Phần IV

     ãnh lương gia sư, Khôi rủ Thắng xuống chợ. Bánh nướng, bánh dẻo... và cả những loại bánh không có tên trong mùa Trung Thu cũng xuất hiện trong tủ kính một cách quyền hành và khiêu khích mời chào.
- Mua một hộp tặng tiểu thư không Khôi?
Khôi nhìn giá tiền, từ loại thấp nhất chỉ bọc ni-lông bên ngoài đến loại được đặt bên cạnh những cái hộp mà khi bánh được xếp vào hộp thì giá trị của món quà sẽ tăng lên gấp đôi. Những cái tủ kính san sát nhau và giống hệt nhau.
Thắng hích vai Khôi và lặp lại câu hỏi. Lần này thật nhiều hơn đùa. Khôi lắc đầu:
- Không.
- Tao thấy đây là dịp dễ tặng quà nhất. Lỡ tiểu thư lắc đầu thì mình nói tặng thằng Đức, thật tiện.
- Chính vì vậy nên càng không thể lãng phí!
- Gọi tên nó là tình phí thì đúng hơn.
- Tao không đủ tiền cho cả hai, đành chọn một thôi. Nào, nhắm mắt lại đi thẳng một mạch qua hàng lân.
Thắng chớp mắt một cái như với cái chớp mắt này cả hai không cần bước cũng đã xa hàng bánh quyến rũ. Khôi phì cười. Trước mặt là những cái lồng đèn muôn màu và muôn kiểu. Khôi phải cúi người để không đụng đầu vào những chùm đèn treo ngang tầm mắt. Cúi người, nhưng mắt thì nhướng lên để ngắm cái lồng đèn kéo quân treo trên cùng, cái lồng đèn duy nhất màu trắng, nổi bật giữa bao màu sắc lộng lẫy, giản dị mà sang cả và kiêu hãnh như một vị tướng.
- Mày có thể tìm một từ để miêu tả những cái lồng đèn con thỏ không Khôi?
- Hãy ngắm cái lồng đèn kéo quân kìa. Tưởng tượng khi nó đã được thắp nến...
- Tao muốn nói giống như mày vừa nói ở hàng bánh. Hãy nhắm mắt lại.
- Ở đây không hoàn toàn giống nhau. Cái để ăn thì mình không nên nhìn. Còn cái để ngắm thì mình hoàn toàn có quyền.
- Được rồi. Theo lô gích học thì mày có lý.
- Còn mày thì rất vô lý về mặt mỹ học.
- Sao?
- Trước một cái lồng đèn vua mà mày lại chú ý tới bầy thỏ như một gã thợ săn.
- Khoan vội kết luận, vẫn theo lô gích học, tao lặp lại câu hỏi mày có thể tìm một từ để miêu tả những cái lồng đèn con thỏ không?
- Tao chưa hiểu ý câu hỏi.
- Ví dụ như lồng đèn cá chép bụng to là để dễ thắp nến, còn cái đuôi không liên quan tới việc thắp sáng nên nó vẫn là một cái đuôi rất... cá chép. Đừng có cười. Ý tao muốn nói là cái đuôi vẫn là cái đuôi cá đáng được khen là đẹp. Tao đã nói mày đừng có cười mà.
- Tao hiểu rồi. Theo lô gích học của mày thì tính phi lý của cái bụng lồng đèn con cá là chấp nhận được. Phải không?
- Gần như vậy.
- Còn thắc mắc về bầy thỏ?
- Tao không nêu lên. Tao chỉ yêu cầu mày một từ để miêu tả.
- Nghĩa là cái từ đó chính là điểm vô lý?
- Đúng.
Khôi xoa cằm, ngắm nghía bầy thỏ thật kỹ. Rồi Khôi nói nhỏ:
- Ngắm cái lồng đèn kéo quân thì được, còn ngắm bầy thỏ thì chắc cô chủ tưởng tao với mày có vấn đề. Thôi, đi.
Khôi bước nhanh. Thắng sải chân theo:
- Hãy chấp nhận là mày đã thua đi.
- Vấn đề là chân lý chứ không phải thua hay thắng - Khôi cười - Mày có công nhận là tuổi thơ tụi mình dù mơ lồng đèn kéo quân nhưng chỉ cần có một con thỏ trong đêm Trung Thu là đủ sướng mê rồi không?
- Ừ.
- Và suốt những tuổi còn xách đèn chạy rông khắp xóm, những con thỏ vẫn vậy, không thay đổi, đúng không?
- Đúng.
- Vậy thì hà cớ gì nhà ngươi thắc mắc về một điều mà lịch sử đã phổ biến từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách đại trà và được nhân dân chấp nhận?
- Đừng có mồm mép. Tao muốn...
- Không công bằng khi dùng từ mồm mép ở đây - Khôi cười - Hoặc có thể hiểu rằng trong một cuộc tranh luận thì ai nhận được danh hiệu mồm mép nghĩa là kẻ đó đã thắng cuộc.
- Lý sự cùn.
- Vậy thì hãy lý sự sắc bén đi.
- Mày thua rồi.
- Hãy chứng tỏ mày thắng một cách rõ ràng hơn.
- Mày không nhận ra những con thỏ đều ngồi à?
Khôi “a” lên một tiếng:
- Ờ...
Thắng cười đắc thắng. Khôi ngước nhìn chùm lồng đèn ở hàng trước mặt:
- Cái này thì... Ý mày muốn nói cái chân không dính dáng tới việc thắp nến mà sao cũng chỉ có một kiểu dáng đơn điệu là ngồi hả?
- Ờ. Từ đơn điệu là hoàn toàn chính xác. Mày nghĩ sao nếu có thêm những con thỏ kiểu dáng đang chạy chẳng hạn?
- Tất nhiên là sẽ oai phong hơn một con thỏ đang ngồi chồm hổm. Nhưng đó chỉ là lý thuyết về hình ảnh. Còn thực tế, về mặt mỹ học, một con thỏ bị treo tòn ten trên móc mà dang bốn chân về hai phía thì... - Khôi nheo mắt làm động tác khoái khẩu.
Thắng cắt ngang:
- Bỏ qua. Ý tao muốn nói là sao không có những cái lồng đèn kiểu con thỏ ôm củ cà rốt! - Nhìn mặt Khôi “ờ há”, Thắng thừa thắng - Mày có định nói là về mặt mỹ học thì thỏ và cà rốt gợi tới một nồi cà ri hơn là để ngắm không?
- Không... Tao không quyết thắng một cách cố chấp vậy - Khôi cười - Kẻ luôn ủng hộ cổ tích này đồng ý với mày là thỏ ôm cà rốt là một dáng vừa đẹp vừa thơ. Vậy thì tạo sao những nhà làm lồng đèn không chọn kiểu này? Cái gì cũng có lý do của nó. Theo tao là vì họ thiếu những quân sư như mày...
- Đừng có mà...
- Mày chưa nghe tao nói hết. Họ thiếu những quân sư như mày và tao nữa. Bây giờ thì đồng ý rồi hả?
Cả hai cười ha ha. Qua gian hàng bày lân, cả hai đi thật chậm để quan sát thật kỹ. Đây mới là mục đích của cuộc đi chợ - chọn một con lân không chỉ đẹp nhất mà còn phải là đặc biệt nhất nữa! Một con lân không giống bất cứ con lân nào, không trùng lặp. Một con lân trạng nguyên.
Nhanh chóng nhận ra khách kỹ tính, cô chủ hàng đon đả chỉ tay vào những cái đầu lân oai vệ nhất.
Thắng nói:
- Cũng giống lồng đèn con thỏ, Khôi à. Khác nhau một chút ở kích cỡ và màu sắc mà thôi.
Cô chủ hàng kêu lên:
- Lân ở đây là nhất rồi đó mấy chú.
Không thấy khách hàng nói năng gì, cô chủ tiếp tục:
- Những đội múa dự thi đều mua lân ở đây.
Khôi nhìn cô chủ:
- Thật vậy sao?
- Thật mà! - Cô chủ với tay lấy quyển sổ và lật những tờ giấy quăn góc ra chìa vào mặt Khôi làm bằng - Chú coi nè, đội của phường Tân Thành lấy cái màu đỏ loại lớn, họ mở hàng mùa lân năm nay nên tôi bớt năm phần trăm. Còn Thành Đoàn lấy con lân màu xanh. Phường Tân Tiến lân màu tía. Nhà Văn Hóa Thanh Thiếu Nhi lân màu vàng... Tôi chọn lân theo đơn đặt hàng chớ không phải hàng chợ đồng loạt đâu.
Khôi im lặng lia mắt tìm kiếm. Không nhiều gian hàng bày bán lân như bánh và lồng đèn, chỉ vài bước là đã thấy mình quay lại chỗ cũ. Đúng như cô chủ này đã nói, lân của hàng này lớn nhất và có vẻ lộng lẫy hơn.
Cô chủ cười khi thấy Khôi và Thắng quay lại:
- Tôi biết mà. Mấy chú kỹ tính vậy thế nào cũng quay lại đây thôi.
Cô lần lượt cầm lên giới thiệu lân màu da cam rồi tới lân màu hồng đào và tiếp đến là lân màu xanh lá cây, Khôi lần lượt chui đầu vào và rụt ra lại, không mấy hào hứng.
Thắng nói:
- Nếu muốn có một con lân như ý thì phải đặt riêng.
- Đặt ở đâu?
- Hàng mã.
Mặt cô chủ sa sầm.
Khôi hít một hơi dài:
- Mày biết nơi làm hàng mã không?
- Hỏi thì cũng ra! - Thắng hạ câu cuối cùng - Nhưng giá cả ở hàng mã thì kinh khủng lắm.
- Vậy à?
Khôi hỏi lại với vẻ hờ hững như giá cả không là gì cả khiến Thắng nhìn thằng bạn thân lom lom:
- Mày sao vậy? Bộ trong túi có tờ vé số nào biết trước là độc đắc hả?
- Vé số là chuyện may rủi. Tao đâu thể để thêm một điều rủi ro nữa xảy ra. Cái chân con Cúc, căn nhà nắp chai là quá đủ rồi... Ô la la...
Giọng đều đều của Khôi chợt reo lên và Khôi cầm một cái đầu lân màu hồng giơ cao.
Thắng nhắc nhở:
- Nó chỉ to hơn những cái kia mà thôi.
- Mày luôn có lý về mặt lô gích học.
- Không đùa! - Thắng ho khan - Mày không có nhiều tiền để có thể dám nhầm lẫn đâu.
Cô chủ lườm Thắng một cái sắc như dao.
- Đúng vậy! - Khôi chui đầu mình vào cái đầu lân, nhìn Thắng qua cái miệng to tướng đang há ra - Còn cách chọn lựa nào khác trong khi mày vừa nói giá cả ở hàng mã kinh khủng lắm?
Thắng xuôi xị:
- Ờ, cũng được.
- Nhưng tao cần phải hỏi lại cô chủ là có chắc chắn các đội đều mua lân ở đây không?
Cô chủ nhìn Khôi quả quyết:
- Tôi gạt hai chú làm gì. Bán con lân ngày rằm nói láo mang tội.
Thắng thắc mắc:
- Nhưng các đội mua ở đây hay mua ở đâu thì can hệ gì?
- Thì mình có quyền hy vọng... - Khôi bỏ lửng.
Thắng sốt ruột:
- Hy vọng cái gì?
- Hy vọng lân của mình độc đáo hơn.
- Giống nhau y hệt. Trừ phi mắt mày có vấn đề.
- Xin cám ơn nhận xét của mày về những con thỏ ngồi. Và cám ơn Thiên Thanh... - Khôi khép miệng con lân lại rồi mở ngoác ra, miệng Khôi cũng ngoác ra trong nụ cười đắc thắng.
Thắng lắc đầu:
- Dính dáng gì tới Thiên Thanh ở đây? Nếu là Thiên Thanh thì thà là mua một hộp bánh.
- Hộp bánh là chuyện tầm thường... Ơ-rê-ka!... Nào, tao sẽ biến con thỏ ôm củ cà rốt của mày thành hiện thực bằng cách mua thêm vật liệu gắn thêm vào cái đầu lân này để nó... - Khôi chui ra khỏi đầu lân và đưa cho Thắng.
Thắng chui vào lân và nở nụ cười của kẻ vừa hiểu ra:
- Để nó trở thành độc nhất vô nhị!
Cô bán hàng ngạc nhiên nhìn hai gã trai rõ ràng không hề vừa ý với bất cứ con lân nào được giới thiệu nhưng lúc này lại cười khoái chí đến ngả nghiêng.

