Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Chương 11
Nước Nga: Tái thiết lập và sự thoái trào

     ổng thống Nga Vladimir Putin là kiểu mẫu “người cứng rắn thường đối diện với những lựa chọn khó khăn” mà không ai trên thế giới có thể so sánh được. Thế giới quan của Putin được định hình bởi sự ngưỡng mộ các Sa-Hoàng trong lịch sử hào hùng của nước Nga, bằng cách kiểm soát nguồn năng lượng và lôi kéo các nước láng giềng, quyết tâm phục hồi sức mạnh Nga và không phụ thuộc vào phương Tây sau khi Liên Xô sụp đổ. Đồng thời ông cũng muốn đóng vai trò lớn hơn ở Trung Đông để tăng cường ảnh hưởng, giảm mối đe dọa của cộng đồng Hồi giáo phía nam. Để đạt được những mục tiêu này, ông ấy tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung và  Đông Âu - những nơi được coi là vùng ảnh hưởng lâu đời của Nga, đồng thời ngăn chặn nỗ lực của chúng ta với các nước đang sôi sục trong phong trào Mùa xuân Ả-Rập. 
Điều này giải thích vì sao Putin đã ép Tổng thống Ukraina Viktor Yanukvych từ bỏ quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2013 và cũng giải thích vì sao khi chính phủ Yanukvych sụp đổ, Putin sát nhập Crimea vào Nga. Người ta cho rằng nếu Putin biết kiềm chế và không can thiệp vào miền Đông Ukraina, nhưng đó là ảo tưởng, vì ông là người khao khát quyền lực, muốn mở rộng lãnh thổ và tăng cuờng ảnh hưởng trong khu vực. 
Putin xem địa chính trị như một trò chơi “tổng bằng không” (zero sum game), có nghĩa có người thắng thì phải có kẻ thua. Đó là quan niệm lỗi thời nhưng nguy hiểm, chính điều này đã thử thách Hoa Kỳ về sức mạnh lẫn sự kiên nhẫn. Để xử lý các mối quan hệ với Nga, chúng ta cần hợp tác khi có điều kiện, kêu gọi các quốc gia sát cánh ngăn chặn hoặc hạn chế động thái tiêu cực của Nga. Qua bốn năm làm Ngoại trưởng, tôi nhận thấy đây là sự cân bằng khó khăn nhưng rất cần thiết.

Ông Winston Churchill đã từng phát biểu: “Một châu Âu thống nhất thật sự, cần có sự đóng góp của nước Nga”, năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã đặt hy vọng lớn vào điều kỳ diệu này. Tôi vẫn nhớ cảm giác rất hồi hộp khi xem trên truyền hình, ông Boris Yeltsin đứng trên chiếc xe tăng của chính phủ quay đầu theo phía quân đảo chính chống lại phe bảo thủ cứng rắn của Liên Xô cũ đang đe dọa nền dân chủ mới ở Nga. Tiếp theo, ông Yeltsin đã huỷ bỏ hàng loạt vũ khi hạt nhân hướng về các thành phố của Mỹ, tiêu huỷ 50 tấn plutonium, ký hiệp định thỏa thuận hợp tác với NATO. Nhưng ông gặp sự phản ứng mạnh mẽ của phe bảo thủ muốn giữ khoảng cách với Tây Âu và Hoa Kỳ, kiểm soát các nước láng giềng, chống lại nền dân chủ mới.
Sau cuộc mổ tim vào năm 1996, sức khỏe của ông Yeltsin giảm dần, không đủ sức chèo lái và quản lý hệ thống chính trị phức tạp của Nga. Đêm giao thừa năm 1999, ông đột ngột từ chức trước sáu tháng khi nhiệm kỳ kết thúc, mở đường cho người kế nhiệm do ông lựa chọn, cựu quan chức tình báo KGB, St. Petersburg, Vladimir Putin, người chưa nổi danh.
Hầu hết mọi người cho rằng Putin được lựa chọn vì trung thành, sẽ bảo vệ Yeltsin và gia đình ông, đồng thời là người có phong cách lãnh đạo mạnh mẽ. Ông là người mạnh mẽ, một võ sĩ judo, rất tự tin và nhiều kỳ vọng trong khi nhiều người Nga vẫn còn choáng váng vì biến cố chính trị và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, với bản tính nhạy cảm nên ông thích nghi nhanh chóng, biểu lộ sự độc tài, áp chế những người bất đồng chính kiến kể cả khi tranh luận hoặc từ báo chí và các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Tháng 6-2001, lần đầu tiên khi Tổng thống Bush gặp Tổng thống Putin, ông Bush có một câu nhận xét nổi tiếng: “Nhìn ánh mắt tôi hiểu được bản chất của ông ta.” Hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được thỏa thuận chung trong “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, điều này đúng như sự mong đợi của Nga, Putin đã lợi dụng Mỹ chống al Qaeda chuẩn bị chiến dịch quân sự tàn khốc vào cộng hòa Chechnya mà người Hồi giáo chiếm đa số. Quan hệ hai nước Mỹ - Nga xấu đi rất nhanh. Chiến tranh Irag bùng nổ, Putin càng ngày trở nên độc đoán, tháng 8-2008 Nga xâm lược Georgia tình hình quốc tế trở lên căng thẳng.
Nền kinh tế Nga tăng trưởng nhờ vào ngưồn thu dầu mỏ và khí đốt, Putin để một số tài phiệt thân tín nắm giữ các nguồn lợi thu được từ dầu khí thay vì đầu tư vào khu vực tư nhân và phát triển các cơ sở hạ tầng. Ông ấy theo đuổi việc mở rộng ảnh hưởng của “đế chế Đại Nga”, gây bất ổn với các nước láng giềng, làm lo ngại về một thời bành trướng của nước Nga Xô Viết. Đồng thời ông sử dụng xuất khẩu khí đốt như một thứ vũ khí đe dọa Ukraina và các nước bằng cách tăng giá khí đốt và dọa cắt nguồn cung cấp vào tháng 1-2006 và 2009.
Diễn biến nghiêm trọng mới nhất ở Nga là những cuộc tấn công giới báo chí. Báo chí, đài truyền hình và các Bloggers phải đối mặt với áp lực lớn, buộc phải tuân thủ theo yêu cầu của Kremlin. Từ năm 2000, Nga được đánh giá là nơi nguy hiểm thứ tư đối với ký giả - tuy chưa bằng Irag, nhưng còn tệ hơn cả Somalia hay Pakistan. Từ năm 2000 đến năm 2009, gần 20 nhà báo đã bị thiệt mạng ở Nga, nhưng chỉ có một trường hợp duy nhất tìm được và kết án kẻ sát nhân.
Khi tôi viếng thăm Moscow tháng 10-2009, việc quan trọng cần phải làm là tuyên bố ủng hộ quyền tự do báo chí, chống lại các chiến dịch đe dọa từ các cấp nhà nước. Tại buổi đón tiếp ở Spaso House, khu nhà sang trọng thuộc Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga từ năm 1933, tôi gặp gỡ các nhà báo, luật sư và hoạt động xã hội. Một nhà hoạt động xã hội nói với tôi, ông bị công an giả dạng côn đồ đánh thập tử nhất sinh mà không rõ nguyên nhân. Nhiều người Nga đã chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp bị quấy rối, đe dọa thậm chí bị giết, tuy nhiên họ vẫn làm việc, viết và không chịu im lặng. Tôi đảm bảo với họ, Hoa Kỳ sẽ nêu những quan ngại về nhân quyền với chính phủ Nga bằng mọi cách.
