Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 7

     ạo này tôi bắt đầu vận động (để rèn luyện thân thể). “Mèo mà cũng vận động ư? Chỉ bố láo!”. Những vị nào dễ dàng lạnh lùng phỉ báng như thế thì xin thưa rằng, chính các ngài, mặc dù nói như vậy, nhưng đến tận những năm gần đây vẫn chưa hề biết thế nào là vận động. Các ngài chỉ tâm niệm việc ăn rồi nằm như thiên chức của mình, ngoài ra không còn gì nữa. Hẳn các vị còn nhớ, các vị đã hí hửng sống cuộc sống “vô sự dĩ quý nhân”, tự cho rằng không làm gì là cao quý nhất. Các vị coi niềm vinh dự của một ông chủ là suốt ngày thọc tay trong túi áo, không chịu nhấc cái mông sắp rữa lên khỏi mặt ghế. Rồi các phong trào rộ lên gần đây kêu gọi nào là phải vận động ư, phải uống sữa ư, phải tắm nước lạnh, phải xuống biển, mùa hè thì phải lên núi mà uống sương ư… các vị cũng coi tất cả những cái vớ vẩn ấy chỉ là một thứ dịch bệnh từ phương Tây lan sang Thần quốc này, cùng loại với các bệnh dịch hạch, lao phổi hay suy nhược thần kinh gì đó mà thôi.
Tôi mới ra đời năm ngoái, bây giờ mới một tuổi nên không biết cái cảnh hồi đó con người mắc những bệnh này ra sao. Không những không biết mà chắc lúc đó tôi còn chưa chập chờn, lảng vảng hay trôi dạt trên cõi thế gian này nữa.
Một năm tuổi của mèo có thể tương đương với mười năm tuổi của người. Mặc dù tuổi thọ chúng tôi ngắn hơn con người hai, ba lần, nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, một con mèo phát triển rất toàn diện. Vì vậy nêu ai đi tính năm tháng của con người cũng ngang bằng như ngày đêm của mèo thì thật nhầm lớn. Trước hết hãy cứ nhìn tôi đây thì biết, mới có chưa đầy một năm mấy tháng tuổi mà tôi đã có được chừng này kiến thức. Đứa con gái thứ ba của ông chủ thì tính ra đã ba tuổi, nhưng nói về tri thức thì phát triển rất chậm so với tôi. Nó mới chỉ biết khóc, biết đái dầm và biết bú mẹ mà thôi. Trước những sự ưu thời phẫn thế, so với tôi, nó là một đứa rất khờ dại, ngốc nghếch. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, khi tôi có thể thâu tóm tất cả lịch sử của vận động, từ tắm biển đến dưỡng sinh, đất trời… tất tần tật vào một chỗ cả. Chỉ riêng một việc này, nếu có ai đó lại ngạc nhiên thì chẳng qua chỉ vì tại con người vốn là những kẻ đần độn, thiếu hai chân, chứ không có gì khác cả.
Từ xa xưa, con người vốn dĩ là những kẻ ngu đần mà! Vì vậy gần đây mới làm rùm beng lên về tác dụng của thể dục thể thao, về lợi ích của tắm biển… cứ tưởng đó là một phát minh gì ghê gớm lắm. Tôi thì cái gì chứ cái đó, tôi đã biết từ lâu, từ trước khi sinh ra cơ.
Trước hết, nếu hỏi vì sao tắm biển là một vị thuốc thì cứ ra bờ biển là biết ngay. Trong biển rộng mênh mông kia, không ai biết là có bao nhiêu cá, nhưng chỉ biết rằng chẳng có con cá nào mắc bệnh, phải đi tìm bác sĩ cả. Tất cả chúng đều mạnh khỏe, bơi lội. Nếu mắc bệnh thì cơ thể sẽ không cử động nữa và khi chết thì nhất định xác sẽ nổi lên. Vì vậy sự “vãng sinh” (đổi kiếp) của cá được gọi là “lên”, còn của chim thì là “xuống”. Còn sự tịch diệt của con người thì được gọi là “nhập diệt”. Hãy hỏi tất cả những con người đã từng đi qua Ấn Độ Dương xem họ có thấy cá chết bao giờ không? Dứt khoát là ai cũng sẽ trả lời “chưa bao giờ”. Cái đó thì nhất định rồi. Dù anh có đi biển bao nhiêu lần cũng sẽ không bao giờ thấy được một con cá nổi lên trên sóng mà trút hoi thở cuối cùng đâu. Không, cá thì không thể nói là “hơi thở” mà phải gọi là “thủy triều” mới đúng. Không có ai nhìn thấy cá trút “thủy triều cuối cùng” cả. Giữa cái chốn bao la, mênh mông ấy, từ xưa đến nay, có đốt đuốc đi tìm suốt ngày đêm cũng chẳng bao giờ thấy một con cá “lên”. Từ đó suy ra, cá vô cùng khỏe mạnh. Có thể quả quyết ngay như vậy. Vậy thì tại sao cá lại khỏe như thế? Nếu đem chuyện này mà hỏi con người thì còn lâu mới biết được.
Tôi thì tôi biết ngay. Có gì đâu. Bởi vì cá lúc nào cũng uống nước biển, tắm biển mà. Công hiệu của việc tắm biển vì vậy mà thấy rất rõ đối với cá. Và đã có công hiệu với cá thì tất nhiên cũng có công hiệu đối với người rồi. Việc quảng cáo rùm beng lên rằng năm 1750, Richard Russel đã nhảy xuống biển Brighton và ngay lập tức khỏi hoàn toàn 404 thứ bệnh chỉ là chuyện đáng cười là quá muộn.
Với mèo, nếu mà có thời cơ như vậy thì chắc là tất cả sẽ kéo nhau đi Kamakura[119] ngay. Nhưng bây giờ thì không được, mọi cái phải có thời cơ của nó. Giống như người Nhật trước Duy tân, cho đến chết vẫn chưa biết mùi vị cũng như công hiệu của việc tắm biển, ngày nay mèo cũng chưa có cơ hội để cởi hết áo quần mà nhảy xuống biển. Vội vã là hỏng ngay. Cũng như ngày nay, khi những con mèo bị vứt ra Tsukiji không thể tự về nhà bình an vô sự được, thế mà lại vội vã nhảy xuống nước thì đâu có được.
Theo quy luật tiến hóa, cho đến khi loài mèo chúng tôi có đủ khả năng thích ứng và chống chọi được với mọi cuồng đào sóng dữ – nói một cách khác là cho đến khi có thể gọi “mèo chết” là “mèo nổi” – thì chúng tôi không thể dễ dàng nhảy xuống biển. Môn tắm biển vì vậy cứ để rồi thực hiện sau, chỉ biết là tôi quyết định sẽ vận động đã. Dù sao, trong thế kỷ 20 này mà không vận động thì nghe có vẻ không sang, cử như là dân nghèo vậy. Người ta sẽ cho là không vận động không phải là không vận động mà là vì không thể vận động, không có thời gian, không có dư dật để mà vận động thôi. Giống như ngày xưa những người vận động nhiều bị chê cười, bị coi như bọn đầy tớ, gia nhân, ngày nay ai không vận động sẽ bị coi như hạ đẳng.
Tùy thời điểm, tùy trường hợp, cách nhìn nhận giá trị của con người thay đổi, giống như con mắt của tôi vậy. Nhưng con mắt của tôi thì chỉ to lên hoặc bé đi. Còn cách đánh giá của con người thì đảo ngược hoàn toàn. Đảo lộn cũng không sao cả. Mỗi sự vật đều có hai mặt, hai đầu. Lợi dụng cái hai đầu này mà cho một vật biến từ trắng thành đen, chính là sự đắc dụng nhất trong cách ứng xử linh hoạt của con người. Khi đọc ngược từ “hô sưn”[120] thành “sưn pô”[121] nghe rất dễ thương. Khi cúi gập người, nhìn phong cảnh Ama no Hashidate[122] ngược qua khe đùi sẽ thấy một vẻ đẹp khác. Nếu Shakespeare mà lúc nào cũng chỉ có một Shakespeare như vậy thì cũng chán. Phải chăng nếu thỉnh thoảng không có kẻ xem Hamlet theo kiểu chổng mông nhìn ngược qua háng để chê rằng cái này không được, thì giới văn nghệ không thể phát triển? Vì thế, chẳng có gì lạ khi những người trước đây bảo vận động là xấu thì bây giờ tự nhiên lại say mê vận động. Cho đến cả phụ nữ cũng xách vợt chạy ngoài phố. Chỉ cần đừng có giễu cợt răng “mèo mà chơi thể thao là hỗn láo” là được rồi.
Vậy thì sẽ có kẻ không biết mà hỏi rằng những môn thể thao mà tôi đang vận động là môn gì? Tôi xin giải thích như sau:
Như các vị đều biết, rất tiếc là tôi không cầm được dụng cụ, cho nên khó có thể chơi các môn dùng bóng hay vợt. Mà tôi cũng chẳng có tiền để mua những thứ ấy. Vì hai nguyên nhân này, quý vị rất dễ dàng biết rằng những môn tôi chọn là những môn không có dụng cụ.
Vậy là môn đi lò dò à? Hay môn công miếng cá ngừ chạy chăng? Không, những môn chỉ dùng sức mạnh của bốn chân, vận động một cách “lực học” theo sức hút của trái đất, băng qua khoảnh đất rộng… như vậy quá đơn giản, không có gì thú vị cả. Cũng gọi là “rèn luyện” nhưng những thứ mà ông chủ vẫn thỉnh thoảng thực hành như nhúc nhích theo những con chữ mình đọc thì tôi cho đó chi là việc xúc phạm đến sự thiêng liêng của “rèn luyện” mà thôi. Tất nhiên, không nhất thiết là tôi chỉ chơi những môn đơn thuần, là vận động thuần túy mà không chơi những môn ít nhiều có yếu tố khuyến khích. Những môn như tranh nhau một con cá đối, đi tìm miếng cá hồi… cũng là những môn rất hay. Những môn này dựa trên cơ sở phải có đối tượng tranh đua, một yếu tố rất quan trọng, nếu bỏ qua yếu tố kích thích thì sẽ kém thú vị.
Ngoài những môn có yếu tố kích thích như phần thưởng, được thua ra, tôi muốn thử chơi những thể thao nghệ thuật. Tôi đã nghĩ ra nhiều kiểu: nào là nhảy từ chái bếp lên mái nhà; nào là nghệ thuật đứng cả bốn chân trên hòn ngói hoa mai trên nóc nhà; rồi đi trên chiếc sào phơi quần áo. Cái này thế mà khó, không thể làm được. Cái sào tre rất trơn, móng chân không thể nào bám chắc vào được. Rồi môn từ phía sau bất chợt nhảy chồm vào bọn trẻ con. Môn này rất thú vị nhưng nếu chơi nhiều sẽ bị tai vạ nên mỗi tháng tôi chỉ làm thử vài ba lần. Có một môn là bị trùm cái túi giấy lên đầu. Môn này chỉ ngạt thở chứ chả có hứng thú gì. Chơi nó phải có đối thủ là con người nên chả hay.
Tiếp đến là môn dùng móng chân cào những nhãn sách. Môn này không chỉ nếu bị ông chủ nhìn thấy thì rất nguy hiểm mà nó chỉ rèn luyện sự khéo léo của móng chân chứ không có tác dụng đến bắp thịt và toàn thân. Tất cả những môn này đều là những môn thể thao cũ của tôi. Còn các môn mới thì có những môn rất hay. Trước hết là môn săn bọ ngựa.
