Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 8

     hi nói về môn thể thao đi vòng quanh hàng rào, tôi đã đề cập đến hàng rào tre bao quanh vườn nhà ông chủ. Nhưng sẽ nhầm nếu nghĩ rằng ngay bên kia hàng rào này sẽ là nhà anh Taro, tức một người hàng xóm phía nam, nào đấy. Tuy tiền nhà rẻ thật đấy nhưng đây là thầy giáo Kushami. Thầy không phải thuộc loại những người được gọi là “cậu”, kiểu như cậu Yota, cậu Jiro… những người có mối quan hệ bạn bè thân mật, cùng bọn hay hàng xóm láng giềng với nhau, qua một hàng rào mỏng. Bên ngoài hàng rào nhà thầy là một khoảnh đất trống, rộng khoảng năm, sáu gian[150]. Cuối khoảnh trống đó có năm, sáu cây bách[151] sum suê, rậm rạp đứng bên nhau. Nhìn từ thềm hành lang thì có cảm giác phía bên kia là rừng và ông thầy ở đây như một ẩn sĩ sống giữa cánh đồng, gửi tháng ngày cùng với một con mèo vô danh làm bạn. Có điều, những cành bách không quá rậm rạp như người ta đồn đại nên qua các kẽ lá có thể nhìn thấy rất rõ một nhà trọ rẻ tiền, chỉ có cái tên rất kêu là “Quần hạc quán” (quán bầy cò). Cho nên tất nhiên cũng khó mà tưởng tượng về một ông thầy như vậy. Tuy nhiên, nếu nhà trọ kia là “Quần hạc quán” thì nhà của ông thầy này có giá trị cỡ “Ngọa long quật” (hang rồng nằm). Không ai đánh thuế tên gọi nên cứ việc thi nhau mà đặt những cái tên cho thật oai.
Khoảnh đất rộng khoảng chục mét này chạy dọc hàng rào theo huớng Đông Tây chừng trên 20 m thì rẽ ngang, bao quanh lấy phía bắc của “Ngọa long quật”. Chính chỗ đất trống này là trung tâm phát sinh những sự náo loạn, ầm ĩ. Lẽ ra, đi hết một khoảnh đất trống này lại đến một khoảnh đất trống khác, thì có thể tự hào là nhà được bao bọc hai lần đấy. Thế nhưng, với ông chủ của “Hang rồng nằm” thì tất nhiên rồi, ngay cả với tôi, một con mèo thiêng sống trong hang này, cũng thấy ớn ngại cái vùng đất trống này lắm!
Giống như ở phía Nam có những cây bách thả sức vươn cành, ở phía bắc cũng có bảy tám cây ngô đồng[152] đứng giăng hàng. Cành cây đã vươn ra xung quanh đến một thước[153] rồi, có gọi hàng guốc đến thì cũng được giá rồi đấy. Nhưng cái đau khổ của người thuê nhà là dẫu biết thế mà không làm được. Ông chủ thật là tội nghiệp. Hôm trước, một người giúp việc của trường đến đây, đã chặt một cành đem về. Lần sau người đó đến, thấy đi một đôi guốc mới, bằng gỗ ngô đồng, chẳng ai hỏi cũng tự khoe là làm từ cành cây hôm trước. Thật là gian. Mặc dù có cây ngô đồng đấy mà tôi và gia đình ông chủ chả được một xu nào. Cổ ngữ có câu “được ngọc thì bị tội”, nhưng để cho cây ngô đồng mọc sum suê mà chẳng được tiền thì cũng chán. Đây là việc “giữ ngọc cho mục ra”. Kẻ ngu xuẩn không phải là ông chủ, cũng không phải tôi, mà là lão chủ nhà Denbee. Mặc cho cây ngô đồng bao nhiêu lần giục giã “có hàng guốc nào không?”, lão ta cứ làm thinh, chỉ đến thu tiền nhà thôi. Tôi cũng chẳng có thù hận gì với lão nên chỉ nói xấu lão bằng ấy thôi, bây giờ trở lại chuyện chính. Tôi muốn nói về sự “chẩn đoán” rằng, chính cái khoảnh đất trống này là mầm mống sinh ra sự náo động, nhưng đây là chuyện chỉ nói kín ở đây thôi, không được nói cho ông chủ biết.
Đại thể, cái bất tiện thứ nhất, liên quan đến khoảnh đất trống này là không có hàng rào. Nó là đất trống nên thoáng gió, thông quang, thiên hạ tha hồ đi ngang về tắt. Nếu bảo là thế thì có vẻ như nói dối, nhưng thực tế nó đã từng là vậy, nhưng phải ngược về quá khứ mới hiểu nguyên nhân vì sao?! Không biết nguyên nhân thì bác sĩ cũng khó mà kê đơn thuốc. Vì vậy, tôi chỉ nói những chuyện từ khi chuyển nhà đến đây thôi.
Thoáng gió thì về mùa hè rất dễ chịu. Còn bảo là không cẩn thận thì không có tiền cũng chả sợ mất trộm. Cho nên nhà ông chủ này, tất cả các loại tường, rào, cọc, dậu hay dây thép gai gì gì đều không cần thiết. Nhưng vấn đề được quyết định là tùy theo những kẻ sống bên kia bãi trống kia là người hay là động vật. Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải làm rõ tính chất của các quân tử đang chiếm lĩnh bên kia bãi đất trống là gì đã. Chưa biết là người hay động vật mà đã gọi là “các quân tử” thì kể ra cũng hơi vội vàng. Nhưng đại loại thì đúng đó là các quân tử đấy. Trên đời này, ngay đến cả kẻ trộm cũng là quân tử, mà người ta gọi là “quân tử trên xà nhà”, kia mà. Có điều, các quân tử ở đây, dứt khoát không phải là loại quân tử gây phiền hà cho cảnh sát. Bù lại, chúng lấy số lượng làm thế mạnh nên rất đông, lúc nha lúc nhúc cả một lũ. Trường trung học tư thục có tên “Lạc vân quán” là một trường thu học phí mỗi tháng 2 yên để đào tạo khoảng tám trăm quân tử, nhất quyết phải trở thành quân tử. Nghe cái tên “Lạc vân quán” thì có vẻ như ở đây toàn là những đấng quân tử hào hoa, phong nhã đây? Ai mà tưởng như vậy thì nhầm to. Sở dĩ không thể tin được là bởi vì, cũng giống như ở “Quần hạc quán”, không hề có hạc xuống đậu và trong ‘’Hang rồng nằm” lại có mèo. Một khi đã biết rằng, trong những người có mác cử nhân, nhà giáo cũng khối kẻ điên như ông chủ Kushami, tôi thừa biết những quân tử ở “Lạc vân quán” chẳng phải ai cũng cao sang cả đâu. Ai không tin điều đó, hãy cứ sống thử trong nhà ông chủ tôi ba ngày thôi sẽ rõ.
Như tôi đã nói, khi dọn nhà đến đây thì bãi đất trống chưa có hàng rào. Những quân tử của “Lạc vân quán” vẫn ung dung đi vào trong vườn ngô đồng nói chuyện, giống như mèo Đen nhà hàng xe. Họ vào đây làm nhiều chuyện, nào ăn cơm, nào nằm lăn trên bãi cỏ… Thế rồi rác rưởi, vỏ gói cơm, giấy báo cũ, guốc dép hỏng và tất cả những cái gì có tên là “cũ” được vứt ở đây. Ông chủ ngù ngờ vẫn thản nhiên như không, không hề nói năng, phản đối gì. Không biết ông có biết chuyện này không? Hay biết mà vẫn lờ đi, không chấp? Nhưng theo sự giáo dục của nhà trường, những quân tử này ngày càng tăng dần tính quân tử, cứ lấn dần từ phía bắc xuống phía nam. Nếu từ “lấn dần” nghe không hợp với quân tử thì tôi không dùng, nhưng không có từ nào khác để chỉ hành động đó của họ. Họ giống như những dân du mục trên sa mạc, cứ lần theo cỏ nước mà thay đổi chỗ ở, họ vượt qua những cây ngô đồng mà tiến đến những cây bách. Chỗ những cây bách là ngay trước cửa nhà tôi. Phải là những quân tử rất to gan, họ mới làm được như vậy. Cứ sau một vài ngày thì sự to gan của họ trở thành đại to gan. Thật không có gì đáng sợ bằng kết quả của sự giáo dục. Họ không chỉ tiến đến chiếm lĩnh cửa nhà mà còn ngang nhiên hò hát ở đó nữa. Tôi không nhớ rõ đó là bài hát gì nhưng nhất định không phải là loại bài 31 âm tiết[154]. Nó là loại bài hát khí thế, dễ đi vào tai người đời hơn. Không phải chỉ một mình ông chủ hoảng sợ, mà ngay cả tôi cũng phải giỏng tai lên, thán phục tài nghệ của các quân tử. Nhưng bạn đọc cũng biết đấy, nhiều khi sự khâm phục và sự phiền hà thường đi liền với nhau. Hai cái này gần đây luôn luôn nhất trí, gắn bó với nhau, giờ nghĩ lại thấy thật đáng tiếc.
Cũng thật đáng buồn, ông chủ không đừng được, đành từ phòng làm việc nhảy bổ ra, hai, ba lần quát, đuổi “đây không phải chỗ để chúng mày vào. Đi ra đi”. Nhưng đây là những quân tử có học, họ không dễ ngoan ngoãn mà nghe theo yêu cầu này. Bị đuổi ra rồi, họ lại lập tức trở lại và hát hò rất hăng, nói chuyện rất to. Hơn nữa, chuyện của các quân tử nên nghe khác hẳn. Nào là “mày, tao” nào là “đếch biết”… Những ngôn ngữ này, nghe nói thời trước Duy tân nó thuộc lĩnh vực “thuật ngữ chuyên môn” của các bậc đầy tớ hay những ngài du thủ du thực. Nhưng sang thế kỷ 20, đây là ngôn ngữ duy nhất mà các quân tử có học đã học được. Có người giải thích rằng, đây cũng là một hiện tượng, giống những hiện tượng mà các phong trào trước đây bị khinh bỉ thì ngày nay được hoan nghênh.
Ông chủ lại từ phòng làm việc xông ra, túm lấy một cậu thông thạo nhất loại ngôn ngữ quân tử này mà cật vấn “tại sao lại vào đây?”. Vị quân tử này quên mất những lời lẽ thanh lịch kiểu “mày, tao, đếch biết…”, trả lời bằng một thứ ngôn ngữ rất tầm thường là “tôi tưởng đây là vườn cây của trường”. Ông chủ liền nói mấy câu răn đe về sau này xong rồi tha cho hắn. Nói là “tha”, nghe cứ như tha con rùa con, kỳ cục quá! Thực ra thì ông chủ đã túm áo vị quân tử ấy mà tranh cãi và có lẽ ông nghĩ ầm ĩ như thế là đã đủ nên thôi. Nhưng thực tế, từ thời bà Nữ Oa đến nay, có bao giờ người ta được như mong muốn đâu. Một lần nữa ông lại thất bại.
Lần này chúng đi từ phía bắc, tắt ngang qua vườn, sang phía cổng chính. Nghe tiếng cửa chính lạch xạch, tưởng có khách đến, nhìn ra thì thấy chúng đang cười chỗ rặng ngô đồng. Tình hình ngày càng bất ổn. Hiệu quả giáo dục ngày càng lộ rõ. Ông chủ tội nghiệp cảm thấy bó tay trong việc này nên cố thủ trong phòng sách, kính cẩn viết một lá thư cho ngài hiệu trưởng “Lạc vân quán”, tha thiết đề nghị hãy quản lý, giám sát các học sinh của mình giúp cho một chút. Ông hiệu trưởng cũng trịnh trọng viết thư trả lời rằng chúng tôi sẽ làm tường rào chắn, xin ngài hãy đợi. Ít lâu sau có hai, ba người thợ đến, chỉ trong nửa ngày đã làm xong bức hàng rào mắt cáo cao một mét, ngăn cách nhà ông chủ với Lạc vân quán. Ông chủ rất mừng, nghĩ là thế này thì có thể yên tâm được rồi. Ông thật ngốc. Làm gì có chuyện chỉ có thế này mà có thể thay đổi được hành động của bọn quân tử kia chứ.
