấy mới biết là quả đúng như đã nghe. Tòa nhà Tây chiếm hết cả hai mặt phố. Đúng là, ngôi nhà này cũng như người chủ của nó đều có cấu trúc rất ngạo mạn. Tôi nghĩ bụng và chui vào trong cổng, ngắm nhìn công trình kiến trúc đó. Nhưng đây chỉ là một cấu trúc chẳng có tác dụng gì ngoài hai tầng lầu cao, đứng vô lối như muốn dọa nạt người khác. Cái mà Meitei gọi là “chukinami ” nó là thế này ư? Tôi vòng phía bên phải hiên, đi qua mảnh vườn trước sân, đến chỗ cửa bếp. Nhà bếp quả là rộng thật. Nhất định phải rộng gấp 10 lần bếp nhà thầy Kushami. Gọn gàng, sạch bóng, chẳng kém gì bếp nhà Bá tước Okuma mà báo Nhật Bản hôm nọ đã đăng cặn kẽ. “Nhà bếp kiểu mẫu đây”! Tôi nghĩ thế và chui vào thì thấy trước cửa bếp, trên thềm chạt vôi cát, bà vợ nhà hàng xe nọ đang đứng, hăng say thuyết trình cái gì đó với chị bếp và anh xe. Thế này thì nguy hiểm quá! Tôi nghĩ và nấp sau thùng nước.
Chị bếp nói:
– Cái lão giáo đó không biết tên ông chủ tôi à?
– Lại có kẻ không biết ư? Ở quanh đây mà không biết dinh thự nhà Kaneda thì đúng là đồ tàn tật, vừa mù vừa điếc rồi.
Đây là tiếng anh xe chuyên dụng của nhà này. Bà vợ nhà hàng xe nói:
– Không thể nói hết được. Cái ông giáo ấy là người rất hâm. Ngoài sách vở ra, không biết một cái gì cả. Giá mà ông ta biết một chút về ông chủ thì còn biết sợ. Đằng này không. Ngay cả đến tuổi của con mình, ông ta cũng không biết.
– Đến cả ông Kaneda mà cũng không biết thì đúng là cái đồ ngớ ngẩn, tội nợ rồi. Không sao, tất cả chúng ta cùng đe dọa, làm cho nó biết đi.
– Ừ, làm như vậy hay đấy. Họ còn nói những cái rất tệ hại, nào là mũi bà chủ quá to, bộ mặt thì đáng ghét ư… Mặt mình thì như mặt con chồn đất nung Imado ấy, thế mà vẫn tưởng cũng là người đàng hoàng, nên mới thế chăng?
– Không chỉ có cái mặt không đâu. Cả việc xách khăn đi nhà tắm nước nóng nữa, rất kiêu căng, ngạo mạn. Chắc hắn nghĩ trên đời này không còn ai oai bằng mình chăng? – Chị bếp cũng vô cùng thiếu tôn trọng thầy Kushami.
– Bọn mình kéo nhau thật đông đến cạnh hàng rào nhà nó, nói xấu thậm tệ cho nó nghe thấy đi.
– Làm thế thì chắc hắn sẽ biết nể sợ đấy.
– Nhưng bà chủ dặn là nếu để nó nhìn thấy mình thì không hay. Bọn mình chỉ nói cho hắn nghe thấy, làm cho hắn không học hành nghiên cứu được, điên đầu lên thôi.
– Tao biết rồi.
Mụ vợ nhà hàng xe cho thấy là đã nhận trách nhiệm thi hành một phần ba việc nói xấu ông chủ tôi. À, thì ra là vậy đây. Bọn này đến để chế giễu thầy Kushami đây! Tôi lẻn qua ba người, vào sâu bên trong.
Chân mèo có cũng như không, đi bất kỳ chỗ nào cũng không bao giờ vụng về gây ra tiếng động. Giống như bước trên không, đi trong mây, gõ đàn thạch trong nước, gảy đàn sến trong hang động. Như uống đề hồ[58]. Ngoài những cái hiểu được qua lời nói, sự nóng lạnh thì phải tự mình cảm nhận lấy.
