-- XVII --

     uổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc thế nào cũng gặp Trọng Khang một mình ở đấy.
Trọng Khang đang đứng coi phu bắc cầu, thoáng thấy nàng, tảng lờ quay đi như không thấy. Ít ngày nay, Khánh Ngọc không bày tỏ thái độ thân ái gì đối với chàng nữa, nhưng chàng vẫn cảm thấy nếu hai người mà gần nhau thì thế nào cũng xảy ra. Cứ cái nhìn của Khánh Ngọc cũng đủ nói cho chàng biết.
Khánh Ngọc đứng trên mỏm núi, gọi. Cực chẳng đã, Trọng Khang phải bảo lấy ngựa, rồi đi lên.
- Ba tôi với François đâu?
- Ở phía xóm Nùng cơ mà. À, từ giờ cô đừng có đi một mình như thế này. Từ nhà ra đây, ba bốn cây số, lại qua một đoạn rừng, cô không sợ bị bắt cóc à?
Khánh Ngọc vỗ vào khẩu súng đeo ở lưng:
- Ông tưởng dễ bắt cóc tôi đấy à? Tôi bây giờ bắn đã không đến nỗi như trước. Ông không tin hãy thử bắn thi với tôi.
- Thôi đừng có bắn nữa. Cu-ly đang làm, nghe tiếng súng, họ loạn lên, mất bao nhiêu là công việc.
- Công việc! Lúc nào ông cũng chỉ nói đến công việc. Đối với ông, hình như một phút mà không có công việc thì ông không sống được.
Nói xong, Khánh Ngọc rút súng:
- Đây, tôi bắn vào quả bầu dại leo ở cái cây kia cho ông xem.
Miệng nói, tay bắn luôn ba phát. Cả bọn cu-ly đang làm, đều ngừng tay, ngửng đầu lên nhìn.
- Đấy, cô đã làm hại của ba cô năm phút công việc rồi. Năm phút nhân với một nghìn cu-ly, bao nhiêu là thì giờ, bao nhiêu là tiền rồi. Ba phát súng cô bắn, tôi thoáng nhìn thì hình như không trúng một. Cái thích của cô đắt tiền quá.
Khánh Ngọc bắn bốn phát đạn nữa. Trọng Khang vẫn thản nhiên:
- Lại tốn thêm năm phút, bao nhiêu là tiền nữa.
- Lúc nào cũng công việc, lúc nào cũng tiền. Tôi không cần tiền!
Khánh Ngọc mặt giận tía, rút một sác-giơ đạn nữa, lắp vào súng toan bắn. Trọng Khang vội giơ tay cản:
- Cô nên nhớ, cái người nào ở trong địa vị phải nói đến công việc, mà cứ nói công việc là một người biết sống đấy. Tôi làm cho ba cô, thế tất nhiên là tôi phải nghĩ đến đồng tiền của ba cô. Cô không cần tiền, là bởi có người đã kiếm sẵn cho cô tiêu rồi.
- Tôi không như ông, tôi rất khinh đồng tiền.
- Trong cái cảnh ngộ cô, cô chỉ mới biết khinh có đồng tiền. Và cô chỉ mới nói được có thế. Khinh đồng tiền quá và trọng đồng tiền quá, hai thứ đều là kém cả. Biết giá trị nó không khinh mà cũng không trọng, cái đó vừa phải biết đời, và vừa phải có lòng. Phải, tôi quý đồng tiền, bởi vì tôi biết kiếm được nó, người ta phải vất vả biết chừng nào. Cô xem những cu-ly làm kia, suốt cả ngày dưới nắng, dưới mưa mà chỉ có năm hào. Tại làm sao cô mới biết khinh đồng tiền? Là bởi vì cô may mắn, có một người cha giàu quá và kinh doanh giỏi quá. Những cu-ly kia, nếu cũng may mắn sinh vào một cửa nhà giàu như cô, chắc họ nói được như cô. Cô nên nhớ ba cô vì muốn kiếm tiền mà phải liều tính mệnh sang đây đấy.
Những lời nói tàn nhẫn, nhưng thẳng thắn của Trọng Khang làm cho Khánh Ngọc nhận rõ lỗi của mình.