Địa điểm cũng quan trọng như nội dung cuộc nói chuyện. Tôi có thể bày tỏ hết những điều tôi suy nghĩ với các nhà hoạt động tại Spaso House, nhưng người Nga bình thường cũng là đối tượng của tôi. Vì thế tôi hỏi cán bộ tòa đại sứ tìm đài phát thanh hay truyền hình tư nhân và độc lập nào đó đứng ra tổ chức để tôi phát biểu. Thật may, đài phát thanh “Tiếng vọng Moscow” (Echo Moscow), một trong số đài phát thanh độc lập hàng đầu, cở mở, dũng cảm và khó bị phá sóng ở Nga.  
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp, rất nhiều câu hỏi đặt ra với tôi về quan hệ Mỹ - Nga, bao gồm cả vấn đề Georgia và Iran, sau đó tôi quay lại chủ đề nhân quyền của nước Nga. Tôi trả lời: “Tôi tin nền dân chủ là lợi ích cốt lõi và lựa chọn tốt nhất của nước Nga. Việc tôn trọng nhân quyền, sở hữu nền tư pháp độc lập, tự do báo chí là nằm trong lợi ích của việc xây dựng một hệ thống chính trị ổn định và là cơ sở vững chắc góp phần mở rộng, chia sẻ thịnh vượng. Chúng tôi khẳng định, tiếp tục hỗ trợ những người theo đuổi các giá trị đó.” Nói về các vụ bị bắt giữ, đánh đập thậm chí giết hại các nhà báo, tôi phát biểu: “Tôi nghĩ mọi người yêu cầu quan chức chính phủ phải mạnh dạn công nhận hành động này là sai trái, ra sức ngăn chặn và cấm tái diễn, đồng thời đem lại công lý cho những người bị hại.” Đến nay đài Tiếng Vọng Moscow vẫn hoạt động theo hệ thống độc lập. Nhưng thật không may, trong cuộc đàn áp bất đồng chính kiến xung quanh vấn đề xâm lược Crimea năm 2014, trang mạng của đài phát thanh ấy đã bị đánh sập, tạm thời ngừng hoạt động. Đây là điều cho thấy điện Kremlin tiến thêm buớc mới nhằm chấm dứt tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến.

Sau tám năm làm Tổng thống, Putin đối mặt với quy định của hiến pháp, giới hạn hai nhiệm kỳ, vì thế năm 2008 ông hoán đổi vị trí chức vụ cho vị Thủ tướng dưới quyền, ông Dmitry Medvedev. Lúc đầu, sự hoán đổi chỉ là chiêu bài giúp Putin vẫn giữ được quyền lực ở cương vị cấp cao khác. Ông Dimtry Medvedev làm nhiều người bất ngờ khi đưa ra một số quan điểm cấp tiến. Ông cởi mở hơn với những người bất đồng chính kiến, hoà hợp, hoà giải với nước ngoài và đa dạng hóa nền kinh tế Nga, từ dầu mỏ, khí đốt cũng như các mặt hàng tiêu dùng.
Khi nhậm chức Ngoại trưởng, tôi vẫn hoài nghi về mối quan hệ lãnh đạo song hành của Nga, nhưng hy vọng có thể tìm ra địa thế mà hai bên có thể hợp tác mang lại hiệu quả. Khi ở cương vị Thượng nghị sĩ tôi thường chỉ trích chính sách của Putin, nhưng tôi hiểu, nếu coi Nga là mối đe dọa điều đó hoàn toàn phản tác dụng, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội và lợi ích.
Câu hỏi được đặt ra, liệu các quốc gia có thể vừa hợp tác vừa xung đột là vấn đề tranh luận cố hữu trong vòng xoáy chính sách đối ngoại. Hoa Kỳ có nên ngừng đàm phán kiểm soát vũ khí hay thương mại khi phản đối sự xâm lăng của Nga ở Georgia? Hay tiếp tục tiến hành chính sách hai mặt? Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao thường tạo ra ấn tượng xấu, nhưng đôi khi cũng thật cần thiết. 
Năm 2009, Tổng thống Obama và tôi cho rằng Hoa Kỳ có thể đạt được những lợi ích cốt lõi với Nga thông qua các tiếp cận với ba yếu tố chính: Tìm các lĩnh vực đặc biệt có thể hợp tác đem lại lợi ích chung; Giữ thái độ cứng rắn bảo vệ lợi ích nếu bị xâm phạm; Tiếp xúc thường xuyên tìm hiểu quan điểm của nhân dân Nga. Cách tiếp cận này được gọi là “tái thiết lập”. 
Người đề ra và chịu trách nhiệm thực hiện cách tiếp cận này là Bill Burns Bộ Ngoại giao, giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga đã ba năm, ông hiểu rõ điểm mạnh và yếu của các lãnh đạo cũng như cấu trúc quyền lực của điện Kremlin. Medvedev một nhà lãnh đạo trẻ, lên nắm quyền không có trải nghiệm thực tế khốc liệt về Chiến tranh Lạnh. Ngược lại, Putin đã từng phải gồng mình làm việc trong KGB những năm 1970s và 1980s quan trọng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo tôi, mặc dù thay đổi vị trí trong nội các, Putin vẫn nắm giữ quyền lực chủ chốt, vì vậy nỗ lực mở rộng hợp tác vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi lại tin, khi có cơ hội về lợi ích chung, sự hợp tác có thể xảy ra.
Tháng 3-2009, lần đầu tiên tôi gặp Ngọai trưởng Nga, Sergey Lavrov. Richard Holbrooke quen ông ấy khi hai người làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc cuối thập niên 1990s, Richard nói với tôi, ông Lavrov là một nhà ngoại giao tài năng, tận tâm tận lực phục vụ cấp trên ở Moscow với sự thông minh, năng lực và cũng đầy tự mãn. (Richard nhận xét rất chính xác). Lavrov có nước da rám nắng, thông thạo Anh ngữ, ưa rượu whisky và thích thơ Puskin. Mối quan hệ giữa ông với người tiền nhiệm của tôi, Ngoại trưởng Condoleezza Rice, rất căng thẳng sau khi Nga xâm lược Georgia. Sự căng thẳng giữa Mỹ và Nga chưa giảm, nhưng nếu muốn tạo được sự tiến triển trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, trừng phạt Iran, vận chuyển khí tài ở phía bắc Afghanistan chúng ta cần phải hợp tác với Nga. Vấn đề này giống như tìm cách phá tảng băng.
