-- XX --

     ữa cơm xong, thừa một lúc Giáp ra ngoài, Khánh Ngọc bảo Trọng Khang:
- Còn hai hôm nữa tôi về tôi muốn được đi tắm suối nước nóng Ôn Toàn, và xem núi đổ ở Hắc Hà, ông đưa tôi đi.
Câu nói ấy kèm thêm một cái nhìn cầu khẩn, và một ý từ giã nó đau xót như một vĩnh biệt.
Trọng Khang thấy mình không thể từ chối.
- Nhưng đến đó thì xa, vừa đi, vừa về một ngày không thể kịp. Ngủ đêm tại đó thì tôi lo ngại lắm.
Thấy con gái buồn bã, ông Nam Long chiều con:
- Thì ông cứ đưa cháu đi, đem theo dăm người lính, tôi tưởng chẳng thể xảy ra sự gì được.
- Cụ không biết, chỗ ấy hẻo lánh lắm.
- Thì cũng đến hẻo lánh như ở đây, chứ còn thế nào nữa.
Trọng Khang ngẫm nghĩ, rồi nhìn Khánh Ngọc:
- Ông Giáp cùng đi với chúng ta chứ?
Khánh Ngọc gật đầu.
Trọng Khang châm thuốc lá hút hai hơi:
- Nhất cử nhất động của chúng ta ở đây đều có người dò xét cả. Và tôi tin rằng hiện bây giờ, hằng hà sa số những bọn giặc cỏ đang nghĩ cách làm sao bắt cóc được chúng ta. Cụ và cô đừng thấy rằng ta sang đây hơn một tháng yên tĩnh, mà đã vội tin rằng vô sự đâu. Nếu chúng ta không đề phòng cẩn mật thì họ đã cướp bao nhiêu phen rồi. Đấy cụ với cô xem: trong mười tên cu-ly đi làm, thì ba bốn đứa có súng. Những bọn đó là giặc cả chứ đâu. Giá cô bỏ cái ước muốn ấy đi, thì có phải...
Lại một cái nhìn cầu khẩn:
- Tôi không muốn bỏ. Thế những người Mỹ đi du lịch qua cả Tây Tạng thì sao? Đây ra đấy có một thôi đường. Tôi về Hà Nội chuyến này thì còn bao giờ có dịp được tắm suối nước nóng nữa! Và ở đâu để cho tôi được trông thấy núi đổ nữa?
- Thôi ông cứ đưa cháu đi, cho cháu vui lên một tí, có xảy ra việc gì, tôi không oán trách anh đâu.
Từ đêm xảy ra cuộc xô xát giữa Giáp và Khánh Ngọc, Khánh Ngọc lại cứ buồn héo đi. Làn má trước hồng hào, nay đã tái nhợt, đôi mắt vì không ngủ đã quầng thâm. Những cái nhìn trách móc đượm một buồn thảm làm cho Trọng Khang cũng nao lòng. Lắm lúc, chàng cầu khẩn cho chóng đến ngày Khánh Ngọc đi, đi cho mình khỏi phải trông thấy cái đau đớn của tuyệt vọng tự mình gây nên nữa. Cuộc xô xát đêm hôm ấy làm cho chàng càng rõ lòng Khánh Ngọc đối với mình, và chàng riêng phục những câu nói khảng khái của nàng. Lòng ái ngại cho Giáp, nhưng lòng cảm mến Khánh Ngọc từ đó, Giáp thì không dám nói chuyện về nữa. Và từ đấy, Giáp cũng không dám tỏ ý hằn học đối với mình nữa. Vì thế chàng càng ái ngại cho kẻ bị thua mình, chàng tự nhủ mình không nên cướp một mối tình để làm đau một kẻ khác.
Giáp ở ngoài vào.
- Hôm nay, cô Khánh Ngọc ngỏ ý muốn cho chúng ta đưa cô đi tắm suối nước nóng Ôn Toàn, nhưng tôi ngại quá.
- Thôi, ông cứ đưa cô ấy đi. Độ này, không hiểu sao cô ấy buồn quá, cứ héo người đi. Có lẽ tắm suối nước nóng khỏi được chăng. Một mình ông đưa đi cũng được rồi, tôi ở nhà trông coi công việc thay ông.
Sự nhượng bộ của kẻ tình địch bị thua, vốn có cái mãnh lực làm cảm động những con người như Trọng Khang. Trong khi Khánh Ngọc mừng rỡ, sẽ được đi một mình với chàng thì chàng tự nhủ: “Mình không thể độc ác với một người đã chịu lún với mình”.
- Đến có cả ông đi, tôi còn ngại thay, huống hồ lại một mình tôi.
- Tôi thì có đảm lực gì?