- Mấy hôm nay, trong người tôi khó ở, thôi ông tha lỗi cho tôi. Thế này thì có lẽ tôi rồ dại, nhưng không hiểu sao, có nhiều lúc, tôi ao ước có giặc cỏ nó bắt cóc tôi đi. Có lẽ lúc ấy, tôi lại tìm thấy sinh thú, chứ bây giờ, nhiều khi, tôi nhận thấy rằng đời tôi vô vị quá.
Sự đau đớn nó phát ra những câu nói kỳ quái ấy làm cho Trọng Khang thương hại:
- Tôi tưởng cái cảnh cô thì thật sung sướng không còn ai sánh kịp.
Khánh Ngọc nhìn Trọng Khang bằng một cái nhìn đầy trách móc:
- Ông nói câu ấy thì ông không thành thật. Tôi tưởng ông biết hơn ai hết rằng bây giờ, tôi là người khổ nhất trong thiên hạ.
Cái nhìn thẳng thắn đầy yêu đương, và thứ nhất giọng nói đau xót ấy làm cho Trọng Khang cảm động. Chàng thấy mình không có quyền nói dối nữa:
- Nếu có phải tôi xét lầm, tôi không thấy rõ mối buồn u uẩn của cô thì tôi xin lỗi cô.
Rồi sợ câu chuyện nếu cứ theo cái đà ấy thì nó sẽ đi đến chỗ khó giải, chàng liền nói lảng sang chuyện khác.
- Tôi tưởng cần phải dạy cô bắn một chút. Biết đâu chẳng có lúc dùng đến. Đi quá ra đây để cho cu-ly họ khỏi trông thấy, rồi tôi sẽ bảo cho cô biết tại làm sao cô bắn sai cả.
Hai người sóng cương cùng đi. Đi quá mỏm núi chừng 300 thước. Trọng Khang xuống ngựa, đỡ cho Khánh Ngọc xuống. Buộc ngựa xong, chàng rút súng.
- Bắn súng lục khó hơn súng trường ở chỗ súng trường thì có vai để tỳ, mà súng lục thì không. Thế cho nên cánh tay phải không run, và phải cầm cho chắc. Nhưng chắc đây không phải cứng nhăn nhắc, bởi vì nếu cứng thì khi tiếng nổ dội lên, súng sẽ bật xa đích nhiều. Cứng đây, là phải dẻo, và phải làm thế nào cho tiếng dội không làm chệch cái đích mình ngắm. Cô và ông Giáp cầm súng bắn, không giơ thẳng cánh tay, đó là một điều tối kỵ, Giơ thẳng cánh tay có cái lợi là đường ngắm thẳng, ngay tầm con mắt của mình; và khi đạn nổ, súng có dội lại cũng không xê xích được bao nhiêu. Chứ cánh tay mà cong thì sức mạnh của đạn nổ dội lại nhiều lắm. Những điều này, bắn quen rồi, cô tự khắc nhận thấy, chứ dạy cũng không thể được. Một khi mà mình bắn đã linh tay rồi, súng với mình đã là một rồi, thì cầm thế nào, bắn thế nào rồi cũng trúng. Đây... cô nhận kỹ tôi bắn mấy phát thì cô sẽ thấy ngay. Tôi ngắm cái mặt gỗ ở cành thứ ba cái cây kia kìa. Cô trông...
Đạn nổ liền ba phát. Hai người chạy lại thì đều trúng cả ba. Trọng Khang đẽo một ít vỏ ở thân cây:
- Bây giờ cô thử lại bắn đi. Tôi sẽ đứng nhìn cho cô.
Trọng Khang dắt Khánh Ngọc đi quá cái cây chừng 30 bước:
- Cô phải dang thẳng cánh thế này... ngón tay phải cắp chặt vào thân súng... bóp cò phải từ từ, không vội vàng, mà cung không nên chậm quá. Thế, hơi lệch về bên trái. Phát này sai rồi. Không phải xem nữa, tôi trông cái đà tay cô cũng đủ biết. Thôi phát này hơi thấp quá. À phát này trúng đấy!
Cả hai lại xem thì y như lời Trọng Khang nói:
- Bây giờ cô lại thử bắn cả bốn phát nữa cho tôi xem nào?
Bốn phát, Khánh Ngọc bắn trúng hai.
- Cô là người học trò thông minh lắm.
- Còn ông cũng là một người thầy biết dạy học trò lắm.
- Thôi bây giờ cô có lại chỗ ông Giáp thì lại đi. Tôi phải xuống coi họ làm.