Tòa nhà Tây “chukinami” cũng không có, gian nhà bếp mẫu mực cũng không có, bà vợ nhà hàng xe cũng không có. Anh người hầu, chị nấu bếp, cô tiểu thư, bọn người làm, phu nhân Mũi, ông chồng của phu nhân cũng không có. Chỉ có mỗi mình ta, muốn đi đâu thì đi, muốn nghe gì thì nghe, thè lưỡi ra, vẫy đuôi, dựng râu lên rồi ung dung ra về thôi. Đặc biệt trong cái đạo này, tôi là kẻ đã tu đắc đạo nhất nước Nhật, đến nỗi tôi tự nghi ngờ có lẽ mình thuộc dòng giống, cùng huyết thống với những mèo ma đuôi chẻ trong sách truyện tranh cổ chăng? Nghe nói trên trán của loài nhái có viên ngọc dạ quang. Có lẽ trong đuôi tôi cũng có chứa một chất thuốc gia truyền thần bí, có thể coi thường tất cả thiên hạ và tất nhiên là cả thần, phật, tình yêu, sự vô thường.v.v.
Việc đi ngang qua hành lang nhà Kaneda mà không ai biết, đối với tôi còn dễ hơn cả việc ngài Nhân Vương[59] giẫm nát một viên bột canh. Lúc này tôi tự cảm thấy khâm phục sức mạnh của mình, nhận ra rằng đó là nhờ có cái đuôi mà bấy lâu nay tôi vẫn quý trọng. Thế là không thể không làm gì, tôi bèn cúi đầu xuống, định bái tạ ngài thần đuôi vĩ đại mà tôi hằng tôn kính, cầu xin vận mệnh nhà mèo được lâu bền mãi mãi. Nhưng hình như hơi khó. Phải quay nhìn thật gần về phía đuôi mà lạy ba lạy. Tôi quay người để nhìn đuôi thì đuôi cũng tự nhiên quay đi. Tôi ngoẹo cổ đuổi theo đuôi thì đuôi cũng chạy đi cách xa đúng bằng khoảng cách lúc trước. Thì ra đây là một linh vật đã gói ghém tất cả “đất trời vàng đen” vào trong ba tấc (đuôi) nên tôi không thể với tới được. Quay được 7 vòng rưỡi theo đuôi thì tôi mệt lử, phải dừng lại. Hơi bị hoa mắt, chóng mặt. Tôi bị mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu. Mặc kệ, tôi cứ đi loanh quanh bừa đi. Từ phía sau cánh cửa lùa bằng giấy, nghe có tiếng bà Mũi. Đây rồi. Tôi dừng lại, nghiêng tai rồi lấy hơi. Vẫn cái giọng the thé ấy cất lên:
– Cái đồ thầy giáo nghèo mà hỗn láo, ông có thấy không?
– Ừ, đúng là đồ hỗn láo. Tôi sẽ tìm cách nào đó thật thậm tệ để trừng phạt hắn. Ở trường hắn, có người cùng quê với mình mà.
-Ai vậy?
– Tsuki Pinsuke, Fukuchi Kishago làm ở đó. Tôi sẽ nhờ họ chọc phá hắn cho biết tay.
Tôi không biết quê ông Kaneda ở đâu, nhưng rất ngạc nhiên thấy ở đó sao mà có toàn những cái tên nghe thật kỳ quặc. Ông Kaneda tiếp tục hỏi:
– Thằng ấy là giáo viên tiếng Anh à?
– Vâng, bà vợ nhà hàng xe nói là hắn dạy ri-do-ru (reader, tập đọc) hay cái gì đó.
– Dẫu sao thì hắn cũng chẳng phải là giáo viên giỏi giang gì.
Tôi rất đồng tình với cái “chẳng phải là” này.
– Vừa rồi tôi có gặp cậu Pinsuke, cậu ta kể là ở trường tôi có một tay rất kỳ cục. Học sinh hỏi “thưa thầy, bancha[60] tiếng Anh là gì ạ?” hắn nghiêm chỉnh trả lời là savage tea (chè dã man), làm thành chuyện cười trong các giáo viên. Cậu ta bảo, có một giáo viên như thế nên các giáo viên khác cũng rất khổ. Chắc hẳn là thằng ấy thôi.
– Nhất định là nó rồi, còn ai vào đây nữa. Trông mặt hắn đúng là mặt của người nói như vậy đấy. Để bộ ria trông đến tởm.
– Cái thằng quái đản, không thể chấp nhận được.
Để râu mà bảo là quái đản không thể chấp nhận được thì những con mèo chẳng có con nào chấp nhận được cả.
– Thế rồi cái thằng Meitei hay là thằng nát rượu túy lúy, tả tơi nào đó[61] còn nhâng nhâng, nháo nháo bảo bác tôi là Nam tước Makiyama. Cái mặt ấy mà đòi có bác là Nam tước, ai mà tin được?