 

Trước Trung Thu một tuần, buổi trưa, ba thằng nhóc kéo nhau vào ký túc xá mang theo câu hỏi của bà tổ trưởng: “Đầu lân tới đâu rồi?”. Khôi trả lời: “Gần xong rồi”. Những đôi mắt háo hức nghiêng ngó tìm kiếm nhưng ngoài bốn cái giường tầng và một mớ thau chậu lỉnh kỉnh, không thấy bất cứ cái gì có thể hình dung tới một cái đầu lân, ngay cả những mẩu vụn của những vật liệu trang trí cũng không thấy! Ba thằng nhóc nhận câu trả lời ngắn ngủn của Khôi với ba dấu hỏi trong mắt.
Ba ngày sau, ba thằng nhóc xuất hiện trước cửa phòng của Khôi vào buổi chiều, khoảng thời gian mà những kẻ thông minh suy luận rằng người ta không vướng học hành buổi chiều nên chắc là sẵn sàng cho chuyện trò thân ái, và tất nhiên, nếu lân đang ở nơi nào đó thì cũng có thời gian thong thả để dắt nhau tới ngắm cho thỏa mong ngóng. Nhưng câu trả lời cho một câu hỏi lặp lại cũng là: “Gần xong rồi”. Không đứa nào dám hoài nghi tính chân thực của anh Khôi, nhưng điều khiến ba thằng nhóc hụt hẫng chính là thái độ thờ ơ trước nỗi lòng của ba đứa đại diện cho xóm hẻm. Sau câu trả lời cụt lủn, Khôi cuộn quyển sách lớp chín trên tay, mắt nhìn đâu đó: “Mấy đứa về nghe, anh phải đi dạy kèm ngay bây giờ”. Lý do thật quá chính đáng! Nhưng lẽ nào anh Khôi lại là như vậy?
- Anh Khôi! - Thằng Xây đi như chạy sau lưng Khôi. Thằng Vinh và thằng Đức giữ một khoảng cách để lỡ mà thằng Xây bị bỏ rơi thì chỉ một mình nó bị quê thôi, không phải là cả ba!
- Gì vậy em? - Khôi hỏi mà không đứng lại, cũng không quay mặt lại.
Thằng Xây vượt lên trước một bước rồi quay đối diện Khôi:
- Bác tổ trưởng nói... bác cần phải biết cái đầu lân ra sao để chuẩn bị mình lân cho thích hợp.
- Có sao đâu? Mấy đứa cứ tạm sử dụng lân cũ tập múa cho thật nhuần nhuyễn. Đến đúng ngày Trung Thu anh đem lân mới về ráp vô là xong thôi mà.
- Nhưng... bác tổ trưởng nói... còn những thứ khác nữa.
- Những thứ khác là gì?
- Em cũng không biết... Nhưng bác nói... tụi em nhìn ngó lân cho thật kỹ rồi về tả lại cho bác biết để...
- Vậy hả? Ờ, anh sẽ gặp bác.
- Ý anh là chở cái đầu lân tới nhà bác hả? - Giọng thằng Xây phập phồng. Thằng Đức và thằng Vinh đi nhanh tới gần.
- Khi nào xong anh sẽ đem lân tới nhà bác ngay.
- Nhưng... khi nào xong hả anh Khôi? - Thằng Đức cất giọng khẽ khàng.
- Mấy đứa biết không. Ban ngày anh rất bận, anh chỉ tranh thủ làm được trong buổi tối nên chắc là tới đúng ngày Trung Thu mới xong.
Thằng Vinh buột miệng:
- Vậy lỡ...
Khôi bật cười rồi vội nghiêm mặt:
- Không lỡ. Anh hứa là đúng ngày Trung Thu mấy đứa sẽ có những gì anh đã hứa. Còn bây giờ mấy đứa về đi. Anh trễ rồi đây.
Ba thằng nhóc tiu nghỉu. Khôi nhìn theo ba đứa cho tới khi chỉ còn là ba cái chấm nhỏ hòa trong vô số những dấu chấm trước cổng trường đại học rồi đi về phòng của Thắng. Cái đầu lân đang nằm trên giường của Thắng, không thể có nhận xét nào khác hơn là hoàn hảo tuyệt vời. Thắng cười:
- Tụi nó về rồi hả?
- Ờ.
- Mày có thấy là mày tàn nhẫn không?
- Tất cả sẽ được đền bù bằng kết quả của đêm Trung Thu - Khôi vừa nói vừa xoa cái cằm như nhọn thêm ra sau nửa tháng trời ăn cơm canh suông.
Thắng cười. Lần đầu tiên câu khẳng định của Khôi thuyết phục được Thắng gật đầu mà không hề tranh cãi. Thắng chỉ nói thêm:
- Mày có nghĩ trong danh sách những nhà khá giả mà bà tổ trưởng vận động mời đội lân tới múa có tiệm vàng Hoàng Gia không?
Cũng có thể. Có khi tên tiệm vàng Hoàng Gia đứng đầu danh sách nữa là khác - Khôi trả lời bằng giọng thản nhiên.
- Nhưng... chắc gì thân mẫu của tiểu thư đồng ý?
Thắng đã thốt thành lời ý nghĩ của Khôi bấy lâu. Chỉ có điều Thắng không biết đó là lý do chính khiến Khôi nhất định bí mật tới phút cuối cùng, kể cả với ba thằng nhóc thân thiết.
- Hãy đặt câu hỏi ngược lại - Khôi vẫn giọng thản nhiên - Đội lân có đồng ý không nếu tiệm vàng Hoàng Gia mời?
- Ái chà chà...