Trêu chọc người khác vốn là chuyện thú vị. Ngay cả mèo tôi đây thỉnh thoảng cũng trêu chọc các cô nương nhà này cho vui cơ mà. Huống chi, các quân tử của Lạc vân quán trêu chọc ông thầy Kushami cù lần thì lại càng cực kỳ hay. Cho nên, có lẽ chỉ mỗi bản thân người bị trêu là cảm thấy bực thôi. Xét tâm lý trong hành động trêu chọc người khác, ta thấy có hai yếu tố. Thứ nhất là người bị trêu sẽ không thể bình thản mà cho qua. Thứ hai là kẻ trêu phải mạnh hơn đối phương về lực lượng hay số lượng mới được. Hôm trước, có lần đi chơi ở vườn thú về, ông chủ đã rất cảm động kể chuyện một con lạc đà đánh nhau với một con chó con. Con chó con cứ chạy như gió xung quanh con lạc đà mà sủa, nhưng con lạc đà thì cứ dửng dưng, thản nhiên đứng với cái bướu trên lưng. Sủa mãi, lồng lộn mãi mà lạc đà không thèm chấp, cuối cùng chó con cũng hết nhiệt tình, đành thôi. Thực ra thì nó cười, chê lạc đà vô cảm. Ví dụ này rất giống trường hợp ở đây. Dù cho kẻ trêu chọc có tài giỏi đến đâu, mà nếu đối phương là lạc đà thì cũng không nên chuyện được. Và nếu như đối phương lại quá mạnh như sư tử hay hổ thì cũng không thể trêu được. Chỉ cần trêu vào, lập tức sẽ bị xé tan xác ra ngay. Trêu nó nó sẽ nhe răng ra, gầm gừ, tức giận. Tức thì tức, nhưng nếu yên tâm rằng ta sẽ không bị sao cả thì trêu càng khoái. Tại sao lại thú vị như vậy? Cái đó có nhiều lý do. Trước hết, nó rất thích hợp cho việc giết thời gian. Khi buồn chán, thậm chí người ta còn muốn đếm thử từng sợi râu. Nghe nói, ngày xưa có người bị giam trong ngục tù, quá buồn chán, hàng ngày đã vẽ lên tường những hình tam giác chồng chất lên nhau cho qua ngày tháng. Trên đời này, không có gì khó chịu đựng hơn là nỗi buồn chán. Sống mà không có điều gì kích thích sức sống của mình thì chán vô cùng. “Trêu chọc” chính là một trò giải trí, tạo ra sự kích thích này. Có điều, trêu phải làm sao cho đối phương ít nhiều tức giận hoặc nôn nóng hay chịu thua, nếu không thì sẽ không có hứng thú. Cho nên, từ xưa đến nay, những kẻ say mê với trò tiêu khiển “trêu chọc” này, dứt khoát chỉ là những kẻ nhiều chán chường, những kẻ đại hâm, không hề biết tính người. Hoặc đó là những kẻ đầu óc ấu trĩ, chưa phát triển nên không nghĩ được cái gì khác để tự làm vui cho mình. Ngoài ra đó là những thằng ranh hiếu động, không có cách nào để tiêu hao năng lượng của mình.
Tiếp theo đó, trêu chọc là phương pháp tiện lợi nhất để thể hiện tại chỗ thế mạnh của mình. Giết người, làm tổn thương hay áp đảo người khác thì cũng có thể chứng minh được cái mạnh của mình đấy. Nhưng suy cho cùng, đây chẳng qua chỉ là một hiện tượng mà những trò hại người này chỉ là phương tiện cần thiết, tùy theo mục đích từng lúc. Còn cái ưu thế có được cũng chỉ là kết quả tất nhiên sau khi đã thi hành các phương tiện này mà thôi. Vì thế, khi một mặt thì muốn thể hiện uy thế của mình, nhưng mặt khác lại không muốn làm hại người khác quá mức thì “trêu chọc” là phương tiện tốt nhất.
Không ít nhiều làm khổ, làm hại người khác thì không chứng minh được cụ thể cái oai của mình. Mà không thể hiện được cái oai đó ra cho rõ ràng, cụ thể thì dù trong đầu có yên tâm, vẫn thấy áy náy, vẫn thấy chưa đủ sung sướng, thỏa mãn. Con người là loài động vật thích tự làm thỏa mãn, làm khoái chí bản thân mình. Kể cả khi khó mà làm được, họ cũng vẫn muốn làm. Vì vậy, nếu họ không chứng tỏ được trên thực tế, bằng hành động cụ thể, để cho người khác biết rằng ta là kẻ có thể sung sướng, khoái trá như thế này đây, ta làm thế này thì an tâm đây… thì họ không hài lòng. Vả lại, những kẻ tầm thường, không hiểu biết, những kẻ quá nôn nóng, lo rằng mình không được khoái trá mấy, là những kẻ luôn lợi dụng mọi thời cơ để nắm lấy cái “chứng khoán” này. Cái này cũng giống cách làm của các võ sĩ Judo, thỉnh thoảng muốn ném thử đối phương một cái xem sao! Cái rắc rối của Judo cũng chính là ở chỗ này. Họ đi trên đường, trong đầu mang một ý nghĩ rất nguy hiểm là muốn gặp một đối thủ yếu hơn mình để ném thử một cái xem sao, dù cho đó là kẻ ngoại đạo cũng được.
Ngoài ra còn nhiều lý do khác nữa, nhưng tôi đã nói nhiều quá, xin lược bớt. Còn ai muốn nghe thêm nữa thì hãy mang một khúc cá đối khô đến đây, tôi sẽ cho biết, bao nhiêu cũng được.
Từ những điều tôi đã nói ở trên, nếu tham khảo mà suy ra sẽ thấy, theo tôi thì trêu chọc những con khỉ trên núi Okuyama và những giáo viên của trường học là khoái nhất. So sánh giáo viên với khỉ thì kể cũng hơi đáng tiếc, không phải đối với khỉ mà là với giáo viên đấy. Nhưng vì hai thứ giống nhau thì đành phải vậy thôi. Như mọi người đều biết, những con khỉ trên núi Okuyama bị xích chân, dù có nhe răng, kêu quéc quéc đến mấy người ta cũng chẳng sợ. Giáo viên thì không bị buộc chân bằng dây xích nhưng buộc bằng tiền lương. Dù có chế giễu đến đâu cũng không sợ ông ta đánh học trò hay bỏ việc gì cả. Nếu là kẻ có gan bỏ việc thì ngay từ đầu đã chẳng làm nghề giáo viên, trông nom dạy dỗ bọn học sinh làm gì.
Ông chủ là một giáo viên. Mặc dù không phải giáo viên của Lạc vân quán, nhưng đúng là giáo viên. Đây là một người trêu chọc thì rất thích hợp, dễ dàng và vô sự. Bọn học trò Lạc vân quán là lũ trẻ con, chúng hiểu rất rõ việc trêu chọc người khác sẽ nâng cao giá trị của chúng, là yêu cầu đích đáng nhất, thể hiện kết quả học tập và là quyền lợi đáng phải gào to lên cho mọi người biết của chúng. Hơn nữa, nếu không trêu chọc, quậy phá thì những thân thể, đầu óc đầy hiếu động của chúng biết sử dụng vào đâu? Những lúc rỗi rãi, được nghỉ, sức sống và chân tay cứ thừa ra, rất khó chịu. Với đầy đủ điều kiện như vậy, việc ông bị trêu chọc và bọn học sinh trêu chọc ông, đương nhiên không ai còn nói là vô lý một chút nào nữa. Phải chăng tức giận về chuyện đó, chứng tỏ ông là người quá thô bạo, quá ngu ngốc?
Bây giờ tôi sẽ viết tỉ mỉ, lần luợt những chuyện bọn học sinh Lạc vân quán đã chọc phá ông chủ như thế nào và ông chủ đã đối phó thô bạo với chúng ra sao.
Quý vị đã biết cái hàng rào mắt cáo nó như thế nào rồi. Đó là một loại rào rất giản tiện và thoáng gió. Tôi vẫn có thể qua lại thoải mái qua các lỗ của hàng rào này. Rào hay không cũng chẳng khác gì nhau. Nhưng ông hiệu trưởng Lạc vân quán đã cất công thuê thợ làm hàng rào này, không phải để cho mèo mà là để cho các quân tử ông đang nuôi dạy khỏi chui qua. Thì ra, dù thoáng gió đến mấy, con người vẫn không thể chui qua được! Chui qua cái lỗ vuông mỗi chiều 13 cm này thì đến ngay cả ngài Trương Thế Tôn, nhà ảo thuật của nước Thanh cũng khó. Vì vậy, quả thật nó có đủ khả năng để rào đối với người. Chẳng phải là vô lý, khi ông chủ nhìn thấy hàng rào được làm xong thì vui sướng, nghĩ ngay thế là có thể yên tâm rồi. Nhưng trong logic của ông có một lỗ hổng lớn, một lỗ hổng to hơn cả hàng rào này. Một cái lỗ hổng lớn có thể để lọt cả một con cá nuốt chửng cái thuyền. Ông đã xuất phát từ giả định “hàng rào là cái không thể vượt qua”. Ông cho rằng dù có đê tiện đến đâu, đã mang danh là học sinh của một trường thì dù hàng rào có tuềnh toàng đến mấy, chúng cũng biết được hàng rào là nơi phân chia ranh giới khu vực, sẽ không có chuyện lấn bừa sang nữa. Sau đó ông lại tạm bác bỏ ý nghĩ này, kết luận rằng nếu chúng có chui bừa vào cũng chẳng sao cả. Ông quyết định vội vã rằng dù cho có là một thằng nhỏ con đến mấy cũng không thể dễ dàng chui lọt qua những lỗ mắt cáo này, vì vậy không sợ có sự xâm lấn nữa. Thì ra, nếu không phải là mèo thì chúng sẽ không thể chui qua cái hàng rào mắt cáo này. Dẫu có muốn chúng cũng không chui được! Nhưng chúng sẽ không leo qua, không nhảy qua gì cả ư? Ngược lại, còn thành những môn thể thao thú vị để vận động thân thể thì có!
Ngay từ sau hôm có hàng rào, cũng như những ngày trước, từ phía bắc chúng vẫn nhảy bùm bụp qua hàng rào, sang mảnh đất trống, chỉ có điều là không tiến sâu vào tận cửa thôi. Nếu bị đuổi thì chúng bỏ chạy, nhưng tương đối đủ thời gian. Chúng đã tính toán kỹ lưỡng thời gian để nhảy vào, cảnh giác chơi ở chỗ không có nguy cơ bị bắt. Từ trong ngôi nhà hướng đông, ông chủ không thể nhìn thấy chúng làm gì. Muốn biết quang cảnh chúng vui chơi ở mảnh đất trống phía bắc, ông phải mở cửa ra, nhìn ngược lại, hoặc nhìn qua hàng rào từ cửa sổ nhà vệ sinh. Nhìn qua cửa sổ thì biết ngay ở đâu có cái gì, nhưng nhìn thấy giặc rồi cũng không thể bắt được chúng, chỉ có thể đứng sau cửa sổ mà mắng ra thôi. Nếu định vòng qua cửa mà ra chỗ có giặc thì, khi nghe tiếng bước chân, chúng đã nhảy rào rào sang phía bên kia, trốn biệt trước khi bị bắt rồi. Cứ y như là cái thuyền đi săn trộm, đang bơi lén đến chỗ bầy hải cẩu đang phơi nắng vậy. Tất nhiên ông chủ không đứng rình trong nhà vệ sinh. Ông cũng không tính là mở cửa chính, thấy có tiếng động thì nhảy ra ngay. Làm như vậy thì phải bỏ việc dạy học, chỉ chuyên tâm vào một việc ấy mới theo kịp. Cái bất lợi của ông là, hoặc ở trong phòng sách, chỉ nghe thấy tiếng quân địch mà không nhìn thấy chúng, hoặc ở bên trong cửa sổ, chỉ nhìn thấy chúng mà không thể bắt được. Biết được điểm bất lợi này, bọn địch đã áp dụng chiến thuật: khi thám thính được ông chủ đang ở trong phòng sách, chúng ra sức gào thét ầm ĩ. Trong tiếng gào đó, chúng nói những câu chọc tức ông, mà dẫu ông có nghe thấy cũng được. Làm như vậy rất khó biết được tiếng ồn phát ra từ chỗ nào. Nghe thì không thể phân biệt được chúng đang làm ồn ở bên này hay bên kia hàng rào. Nếu ông chủ đi ra thì, một là chúng đã chuồn, hai là chúng vẫn đứng bên kia hàng rào từ trước, mặt tỉnh khô.