Môn này không phải vận động nhiều như săn bắt chuột, nhưng thay vì thế, lại không nguy hiểm mấy. Đây là môn vui chơi giải trí tốt nhất trong khoảng từ giữa mùa hè đến đầu mùa thu. Về cách chơi thì đầu tiên là đi ra vườn, đi tìm một con bọ ngựa. Nếu thời tiết thuận lợi thì việc tìm thấy một hai con chẳng khó khăn gì. Khi phát hiện ra một anh bọ ngựa thì tôi phóng tới bên cạnh. Thế là “ối chà” cậu ta giật mình, giương kiếm lên. Tuy là bọ ngựa nhưng cu cậu cũng rất cứng cỏi. Khi chưa biết sức mạnh của đối phương, cậu ta cũng chống đối nên rất vui. Tôi lấy chân trước sờ thử vào cái càng mà nó giơ lên. Nó ngẩng cổ lên. Cái cổ rất mềm nên ngoẹo sang một bên. Thái độ của bọ ngựa lúc này rất hay. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên “thế này là thế nào?” Lúc đó, tôi nhảy một bước vòng về phía sau cậu ta rồi cào nhẹ vào đôi cánh trên lưng cu cậu. Đôi cánh ấy bình thường thì khép kín, khi bị cào, nó bung ra, để lộ bên trong một bộ cánh như áo lót mỏng bằng giấy Yosino[123]. Mùa hè mà cậu ta vẫn khổ sở phải đóng bộ hai lớp như vậy. Lúc này cái cổ dài của cậu ta nhất định phải quay về phía sau. Thỉnh thoảng tôi cũng tấn công từ phía trước mặt, nhưng phần nhiều chỉ là làm cho cái cổ của cu cậu phải ngẩng phắt lên thôi. Trông cậu ta tư thế có vẻ sẵn sàng, chỉ chờ bên này ra tay trước. Đối thủ bao giờ cũng có thái độ như vậy nên môn này không có tác dụng vận động cơ thể mấy. Vì vậy, nếu lâu quá thì tôi lại nhảy lại một cú. Mỗi lần nhảy lại như vậy, nếu có con mắt tinh đời thì nhất định bọ ngựa chạy trốn. Những con hùng hổ xông vào thường là loại bọ ngựa man rợ, thiếu giáo dục. Nếu gặp đối thủ hung hăng như vậy, tôi chờ cho nó xông tới, giáng cho nó phải kêu trời lên thì thôi. Cứ là phải bay đi đến hai ba thước. Còn nếu tên địch hiền từ rút lui thì tôi thương hại nên chạy hai ba vòng quanh vườn như chim bay. Trong khi đó cậu bọ ngựa vẫn chưa chạy được năm, sáu tấc. Thế là cậu ta biết sức mạnh của tôi rồi, không còn đủ dũng cảm đương đầu nữa, chỉ còn lúng túng chạy trốn, hết quay bên phải lại quay bên trái. Nhưng tôi cũng đuổi theo sang bên phải rồi bên trái. Cậu ta cực quá, cuối cùng thử giương cánh, phát huy vai trò của đôi cánh. Bình thường, cánh bọ ngựa rất dài và hẹp cho cân xứng với cái cổ. Nhưng nghe đâu, cánh đó hoàn toàn chỉ là vật trang trí chứ chẳng có một chút tác dụng gì. Nó hệt như cái thứ tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức của con người vậy. Vì vậy việc phát huy “cái dài”[124] vô dụng để thử “bay”[125] với tôi thì chẳng được tích sự gì hết. Tiếng là “bay” đấy, nhưng thực tế chỉ là kéo lê thân mình mà bò trên mặt đất thôi. Như vậy kể cũng hơi tội nghiệp. Nhưng vì để vận động cơ thể, tôi đành phải làm thôi. Khi được tha bổng, chỉ trong nháy mắt nó đã chạy biến về phía trước. Theo quán tính, cậu ta không thể xoay chuyển hướng ngay được nên cứ thế mà tiến thẳng. Khi tôi đánh vào mũi nó, lúc này nhất định bọ ngựa xòe cánh và ngã kềnh ra. Tôi lấy chân trước chặn lên nó rồi nghỉ một lát, sau đó thả ra. Thả lát rồi lại chặn lại. Tôi tấn công bằng chiến lược quân sự “thất cầm thất tung”[126] của Khổng Minh.
Tôi cứ lặp đi lặp lại kiểu này độ ba mươi phút cho đến khi thấy nó không còn cựa quậy được nữa thì tôi dùng mõm nâng nó lên, lắc thử, rồi sau đó lại nhả ra. Lần này nó nằm bất động trên mặt đất. Tôi lấy chân ẩy ẩy vào nó. Cứ thế cho đến khi nó định bay lên thì tôi lại chặn xuống. Làm mãi thế cũng chán, cuối cùng tôi nhai ngấu nghiến. Nhân tiện đây tôi cũng xin nói với ai chưa từng ăn bọ ngựa bao giờ là thịt bọ ngựa chả ngon gì. Vả lại chất bổ cũng không nhiều lắm.
Sau môn săn bọ ngựa là môn săn ve sầu.
Nói đơn giản là ve sầu nhưng không phải chỉ có một loại ve sầu duy nhất. Cũng như con người, có anh Cu Dầu, anh Cu Ve, anh Cu Dưng… thì ve sầu cũng có ve sầu dầu, ve sầu ve ve, ve sầu rưng rưng… Loại ve sầu “dầu” (Abura) là loại dai dẳng rất khó chơi. Ve sầu “ve ve” thì ngang bướng rất khó trị. Chỉ có mỗi ve sầu “rưng rưng” là bắt nó rất vui. Loại này phải cuối mùa hè mới có. Vào dịp tiết trời gió thu không luồn qua cổ áo rách, chạm vào da thịt, làm cho người ta hắt hơi sổ mũi, chính là lúc những con ve này cong đuôi kêu rộ nhất. Chúng kêu rất khỏe. Tôi có cảm tưởng là chúng sinh ra chỉ để mà kêu và để cho mèo bắt mà thôi. Vào dịp đầu thu là tôi bắt bọn này. Việc làm này có tên là môn thể thao săn ve. Cũng xin lưu ý các vị một chút là ve ở đây không thể kể những con đã rơi trên mặt đất. Những con này nhất định là có kiến bu vào. Ve mà tôi bắt không thuộc loại ve nằm kềnh trên mặt đất, trong lĩnh vực của kiến này. Tôi chỉ bắt những con đậu trên cành cao kêu “rưng rưng” thôi.
Tiện đấy tôi cũng xin hỏi các nhà bác học của loài người rằng bọn ve này chúng kêu “ô… sìi, chức-k, chức-k” hay “chư-k chư-k, ôi… sìi”? Thiết nghĩ việc chứng minh thứ tự của tiếng kêu này có liên quan không nhỏ đến khoa học nghiên cứu ve sầu đấy chứ! Tôi biết con người hơn mèo là ở chỗ này đây. Vậy thì con người hãy tự hào là mình vẫn còn có cái gì đi và nếu ngay bây giờ chưa trả lời được câu hỏi này thì hãy nghiền ngẫm đi là hơn. Đối với môn thể thao săn ve thì cái nào trước cái nào sau cũng chả có ảnh hưởng gì. Chỉ cần leo lên cây, chỗ có tiếng kêu, nhằm lúc chúng đang mải mê kêu mà bắt cho thật nhiều là được.
Cái này nhìn thì có vẻ đơn giản đấy nhưng là môn tương đối vất vả. Tôi có bốn chân nên khi đi trên mặt đất thì dám nghĩ là không thua kém bất kỳ loài động vật nào khác. Ít ra cứ lấy tri thức toán học mà suy diễn từ con số 2 với con số 4 thì cũng biết tôi không thể thua kém con người. Nhưng mà việc leo cây thì có nhiều kẻ tài giỏi hơn tôi. Cái loài khỉ, vốn nghề chính của nó là leo trèo thì không kể làm gì, nhưng ngay cả loài người là con cháu chút chít mấy ngàn đời của khỉ cũng có những bọn không thể khinh nhờn được, vốn dĩ đây là một việc chống lại sức hút của trái đất, rất miễn cưỡng nên dẫu có không làm nổi cũng không có gì đáng phải xấu hổ cả. Nhưng với môn thể thao săn ve thì có nhiều trở ngại lắm. Cũng may tôi có một lợi khí là cái móng chân nên bằng cách này cách khác, tôi cũng leo được, dẫu không dễ dàng như đứng ngoài mà nhìn. Không những thế, ve sầu là những thằng biết bay. Khác với bọ ngựa, nó chỉ cần bay đi là hết. Leo hết hơi mới lên được cây cũng thành ra như không leo, chẳng có cách lựa chọn nào khác. Rủi ro này không phải là tôi không gặp phải. Cuối cùng còn một nguy cơ nữa là bị ve sầu tưới nước tiểu vào mình. Nước tiểu đó nhiều khi nhằm thẳng vào mắt mà dội. Bỏ chạy thì đành phải chịu rồi, nhưng riêng cái khoản nước tiểu này thì xin vái dài.
Không biết việc phóng nước tiểu mỗi khi bay đi như vậy là do trạng thái tâm lý nào, đã ảnh hưởng gì đến cơ quan sinh lý chúng không nhỉ? Có phải đó là một sự quá nuối tiếc chăng? Hay là một phương pháp tiện lợi, làm kẻ thù ngạc nhiên, nhân đó mà bỏ chạy chăng? Nếu thế thì nó phải được coi cùng hạng mục với việc con cá mực tiết ra chất nước đen, những tay anh chị vạch áo, trưng ra những hình xăm trổ chết tiệt, hay việc ông chủ đọc tiếng La tinh… Đây là một vấn đề không thể xem nhẹ đối với ve sầu học. Chỉ cần nghiên cứu kỹ một cái này cũng có đầy đủ giá trị một luận văn tiến sĩ. Đây là chuyện ngoài đề. Bây giờ xin trở lại nội dung chính.
Nơi mà ve sầu tụ tập – nói là tụ tập thì hơi kỳ, chính ra phải nói là tập trung mới đúng, nhưng nếu dùng từ “tập trung” thì nghe hơi sáo mòn, nên thôi dùng “tụ tập” – nơi mà ve sầu tụ tập là cây thanh đồng. Nghe nói cây này có tên chữ Hán là ngô đồng. Cây này lá rất rậm lại to như cái quạt. Khi lá đã mọc hết thì um tùm, che hết cành, đây là một trở ngại rất lớn cho môn “săn ve”. Câu thành ngữ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”[127] thật kỳ diệu, cứ như là được sáng tác dành riêng cho tôi trong trường hợp này vậy. Không còn cách nào khác, tôi đành phải tìm đến những chỗ nào nghe có tiếng kêu. Đứng ở dưới nhìn lên, trên độ cao khoảng một con sào[128], chỗ cây ngô đồng toác ra thành hai nhánh là nơi tôi tạm nghỉ và thăm dò những con ve sầu phía sau các lá cây. Trong lúc leo từ gốc lên đến chỗ này, cũng có khi có con bay vù đi rất nhanh. Có một con bay đi là thôi đi đứt. Về điểm hay bắt chước nhau thì ve sầu cũng ngu xuẩn không kém gì người. Chúng sẽ nối đuôi nhau mà bay đi hết. Có khi, tù từ leo lên được chỗ chạng cây này thì cả cây im phăng phắc, không một tiếng kêu. Đã có lần tôi leo được đến đây mà nhìn khắp mọi nơi, giỏng tai nghe khắp mọi phía cũng không thấy tăm hơi ve sầu đâu. Bỏ đi chỗ khác thì ngại nên tôi quyết định nghỉ một chút, lấy chạng cây làm trận địa, mai phục chờ cơ hội. Thế rồi tôi buồn ngủ và đánh một giấc ngủ trưa lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh giấc, tôi rơi bộp xuống nền đá lát sân. Nhưng thường thì mỗi lần leo lên tôi đều bắt được một con. Chỉ có điều kém thú vị là, vì ở trên cây nên tôi phải công bằng miệng. Vì vậy, khi xuống đến đất, nhả ra thì đa phần chúng đã chết. Cào giỡn, vờn nghịch thế nào cũng thấy không sướng tay.
Cái thú vị của môn săn ve là lúc lặng lẽ rình, thấy cu cậu đang sắp bay đi, cứ ra sức thập thò cái đuôi thì bất chợt bị tôi lấy chân trước chộp lấy và đè xuống. Lúc này cậu ve sầu “chư-k chư-k” cất tiếng nỉ non, vỗ loạn xạ đôi cánh mỏng tanh, trong suốt. Cái nhanh và cái đẹp lúc đó thực chất là một cảnh quan kỳ vĩ của thế giới ve sầu mà ngôn ngữ không thể lột tả hết. Mỗi khi chặn một chú ve “nỉ non”, bao giờ tôi cũng bắt cu cậu biểu diễn cho xem màn nghệ thuật mỹ học này. Khi đã thưởng thức chán rồi thì tôi xin mạn phép cho vào miệng, nhai ngấu nghiến. Tùy từng loại ve sầu, có khi có con cứ tiếp tục trình diễn nghệ thuật cho đến khi vào miệng tôi mới thôi.
