-- XIII --

     ường đi từ đấy bắt đầu khó đi. Thật là những cái thang bắc ngang lưng chừng trời. Một bên thì núi cao vút, một bên thì vực sâu thẳm, lại thêm đá gan gà lởm chởm. Lối đi ngoắt ngoéo lại chỉ vừa một con ngựa.
Những người đi theo đã bắt đầu kêu khổ. Trọng Khang luôn luôn hò hét mọi người phải cầm dây cương cho cẩn thận, và luôn luôn thôi thúc bọn mã phu phải đi liền ngay với ngựa thồ.
Đi được hai cây số thì trời mưa như trút nước, hơi mù bốc lên dày đặc, khiến cách xa một bước chẳng còn trông thấy ai hết.
Gió núi lại bắt đầu thổi lùa cái lạnh thấu xương vào cơ thể. Trọng Khang cứ luôn luôn đi đi lại lại để kiểm soát những ngựa thồ và nghe ngóng vân mòng. Khánh Ngọc thấy thế liền bảo:
- Thôi ông nghỉ một chút đã. Tôi chắc chẳng xảy ra việc gì đâu. Ông vất vả như thế nhỡ mai ốm thì ai trông coi cho chúng tôi.
- Nếu có sự chẳng may như thế thì đến lúc đó sẽ hay, chứ bây giờ, tôi còn khỏe mạnh, tôi hẳn cứ làm cho hết bổn phận. Cô thử tưởng tượng trong lúc sương mù dầy đặc thế này, một vài tên mã phu đánh lạc ít con ngựa thồ đi thì có phải thiệt hại biết chừng nào.
Ông Nam Long đi cạnh con gái nghe nói thế liền bảo:
- Nhỡ có lạc thì thôi. Ông cũng nên gìn giữ sức khỏe. Cái sức khỏe của ông quý cho chúng tôi hơn mấy thồ đồ.
- Tôi chịu sương gió và mệt nhọc đã quen, cụ không ngại.
Giáp trong lúc ấy, vì phải chú ý vào đường đi để cho khỏi bị ngã, nên không nghe thấy những câu chuyện người ta nói ở sau mình. Chàng cũng chẳng trông thấy gì hết, ngoài con đường mấp mô những đá và mỗi bước ngựa lại làm cho chàng xiêu vẹo đi ở trên yên. Và cái làn mưa nó làm cho chàng vuốt mặt không kịp.
May mà con ngựa của chàng là ngựa đi núi đã quen, chứ không, những tiếng sấm liên hồi như bổ tan núi làm cho nó chồm lên mà đưa chàng xuống vực.
Tiếng sấm, tiếng gió hòa với tiếng thác nước đổ ầm ầm chung quanh, gây nên một không khí rùng rợn, nó gieo cái sợ hãi vào tâm hồn mọi người.
Khánh Ngọc không muốn cho Trọng Khang rời khỏi mình, nên cứ luôn luôn bảo:
- Ông đừng đi đâu cả đấy.
Bỗng ở mé trước, tiếng gì ầm ầm như súng trái phá nổ. Tiếng kêu dữ dội phả vào gió gầm nghe lạnh cả gáy. Bọn người không ai bảo ai đều dừng cả ngựa lại, rồi cùng thốt ra:
- Cái gì thế, ông Trọng Khang?
- Có lẽ lở núi. Chết chửa, tiếng lở nghe gần quá, không biết đá có đè phải ai không?
Chàng nói xong thúc ngựa, lách mọi người tiến lên. Qua một con đường quẹo, cả một cảnh tượng thê thảm bày ra trước mắt. Nửa sườn núi lở xuống chôn sống ba con ngựa thồ và hai tên mã phu ở trong. Đá chặn mất lối đi! Những người thoát chết mặt tái mét, đang run bắn, nhìn một cách sợ hãi lên phía núi. Những người đi trước đứng ở phía bên kia hỏi nheo nhéo:
- Những ai bị núi đè đấy?
Cạnh Trọng Khang, nhiều người sợ phát khóc lên.
Chàng xuống ngựa, đưa cương cho một người cầm:
- Không sợ. Núi vát thế kia, không đổ nữa. Nếu có đổ thì đã đổ rồi. Ông chủ và mọi người có đến thì bảo chờ tôi ở đây! Ồ khóc! Khóc cái gì? Số chết thì khóc mà khỏi được à? Lúc này sợ hãi mà được nữa à? Lúc này, muốn sống thì đừng có sợ! Phải mau mau kiếm cách mà cuốc đường để đi, không thì bão đến nơi, chết cả một nút bây giờ.
Chàng cố men đá, trèo sang phía bên kia, cho người chạy đi báo cho cả bọn đứng lại. Chàng sai dỡ một thồ xẻng cuốc, rồi bảo mọi người:
- Chờ ông chủ đến rồi cũng đi. Nhưng bây giờ, phải chọn lấy mười người khỏe mạnh ở lại với tôi để bới cái đất núi này lên mà cứu lấy những người ở trong ấy.