– Bà thì cứ đi tin lời những cái đồ cha căng chú kiết ấy, không được đâu.
– Không được đâu là thế nào? Ông quá coi thường người khác đấy. – Bà vợ nói có vẻ như còn hận, tiếc.
Rất lạ là không có một lời nào đả động đến việc của anh Kangetsu. Có thể họ đã đánh giá (về anh) xong trước khi tôi lẻn đến đây rồi. Hoặc là họ đã quyết định không nói tới nữa, vì anh ta trượt rồi chăng? Tôi hơi băn khoăn nhưng cũng đành chịu. Tôi đứng một lúc thì thấy phòng đối diện bên kia hành lang có tiếng chuông. Chà, bên đó có chuyện gì đây? Không chậm trễ, tôi quay gót bước về phía ấy. Đến nơi thì thấy một người phụ nữ đang nói gì một mình, tiếng rất to. Suy từ chỗ giọng nói rất giống giọng bà Mũi thì chắc đây là tiểu thư của nhà này, người đã cả gan làm cho anh Kangetsu suýt nữa thì trẫm mình ấy đây. Đáng tiếc là vướng cánh cửa giấy nên không thể nhận biết được dung nhan của ngọc nữ. Do vậy tôi cũng không thể đoán nhận được giữa mặt cô ta có trưng bày cái mũi vĩ đại hay không. Nhưng nếu xét tổng hợp tất cả các yêu tố, như là khi nói, hơi thở thoát ra từ mũi nghe ồ ồ v.v. thì hoàn toàn không thể nghĩ được rằng, đó không phải là chiếc mũi sư tử khổng lồ, lôi cuốn sự chú ý của mọi người. Cô gái thì nói suốt mà không thấy tiếng của người nghe. Xem ra, có lẽ đó là cái điện thoại của người ta vẫn đồn đại chăng?
– Mày ở nhà hát Yamato phải không? Ngày mai tao sẽ đi xem đấy. Giữ cho tao chỗ ở hàng ghế thứ ba, loại vé “chim cút”[62] nhé, hiểu chưa? Nhớ nhé! Sao, không hiểu à? Trời ơi, chán quá! Tao bảo là lấy chỗ ở hàng ghế thứ ba, hạng vé chim cút, hiểu chưa? Cái gì? Không lấy được à? Làm gì có chuyện? Lấy được mà! Hả… nói đùa à? Nói đùa cái gì? Ghét thế! Cứ trêu chọc người ta. Thế mày là ai? Chokichi à? Chokichi thì chẳng biết đâu. Bảo bà chủ ra nói điện thoại đi. Cái gì? Tao sẽ nói hết. Mày vô lễ vừa chứ. Mày có biết tao là ai không? Kaneda[63] đây! Hả… mày bảo mày biết à? Thật là đồ dở hơi, cái con này. Đã bảo tao là Kaneda mà. Cái gì? Cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ à? Cảm ơn cái gì, tao không thích nghe cảm ơn. Trời ơi, lại còn cười à? Mày thật là cái đồ hết sức đần độn. Mày bảo mày nghe theo lời dạy à? Đừng có coi thường người khác quá đáng nhé. Tao cúp điện thoại đi đấy. Hiểu chưa? Có gì khó không? Im lặng thì làm sao mà hiểu được. Có gì thì nói đi.
Phía Chokichi đã cắt điện thoại hay sao đó. Hình như không có trả lời gì. Tiểu thư nổi cáu, quay máy điện thoại rào rào hết cỡ. Con Chin nằm dưới chân cô giật mình, bật sủa lên. Thế này thì không thể coi thường được. Tôi vội nhảy xuống, chui vào gầm thềm hành lang.
Vừa lúc đó có tiếng bước chân đến gần hành lang, rồi tiếng mở cửa lùa. Tôi cố hết sức nghe ngóng xem ai tới thì nghe tiếng người đầy tớ nói:
– Ông chủ và bà chủ gọi cô đấy ạ.
– Không biết. – Cô chủ quát.
– Ông bà bảo là có việc, đi gọi cô đến ngay.
– Lắm mồm nhỉ. Đã bảo là không biết mà.
Cô lại quát mắng lần thứ hai. Người hầu muốn làm cô bớt giận, đưa ra bài thuốc công hiệu:
– Ông bà bảo là có việc về ngài Mizushima Kangetsu.
– Kangetsu hay Suigetu[64] tao cũng không cần biết. Tao ghét cái mặt, cứ như đồ mướp héo ấy…
Lời mắng thứ ba này anh Kangetsu tội nghiệp được lĩnh trong lúc vắng mặt.