Còn khi ông chủ nhìn qua cửa sổ nhà xí, (xin lỗi là từ nãy đến giờ tôi đã nhiều lần dùng từ “nhà xí”, nghe rất bẩn, chẳng hay ho gì, làm phiền độc giả. Nhưng để ghi chép lại cuộc chiến tranh này, đây là một sự cần thiết không thể đừng được), thì lúc này chúng lượn lờ quanh rặng ngô đồng, cố tình cho ông nhìn thấy. Nếu ông có đứng trong nhà vệ sinh quát vọng ra cả bốn phía mà mắng chúng, chúng cũng không hốt hoảng, cứ hiên ngang mà rút lui về căn cứ địa của mình. Chúng áp dụng chiến thuật này làm cho ông chủ tha hồ khốn đốn. Có lúc nghĩ đúng là chúng đang ở trong vườn, ông xách gậy chạy ra thì im re, không thấy một mống nào. Khi ông nghĩ là không có ai, nhìn qua cửa sổ thì thế nào cũng có một hai thằng đã vào trong vườn. Ông cứ vòng ra sau nhà, lại nhìn qua cửa sổ, rồi lại vòng ra sau nhà, bao nhiêu lần vẫn cứ thế. Bôn ba, mỏi mệt chính là bởi cái này. Ông đến phát điên lên, không hiểu nghề chính của mình là dạy học hay là vật lộn với bọn này đây? Khi sự điên đầu của ông đã lên đến tột đỉnh thì xảy ra một sự kiện như sau:
Sự kiện phát sinh đại để là do một cơn uất lên (chứng ngược thượng). “Ngược thượng” theo chữ Hán biểu thị có nghĩa là “đi ngược lại”. Về điểm này thì dù là những người nệ cổ như Galen[155], Paracelsus[156] hay Henjaku[157]… cũng không ai dị nghị gì cả. Chỉ có điều là “đi ngược lại” là đi về đâu thôi. Và cái điều đáng bàn là “cái gì đi ngược lại?”. Theo truyền thuyết của người châu u thì trong cơ thể con người ta có bốn loại dịch tuần hoàn. Thứ nhất là nộ dịch (máu tức giận), loại máu này khi chảy ngược lại thì sẽ tức giận. Loại thứ hai có tên là “độn dịch” (máu ngu đần). Loại máu này chảy ngược thì thần kinh sẽ cùn lỳ. Tiếp theo là “ưu dịch” (máu lo phiền), loại này làm cho con người trở nên nhiều âm khí. Cuối cùng là “huyết dịch” (máu), loại này làm cho tứ chi phát triển, khỏe mạnh. Theo sự phát triển của văn minh nhân loại, sau đó, các loại độn dịch, ưu dịch, nộ dịch biến mất đi lúc nào, bây giờ chỉ còn mỗi huyết dịch là vẫn chảy trong cơ thể như xưa thôi. Vì vậy, nếu có sự “chảy ngược” thì chỉ có thể nghĩ là máu chảy ngược mà thôi. Hơn nữa, lượng máu này được quy định tùy theo từng người. Lượng máu nhiều hay ít tùy theo tính tình từng người, nhưng nhìn chung thì mỗi người có khoảng 5 gáo rưỡi[158]. Vì vậy, khi 5 gáo rưỡi máu này chảy ngược lại thì những chỗ nào máu chảy đến hoạt động rất mạnh, còn những chỗ khác thì lạnh và liệt đi. Cũng giống như nếu cảnh sát công an tụ tập hết vào trong đồn thì ngoài đường không còn một ai vậy. Vậy thì, để chữa sự “chảy ngược” này, phải phân phối máu đều cho mọi bộ phận trong cơ thể như bình thường trước đó. Muốn vậy, phải dồn những chỗ đã chảy lên cho nó chảy xuống. Có nhiều cách làm. Những người tổ tiên, bây giờ đã sang thế giới bên kia cả rồi, của ông chủ, đương thời họ dùng khăn ướt đắp lên đầu và hơ chân vào lò sưởi… Như trong sách “Thương hàn luận”[159], có nói là “Đầu lạnh chân nóng là dấu hiệu khỏe mạnh, sống lâu” thì khăn ướt là một trong những phương pháp để sống lâu, không thể thiếu nó dù chỉ một ngày. Nếu không làm cách đó thì ta có thể áp dụng thử phương pháp của các nhà sư vẫn làm xưa nay. Các nhà sư, khi đi hành khất lang thang, bao giờ họ cũng nghỉ dưới những gốc cây hay trên các phiến đá. Gốc cây, hòn đá sinh ra vốn không phải để cho những người đi đường vất vả, mà đó hoàn toàn là bí quyết do Phật tổ đời thứ sáu (kể từ Đạt Ma) đã nghĩ ra, khi ngài đang giã gạo. Hãy cứ thử ngồi lên đá mà xem. Đương nhiên mông sẽ lạnh đi, và sự “chảy ngược” sẻ dịu bớt. Cái này không còn nghi ngờ gì nữa, nó hoàn toàn là tuần tự của tự nhiên. Học tập những cái này, người ta đã phát minh ra nhiều phương pháp để tránh chảy ngược, tức “lên cơn”, nhưng đáng tiếc, chưa ai nghĩ ra được phương pháp nào tốt để gây “lên cơn”[160].
Chứng “lên cơn” nhìn chung chỉ là một hiện tượng có hại mà không có lợi, nhưng cũng có trường hợp không thể kết luận ngay như thế được. Tùy theo nghề nghiệp, có những nghề, việc “lên cơn” rất quan trọng, thiếu nó thì không thể làm gì được. Trong số đó, các thi nhân là những người đặc biệt coi trọng việc lên cơn này. Sự lên cơn cần thiết đối với các nhà thơ cũng như than đá không thể thiếu đối với tàu hỏa. Một ngày mà không được cung cấp sự lên cơn này thì họ sẽ bó tay, trở thành người phàm, chẳng còn làm được gì ngoài việc ăn. Hơn nữa “lên cơn” còn có tên gọi khác nữa là “điên”. Nếu không điên thì không thành sự nghiệp, không mở mặt với đời được. Cho nên, trong bọn họ, không dùng cái tên “lên cơn” để gọi sự “lên cơn”. Họ chỉ biết kêu một cách phí phạm là “inspiration, inspiration” (linh cảm, xuất thần) thôi. Đây chỉ là một cái tên họ tạo ra để đánh lừa thiên hạ, nhưng thực chất đó là sự “lên cơn”. Platon đã nâng đỡ gọi sự lên cơn kiểu này là “sự cuồng nộ thiêng liêng”. Nhưng dù có thiêng liêng đến đâu thì đã là điên, người ta không thèm chơi với… Quả thật tôi nghĩ, gắn cái tên là inspiration, nghe như rao bán một loại thuốc mới được bào chế, ấy vào rất có lợi cho họ. Thế nhưng, cũng giống như bột làm chả là bột khoai mỡ, tượng phật Quan m là mẩu gỗ 1,8 tấc, nguyên liệu lẩu vịt (kamonamban) là thịt quạ, canh thịt bò của nhà trọ là thịt ngựa.v.v…, inspiration thực tế chỉ là một cơn nghịch phát. Sự lên cơn này là một cơn điên tạm thời. Sở dĩ không cần vào bệnh viện Sugamo[161] là vì đó chỉ là điên nhất thời thôi. Nhưng tạo ra được cơn điên nhất thời này rất khó. Những kẻ điên suốt đời thì dễ chứ chỉ điên trong lúc cầm bút viết, đối diện với tờ giấy thì dù là vị thần nổi tiếng cũng khó làm nổi, mãi chưa có ai thành công. Nếu thần thánh không giúp mình lên cơn thì tự mình phải làm lấy. Do vậy, cũng như việc giải hạ cơn điên, từ xưa đến nay, việc tạo ra cơn điên vẫn là cái làm đau đầu nhiều học giả. Để có được Inspiration, có người mỗi ngày ăn mười hai quả hồng chát. Họ lý luận rằng, ăn hồng chát sẽ bị táo bón, mà táo bón thì nhất định sẽ lên cơn, nổi khùng. Có người lại cầm bình rượu đã hâm, nhảy vào nhà tắm nước nóng vì nghĩ rằng ngồi ngâm trong nước nóng mà uống rượu thì nhất định sẽ “lên cơn”. Theo người này, nếu làm thế mà vẫn không có hiệu quả thì pha rượu nho vào nước nóng mà ngâm mình, tin chắc sẽ hiệu nghiệm. Tội nghiệp là ông ta không có tiền nên chưa kịp thực hiện phương pháp này thì đã chết mất. Cuối cùng, có kẻ nghĩ rằng cứ làm theo cách của người xưa, biết đâu sẽ có sự xuất thần (inspiration). Đó là cách ứng dụng học thuyết cho rằng “nếu ai bắt chước động tác của một người nào đó thì trạng thái tâm lý cũng giống theo”. Cứ giả vờ làm như say rượu, đến lúc nào đó sẽ có tâm lý của kẻ nghiện rượu. Cứ ngồi tọa thiền trong một chầu hương, không hiểu sao tự nhiên có tâm trạng như mình là một vị sư. Vậy thì cứ bắt chước một hành vi nào đó của một đại gia nổi tiếng, ngày xưa đã từng có sự xuất thần, ắt sẽ được xuất thần. Nghe nói là V. Hugo đã nằm khểnh trên thuyền buồm mà nghĩ ra văn chương. Vậy thì cứ ngồi trên thuyền, ngắm trời xanh, nhất định sẽ xuất thần đấy. Nghe nói ông Stevenson[162] đã nằm bò ra mà viết tiểu thuyết, vậy thì cứ nằm phủ phục xuống đất, tay cầm bút là máu sẽ chảy ngược lên. Nghĩa là, rất nhiều người đã nghĩ ra rất nhiều cách như vậy, nhưng chưa có ai thành công cả.
Trước hết, việc lên cơn “nhân tạo” hiện thời là không có khả năng. Đáng tiếc là không thể làm được. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, sớm muộn thì cái thời cơ có thể lên cơn tùy ý cũng sẽ đến. Tôi tha thiết hy vọng, mong sao cái thời cơ đó mau đến với văn minh loài người sớm chừng nào hay chừng đó.
Tôi nghĩ rằng nói về “lên cơn” chừng này là đủ rồi. Bây giờ xin đi vào sự kiện. Nhưng trước những sự kiện lớn, bao giờ cũng có những sự kiện nhỏ. Nếu chỉ nói đến sự kiện lớn mà bỏ qua những sự kiện nhỏ là một lỗ hổng, một thất bại lớn, mà các nhà sử học xưa nay vẫn mắc phải. Mỗi khi gặp phải những sự kiện nhỏ thì những cuộc “lên cơn” của ông chủ lại dữ dội hơn lên, cuối cùng làm bùng phát sự kiện lớn. Do vậy, nếu không nói tuần tự về quá trình tiến triển sự kiện thì khó biết được ông chủ đã lên cơn như thế nào. Mà nếu không được biết đến, thì sự lên cơn của ông sẽ mất tiếng tăm, có thể người đời sẽ coi thường mà nghĩ rằng “chắc chẳng phải như thế.”
Chẳng mấy khi mới có được sự lên cơn, thế mà lại không được mọi người khen là “xuất thần” cực kỳ thì còn gì để mà tự vỗ về, an ủi nữa. Những sự kiện mà tôi sẽ nói sau đây, không kể lớn nhỏ, đều không mang lại vinh dự gì cho ông chủ. Phải nói thẳng ra rằng bản thân sự kiện không phải là vinh dự, nhưng dẫu sao đó cũng là sự lên cơn quý hiếm, một sự lên cơn đích thực nên quyết không thua kém gì người khác. Ông chủ vốn không có tính kiêu căng lắm với mọi người về chuyện này. Lên cơn mà không biết tự hào thì cũng không thể gò lưng mà viết lách được ra cái gì cả.
Quân địch xúm đông xúm đỏ ở Lạc vân quán, gần đây đã phát minh ra một loại đạn “đam đam”. Những lúc nghỉ hay sau khi tan học, chúng tụ tập nhau lại, bắn về khoảnh đất trống phía bắc. Đạn này thông thường có tên là “bóng” (ball), và cơ chế của nó là dùng một dụng cụ to như cái chày giã bột để bắn vào phía địch theo ý muốn. Nhưng dù đạn “đam đam” hay đạn gì mà bắn đi từ sân vận động của Lạc vân quán thì cũng không lo trúng được vào ông chủ, đang cố thủ trong phòng sách. Bọn địch không phải không biết là đường đạn quá xa, song đó là chiến lược của chúng. Nếu trong chiến tranh Lữ Thuận, hải quân đã từng tấn công gián tiếp mà vẫn thắng lớn thì những quả đạn “bóng” to, rơi xuống khoảnh đất trống này không phải không có hiệu quả của nó. Nghĩa là cứ mỗi một phát đạn chúng lại tổng động viên toàn lực, hét “a a…” thật to, mang tính uy hiếp. Ông chủ khiếp sợ và kết quả là những mạch máu ở chân tay không thể không co rúm lại. Quá phiền muộn, lượng máu mất phương hướng này đành phải chảy ngược trở lại. Có thể nổi, âm mưu của địch khá nham hiểm.
Nghe nói, ngày xưa ở Hy Lạp có ông nhà văn tên là Aeschylus. Ông Aeschylus cũng có cái đầu nhà văn học giả, một cái đầu “học giả” nói chung. Cái đầu học giả mà tôi nói ở đây, nghĩa là cái đầu hói. Vì sao đầu lại hói? Nhất định là do thiếu dinh dưỡng, không đủ sức cho tóc mọc rồi. Học giả là những người sử dụng cái đầu nhiều và chắc chắn là nhìn chung đều nghèo cho nên đầu ông nào cũng thiếu dinh dưỡng, cũng bị hói. Vậy thì ông Aeschylus là nhà văn, nên lẽ đương nhiên, không thể không hói. Ông ta có cái đầu nhẵn thín như quả bưởi. Một hôm, ông ta cất cao cái đầu ấy – tất nhiên bao giờ cũng là cái đầu ấy – mà đi dưới nắng. Đây là một sai lầm. Đầu hói mà đi dưới nắng thì nhìn từ xa sẽ rất bóng. Cây cao thì bị gió đập. Cái đầu bóng sẽ bị cái gì đó đập vào. Lúc này, trên đầu ông Aeschylus có một con diều hâu đang múa may, móng chân nó quặp một con rùa sống. Rùa hay ba ba thì đương nhiên cũng ngon rồi, nhưng vốn dĩ từ thời cổ Hy Lạp chúng đã có cái mai cứng. Dù ngon đến mấy mà có cái mai cứng thì cũng chịu. Nghe nói xưa nay có món tôm nướng cả vỏ, nhưng hiện giờ cũng vẫn không thấy có món rùa hầm cả mai. Vậy thì thời đó, nhất định cũng không có.