Trong chính trị khiếu hài hước rất cần thiết. Có nhiều chuyện tuy vô lý, nhưng làm bạn phải bật cười. Khi là Thượng nghị sĩ của New York, nhiều lần tôi đã tham gia (3 lần thì phải) trò chơi lựa chọn quần áo lót trong chương trình David Letterman Show. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, tôi lại xuất hiện chương trình truyền hình trực tiếp Saturday Night cùng với Amy Poehler, người đóng giả “Hillary Clinton” giống như thật, với những tiếng cười phá lên khó quên. Trong ngoại giao, các cuộc đối thoại phải được chuẩn bị thật chu đáo, tránh sai sót trong ngôn từ, phải hiểu sự khác biệt văn hóa giữa các nước, vì thế không có chỗ cho sự hài hước. Nhưng đôi khi vô tình xảy ra sai sót thì sự hài hước lại rất có ích mà tôi từng gặp trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh ở Munich tháng Hai, phó Tổng thống Biden nói: “Đây chính là thời điểm tái thiết lập các lĩnh vực mà chúng ta nên hợp tác với nước Nga.” Tôi thích ý tưởng “tái thiết lập” – tuy không thể bỏ qua bất đồng, nhưng đưa chúng vào chương trình nghị sự quan trọng bên cạnh lợi ích chung. Trong khi trao đổi với các thành viên trong nhóm chuẩn bị hội đàm với Lavrov tại Geneva, Thụy Sĩ, tôi yêu cầu thực hiện ý tưởng này. Tại sao chúng tôi không đặt vấn đề “tái thiết lập” thẳng thắn với Lavrov? Điều này có thể gây tiếng cười, kể cả Lavrov, nhưng lại biểu hiện sự cam kết khởi đầu một giai đoạn mới, giảm thiểu bất đồng. Vẻ bên ngoài tuy bất thường, nhưng cũng nên thử.
Lavrov và tôi gặp nhau trong chương trình Panorama Salon tại Khách sạn Châu Lục (Intercontinental Hotel), một chương trình rất được ưa chuộng ở Geneva. Trước khi ngồi xuống, tôi tặng ông hộp màu xanh lá mạ có buộc dải ruy-băng. Khi các máy quay phim hoạt động, tôi mở hộp, lấy ra một nút màu đỏ nằm giữa nền màu vàng, có ghi hàng chữ Nga перегрузка (quá tải - ND). Chúng tôi đều cười và ấn vào nút đỏ, tôi hỏi ông: “Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được chữ này, ông xem đúng không?” Vị Ngoại trưởng ngắm kỹ hộp quà. Trong phòng anh chàng người Mỹ biết tiếng Nga, người “dịch” chữ này, đang nín thở lo lắng. Ngoại trưởng Nga nói: “Viết sai rồi.” Phải chăng đây sự cố mang tầm cỡ quốc tế? Tôi chỉ còn biết cười trừ. Lavrov giải thích, “Chữ ấy phải viết Perenagruzka (перезагрузка – tái thiết lập- ND), còn chữ Peregruzka (перегрузка) có nghĩa quá tải.” Mọi người thở phào, tôi nói: “Đúng vậy, chúng tôi không yêu cầu bên ông phải quá sức, tôi hứa đấy.”
Đúng là khả năng của người Mỹ về tiếng Nga còn quá tệ. Nhưng chỉ nghĩ đến mục tiêu phá vỡ lớp băng, chắc chắn chẳng ai quên được “tái thiết lập”, còn sai sót trong dịch thuật tất nhiên được sửa lại. Lavrov bảo, ông sẽ nhận chiếc nút bấm này đem về đặt trên bàn làm việc. Ngay đêm ấy, anh chàng Phiippe Reins, người đã dịch sai làm mọi người cười vỡ bụng tìm cách chữa cháy. Anh đến ngay toà Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ, nơi quản lý chiếc hộp có nút xin được sửa lại. Nhưng viên Đại sứ thận trọng trả lời: “Xin lỗi, tôi phải hỏi ý kiến ngài Bộ trưởng đã.” Philippe nài nỉ: “Chúa ơi! Nếu ngài không cho phép tôi sửa lỗi, bà Ngoại trưởng sẽ tống tôi đến vùng Siberia công tác mất.” Phải thừa nhận, anh chàng Philippe này bẻm mép thật.
Lần đầu tiên Tổng thống Obama gặp Tổng thống Medvedev trong hội nghị ở London tháng 4-2009, đoàn đại biểu Hoa Kỳ và Nga ngồi đối diện trong bữa tiệc chiêu đãi ở Winfiel House, trong sứ quán Hoa Kỳ và tôi là người phụ nữ duy nhất trong buổi tiệc. Đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Obama kể từ khi nhậm chức, dự Hội nghị G20 và Hội nghị thượng đỉnh khối NATO, đồng thời viếng thăm các đồng minh chủ chốt, tôi rất vui được tháp tùng ông. Từ đó nhiều lần tôi tháp tùng ông cho đến chuyến thăm lần cuối Burma lịch sử vào năm 2012, giúp chúng tôi cơ hội thảo luận, xây dựng chiến lược trong khi tránh xa sự ồn ào và bận rộn thường ngày ở Washington. Trước khi họp ở Prague trong cùng chuyến công du tháng Tư, ông kéo tôi sang bên, nói nhỏ: “Hillary, tôi có chuyện muốn nói riêng với chị”. Ông khoác tay qua người tôi đi về phía cửa sổ. Tôi cảm thấy có chuyện gì rất nhạy cảm về vấn đề chính sách mà Tổng thống muốn trao đổi. Nhưng không, ông ghé sát tai tôi: “Có cái gì kẹt vào kẽ răng của chị đấy.” Xấu hổ quá, nhưng tôi rất vui, vì cử chỉ này chỉ có trong một tình bạn tốt mới chăm sóc từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy.
  Trong lần đầu tiên gặp gỡ, cả hai vị Tổng thống đều đề cập ý tưởng về hiệp ước mới cắt giảm vũ khí hạt nhân, tìm tiếng nói chung về Afghanistan, về khủng bố, thương mại, thậm chí cả vấn đề Iran, bất chấp bất đồng quan điểm về phòng thủ tên lửa và khủng hoảng Georgia. Ông Medvedev cho rằng cuộc xâm chiếm của Nga tại Afghanistan trong những năm 1980s rất “đáng tiếc”, vì thế ông cho phép Hoa Kỳ vận chuyển thiết bị sát thương qua lãnh thổ của Nga đến Afghanistan. Điều này rất quan trọng, là đòn bẩy và không bị phụ thuộc vào Pakistan về vận chuyển các thiết bị cho quân đội và Afghanistan. Tôi thật bất ngờ khi Medvedev cũng thừa nhận, đã đánh giá quá thấp khả năng phát triển hạt nhân của Iran. Ông nói: “Rõ ràng các bạn đã đúng.” Nga có mối quan hệ khá phức tạp với Tehran, không những bán vũ khí mà còn trợ giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng Nga không muốn vũ khí hạt nhân phổ biến rộng rãi ở gần khu vực bất ổn ở phía nam. Nhận xét của Tổng thống Medvedev đã mở cánh cửa cho sự hợp tác mạnh mẽ về vấn đề Iran, cuối cùng dẫn đến cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Liên Hiệp Quốc, áp đặt sự trừng phạt cứng rắn mới lên Iran. Tuy nhiên, ông phản đối kế hoạch của chúng tôi về hệ thống tên lửa quốc phòng ở châu Âu, tuy đã giải thích nhiều lần, hệ thống này để bảo vệ, chống các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran, chứ không phải nhằm vào Nga.
Tổng thống Obama nhấn mạnh và hứa đẩy nhanh thỏa thuận hiệp ước vũ khí hạt nhân, hợp tác sâu rộng hơn về Afghanistan, chống khủng bố và ủng hộ Nga nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là cuộc thảo luận sâu rộng, thẳng thắn về mọi vấn đề nhạy cảm nhờ sự cởi mở của Tổng thống Medvedev. Vấn đề tái thiết lập đã đi đúng hướng và đang phát triển. 