– Ôi, mày búi tóc từ bao giờ vậy?
Người hầu hoàn hồn, thở phào, gắng hết sức trả lời ngắn gọn “hôm nay”.
– Con này láo nhỉ. Người hầu người hạ mà dám…
Cô lại mắng lần thứ tư về một phương diện khác.
– Lại còn quàng cả cái cổ giả mới thế kia cơ à?
– Ơ? Hôm trước cô cho cháu mà. Cháu thấy tốt quá, dùng thì phí đi nên cứ cất mãi trong hòm. Cái vẫn dùng bây giờ bẩn quá, cháu mới lấy ra dùng thay đấy chứ.
– Bao giờ? Tao đã cho mày cái đồ như thế à?
– Tết vừa rồi, lúc đi bách hóa Siroki-ya cô đã mua nó. Cái màu nâu cánh chà có nhuộm bảng tên các lực sĩ Sumo này. Sau đó cô bảo “màu này tối, không hợp với tao tao không thích, cho mày”. Chính cái đó đấy!
– Ối trời, chán quá. Hợp với mày nhỉ? Thật đáng ghét.
– Xin cảm ơn cô.
– Tao không khen mày đâu. Tao bảo là đáng ghét.
– Ơ?
– Tại sao cái hợp như vậy mà mày lại yên lặng nhận lấy.
– Ơ?
– Với mày còn hợp như vậy thì với tao cũng có kỳ quặc gì đâu, đúng không?
– Vâng, nhất định hợp đấy ạ.
– Biết là hợp mà sao cứ yên lặng. Làm như thế là trêu ngươi đấy. Đồ đáng ghét.
Lời mắng mỏ cứ liên miên không dứt. Tôi đang tính cẩn lắng nghe xem sự thể sẽ đi đến đâu thì từ phòng bên kia có tiếng gọi:
– Tomiko[65], Tomiko ơi!
Tiếng ông Kaneda gọi tiểu thư rất to. Cô nương đành phải dạ và ra khỏi phòng điện thoại. Con Chin, lớn hơn tôi một chút, đi theo cô với cái mặt như cố thu mắt và miệng vào giữa. Bằng bước chân êm như mọi khi, tôi từ trong bếp đi ra, vội vã quay về nhà ông chủ. Thành tích trinh thám của tôi bước đầu đã quá đầy đủ.
Vừa ở nơi sạch sẽ trở về chỗ bẩn thỉu nên về đến nhà, tôi có cảm giác như người vừa ở trên núi cao, đầy ánh nắng mặt trời bỗng chui tọt vào trong cái mờ mờ. Trong lúc đi trinh thám tôi bị lôi cuốn vào chuyện khác nên không để ý đến trang trí của căn phòng, không để mắt đến những cửa lùa, cửa sổ nó ra làm sao. Nhưng giờ thì, vừa cảm thấy cái sự kém cỏi của nơi mình ở, vừa thấy nhớ cái gọi là “chukinami” này. Nhà doanh nghiệp cũng được coi là oai hơn giáo viên. Tôi cảm thấy hơi lạ nên cong đuôi lên mà hỏi cái đuôi, thì ở cuối đuôi có lời phán rằng “đúng thế”.
Vào phòng, ngạc nhiên thấy thầy Meitei vẫn chưa về. Trong đĩa gạt tàn, tàn thuốc lá chất đầy như tổ ong. Thầy Meitei ngồi xếp chân bằng tròn, đang nói gì đấy. Anh Kangetsu cũng đã đến từ bao giờ. Ông chủ nằm gối đầu tay, chăm chú nhìn vệt nước mưa thấm trên trần nhà. Vẫn là một cuộc tụ tập của những kẻ ăn chơi, nhàn tản. Meitei khơi chuyện trêu chọc:
– Này cậu Kangetsu, tên cái cô đã gọi cậu trong lúc mê sảng ấy, lúc đó là bí mật, nhưng giờ thì cậu có thể nói ra được rồi chứ?
– Nếu nói ra mà chỉ liên quan đến mình tôi thì không sao, nhưng sợ phiền đến người ấy.
– Vẫn chưa được nhỉ?
– Với lại, tôi đã hứa vỏi phu nhân của tiến sĩ X rồi.
– Hứa là không nói với ai phải không?
– Vâng.
Kangetsu nói và lại kéo cái dây buộc áo choàng Haori. Cái dây có màu tím không thể mua ở đâu được.