Diều hâu đang thật khó xử thì nhìn thấy dưới mắt mình có cái gì lấp lánh. Nó nghĩ “tốt rồi, ném con rùa xuống cái cục đang lấp lánh kia, nhất định mai rùa sẽ vỡ. Ném vỡ rồi sẽ xuống ăn, không còn lý lẽ gì khác nữa”. Quyết định như thế xong, không cần hỏi ý kiến ai, nó ném con rùa từ trên cao xuống cái đầu. Đáng buồn là cái đầu ông nhà văn lại mềm hơn mai con rùa. Cái đầu hói vỡ nát và ông Aeschylus nổi tiếng kết thúc một cách bi thảm ở đây. Sự việc thì như thế, nhưng không thể biết được suy nghĩ và hiểu biết của con diều hâu là thế nào? Nó biết đó là đầu ông nhà văn mà vẫn ném xuống, hay nhầm là hòn đá? Phải biết được điều này, thì tùy theo suy nghĩ của diều hâu, mới có thể so sánh, đối chiếu nó với quân giặc ở bên Lạc vân quán được hay không.
Đầu ông chủ không bóng loáng như đầu nhà văn Aeschylus hay đầu các học giả đương đại. Nhưng suốt ngày ông ở trong một cái phòng rộng khoảng sáu chiếu, gọi là phòng sách, cả khi ngủ gật cũng gục mặt trên những quyển sách rất khó, thì phải coi ông thuộc loại các học giả. Ông chưa hói đầu là vì đầu ông chưa có tư cách hói. Đến một lúc nào đó nhất định nó sẽ hói. Đó là số mệnh đã định, nhất định sẽ giáng xuống cái đầu của ông. Vậy thì, xem ra việc bọn học sinh Lạc vân quán tập trung vãi đạn đam đam hướng vào đầu ông, phải nói là rất thích hợp về thời cơ chiến lược. Nếu bọn địch cứ tiếp tục hành động này trong hai tuần lễ thì, do sợ hãi và lo buồn, đầu ông chủ sẽ mất dinh dưỡng, sẽ biến thành quả cam, cái ấm hay cái lọ đồng gì đấy. Và nếu lại tiếp tục tấn công thêm hai tuần nữa thì quả cam chắc chắn sẽ vỡ. Cái ấm thì sẽ rò thủng. Và nếu là cái lọ đồng thì nhất định sẽ rạn nứt. Không lường trước được cái kết cục rất dễ thấy này, chỉ lo chiến đấu đến cùng với kẻ thù thì chỉ có mỗi bản thân đương sự, là thầy Kushami thôi.
Một buổi chiều, như mọi khi, tôi ra nằm ngủ trưa ngoài thềm hành lang và mơ mình biến thành hổ. Tôi ra lệnh cho ông chủ “Hãy mang thịt gà đến đây cho ta”. Ông chủ sợ sệt, mang thịt gà đến. Meitei cũng có ở đây nên tôi bảo Meitei “Ta muốn ăn thịt ngỗng. Hãy đến cửa hàng lẩu ngỗng đặt làm đi”. Thế là cũng như mọi khi, Meitei nói dối, bịa tào lao là “cứ xơi dưa su hào với bánh đa mặn sẽ có mùi vị của thịt ngỗng ạ!”, tôi bèn há rộng miệng, gầm lên dọa hắn. Meitei tái mặt bảo “Dạ thưa, cái nhà hàng lẩu ngỗng ở Yamashita họ dẹp tiệm rồi. Bây giờ phải làm thế nào ạ?” “Vậy thì ta cho phép thịt bò cũng được, mau đến cửa hàng Nishikawa lấy một cân thịt thăn về đây. Nếu không thì ta sẽ ăn thịt mày đấy”. Nghe thế, Meitei vén vạt áo, cong mông chạy đi. Người tôi bỗng nhiên to đùng lên. Tôi nằm phủ phục chật cả hành lang, chờ Meitei về. Bỗng trong nhà có tiếng ồn rất to, làm tôi tỉnh giấc mơ hiếm hoi sắp được ăn thịt bò.
Khác với từ nãy đến giờ, ngoan ngoãn, sợ sệt nghe theo lời tôi, lúc này, ông chủ nhảy phốc từ trong nhà vệ sinh ra, đá bịch vào mạn sườn tôi đau điếng. Trời ơi, làm cái gì thế này? Tôi còn đang ngớ ra thì ông đã xỏ vội vào đôi guốc đi trong vườn, vòng qua cửa gỗ mà chạy sang phía Lạc vân quán. Tôi lập tức từ hổ co lại thành mèo. Dẫu sao cũng dở và kỳ. Nhưng vì ông chủ tức giận đùng đùng và bị ông đá đau như vậy, tôi quên ngay chuyện hổ. Đồng thời tôi nghĩ “thế là cuối cùng ông chủ đã xuất trận, giao chiến với quân địch rồi, sẽ thú vị đây”. Thế là tôi nén đau, đi theo ông ra cửa sau. Cùng lúc đó, tôi nghe tiếng ông chủ thét “kẻ trộm”. Tôi nhìn lên, thấy một thằng rất to con khoảng mười tám, mười chín tuổi, đội mũ đồng phục đang leo qua hàng rào mắt cáo, về phía bên kia. Ối chà, muộn mất rồi! Tôi còn đang nghĩ vậy thì cái mũ đồng phục này đã co chân chuồn về căn cứ địa của mình, y hệt Vi thồ thiên[163].
“Kẻ trộm” đã quá thành công nên ông chủ lại vừa lớn tiếng hô kẻ trộm vừa chạy đuổi theo. Nhưng muốn đuổi kịp tên địch này, bản thân ông chủ phải vượt qua bức tường rào mới được. Đi quá đà, bản thân ông sẽ thành kẻ trộm. Như đã nói ở trên, ông chủ là người luôn “lên cơn” rất tốt. Hình như cứ theo đà này thì chừng nào còn đuổi theo kẻ trộm, cho dù bản thân phu tử có biến thành kẻ trộm, cũng quyết đuổi đến cùng. Ông chủ đã chạy tới tận hàng rào rồi mà vẫn có vẻ chưa muốn dừng lại.
Khi đã tới ranh giới mà chỉ cần bước thêm một bước nữa sẽ vào địa phận “kẻ trộm” thì từ trong hàng ngũ địch, một viên tướng để râu thưa, lững thững bước ra. Hai người đàm phán gì đó qua hàng rào. Tôi lắng nghe, thấy nội dung cuộc đàm phán rất ớn, như sau:
– Đó là học sinh của trường chúng tôi đấy ạ.
– Học sinh của các ông, sao lại vào đất nhà người khác?
– Chà, vì quả bóng trót rơi vào trong đó.
– Tại sao không xin phép mà lại tự tiện vào như vậy?
– Vâng ạ, từ nay chúng tôi sẽ nhắc nhở các em chú ý.
– Nếu thế thì được.
Cuộc đàm phán tưởng sẽ long trời lở đất, không ngờ lại kết thúc nhanh chóng bằng một đoạn đối thoại tạp văn như vậy. Cái hăng hái của ông chủ chỉ là ý chí. Còn khi lâm sự thì bao giờ cũng kết thúc như vậy. Xem ra, cũng giống như tôi, đang từ giấc mơ là hổ nhanh chóng trở lại thành mèo. Sự kiện nhỏ mà tôi nói chính là sự kiện này.
Theo tuần tự, sau khi đã trình bày về sự kiện nhỏ, bây giờ tôi xin trình bày đến sự kiện lớn.
Ông chủ đang nằm úp bụng trong phòng nghỉ, cửa để mở, toan tính việc gì đó. Có lẽ ông đang nghĩ sách lược đề phòng sự tấn công của địch chăng? Lạc vân quán có vẻ như đang trong giờ học, sân trường yên lặng một cách hiếm thấy. Riêng chỉ có tiếng giảng bài của giờ luân lý nghe rất rõ từ một phòng học của học xá, tiếng nói nghe rất gần, tưởng như giơ tay ra có thể với tới được. m thanh lưu loát, từ ngữ trơn tru nghe đúng là tiếng của vị tướng quân, người đã từ hàng ngũ quân địch xông ra đàm phán hôm qua.
“… Vì vậy, ‘công đức’ là cái rất quan trọng. Các nước Pháp, Đức, Anh… bất cứ nước nào cũng đều thi hành công đức. Đồng thời, dù là tầng lớp hạ đẳng đến đâu cũng không ai là không coi trọng công đức. Đáng tiếc là ở Nhật Bản chúng ta, về điểm này chưa thể sánh bằng được các nước. Nói đến công đức thì có thể có người cho rằng đây là thứ du nhập của nước ngoài. Nghĩ như vậy là rất sai lầm. Người xưa cũng nói rằng ‘đấng nam nhi chỉ theo đuổi một con đường này, con đường ‘trung thứ’[164] mà thôi. Chữ ‘thứ’ này chính là xuất phát điểm của công đức. Tôi cũng là người nên thỉnh thoảng cũng muốn hát thật to lên. Nhưng khi đang học mà nghe những người phòng bên hát thì tôi không thể tập trung vào học được. Vả lại, ngay những khi đọc những bài thơ hay trong tuyển tập thơ Đường, tôi vẫn ước chi được cất cao tiếng, ngâm lên thì sẽ sảng khoái biết bao. Nhưng tôi lại nghĩ nếu xung quanh có người đang học thì sẽ làm phiền người ta. Cho nên những lúc như vậy, bao giờ tôi cũng tự kiềm chế. Do vậy, các em nên hết sức cố gắng giữ đạo đức công cộng. Dù có muốn cũng không bao giờ được làm cái việc mà mình thấy là phiền người khác…”
Ông chủ lắng tai nghe bài giảng, đến chỗ này thì nhoẻn miệng cười. Cũng cần giải thích về ý nghĩa cái “nhoẻn miệng” này một chút. Nếu nhà hài hước đọc chắc sẽ nghĩ cái “nhoẻn miệng” này mang yếu tố cười nhạt chăng? Nhưng không, ông chủ hoàn toàn không phải là người xấu chơi như vây. Có thể nói ông là người trí tuệ không phát triển đến mức ấy, chứ không phải người xấu chơi. Nhưng vì sao ông cười, thì cái đó hoàn toàn do ông vui. Một giáo viên luân lý đã giảng bài giáo dục thống thiết như thế này thì từ nay trở đi, nhất định ông không còn bị bắn đạn đam đam tơi bời nữa, chẳng bao lâu nữa, đầu ông cũng hết hói. Bệnh “lên cơn”, trước mắt chưa khỏi, nhưng nếu có điều kiện, dần dần nhất định sẽ khỏi. Không cần phải đắp khăn mặt ướt hay hơ vào lò sưởi, hay trú ngụ dưới bóng cây, trên phiến đá nữa. Nghĩ và đoán như vậy nên ông tủm tỉm “nhoẻn” cười. “Tiền cho vay nhất định rồi sẽ được trả!”. Đã sang thể kỷ 20 này rồi mà vẫn thật thà nghĩ như vậy, cho nên đương nhiên, ông lắng nghe bài giảng này một cách chân thành.
Có lẽ đã hết giờ học nên bài giảng bỗng im bặt. Giờ học của các phòng khác cũng đều xong. Thế là hàng trăm con người, từ nãy đến giờ bị giam trong phòng, đồng loạt hò hét, nhảy ra ngoài trời, khí thế như đàn ong vỡ tổ. Những tiếng oang oang, ào ào từ cửa sổ, cửa chính, từ khe cửa… nghĩa là từ những chỗ nào có kẽ hở là mặc sức ào ra. Đây chính là đầu mối gây ra sự kiện lớn.
Trước hết tôi xin nói về “thế trận” của phía “ong”. Nếu ai thắc mắc rằng cuộc chiến tranh này mà cũng có thế trận ư thì thật sai lầm. Bình thường, khi nói đến chiến tranh, người ta thường chỉ nghĩ đến Sa Hà, Phong Thiên hay Lữ Thuận, cứ làm như là ngoài những nơi đó ra, không còn ở đâu có chiến tranh nữa cả. Còn nếu là bọn man rợ, có một chút thơ ca thì lại tùy tiện liên tưởng đến những chuyện lớn lao như Achilles kéo xác Hector quanh thành Troy ba vòng, hay người Yên quốc Trương Phi đặt cây xà mâu dài 1,8 trượng[165] trên cầu Trường Phản, kìm chân hàng triệu quân của Tào Tháo.v.v… Liên tưởng thì tùy họ, nhưng nếu nghĩ rằng ngoài những cuộc chiến tranh đó ra, không còn chiến tranh nào khác thì thật phiền. Ở thời đại thái cổ mông muội thì có thể có các loại chiến tranh vớ vẩn như vậy. Nhưng vào thời buổi yên ổn, thái bình như ngày nay, giữa trung tâm đế đô nước Đại Nhật Bản này, những loại hành động kiểu man rợ như thế thuộc vào loại kỳ tích không thể có được. Dù có bạo động đến đâu cũng không lo xảy ra những vụ quá lớn, vượt quá mức độ tấn công, đốt đồn cảnh sát được.