- Còn cứu làm sao được nữa? Chết cả rồi! Có bới thì cũng phải chờ tạnh mưa.
Bọn mã phu đồng thanh nói thế và đều không nhúc nhích.
- Những ai ở lại làm thì tôi cho mỗi người một đồng. Ai khỏe mạnh mà không bằng lòng làm thì liền bị du xuống vực kia.
Cả bọn vẫn không nhúc nhích.
- Nào những anh em người Kinh đâu? Hãy mó tay vào, để cho họ bắt chước!
Trong bọn có bốn người xuống ngựa.
- Các anh em hẵng cố trèo bên kia khơi tạm một con đường để cho bọn người đi sau sang được đây.
Bọn người Kinh vác cuốc đi rồi, Trọng Khang tiến lại gần một tên mã phu cao lớn đứng ở đầu hàng:
- Có phải mày nhất định không làm phải không?
- Mưa, làm thế nào? Làm để mà chết à?
Tên ấy vừa nói liền bị Trọng Khang đấm cho một quả trúng hàm, ngã chúi vào sườn núi. Chàng đánh xong, rút súng, quát:
- Dậy vác cuốc đi làm ngay, không tao bắn. Những người bị vùi trong này là anh em của chúng mày. Dậy cầm cuốc mau!
Tên mã phu loáng choáng đứng dậy đi lại phía thồ xẻng cuốc.
- Còn sáu bảy thằng kia nữa. Làm đi, tao cho mỗi đứa hai đồng. Không làm thì một phát súng. Muốn chọn đằng nào thì hơn.
Mười người lính Tàu đi trước với một ông quan một, lúc ấy cũng đã quay lại, nghe thấy Trọng Khang phân trần, kéo đến đánh bọn mã phu túi bụi. Năm sáu người lính cũng bỏ súng kéo đến làm giúp.
Tiếng ông Nam Long gọi chàng ở bên kia. Chàng quay lại nói với ông phài-chướng.
- Ngài làm ơn cắt hai người lính để họ trông làm ở đây hộ tôi. Lúc ông chủ tôi sang thì xin ngài cứ cho áp giải thồ đi trước.
Nói xong Trọng Khang vác hai cái cuốc và hai cái xẻng bò sang bên kia:
- Trong số ba thồ bị vùi ở đây thì có một thồ đồ ăn, một thồ tiền và một thồ quần áo của cô Khánh Ngọc.
Ông với cô cứ đi trước đi, đợi tôi ở Pín-Lồi. Nếu xong sớm thì ta sẽ cứ đi, nhược bằng chậm thì ta ngủ đêm lại đấy.
- Thế chúng tôi chờ ông làm xong rồi cùng đi có được không?
- Không thể được. Trời này không khéo giông bão. Nếu ở lại, nhỡ gặp báo núi, thì chết hết.
Khánh Ngọc nhìn chăm chăm vào chàng:
- Ông đã biết thế, sao ông ở lại?
Trọng Khang cau mày:
- Lúc này không phải là lúc bàn luận và đắn đo hơn thiệt. Lúc này, cô chỉ nên nghe lời - Ông Phó, nói dại nhỡ có bão thì lập tức phải đi loan báo cho tất cả hạ đồ xuống tìm chỗ sườn núi nào khuất gió mà ẩn, chứ không thì bay hết cả xuống vực đấy. Thôi cô với cụ đi mau lên. Dắt ngựa và trèo cho khéo. Bác Xuân, bác Viễn ở lại đây với tôi. Ngựa buộc chặt vào kia. Chịu khó làm chỉ hai giờ đồng hồ là xong.
Đoàn người ngựa đến Pín-Lồi được chừng nửa giờ thì cơn bão nổi lên ầm ầm. Bao nhiêu mái nhà tranh ở chung quanh bị bốc lên hết. Duy có chiếc nhà ông Nam Long ẩn, mái ngói, lại xây, nên không việc gì.
Ông Phó đứng ngồi không yên, nhìn ra ngoài trời kêu khổ luôn mồm. Nhưng nhìn đến Khánh Ngọc ngồi thừ ra, mắt đăm đăm nhìn ra phía núi, như chứa cả một thế giới lo sợ, ông lại thấy cần phải an ủi nàng:
- Cô đừng lo. Cậu con khỏe mạnh và quyền biến lắm. Chắc không việc gì.
Những phút ấy là những phút mà người ta cởi mở tâm hồn cho nhau:
- Cậu ông có bao giờ đi đường bị gặp bão như thế này không?
- Có. Đã có lần, cậu cháu phải trói nhau vào một cây cổ thụ để cho gió khỏi cuốn đi. Nhưng ở đấy tuy chẳng có cây cổ thụ, thì cậu con thế nào cũng tìm được một chỗ đất hõm để nằm xuống nấp. Cô đừng lo. Kìa, gió cuốn cây táo kia đi! Trời ơi, nếu cậu con có mệnh hệ nào!