– Cái dây ấy trông hơi có vẻ Thiên Bảo[66] nhỉ? – Ông chủ vừa nằm vừa nói. Ông không để y gì đến cái vụ Kaneda. Meitei vẫn như thường lệ, nói rất dài:
– Ừ, nhất định không phải là của thời chiến tranh Nhật Nga. Loại dãy này phải dùng cho áo Haori võ sĩ có gia huy cánh bèo[67] và đội mũ chiến nữa mới hợp kia. Nghe nói khi Oda Nobunaga đi lại mặt đã búi tóc kiểu Chasen. Cái dây buộc tóc hồi đó đúng là cái dây kiểu này đây.
Kangetsu nói rất nghiêm túc:
– Thực ra đây là cái dây ông tôi đã dùng khi đi chinh phạt Trường Châu[68].
– Thôi, liệu mà mang tặng cho viện bảo tàng đi. Cử nhân khoa học công nghệ, diễn giả lực học thắt cổ Mizushima Kangetsu mà ăn mặc như một thăng lính vác cờ còn sót lại thế này thì mất thể diện quá.
– Làm theo lời dạy của thầy thì cũng được. Nhưng vì cũng có người bảo cái dây này rất hợp với tôi.
– Ai vậy? Cái người nói năng chẳng có sở thích gì ấy là ai vậy? – Ông chủ vừa giở mình vừa nói to.
– Người đó các thầy không biết nên…
– Không biết cũng được. Đại thể đó là ai?
– Là một người phụ nữ nào đó.
Meitei nói xen vào:
– Ha… người rất chi là chơi sang đấy nhỉ. Thử đoán xem nhé. Đó là cái cô gái đã gọi cậu từ dưới đáy sông Sumita chứ gì? Hãy mặc cái áo Haori ấy, quyết liều thân một lần nữa xem?
– Hi… hi… Thôi, không gọi từ dưới nước nữa đâu, ở thế giới thanh tịnh, phía tây bắc này này….
– Xem chừng không thanh tịnh lắm đâu. Có vẻ đó là một cái mũi độc hại đây.
Kangetsu tỏ vẻ khó hiểu:
– Ủa?
– Cái mũi ở ngõ đối diện phía trước kia, vừa nãy đã đến đây đấy. Hai chúng tôi đã kinh ngạc hết sức, anh Kushami nhỉ.
– Ừ. – Ông chủ đáp và vừa nằm vừa uống chè.
– Mũi là ai cơ?
– Là mẫu đường người con gái thân yêu vô cùng của cậu ấy chứ ai.
– Ơ?
– Có một bà nói là vợ ông Kaneda đã đến đây hỏi về cậu đấy.
Ông chủ đã giải thích nghiêm túc. Tôi chú ý xem anh Kangetsu nghe thế thì ngạc nhiên hay vui mừng hay xấu hổ, nhưng chẳng có gì cả. Anh vẫn nói giọng nhỏ nhẹ như mọi khi:
– Sao? Chắc là nhờ khuyên tôi lấy con gái nhà ấy phải không? – Anh ta lại kéo cái dải áo màu tím.
– Nhưng cậu rất nhầm. Cái vị mẫu đường ấy là chủ sở hữu của một cái mũi vĩ đại…
Meitei đang nói dở đến đây thì ông chủ nói:
– Này cậu, từ nãy đến giờ mình đang nghĩ một bài thơ bài hài về cái mũi ấy đấy.
Chuyện của ông cứ như đem ghép tre vào gỗ vậy. Ở phòng bên, bà chủ cười khúc khích.
– Cậu cũng rỗi việc nhỉ? Đã nghĩ ra chưa?
– Được một ít rồi. Câu đầu tiên là: “Mũi ngự trên mặt này”.
– Tiếp theo?
– Câu tiếp là “Trên mũi có sẵn rượu cúng thần”.
– Câu tiếp nữa?
– Chưa có, mới chỉ làm được có đến đó thôi.
Anh Kungetsu cười tủm tỉm, khen:
– Hay quá nhỉ.
– Câu tiếp theo là “Hai cái lỗ mờ mờ” có được không?
Meitei nghĩ ngay được ra như vậy. Thế là Kangetsu ghép thêm vào những từ rời rạc:
– “Sâu quá nên không nhìn thấy lông”. Cũng được đấy.
Bên ngoài hàng rào, nghe tiếng khoảng 4, 5 người nói léo nhéo:
– Con chồn, con chồn đất nung Imado.