Tiếp theo môn săn ve là môn vận đông “trượt thông”. Môn này không cần phải nói nhiều, tôi chỉ giải thích một chút thôi. Nói “trượt thông” thì có người sẽ nghĩ là trượt trên cây thông. Nhưng không phải. Đây cũng là một loại leo cây. Có điều, với môn săn ve thì mục đích leo cây là để bắt ve. Còn môn “trượt thông” thì leo để mà leo, leo là mục đích chính, ở đây có sự khác nhau giữa hai môn.
Cây thông, vốn dĩ vĩnh viễn từ khi được ăn lộc ở chùa Saimyo cho đến nay, nó vẫn rất xù xì, dính đầy nhựa nhớp nháp. Vì thế mà không có gì ít trơn trượt bằng thân cây thông. Đó là chỗ rất tốt để bám chân bám tay vào. Nói một cách khác, nó là chỗ để bám móng vuốt rất tốt, không đâu bằng. Lao một lèo lên thân cái cây dễ bám vuốt ấy, rồi lại lao xuống.
Khi lao xuống có hai cách: Một là chúc đầu xuống phía dưới mà lao xuống. Hai là giữ nguyên tư thế của lúc leo lên, chúc đuôi xuống phía dưới mà tụt xuống. Tôi xin hỏi loài người, các người có biết trong hai kiểu, kiểu nào khó hơn không? Với cái nhìn nông cạn của con người thì sẽ nghĩ rằng đằng nào cũng xuống thì cách chúc đầu xuống là dễ hơn chứ gì? Điều đó sai. Các người chỉ biết mỗi chuyện Yoshitsune lao ngựa xuống dốc đèo Hyodori Goe nên nghĩ rằng đến ngay cả Yoshitsune mà còn lao đầu xuống thì tất nhiên mèo cũng phải chúc đâu xuống mà lao chứ gì? Không đáng coi thường đến thế đâu! Các người có biết vuốt của mèo mọc chúc về phía nào không? Tất cả đều quặp về phía sau. Vì thế cho nên mèo có thể quặp các thứ mà cào vào lòng như dùng liềm, nhưng ngược lại, nếu đẩy ra thì không có sức. Bây giờ hãy thử tưởng tượng tôi đang leo rất mạnh lên cây thông. Thế rồi, vốn là kẻ sống trên mặt đất, tôi không thể cứ ở mãi trên đó. Cứ để nguyên như vậy, nhất định sẽ rơi tụt xuống. Nhưng nếu buông tay ra thì tụt rất nhanh, vì vậy phải làm sao để hãm bớt một phần cái khuynh hướng rơi tự nhiên này. Đây tức là “xuống”. “Rơi” và “xuống” là hai cái có vẻ hoàn toàn khác nhau, nhưng không đến nỗi như ta tưởng. Nếu rơi chậm thì thành “xuống” mà nếu xuống nhanh thì sẽ thành “rơi”. Giữa xuống và rơi chỉ khác nhau có một chút là âm “chi” và âm “ri” thôi[129].
Tôi không thích rơi từ trên cây xuống nên phải tìm cách giảm nhẹ cái “rơi” để mà “xuống”. Tức là phải dùng cái gì đó để hãm bớt tốc độ rơi. Như đã nói ở trên, móng vuốt của tôi tất cả đều quặp về phía sau. Nếu quay đầu lên mà giương vuốt ra thì sức mạnh của nó hoàn toàn ngược chiều với sức rơi, có thể lợi dụng được. Như vậy “rơi” sẽ thay đổi, biến thành “xuống”. Thực ra đây là một lẽ phải rất dễ nhận thấy, nhưng tôi cũng cứ thử dốc ngược mình xuống mà vượt dốc cây tùng kiểu Yoshitsune xem sao. Có móng vuốt đấy nhưng hoàn toàn vô dụng. Cứ trượt đi tuồn tuột, không thể nào mà giữ được trọng lượng của cơ thể mình ở một bộ phận nào. Như thế này thì hết cả hơi, định “xuống” nhưng lại hóa ra “rơi”. Qua đấy đủ biết vượt đèo Hyodori Goe là rất khó. Trong loài mèo, làm được trò này có lẽ chỉ có mỗi mình tôi. Vì vậy, tôi đặt tên cho môn thể thao này là môn “trượt thông”.
Cuối cùng tôi xin nói về môn “vòng rào”. Vườn nhà ông chủ được quây hình vuông bằng rào tre. Chiều song song với thềm nhà dài khoảng tám, chín gian[130], hai bên phải, trái, mỗi bên không quá bốn gian.
Môn thể thao mà tôi gọi là “vòng rào” này có nghĩa là đi một vòng trên hàng rào này mà không bị rơi xuống. Việc này thỉnh thoảng cũng bị thất bại, nhưng đa phần là đi được từ đầu đến cuối, cho nên tôi cũng thấy tự an ủi. Hơn nữa, trên hàng rào thỉnh thoảng lại có chỗ là một cái cọc to đã đốt gốc, trở thành nơi nghỉ ngơi rất tiện lợi.
Hôm nay được ngày đẹp trời, từ sáng đến trưa tôi đã đi thử ba lần. Mỗi lần lại thành thạo thêm lên và càng thành thạo càng thú vị. Thế là tôi bắt đầu đi vòng thứ tư. Vừa đi được nửa vòng thì từ mái nhà bên cạnh có ba con quạ bay sang, đậu giăng hàng ngay trước mặt tôi, chỉ cách độ một gian. Một bọn hỗn láo, làm cản trở công việc luyện tập thể thao của người ta. Hơn nữa, chúng là một bọn cha căng chú kiết, không biết lai lịch ở đâu mà lại dám đậu vào bờ rào nhà người khác. Tôi nghĩ thế và quát “này, tránh ra cho ta đi”. Con thứ nhất quay nhìn tôi cười hề hề. Con thứ hai nhìn ngắm trong sân nhà ông chủ. Con thứ ba chùi mỏ vào cành tre của hàng rào, chắc vừa đi chén cái gì ở đâu về. Tôi cho chúng ba phút để trả lời và đứng trên hàng rào đợi.
Nghe nói, bọn quạ thông thường vẫn có tên là kanzaemon[131], quả thật đúng là bọn kanzaemon. Mặc cho tôi đứng chờ đến bao giờ thì đến, chúng chẳng thèm chào hỏi mà cũng không bay đi. Không còn cách nào khác, tôi đành lừ lừ bước tới. Thế là con đầu tiên hơi xòe cánh ra. Tôi tưởng nó đã sợ, định bỏ chạy chăng? Nhưng nó chỉ đổi tư thế đậu từ hướng phải sang hướng trái mà thôi. Cái thằng khốn này, nếu ở trên mặt đất thì tôi sẽ không bỏ qua cho nó chỗ ấy đâu. Nhưng đáng buồn, lúc này là lúc không làm gì cũng đã khó rồi, còn đâu rảnh rang mà chấp với cái bọn quạ kẻ cướp kia. Tuy vậy tôi cũng không muốn cứ đứng chờ cho đến lúc chúng bay đi. Thứ nhất là đứng chờ như vậy thì rất mỏi chân, không thể chịu nổi. Bọn kia nó có cánh nên có thể đứng lâu ở chỗ như thế này và nếu muốn, chúng có thể ở lại đó đến bao giờ cũng được. Còn tôi đã đi đến vòng thứ tư nên khá mệt. Có thể nói đây là một môn thể thao kiêm nghệ thuật, không thua kém gì môn leo qua võng. Ngay cả khi không có chướng ngại gì cũng không đảm bảo là không có thể rơi. Thế mà bây giờ lại bị ba cái thằng áo đen chặn đường như thế này, thật bất tiện vô cùng. Nếu chân bị tê mỏi thì chẳng còn cách nào khác là tự mình xuống khỏi hàng rào, bỏ tập luyện thôi. Nếu phiền hà thì làm quách như thế chăng? Bọn địch thì đông, trông lại có vẻ không phải là bọn quen, ở gần quanh đây. Mỏ chúng thì nhọn hoắt một cách không bình thường, trông như là con cầu tự của Thiên cẩu ấy, nhất thiết không thể là bọn lương thiện được. Rút lui là an toàn nhất. Cứ dấn sâu thêm nữa, nhỡ rủi mà rơi xuống thì càng nhục. Tôi đang nghĩ như vậy thì con quạ vừa đổi hướng đậu lúc nãy chửi “thằng nỡm”. Con tiếp theo cũng bắt chước bảo “thằng nỡm”. Con cuối cùng cẩn thận nhắc lại hai lần “thằng nỡm, thằng nỡm”.
Dù là một kẻ ôn hậu như tôi cũng không thể bỏ qua được chuyện này. Trước hết, bị bọn quạ lăng nhục như vậy ngay trong dinh thự của mình là một sự xúc phạm đến thanh danh của tôi. Vì tôi chưa có tên nên việc xúc phạm có vẻ như không có liên quan đến thanh danh, nhưng nó liên quan đến thể diện, tôi không thể rút lui được. Trong phương ngôn cũng nói là “bọn ô hợp…” nhưng ở đây chỉ có ba con thì có thể cũng không mạnh lắm. Tôi chuẩn bị khí thế phải tiến lên, chừng nào còn tiến được và hùng dũng cất bước.
Bọn quạ tỏ vẻ phớt lờ, cứ nói chuyện gì đó với nhau. Chúng trêu ngươi chọc tức tôi. Giá bề mặt hàng rào rộng thêm độ ba, bốn tấc thì tôi cho chúng biết tay để nhớ đời. Nhưng đáng tiếc, dù tôi có tức giận đến đâu thì cũng chỉ có thể lừ lừ, lừ lừ bước đi mà thôi. Mai phục cầm chân địch, tránh mũi tấn công, tôi đi được một thôi, cuối cùng đến gần khoảng chừng năm, sáu tấc thì bọn kanzaemon như hẹn nhau cùng đột nhiên vỗ cánh, một con, hai con rồi tất cả bay lên khoảng hai ba thước, phả một luồng gió vào mặt tôi làm tôi giật mình, trượt chân, rơi bịch xuống đất.
Thế là thất bại rồi! Tôi nghĩ và từ chân hàng rào nhìn lên. Cả ba con quạ vẫn đậu nguyên chỗ cũ, cùng chĩa mỏ nhòm xuống mặt tôi. Bọn mặt dày! Tôi lườm chúng nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi cong lưng, khẽ gầm gừ nhưng lại càng không có hiệu quả. Giống như những kẻ phàm tục, không thể hiểu nổi những bài thơ hình tượng tuyệt diệu, chúng chẳng phản ứng gì trước những dấu hiệu giận dữ mà tôi phát ra cho chúng. Ngẫm ra ở đây cũng chẳng có gì vô lý cả. Cho đến lúc này, tôi đã coi chúng như là mèo mà đối xử, nhưng cái đó hỏng. Nếu mèo mà bị đối xử như vậy thì nhất định đã có phản ứng, nhưng tiếc thay chúng lại là quạ. Đứng về phía các ngài quạ thì không thể có cách hành xử khác được. Điều này cũng giống như việc các nhà kinh doanh nôn nóng muốn lấn át ông chủ Kushami, hay việc đem tặng Saigyo[132] một con mèo bằng bạc hoặc việc những thằng quạ vãi phân vào tượng Saigyo Takamori[133]. Là một kẻ nắm bắt thời cơ nhạy bén, tôi cho là kết cục sẽ hỏng cả, chả được gì, nên tôi quên hết, rút lui về hành lang. Đã đến giờ ăn tối rồi.
Vận động là tốt nhưng nếu vận động quá cũng không được. Vì vậy tôi cảm thấy bải hoải rã rời. Không những thế, mới chớm thu cho nên khi vận động người nóng bừng, bộ áo lông tha hồ hấp thu ánh mặt trời xế bóng, người nóng ran, không chịu nổi. Mồ hôi từ chân lông ứa ra không chảy đi đâu mà cứ dính dưới đó như dầu mỡ. Khắp lưng ngứa ngáy. Cái ngứa do mồ hôi và ngứa do rận rệp có thể nhận biết rất rõ rệt. Chỗ nào miệng với tới được thì có thể cắn, chỗ chân với tới thì cào, nhưng chỗ giữa sống lưng thì tự mình không thể làm gì được. Những lúc thế này, nếu có người nào thì cọ bừa vào người đó, hoặc cọ vào cây thông. Không chọn một trong hai phương pháp đó thì không thể nào ngủ yên lành, ngon giấc được.