Phái đoàn đàm phán do Thứ trưởng Ellen Tauscher và trợ lý Ngoại trưởng Rose Gottemoeller phụ trách làm việc một năm với người đồng cấp Nga giải quyết từng chi tiết của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân Chiến lược (START) mới, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa và máy bay ném bom của cả Nga lẫn Mỹ. Sau khi Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev ký hiệp ước vào tháng 4-2010, tôi cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp cũ ở Thượng viện phê chuẩn, đồng thời kết hợp chặt chẽ với Trợ lý Ngoại trưởng về Vấn đề Lập pháp, Rich Verma, một phụ tá lâu năm của Lãnh đạo phe Đa số của Thượng viện, Harry Reid. Tôi kêu gọi các nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng Hoà, những người hoài nghi Nga, lo ngại Hoa Kỳ khó giám sát, nếu khi Nga không tuân thủ Hoa Kỳ có quyền rút khỏi hiệp ước. Tôi nhắc lại câu nói mang tính triết lý của Tổng thống Reagan “phải có niềm tin nhưng không quên việc thẩm định” khi ông ký thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân với Liên Xô. Tôi nhấn mạnh, thời điểm chương trình START cũ nay đã lỗi thời, hết hạn. Gần một năm qua chúng ta không có đoàn thanh tra nào trên đất Nga để kiểm tra kho vũ khí tên lửa. Đây là sai sót rất nguy hiểm, không thể để nó tiếp diễn được.
Nhiều tuần trước khi Quốc hội bỏ phiếu, tôi trao đổi với 18 Thương nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa. Với cương vị Ngoại trưởng, tôi làm việc với Quốc Hội về nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề ngân sách của Bộ Ngoại giao, nhưng lần này là lần đầu tiên thay mặt Nhà Trắng cố thuyết phục Quốc Hội kể từ khi tôi rời Thượng viện. Mối quan hệ với các đồng nghiệp cũ trong tám năm ở Thượng viện rất hữu ích, hiểu về luật pháp và tham khảo thêm ý kiến với bạn bè. Được sự ủng hộ của Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Quan hệ đối ngoại John Kerry bang Massachusetts và Ủy viên Richard Lugar khi Phó Tổng thống Biden điều trần tại Ủy ban.
Tuy nhận được ủng hộ gần hai phần ba trong Thượng vìện, nhưng khi bỏ phiếu thì không đủ số. Triển vọng mờ dần sau kỳ bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tháng 11-2010, khi Đảng Cộng Hoà nắm quyền kiểm soát Hạ viện, với số ghế vượt trội 63 ghế, tại Thuợng viện, Đảng Dân chủ cũng bị thu hẹp khoảng cách, chỉ hơn 6 ghế. Mặc dù bị thất bại trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng Thượng nghị sĩ Lugar vẫn giục tôi đến Capitol Hill trình bày. Tuy ít hy vọng, nhưng tôi vẫn điện đàm và trực tiếp đến Capitol Hill điều trần lần cuối trước khi nghỉ Lễ Giáng Sinh. Đêm ấy, Thượng viện bỏ phiếu kết thúc cuộc tranh luận, ngày hôm sau hiệp ước đã được thông qua với 71 phiếu thuận với 26 phiếu chống. Đây là sự thắng lợi của cả hai đảng trong mối quan hệ Hoa Kỳ và Nga giúp thế giới an toàn hơn.
Qua việc này, Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, tạo cơ nhiều hội hợp tác giữa hai nước trong tương lai. Khi gặp Tổng thống Medvedev ở Moscow tháng 10 – 2009, ông đưa ra kế hoạch xây dựng mô hình hành lang công nghệ cao tại Nga giống mô hình Silicon Valley. Tôi gợi ý mời ông tới California, ông quay sang trao đổi với nhóm tháp tùng. Trong chuyến công du Hoa Kỳ năm 2010, ông đã viếng thăm Silicon Valley và rất ấn tượng những gì ông quan sát. Điều này có thể là sự khởi đầu tầm nhìn của Medvedev về một nền kinh tế đa dạng nếu Putin cho phép.
Sự tái thiết lập dẫn đến một số thành công bước đầu, bao gồm lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay lên Iran và Bắc Triều, mở tuyến đường tiếp vận vòng cung phiá bắc Afghanistan, giúp Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giành được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc thiết lập vùng cấm bay ở Libya và mở rộng hợp tác chống khủng bố quốc tế. Tuy nhiên cuối năm 2011 tình hình đã thay đổi. Tháng 9, Tổng thống Medvedev tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử và Putin trở lại nắm quyền lực vào năm 2012. Sự thay đổi được khẳng định đúng như những gì tôi đã suy đoán, Medvedev ngồi chiếc ghế Putin chưa kịp ấm chỗ
Tháng 12, trong cuộc bầu cử Quốc hội Nga có sự gian lận và vi phạm trắng trợn: các đảng chính trị đối lập không được ra ứng cử, gian lận phiếu bầu, ép buộc cử tri. Các nhà quan sát bầu cử bị sách nhiễu, các trang web của họ bị tấn công, đánh sập. Tại cuộc hội nghị quốc tế ở Lithuania, tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về tình trạng này: “Nhân dân Nga cũng như nhân dân trên toàn thế giới, họ xứng đáng có quyền bày tỏ tiếng nói của mình qua lá phiếu. Cuộc bầu cử phải công bằng, tự do, minh bạch, bầu ra những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân chúng”. Hàng chục ngàn người Nga đã xuống đường biểu tình phản đối. Khi tiếng hô: “Putin là tên trộm” vang lên không gian, lập tức Putin đả kích trực tiếp vào tôi, tuyên bố: “Bà ta đã đạo diễn, giật dây những con rối đất nước tôi”. Tôi thực sự cũng mong sao có khả năng làm đạo diễn như vậy. Khi gặp Tổng thống Putin, tôi phê phán ông về lời nhận xét: “Tôi thấy nhân dân Nga ở Moscow nói, Hillary Clinton kêu gọi họ biểu tình. Đây là lời phát biểu thiếu thiện ý, phải không ngài Tổng thống?” Phải, nếu tôi kêu gọi, động viên thậm chí một vài người Nga dám đòi hỏi nền dân chủ thực sự thì tốt biết mấy.
Tháng 5-2012, Putin chính thức trở lại cương vị Tổng thống, ngay sau đó từ chối lời mời của Tổng thống Obama đến dự hội nghị thượng đỉnh G8 ở Trại David. Đợt gió lạnh bắt đầu thổi từ hướng đông sang. Tháng 6, tôi gửi bản lưu ý đến Tổng thống Obama nêu rõ quan điểm cá nhân. Chúng ta không còn làm việc với Medvedev, cần có đường lối cứng rắn ứng phó với Nga. Putin “không tin tưởng Hoa Kỳ, luôn nghi ngờ các hành động của chúng ta” và có ý định xây dựng vùng ảnh hưởng ở Đông Âu và Trung Á, thông qua dự án “hội nhập khu vực”, nhưng thật ra đó là sự phục hưng một đế chế trong quá khứ. Khi Tổng thống Obama gặp Putin bên lề hội nghị G 20 trong cương vị nguyên thủ quốc gia tại Los Cabos, Mexico, tôi gợi ý: “Không nên mềm mỏng” vì Putin “không bao giờ nhượng bộ”.