- Không, ông đưa tôi lại. Thôi đành là phí tiền một buổi, một buổi hôm nay thôi.
- Nhưng cô cũng phải để tôi lại dặn các cai đã chứ.
Hai người đi ngựa đến mỏm núi, đã thấy Giáp ở đấy. Giáp đang chỉ trỏ, và nói bô bô hình như giận dữ lắm. Sự giận dữ đó vì công việc thì ít, mà vì nghe tin Khánh Ngọc đang đi chơi một mình với Trọng Khang thì nhiều. Mỗi một tiếng súng nổ ở trên núi lại như một mũi dao đâm vào trái tim chàng. Rồi đến khi nhìn thấy bóng của hai người đang thong dong đi ở trên mỏm núi, lòng giận của chàng không sao cầm được nữa. Vô phúc cho một tên cu-ly đứng gần đấy, vì không nghe rõ, lại làm sai. Chàng giơ roi vút thật mạnh vào vai. Tên cu-ly vặn mình dưới đau đớn, rồi chồm dậy, hoa cái xẻng lên để đánh. Giáp sợ hãi, vội vàng bỏ chạy. Tên cu-ly vẫn không thôi, vác xẻng đuổi theo. Vừa đuổi, vừa hô:
- Anh em ôi! Thằng này ác lắm! Giết chết nó đi!
Xưa nay, bọn cu-ly vẫn ghét Giáp. Một tên bắt chước, rồi hai, rồi ba. Giáp không dám nghĩ đến sự chống cự, chỉ cắm đầu chạy. Chàng chạy về phía Trọng Khang, vì linh giác bảo chàng sự giúp đỡ đấy. Bốn tên Xạ-phang đuổi riết. Khánh Ngọc ở trên cao trông thấy cái nguy cơ của Giáp, liền rút súng, Trọng Khang nhanh mắt, vội giơ tay cản:
- Cô đừng bắn lôi thôi to!
Liền lúc ấy, chàng cho ngựa phóng như bay xuống dốc. Tên chạy trước bị chàng cho ngựa va vào, ngã ngửa. Nhanh như cắt, chàng nhảy xuống, cướp lấy cái xẻng, đứng thủ thế, chờ ba tên kia. Hai tên bị chàng đánh ngã còn một tên chạy trốn. Chàng rút ngay súng bắn chỉ thiên:
- Mày mà chạy tao bắn chết!
Tên đang chạy sợ chết, đứng lại. Chàng sai người trói cả bốn lại, rồi lột áo đem ra giữa đám cu-ly, cứ roi gân bò mà đánh mãi. Đánh đến bật máu, đánh đến chúng ngất đi, đánh đến khi Khánh Ngọc trông thấy khiếp quá lăn vào giằng roi, chàng cũng không tha. Mỗi lần, Khánh Ngọc lăn vào, chàng lại du ra:
- Cô biết gì! Cô phải để yên cho tôi trị chúng nó, không thì chúng nó làm loạn bây giờ, hỏng hết cả công việc.
Chàng lại đánh, đánh đến bốn tên mê đi không kêu được nữa, chàng mới ngừng tay. Chàng quay lại thì thấy Khánh Ngọc đầm đìa những nước mắt; mà những người đứng chung quanh, mặt đều tái nhợt.
- Trời ơi! Ông tàn nhẫn quá, tôi không thể tưởng tượng ông “ghê gớm” được đến thế!
Khánh Ngọc nói xong lại khóc.
- Tàn nhẫn, việc đời đến chỗ tàn nhẫn thì cần phải biết tàn nhẫn. Tôi đã bảo cô đàn bà đừng có can thiệp vào công việc của chúng tôi. Trong một chỗ hỗn quân, hỗn quan như thế này, phải có ra uy cho chúng nó sợ. Họ mà nhờn thì mình phải chết. Rồi cô xem cô còn tàn nhẫn hơn. Chốc nữa, tôi sẽ nói với phài-chướng đem chúng nó ra đầu núi bắn bỏ.
- Trời ơi! Ông đừng làm thế nhé! Ông đánh chúng nó thế đã đau lắm rồi. Thế cũng là đủ cho chúng nó sợ lắm rồi. Ông đừng nên để cho những cái án giết người ở trên lương tâm.
- Lương tâm tôi, tôi biết.
- Ông định bắn thật đấy à?
- Tôi có nói dối bao giờ. Không thế, làm sao cai trị nổi một vạn cu-ly dở cướp, dở giặc thế này?