Loài người vốn ngu xuẩn nên có khái niệm thể hiện bằng từ “giọng vuốt ve mèo”[134]. “Giọng vuốt ve” là giọng của con người, còn với vị trí của tôi mà nhìn thì không phải là “vuốt ve” mà là “bị vuốt ve”. Thôi được, muốn gọi là thế nào cũng được, chỉ biết là loài người vốn ngu ngốc nên có cái “giọng vuốt ve” ấy và mỗi khi tôi chạy đến bên chân chúng với cái giọng “bị vuốt ve”, thì đa phần thằng ấy hay con ấy tưởng lầm là tôi yêu quý chúng, mặc kệ cho tôi muốn làm gì thì làm và đôi khi chúng còn xoa đầu tôi nữa. Thế nhưng gần đây, trong lông tôi phát sinh và nảy nở một loài ký sinh trùng gọi là rận nên họa hoằn, nếu tôi có đến cạnh là chúng lập tức tóm cổ tôi, vứt ra chỗ khác. Chỉ vì những con bọ bé tí tẹo, nhìn kỹ cũng không thấy, chẳng đáng kể vào đâu ấy mà xem ra hết cả tình nghĩa. Người ta nói “thay đổi như lòng bàn tay”[135] chính là thế này đây. Nhiều lắm thì cũng chỉ đến một, hai ngàn con rận là cùng, thế mà chúng nỡ làm cái trò vụ lợi như vậy đấy. Nguyên tắc đầu tiên của tình thương yêu mà loài người quán triệt là “nên yêu người khi thấy có lợi cho mình”.
Cách hành xử của con người luôn quay quắt, biến báo như vậy cho nên dẫu có ngứa ngáy đến đâu, tôi cũng không thể lợi dụng sức người được. Thế thì chỉ còn có cách thứ hai là ma sát vào vỏ thông thôi. Vậy hãy đi một chút rồi về chăng? Tôi nghĩ vậy và lại từ thềm hành lang đi xuống vườn. Nhưng tôi chợt nghĩ ra: không được, đây là một tối sách, “lợi bất cập hại”. Cây thông có nhựa. Nhựa thông là cái giống rất dai dẳng, một khi nó đã dính vào lông rồi thì dẫu có sét đánh hay hạm đội Ban tích bị tiêu diệt hoàn toàn nó cũng quyết không rời ra. Hơn thế nữa, vừa dính vào năm sợi lông là lập tức lan ngay ra mười sợi. Vừa thấy bị mười sợi đã thành ra ngay ba mươi sợi. Tôi là một con mèo “trà nhân” thanh khiết, thích đạm bạc. Tôi vô cùng ghét cái loại dai dẳng, độc ác, dính dớp, dai ngoanh ngoách như thế. Dẫu cho đó có là một nàng mèo tuyệt thế giai nhân thì tôi cũng xin kiếu, huống chi đó lại là nhựa thông, tôi ghét lắm! Nếu để cho cái loại cùng đẳng cấp với gỉ mắt của mèo Đen nhà hàng xe, vẫn nhoèn ra mỗi khi gió bấc thổi ấy, làm hỏng bộ áo lông màu tro nhạt này của tôi thì không còn ra làm sao. Phải suy nghĩ cho cẩn thận. Nhưng cái thằng đó, nó có chú ý suy nghĩ gì đâu. Nếu đi mà cọ vào cái vỏ cây đó thì ngay lập tức bị dính nhoét ra cho mà xem. Chơi với loại lẩm cẩm, bất trị này, không những xấu mặt tôi mà còn xấu cả bộ lông của tôi nữa. Dù có ngứa đên mấy cũng đành phải chịu thôi.
Thế nhưng, cả hai cách đều không sử dụng thì tôi thấy lòng buồn bã vô cùng. Nếu không nghĩ ra được cách nào nữa đây thì ngứa ngáy, dính dáp, cuối cùng làm cho minh bị ốm cũng nên. Có cách nào không nhỉ? Tôi khoanh chân nghĩ và chợt nhớ ra:
Thỉnh thoảng ông chủ vẫn cầm xà phòng, khăn mặt, lẻn đi đâu đó. Sau khoảng ba, bốn mươi phứt quay về thì thấy bộ mặt ngơ ngác của ông thường tươi tỉnh hơn, trông có vẻ sáng sủa ra. Với một kẻ nhếch nhác như ông chủ mà còn có tác dụng đến vậy thì với tôi, chắc chắn sẽ có tác dụng hơn nữa. Bình thường tôi vốn là một đấng nam nhi, đầy khí phách, không cần đẹp trai, hấp dẫn hơn nữa. Nhưng nếu không may, bị đau ốm, bệnh tật, mới được một năm mấy tháng tuổi mà đã yểu mệnh, từ trần thì có tội với chúng sinh dưới gầm trời này mất. Nghe nói, đây là nhà tắm nước nóng, nơi con người làm ra để giết thời gian nhàn rỗi. Đã là cái do con người làm ra thì dứt khoát không thể tử tế được rồi, nhưng nhân dịp này hãy cứ thử vào, xem thử một lần cũng được chứ sao? Thử mà không thấy có công hiệu thì thôi. Có điều, không hiểu con người có đủ rộng lượng mà để cho mèo, là thứ khác loài, vào trong cái nhà tắm mà họ làm ra cho họ ấy không? Đây là điều tôi băn khoăn. Nhưng cái nơi mà ông chủ có thể ngang nhiên vào được như vậy thì chắc tôi cũng không bị từ chối đâu! Nhưng chỉ sợ không may gặp rủi ro gì thì mang tiếng lắm. Chỗ này là nơi tôi chưa từng xem qua tình hình nó ra làm sao. Hãy đi xem thử, nếu thấy được thì tôi cũng sẽ công khăn mặt, nhảy vào tắm thử. Suy nghĩ và quyết định như vậy, tôi lững thững đi đến nhà tắm.
Từ ngõ phố vòng về phía tay trái, nhìn sang phía đối diện bên kia sẽ thấy một cái gì cao như cây bương, đứng sừng sững, trên đầu phun ra những làn khói mỏng. Đó chính là nhà tắm. Tôi lẻn vào từ cửa sau. Nghe nói lẻn vào cửa sau thì có người sẽ cho là chuyện bỉ ổi hay tầm thường đấy. Nhưng đó chỉ là những lời ghen tị hay a dua của của những kẻ không thể vào thăm nhà ai ngoài cửa chính thôi. Từ ngày xưa, những người thông minh, lanh lợi đương nhiên đều phải ập vào, tấn công từ cửa sau. Nghe nói trong sách giáo khoa đào tạo Thân sĩ, ở quyển II, chương I, trang 5 có ghi rõ như vậy. Trang tiếp theo thậm chí còn ghi rằng cửa sau là di chúc của Thân sĩ, là nơi mà các Thân sĩ đã thu được “cái đức”. Là mèo của thế kỷ 20 nên vốn kiến thức này tôi nắm rất vững, đừng có mà coi thường.
Thế rồi, chui vào trong đó, tôi nhìn thấy phía tay trái có những cành thông bị chẻ ra chừng tám tấc (khoảng 25 cm) chất cao như núi, bên cạnh là than đá cũng đổ thành đống cao như gò. Có thể sẽ có người thắc mắc tại sao củi thì cao như núi mà than lại cao như gò? Cái đó chả có ý nghĩa gì đặc biệt ở đây cả. Tôi chỉ muốn phân biệt cách dùng khái niệm “núi” và “gò” một chút thôi.
Con người ăn gạo, ăn chim, ăn cá, ăn thú. Ăn hết tất cả mọi thứ không tốt lành gì rồi thì ăn đến cả than. Sa đọa đến tội nghiệp, thảm hại. Theo bước chân đưa tới, tôi nhìn thấy một cái cửa rộng chừng một gian để ngỏ không đóng, tôi dòm vào thấy vắng ngơ vắng ngắt. Đối diện phía bên kia thì nghe tiếng người rất đông. Tôi đoán, nhà tắm chắc là nơi có tiếng động này đây, tôi bèn luồn qua cái khe giữa đống củi và đống than, quẹo sang phía tay trái rồi cứ thế thẳng tiến. Tôi nhìn thấy phía bên phải có một cái cửa kính, bên ngoài cửa đó có những chiếc chậu gỗ tròn, nhỏ xếp thành hình tam giác, tức là xếp chồng lên nhau thành hình Kim tự tháp. Những vật hình tròn mà lại bị xếp theo hình tam giác thì rõ ràng là trái ngược rồi. Tôi thầm thông cảm với nỗi lòng của những chiếc chậu nhỏ. Ở phía nam của những chiếc chậu có một sàn gỗ trống chừng bốn năm thước trông như dành để chờ đón tôi. Sàn cao cách mặt đất chừng một mét nên nhảy lên thì vừa khoái. Tôi nghĩ và nhảy phốc lên thì cái gọi là “nhà tắm” đập ngay vào trước mũi, vào dưới mắt và vào ngang mặt. Trên đời này nếu nói là hay và khoái thì không gì bằng được ăn cái ta chưa bao giờ ăn, nhìn cái ta chưa bao giờ nhìn. Nếu quý vị cũng như ông chủ tôi, mỗi tuần khoảng ba lần sống ở trong nhà tắm này khoảng ba, bốn chục phút thì chẳng nói làm gì. Còn nếu cũng như tôi, chưa hề biết nhà tắm bao giờ thì hãy mau mau biết đi thì hơn. Không phải túc trực bên cha mẹ đang hấp hối cũng được. Riêng có nơi này, hãy nhất thiết đến mà xem. Thế giới rộng lớn thật đấy, nhưng không có nơi nào nữa có kỳ quan như thế này đâu.
Kỳ quan ở chỗ nào? Cái gì là kỳ quan? Nó là thứ kỳ quan mà tôi phải kiêng, không thể nói ra miệng được. Tất cả những con người đang lúc nha lúc nhúc, léo nha léo nhéo bên trong cửa kính kia, nhất loạt đều trần truồng. Đó là những thổ dân Sinh phiền Đài Loan, là những Adam ở thế kỷ 20.
Nếu giở lịch sử của y phục ra thì rất dài. Việc này để giao cho ông Teufelsdrockh. Con người thật sự là con người khi mặc quần áo. Vào thế kỷ 18, ở các nhà tắm nước nóng của nước Anh, Richard Nash quy định rất nghiêm khắc, trong nhà tắm, nam nữ đều phải mặc quần áo kín hết từ cổ đến chân. Cách đây sáu mươi năm, ở một thành phố của Anh, người ta xây dựng một trường thiết kế mẫu (design). Là trường thiết kế mẫu nên người ta mua tranh, tượng khỏa thân, mô hình nọ kia bày la liệt khắp mọi chỗ cũng được. Nhưng đến khi làm lễ khánh thành thì nhà đương cục và các viên chức của trường đã gặp khó khăn lớn. Lễ khánh thành thì phải mời các tiểu thư, thuyền quyên, thục nữ của thành phố tới dự. Nhưng trong suy nghĩ của các bà thời ấy thì con người là một động vật mặc quần áo, chứ không phải là con em của loài khỉ mặc da. Là con người mà không mặc quần áo thì giống như con voi không có vòi, trường học không có học sinh, chiến sĩ không có dũng khí, sẽ mất hết bản thể. Một khi đã mất bản thể rồi thì con người không còn là con người nữa, đó là loài thú. Dù cho đó chỉ là mô hình mô phỏng, nhưng việc ngang hàng với những con người thú đó làm tổn thương đến phẩm giá các thục nữ, vì vậy các nàng đã từ chối không tham dự.