Xem ra, cuộc chiến tranh giữa thầy Kushami, ông chủ của “Ngọa long quật” với hàng trăm thiếu niên khỏe manh phía Lạc vân quán có thể được coi là một trong những cuộc đại chiến, kể từ khi có thành phố Tokyo đến nay. Khi ghi chép về cuộc chiến tranh Yên Lăng[166], Tả Thị cũng bắt đầu từ thế trận của quân địch. Xưa nay, những tài liệu miêu tả tài tình đều áp dụng bút pháp này cả. Vậy nên, nếu tôi có miêu tả về thế trận của bọn ong thì cũng không có gì là đặc biệt.
Trước hết, nhìn thế trận của chúng, thấy có một đội dàn hàng dọc bên ngoài hàng rào mắt cáo. Đội quân này hình như có nhiệm vụ dẫn dụ ông chủ vào nội tuyến của trận đánh.
– Có hàng không?
– Không hàng. Không hàng.
– Không được. Không được.
– Cóc ra nhỉ.
– Không rơi à? Làm gì có chuyện không rơi?
– Sủa lên xem nào.
– Gâu gâu. Gâu gâu gâu.
Thế là sau đó tất cả tung đội[167] dốc toàn lực, đồng loạt hét vang lên. Cách xa tung đội một chút, về phía tay phải, phía sân vận động, đội pháo chiếm lĩnh trận địa, đang dàn thế trận. Đối diện với “Hang rồng nằm”, một vị tướng vác một cái chày lớn, chờ đợi. Cách đó khoảng năm, sáu con sào, có một vị nữa tương đương với vị này, đứng quay mặt về phía “Hang rồng nằm”. Đứng đối diện nhau theo thế này là các pháo thủ. Có người cho đây là cách luyện tập bóng chày chứ không phải chuẩn bị chiến đấu. Tôi mù tịt, chẳng biết bóng chày nó là cái gì, nhưng nghe nói đây là trò chơi du nhập từ Mỹ. Bây giờ, từ các trường trung học trở lên, môn này rất thịnh hành, là một trong các môn thể thao. Nước Mỹ là nước nghĩ ra toàn những cái phi thường, cho nên nếu có nhầm cái này với đội pháo thủ thì cũng có thể lắm. Người Mỹ càng dạy cho người Nhật những trò chơi làm phiền xung quanh bao nhiêu, có lẽ càng chứng tỏ mức độ thân thiện của họ bấy nhiêu chăng? Người Mỹ tin rằng đây là môn thể thao thật sự chứ gì? Dù đó là một trò chơi thuần túy, nhưng nếu có khả năng đe dọa bốn xung quanh thế này, thì sử dụng nó cũng chẳng thua kém gì pháo kích cả.
Theo quan sát của tôi thì chỉ có thể nghĩ rằng họ âm mưu lợi dụng môn thể thao này để tấn công, giành thắng lợi nhờ sức công phá như pháo hỏa của nó. Sự đời muốn nói sao thì ra như vậy. Lấy danh nghĩa từ thiện mà lừa đảo, gọi là xuất thần mà vui vẻ lên cơn điên được thì mượn danh nghĩa chơi bóng chày, không phải là không có thể gây ra chiến tranh. Theo sự giải thích của ai đó thì đó là các bóng chày nói chung trên đời này. Còn cái bóng chày mà tôi đang nói ở đây là loại bóng chày giới hạn trong trường hợp đặc biệt. Tức là thứ bóng chày mang nghệ thuật kích, đánh chiếm cung thành.
Bây giờ tôi xin giới thiệu về phương pháp bắn đạn “đam đam”.
Một người trong đội hình pháo thủ hàng dọc, cầm quả đạn trong tay phải, ném cho người cầm chày. Quả đạn này làm bằng gì thì người ngoài cuộc không biết được. Nó là một thứ giống như viên bánh trôi bằng đá, cứng và tròn, bên ngoài bọc da, khâu rất cẩn thận.
Như đã nói, viên đạn này khi rời tay pháo thủ sẽ cắt gió bay đi, một người phía bên kia sẽ vung chày lên, đánh trở lại. Thỉnh thoảng đánh trượt, viên đạn rơi đi, nhưng nhìn chung là kêu “choang” một cái rồi bật trở lại. Khí thế đó rất mãnh liệt. Việc làm hỏng cái đầu của ông chủ, có bệnh dạ dày do thần kinh, thì rất dễ. Chỉ một mình pháo thủ cũng thừa sức làm việc này. Nhưng bọn vô công rồi nghề, kiêm viện binh xung quanh, bâu vào đông như kiến. Khi chiếc chày vừa chạm “choang” một cái vào viên đạn là lập tức chúng hò reo, vỗ tay bôm bốp, rồi la hét:
– Chơi đi, chơi đi.
– Trúng rồi.
– Quả này cũng không được à?
– Không sợ ư?
– Có đầu hàng không?
Nếu chỉ có vậy thôi thì còn được. Nhưng những viên đạn bị đánh bật trở lại, cứ ba lần thì nhất định có một lần lăn vào trong dinh của “Hang rồng nằm”. Không lăn vào thì không đạt được mục đích tấn công. Đạn “đam đam” gần đây có nhiều nơi sản xuất nhưng tương đối đắt. Dù là chiến tranh thì cũng không thể cung cấp mãi được. Thường thì mỗi đội pháo chỉ có một hoặc hai quả, không thể cứ mỗi lần kêu “choang” một cái là viên đạn quý này bị tiêu tan. Vì vậy chúng bố trí một đội quân có tên là “nhặt đạn” để đi nhặt về. Nếu đạn rơi chỗ tốt thì nhặt chả khó khăn gì nhưng rơi vào ruộng cỏ hay vườn nhà người khác thì không dễ đàng quay lại. Vậy nên thông thường, để tránh vất vả, người ta sẽ đánh cho rơi vào chỗ dễ nhặt. Nhưng ở đây lại làm ngược lại. Mục đích của họ không phải là chơi bóng. Bị thua thiệt trong chiến tranh, họ cố tình ném bóng vào vườn nhà ông chủ. Bóng rơi vào đó thì nhất định phải vào nhặt. Phương pháp vào vườn giản tiện nhất là vượt hàng rào mắt cáo. Làm ầm ĩ ở bên trong hàng rào thì nhất định ông chủ phải tức giận, hoặc không thì phải cởi giáp, đầu hàng. Quá khổ sở, cái đầu của ông nhất định dần dần sẽ hói.
Lúc này một viên đạn của địch vừa bắn ra, không chệch đường ngắm, vượt qua hàng rào, làm rụng những chiếc lá ở cành dưới của cây ngô đồng rồi rơi trúng vào bức tường thành thứ hai, tức hàng rào tre. Một tiếng động khá lớn.
Theo định luật chuyển động số I của Newton thì “một vật không bị lực tác động của vật khác, khi đang chuyển động sẽ di chuyển theo đường thẳng, với một tốc độ nhất định.” Nếu chuyển động của vật thể chỉ bị tác động theo quy luật này thì đầu ông chủ đã cùng chung số phận với Aeschylus rồi. Nhưng may là, cùng với định luật thứ nhất, Newton đã tạo ra định luật thứ hai, cho nên trong lúc nguy hiểm, đầu ông chủ đã vượt qua được số mệnh.
Định luật chuyển động thứ hai nói rằng “Sự thay đổi của chuyển động tỷ lệ thuận với lực tác động, nhưng theo phương cùng chiều với phương chuyển động của lực đó”. Cái này là thế nào, tôi chả hiểu gì cả. Nhưng thấy viên đạn đam đam không xuyên qua hàng rào tre, xé toang cửa kính, đập vỡ đầu ông chủ thì chắc là nhờ có ông Newton.
Một lúc sau, theo dự án, nghe có vẻ như quân địch đã vượt rào, chui vào vườn. Có tiếng sào khua lá cây, tiếng nói “chỗ này à?” “dịch về bên phải một chút chăng” v.v… Khi tất cả quân địch đều đã vào vườn nhà ông chủ để nhặt đạn đam đam, nhất định bao giờ cũng là những tiếng nói to đặc biệt. Nếu chúng cứ lẳng lặng mà vào, im lặng mà nhặt thì không đạt được mục đích quan trọng nhất. Viên đạn đam đam có thể là rất quý nhưng cái quý hơn là mục đích trêu tức ông chủ kia. Những lúc thế này, từ đằng xa chúng đã biết viên đạn ở chỗ nào rồi. Đã biết nó va vào hàng rào, biết cả chỗ nó va thì thừa biết chỗ nó rơi. Cho nên, nếu muốn yên lặng mà nhặt thì có thể hết sức yên lặng.
Theo định nghĩa của Leibniz[168] thì không gian là trật tự có thể xảy ra của các hiện tượng (có khả năng) cùng tồn tại. Các chữ cái A B C D… bao giờ cũng xuất hiện theo cùng một thứ tự. Dưới cây liễu nhất định có cá trạch. Đi liền với con dơi là mặt trăng. Quả bóng thì có thể không hợp với hàng rào. Nhưng cái không gian trong con mắt những kẻ ngày nào cũng ném bóng vào vườn nhà người khác thì nhất định đã quen với thứ tự sắp xếp này. Chỉ nhìn qua là biết ngay. Làm ầm ĩ lên thế này, rốt cuộc là sách lược khiêu chiến với ông chủ. Đến mức này thì dù có tiêu cực đến đâu, ông chủ cũng không thể không ứng chiến. Vừa mới ban nãy ở trong phòng nghỉ, nghe bài giảng luân lý rồi nhoẻn miệng cười, ông chủ đứng vùng dậy, tức tốc chạy ra, bắt sống ngay một tên địch. Với ông chủ thì tên địch này rất lớn xác. Lớn xác thì đúng rồi, nhưng tôi nhìn thì thấy chỉ là thằng nhóc độ mười bốn, mười lăm tuổi. Nó không xứng đáng lắm là địch thủ của một người có râu như ông chủ. Nhưng có lẽ, với ông chủ thì cho như thế này cũng đủ lắm rồi. Mặc cho nó xin lỗi, ông cứ kéo bừa nó vào đến tận trước thềm.
Ở đây cần nói một chút về sách lược của quân địch. Bọn địch nhìn hành động của ông chủ hôm qua thì biết, kiểu này thế nào hôm nay ông cũng đích thân xông ra. Lúc đó, nếu không may chạy không kịp mà một thằng lớn xác bị bắt thì phiền. Cho một thằng năm thứ nhất hay năm thứ hai làm chân nhặt bóng là tốt nhất trong việc tránh nguy hiểm. Được rồi. Nếu ông chủ tóm được một thằng nhóc con mà mè nheo lý lẽ nọ kia thì cũng chẳng tổn thương gì đến danh dự của Lạc vân quán, chỉ xấu mặt ông đi chấp với thằng nhãi ranh mà thôi. Bọn địch đã nghĩ như vậy. Đây là một suy nghĩ rất đúng với những người bình thường. Có điều, chúng lại không nhớ rằng kẻ thù của chúng không phải là người bình thường. Nếu có ý thức như vậy thì hôm qua ông đã chẳng nhảy ra.
Sự “lên cơn” nó làm người bình thường lên cơn mạnh hơn mức bình thường, làm cho người có ý thức trở thành vô ý thức. Đàn bà hay trẻ con, phu xe hay thằng chăn ngựa, nếu có ý thức phân biệt được như vậy thì đâu còn tự hào là người “lên cơn” nữa? Nếu không như ông chủ này, đi bắt sống một thằng học sinh trung học năm thứ nhất, không đáng chấp, làm con tin chiến tranh, thì làm sao có thể liệt vào hàng ngũ những nhà “lên cơn” được? Chỉ tội nghiệp là tên tù binh. Vì thi hành vai trò tạp binh, đi nhặt bóng theo lệnh của học sinh lớp trên mà không may bị một tướng địch không bình thường, một thiên tài “lên cơn” đuổi bắt, không kịp vượt hàng rào, nên bây giờ bị lôi ra trước sân. Như thế này thì quân địch không thể an nhàn ngồi nhìn nỗi hổ thẹn của phe ta được. “Cả tôi nữa. Cả tôi nữa…” Chúng nhảy qua hàng rào mắt cáo, từ cửa sau tràn vào trong sân. Số lượng có đến cả tá, chúng đứng la liệt trước mặt ông chủ. Đại để chúng không mặc áo ngoài, áo gilê cũng không. Có thằng xắn tay áo sơ mi trắng, khoanh tay. Có thằng áo vải flanel sợi bông nhưng chỉ khoác trên lưng. Tưởng vậy thôi, nhưng cũng có thằng rất diện, áo vải bông trắng có viền đen, giữa ngực thêu chữ hoa[169] cùng màu. Thằng nào trông cũng dũng mãnh, đáng một chọi trăm, bắp gân cuồn cuộn như muốn nói “mới từ Sasayama, Tanba đến tối qua đây!”[170]. Bọn này đưa vào trường trung học mà trau dồi học vấn thì thật phí. Cho đi làm ngư phủ hay chân sào, thủy thủ thì có lợi cho đất nước hơn. Trông chúng như một đám người đi chân không, quần xắn quá gối, sẵn sàng chạy sang chữa giúp đám cháy bên cạnh. Chúng chỉ đứng dàn hàng trước mặt ông chủ mà không nói năng gì. Ông chủ cũng không lên tiếng. Trong khoảnh khắc, hai bên gườm gườm kình nhau, đây sát khí.