Ông chủ và Meitei ngạc nhiên, nhìn qua khe hàng rào trưởc nhà nhưng chỉ nghe tiếng cười ha hả và tiếng bước chân đang đi xa.
– Con chồn đất nung Imado nghĩa là cái gì?
Meitei khó hiểu, hỏi ông chủ. Ông chủ bảo:
– Là cái gì tôi cũng chả biết.
– Ồ, nhố nhăng quá nhỉ. – Anh Kangetsu bình luận thêm.
Meitei chợt nghĩ ra cái gì đó, vụt đứng lên, bắt chước giọng diễn thuyết của anh Kangetsu:
– Tôi đã từng nhiều năm nghiên cứu về cái mũi trên quan điểm mỹ học. Tôi sẽ trình bày một phần kết quả nghiên cứu đó, xin hai vị chú ý lắng nghe đây.
Ông chủ quá ngạc nhiên, chỉ ngớ mặt nhìn Meitei. Kangetsu thì nói khẽ “vâng, rất muốn được nghe đây ạ”.
– Tôi đã tra cứu rất nhiều nhưng vẫn chưa tìm ra một cách chính xác nguồn gốc của cái mũi. Điều khó hiểu thứ nhất là: Nếu cho cái mũi là một phương tiện sử dụng trên thực tế thì việc mũi có hai lỗ là thừa. Và dẫu sao thì cũng không cần thiết phải ngang tàng lồi từ chính giữa mặt như thế. Nhưng, như các ngài thấy đó, không hiểu sao nó lại dần dần lồi ra như thế này.
Meitei nói và nắm mũi mình, chìa cho mọi người xem. Ông chủ nói thẳng, không cần nịnh:
– Có lồi ra mấy đâu?
– Ít nhất thì nó cũng không lõm vào, phải không ạ? Có điều là nếu ta đánh đồng nó với hai cái lỗ xếp hàng bên nhau thì có thể dẫn tới sự hiểu lầm. Vì vậy xin mọi người hãy chú ý. Theo ngu kiến của tôi thì sự phát triển của mũi là kết quả của một hành vi rất nhỏ của con người là xì mũi. Hành vi này cứ tự nhiên tích lũy dần dần để rồi lộ ra một hiện tượng (bản thể) rõ ràng như thế này.
Ông chủ xen vào một bình luận nhỏ:
– Đúng là một ngu ý, không giả dối chút nào.
– Như chúng ta đã biết, khi xì mũi thì nhất định người ta phải nắm vào mũi. Khi nắm như vậy, đã gây ra một kích thích cho riêng bộ phận này. Theo nguyên tắc lớn của thuyết tiến hóa thì, để phản ứng lại sự kích thích đó, bộ phận này đã phát triển hơn các bộ phận khác và tự nhiên da cũng cứng lên, thịt cũng dần dần cứng lại hơn. Cuối cùng thì thịt đông lại và biến thành xương.
– Này, cái đó hơi sai rồi. Thịt không thể phát triển nhảy vọt một bước mà thành xương được đâu.
Kangetsu, cử nhân khoa học tự nhiên phản bác Meitei vẫn tỉnh bơ, nói tiếp:
– Không, thắc mắc thì rất đúng. Nhưng chứng cớ quan trọng hơn lý luận. Rõ ràng ở đây có xương nên không thể khác được. Xương đã thành hình rồi. Xương đã hình thành nên đã có mũi. Đã có mũi nên không thể không xì mũi. Do tác động của việc xì mũi này mà hai phía xương bị vẹt đi, biến thành một đường dốc hẹp. Đây là một tác động rất đáng sợ. Nó giống như những giọt nước làm mòn vẹt phiến đá, giống như đầu vị La hán Bizuru tự phát ra ánh sáng, giống như không hiểu nổi tại sao thơm, tại sao thối, sống mũi đã cao lên như thế này.
– Thế mà mũi cậu lại tròn trùng trục.
– Về những chỗ quan trọng của diễn giả xin miễn bàn đến, vì e rằng sẽ có sự bao che. Cái mũi như của mẫu đường Kaneda đây, tôi muốn giới thiệu với hai vị, đó là một vật vĩ đại, hiếm có dưới trần gian, nó đã đạt tới sự phát triển cao nhất.
Kangetsu bất chợt nói:
– Ôi sợ quá, nguy hiểm quá!