Các quan chức nghĩ rằng đây là một bọn khó dạy, nhưng muốn gì thì gì, ở nơi nào, nước nào thì đàn bà cũng chỉ là một thứ đồ trang sức mà thôi. Họ không thể làm người giã gạo, cũng không thể làm lính tình nguyện, nhưng là đồ trang trí không thể thiếu trong lễ khai trường. Vậy thì đành phải đến cửa hàng bán quần áo kimono mua 35 tấm[136] 7 phần 8 vải đen về cho tất cả bọn người thú kia mặc. Tôi xin nói thêm một chuyện không thể có là mặc kimono trùm tận mặt, cho nó chắc chắn. Nhờ thế, lễ khai giảng đã tiến hành trót lọt. Quần áo đối với con người là quan trọng như vậy. Vậy mà gần đây có những tiên sinh theo đuổi “tranh khỏa thân”, suốt ngày đêm tụng niệm “khỏa thân, khỏa thân”, điều đó thật sai lầm. Theo con mắt của tôi, một kẻ từ khi sinh ra đến nay chưa một lần khỏa thân, dứt khoát đó là sai.
Khỏa thân chỉ là một trào lưu chạy theo sự dâm đãng thời văn nghệ phục hưng, do di căn một số phong tục cổ Hy Lạp, La Mã. Người La Mã, Hy Lạp bình thường vẫn nhìn người khỏa thân, đã quen mắt nên không thấy ảnh hưởng gì đến phong tục, đạo đức cả.
Nhưng Bắc u thì rét. Ngay cả Nhật Bản cũng thử hỏi có thể không mặc quần áo mà đi ra đường được không? Huống chi là Đức, Anh, không mặc quần áo thì có mà chết toi. Vì sợ chết người ta phải mặc quần áo. Tất cả đều mặc quần áo nên con người là động vật mặc quần áo. Đã trở thành động vật có quần áo rồi, bây giờ lại đột nhiên trở lại là động vật trần truồng thì không thể chấp nhận đó là con người được. Tôi cho đó là loài thú. Vì vậy, người châu u, đặc biệt là người châu u phía bắc cứ việc lấy tranh lõa thể, tượng khỏa thân mà hành xử như thú vật cũng được. Cứ coi đó là những con thú thua kém mèo cũng được. Đẹp ư? Đẹp cũng chả sao. Cứ coi như một con thú đẹp cũng được.
Nói thế này chắc có kẻ nào đó sẽ hỏi tôi “cậu đã nhìn thấy quần áo của phụ nữ phương Tây bao giờ chưa?”. Tôi là mèo nên tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Nghe nói thì bọn họ mặc áo hở ngực, hở vai, hở cánh tay và gọi đó là lễ phục. Không thể chấp nhận được. Cho đến thế kỷ 14, việc ăn mặc của họ hoàn toàn không kỳ quặc, họ cũng mặc những thứ mà người bình thường vẫn mặc. Vậy mà bây giờ không hiểu sao họ lại chuyển sang trào lưu “leo dây múa rối” hạ đẳng như vậy? Cái này phiền toái nên tôi không nói. Ai biết thì biết, ai không biết thì cứ không biết cũng được. Lịch sử thì thôi, mặc kệ nó. Chỉ biết rằng, mặc dù họ rất đắc ý với những thứ dị dạng mà họ khoác vào mình đó, nhưng chỉ vào ban đêm. Xem ra, trong nội tâm, họ vẫn còn có chỗ hơi người, nên khi mặt trời lên là họ có rúm người lại, che bộ ngực đi, trùm kín cánh tay và tất ráo cả mọi thứ, không còn hở chỗ nào cả. Không những thế, họ còn hổ thẹn khi một chiếc móng chân bị người khác nhìn tháy. Qua đó đủ biết cái thứ quần áo lễ phục của họ đã được làm ra do một loạt những tác động điên rồ, do kết quả bàn luận giữa những thằng ngu với những thằng ngốc. Nếu còn thấy luyến tiếc cái đó thì cứ việc phơi trần vai, ngực, cánh tay ra suốt cả ngày đêm cũng không sao cả.
Những tín đồ của đạo khỏa thân nó là như vậy. Nếu ai thấy khỏa thân là hay ho thì cứ việc để cho con gái mình khỏa thân đi, rồi cả mình nữa, cứ việc cởi hết quần áo mà đi dạo trong công viên Ueno cũng được. Không được ư? Không phải là không được đâu, mà đó là vì người phương Tây không làm như thế nên cũng không làm chứ gì? Thực ra các người chả đã mặc cái bộ lễ phục hết sức không hợp lý ấy mà vênh vang đi vào khách sạn Đế quốc đó sao? Nếu hỏi vì sao thì chẳng có duyên do gì cả, chẳng qua chỉ vì người phương Tây mặc thế nên mình cũng mặc thôi. Vì người phương Tây họ mạnh nên dù có vô lý, có dở hơi cũng phải bắt chước bằng được mới thỏa mãn. “Hãy để cho kẻ lớn cuốn đi, để cho kẻ mạnh bẻ đi, để cho kẻ nặng đè lên…” Tất cả những cái “hãy để cho” hết đi ấy chả phải là đã chẳng mang lại một cái quái gì đó sao? Nếu bảo rằng không mang lại cái gì cũng đành phải chịu thì xin miễn cho. Nếu đã thế thì đừng có nghĩ người Nhật là ghê gớm nữa. Vấn đề học vấn cũng vậy, nhưng không liên quan đến quần áo nên xin bỏ qua.
Quần áo rất quan trọng đối với con người như vậy. Đó là điều kiện quan trọng tới mức phải đặt vấn đề “con người là y phục hay y phục là con người?”. Có thể nói, lịch sử phát triển của loài người không phải là phát triển của thịt xương, cũng không phải của máu mà đơn giản chỉ là của quần áo. Vì vậy nếu nhìn một con người không mặc quần áo thì không có cảm giác đó là con người, mà cảm thấy như gặp ma quỷ. Nhưng ma quỷ thì nếu nhất trí với nhau tất cả đều là ma, sẽ không còn cái gọi là ma quỷ nữa, sẽ không sao cả. Nhưng con người mà như thế thì chỉ càng khốn khổ thêm thôi.
Từ ngày xửa ngày xưa, thiên nhiên đã tạo ra con người và ném họ vào đời bình đẳng như nhau, nên khi sinh ra, ai cũng trần truồng như nhau. Nếu bản tính con người là an phận với sự bình đẳng này thì lớn lên vẫn mãi mãi không mặc quần áo gì cả. Nhưng trong số những người không quần áo đó bỗng có một người nói rằng “Nếu ai cũng như thế này thì việc học hành chả có ý nghĩa gì cả. Mình cố gắng vất vả cũng chả nhìn thấy thành quả gì. Phải làm thể nào để mình là mình, ai nhìn vào cũng biết đó là mình thì mới được!”. Để thực hiện điều này, anh ta muốn thử khoác vào mình một cái gì đó mà người khác nhìn vào phải giật mình, sợ hãi. Anh ta tìm tòi, suy nghĩ suốt trong mười năm, cuối cùng đã phát minh ra cái quần đùi. Anh ta lập tức mặc chiếc quần này và bước đi vênh vang, tỏ vẻ “đã thấy chưa? đã sợ chưa?”. Người đó chính là ông tổ của những người phu xe ngày nay.
Chỉ để phát minh ra một cái quần đùi đơn giản thế mà phải mất mười năm, hao mòn tổn phí thời gian như vậy? Điều đó làm chúng ta cảm thấy khó tin được. Nhưng đó là kết quả thẩm định mà chúng ta phải đi ngược về thời cổ đại, đặt mình trong hoàn cảnh thế giới mông muội mà phán đoán thì mới được. Do vậy, vào thời kỳ đó, đây là một phát minh lớn chưa từng có. Nghe nói, để nghĩ ra được một chân lý mà đứa trẻ con ba tuổi cũng có thể hiểu được, đại ý là “tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại” Descartes đã phải mất mười năm. Tất cả Ià mọi thứ khác, để nghĩ được ra nó đều phải cổ gắng, vất vả. Vì vậy, dùng mười năm cho một phát minh tìm ra cái quần đùi, phải nói là quá giỏi đối với trí tuệ của một người phu xe.
Khi chiếc quần đùi đã ra đời thì chỉ có một mình anh phu xe là kiêu ngạo, lên mặt. Thấy những người phu xe mặc quần đùi đi lại vênh vang, cứ như thể mọi con đường lớn trong thiên hạ này đều là của riêng mình, có con ma khác cũng căm ghét, không chịu thua. Nó lần mò, tìm kiếm trong sáu năm, phát minh ra một “ông lớn” vô tích sự, đó là cái áo khoác Haori. Những người hàng rau, người bán thuốc Nam, người bán quần áo kimono chính là hậu duệ của nhà đại phát minh này.
Sau thời kỳ quần đùi Sarumata, áo khoác Haori là đến thời quần dài Hakama. Đây là nhờ sự tìm tòi của một con ma, nó đã nổi khùng “Haori là cái quái gì?!” Những võ sĩ ngày xưa hay quan chức ngày nay là thuộc vào loại này. Cứ như thế, những con ma tranh nhau khoe mình cũng khác người và đi tìm cái mới. Cuối cùng xuất hiện một cái loại quái thai có tên là “đuôi én”.
Nếu ta bình tĩnh nhìn lại nguyên do ra đời của những thứ ấy thì sự thật cho thấy chúng được cố tình mang đến, chứ hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên tùy tiện hay tình cờ gì cả. Sự dũng mãnh, lòng hiếu thắng của tất cả đã ngưng đọng lại, tạo ra nhiều hình hài mới. Thay vì vừa đi vừa xua tay, la hét “tao không phải là mày”, người ta khoác vào người những cái đó. Xem ra, những phát minh mới cũng đã ra đời từ tâm lý này, chứ không có gì khác.
Giống như thiên nhiên kỵ chân không, con người rất ghét bình đẳng. Ngày nay, khi con người gì ghét bình đẳng mà khoác vào người những thứ quần áo như da thịt, thì việc muốn quay về thời đại vốn công bằng, bình đẳng, chống lại một phần bản chất này là việc làm của những thằng điên. Giả sử cứ tưởng bở, dựa vào danh nghĩa “cuồng nhân” thì hoàn toàn cũng không thể trở lại được. Trong con mắt những người đã được khai hóa, những kẻ trở về đó là những con ma, lũ ma quỷ. Nếu như cả mấy tỉ người trên thế giới này đều quay trở về khuôn khổ của những con ma kia thì sẽ bình đẳng chăng? Tất cả đều là ma quỷ cả thì an tâm, không sợ xấu hổ gì nữa chăng? Nhưng cũng không được! Khi thế giới đã thành ma cả rồi thì ngay ngày hôm sau, lập tức sự cạnh tranh giữa những con ma lại bắt đầu. Không mặc quần áo để cạnh tranh được thì cứ cạnh tranh bằng những con ma đó. Những kẻ khỏa thân cứ hoàn toàn khỏa thân như thế mà tùy sức tạo ra những sự phân biệt, sự khinh bỉ nhau. Qua đây cho thấy, không thể bỏ quần áo được!
Ấy thế mà, dưới mắt tôi đang nhìn xuống lúc này là cả một tập đoàn người, họ gác tất cả những thứ không nên cởi ra như quần đùi, áo khoác quần dài… lên trên giá, không ngần ngại để phô ra trước bàn dân thiên hạ tình trạng khỉ vốn dĩ của mình, bình thản, tự nhiên đàm tiếu thỏa thích.
Cái mà lúc nãy tôi nói là đại kỳ quan chính là cái này đây. Tôi lấy làm vinh dự được trân trọng giới thiệu với quý vị văn minh quân tử về khái quát tổng thể của kỳ quan này:
Lung tung, lộn xộn như thế này, không biết bắt đầu từ chỗ nào đây? Việc của bọn ma quỷ gì có quy củ. Nói theo thứ tự sắp xếp thì rất khó. Đầu tiên hãy nói về bể nước nóng. Chẳng biết có phải đó là bể nước nóng hay là cái gì, nhưng tôi nghĩ đại khái đó là bể nước nóng. Bể rộng chừng một mét, có bề dài khoảng một gian rưỡi[137], được ngăn ra làm đôi, một nửa là nước nóng trắng, nghe nói là nước thuốc gì đấy nên màu đục như nước vôi. Mà không chỉ có đục không đâu, nó trông còn có vẻ đặc quánh, váng mỡ. Nếu nghe nói kỹ về nước này thì có cho là “trông như thối rữa” cũng không có gì lạ. Nghe nói, mỗi tuần chỉ thay nước có một lần. Bên cạnh đó là nước nóng bình thường nhưng không dám hứa chắc chắn là nó trong trẻo, sạch sẽ… Giá trị của nó chỉ ngang bằng bể nước mưa bị khuấy thôi. Điều đó được thể hiện rõ trên màu sắc.