Nga lập tức tỏ ra thiếu tinh thần hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là cuộc xung đột ở Syria, chống lưng cho chính quyền Tổng thống Assad, ngăn chặn mọi nỗ lực đưa ra một giải pháp mạnh của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời Điện Kremlin thẳng tay đàn áp người bất đồng chính kiến, các tổ chức NGO và những người đồng tính, song tính, chuyển đổi giới tính (LGBT- Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender) trong nước và đe dọa các nước láng giềng.
Đối với những người mong đợi công cuộc tái thiết lập mở ra một kỷ nguyên thiện chí trong quan hệ Nga và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ rất thất vọng, chấp nhận thực tế phũ phàng, cay đắng. Những người ít kỳ vọng quan hệ Mỹ - Nga cho rằng nhân đây nên xóa bỏ liên kết, tạm dừng các mối quan hệ kể cả chương trình tái thiết lập. Gần đây, sau cuộc xâm chiếm Crimea năm 2014, một số người trong Quốc hội cho rằng công cuộc tái thiết lập đã khuyến khích Putin hành động. Tôi nghĩ họ đã hiểu sai về Putin và tái thiết lập. Sau khi đưa quân vào Georgia năm 2008, Putin đã không phải gánh hậu quả xấu từ Hoa Kỳ và quốc tế. Putin xâm lược Georgia và Crimea có lý do riêng theo từng thời điểm và sự kiện thực địa chính trị. Học thuyết chiến tranh phủ đầu của Tổng thống Bush lẫn chính sách tập trung hợp tác vì quyền lợi cốt lõi của Tổng thống Obama cũng chưa đủ mạnh ngăn chặn hành vi gây hấn này. Công cuộc tái thiết lập không phải đã khuyến khích, là phần thưởng, nó chính là tái khẳng định lợi ích chiến lược quan trọng và an ninh của Mỹ, chúng ta cần đạt được nếu có điều kiện. Điều này vẫn giữ nguyên giá trị của nó đến hôm nay.

Để hiểu được sự phức tạp mối quan hệ với Nga trong thời kỳ tái thiết lập và mục tiêu của chúng ta, hãy xem xét hoạt động ở Trung Á và công tác hậu cần cung cấp cho quân đội ở Afghanistan.
Sau cuộc khủng bố 11-9-2001, dẫn đến Hoa Kỳ xâm lược Afghanistan, chính quyền Bush thuê hai căn cứ quân sự xa xôi hẻo lánh thuộc vị trí chiến lược của hai quốc gia Trung Á, Uzbekistan và Kyrgyzstan để chuẩn bị đưa quân, thiết bị và các nhu yếu phẩm vào Afghanistan. Với sự giúp đỡ phi thường của cộng đồng quốc tế vào thời điểm đó và Nga cũng không phản đối, dù vẫn coi các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ nằm trong vùng ảnh hưởng. Nhưng lập tức Kremlin đã hối thúc chính phủ Uzbek và Kyrgyz sớm chấm dứt thỏa thuận với Mỹ. Đối với Putin, các quốc gia Trung Á là sân sau của Nga, cảnh giác sự ảnh hưởng nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Năm 2009, Tổng thống Obama tăng quân vào Afghanistan, sau đó chuyển sang kế hoạch rút quân từ năm 2011. Như vậy quân đội Hoa Kỳ lại một lần nữa cần vận chuyển số lượng lớn binh sĩ và các trang thiết bị vào hoặc ra khỏi đất nước núi non hiểm trở. Đường vận chuyển chủ yếu đến Afghanistan qua hành lang Pakistan, nhưng thường bị du kích Taliban tấn công và nhiều quan chức Pakistan không tán thành. Lầu Năm Góc muốn mở con đường thứ hai, dài hơn và chi phí tốn kém hơn, nhưng đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn. Địa điểm tìm kiếm là vùng Trung Á. Hàng hóa có thể bốc dỡ tại các hải cảng vùng biển Baltic, vận chuyển qua đường tầu hỏa qua Nga, Kazakhstan, Uzbekistan cuối cùng đến biên giới phía bắc Afghanistan. Binh sĩ có thể không vận từ căn cứ không quân Kyrgyzstan. Kế hoạch này với tên gọi “Hệ thống Điều phối phía bắc” đem lại số tiền hậu hĩnh cho các quan chức tham nhũng của chính quyền địa phương, nhưng lại đóng góp lớn lao cho cuộc chiến. Đây chính là cách thỏa hiệp kinh điển trong chính sách đối ngoại. Nhưng trước khi chính sách này hoạt động, chúng ta phải được Nga đồng ý, cho phép vận chuyển quân trang quân dụng, khí tài qua lãnh thổ của họ.
Trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev, ông đã nhấn mạnh, nằm trong một phần của chương trình tái thiết lập, Hệ thống Điều phối phía Bắc sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Đáp lại, Tổng thống Medvedev nói, Nga sẵn sàng hợp tác (hưởng lợi từ thu phí vận chuyển). Tháng 7-2009, khi Tổng thống Obama viếng thăm Moscow, thỏa thuận được ký kết chính thức cho phép vận chuyển các thiết bị quân sự huỷ diệt qua Nga tới Afghanistan.
Thỏa thuận của Tổng thống Medvedev về quá cảnh vũ khí sẽ được thảo luận trong hội nghị khác. Đối với Kremlin, vùng Trung Á vẫn là vùng đất ảnh hưiởng được bảo vệ và đầy đố kỵ. Vì vậy, khi Nga cho phép Hoa Kỳ vận chuyển hàng hoá đi qua lãnh thổ lại là bình phong che đậy một kế hoạch khác. Với Nga, ảnh hưởng quân sự ở Trung Á vẫn rất quan trọng, vì thế họ lợi dụng sự hiện diện chúng ta là cái cớ tăng cường kiểm soát các chính phủ trong khu vực, hạn chế mối quan hệ với Washington. Nó chẳng khác gì trò chơi “Great Game” hiện đại, cuộc đấu trí ngoại giao phức tạp của thế kỷ 19 giữa Nga và Anh quốc tranh giành vị thế thống trị ở Trung Á – ngoại trừ Mỹ không có nhiều lợi ích trong khu vực và không tìm kiếm sự thống trị.
Đầu tháng 12-2010, tôi đến Kyrgyzstan, Kazakhstan và Uzbekistan họp với các nhà lãnh đạo quốc gia. Tại quảng trường thành phố, tôi gặp sinh viên và các ký giả ở Bishkek, trả lời các câu hỏi về mối quan hệ với Moscow. Một thanh niên hỏi: “Vị thế của Kyrgyzstan trong công cuộc tái thiết lập với nước Nga như thế nào?” Tôi giải thích, đất nước các bạn còn nhiều bất đồng đường lối của chúng tôi – tôi chợt nhớ đến Georgia và vấn đề nhân quyền -, mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành một kế hoạch tích cực, xóa bỏ mọi hiềm nghi từ trước tới nay.  