– Nhưng khi một vật đã phát triển hết cỡ rồi thì rõ ràng đó là một kỳ quan vĩ đại. Nhưng có điều, nó đáng sợ và khó đến gần. Cái sống mũi đó thì tuyệt vời không sai, nhưng nó hơi cao và dốc hiểm trở quá. Trong những người cổ xưa, thì những cái mũi như của các vị Socrates, Goldsmith, Thackeray, sự cấu tạo của nó cũng có chỗ đáng nói đấy. Nhưng trong những chỗ đáng nói ấy có sự đáng yêu. “Đáng quý không phải vì mũi cao mà đáng quý là vì nó kỳ quặc” là vì thế, có đúng không ạ? Trong dân gian cũng có câu “Mũi không bằng bánh trôi”[69], đứng về giá trị mỹ học mà nói thì trường hợp này thích hợp với Meitei.
Cả ông chủ lẫn Kangetsu đều cười phá lên. Meitei cũng cười rất vui vẻ.
– Chà, từ nãy đến giờ tôi đã trình bày…
– Thưa thầy, “trình bày” nghe tầm thường như người đi diễn tấu ấy, xin tránh dùng từ ấy.
Đó là Kangetsu trả đũa vụ hôm trước.
– Nếu bị chỉ trích như vậy thì tôi xin rửa lại mặt và làm lại… Vâng, bây giờ tôi xin đề cập đến sự cân bằng giữa mũi và mặt. Nếu chỉ nói về mũi mà mà không có liên quan đến những cái khác thì mẫu đường đây có một cái mũi đi đến đâu cũng không phải hổ thẹn. Một cái mũi cho phép ta tin rằng nếu có cuộc triển lãm trên núi Kuramayama[70] thì có lẽ nó sẽ chiếm giải nhất. Nhưng đáng buồn là cái mũi này nó hình thành mà không thèm bàn bạc với các bộ phận khác như mắt, miệng… Mũi của Julius Caesar quả đúng là một cái mũi lớn. Nhưng nếu chúng ta lấy kéo cắt cái mũi đó dán vào mặt con mèo nhà này thì nó sẽ ra sao? Nó sẽ là một cái mũi anh hùng, đứng sừng sững trên mảnh đất được ví là “vừa bằng cái lưỡi mèo”[71]. Nó sẽ giống như người ta đem đặt Đại Phật Tượng Nara vào giữa bàn cờ. Sẽ mất hết sự cân đối, làm giảm giá trị mỹ học.
Cái mũi của mẫu đường này giống như mũi của Caesar, nó cũng vươn cao sừng sững, dáng oai hùng. Nhưng những điều kiện mắt, miệng xung quanh nó thì thế nào? Tất nhiên không đến nỗi kém cỏi như con mèo nhà này. Nhưng sự thật là nó phải co kéo với đôi mắt ti hí, khắc một hình chữ bát dưới chân lông mày, trông như mặt Okame[72].
Thưa quý vị, nếu quý vị có một cái mũi trên bộ mặt như thế này liệu các vị có thể không than vãn được không?
Meitei vừa ngừng lời thì phía sau nhà có tiếng:
– Lại đang nói về cái mũi rồi. Cái bọn sao mà ngoan cố thế.
– Tiếng vợ nhà hàng xe đấy.
Ông chủ cho Meitei biết. Meitei lại tiếp tục:
– Không ngờ lại phát hiện ra ở phía sau có thêm người nghe khác giới nữa. Đó là một vinh dự lớn cho diễn giả. Hơn nữa lại thêm vào một tiếng nói mỹ miều như tiếng ngọc, càng tăng thêm sự hấp dẫn cho hội trường khô khan, thật là một hạnh phúc ngoài mong muốn. Tôi đã cố hết sức tránh những thứ tầm thường để khỏi làm mất sự yêu chuộng của giai nhân thục nữ, nhưng bây giờ tôi sẽ đi vào vấn đề lực học, có thể làm cho các quý bà khó hiểu, mong quý ngài hãy chịu khó lắng nghe.
Nghe nói đến “lực học” Kangetsu lại cười tủm tỉm.
– Tôi sẽ chứng minh sự thiếu cân đối giữa cái mặt và cái mũi này. Nó mất cái tỉ lệ hoàng kim của Zeising. Chúng ta hãy diễn giải nó một cách nghiêm khắc bằng công thức lực học.
Giả sử H là chiều cao của mũi, α là góc sinh ra bởi giao điểm giữa mặt phẳng của mặt với mũi, W xin hiểu là trọng lượng của mũi. Thế nào, về đại thể, quý vị đã hiểu rồi chứ ạ?