- Ông quá nhún thế? Chứ có ông đi, cũng thêm bao nhiêu vây sức. Nếu ông không đi thì tôi chịu không dám nhận lời.
- À, nếu ông xét phải cần đến tôi thì tôi xin vâng.
- Cần lắm chứ.
Quay sang Khánh Ngọc:
- Bây giờ tôi xin chiều ý cô, mặc dầu tôi biết rằng đó là một việc rồ dại. Nhỡ có xảy ra sự gì cụ đừng có trách tôi là không hết sức nhé.
- Không, tôi không trách một tí gì.
- Mai đi, phải đem theo sáu tên vệ binh, nhưng ta đừng nói gì với họ cả, nhỡ chúng tiết lộ ra ngoài. Đem hai anh Xuân và Viễn. Đạn dược phải “thồ” đi cho đủ. Năm giờ chiều ngày kia, thế nào chúng tôi cũng về đến đây. Nếu giờ ấy mà cụ chưa thấy chúng tôi về thì tất là xảy ra tai nạn. Cụ bảo Đốc-bàn Mai-lin Phố đem lính đi tìm chúng tôi. Nhưng là nói phòng xa thế thôi, đâu đến nỗi thế.
Nhìn thấy vẻ lo lắng hiện rõ ràng trên mặt Trọng Khang, ông Nam Long bảo con gái:
- Hay thôi, con đừng đi nữa.
Khánh Ngọc nguẩy ngay đi:
- Không ai đưa con đi, con cũng đi một mình. Con lên đây chỉ để xem phong cảnh mà chưa được biết một phong cảnh nào cả.
Lúc nàng quay lại thì trên đôi mắt nhung có điểm hai hạt nước mắt.
- Thì con đi, nhỡ có sao, ba bỏ tiền chuộc. Con vui lên nào.
Trọng Khang đứng dậy, lại phía hầm cốt mìn lấy ra hai cái kíp, cho vào một cái hộp.
- Đã vui thì ta vui hẳn một thể. Mai ta đem mìn đi đánh cá ở Bắc Hà. Thế nào cũng được những con măng một người khiêng. Thôi cô vui đi, mai ta sống trẻ trung một ngày. Tôi xin thú thực rằng bao nhiêu ngày bị công việc đè lên cổ, tôi cũng thấy nặng cả mình. Tôi tính trước những nguy hiểm đấy thôi. Chứ một khi đã đi thì nguy hiểm tôi không bao giờ nghĩ đến nữa. Ông Phó, đem dầu ra đây. Súng của cô và của ông Giáp đâu, đưa tôi tháo ra lau cho. Đem đồ hộp và vài chai sâm-banh đi. Tắm ở đấy và đánh cá xong đói lắm. Giờ này, tuyết phủ xuống kín núi. Ông Gíap đem nhiều phim ảnh đi mà chụp. Và cô nhớ mặc áo cho ấm. Tuy suối nước nóng, nhưng trên núi cao, rét lắm đấy.
Đoàn người ngựa kéo ra khỏi nhà một buổi sáng mùa đông cực đẹp, mặt trời vươn mình trên đỉnh núi phía đông, trút suối lửa xuống những thung lũng. Cây cỏ còn nặng những sương đêm, phản chiếu ánh sáng rực rỡ như kim cương. gió ào ào thổi qua hốc đá đem cái rét thấu xương cho khách bộ hành.
Trên đôi má xanh nhợt của Khánh Ngọc, đã ửng một chút hồng. Trọng Khang đi bên nàng luôn luôn dặn:
- Đường từ đây đi khó khăn lắm. Cô chớ cầm lỏng lẻo dây cương. Qua những chiếc cầu ván, cô nhớ xuống ngựa, nghe không. Tôi thì không thể đi luôn bên cô được. Cô nhớ nhé. Đã có một lần, tôi thấy một người lười xuống ngựa, cho ngựa đi qua cầu gỗ ải, con ngựa thụt chân làm văng chủ xuống vực đấy. Hôm nay không mưa thì hay quá, nếu mưa đi qua đoạn rừng trước kia, khổ không chừng.
- Ấy tôi lại thích những cái khổ như thế.
- Tôi thật chưa thấy người nào kỳ quái như cô. Ông Giáp, ông đi liền cô Khánh Ngọc, tôi phải hoặc đi trước, hoặc đi sau để nghe vân mòng, chứ đi chụm cả lại một chỗ thì nói dại, có làm sao, như cá bị đơm trong giỏ.