Từ chỗ này trở đi là ghi chép về bọn ma quỷ. Tương đối vất vả. Trong bể “nước mưa” có hai gã trẻ đang đứng sừng sững. Cả hai cứ đứng quay mặt vào nhau mà dội nước xòa xòa lên bụng. Một sự an ủi thật tuyệt, về màu da đen thì cả hai đều đạt tới mức không thể chê trách. Tôi đang nghĩ những con ma này trông có vẻ khỏe khoắn nhỉ, thì một con cầm khăn vừa kỳ cọ ngực vừa nói “này, Kim, tao bị đau chỗ này, không biết vì sao?” Nghe hỏi thế, thằng Kim liền khuyên nhủ rất nhiệt tình:
– Thế thì dạ dày rồi. Dạ dày là mất mạng đấy. Không cẩn thận là nguy đấy.
– Nhưng ở phía trái cơ mà. – Con ma kia nói và chỉ tay vào phổi bên trái.
– Chỗ ấy đúng là dạ dày rồi. Bên trái là dạ dày, bên phải là phổi.
– Thế à, thế mà tao lại nghĩ dạ dày ở chỗ này.
Lần này lại vỗ vỗ chỉ vào mạn lưng. Kim bảo:
– Thế thì bệnh lồng ruột rồi.
Vừa lúc đó, một thằng khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, để râu mờ mờ nhảy ùm vào bể. Xà phòng cùng với ghét trên người hắn nổi lên trên mặt nước trông lấp lánh như nhìn vào nước có chất sắt. Bên cạnh đó, một ông già đầu hói, tóc cạo nửa phân (1,5 cm), đang lý luận gì đó. Cả người nói lẫn người nghe, tôi chỉ nhìn thấy mỗi cái đầu nhô lên.
– Ối chà, đến cái tuổi này rồi thì chán lắm. Con người ta đến xế chiều rồi thì không thể bì với bọn trẻ được. Nhưng mà nước chả nóng gì cả, chán quá nhỉ.
– Ông vẫn chưa sao đâu. Sức khỏe còn được thế là ổn rồi.
– Chẳng khỏe gì đâu, chỉ được cái là không mắc bệnh gì thôi. Con người ta nếu không có bệnh gì thì có thể sống được đến một trăm hai mươi tuổi đấy.
– Ê! Sống được đến thế ư?
– Sống được chứ! Đảm bảo là sống được đến một trăm hai mươi tuổi. Hồi trước Duy tân, ở Usigome có một người lính canh tên là Magaribuchi, ông ta có một gia nhân sống đến một trăm ba mươi tuổi đấy.
– Thằng cha đấy sống giỏi nhỉ?
– Ừ, sống lâu quá, nó quên mất tuổi của mình. Chỉ nhớ được đến một trăm tuổi, sau đó thì không nhớ gì cả. Theo tôi biết thì lúc đó là một trăm ba mươi tuổi mà vẫn chưa chết, không biết sau đó thế nào, có thể vẫn đang còn sống cũng nên.
Ông ta nói rồi lên khỏi bể nước. Người đàn ông để râu rắc lên khắp người một cái gì trông như mica, tủm tỉm cười một mình.
Nhảy vào thay thế bọn này không thuộc loại ma quái bình thường nói chung, mà trên lưng chúng có khắc những hình vẽ. Có vẻ như màn trình diễn Iwami Jutaro[138] vung đại đao chém mãng xà, nhưng đáng tiếc chưa hoàn thành nên chưa thấy mãng xà đâu. Do vậy, thầy Jutaro trông có vẻ hơi xuống nước. Hắn vừa nhảy xuống vừa kêu “nước nguội bỏ xừ!”. Một tay khác nhảy xuống tiếp theo, mặt nhăn nhó dường như phải chịu đựng cái nóng, nói “ái chà, phải nóng hơn chút nữa mới được nhỉ” rồi quay sang thầy Jutaro chào “ôi, đại ca!”.
Jutaro đáp “à” rồi hỏi:
– Thằng Tami thế nào rồi?
– Thế nào ư? Vì nó thích chuông mà.
– Không phải chỉ có chuông…
– Thế à? Thằng ấy không phải là kẻ tốt bụng đâu. Chẳng hiểu sao mọi người không thích nó. Không biết vì sao người ta không tin nó. Thợ tay nghề chẳng ai như thế cả.
– Đúng thế. Tay Tami ấy thì không phải nó thấp đâu mà vì đầu nó cao quá, nên nó không được tín nhiệm mấy.
– Đúng vậy đấy. Cứ tưởng là cũng có tay nghề chẳng kém ai, nghĩa là tự mình thiệt thôi.
– Ở phố Sirokane, người cũ cũng không còn. Bây giờ chỉ còn những người như ông Moto hàng săng, đại tướng hàng gạch ngói, và cỡ như đại ca thôi nhỉ? Tôi thì sinh ra ở đây chứ Tami thì chả biết ở đâu tới.
– Thế đấy. Nhưng mà nó cũng đã giỏi được đến thế.
– Ừ, không hiểu sao mọi người lại không thích nó. Có lẽ vì ít giao thiệp chăng?
Câu chuyện từ đầu đến cuối chỉ độc chỉ trích ông Tami mà thôi.
Về bể nước mưa, tôi xin nói đến đây. Bây giờ nhìn sang bể nước nóng trắng mới thấy ở đây đông nghịt người. Có thể nói, không phải người ta ngâm mình trong nước mà là nước tràn vào giữa khối người thì đúng hơn. Không những thế, họ lại vô cùng ung dung, thanh thản. Mặc dù liên tiếp có người vào thêm nhưng chẳng có ai đứng lên đi ra cả. Người ta ngâm như thế này, nước lại để cả một tuần thì bẩn là đúng thôi. Tôi thán phục, đưa mắt nhìn khắp lượt bể nước thì thấy Kushami tiên sinh, người đỏ rực, đang ngồi co ro, bị ép về góc phía bên trái. Thật tội nghiệp, giá mà ai dãn ra, nhường chỗ cho ông ấy có lối thoát ra được thì tốt. Tôi nghĩ vậy nhưng thực tế xem ra chẳng có ai muốn nhúc nhích, mà bản thân thầy Kushami cũng không có vẻ gì là muốn lên. Tất cả chỉ ngồi im, người đỏ dần lên. Thế này thì thật là vất vả. Có lẽ họ nghĩ phải làm sao cố tận dụng hai chinh rưỡi tiền tắm nước nóng nên để cho người nóng đỏ lên như thế này chăng? Không lên mau lên thì bị trúng hơi nước mất thôi. Là một kẻ luôn nghĩ đến chủ mình, tôi đứng trên kệ mà lòng không ít lo lắng. Thế rồi có một người nhấp nhô ở chỗ cách ông chủ một người, nhăn mặt sáp lại tìm sự đồng cảm của con ma cùng ngồi chung ghế trong bóng đêm, than thở:
– Thế này thì công hiệu quá mức, thấy nóng rát cả phía sau lưng rồi.
– Nóng gì đâu, thế này là vừa vặn tốt. Nước thuốc mà không nóng thế này thì không công hiệu. Ở quê tôi còn ngâm nước nóng gấp đôi thế này ấy chứ.
Ông ta lên mặt thuyết giáo, vẻ tự đắc.
– Cái nước nóng này thì nó có hiệu nghiệm gì nhỉ?
Người đàn ông gấp chiếc khăn mặt, đặt lên trên cái đầu gối gồ ghề của mình, quay sang hỏi mọi người như vậy.
Công hiệu nhiều thứ lắm. Có thể nói là cái gì cũng công hiệu hết. Đây là một “hào khí” mà lại!
Người nói này là một người có bộ mặt đã được “công hiệu” cả về hình thù lẫn màu sắc của một quả dưa chuột, gầy đét. Nếu công hiệu như vậy thì nhìn ông ta phải khá hơn một chút mới phải.
– Ngày thứ ba, thứ tư sau khi hòa thuốc là công hiệu nhất. Hôm nay là ngày nên ngâm đấy.
Tôi nhìn vào mặt cái người nói có vẻ hiểu biết đó thì thấy một bộ mặt phù thũng, có lẽ đây là béo ghét chăng? Không biết từ chỗ nào, có người cất tiếng vàng vọt hỏi:
– Uống thì có hiệu nghiệm không?
– Nếu bị lạnh mà uống một bát trước khi đi ngủ thì sẽ không đi tiểu vặt. Cứ uống thử mà xem.
Tiếng trả lời này không biết từ cái mặt nào phát ra.
Quan sát bể nước chừng đó xong, tôi quay sang nhìn sàn gỗ thì thấy bày la liệt những Adam hình thù gớm ghiếc (không thể vẽ lên tranh được). Các Adam, kẻ nào người ấy tùy ý mà chọn tư thế, vị trí để rửa ráy. Đáng kinh ngạc là trong đó có người nằm ngửa, nhìn lên tia sáng trên cao, có kẻ nằm sấp bụng, dòm vào máng nước thải. Những người này trông hết sức nhàn rỗi. Có một ông sư ngồi xổm, quay mặt vào tường đá. Phía sau, một chú tiểu miệt mài đấm vai cho ông. Đây là họ đang làm thay nhiệm vụ người phục vụ nhà tắm trên quan hệ thầy trò chăng? Người phục vụ chính cống cũng có nhưng trông có vẻ bị cảm. Nóng thế này mà người đó ăn mặc tề chỉnh, múc nước từ cái chậu hình bầu dục, dội òa òa lên vai ông khách. Nhìn xuống chân anh ta, thấy kẹp một chiếc giẻ kỳ ghét bằng len thô.
Ở góc đằng này có một người tham lam ôm cả ba cái chậu con trong tay, ra sức bàn luận rất lâu với người bên cạnh “dùng xà phòng đi, dùng xà phòng đi”. Tôi lắng nghe xem họ nói gì với nhau thì thấy:
– Súng là mang từ nước ngoài vào chứ trước đây chỉ có chém nhau thôi. Bọn nước ngoài thật là bỉ ổi mới làm ra cái đó. Hình như không phải Tàu đâu. Đúng là bọn Tây rồi. Thời Watonai[139] làm gì có cái đó. Thời đó đúng là chỉ có dòng họ Minamoto của Seiwa (Thanh Hòa) thôi. Khi Yoshitsune từ Ezo sang Mãn Châu, nghe đâu có một người Edo rất có học cứ bám sát theo ông ta. Rồi con trai của Yoshitsune đã tấn công nước Đại Minh, làm cho nước này lao đao, bèn cử sứ giả sang Tam Đại tướng quân yêu cầu cho mượn 3000 quân. Tướng quân giữ sứ giả đó lại rồi sau cho về. Rồi thế nào nhỉ? Rồi sao đó, cái vị sứ giả này, giam giữ hai năm, cuối cùng lấy vợ ở Nagasaki. Con của bà vợ này chính là Watonai. Khi về nước thì nước Đại Minh đã bị giặc đánh tan…
Họ nói gì tôi chả hiểu gì cả.
Phía sau người này, một thanh niên chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, vẻ mặt tối tăm, thẫn thờ xông nước nóng trắng vào chỗ dưới đùi. Trông anh ta có vẻ như đang đau đớn vì mụn nhọt hay vì cái gì đó. Cạnh đó, một tay khoảng mười bảy, mười tám tuổi đang liến thoắng nói gì có vẻ hỗn láo, cậu, tớ gì đó. Có lẽ một thằng học sinh ở gần đây chăng? Tiếp theo, lại nhìn thấy một cái lưng rất kỳ lạ. Xương sống nổi rõ từng đốt trông như có một cành tre cắm ngược từ hậu môn trở lên. Hai bên cột sống có bốn cái hình giống ô bàn cờ xếp ngăn nắp. Những ô ấy, có cái sưng tấy, xung quanh mưng mủ… Ồ, nếu cứ viết thế này thì nhiều quá mà độc giả cũng không hình dung nổi. Tôi đang cảm thấy ngại khi mình đi vào chỗ phức tạp thì ở cửa ra vào, bất thình lình xuất hiện một ông già đầu trọc khoảng bảy mươi tuổi, mặc kimono vải sợi bông, màu vàng nhạt. Ông cung kính chào khắp lượt những con ma không mặc quần áo này:
– Vâng, thưa tất cả quý vị, ngày nào chúng tôi cũng xin cảm ơn quý vị, khóng trừ một ai. Hôm nay trời hơi lạnh, xin các vị cứ tắm thong thả, xin các vị cứ lên xuống, ngâm nhiều lần trong nước nóng trắng cho ấm người lên. Này, bác quản lý ơi, bác xem nước cho vừa độ nóng nhé!