Ông chủ nói:
– Hiểu gì mà hiểu.
– Anh Kangetsu thế nào?
– Tôi cũng chẳng hiểu gì cả.
– Gay quá nhỉ. Kushami thì đã đành rồi, cậu là cử nhân khoa học tự nhiên, tưởng là cậu hiểu chứ? Công thức này là phần đầu não của buổi diễn thuyết, nếu lược bỏ đi thì những việc làm từ nãy đến giờ chả có nghĩa lý gì. Nhưng thôi, đành vậy. Hãy bỏ qua công thức, chỉ nói phần kết luận thôi.
Ông chủ ngạc nhiên hỏi:
– Có kết luận à?
– Tất nhiên rồi. Diễn thuyết mà không có kết luận thì khác gì ăn món ăn u mà không có tráng miệng cơ chứ! Được chưa? Hai cậu nghe cho rõ nhé. Đây là phần kết luận đây. Công thức trên đây kết hợp tham khảo thuyết của một số học giả như Virchow và Weismann thì không thể không chấp nhận sự di truyền bẩm sinh của hình thể. Về tình trạng phát triển cố ý này của hình thể, mặc dù đã có những thuyết rất mạnh nói rằng những thứ phát sinh về sau không nằm trong di truyền, nhưng vẫn phải chấp nhận nó là kết quả tất nhiên ở một mức độ nào đấy. Vì vậy, con của những người có cái mũi không hợp với địa vị của mình ấy sinh ra, trên mũi của chúng cũng cho thấy một cái gì dị thường. Anh Kangetsu còn trẻ, có thể anh chưa nhìn thấy những cái dị dạng trên mũi tiểu thư Kaneda. Nhưng cái tính di truyền nó trường kỳ mai phục rất dai, một lúc nào đó, do khí hậu thay đổi đột ngột, nó sẽ phát triển rất nhanh. Giống như mẫu đường, nó sẽ đột nhiên bành trướng ra cũng chưa biết chừng. Vì vậy, cái cuộc hôn nhân này, theo chứng lý thuyết học thuật của Meitei thì nên từ bỡ ý định ngay từ bây giờ đi là an toàn nhất, về điểm này, tôi nghĩ ông chủ nhà này thì đã đành rồi, ngay cả cái ngài Tinh mèo đang nằm bên cạnh kia cũng không có ý kiến khác.
Ông chủ từ từ ngồi dậy, chủ trương hết sức nhiệt tình:
– Cái đó thì tất nhiên rồi. Con gái cái đồ như vậy thì ai mà thèm lấy. Cậu Kangetsu không được lấy.
Tôi cũng kêu “meo, meo” tỏ ý hơi tán thành.
Anh Kangetsu không có vẻ ồn ào, nói:
– Nếu ý của các thầy như vậy thì em từ bỏ ý định cũng được. Nhưng nếu vì thế mà người ấy mắc bệnh thì mang tội…
– Ha ha ha, mang tội oan đấy nhỉ.
Riêng ông chủ thì tức giận nói:
– Làm gì có chuyện dở hơi ấy. Con gái của cái mụ ấy thì nhất định chả ra làm sao rồi. Lần đầu tiên vào nhà người ta mà mụ ấy nói lấn át, chặn họng tôi đấy. Cái đồ kiêu ngạo.
Cứ thế ông tức giận phun ra. Bên hàng rào lại có tiếng cười ha hả của ba, bốn người, rồi một người nói:
– Thằng dở hơi, kiêu căng.
Tiếng một người khác:
– Giá mà ở cái nhà to hơn một chút có hơn không?!
Lại một người khác nữa nói to:
– Thật tội nghiệp. Có tỏ vẻ vênh vang đến đâu cũng chỉ là mạnh xó nhà.
Ông chủ đi lại phía hành lang, hét lớn không thua kém:
– Làm cái gì ầm ĩ thế hả. Sao lại cố tình đến đứng dưới tường nhà người ta?
Thế là tất cả thi nhau chửi:
– Ôi, ôi, đồ savage tea đấy!
Ông chủ lồng lên như con rồng nổi giận, vác gậy nhảy ra đường. Meitei vỗ tay reo “chơi đi, chơi đi”. Kangetsu nắm cái dây áo cười tủm tỉm. Tôi theo sau ông chủ, nhảy từ hàng rào ra đường, thấy ông đang đứng giữa đường, tay chống cái ba toong vô dụng. Trên đường chẳng có ai qua lại, trông ông như ma bắt mất hồn.