 Một trong số ký giả đưa ra câu hỏi: “Liệu chương trình này có xảy ra sự đối đầu giữa Nga và Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt là ở Kyrgyzstan không?” Tôi trả lời, cả hai bên đều cố gắng tránh kịch bản như vậy, mục tiêu tái thiết lập là để giảm căng thẳng giữa Washington và Moscow, đồng thời giúp Kyrgyzstan mà đôi khi cảm thấy bị kẹt giữa hai nước đỡ lo lắng. Tôi nói thêm, nền dân chủ Kyrgyzstan còn non trẻ lại nằm trong một khu vực chuyên chính, độc quyền. Nền dân chủ ở Nga đang bị đẩy lùi, nền dân chủ ấy chưa hề tồn tại ở Trung Quốc và nhiều nước lớn trong khu vực. Vì lẽ đó, vấn này không dễ dàng gì. Tôi lý giải: “Theo tôi, điều quan trọng đất nước bạn nên mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, nhưng không nên phụ thuộc vào ai. Hãy cố gắng cân bằng các mối quan hệ trong khu vực, tìm kiếm sự giúp đỡ của họ nếu có thể được.”
Chuẩn bị tái nhiệm chức tổng thống, vào mùa thu 2011 ông Putin đăng bài bình luận công bố kế hoạch giành lại ảnh hưởng ở các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, đồng thời tạo ra “một liên minh đa quốc gia với khả năng trở thành một cực trong thế giới hiện đại”. Theo ông Putin, Liên minh Á – Âu này “sẽ thay đổi cấu trúc địa chính trị và địa kinh tế trên toàn lục địa”. Một số người cho rằng đó chỉ là ngôn từ trong chiến dịch bầu cử, nhưng tôi nghĩ, họ đã tiết lộ kế hoạch thật sự của ông Putin, nỗ lực nhằm “khôi phục lại ánh hào quang của Liên bang Xô-viết” khi ông mở rộng liên minh thuế quan là thể hiện bước đi đầu tiên.
Tham vọng của Putin không dừng lại trong giới hạn ở Trung Á. Ở châu Âu, ông tìm mọi cách hạn chế mối quan hệ giữa các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ với phương Tây như cắt nguồn cung cấp khí đốt cho UKraina, cấm nhập rượu vang Moldova, tẩy chay các sản phẩm sữa của Lithuania. Không những thế, ông Putin còn để mắt tới khu vực Bắc Cực, nơi băng đã bắt đầu tan chảy, tạo ra con đường thương mại mới và cơ hội thăm dò khai thác dầu và khí đốt. Năm 2007, chiếc tầu ngầm nguyên tử Nga đã cắm lá cờ trên vùng đất sát Bắc Cực. Đáng lo ngại hơn, các căn cứ quân sự thời Liên Xô cũ trên vùng Bắc Cực tái hoạt động.
Tổng thống Obama và tôi đã thảo luận rất nhiều về các giải pháp chống lại mối đe dọa của Putin, đồng thời tìm cách tiếp cận và theo dõi những hoạt động của họ. Tôi quyết định thăm các nước mà họ cảm thấy bị đe dọa. Tại Georgia, nơi tôi đã viếng thăm hai lần, kêu gọi Nga “chấm dứt sự chiếm đóng”, rút quân đội ra khỏi vùng lãnh thổ mà họ chiếm giữ năm 2008.

Đối với nhiều người Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc Nga sát nhập Crimea đầu năm 2014 coi đây là tiếng chuông cảnh tỉnh. Một vùng đất bị lãng quên khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, giờ đây đột nhiên phài quan tâm. Đặc biệt nhất, cuộc khủng hoảng của Ukraine nhắc chúng ta về mục tiêu lâu dài của Putin. Để đối phó tham vọng của Nga, chính quyền Obama và đồng minh châu Âu đã lặng lẽ hành động trong nhiều năm để làm giảm vị thế và chống lại Putin.
Ngày 1-1-2009, Tập đoàn năng lượng và khí đốt quốc doanh lớn nhất của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ucraine và gây ảnh hưởng nguồn nhập khí đốt một số nước ở châu Âu. Chỉ trong vòng 10 ngày đầu đã có 11 người chết vì giá lạnh, trong đó có 10 người Ba-Lan khi nhiệt độ xuống tới -10 độ Fahrenheit (# - 24 độ C theo công thức C = (F - 32)/ 1,8- ND). Đây không phải là trường hợp đầu tiên, ba năm trước cũng vào mùa đông Nga cũng cắt nguồn cung cấp khí đốt.
Tại Ucriane, cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga rất đông, tuy gần nhau nhưng quan hệ giữa hai nước từng xung đột hàng thế kỷ. Sau cuộc bầu cử 2004 đầy tranh cãi ở Ucraine, Cách mạng Cam đã lập chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với Liên minh châu Âu và làm Putin tức giận. Năm 2006, Putin cắt nguồn cung cấp khí đốt là thông điệp thiếu khôn ngoan đến các nhà lãnh đạo độc lập tại Kiev. Năm 2009, Putin lại tăng giá khí đốt, cảnh báo với mọi người về thực lực của Nga. Động thái này là luồng gió băng giá thổi qua khắp châu Âu vì hầu hết các quốc gia trong lục địa phụ thuộc nguồn khí đốt của Nga. Nếu Ucriane bị cắt nguồn cung cấp hôm nay thì ngày mai cũng có thể là nước khác. Sau mười chín ngày, Ucriane chấp nhận tăng giá và khí đốt được cung cấp trở lại cũng là lúc Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức.
Trong bản điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào tháng Giêng, tôi nêu tầm quan trọng việc tăng cường sức mạnh của khối NATO, Liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhấn mạnh về an ninh năng lượng, “một ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao”. Theo tôi, vấn đề ở Đông Âu chỉ là “một ví dụ mới nhất trong lỗ hổng năng lượng có thể gây hạn chế và giảm hiệu quả, đồng thời trói tay chúng ta trong các lựa chọn đối ngoại”.
Một tuần sau khi nhậm chức, lần đầu tiên tôi điện đàm với Ngoại trường Ba Lan, Radoslaw Sikorski, về một loạt thách thức. Ông Sikorski nói với tôi: “Chúng tôi muốn nguồn cung cấp dầu khí mới.” Ông ủng hộ đường ống đi qua vùng Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ khu vực giàu khí đốt ở biển Caspian cung cấp cho châu Âu. Hệ thống này nổi tiếng với cái tên “Hành lang phiá Nam”, một trong những sáng kiến ngoại giao năng lượng quan trọng nhất của chúng ta. Tôi bổ nhiệm Đại sứ Richard Morningstar làm đặc phái viên đàm phán thỏa thuận này để tiến hành dự án. Nhưng vấn đề gặp trở ngại, vì Azerbaijan, quốc gia sở hữu nguồn khí đốt và chủ chốt vùng biển Caspian, đang vướng vào cuộc xung đột kéo dài với nước láng giềng Armenia. Biết ông Richard Morningstar có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, nên tôi cử ông làm đại sứ ở đó. Tôi hai lần thăm Azerbaijan nhằm tìm kiếm hòa bình, thúc đẩy cải cách dân chủ, xây dựng đường ống dẫn khí đốt, kể cả việc gặp gỡ, thảo luận với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tại hội nghị thường niên về dầu khí Caspian ở Baku năm 2012. Khi tôi rời Bộ Ngoại giao, thỏa thuận đã ký kết, dự kiến đầu năm 2015 khởi công xây dựng hệ thống ống dẫn dầu và hoàn thành vào năm 2019.