– Các anh là kẻ trộm à?
Ông chủ hỏi với khí thế bừng bừng. Cục uất giận, bị nghiến răng kìm nén trong họng, bùng lên thành ngọn lửa, phun qua mũi, làm cho cái mũi nhỏ rõ ràng đang rung lên vì tức giận. Có lẽ mũi con sư tử Echigo cũng đã được làm phỏng theo mũi một người khi tức giận chăng? Nếu không thì làm sao có thể trông đáng sợ được như vậy?
– Không, không phải là kẻ trộm. Chúng tôi là học sinh của trường Lạc vân quán.
– Đừng nói bậy. Học sinh Lạc vân quán mà lại có người chui trộm vào vườn nhà người khác à?
– Nhưng rõ ràng chúng tôi đội mũ có phù hiệu của trường đây mà.
– Đồ giả chứ gì? Học sinh trường Lạc vân quán sao lại chui trộm vào vườn?
– Vì quả bóng rơi vào trong vườn.
– Tại sao bóng lại rơi vào vườn?
– Không may nó rơi vào thôi.
– Quái lạ nhỉ?
– Lần sau chúng tôi sẽ chú ý. Hôm nay xin ông tha thứ cho.
– Một kẻ không biết ở đâu tự nhiên nhảy qua rào, đột nhập vào nhà người khác mà có thể dễ dàng tha thứ được ư?
– Nhưng chúng tôi đúng là học sinh của trường Lạc vân quán mà!
– Học sinh trường Lạc vân quán thì học sinh năm thứ mấy?
– Năm thứ ba.
– Có đúng thật không?
– Vâng.
Ông chủ quay vào trong nhà gọi “này, này”. Cô sen, người Saitama, hé tấm cửa lùa, ló mặt ra.
– Đi sang Lạc vân quán, gọi một người nào đó về đây cho tôi.
– Gọi ai cơ ạ?
– Ai cũng được, cứ đi gọi đi.
Cô sen “vâng”, nhưng trước quang cảnh kỳ quặc trong sân cùng với việc không hiểu nổi bị sai để làm gì, cộng với sự tiến triển vớ vẩn của sự kiện từ nãy đến giờ, làm cho cô không biết làm gì, chỉ cười hề hề.
Ông chủ định phen này sẽ quyết làm to chuyện, sẽ vung mạnh cánh tay mẫn cán của người “lên cơn”. Vậy mà người bị ông sai lúc này lại có thái độ không nghiêm chỉnh, vừa nghe lệnh vừa cười, làm ông càng nổi giận hơn.
– Đã bảo là gọi ai cũng được mà, không hiểu à? Ông hiệu trưởng, người đại diện hay ông hiệu phó cũng được.
– Gọi ông hiệu trưởng ấy à cơ…?
Cô sen nghe chỉ hiểu mỗi từ hiệu trưởng.
– Đã bảo là hiệu trưởng cũng được, người đại diện cũng được, hiệu phó cũng được mà, vẫn không hiểu à?
– Nếu ai cũng đi vắng thì gọi người tạp dịch có được không ạ?
– Đồ dở hơi. Tạp dịch thì biết cái gì.
Đến đây thì cô sen cũng đành phải hiểu.
– Vâng ạ.
Cô vâng rồi đi nhưng vẫn chưa hiểu việc mình được sai nghĩa là thế nào. Tôi đang lo, nhỡ đâu cô dẫn người tạp dịch về thì làm thế nào, thì không ngờ ông thầy luân lý khi nãy từ cửa chính đi vào. Chờ cho ông ta điềm tĩnh ngồi xuống xong, ông chủ lập tức đi vào đàm phán:
– Thưa ông, vừa xong những người này đã chui trộm vào vườn nhà tôi.
Ông chủ dùng những ngôn từ cổ kính như các quan đại thần, giọng có vẻ giễu cợt.
– Có đúng là học sinh của quý trường không ạ?
Ông thầy luân lý không tỏ ra ngạc nhiên, bình tĩnh nhìn khắp một lượt các dũng sĩ đang xếp hàng ngoài sân, rồi quay lại ông chủ, trả lời:
– Vâng, đúng ạ. Tất cả đều là học sinh của trường chúng tôi. Trước sau, chúng tôi đã dạy bảo các em không được làm thế này. Vậy mà… thật khó hiểu… Tại sao các em lại trèo rào như vậy, hả?
Đúng là học sinh có khác. Không đứa nào nói gì với ông thầy luân lý cả. Chúng xúm lại một góc sân, ngồi chờ, trông như một đàn cừu bị tuyết…
– Thỉnh thoảng bóng rơi vào thì cũng đành… Sống bên cạnh trường thế này thì nhất định bóng sẽ rơi sang rồi. Nhưng mà… quá quắt quá. Giá như leo vào mà lẳng lặng nhặt như không ai biết thì cũng còn có thể bỏ qua được…
– Ông nói rất đúng. Chúng tôi luôn nhắc nhở đấy, nhưng vì học sinh đông quá. Từ nay, chúng tôi sẽ phải nhắc nhở hơn nữa. Nếu bóng rơi vào vườn thì phải đi vòng ra cửa trước, xin phép rồi mới được nhặt, nghe chưa? Trường rộng quá nên để mắt không xuể. Nhưng thể thao là môn giáo dục cần thiết nên không thể cấm được. Tôi biết là nếu tha thứ lần này thì lần sau có thể chúng lại làm phiền ông, nhưng thôi, mong ông rộng lượng. Thay vào đó, từ nay chúng tôi sẽ bắt chúng nó nhất định phải vào cổng, xin phép thì mới được nhặt.
– Vâng, nếu ông hiểu cho như vậy thì được rồi. Bóng rơi bao nhiêu cũng chẳng sao, cứ xin phép vào cửa chính thì không sao cả. Vậy thì tôi giao những học sinh này cho ông, ông đưa họ về đi. Chà, xin lỗi, tự nhiên đã làm mất thì giờ của ông.
Như thường lệ, ông chủ đã tiếp chuyện một cách đầu voi đuôi chuột như vậy. Ông thầy luân lý dẫn các thổ dân của Tanba rút qua cổng về Lạc vân quán. Đến đây tôi xin kết thúc cái gọi là “đại sự kiện”.
Ai có cười bảo thế mà cũng gọi là đại sự kiện thì cứ việc cười. Chưa phải là đại sự kiện đối với người đó thôi. Tôi nói đại sự kiện của ông chủ chứ không phải của người đó. Nếu ai chê là chuyện “đầu voi đuôi chuột”[171] thì nên nhớ rằng đó là đặc điểm của ông chủ. Xin nhớ rằng ông chủ là nguồn tư liệu để viết nên những tác phẩm hài hước và là người luôn bị thua thiệt cũng vì đặc điểm này. Nói rằng chấp với thằng nhãi ranh mười bốn, mươi lăm tuổi là việc dại dột thì tôi cũng đồng ý rằng đúng là dại. Cho nên ông Omachi Keigetsu mới bảo ông chủ là chưa thoát khỏi ấu trĩ.
Tôi đã trình bày sự kiện nhỏ, lại vừa nói xong sự kiện lớn. Bây giờ tôi định sẽ miêu tả những dư âm sau sự kiện lớn này để kết thúc toàn bộ thiên phóng sự của mình. Độc giả có thể nghĩ rằng những điều tôi viết toàn là chuyện bịa, nhưng tôi không phải là một con mèo cẩu thả, thiếu ý thức như vậy đâu. Trong từng câu, từng chữ của tôi, tất nhiên, đều chứa đựng những triết lý lớn lao của vũ trụ. Những câu, chữ ấy còn phối hợp với nhau theo từng từng lớp lớp, có trước có sau, có đầu có đuôi, đâu ra đấy. Nếu ai coi đây chỉ là chuyện nhảm nhí, chỉ đọc giữa chừng qua loa thì nội dung sẽ hốt nhiên biến báo (thay đổi đột ngột) thành loại thuyết giáo cao siêu, không đơn giản, dễ dàng. Vì vậy không được vô lễ vừa nằm vừa đọc hay đọc nhảy cóc năm dòng một. Phải như kiểu Liêu Tông Nguyên mỗi khi đọc văn Hàn Thái Chi, trước khi đọc phải rửa tay bằng nước hoa hồng, văn của tôi cũng thế. Ít ra cũng phải bỏ tiền túi ra mua mà đọc chứ đừng có kiểu bừa bãi, mượn của người khác về, đọc quấy quá cho xong là không được đâu.
Những chuyện tôi sắp nói sau đây, tôi gọi là “dư âm”, nhưng nếu vì gọi như thế mà nghĩ là không hay, không cần phải đọc thì sẽ hối tiếc đấy. Xin hãy nhiệt tâm mà đọc cho hết đi.
Sau hôm xảy ra sự kiện lớn, tôi muốn đi dạo một chút nên ra khỏi nhà. Ở góc đường, chỗ rẽ vào ngõ phố, thấy ông Kaneda và ông Suzuki đang đứng nói chuyện rất say sưa. Chả là ông Kaneda vừa đi xe từ đâu về thì gặp ông Suzuki đến thăm trong lúc đi vắng nên quay ra. Gần đây, nhà Kaneda không có gì kỳ lạ hấp dẫn tôi nên tôi ít lui tới phía đó. Hôm nay, nhìn thấy nhân vật này tôi thấy hơi nhơ nhớ quá khứ. Đã lâu lắm không gặp ông Suzuki, hãy dòm thử xem mặt mũi bây giờ thế nào? Nghĩ vậy, tôi lừ lừ đi đến gần chỗ hai vị đang đứng và tự nhiên nghe được chuyện của họ. Lỗi này không phải tại tôi mà tại người nói chuyện.
Kaneda là người có lòng tốt đến mức dùng thám tử theo dõi mọi động tĩnh của ông chủ thì ta ngẫu nhiên nghe chuyện của mi cũng không có gì đáng tức giận cả. Có tức chăng là ở chỗ mi không hiểu ý nghĩa của sự công bằng. Hãy cứ biết là ta đã nghe chuyện của hai cậu. Không phải ta nghe vì thích nghe, mà ta không thích nghe nhưng chuyện nó cứ tự nhiên lọt vào.
Cậu Tô[172] trịnh trọng cúi rạp đầu:
– Ôi, may quá, tôi vừa ở nhà anh ra đây.
– Ồ thế à? Thực ra mấy hôm vừa rồi tôi cũng định gặp cậu. May quá.
– May à? Thế anh có chuyện gì vậy?
– Cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Việc thế nào cũng được ấy mà. Có điều, phải là cậu thì mới xong.
– Nếu làm được, việc gì tôi cũng sẵn sàng. Việc gì vậy?
-Ừm… cái đó thì…
Ông ta yên lặng suy nghĩ.
– Có việc gì thì khi nào tiện tôi sẽ đến, thế lúc nào thì anh rỗi?
– Không, không cần thiết đến thế đâu. Thế thì tiện đây, có lẽ nhờ cậu luôn chăng?
– Anh cứ nói, đừng ngại…
– Cái thằng gàn ấy mà, bạn cũ của cậu ấy, tên là Kushami hay là gì đấy.
– Vâng, tên là Kushami. Có chuyện gì vậy?
– Không, cũng chẳng có chuyện gì cả. Nhưng từ sau cái vụ ấy, tôi cứ thấy khó chịu thế nào ấy.
– Đúng là vậy. Kushami là kẻ rất ngạo mạn. Giá cậu ta nghĩ đến cái địa vị của mình một chút thì tốt, nhưng lại cứ nghĩ như dưới gầm trời này chỉ có mỗi một mình ta ấy.
– Thì vậy. Nó nói rất nhiều cái láo lếu, nào là không cần cúi đầu trước đồng tiền à? Nào là nhà doanh nghiệp thì là cái thớ gì à?… Nên tôi định cho hắn biết bàn tay của nhà doanh nghiệp nó là thế nào. Nhờ thế, dạo này cũng đã bớt bớt đi một chút nhưng vẫn còn cố lên gân. Thằng cha đến là ngang bướng. Thật đáng kinh ngạc.
– Cái quan niệm được mất của cậu ta rất nghèo nàn nên bị thế nào cũng cố chịu đựng. Từ trước tới giờ vẫn thế, dù có bị thiệt thòi, cậu ta cũng không bao giờ để ý, cho nên không sửa được.
– Ha ha… Đúng là không thể sửa được thật. Tôi đã dùng đủ mọi cách. Cuối cùng tôi phải dùng bọn học sinh.
– Cách đó kỳ diệu đấy. Thế có hiệu quả không?
– Dùng cái này thì cậu ta có vẻ gay go lắm. Chắc là không xa nữa, phải chịu thua thôi.
– Thế thì hay quá. Dù là người kiêu ngạo đến đâu thì rồi cũng phải đuối sức trước số đông thôi.