Ông Phó bưng mặt khóc. Lại đến lượt Khánh Ngọc phải dỗ ông.
- Sao ông bảo cậu ông giỏi lắm cơ mà?
- Giỏi, nhưng gió to thế này, giỏi thế nào lại được!
Một giờ.
Hai giờ.
Rồi ba giờ.
Bão đã dịu, Trọng Khang vẫn chưa thấy về. Khánh Ngọc đã sống những thời khắc mà mình không còn gì để giấu mình nữa. Nàng cảm thấy rằng mình đã yêu Trọng Khang một cách say mê. Nhìn thấy Giáp lúc ấy trùm chăn kín mít, nằm ngủ, nàng thấy ghét và khinh một cách lạ lùng. Tự nhiên, nàng đem so sánh cuộc đời hoạt động và mạo hiểm của Trọng Khang với cuộc đời hèn yếu của Giáp.
Đột nhiên, một mối lo đến xâm chiếm lòng nàng. Nàng sợ Trọng Khang không yêu mình. Nàng nhớ lại câu Trọng Khang nói với mình lúc ban sáng:
“May tôi lại không bao giờ có thể yêu một người đàn bà đã có một người khác yêu”.
Lúc ấy, mối lo nhỡ xảy ra tai nạn cho Trọng Khang cũng ngang với mối lo Trọng Khang biết Giáp đã đính hôn với mình mà không yêu mình nữa. Bão ở ngoài trời mà bão cả ở trong lòng nàng.
Nàng thấy mình không thể lấy Giáp được nữa. Và nghĩ đến những sự thân mật của Giáp đối với mình ở trước mặt Trọng Khang, nàng bỗng thấy như có cái gì nóng nóng chạy từ ngực lên tai.
Ông Nam Long thấy con gái thẫn thờ liền bảo:
- Thì con việc gì phải quá lo như thế.
Nàng nhún vai chỉ Giáp:
- Ba bảo không lo. Trong khi một người vì mình mà trải bao nguy hiểm như thế, không lo cho người ta thì mình có còn lòng dạ gì nữa.
- Nhưng lo cũng không ích gì.
- Thì mình cứ lo... như thế thì dẫu có sao sự hy sinh của người ta đối với mình không phải là một việc vô ích.
Gần tối Trọng Khang thồ hai cái xác và hòm xiểng về. Mọi người mừng reo lên. Khánh Ngọc chạy ngay ra nắm lấy hai tay chàng:
- Áo mưa của ông đâu mà để ướt như chuột thế này.
Trọng Khang đang bị rét run:
- Chiếc vải sơn bọc hòm bạc rách cả. Tôi phải lấy áo mưa quấn không ướt hết bạc còn gì.
- Ông Phó! Lấy mau quần áo để cậu ông thay. Tôi lấy dầu xoa cho ông nhé.
Nàng chạy vào trong nhà thì bị Giáp nắm áo giữ lại:
- Em làm gì mà rối rít lên thế? Anh...
Nàng nhìn thẳng vào mặt Giáp, rồi hắt tay ra một cách khinh bỉ:
- Tôi cần phải rối rít đối với một người đã rối rít vì ba tôi.
- Nếu em mà... thế nữa thì anh về đấy.
- Tôi làm sao? Tôi chỉ sợ anh không dám về một mình thôi.
Nàng với lọ dầu rồi đi ra. Nàng lại bị Giáp nắm lại:
- À, vì đồng tiền ai chả phải hy sinh.
- Anh đừng nói xấu người ta, nếu anh muốn giữa chúng ta còn có một cảm tình đẹp đẽ.
Nàng ra đến nhà ngoài thì thấy Trọng Khang đang nằm thiêm thiếp.
- Trời ơi, ông làm sao đấy, ông Phó đâu?
Nàng mở nút lọ dầu chổi, đổ vào lòng bàn tay xoa hai thái dương, Trọng Khang vẫn nằm im. Nàng hốt hoảng rú lên:
- Ba ơi! Ông Trọng Khang làm sao dây này?
Tiếng rú ấy làm cho Trọng Khang mở mắt:
- Tôi có làm sao đâu? Tôi đói quá, mệt lả đi. Cô cho tôi cốc rượu.
- Thế ông hẵng thay quần áo đi đã chứ.
- Ông Phó ông ấy còn đi lấy.
Khánh Ngọc cầm cốc rượu lại. Trọng Khang nốc một hơi, rồi chiếp môi:
- À, rượu ngon.
- Ông làm em sợ quá.
- Cô tính, tôi như con trâu chương thế này, lại đói từ sáng, lại cuốc, lại đi bộ, thì gì mà không lả.
- Thế ngựa ông đâu?
- Phải để thồ chứ! À, thế nào, cô ra xem cụ xử trí với hai người chết ra sao. Hình như có em chúng nó cũng đi với chúng mình.
Khánh Ngọc quay ra, còn ngoái cổ lại:
- Ông thay áo mau rồi ăn cơm. Tôi đã mở một hộp gan để dành cho ông đấy.