Tháng 3-2009, gặp các nhà lãnh đạo khối Liên minh châu Âu tôi kêu gọi quan tâm hơn nữa về năng lượng, coi đó là một ưu tiên hàng đầu. Tôi làm việc với Cathy Ashton của Liên minh châu Âu, thành lập Hội đồng Năng lượng Hoa Kỳ - EU. Các chuyên gia năng lượng Hoa Kỳ giúp EU tìm kiếm các năng lượng mới thay thế cho khí đốt của Nga. Tháng 7-2010, tôi và Ngoại trưởng Ba Lan, Sikorski, tuyên bố thỏa thuận hợp tác Ba Lan - Hoa Kỳ tìm kiếm khí đá phiến với công nghệ tiên tiến an toàn và thân thiện với môi trường. Cuộc thăm dò khí đá phiến đang tiến hành nhiều nơi.
Phát triển, mở rộng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, Mỹ giảm nhập khẩu cũng góp phần làm giảm ảnh hưởng của Nga, số khí đốt đó xuất sang châu Âu. Người tiêu dùng sử dụng khí đốt với giá rẻ tạo thế cạnh tranh và phá vỡ thế độc quyền của Tổng công ty dầu khí Gazprom của Nga (tiếng Nga Газпром; tên đầy đủ: Открытое Aкционерное Oбщество Газпром -ND).
Nhưng nỗ lực này không được quan tâm tại Hoa Kỳ và cũng thể loại bỏ Putin. Đến năm 2013, Ukraine đàm phán quan hệ thương mại với EU, Putin hiểu ảnh hưởng của Nga đang giảm dần. Lập tức Nga dọa tăng giá khí đốt và đòi nợ hơn 3 tỷ Mỹ kim, trong khi tài chính của Ucraine ở trong tình trạng khủng hoảng nếu thỏa thuận được ký kết. Tháng Mười Một, Tổng thống Ukraine Yanukovych đột ngột rút bỏ đàm phán, lập tức Ukriane nhận được gói cứu trợ 15 tỷ Mỹ kim từ Kremlin.
Nhiều người Ucraine nổi giận, nhất là dân cư thủ đô Kiev và cộng đồng không nói tiếng Nga. Họ mong muốn sống trong một nền dân chủ phồn vinh, thịnh vượng của châu Âu, nhưng giờ đây lại phải đối mặt với triển vọng một lần nữa dưới sự chỉ đạo của Moscow. Các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra và tăng lên chóng mặt khi chính phủ cho phép nã súng vào người biểu tình. Dưới áp lực, Tổng thống Yanukovych đồng ý cải cách hiến pháp, tổ chức bầu cử sớm. Một thỏa thuận được ký kết qua trung gian của các nhà ngoại giao đến từ Ba Lan, Pháp, Đức (Nga tham gia đàm phán, nhưng từ chối ký thỏa thuận) với các nhà lãnh đạo chính phủ và phe đối lập. Tuy vậy, người biểu tình phản đối bản thỏa thuận, yêu câu Tổng thống Yanukovych từ chức. Thật kỳ lạ, ông đột ngột rời cung điện, bỏ Kiev trốn về miền đông, chạy sang Nga. Quốc hội Ukraine phản ứng bằng cách yêu cầu lãnh đạo phe đối lập thành lập chính phủ mới.
Sự kiện này làm Moscow bối rối. Dưới chiêu bài bảo vệ công dân Nga và cộng đồng người Ukraine gốc Nga, Putin đổ lỗi cho tình trạng hỗn loạn, xảy ra bạo lực do phe đối lập, ông điều quân chiếm bán đảo Crimea ở Hắc Hải, - nơi đã từng thuộc Nga đến giữa thập niên 1950s, nơi có nhiều người gốc Nga và các căn cứ hải quân quan trọng-. Bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu, điện Kremlin đã bày trò trưng cầu dân ý sát nhập Crimea vào Nga, mặc dù phần lớn cộng đồng người không nói tiếng Nga tẩy chay. Đến cuối tháng 3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án cuộc trưng cầu dân ý này với số phiếu áp đảo.
Trong khi tôi đang viết bản thảo này, Ucraine trong tình trạng hỗn loạn. Thế giới đang theo dõi sát sao, đặc biệt là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, cũng như những nước nhỏ lo sợ nền độc lập của mình. Tất cả nỗ lực hoạt động của chúng ta từ năm 2009 bao gồm phát triển khối NATO, hàn gắn quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã đưa chúng ta vào một vị thế mạnh mẽ có đủ khả năng đáp ứng các thách thức, mặc dù Putin còn có nhiều quân bài chưa lật, nhưng chúng ta không được lùi bước, phải tiếp tục hành động.

Trong nhiều năm qua, tôi đã cố gắng tìm hiểu ông Putin.
Tháng 3 – 2010 trong chuyến thăm tại căn nhà vườn (дача, nơi người Nga thường về nghỉ cuối tuần - ND) ở ngoại ô Moscow của Putin, chúng tôi đã có cuộc tranh luận sôi nổi về thương mại và WTO. Giải thích thế nào ông cũng không chịu lắng nghe tôi. Bực quá, tôi đành dùng chiêu khác. Biết ông quan tâm đến việc bảo tồn các động vật hoang dã giống như tôi. Coi như bất ngờ, tôi nói: “Thủ tướng Putin, xin ngài nói cho tôi biết làm cách nào ngài có thể bảo vệ được những con hổ trắng ở vùng Seberia khỏi tuyệt chủng?” Ông ngạc nhiên, ngước mắt nhìn, bây giờ mới thấy ông đã chú ý lắng nghe lời tôi.
Putin đứng dậy mời tôi đi theo ông. Tất cả các trợ lý ở lại, ông đưa tôi đi dọc hành lang dài đến văn phòng của ông. Một số nhân viên an ninh lực lưỡng đang ngồi trên ghế thấy chúng tôi họ đứng dậy, chăm chú nhìn với ánh mắt ngạc nhiên. Đằng sau cánh cửa bọc thép, có bàn làm việc, sát bức tường treo tấm bản đồ nước Nga cỡ lớn. Ông trình bày về số phận những con hổ ở phương đông, gấu bắc cực ờ phiá bắc và những động vật khác có nguy cơ tuyệt chủng bằng Anh ngữ. Thật thú vị khi chứng kiến thái độ khác hẳn và mối quan tâm của Putin, thậm chí ông còn hỏi nếu chồng tôi có thời gian rảnh đi với ông để đánh dấu mã số gấu bắc cực ở vùng Franz Josef Land được không. Tôi nói, sẽ chuyển lởi mời, nếu Bill không đi được, tôi sẽ kiểm tra lại lịch trình làm việc có thể đi thay. Nghe thế, Putin nhướn lông mày nhìn tôi. (Nhưng sau đó cả hai chúng tôi đều không đi).
Một lần trò chuyện với Putin bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) do Putin chủ trì tại Vladivostok vào tháng 9-2012. Tổng thống Obama quá bận trong chiến dịch tranh cử nên tôi đi dự thay. Putin và Lavrov rất bất bình vì sự vắng mặt của Tổng thống Obama và những phê phán gay gắt của tôi về sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Bashar al-Assad ở Syria. Họ không đồng ý bố trí tôi gặp Putin cho mãi đến khi trước 15 phút dạ tiệc bắt đầu. Nhưng theo nghi thức, người đại diện cho Hoa Kỳ, cũng là nước tổ chức Hội nghị APEC lần trước, sẽ ngồi cạnh nguyên thủ nước chủ nhà, có nghĩa là tôi được xếp ngồi cạnh Putin.