 

Sáng ngày rằm Trung Thu, cũng là ngày Chủ nhật, Thắng làm bác tài, Khôi ngồi sau ôm cái đầu lân. Nghĩa là chỉ Khôi và Thắng biết đó là cái đầu lân chứ với người qua đường thì đó là một khối to đùng phủ khăn kín mít như sính lễ ngày xưa.
Những cái sạp cất tiếng “chào mấy thầy giáo”, mắt nhìn theo cái trên tay Khôi ôm khư khư. “Chú Khôi ôm cái gì mà che kín mít vậy?”. Câu trả lời rành rẽ: “Mấy chú tổ chức chơi Trung Thu với mấy đứa nhỏ xóm mình đó mà”, “Tối nay cúng kính sớm để đội lân vô nhà múa thì hạ bàn thờ chia cho tụi nhỏ cho vui nghen mấy bà”. “Nhưng trung thu thì có gì mà che kín mít vậy?”... Những đứa con gái phụ má bán hàng ăn sáng vụt chạy vượt qua mặt Thắng và Khôi để báo tin cho những đứa đang ở trong nhà.
Cái đầu lân đặt xuống bàn nhà bà tổ trưởng vừa lúc bọn nhóc cả xóm đã kéo tới ngoài cửa! Khôi vẫn giữ nguyên cái khăn trùm lân và định ra lệnh cho bọn nhỏ giải tán nhưng bà tổ trưởng đã kéo cái khăn ra:
- Cho tụi nó nhìn đỡ thèm.
Khôi miễn cưỡng bỏ tay ra sau khi nói thật to: “Mấy đứa có muốn khoe lân xóm mình thì chỉ được nói lân đẹp lắm thôi, không được khoe gì nữa nghe chưa?”. Tất nhiên bọn nhóc dạ ran.
Quả là độc nhất vô nhị!
Thằng Xây, thằng Vinh, thằng Đức, con Cúc, và tất cả lũ nhóc trong xóm đều ngẩn ngơ.
Cái đầu lân đã được nâng cấp một cách không tưởng tượng được. Ngoài những cục bông nhuộm màu và nhúng kim tuyến lóng lánh, ngoài những trái cầu bắt sáng phản chiếu óng ánh, ngoài những đường viền tương phản màu để làm nổi bật, điều đáng nói nhất, ấn tượng nhất, chứng minh một cách hùng hồn nhất sự đặc biệt mà không cần nói lời nào chính là khi Khôi ấn nút cái công tắc nhỏ xíu tiện gọn như công tắc đèn pin gắn bên trong hàm lân, những cái bóng điện hình ngôi sao gắn liền nhau quanh lân thành một vòng tròn vụt tỏa sáng lấp lánh.
Thằng Xây ngất ngây, nó gượng nhẹ chui đầu vào lân một cách thành kính. Rồi nó chui ra, cũng gượng nhẹ thành kính như vậy. Lần lượt những đứa khác cũng chui đầu như thằng Xây, khuôn mặt của từng đứa hiện ra nơi miệng lân mở rộng như một nụ cười hạnh phúc... Hơn tất cả những con lân tụi nó từng nhìn thấy! Chưa có con lân nào tỏa hào quang như thế này! Khát khao bao lâu nay ủ trong lòng thằng Xây và lũ con trai trong xóm giờ như một trái bong bóng được bơm khí căng phồng và bay tung, đứa vỗ tay, đứa giậm chân, đứa tặc lưỡi... và lũ nhóc chạy ùa ra ngoài trong tiếng reo hồ hởi cho một đêm trung thu ao ước từ lâu.
- Cháu biết không - Bà tổ trưởng nhìn Khôi tấm tắc - Mấy hôm nay các em về nói lại bác là cháu chưa làm xong, mà tụi nó cũng chẳng thấy lân đâu cả. Bác cứ lo có chuyện trục trặc mà cháu không nói ra.
Khôi cười:
- Cháu sợ tụi nó làm lộ bí mật.
- Ờ, bây giờ thì bác hiểu rồi. Mấy đứa nhỏ là hay khoe lắm. Lỡ ai đó bắt chước gắn đèn như vậy thì mình mất thế mạnh duy nhất - Bà nheo mắt tinh quái rồi trở lại nghiêm trang - Đội lân của mình nhiệt tình có thừa nhưng thật sự là không được đồng đều lắm. Cháu biết mấy bữa nay bác lo gì không? Xóm nói bác là nuông chiều bọn nhỏ, bác cũng sợ là mình không đúng khi ủng hộ chuyện múa lân này. Nhưng nếu mình không hướng tụi nó vào một hoạt động nào đó thì tụi nó sẽ chạy chơi rông, làm sao mà cấm được, với con nít là không thể khuyên bảo suông. Vậy nên nghe cháu đồng ý, bác mừng lắm.
- Dạ... đâu có gì đâu bác... Tại cháu cũng...
- Bác còn lo một điều khác nữa. Những nhà buôn bán thích lân đẹp mà vì bác nên không thể từ chối dù nghe nói lân của thằng Xây là họ đã... Bác phải thuyết phục là các em tập tành hoạt động xã hội mong được họ ủng hộ. Nhưng bác hiểu họ nhận lời chỉ vì nể nang bác mà thôi. Bác cảm thấy mình không đúng lắm. Nhưng giờ thì bác hoàn toàn yên tâm rồi. Với con lân này thì... - Ánh tinh quái lại lóe lên trong mắt bà - Bác nghĩ là tiệm vàng Hoàng Gia cũng hài lòng.
Khôi giữ cho giọng mình bình thường:
-... Tiệm vàng Hoàng Gia cũng ủng hộ lân xóm mình hả bác?
- Chưa. Bác chỉ mới thuyết phục những người không khó tính lắm. Bác chưa nói chuyện với bà Hoàng.
- Vậy thì bác đừng nói nữa! - Khôi buột miệng. Tim bỗng đập thình thịch, những nhịp đập không phải vì Thiên Thanh, chính xác hơn là không hoàn toàn vì Thiên Thanh!
- Tại sao?
- Hãy để chính con lân chinh phục bà Hoàng - Khôi bật ra.
Bà tổ trưởng mỉm cười:
- Cháu làm bác nhớ tới đứa học trò cũ quá. Nó tính tình giống hệt cháu, có điều nghịch ngợm lắm, nghịch đến nỗi có lần cô phải bảo lãnh cho chứ không thì... Nó đang đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, hiến chương năm nào cũng gởi thiệp cho bác. Thôi, được rồi. Hãy để chính con lân chinh phục bà Hoàng. Bác đi chợ mua vải viền và dây tua rua.
- Dây tua rua để làm gì hả bác?
- Nâng cấp cái mình lân cho xứng với cái đầu - Bà cười hóm hỉnh - Và nếu cháu chắc chắn sẽ có nhiều tiền thì bác sẽ mua vải nhờ thợ may gấp cho mỗi đứa trong đội một cái quần màu viền tua rua như mình lân. Áo thì sao cũng được vì đã bị che khuất, nhưng chân lân thò ra thì ai cũng nhìn thấy. Với cái đầu lân như thế này mà chân lân lỏng chỏng thì uổng phí lắm. Cháu có dám chắc tối nay lân của xóm mình... - Bà cười thành tiếng - Khó nói trước quá phải không. Được rồi, coi như là bác cháu mình hùn vốn, cháu là cái đầu, bác là cái mình.
Khôi đỏ mặt. Quả thật là Khôi chỉ chăm chăm cái đầu lân độc đáo mà không hề nghĩ tới mình lân và chân lân.