Khánh Ngọc cuống cuồng, vội chạy lại định cởi trói cho những tên cu-ly kia chạy trốn. Trọng Khang giơ tay, nắm chặt lấy nàng:
- Cô cởi cho chúng nó thì chúng nó cũng không dám chạy đâu. Cô đừng làm thế mà mất cả oai quyền của chúng tôi đi.
- Nhưng ông đừng bắn chết chúng nó cơ?
- Thì cô cứ mặc kệ để tôi xử trí nào. Cô biết gì mà can thiệp vào đây.
Trọng Khang sai lấy nước lã đổ vào mặt bốn tên Xạ-phang cho chúng tỉnh lại:
- Chúng mày dám đánh lại quan kỹ sư tức là chúng mày mắc vào tội chết. Chúng mày không nhìn đến những điều lệ mà quan Đốc bàn đã yết thị ở kia hay sao? Cai, dắt chúng nó ra đầu núi kia, rồi cho người đi mời ông phài-chướng đến đây.
Khánh Ngọc thấy thế, lại lăn vào năn nỉ:
- Thôi, xin ông nể tôi mà tha cho chúng nó. Có mặt tôi ở đây, tôi không muốn trông thấy cái cảnh tượng có những người bị giết. Xin ông tha cho đời tôi cái ám ảnh ấy, lần sau, không có tôi, ông muốn làm gì thì làm.
Cai đã dắt bốn tên đi được một quãng thì Trọng Khang gọi lại.
- Cô nên nhớ xứ này là một xứ mọi rợ, mạng người không có nghĩa gì. Không phải tôi tàn nhẫn, nhưng không thế thì không còn có đủ oai quyền để làm công việc.
- Chẳng công việc thì thôi, chứ tôi thấy giết người thì tôi khổ lắm. Thôi ông thương tôi.
Trọng Khang sai cởi trói cho bốn tên cu-ly:
- Đáng lẽ tao giết chết chúng mày, bởi cái tội chúng mày đáng giết lắm. Nhưng vì tao nể lời con gái ông chủ, tha cho. Bây giờ có hai cách, tao cho chúng mày chọn; một là chúng mày lạy xin lỗi quan kỹ sư, hai là tao giao chúng mày cho ông phài-chướng, chúng mày muốn chọn đằng nào thì chọn.
Bốn tên khép nép lại lạy Giáp. Lạy xong, chúng lại vái cả Khánh Ngọc.
- Thôi đi làm đi, và nhớ bảo nhau: chúng tao là hạng người mà chúng mày không thể nhờn được. Nếu chúng tao có hèn, chúng tao đã không dám sang đến đây.
Bốn tên cu-ly tản đi rồi, Trọng Khang mới quay lại các cai và những người Nam cùng đi với Giáp:
- Lúc nãy anh em, những ai có mặt ở đây? Các anh là những đồ khốn nạn! Thấy chúng nó đánh chủ mình như thế mà không một thằng nào lại cứu. Thôi đừng có cãi nữa, tao đứng ở trên kia, tao nhìn thấy rõ cả rồi.
- Nhưng bởi vô cớ, ông Giáp đánh nó.
Trọng Khang thuận tay, vút ngay vào mình người nói câu ấy:
- Tao không cần biết ông Giáp phải hay trái. Tao chỉ biết rằng đã đem nhau sang đây, thì sống chết cũng phải bênh nhau. Chúng mày như thế thì họ còn coi người mình ra gì. Còn đứa nào nó nể sợ nữa. Ở đây, không giống như ở xứ nhà. Ở đây, chỉ cần biết có một điều là phải xoay lưng vào nhau mới đủ sức đối phó với người ta. Chúng mày ghẻ lạnh như thế, rồi đây tao chỉ sợ đến lượt chúng mày, chẳng có ai bênh thôi. Chúng mày thấy chúng nó đông, chúng mày sợ chết có phải không? Tao truyền đời cho biết: ở đâu, nếu chúng mày sợ chết, thì rồi, có một ngày kia, chúng mày sẽ bị chết. Trong cái đất giặc cỏ này, muốn sống, phải không sợ chết. Từ giờ đi, bất cứ vì một lẽ gì, thấy ai đánh một người mình thì phải xúm lại mà diệt chết nó đi, tội đâu đã có tao và cụ chủ cáng đáng.