Chúng tôi thảo luận về những thách thức, từ vấn đề biên giới với Trung Quốc ở phía đông, đến chuyện bất ổn về cộng đồng Hồi giáo trong và ngoài nước Nga. Tôi nói với ông, gần đây có đến thành phố St. Petersburg (Leningrat cũ - ND) và viếng thăm đài tưởng niệm hơn 600 ngàn nạn nhân trong cuộc tàn sát của Đức Quốc Xã, từ năm 1941 đến 1944. Tôi đã đánh trúng tâm lý các nhà lãnh đạo Nga về lịch sử. Sau đó, Putin kể chuyện về bố mẹ ông mà chưa bao giờ tôi được nghe hay báo chí nhắc đến. Trong chiến tranh, bố ông từ mặt trận được nghỉ phép ít ngày về thăm nhà. Khi đến gần khu chung cư, ông ấy nhìn đống xác chết chồng chất lên nhau trên xe tải chuẩn bị đưa đi chôn. Ông đến gần, thấy đôi chân một phụ nữ đi giày giống vợ mình. Ông nhào tới, yêu cầu được xem thi thể người phụ nữ đó. Sau một hồi cãi lộn, những người chở xác đồng ý cho ông xem. Ông ôm lấy xác vợ phát hiện bà ấy chưa chết. Vội vàng ông bế bà về căn hộ, gọi y tá đến cứu giúp. Tám năm sau, năm 1952, đứa con trai đầu lòng của hai người ra đời, đó là chính là Vladimir Putin.
Khi tôi kể chuyện này với Đại sứ Hoa Kỳ, Mike McFaul, - chuyên gia nổi tiếng về Nga, ông ấy cũng chưa từng nghe câu chuyện này bao giờ. Tôi không có điều kiện xác minh tính chân thực, nhưng câu chuyện đã giúp tôi hiểu một phần về ông. Câu chuyện thật kỳ lạ, một người đàn ông ra đời trong hoàn cảnh oái oăm và trở thành nhà lãnh đạo quốc gia. Vì thế ông ta luôn luôn muốn thử và đẩy bạn đến điểm giới hạn xem cách ứng xử ra sao. 
Tháng Giêng năm 2013, chuẩn bị rời nhiệm sở Bộ Ngoại giao tôi gửi bản ghi nhớ về Nga cho Tổng thống Obama những điểm cần lưu ý trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Putin. Đã 4 năm kể từ khi chương trình tái thiết lập quan hệ với Nga, tôi tin lợi ích dài hạn của chúng ta đã đạt được đáng kể, bao gồm kiểm soát vũ khí hạt nhân, lệnh trừng phạt Iran, về Afghanistan và những lợi ích quan trọng khác. Tuy nhiên, cần có cái nhìn thực tế với ý đồ của Putin để đưa ra chính sách phù hợp. Tôi khuyến cáo Tổng thống Obama, quan hệ với Moscow có thể gặp nhiều trắc trở trước khi trở nên tốt đẹp. Ông Medvedev có thể quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với phương Tây, nhưng Putin đã sai lầm khi cho rằng chính Mỹ cần Nga hơn là Nga cần phương Tây và coi Hoa Kỳ là đối thủ của Nga. Ngoài ra, Putin cũng rất lo ngại về sự chống đối của phe đối lập trong nước, cùng với sự sụp đổ của các chế độ chuyên chế ở Trung Đông. Tất cả những vấn đề này gây khó khăn trong việc bang giao giữa hai bên.
Với tất cả tâm tư ấy, tôi đề nghị phải có phương pháp mới. Việc tái thiết lập cho phép chúng ta lựa chọn những việc dễ tiếp cận trong quan hệ đa phương, không gây bất đồng về Iran hay Afgahnistan. Nhưng giờ đây cần phải ấn nút “tạm dừng” trong những nỗ lực tìm kiếm các lĩnh vực mới. Không nên quá háo hức hợp tác Mỹ - Nga. Cũng không nên quá đề cao ông Putin. Hãy từ chối lời mời của Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Moscow vào tháng 9 năm 2014. Không khoan nhượng với thái độ bất hợp tác của Nga nhưng không làm ảnh đến chính sách và các lợi ích của Mỹ ở châu Âu, Trung Á, Syria cũng như các điểm nóng khác. Sử dụng sức mạnh và sự quyết tâm mới để buộc Putin phải hiểu. Đây là thông điệp cho biết, những hành động thiếu kìm chế sẽ dẫn đến hậu quả xấu, đồng thời trấn an các đồng minh và Hoa Kỳ luôn luôn sát cánh bên các đồng minh của mình.
Một số người trong Nhà Trắng không hài lòng với các phân tích khắc nghiệt của tôi. Tổng thống nhận lời mời của Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh vào mùa thu. Nhưng tình hình xấu dần trong mùa hè vì vòng xoáy bạo lực tăng, đặc biệt chuyện Edward Snowden, kẻ đã tiết lộ các bí mật về Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ xin tỵ nạn và được Putin chấp nhận. Tổng thống Obama đã huỷ bỏ đến dự hội nghị thượng đỉnh Moscow, thể hiện sự cứng rắn với Putin. Đến năm 2014, cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra, mối quan hệ hai nước trở nên suy giảm trầm trọng.
Ngoài vấn đề Crimea và quốc tế xảy ra theo đường lối cứng rắn của Putin, chính nước Nga đã bị mất nhiều nhân tài và tỷ phú đang tìm cách bỏ nước ra đi. Nước Nga trời phú có nguồn tài nguyên phong phú và nguồn lao động có tay nghề cao. Tôi từng trao đổi với Putin, Medvedev, Lavrov trong nhiều năm qua, Nga nên trở thành một biểu thức của hoà bình, thịnh vượng trong khối châu Âu tương lai, không nên là đối thủ. Thông qua giao dịch mở rộng thương mại với Nga chúng ta có thể đàm phán ở những góc độ khác nhau. Thay vì đe dọa Ukraine và các nước láng giềng khác, Nga nên tham gia hợp tác hơn nữa về khoa học với Hoa Kỳ, EU, đồng thời mở rộng phát triển, đổi mới các công nghệ tiên tiến, xây dựng một trung tâm phát triển công nghệ cao hàng đầu trên thế giới, như Medvedev đã từng mong muốn. Vì lợi ích chiến lược lâu dài của nước Nga, Putin không nên theo đuổi khôi phục Đế chế Xô Viết, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Putin có thể hợp tác với Hoa Kỳ và EU để giải quyết phần tử Hồi giáo cực đoan ở biên giới phía nam và Trung Quốc ở phía đông. Ông nên coi Ukraine là chiếc cầu nối giữa Nga và châu Âu, điều đó sẽ đem lại sự phồn vinh và an ninh cho tất cả chúng ta. Tiếc thay, nước Nga dưới bàn tay Putin vẫn giữ nguyên mối quan hệ đóng băng trong quá khứ, không dám loại bỏ mà trong tương lai họ chẳng thể nào cố giữ mãi được.