– Vậy mà… Một mình thì chẳng làm gì nổi đâu. Cũng có vẻ yếu đi nhiều rồi đấy, không biết bây giờ thế nào? Tôi muốn cậu đến xem thử giúp xem.
– À, thế à? Thế thì không có gì cả, tôi sẽ đi ngay. Tình hình thế nào, khi về tôi sẽ báo cáo anh. Chắc là thú vị lắm đây! Một kẻ ngoan cố như vậy mà bị mất ý chí thì chắc là thú vị lắm.
– Ừ, vậy khi về, cậu ghé qua tôi nhé, tôi sẽ chờ.
– Vậy, xin phép anh, tôi đi.
Trời ơi, lại âm mưu rồi. Thì ra thế lực của các nhà doanh nghiệp thật ghê gớm, làm phát điên những người tựa tro than như ông chủ. Vì đau buồn mà cái đầu của ông bị hói. Rồi cái đầu ấy cũng lại chịu số phận như đầu ông Aeschylus thôi. Tất cả đều do sức mạnh của các nhà doanh nghiệp mà ra! Không hiểu sức mạnh nào làm cho trái đất xoay quanh trục của nó, nhưng quả thật, đồng tiền đã làm xoay chuyển thế giới này. Chỉ có các nhà doanh nghiệp là hiểu được tác dụng và sức mạnh của đồng tiền, biết phát huy tối đa uy lực của nó theo ý muốn của mình. Cũng chính nhờ các nhà doanh nghiệp mà mặt trời có thể an toàn mọc lên ở phía đông, lặn xuống ở phía tây. Bản thân tôi tự cảm thấy hổ thẹn vì từ bấy đến nay đã không hiểu được điều này, được nuôi trong nhà một học giả nghèo, không biết những cái lợi của nhà doanh nghiệp.
Vậy thì cái ông chủ ngu si, bướng bỉnh lần này cũng phải sáng mắt ra thôi. Nếu vì ngu mà cứ khăng khăng gàn dở thì nguy to. Trước tiên, cái quý nhất là tính mạng của ông sẽ bị nguy hiểm. Không biết gặp Suzuki ông ấy sẽ nói năng gì đây? Với cung cách ấy thì cũng có thể biết được mức độ giác ngộ của ông rồi! Không thể chần chừ được nữa, dù là mèo, việc của chủ, mình phải lo lắng. Tôi vượt qua Suzuki, về nhà trước.
Suzuki vẫn là con người rất khôn khéo. Hôm nay ông ta không hề đả động gì đến nhà Kaneda, chỉ nói bâng quơ chuyện đời một cách vui vẻ.
– Nhìn sắc mặt cậu có vẻ không được khỏe, cậu có bị sao không thế?
– Cũng chẳng sao cả.
– Nhưng trông xanh lắm. Cậu phải cẩn thận đấy. Thời tiết không tốt mà. Đêm có ngủ được không?
– Ừ.
– Cậu có chuyện gì buồn phiền chăng? Nếu giúp được gì tôi sẵn sàng, cậu cứ nói, đừng ngại.
– Buồn phiền là buồn phiền cái gì?
– Không, nếu không có thì thôi. Tôi bảo là nếu có ấy mà. Buồn phiền là thứ độc hại nhất. Trên đời này, chỉ có sống vui vẻ, tươi cười là có lợi hơn cả. Sao cậu có vẻ trầm lặng quá.
– Cười cũng độc hại đấy. Cố tình cười có khi còn bị chết nữa cơ đấy.
– Đừng có nói đùa. “Phúc đến cửa nhà nào có tiếng cười” mà lại.
– Cậu có biết ngày xưa ở Hy Lạp có nhà triết học tên là Chrysippus không?
– Không. Thì làm sao?
– Ông ta cười nhiều quá mà chết đấy.
– Ủa, tay đó kỳ lạ nhỉ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa.
– Ngày xưa hay ngày nay thì cũng khác gì nhau. Ông ta nhìn con lừa đang ăn quả sung trong một cái xô bằng bạc thì buồn cười quá, không sao nhịn được. Nhưng cười mãi không thể nín được, cuối cùng bị chết.
– Ha ha… Nhưng làm gì phải cười nhiều đến nỗi bị chết như vậy, chỉ cần cười một chút thôi, vừa đủ lượng, như vậy sẽ rất dễ chịu.
Trong lúc cậu Suzuki đang ra sức nghiên cứu ông chủ thì có tiếng cửa mở loạch xoạch, tưởng có khách, nhưng không phải.
– Xin lỗi, quả bóng bị rơi vào vườn, xin cho phép nhặt ạ.
Từ trong bếp, cô sen trả lời “vâng”. Cậu học sinh đi vòng ra sau vườn. Suzuki, vẻ khó hiểu, hỏi thế là thế nào?
– Bọn học trò sau nhà nó ném bóng vào vườn.
– Học trò sau nhà à? Ở sau nhà có học trò à?
– Có trường Lạc vân quán mà.
– À, thế à, trường học à? Thế thì ồn ào lắm nhỉ?
– Ồn ào hay náo nhiệt gì thì không biết, nhưng không sao mà làm việc, học hành, nghiên cứu được. Tôi mà là bộ trưởng giáo dục thì tôi ra lệnh đóng cửa ngay.
– Ha ha… cậu có vẻ tức lắm nhỉ? Có việc gì làm cậu cáu giận không?
– Có hay không gì? Suốt ngày suốt đêm, lúc nào cũng điên cả người.
– Nếu tức như vậy thì chuyển nhà đi nơi khác có hơn không?
– Ai chuyển nhà? Chỉ nói láo!
– Tức với tôi thì chẳng giải quyết được gì. Toàn là bọn trẻ con ấy mà, cứ mặc kệ là xong.
– Cậu xong nhưng tôi không xong được. Hôm qua tôi đã gọi giáo viên đến nói chuyện rồi.
– Ồ thế thì tốt nhỉ, thế họ xin lỗi chứ?
– Ừ.
Lúc này cửa lại mở, lại có tiếng “bóng rơi, xin cho nhặt”.
– Trời, cứ đến luôn xoành xoạch ấy nhỉ! Lại bóng đấy cậu ạ.
– Ừ. Họ đã hứa là xin vào cửa chính để nhặt mà.
– À, ra thế! Vì thế nên cứ vào nhặt như vậy. Thế à? Hiểu rồi.
– Hiểu cái gì?
– Thì ra, nguyên nhân là chuyện vào nhặt bóng.
– Hôm nay, đây là lần thứ mười sáu rồi đấy.
– Thế cậu không thấy phiền à? Đừng cho vào nhặt nữa có hơn không?
– Không cho là thế nào? Không cho nó cũng vào, không thể có cách nào khác được.
– Nếu nói là không còn cách nào thì cũng đành thế. Nhưng cậu đừng có khăng khăng như vậy. Con người ta mà có góc cạnh thì lăn lóc trên đời này sẽ rất vất vả và thua thiệt. Tròn trĩnh thì lăn vào đâu cũng dễ dàng. Vuông vắn, góc cạnh thì khi lăn khó đã đành, mỗi khi lăn, cái góc lại bị cứa đau đớn nữa. Dù sao thì đời cũng không phải của riêng mình mình, cho nên người khác không thể thành như mình được. Ừ, nó thế đấy. Gì thì gì, chọc vào bọn nhà giàu thì mình chỉ có thiệt thôi. Chỉ đau thần kinh và hại người, chẳng ai khen cả. Bên kia thì vẫn bình thản, cứ ngồi đấy, dùng bàn tay người khác là xong. Không có sức mà lại chọi với sức mạnh thì ai cũng biết là vô vọng rồi. Cứng đầu thì cũng hay. Nhưng trong lúc mình tưởng giữ vững được thì họ quấy rầy việc học hành của mình, gây phiền nhiễu công việc hàng ngày, cuối cùng chỉ khổ và thiệt.
– Xin lỗi, vừa xong quả bóng bị rơi vào vườn, cho phép tôi đi vòng ra sau nhặt, được không ạ?
– Đấy, chúng lại đến nữa đấy.
Suzuki cười, bảo. Ông chủ đỏ bừng mặt:
– Hỗn láo quá!
Ông Suzuki thấy tương đối đã đạt được mục đích cuộc viếng thăm nên “xin lỗi, tôi ghé một chút thế” rồi đi. Người đến thay ông ta là bác sĩ Amaki.
Từ ngày xưa, hiếm có nhà “lên cơn” nào mà lại tự nhận là mình “lên cơn”. Khi đã nhận ra rằng thế này thì hơi kỳ, có nghĩa là đã qua khỏi đỉnh dốc của cơn phát bệnh rồi. Sự “lên cơn” của ông chủ, nhân sự kiện lớn hôm qua, đã lên đến mức cao nhất. Mặc dù cuộc thương lượng cũng đầu voi đuôi chuột nhưng đã xong xuôi nên đêm đó, trong phòng sách, ông suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy có cái gì hơi quái lạ. Hơn nữa, ông cũng thừa biết có sự gì đáng ngờ, không biết phía mình quái lạ hay phía Lạc vân quán quái đản, nhưng dù thế nào cũng nhất định không phải là bình thường. Dù có ở cạnh trường học đến mấy mà suốt năm, lúc nào cũng thấy điên tiết thế này, ông cảm thấy có cái gì kỳ lạ. Như vậy thì phải làm thế nào đây? Nhưng làm thế nào thì ông lại không biết. Chỉ còn mỗi con đường là uống thuốc của bác sĩ, tức là dừng hối lộ để xoa dịu cái nguồn gốc sinh ra sự điên tiết mà thôi. Hiểu ra điều đó, ông nảy ra ý đinh đi mời bác sĩ Amaki, người mà ông vẫn nhờ vả xưa nay, đến khám bệnh. Làm như vậy là khôn hay dại là một vấn đề khác. Chỉ biết rằng, việc ông nhận ra sự “lên cơn” của mình đã là một ý chí cao cả, một giác ngộ tuyệt vời. Bác sĩ Amaki vẫn bình tĩnh, tươi cười như mọi khi, hỏi:
– Thế nào?
Một cách hỏi đã thành lệ mà bất kỳ ông thầy thuốc nào cũng hỏi. Không hiểu sao tôi không thể tin tưởng được những thầy thuốc nào mà lại không hỏi “thế nào” chứ!
– Thưa bác sĩ, gay quá mất thôi.
– Sao, có gì đâu mà gay?
– Liệu thuốc của bác sĩ có công hiệu không?
Bác sĩ Amaki cũng sửng sốt. Nhưng ông là người rất điềm đạm nên không tỏ ra giận, ôn tồn trả lời:
– Làm gì có chuyện không công hiệu.
– Cái bệnh dạ dày của tôi, uống bao nhiêu thuốc cũng vẫn thế.
– Không thể có chuyện như thế được.
Ông chủ hỏi người khác về cái dạ dày của mình:
– Không thể à? Đã đỡ rồi chăng?
– Không thể khỏi ngay lập tức được, nó sẽ ngấm dần dần. Bây giờ cũng khá hơn lúc đầu rồi đấy.
– Thật thế à?
– Ông lại lên cơn tức giận phải không?
– Tức chứ! Ngay cả trong mơ tôi cũng điên tiết lắm.
– Ông nên hoạt động một chút thì tốt.
– Nhưng vận động thì lại càng nổi điên hơn.
– Nào, cho xem thử xem nào?
Bác sĩ Amaki hình như đành chịu, bắt tay vào khám bệnh. Không chờ khám xong, ông chủ đột nhiên hỏi rất to:
– Thưa bác sĩ, hôm trước tôi có đọc cuốn sách nói về thuật thôi miên, thấy nói là nếu ứng dụng thuật thôi miên sẽ có thói quen táy máy và chữa được nhiều thứ bệnh, có đúng thế không?
– Vâng, có phương pháp chữa bệnh như vậy đấy.
– Hiện nay cũng có à?
– Vâng.
– Xin chữa bằng thuật thôi miên có khó không?
– Không có vấn đề gì cả. Tôi cũng vẫn chữa đấy.
– Bác sĩ cũng chữa à?
– Vâng. Ông hãy thử một lần xem? Ai cũng có lý do cần phải chữa thôi miên, ông lại càng nên làm thử.
– Thế thì hay lắm, bác sĩ làm cho tôi đi. Tôi muốn thử từ lâu rồi, nhưng nếu thôi miên mà cứ thế mãi, không tỉnh lại thì gay nhỉ?
– Làm gì có chuyện thế. Không sao cả. Vậy tôi làm thử nhé?
Cuộc trao đổi lập tức được quyết định. Cuối cùng ông chủ được thôi miên. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ được xem cái này, nên hồi hộp ngồi bên cạnh, chờ xem kết quả.
Bác sĩ bắt đầu gây thôi miên từ mắt cho ông chủ. Nhìn cách làm thì thấy bác sĩ xoa hai mi mắt từ trên xuống, ông chủ mặc dù đã ngủ vẫn ngả dần theo hướng xoa. Một lúc sau, bác sĩ hỏi:
– Xoa thế này cảm thấy mắt nặng dần lên, có phải không?
– Vâng, đúng vậy, cảm thấy nặng dần lên.
Ông chủ trả lời thế và bác sĩ lại tiếp tục xoa dần xuống, dần xuống và bảo:
– Nó sẽ càng nặng dần thêm lên đấy, được không?