 

Có những đội lân bắt đầu từ chiều để có thể múa được nhiều nơi, nhưng lân của xóm nhận lệnh chỉ được phép bắt đầu khi trời đã tối. Bọn nhóc bồn chồn tiếc rẻ khi thấy những đội lân trống thùng thùng ngang qua mà mình vẫn đứng yên. Con Cúc lầm bầm: “Biết là trời tối thì hào quang mới nổi, nhưng trời chưa tối thì mình múa như lân không tỏa hào quang cũng vẫn đẹp mà”! Thằng Xây cũng sốt ruột không kém nhưng nghe con Cúc nói vậy thì ra vẻ: “Chậm nhưng mà chắc không hơn sao?”.
Bảy giờ. Trên trời cao, trăng tròn rạng rỡ. Những khuôn mặt hồ hởi dưới này cũng rạng rỡ như trăng. Bà tổ trưởng dặn dò thằng Vinh những địa chỉ mà lân phải đến. Bắt đầu là “tiệm bán đồ điện Tân Khoa”, rồi tới “quán cơm bình dân Mỹ Ngọc” sát bên cạnh... và... và... Thằng Vinh gật đầu lia lịa trong tiếng trống thúc giục. Bà tổ trưởng bắt thằng Vinh phải lập lại một lần nữa kẻo quá vui mà quên mất một hai địa chỉ. Và bà nghiêm khắc dặn dò nếu nhà nào treo giải cao quá thì không được liều lĩnh. Đội lân của dân chuyên nghiệp thì tha hồ leo trèo tầng này chồng lên tầng kia nhưng đội lân này phải giữ cho khớp chân khớp tay không một đau nhức nào để ngay ngày mai đi học bình thường. Thằng Vinh: “Dạ, cháu hiểu rồi mà”. Câu cuối cùng của bà là: “Múa những nơi đó xong thì mới được tự do nhận múa ở những nơi khác, nghe chưa?”. Thằng Vinh toét miệng cười, nghe như là lân của nó được tranh giành chào mời vậy! Sướng tai gì đâu!
Khôi hạ lệnh xuất hành. Lũ trẻ hò reo. Thằng Xây cùng ba đứa con trai nữa xúng xính trong cái quần bằng sa tanh viền tua rua màu vàng bắt đầu đội lân nhảy múa theo điệu trống tiến ra đường chính. Thằng Vinh làm ông Địa với cái áo dài của bà tổ trưởng và một cái gối nhét trong bụng. Nó giơ quạt quạt thật mạnh khiến lũ con gái cười ré lên. Rồi nó quay về phía Khôi và Thắng với động tác cúi chào bệ hạ.
Thắng cười:
- Chúc thắng lợi nhé!
- Tất nhiên rồi! - Ông Địa ưỡn cái bụng bự và một câu nói thật nhanh thoát ra miệng của mặt nạ - Tí nữa thằng Đức tới, anh nói nó cứ theo tiếng trống mà tìm tụi em nghe.
Lời dặn dò mới dõng dạc làm sao! Cứ theo tiếng trống mà tìm... Khôi và Thắng bật cười.
Khôi rất muốn đi theo bọn nhỏ, muốn tận mắt chứng kiến những gì mình hình dung trở thành sự thật hiển nhiên. Nhưng Khôi dằn lòng đứng lại. Để bà tổ trưởng nhận ra mình nôn nao không kém bọn nhỏ thì mất mặt đàn anh quá! Trao con lân cho thằng Xây rồi, nhiệm vụ của mình xong rồi! Bây giờ là đường đi của số phận! Nghe bi quan quá, không khí thế tí nào nhưng chẳng phải căn nhà bằng nắp chai tuyệt đẹp đã bị loại đó sao? Sự tự tin của Khôi bỗng tan như bọt xà bông và nỗi hoài nghi lo lắng trào lên. Lỡ lần này mà thất bại thì...
Sao mình lại rơi vào trạng thái không trọng lượng như thế này? Có phải vì...
Khôi và Thắng ngồi trong phòng khách nhà bà tổ trưởng coi ti vi phát chương trình thi múa lân ở thủ đô. Thắng nói những con lân được lên màn hình đều thua xa lân xóm mình! Khôi ho khan: “Chứ sao?”. Đùa mà lòng thì khó chịu quá thể! Trái tim Khôi nhoi nhói một điều mơ hồ... Hãy để chính con lân chinh phục bà Hoàng... Thật là điên! May mà chỉ mình bà tổ trưởng nghe mình nói câu điên rồ này.