Tám giờ, đoàn người ngựa sắp vào rừng thì mưa như trút. Trọng Khang đang đi với một vệ binh ở đằng đầu, liền quay ngựa lại:
- Thôi chúng ta không may rồi! Con đường qua rừng này, lầy không thể nói. Ngựa nhiều khi không đi qua được, phải lội, chúng ta đến rồi ướt như chuột cả. Rét thế này bị ướt, tôi chỉ lo cô ốm.
- Có lẽ tôi khỏe thêm ra.
- À, nếu thế thì được. Nhưng nhớ giữ đừng để cho ướt súng đạn nhé.
Rừng bị kẹp vào một thung lũng: bao nhiêu nước mưa ở các trái núi bao bọc chung quanh, đều đổ dồn cả xuống. Đất núi bồi mãi lên thành ra động có nước tới là thành ra sa lầy. Cây cối lại mọc um tùm, cành đâm ngang, đâm dọc chỉ để lọt con đường vừa một ngựa đi. Năm con ngựa vừa đi được một quãng thì đã bị sụt tới quá gối, không tài nào đi được nữa. Những tên vệ binh và hai tên người nhà đều mặt chua như giấm; mà cho đến Giáp, chú ý tìm hết cách để chiều lòng Khánh Ngọc cũng than thở luôn mồm. Khánh Ngọc chẳng những không lấy làm khó chịu, lại còn múa roi ngựa, rồi hát vang. Trọng Khang nhìn nàng thấy yêu mến:
- Hát không phải là một cách giải quyết bước đường khó đi. Chả nhẽ ngựa không đi được, ta cứ đành đứng đây mãi à? Chờ cho mưa tạnh rồi nước tiêu hết đi thì biết đến bao giờ. Thôi, ta đành xuống lội để cho mấy tên vệ binh dắt ngựa vậy. Cô muốn ướt thì được ướt. Chà chà, vắt nhiều quá, cô che kín cổ vào.
- Nhưng đỉa nhiều thế kia tôi sợ lắm!
- Ồ, cô đi ủng mặc quần tây, đỉa cắn làm sao được. Cứ cố bắt ngựa đi, nhỡ nó què thì rầy rà to. Mà nó cũng không đi được nữa đâu. Chỉ có hai cây số là ra khỏi rừng này, công việc một giờ thôi. Cô phải bạo lên một tí chứ.
Trọng Khang nói xong, nhảy xuống ngựa. Bùn sâu, chàng vừa xuống thì đã ngập gần đến gối.
- Nào cô xuống đi. Ê, vệ binh, dắt giùm hộ ngựa.
Khánh Ngọc vừa cho chân xuống trước, thấy hai con đỉa trâu đen sì, dài gần bằng chiếc đũa, vội rú lên, rồi ôm chầm lấy Trọng Khang. Nàng sợ đỉa cũng có, nhưng nàng thừa dịp ấy để ôm Trọng Khang cũng có. Trọng Khang giơ tay với một con đỉa:
- Đây này, có cái gì ghê gớm đâu mà sợ.
Chàng rút dao, chặt ba cái gậy, đưa cho Giáp và Khánh Ngọc mỗi người một cái:
- Cô cứ nhìn thẳng mà đi, thì cô sẽ không trông thấy đỉa, cô sẽ không sợ. Cô không nhớ câu ngạn ngữ hay sao: “Người đi đường chậm trễ bởi vì chỉ mải nhìn ở hai bên, mà không biết chỉ nên nhìn có cái đích”.
- Câu ngạn ngữ của ông là một câu ngạn ngữ dỗ trẻ.
François đi mau lên đây. Cuộc du lịch của chúng mình hôm nay là một cuộc du lịch hãn hữu. À, François, chụp ảnh một cái đi để kỷ niệm.
Ba người đang lội lõm bõm ở trong bùn, trong nước, bỗng thấy mấy tên vệ binh đi trước rú lên, rồi quay trở lại. Trọng Khang đã tưởng xảy ra biến cố, vội vàng ôm Khánh Ngọc kéo lại nép ở dưới một thân cây, rút súng lăm lăm chờ.
Cành cây rào rào, rồi tiếp đến tiếng líu lô:
- Trăn, trăn gió to quá!
Trọng Khang bật cười:
- Đây cô xem, một con trăn mà chúng nó còn chạy tán loạn lên như thế, nếu gặp giặc, còn trông mong nỗi gì?
Chàng vốc nước té lên mình tên vệ binh:
- Thế súng của mày đâu, để làm gì mà không bắn?
Lúc ấy tên vệ binh mới vội vàng lấy súng khỏi vai. Khánh Ngọc cản lại:
- Ấy, để tôi bắn.
Nàng tiến lên mấy bước. Hai con trăn vì tránh nước leo lên cây đang vắt vẻo ở một cành giữa đường đi.
- Cô ngắm vào đầu cơ. Hễ con nào chạy trốn đã có tôi.