Ông chủ chắc vừa lòng nên im lặng, không nói gì. Việc xoa bóp như vậy đã được khoảng ba, bốn phút, cuối cùng bác sĩ bảo:
– Thôi, nhắm rồi đấy.
Tội nghiệp, thế là mắt ông chủ không mở ra được nữa rồi!
– Thôi, mắt đã nhắm hẳn rồi chứ?
– Vâng, không mở được nữa rồi.
Ông chủ nhắm nghiền mắt. Tôi tưởng ông bị mù rồi. Một lúc sau bác sĩ bảo:
– Muốn mở thì mở thử ra xem. Đại loại là không thể mở được đâu.
– Thế à?
Ông chủ vừa nói xong thì hai mắt ông mở bừng ra như bình thường. Ông nhỏn nhẻn cười, bảo “không ngấm nhỉ?”. Bác sĩ cũng cười bảo “ừ, không ngấm!”. Kết cục, thuật thôi miên đã không thành công. Bác sĩ Amaki đi về.
Sau đó, nhà lại có khách. Chưa bao giờ nhà ông chủ lắm khách như thế, tưởng như là chuyện không có thật, với một người ít giao thiệp như ông chủ này. Nhưng quả đúng là có khách, mà lại là một vị khách rất quý hiếm, đặc biệt. Tôi xin nói qua một chút về vị khách này. Không phải chỉ vì đó là vị khách quý hiếm đặc biệt đâu.
Như đã nói, tôi đang miêu tả về dư âm của sự kiện lớn hôm trước. Vị khách này là nguồn tư liệu không thể bỏ qua cho cuộc dư chấn này.
Chẳng biết người này tên là gì, chỉ biết đó là một người đàn ông trên dưới bốn mươi tuổi, mặt dài, để râu như râu dê. Cũng như đã gọi Meitei là nhà mỹ học, tôi gọi người này là nhà triết học. Tại sao lại là nhà triết học? Đó là vì, khác với Meitei, lúc nào cũng rêu rao về mình, người này khi nói chuyện với ông chủ, trông cứ như là nhà triết học vậy. Ông ta cũng có vẻ là bạn học của ông chủ. Hai người đối với nhau rất cởi mở.
– À, Meitei ấy à, tay ấy cứ bồng bềnh như miếng bột xốp nổi trên mặt hồ ấy. Hôm trước, hắn dẫn một người bạn đi qua cửa một nhà quý tộc chẳng quen biết gì, bảo là ghé vào uống chén nước, kéo bạn vào rồi cứ thế nhởn nhơ ở đó.
– Thế rồi sao?
– Tôi cũng chẳng biết rồi thế nào. Hắn là cái thằng kỳ quặc bẩm sinh mà. Được cái không có bụng dạ gì. Đúng là một viên bột xốp. Suzuki ấy à? Cậu ấy cũng đến đây à? Ừ, cậu ta thì có nhiều lý lẽ không hiểu được nhưng là người khôn ngoan ở đời. Có đồng hồ vàng, nhưng cậu ta không phải là người sâu sắc nên không chắc chắn, khó chơi lắm. Mồm lúc nào cũng “suôn xẻo, suôn xẻo” nhưng ngay cả suôn xẻo là cái gì cũng không biết. Nếu Meitei là một viên bột xốp thì đó là một miếng bánh đúc rơm. Hắn ta lúc nào cũng “suôn xẻo” một cách xấu xa, rung bần bật, bần bật thôi.
Ông chủ nghe ví von gợi cảnh kỳ diệu như vậy thì có vẻ rất cảm phục, lâu lắm mới thấy ông cười hà hà…
– Thế cậu thì là cái gì?
– Tôi ấy à? Tôi thì là gì nhỉ? Có lẽ là củ khoai rừng chăng? Dài ra nhưng vùi trong bùn.
– Cậu lúc nào cũng thoải mái, thanh thản, thật đáng mong ước.
– Có gì đâu, mình chỉ sống như tất cả mọi người bình thường khác, chẳng có gì đáng phải thèm muốn cả. Chỉ có điều may mắn là không oán giận ai, cái đó rất tốt.
– Thu nhập gần đây khá chứ?
– Khá gì, vẫn thế. Không đủ mà cũng không thiếu, nhưng vẫn được ăn, không sao cả. Tôi cũng chả ngạc nhiên gì.
– Tôi thì không thoải mái, lúc nào cũng cáu giận, nhìn chỗ nào cũng chỉ thấy bất bình thôi…
– Bất bình cũng được. Có gì không vừa lòng, tức giận xong thì tâm trạng lại bình thường trở lại. Con người ta có nhiều loại, khuyên người khác hãy giống mình thì không thể giống được. Đũa mà không cầm giống người khác thì ăn cơm hơi khó. Nhưng bánh mỳ của mình, mình cứ bẻ tùy theo ý thích là tiện nhất. Đặt may bộ Kimono ở cửa hàng may khéo thì mặc vừa người, không may gặp phải cừa hàng dở thì ít nhiều phải gắng chịu mới được. Nhưng cuộc đời này rất kỳ diệu, bây giờ người ta mặc u phục nhiều vì nó hợp với phong cách của người mặc. Nếu cha mẹ sinh ra mình khéo léo, phù hợp với thời thế thì hạnh phúc nhất. Nhưng nếu không may không hợp thời thế thì phải một là gắng chịu, hai là chịu cho đến khi hòa hợp được vào cuộc đời, ngoài ra không có cách nào khác cả.
– Nhưng tôi thì mãi mãi không bao giờ hòa hợp được, nghĩ buồn tủi quá.
– Cứ cố mặc bộ quần áo không vừa người thì nó sẽ bục ra. Nhiều vụ ầm ĩ, đánh nhau, tự sát vẫn xảy ra. Nhưng cậu thì chỉ thấy chán chứ tự tử thì tất nhiên rồi, cả đánh nhau, cãi nhau cũng chưa. Như vậy là thuộc loại tốt rồi.
– Nhưng ngày nào cũng toàn cãi nhau thôi. Mặc dù không biết cãi nhau với ai nhưng tự mình cáu giận thì cũng là cãi nhau chứ gì?
– À, thì ra đó là cãi nhau một mình, hay nhỉ. Vậy thì muốn cãi nhau bao nhiêu chả được.
– Như vậy chán lắm.
– Thế thì thôi, đừng cãi nữa.
– Cậu làm được như thế chứ tôi thì lòng nó không nghe theo mình.
– Vậy, thực ra cậu không hài lòng cái gì?
Thế là ông chủ ào ào nói hết với nhà triết học mọi nỗi bất bình của mình, từ vụ Lạc vân quán đến con chồn Imado, rồi Pinsuke, Kishago… và tất cả mọi chuyện khác. Nhà triết học ngồi im lắng nghe, cuối cùng mới lên tiếng giảng giải cho ông chủ như sau:
– Những chuyện Pinsuke, Kisago… có nói gì thì cứ lờ đi là xong. Toàn những chuyện vặt, chấp với bọn học sinh trung học thì được cái gì. Nó cản trở mình ư? Nhưng thương lượng, cãi cọ cũng có giải quyết được đâu. Về điểm này, tôi thấy so với người châu u, người Nhật ngày xưa giỏi hơn nhiều. Cách làm của người phương Tây cứ nói là “tích cực, tích cực” và gần đây người ta bắt chước nhiều. Nhưng cái đó có cái dở rất lớn. Trước hết, nói tích cực thì nó vô cùng, không có giới hạn. Có tích cực đến đâu cũng không đi đến giới hạn làm cho mình thỏa mãn hoàn toàn. Cậu hãy nhìn bên kia, có cây bách, phải không? Nếu thấy nó vướng mắt, chặt bỏ nó đi thì đằng sau đó lại có nhà trọ. Nếu bắt dỡ bỏ nhà trọ đi thì sau đó lại có ngôi nhà khác trêu ngươi ta. Chuyện không bao giờ hết giới hạn. Hành động của người phương Tây luôn luôn vì như vậy. Napoleon hay Alexander cũng đều không bao giờ thỏa mãn. Không vừa lòng người khác, cãi nhau. Người khác không công bằng, kiện ra tòa. Nhưng thắng kiện ở tòa rồi thì yên tâm chăng? Hoàn toàn nhầm. Sự thanh thản của lòng người, cho đến lúc chết cũng không dẹp bỏ hết được những băn khoăn, nôn nóng.
Nền chính trị phong kiến không tốt nên hủy bỏ, lập chính thể đại nghị[173]. Nền đại nghị cũng không được, lại muốn làm cái gì đây. Dòng sông bố láo nên phải bắc cầu. Quả núi bất trị nên phải đào hầm. Giao thông khó khăn nên làm đường tàu. Cứ như thế, mãi mãi không bao giờ thỏa mãn. Nhưng đó là vì con người không biết đến đâu thì thỏa mãn hết được cái ý muốn tích cực của mình cả. Văn minh phương Tây có thể là tích cực, là tiến thủ đấy, nhưng nó là nền văn minh do con người, suốt cả cuộc đời không bao giờ thỏa mãn, tạo ra.
Văn hóa Nhật Bản không đi tìm sự thỏa mãn ở chỗ làm thay đổi tình trạng bên ngoài bản thân mình. Cái khác nhau rất lớn với văn minh phương Tây là ở chỗ nó phát triển theo một sự giả định “về cơ bản, không nên bắt buộc hoàn cảnh khách quan phải thay đổi”. Nếu quan hệ cha con không tốt thì người Nhật không cải thiện mối quan hệ này để tìm sự thanh thản như người phương Tây, mà cứ để cho mối quan hệ đó tồn tại như bản thân nó vốn có, rồi đi tìm phương pháp tạo ra sự thanh thản trong mối quan hệ đó. Mối quan hệ vợ chồng hay vua tôi cũng vậy. Việc phân chia đẳng cấp giữa võ sĩ với thường dân cũng thế. Cách nhìn nhận tự nhiên, thiên nhiên cũng thế. Nếu phải đi sang vùng bên cạnh mà lại vướng núi thì (người Nhật xưa) không nghĩ là phải phá núi mà đi, mà lại nghĩ là “không cần đi nữa cũng chả sao”. Nghĩa là họ nuôi dưỡng một tâm hồn “không qua núi cũng vẫn hài lòng”.
Vì vậy, cậu hãy nhìn xem, các nhà Nho học hay Thiền học, về cơ bản, họ đều nắm vững vấn đề này. Họ biết rằng dù mình có tài giỏi đến đâu thì cũng không thể làm cho thế gian thành theo ý mình được. Không thể cấm mặt trời lặn. Không thể bắt sông Kamo chảy ngược dòng. Cái có thể thay đổi được chỉ có lòng mình. Nếu tu luyện để có thể tự do sai khiến được lòng mình thì dẫu cho bọn học trò Lạc vân quán có hò hét đến đâu, mình cũng vẫn cứ bình thản như thường; vụ con chồn gốm cũng dẹp yên không có vấn đề gì cả; những thằng Pinsuke có nói năng gì vớ vẩn thì mắng “đồ dở hơi” rồi cho qua đi là xong hết. Nghe nói ngày xưa có ông sư, khi bị người ta chém đã nói một cái gì đó, đại loại như là “điện quang ảnh lý trảm xuân phong”[174] hay một lời hoa mỹ gì đó. Khi lòng đã được tu luyện đạt đến độ tột cùng của tiêu cực thì nó tác dụng kỳ diệu thế chăng? Tôi thì không hiểu nổi cái vấn đề khó như vậy, chỉ biết là nếu cứ cho rằng chỉ có “tích cực” mới là tốt như người phương Tây thì có vẻ hơi sai lầm. Thực tế, cậu có tích cực đến đâu thì cũng không dẹp được bọn học trò đến quấy phá, trêu chọc cậu đấy thôi? Nếu cậu có quyền mà đóng cửa trường đó hay phía bên kia làm cái gì đến nỗi phải đi báo cảnh sát, nghĩa là làm toàn những chuyện không hay, thì lại là chuyện khác. Còn không thì có tích cực đến đâu, cậu vẫn cứ thua. Mà có muốn “tích cực” được thì lại phải có tiền. Đây là tương quan giữa một kẻ mạnh và một kẻ bất lực. Nói một cách khác, cậu sẽ phải cúi đầu trước kẻ giàu, phải đầu hàng trước bọn trẻ con đông đúc. Một người nghèo như cậu, lại chỉ có một mình mà lại muốn đấu tranh tích cực thì chính cái đó là nguyên nhân làm cho cậu bất bình chứ gì? Thế nào? Cậu đã hiểu ra chưa?
Ông chủ nghe mà không trả lời là hiểu hay không hiểu. Sau khi vị khách hiếm lạ về rồi, ông vào phòng sách, không đọc mà suy nghĩ gì đó.
Ông Suzuki thì bảo ông hãy nghe theo đồng tiền và số đông. Bác sĩ Amaki thì góp ý nên dùng thuật thôi miên để trấn an thần kinh. Ông khách hiếm lạ này thì thuyết pháp là hãy tu luyện sự tiêu cực để được an tâm. Chọn cách nào là tùy ông chủ. Chỉ biết rằng nếu cứ thế này thì không thể được.