Tiếng trống quen thuộc liên tục vọng lại từ một khoảng cách nhất định, nghĩa là lân đang múa ở tiệm bán đồ điện Tân Khoa. Tiếng trống dồn dập, nghĩa là lân đang trèo lên và tìm cách đớp mồi. Tiếng trống vỡ òa, và xen trong tiếng trống là tiếng đám đông “ồ” lên râm ran. Khôi nín thở. Đã dặn thằng Xây nhớ khi lấy được quà thì ấn nút bật đèn. Tiếng “ồ” thú vị chính là giây phút lân tỏa hào quang. Chắc chắn vậy.
Và tiếng trống vẫn vang lên từ hướng đó, từ khoảng cách đó. Nghĩa là lân tiến vào nhà kế tiếp, tiệm cơm Mỹ Ngọc! Tiếng trống dồn dập... Một tràng cười ầm ầm... Có chuyện sơ xuất gì rồi... Tiếng trống lại nổi lên phơi phới...
Cửa nhà bà tổ trưởng bật ra như một cơn gió thốc. Ánh trăng tràn vào. Con Cúc ào vào, cái áo trắng của nó như một mảng trăng sa. Bà tổ trưởng, Thắng và Khôi cùng giật mình. Nhiệm vụ của nó là chỉ huy đám con gái lo nước uống cho đội lân. Sao lại chạy về đây khi tiếng trống vui vẻ thế kia?
- Anh Khôi, anh Thắng... - Con Cúc bật ra nhưng rồi nhớ ra bà tổ trưởng là người lớn nhất, nó kêu lên - Bác...
- Bình tĩnh, cháu - Bà tổ trưởng nắm hai vai con Cúc - Chuyện gì?
- Má của thằng... má của bạn Đức...
Khôi bật khỏi ghế:
- Má bạn Đức làm sao?
- Má bạn Đức nói là muốn mời lân vô nhà múa.
- Má bạn Đức nói với ai?
Con Cúc thở hổn hển:
- Nói với thằng... bạn Vinh. Bạn Vinh nói em chạy về hỏi ý kiến của bác gấp tại vì má bạn Đức muốn múa luôn ngay bây giờ mà bác dặn là phải múa ở những nhà kia xong rồi mới được tự do nhận thêm chỗ khác. Mà tiệm vàng của má bạn Đức thì gần tiệm cơm Mỹ Ngọc nên nếu mình múa luôn bây giờ thì cũng không mất thời gian mấy mà cũng tiện.
Bà tổ trưởng mím môi cười. Giọng điệu là thằng Vinh muốn chìu [1] ý bà Hoàng, má của bạn thân của nó. Con Cúc vẫn thở:
- Bây giờ mình làm sao hả bác?
Bà tổ trưởng nhìn Khôi:
- Cháu nghĩ sao?
Khôi nhìn Thắng:
- Mày nghĩ sao?
Thắng nheo mắt:
- Tao nghĩ là thay vì ngồi đây coi những con lân đã qua vòng tuyển lựa mới được trình chiếu, tụi mình sẽ đi tới tiệm vàng Hoàng Gia để coi một con lân vào thẳng chung kết mà không cần một vận động hậu trường nào!
Bà tổ trưởng cất tiếng cười giòn. Thắng chồm tới tai Khôi:
- Lý do quá chính đáng để mày có quyền ngước lên tầng ba một cách đường đường chính chính hả?
Có vậy chứ! Lẽ nào... Sau một khoảng thời gian đứt đoạn, nay ra mắt thế này kể cũng không tồi! Những khuya học hành xong, một mình cặm cụi với cái đầu lân, Khôi chỉ nghĩ tới con Cúc mà thôi. Thêm một chút, là niềm vui cho lũ nhỏ. Chỉ vậy. Ai dám ngờ...
- Ông trời đã bù đắp cho nửa tháng ăn cơm với canh suông của mày quá hậu hĩ nghe Khôi! - Thắng nháy mắt.
- Ông bà ta nói ở hiền gặp lành mà thôi.
- Sao tối nay mày khiêm tốn vậy hả?
- Khi người ta vui quá thì người ta không thèm chấp.
Cả hai cười vang. Tiếng cười lay động ánh trăng.
Thằng Đức có khoe cho mọi người biết con lân này là sáng tạo của ai không? Thiên Thanh có đoán ra? Ừ, một ngày nào đó, nhắc lại hồi mới biết nhau, mình sẽ kể chính ý tưởng mắc điện cho căn nhà bằng nắp chai mà Thiên Thanh không kịp thực hiện, chính ý tưởng đó đã gợi cho mình làm con lân biết tỏa hào quang. Nhờ Thiên Thanh mà con lân này tỏa sáng! Không nịnh tí nào. Thật sự là như vậy. Ông trời đã xui khiến cho Khôi nhớ tới Thiên Thanh khi đang đứng trước những lân giống hệt nhau, ông trời đã xui khiến cho Khôi nhớ những gì Thiên Thanh nói... Và cũng chính ông trời đã xui khiến cho con lân này lọt vào mắt xanh của má Thiên Thanh, chẳng phải vậy sao?