Lời lẽ của ông tuôn chảy không ngừng. Người quản lý chỉ đáp “dạ”. Watonai thì hết lời khen ngợi ông già “dễ thương nhỉ, phải như thế làm ăn mới phát đạt chứ!”. Đột nhiên ông già này làm tôi hơi ngạc nhiên nên tôi bỏ dở quang cảnh đang miêu tả này, quay sang quan sát ông ta. Ông già nhìn và chìa tay nói với một thằng bé khoảng bốn tuổi vừa ở dưới bể ngâm lên “Ồ, cậu ấm, lại đây nào”. Nhìn thấy ông già như một người hãm tài, chắc thằng bé sợ hãi, khóc thét lên. Ông già có vẻ lúng túng, xuýt xoa “ối chà, khóc à? Sao mà khóc, sợ ông à? Trời ơi, thế này thì…” Vô phương, ông đành chuyển mũi giáo sang bố thằng bé “À, anh Gên à? Hôm nay hơi lạnh nhỉ. Cái thằng kẻ trộm vào nhà hàng Oumi tối qua sao mà ngu thế không biết. Nó đi khoét cái lỗ chui vào là hình vuông, thế rồi anh biết không, nó bỏ đi mà chẳng lấy cái gì cả. Hay là nó nhìn thấy cảnh sát hay người tuần đêm chăng?”
Sau khi chê bai thằng kẻ trộm xong, ông lại bắt qua một người khác:
– Vâng, vâng, lạnh lắm. Các anh còn trẻ nên không thấy lạnh nhỉ?
Hình như vì già nên mỗi mình ông ta là cảm thấy lạnh. Trong khoảnh khắc tôi đang bị cuốn hút về phía ông già, không những quên béng những con ma quái dị, mà ngay cả ông chủ đang co ro, khổ sở cũng biến khỏi ký ức của tôi, thì đột nhiên có kẻ nào đó nói rất to ở chỗ khoảng giữa chỗ dội nước và sàn lát ván. Tôi nhìn ra thì hóa ra chính ông thầy Kushami, không lẫn vào đâu được. Cái giọng rất to và khản đục, rất khó nghe của ông chủ không phải tôi nghe lần đâu tiên, nhưng vì nó phát ra ở một địa điểm khác nên tôi rất ngạc nhiên. Có lẽ vì ngâm mình quá lâu trong nước nóng, phải cố nén chịu nên bây giờ nó bật ra như thế chăng? Tự nhiên tôi bất chợt nghĩ như vậy. Nếu đó chỉ đơn thuần vì bệnh tật thì không có gì phải bận tâm cả. Nhưng tại sao, mặc dù là phản xạ mà ông ta lại có vẻ thực lòng, cố ý hét như vậy? Tại sao phải dùng phương pháp ngoại lệ, phát ra tiếng bằng toàn thân như vậy? Nghe thì hiểu ngay, ông ta đang bắt đầu một cuộc cãi nhau chẳng người lớn gì với một thằng học trò lếu láo không đáng kể.
– Mày lui xa ra, không được để nước chảy vào chậu của tao.
Người quát này tất nhiên là ông chủ. Sự việc có thể nhìn nhận thế nào cũng được. Tiếng thét này không cần nghĩ là kết quả của sự phản ứng “uất ngược”. Trong muôn vạn người, có thể cũng có một người cho rằng có lẽ đó là Takayama Hikokuro[140] đang mắng bọn sơn tặc đấy. Bản thân đương sự muốn như vậy nhưng đối phương lại không đóng vai sơn tặc nên kết quả không như mong muốn. Thằng học trò quay lại trả lời nhẹ nhàng:
– Tôi ngồi chỗ này từ trước mà.
Đó là câu trả lời rất thường tình, nó chỉ biểu hiện là “tôi không lui ra đâu”, nghĩa là không theo ý ông chủ. Cả ngôn ngữ và thái độ của nó đều cho thấy là không đáng bị mắng mỏ như sơn tặc. Điều này thì dẫu có bị “uất ngược” đến mức nào, chắc ông chủ cũng hiểu được. Nhưng sự phẫn nộ của ông không phải vì chỗ ngồi mà vì từ nãy đến giờ hai học trò này toàn nói những chuyện kiêu ngạo, không hợp với lứa tuổi của họ. Xem ra ông chủ vì phải nghe chuyện của họ từ đầu đến cuối mà đâm ra tức giận thôi. Vì vậy, mặc dù bên kia nói năng điềm đạm, ông cũng không yên lặng mà đi lên sàn gỗ. Lần này ông lại quát:
– Cái đồ mất dạy ở đâu ấy, ai lại để bắn tung tóe nước bẩn vào chậu của người ta thế này.
Tôi cũng hơi ghét bọn trẻ này nên lúc này trong lòng cảm thấy hơi khoái, nhưng tôi nghĩ là một thầy giáo dạy học mà cách ăn nói của ông chủ thế này thì không được nhã nhặn lắm. Ông chủ vốn dĩ là người rất cứng nhắc, rất dở. Cứ khô không khốc, cứng quèo như hòn than đá đã đốt rồi vậy.
Ngày xưa, khi Hannibal[141] vượt dãy Alpes gặp một tảng đá lớn nằm giữa đường, cản trở bước tiến của quân sĩ, ông đã cho dội giấm lên tảng đá, lấy lửa nung cho mềm ra, rồi dùng cưa xẻ tảng đá ra như cắt chả để cho đoàn quân tiến lên suôn sẻ. Một người vào ngồi ngâm như ninh trong nước nóng, có thuốc công hiệu như thế mà vẫn không có kết quả gì như ông chủ này, có lẽ cũng phải dội giấm vào mà hơ trên lửa mới được. Nếu không làm như vậy thì dù cho có hàng trăm thằng học trò thế này, có mặt ở đây mấy chục năm, cái ngang bướng của ông cũng không thể chữa khỏi được.
Những kẻ nổi lều bều trong bể nước, những thằng nằm lăn lóc trên sàn gỗ là một lũ ma quái đã lột bỏ hết quần áo, thứ cần thiết của văn minh con người, nên tất nhiên không thể kiềm chế theo đạo lý thông thường. Làm thế nào cũng được, không sao cả. Dạ dày nằm ở chỗ phổi, Watonai biến thành Seiwagenji, ông Tami chẳng đáng tin cậy cũng được. Nhưng một khi đã ra khỏi phòng tắm, bước lên phòng lát gỗ thì không còn là ma quái nữa, đã ra đến Sa bà, nơi nhân loại bình thường sinh sống, cần phải mặc quần áo, thứ cần thiết cho văn minh của thế giới người, thì cũng phải hành động cho hợp với thế giới người. Chỗ ông chủ đang đứng hiện giờ là ngưỡng cửa, là nơi giáp ranh giữa bệ rửa và phòng thay quần áo, là thời điểm bản thân ông đang định quay về thế giới “hoan ngôn du sắc”[142], “viên truyền hoạt thoát”[143] – thế giới trần tục, cần phải ăn nói dịu dàng, mặt mũi tươi tỉnh, nhanh nhẹn hoạt bát. Ngay ở cái thời điểm ấy mà vẫn ngang bướng kiểu này thì sự ngang bướng đó đúng là một cái bệnh, nó giam hãm ông mà ông không bao giờ thoát ra được. Nếu đã là bệnh thì không dễ dàng chữa được. Để chữa căn bệnh này, theo thiển nghĩ của tôi thì chỉ có một cách, tức là nhờ ông hiệu trưởng cho ông nghỉ việc đi thôi. Một khi đã mất việc rồi, một người không bình thường như ông chủ, nhất định chỉ có ngơ ngác đứng đầu đường. Bơ vơ đứng đường mãi cuối cùng dẫn đến phải chết. Nói một cách khác, miễn nhiệm sẽ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của ông chủ. Ông chủ là người thích bệnh, sẵn sàng mắc bệnh nhưng rất ghét chết. Chừng nào còn chưa chết, ông còn sống xa hoa với một thứ gọi là “bệnh”. Vì vậy nếu dọa mày cứ bệnh như thế ta sẽ giết thì người nhát gan như ông chủ, nhất định sẽ run lên. Tôi nghĩ khi run như vậy bệnh tật sẽ rơi hết. Mà nếu làm như vậy, bệnh cũng không rơi thì đành đến đó là xong.
Dù có dở hơi đến đâu, bệnh tật đến thế nào thì chủ vẫn là chủ. Có nhà thơ đã từng nói rằng “dẫu một bữa cũng đội ơn quân chủ”. Mặc dù là mèo, tôi không thể không lo lắng cho chủ của mình. Lòng đầy lo âu, thương hại, tôi bị cuốn hút vào ông mà quên cả theo dõi trong bệ rửa. Bỗng nhiên nghe có tiếng chửi hướng về phía bể nước nóng. Ở đây lại có đám cãi nhau chăng? Tôi quay nhìn ra thì thấy, chỗ cửa chắn lò chật hẹp, những ma quái đứng chật ních, không còn hở một tấc trống nào. Những bắp chân lông lá, những bắp đùi nhẵn lông cứ xen cài loạn xạ vào nhau mà cử động. Lúc này, mặt trời đầu thu đã xế bóng, đang chiếu rọi chênh chếch trên bệ rửa, nơi hơi nước bốc lên bám đầy trần nhà. Cảnh tượng ầm ĩ, nhộn nhạo này của bọn ma quái, tôi nhìn thấy lờ mờ qua khe cửa. Tiếng kêu “nóng, nóng” như xuyên qua tai tôi, lọt sang hai bên, loạn xạ ở trong đầu. Trong tiếng kêu ấy, các màu vàng, xanh, đỏ, đen… quyện vào nhau, dội vào trong nhà tắm một loại âm hưởng không thể gọi tên là gì. Chỉ biết rằng đó là một loại tiếng động làm người ta hình dung được một cảnh loạn xạ, ầm ĩ. Ngoài ra nó chẳng có tác động gì khác. Tôi bị cuốn hút vào quang cảnh này, đứng ngẩn ngơ, sợ sệt. Một lúc sau, tiếng ầm ĩ đạt tới cực điểm hỗn loạn. Khi nó gào đến mức không thể gào hơn được nữa, đột nhiên giữa đám đông đang chen lấn, huých đẩy lẫn nhau, có một thằng nhất đại trường hán đứng phắt lên. Người nó đứng lên trông cao hơn những thầy khác khoảng 10 cm. Không những thế, nó quay cái mặt đỏ mà không biết râu mọc trên mặt hay mặt nằm trong râu lại, hét như lệnh vỡ: “Mẹ kiếp, nóng. Nóng quá!”.
Trong đám đông đang xúm xít, quấn quýt vào nhau, chỉ có mỗi cái tiếng nói và cái mặt này là nổi bật. Trong giây lát, nhà tắm như chỉ còn có mỗi một mình người này. Siêu nhân đây! Siêu nhân mà Nictzsche[144] nói đây. Đại vương của những con ma, đầu đảng của bọn ma quái.
Tôi đang nghĩ bụng như vậy thì nghe từ phía sau bể nước có tiếng đáp “dạ”. Ái chà chà! Tôi lại đánh đồng tử về phía đó thì thấy từ trong tăm tối, khồng nhìn rõ người rõ vật, cậu sansuke[145] quần áo chỉnh tề lúc nãy, ném mạnh một tảng than đá vào trong lò như muốn bảo “vỡ ra”. Khi tảng than chui qua cửa lò, kêu lép bép thì một bên mặt cậu sansuke sáng bừng lên, đồng thời bức tường gạch sau lưng cậu cũng sáng rực như cháy trong bóng tối. Tôi cảm thấy có gì hơi ghê sợ, vội vã nhảy từ cửa sổ xuống, đi về nhà. Trên đường về, tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ: “Cởi bỏ hết áo khoác, quần đùi, quần dài, cố gắng để cho bình đẳng. Vậy mà trong đám đông trần như nhộng ấy lại vẫn xuất hiện kẻ hào kiệt trần truồng, áp đảo đám người khác. Bình đẳng là cái, dù có trần truồng đến mấy cũng không thể đạt được!”