 

Khôi vừa đi theo Thắng vừa mơ màng... Cho tới khi tấm bảng Tiệm Vàng Hoàng Gia đập mắt thì Khôi sực tỉnh.
Và tỉnh hẳn!
Tiếng trống đang vui vẻ bỗng im bặt. Đội lân im bặt, đám đông đi coi lân thì “ô” lên một chuỗi xì xầm kéo dài.
Giải thưởng cho lân, sợi dây treo giải buông xuống từ tầng ba, tưởng nó sẽ chùng xuống quá tầm tay một chút để thử thách lòng can đảm và kích thích sự hồi hộp như thường vẫn vậy. Nhưng không, ngang ban công tầng hai, cái gói màu đỏ dừng lại đong đưa đong đưa.
Thân hình thằng Xây im lìm trong cái đầu lân to tướng. Nó nghĩ mà tức bà tổ trưởng quá cẩn thận cấm không cho tụi nó được tùy ý như đúng những đội chuyên nghiệp vẫn làm, nếu bà không cấm cản thì giờ đây nó đâu phải đứng im như trời trồng. Thằng Vinh gỡ mặt nạ ông Địa, nhìn quanh. Khôi im lặng quan sát. Nếu nghĩ ra được một mưu sách nào đó thì trong bọn nhỏ chỉ có thằng Vinh có khả năng này. Nó sẽ làm gì? Thật nhanh, thằng Vinh cởi áo dài ông Địa ra choàng qua thân hình một đứa khác và nhét cái quạt vô tay nó, rồi thằng Vinh chạy tới chỗ thằng Xây. Nó chụi tọt đầu mình vô đầu lân và đẩy thằng Xây ra ngoài.
- Mày đoán ra nó định làm gì không? - Thắng hỏi Khôi.
- Nó không thể cõng thằng Xây nổi nên hai đứa đổi chỗ cho nhau.
- Thằng nhóc thông minh quá. Nhưng làm vậy cũng không thể với tới - Thắng tính toán - Từ chân thằng Xây lên tới ngang hông giỏi lắm được gần một mét, cộng thêm thằng Vinh ngồi trên lưng là...
- Có khi thằng Vinh sẽ ngồi lên cổ của thằng Xây. Mày phải tính chiều cao của thằng Xây từ chân lên cổ.
- Mày làm như mấy đứa nhỏ của mày là diễn viên xiếc không bằng.
Nhưng quả thật, thằng Vinh đang ngồi trên cổ thằng Xây! Cái gì đã khiến một đứa con trai thường ngày phải làm công việc giữ em và nấu cơm cho má đi bán mà lúc này dám leo lên vị trí kinh ngạc đó? Chịu, không thể giải thích được. Nhưng rành rành là cái đầu lân trong tay thằng Vinh đang há miệng trong động tác chào dù không mạnh mẽ bằng khi trong tay thằng Xây nhưng cũng rất ngạo nghễ.
- Có thể... chỉ là đùa vui thôi. Phút tám chín, sợi dây sẽ sà xuống đột ngột! - Khôi nuốt xuống một cục chặn ngang cổ.
Thắng lầm bầm:
- Tao cũng hy vọng vậy. Nhưng mong manh quá.
- Chắc chắn! - Khôi nói, thấy lòng mình đau đau. Lẽ nào... Bà Hoàng đã đành, nhưng còn Thiên Thanh và thằng Đức. Lẽ nào?
- Từ tối tới giờ không thấy thằng Đức - Thắng lẩm bẩm rồi nói to - Kìa, Khôi...
Khôi nhìn lên tầng ba. Bà Hoàng, rồi Thiên Thanh... và mặt chàng trai xuất hiện trên ban công. Cả ba cúi nhìn xuống, tươi cười vẫy vẫy, sợi dây lay lay trong ngón tay Thiên Thanh trắng mềm như cuống hoa huệ. Trong ánh trăng hòa cùng ánh đèn điện, có thể nhìn thấy rõ múi dây quấn quanh ngón tay Thiên Thanh chỉ còn một vòng.
Khôi chết điếng. Vì hình ảnh trước mắt bất ngờ quá. Nhưng còn vì một điều khác nữa, sâu xa hơn, cay đắng hơn. Lẽ nào... Nhưng là sự thật rồi. Căn nhà bằng nắp chai, đêm thức trắng... Niềm đồng cảm biến giấc mơ thành sự thật. Chỉ là khoảnh khắc tình cờ thôi sao? Và nó đã qua rồi sao? Giải thưởng cứ treo cao như vậy, nhưng đừng là Thiên Thanh, cầm sợi dây, bà Hoàng hay chàng trai hay bất kỳ ai... nhưng đừng là Thiên Thanh. Khôi úp lòng bàn tay vô mặt, thấy tất cả nhám xì như lúc cạo tường. Sao lại vậy? Thiên Thanh và sợi dây treo giải...
Tiếng trống thùng thùng rời rạc. Đám đông căng thẳng theo dõi sự nỗ lực tuyệt vọng của con lân. Thằng Vinh vẫn vừa múa vừa cố nhướn người lên. Đôi chân thằng Xây run run loạng choạng...
- Tao nói thẳng mày đừng buồn - Thắng nói qua kẽ răng - Thân mẫu và tiểu thư quả là... quả là... hồn nhiên... Ra lệnh cho tụi nhỏ ngừng. Đi qua nhà khác. Đừng mất thời gian ở đây nữa, Khôi!
- Không! - Khôi bật ra.
- Mày...
Bỏ lửng, Thắng rùn vai thông cảm! Khôi cười, mặt trắng bệch. Không phải như Thắng nghĩ! Đúng, không phải. Đây là chuyện của trái tim nhưng hoàn toàn không dính dáng tới Thiên Thanh! Bọn nhỏ phải được vui trọn vẹn đêm Trung Thu này, Khôi muốn vậy! Niềm tự hào của bọn nhỏ sẽ được giữ nguyên vẹn, Khôi muốn vậy! Và hơn vậy, cái độc ác kia không thể chiến thắng dễ dàng như vậy! Bây giờ thì Khôi hiểu ra tại sao thằng Đức vắng trong đêm nay. Nó đã biết trước và giấu mặt vì xấu hổ. Người đàn bà này muốn chiến thắng sự hấp dẫn của lũ nhỏ xóm hẻm đối với con trai mình bằng cách sỉ nhục niềm tự hào của chúng trước tất cả mọi người. Thật tồi tệ. Nhưng Thiên Thanh? Hồn nhiên vậy sao? Khôi vuốt mặt. Vẫn cảm giác nhám xì chua xót. Tầng ba cao quá. Khoảng cách xa quá. Xa quá đi thôi giữa sự hồn nhiên độc ác và hồn nhiên của những giấc mơ bay bổng.
Xen trong nỗi thất vọng sâu xa là những ước mơ khuấy động... Khôi co hai bàn tay trong túi quần thành hai nắm đấm quả quyết. Trạng nguyên! Con lân trạng nguyên! Những đứa nhỏ nhiệt thành của xóm hẻm này xứng đáng được là chủ nhân của một con lân đẹp nhất thành phố. Và không chỉ đẹp nhất! Phải là vậy! Lạ lùng sao là ước mơ. Ước mơ dắt dìu trái tìm tổn thương.
Khôi bóp mạnh vai con Cúc:
- Em nhớ đôi cà kheo hồi anh em mình cạo tường không?
Con Cúc ngớ ra một chút khi nghe hỏi nhưng rồi, trong cơn nguy nan, nó hiểu ý Khôi ngay lập tức mà không cần giải thích. Nó nhảy lên:
- Nhà đứa nào cũng có. Đứa nào cũng bắt chước anh làm một đôi.
- Nhưng của đứa nào cao nhất?
- Của thằng Xây cao nhất mà cũng ngon nhất.
Vừa nói, con Cúc vừa cắm đầu chạy vô hẻm.

 

Các bạn thân mến! Tới bây giờ, người ta vẫn còn kể râm ran về con lân có điệu múa ngoạn mục nhất từ trước tới nay (tôi biết được câu chuyện này cũng nhờ vậy)...
Đám đông đang căng thẳng theo dõi nỗ lực tuyệt vọng của con lân có những đôi chân nhỏ bé thì tiếng hét lảnh lót của con Cúc vang lên:
- Tránh ra nhường đường giùm đi cô bác ơi!
Mọi người quay lại. Và cảnh tượng thật đáng sửng sốt. Một chàng trai cao lênh khênh đang bước từng bước dài trên đôi cà kheo cũng lênh khênh. Đám đông giãn ra cùng tiếng “ồ” xâu thành một chuỗi dài. Thằng Xây ngạc nhiên ngoái đầu nhìn về tiếng “ồ”. Trên vai thằng Xây, thằng Vinh lắc lư suýt nhào xuống vì thằng Xây xoay người đột ngột quá. Miệng lân mỏ ngoác ra, khuôn mặt thằng Vinh đẫm mồ hôi.
- Xuống đi Vinh! - Khôi ra lệnh - Xây trèo qua ngồi trên vai anh.
Trút được gánh nặng, thằng Xây trở về đúng vị trí của mình. Nó đã bỏ công tập múa để múa chứ không phải để làm gì khác! Và bây giờ được múa thì đúng sở trường rồi! Nhất là trên vai anh Khôi, chỉ huy lý tưởng của nó! Khi người ta múa với lòng yêu thích dồn nén bao mùa trăng qua, và múa với niềm tin hồn nhiên là có người anh làm được mọi việc mà không ai có thể! Trên đôi vai còm nhom của Khôi, thằng Xây hả hê tung hứng cái đầu lân độc nhất vô nhị. Anh Khôi đã dặn là khi lấy được giải rồi thì mới ấn nút bật đèn nhưng lúc này đây thằng Xây đâu còn nhớ gì nữa. Nó quay hướng nam, động tác chào hỏi tỏa lấp lánh hào quang.
Đám đông hướng nam vỗ tay nồng nhiệt. Nó quay hướng bắc, lân tỏa lời chào lấp lánh. Đám đông hướng bắc vỗ tay tán thưởng. Nó quay về chính diện, cái chào lần này điệu nghệ đến nỗi tiếng vỗ tay náo động kéo dài. Khôi muốn nhắc thằng Xây hãy nhanh nhanh nhớ nhiệm vụ chính nhưng thằng Xây không còn nhớ gì nữa hết. Nó ngất ngây như một nghệ sĩ chân chính, chỉ còn nhớ cái đẹp, và phụng sự cái đẹp mà thôi! Và Khôi, trong cơn hưng phấn bồng bột, thay vì đi tới gần sợi dây treo giải thì Khôi đi về phía khán giả. Chợt nhớ hồi nhỏ chạy theo coi lân, được ông Địa quạt một cái là đã sướng mê rồi. Khôi đi tới gần người đàn ông đang công kênh đứa con nhỏ trên vai. Thằng Xây mở miệng lân ra, vẫy vẫy cái hàm dưới. Đứa nhỏ thun người lại, sợ hãi nhưng lại cười híp mắt.
Tiếng vỗ tay của đám đông từ vòng ngoài cùng vang lên. Không phải dành cho mình và thằng Xây. Khôi nhận ra không phải dành cho mình và thằng Xây. Nhưng tại sao?
Kìa, đám đông giãn ra thành một lối đi. Ông Địa đang tiến vào. Ông Địa trên lưng thằng Vinh, còn thằng Vinh trên đôi cà kheo.
Khoảng thềm trước tiệm vàng Hoàng Gia trở thành sân khấu của màn múa lân không tiền khoáng hậu.
Người ta kể lại rằng tối hôm đó, đội lân được các bà trong xóm chiêu đãi một bữa linh đình. Một cái chiếu cho thằng Vinh nằm dài và những tấm ni lông được trải ra giữa con đường hẹp của xóm để bày bánh kẹo trái cây. Nhà nào cũng góp phần của mình gọi là “thưởng cho mấy đứa nhỏ giỏi quá!”.
Và đến khi bà tổ trưởng trịnh trọng trao gói tiền cho má con Cúc thì ai cũng xúc động. Có ngờ đâu những đứa nhỏ nghịch ngợm thường ngày hay bị la mắng mà lại có tình có lý vậy. Vẫn vẻ trịnh trọng, bà tổ trưởng tuyên bố những gì đạt được là nhờ công của mấy anh chị tình nguyện mà đại diện tiêu biểu là anh Khôi, người vừa được bọn nhỏ tặng danh hiệu “Tuyệt vời nhất!”.
Ai nấy quay nhìn tìm kiếm, nhưng người được vinh danh đã về từ lúc nào.
Đường về ký túc xá ngập ánh trăng. Thắng chở Khôi tới tận chân cầu thang:
- Có cần tao cõng lên tầng không?
Khôi lắc đầu, tay nắm lan can rồi vội buông ra. Khôi bước một bước, thốn buốt khớp gối chân. Khôi dựa lưng vào lạn can, thở.
- Đau lắm phải không?
Khôi nhún vai:
- Về phố học hành mấy năm nay nên tao yếu đi nhiều, phản xạ cũng chậm đi. Chứ hồi ở quê, tao luôn đoạt giải nhất những cuộc thi cõng nhau chạy, mà cà kheo ở quê thì...
- Biết rồi! - Thắng cười mũi - Còn được gọi là gót hài chớ gì?
- Đúng! - Khôi điềm nhiên - Cà kheo ở quê tao xứng với tên gót hài, nhất là chỗ tay cầm, độ nhám chỉ đủ để không trơn trợt, có đâu mắc mứu lộm cộm như của thằng Xây.
- Tay cũng thương tích rồi à?
Khôi thọc tay vô túi quần, ưỡn ngực:
- Đừng dùng chữ “cũng” ở đây.
- Thôi đi tướng quân! Ở đây chỉ phe ta, không có ai khác. Để tao cõng mày lên. Yên tâm, khuya rồi, không một nàng nào nhìn thấy tướng quân yếu đuối đâu mà lo.
Thắng chỉ đùa thôi. Đùa như lệ thường. Nhưng vô tình chạm đúng nỗi niềm còn mới nguyên. Hai đứa đứng im, cách nhau vài bậc tam cấp. Vầng trăng vằng vặc trên cao. Thắng khe khẽ:
- Tao xin lỗi...
- Không sao...
- Suốt tối nay không hề thấy thằng Đức.
- Ừ! - Lặng im thật lâu, Khôi tiếp - Nó lẩn tránh lại là điều hay. Mày nghĩ sao nếu nó cũng đứng trên tầng ba nhìn xuống?
- Tao không nghĩ sao hết vì điều đó đã không xảy ra và sẽ không bao giờ...
- Có vầng trăng làm chứng lời mày vừa nói - Khôi mỉm cười nhìn lên trời - Nó dễ thương quá, phải không?

 

Các bạn nhỏ thân mến,
Cái khung bọn nhỏ tặng Khôi đã được treo lên tường. Bên trong nó là tấm ảnh lân múa trên cà kheo.
Một nhiếp ảnh gia đi săn ảnh có mặt trong đám đông đêm ấy.
Nhưng đây chỉ là một trong những phiên bản thôi. Một phiên bản khác đã được gởi dự thi “Những khoảnh khắc đẹp”.
Chúng ta cùng chờ đợi và cầu mong nhé...
Chú thích:
[1] Chiều.

HẾT

 

Xem Tiếp: ----