Về đến nhà, thấy đời thật thanh bình. Ông chủ đi tắm về, mặt tươi tỉnh, đang ăn tối. Nhìn thấy tôi trèo lên từ thềm hành lang, ông bảo “con mèo này nhàn nhã quá nhỉ. Từ bấy đến giờ đi đâu vậy?” Nhìn lên mâm cơm của ông, mặc dù chẳng có tiền mà vẫn thấy có hai, ba món, trong đó có cả một con cá nướng. Không biết cá này gọi là cá gì nhưng nhất định là loại cá đã bị bắt hôm qua ở gần Odaiba đây. Cá thì khỏe mạnh rồi, như tôi đã từng trình bày. Nhưng dù khỏe khoắn đến đâu mà bị nướng, bị kho như thế này thì cũng không thể cầm cự được. Thà cứ ốm đau bệnh tật vẫn giữ được những ngày sống tàn còn hơn.
Nghĩ vậy, tôi đến ngồi cạnh mâm, giả vờ như không có ý gì là chờ cơ hội để có thể được xin một miếng đâu. Những kẻ không biết cách giả vờ như thế này thì cứ là phải chấp nhận không bao giờ được ăn cá ngon đâu. Ông chủ chọc đũa vào, gắp một tí cá nhưng nhăn mặt vẻ không ngon, đặt đũa xuống. Ngồi đối diện trước mặt ông, bà chủ im lặng, chăm chú nghiên cứu tình hình lên xuống của đôi đũa, mức độ đóng mở, phồng dẹp của hai má ông chủ. Bỗng ông chủ bảo vợ:
– Này, mình vỗ thử vào đầu con mèo xem.
– Vỗ làm gì?
– Làm gì cũng được, cứ vỗ thử xem.
– Vỗ thế này à?
Bà chủ lấy bàn tay vỗ nhẹ vào đầu tôi. Chả thấy đau cũng chả thấy sao cả.
– Nó không kêu gì nhỉ.
– Vâng.
– Vỗ lại một lần nữa xem nào.
– Vỗ mấy lần thì cũng thế thôi mà!
Bà chủ lại đập lòng bàn tay bụp một cái. Cũng chẳng cảm thấy gì nên tôi lặng yên. Nhưng làm như vậy để làm gì thì một kẻ trí tuệ sâu rộng như tôi cũng thấy quả thật khó hiểu. Giá mà hiểu được làm như vậy để làm gì thì thiếu gì cách làm. Nhưng ở đây chỉ bảo “vỗ xem” thì người vỗ là bà chủ, người bị vỗ là tôi đều cảm thấy khó xử.
Lần thứ hai cũng không được như ý, ông chủ vẻ sốt ruột, bảo:
– Này, vỗ thử cho nó kêu lên xem nào.
– Làm cho nó kêu để làm gì?
Bà chủ vẻ mặt phiền toái, vừa hỏi vừa vỗ “bét’’ một cái.
Nếu tôi biết nguyện vọng của ông ấy như vậy thì dẫu là tiếng kêu vô nghĩa, tôi cũng có thể làm thỏa mãn ông ấy được. Nhưng ông chủ là cái đồ ngu xuẩn như vậy nên tôi rất ghét. Nếu ngay từ đầu, ông ấy bảo là làm cho nó kêu lên thì chẳng phải dùng tay đập hai, ba lần phiền hà như vậy cũng xong. Mà tôi cũng không bị đánh đến lần thứ ba vì cái việc chỉ một lần là xong ấy. Còn ông ấy bảo là “vỗ thử xem” thì mục đích của ông ấy chỉ là vỗ. Vỗ là việc của người khác. Kêu là việc của tôi. Chỉ cần ra lệnh vỗ mà đòi ngay từ đầu tôi sẽ kêu theo ý của ông ta thì quả là hỗn láo, không coi trọng tư cách của người khác. Đó là thái độ coi thường mèo. Nếu là bà Kaneda, kẻ mà ông vẫn ghét cay ghét đắng như rắn rết, thì có thể làm như vậy được. Nhưng đây là một ông chủ, vẫn thường tự hào về mình, mà lại làm như thế thì thật bỉ ổi. Thực ra, ông chủ cũng không đến nỗi keo kiệt lắm, cho nên cái lệnh này của ông cũng không phải là xảo quyệt gì. Nghĩa là, ta có thể suy luận rằng đó là một loại giòi bọ, phát sinh từ sự thiếu trí tuệ mà ra thôi.
Ăn cơm vào thì bụng to lên; cắt thì chảy máu; giết thì sẽ chết. Đó là điều tất nhiên. Cho nên vỗ thì sẽ kêu cũng là đương nhiên. Ông ta đã suy đoán nhanh như vậy. Nhưng đáng tội nghiệp cho ông là điều đó không được hợp logic. Nếu cứ kiểu này thì rơi xuống song nhất định phải chết; ăn tempura (chả rán tẩm bọt) nhất định bị tiêu chảy; lĩnh lương là nhất định sẽ làm việc và đọc sách nhất định sẽ tài giỏi. Nếu cứ “nhất định” như vậy thì nhiều người bị gay to. Tưởng cứ vỗ là sẽ kêu thì thật làm phiền tôi quá. Nếu tôi bị đánh đồng với quả chuông báo giờ ở Mejiro thì sinh ra làm kiếp mèo hỏi còn có ý nghĩa gì nữa? Trước hết, trong lòng tôi oán trách ông chủ như vậy, nhưng rồi tôi cũng kêu cho ông một tiếng “meo” theo nguyện vọng của ông.
Thế là ông chủ quay sang hỏi bà chủ:
– Cái tiếng “meo” mà nó vừa kêu đó, cô có biết là “cảm thán từ” hay “phó từ” hay là gì không?
Bị hỏi quá bất ngờ, bà chủ im lặng, không nói gì. Thực ra tôi cũng nghĩ có lẽ đây là chứng bệnh phản ứng do tắm nước nóng khi nãy vẫn còn chưa tan hết chăng. Ông chủ này vốn dĩ vẫn nổi tiếng trong bàn dân quanh vùng là người gàn dở, thực ra còn có người quả quyết là ông ta mắc bệnh thần kinh nữa. Nhưng sự tự tin của ông chủ rất ghê. Ông vẫn cố gắng và tin là ta không mắc bệnh thần kinh, chính thiên hạ mới là những kẻ bị thần kinh. Nếu những người xung quanh gọi ông là “chó” thì để cho công bằng, ông gọi họ là “lợn”. Thực tế, dù ở đâu, bao giờ ông cũng muốn công bằng, rất phiền toái. Là một người như vậy nên việc ông đặt câu hỏi kỳ quái với bà chủ như thế này, với ông là chuyện cơm bữa. Nhưng về phía người hỏi thì cách nói có vẻ như người bị thần kinh nên bà chủ mặc kệ, không nói gì. Tất nhiên tôi cũng không trả lời gì cả.
Thế rồi lập tức ông chủ gọi thật to:
– Này.
Bà chủ giật mình thưa:
– Dạ.
– Cái “dạ” đó là cảm thán từ hay phó từ đấy?
– Là gì ư? Cái vớ vẩn ấy thì là gì mà chả được.
– Được thế nào được! Thật ra đây là một vấn đề rất lớn, chi phối đầu óc các nhà ngôn ngữ học đấy.
– Ối trời ơi, cái tiếng mèo kêu ấy à, thật vớ vẩn. Nhưng tiếng mèo kêu thì có phải là tiếng Nhật đâu mà!
– Chính vì thể mới là vấn đề khó. Đây là vấn đề nghiên cứu so sánh.
– Thế à? – Bà chủ là người khôn nên không dây vào vấn đề này.
– Vậy mình có biết nó là gì không?
– Vấn đề quan trọng nên tôi không thể hiểu ngay được.
Ông trả lời và tiếp tục hăng hái ăn món cá vừa nãy, sau đó lại ăn món thịt lợn và món khoai hầm ở bên cạnh.
– Đây là thịt lợn à?
– Vâng, thịt lợn đấy.
– Chà!
Ông chủ nuốt với vẻ rất coi khinh món thịt lợn. Rồi ông chìa cốc bảo:
– Tôi uống thêm một cốc rượu nữa.
– Tối nay mình có vẻ phấn chấn nhỉ, mặt đỏ nhiều rồi đấy.
– Đã bảo uống mà lại. Thế cô có biết từ dài nhất thế giới là từ nào không?
– Vâng, đó là Quan bạch Thái chính đại thần[146] chứ gì?
– Đó là tên người. Tôi hỏi từ ngữ dài nhất cơ mà.
– Từ ngữ là cái thứ chữ viết ngang ấy à?
– Ừ.
– Không biết. Thôi uống rượu thế thôi, bây giờ ăn cơm đi nhé?
– Không, tôi còn uống. Tôi nói cho cô biết từ dài nhất nhé. Đó là chữ Archaiomlesidonophrunicherata[147].
– Chắc là bịa lung tung ra chứ gì?
– Bịa à? Đó là tiếng Hy Lạp đấy.
– Nếu nói thành tiếng Nhật nó là cái gì?
– Không biết nghĩa, chỉ biết vần của nó thế thôi. Nếu viết dài ra thì được 6,3 tấc[148] đấy.
Rất ngoạn mục ở chỗ, trong lúc đầu óc còn tỉnh táo, ông đã nói những cái mà người khác chỉ nói ra khi say rượu. Vả lại, chỉ riêng mỗi hôm nay ông mới uống rượu bạt mạng như vậy. Bình thường ông chỉ quy định hai chén là thôi, nhưng hôm nay ông đã uống bốn chén. Ông chỉ uống hai chén là đã đỏ mặt rồi nên hôm nay uống gấp đôi thì cái mặt đỏ rực như chiếc que cời bị nướng, trông rất khổ sở. Vậy mà vẫn chưa thôi.
– Một chén nữa.
Ông lại chìa cốc ra. Quá quắt quá, bà chủ nhăn nhó:
– Thôi, không uống nữa, chỉ khổ thôi.
– Cái gì? Khổ cũng phải cố tập cho quen. Ngài Omachi Keigetsu bảo cứ uống[149] đi mà.
– Quế Nguyệt là cái gì?
Đổi với bà chủ, quả là Quế Nguyệt cũng chẳng có một xu giá trị nào cả.
– Quế Nguyệt là nhà phê bình hàng đầu hiện nay. Ông đã bảo uống đi thì có nghĩa là tốt rồi.
– Nói vớ vẩn. Quế với chả Mai. Bảo uống rượu đi cho nó khổ thì quá thừa.
– Không phải chỉ có rượu. Ông ấy còn bảo phải giao tiếp, chơi bời, đi đây đi đó nữa.
– Lại càng tệ hại hơn chứ gì? Người như thế mà là nhà phê bình hàng đầu à? Thật ngán ngẩm. Lại đi xui người có vợ con hãy ăn uống, chơi bời…
– Ăn chơi cũng được chứ sao. Chẳng cần chờ Quế Nguyệt phải khuyên, nếu có tiền chắc tôi cũng ăn chơi đấy.
– Không có lại sướng đấy. Nếu mà từ hôm nay mình bắt đầu ăn chơi thì thật là tai vạ.
– Tai vạ thì thôi. Nhưng bù vào đó, cô hãy biết quý trọng chồng hơn một chút, bữa tối nên cho ăn ngon hơn một chút đi.
– Như thế này cũng hết sức rồi đấy.
– Có lẽ thế chăng? Thế thì nếu khi nào có tiền tôi sẽ ăn chơi, còn hôm nay thì thôi.
Ông nói rồi chìa bát. Không hiểu sao ông ăn tới ba bát cơm chan nước chè. Tối hôm đó tôi được ăn ba miếng thịt và một cái đầu cá nướng.