Trước khi giơ súng, Khánh Ngọc còn quay lại bảo François:
- Anh cố chụp cả tôi, cả hai con trăn đi.
Bốn tiếng súng nổ liền. Hai con trăn rơi xuống. Nhưng chưa chết hẳn, chúng còn quẫy làm cho nước đục ngầu. Mỗi lần thấy khúc nó vươn lên khỏi nước là mỗi lần Khánh Ngọc lại bắn.
Xuân, Viễn cầm một cành cây vớt chúng lên:
- À trăn đỏ đầu, giống này mà đi một mình thì khốn với nó đấy.
Khánh Ngọc lại gần.
- Xem nó trúng đạn ở đâu nào?
- Ở đầu, ở mình, ở khắp cả.
- Đấy ông xem những bài học của ông, tôi theo có khá không. Tiếc quá nhỉ, không lột được da nó đem về. À, Xuân, bác đem treo nó lên cành cây kia, tôi đứng cạnh để cho ông François chụp.
- Lúc quay đi, Khánh Ngọc còn tiếc rẻ quay lại:
- Để mai, nếu nó chưa thối thì ta đem về nhà lột.
- Điều ấy cô khá yên tâm, chỉ tối nay, sài cứu (chó sói) sẽ lột giùm cho cô, không còn một tí nào. Và từ đây đi, nếu cô muốn bắn thì có rất nhiều dịp. Nhưng tôi khuyên cô đến hôm về, hãy bắn thì hơn.
Khi mọi người ra khỏi rừng thì trời ngớt mưa. Gió rét là thế mà ai ai cũng đẫm mồ hôi. Khánh Ngọc mệt, ngồi nghỉ trên một mỏm đá. Trông ai cũng lấm như chôn, như vùi, nàng bật cười:
- Chúng mình toàn là cu-ly vác đất cả đấy. Ông Trọng Khang, hình như có vắt cắn tôi đây này.
Trọng Khang lại cởi chiếc khăn quàng, nhìn kỹ cổ và tai:
- Cô giỏi đấy, không bị một con vắt nào cắn cả. Tôi hình như bị một nốt ở cổ tay. Cô tháo giày ra dốc nước đi. và cởi bít-tất vắt cho khô nước, không nhỡ cảm.
Hoặc vì dây buộc chằng chịt, bị nước làm cho rít, cởi khó cũng có, hoặc vì Khánh Ngọc muốn được Trọng Khang hầu mình cũng có, nên nàng dềnh dàng cởi chầm chậm. Đến khi Trọng Khang tháo ủng của mình xong rồi, quay lại, thấy Khánh Ngọc còn loay hoay chưa xong liền hỏi:
- Sao lâu thế?
- Rít quá, tôi tháo không được.
Trọng Khang lại gần:
- Cái lối dây buộc giày thế này đi rừng rất là phiền phức. Tôi biết nếu hôm nay mưa thì tôi bảo cô đi đôi ủng như của tôi.
Chàng nói xong, quỳ xuống tháo dây giày, rồi kéo ra. Lại cởi luôn cả đôi bít-tất ra nữa. Những cổ chân như ngà ngọc hiện ra.
- Cô xuống suối kia rửa chân sạch đi, không nước ăn. Một bàn chân như thế này mà sần lên thì uổng quá có phải không, ông Giáp?
Giáp mỉm cười:
- Ai bảo thích đi chơi những lúc oái oăm.
- Ấy, tôi cũng định để cho chúng được mang một ít dấu vết phong trần mà chưa được đấy.
- Cô nói ít dấu vết nước bùn thì đúng hơn. Đây mới là dấu vết phong trần.
Trọng Khang vừa nói, vừa bóc ra những tảng da bị nắng làm cho đen kịt, bây giờ vì dầm nước nên bong ra từng tảng.
- Tôi ước một ngày kia được như ông.
- Điều đó rất dễ. Cô chỉ việc ra giang nắng từ sáng đến tối như tôi. Nhưng thật ra, nếu có thế thì về đến Hà Nội, bao nhiêu đàn ông trông thấy đều chạy cả. Thứ da phong trần nếu còn có chỗ coi được thì chỉ coi được ở người đàn ông, chứ ở người đàn bà thì nó thành ra quỷ dạ xoa.
Gần trưa thì đến chỗ núi sụt. Khánh Ngọc muốn lên xem ngay. Trọng Khang vội cản:
- Thì cô hãy chờ lúc cơm xong. Cô phải nghĩ đến những tên vệ binh theo chúng ta nó đã hết hơi rồi. Và chính tôi chỉ còn thiếu chút nữa là lả ra thôi.
Bàn ăn là một mỏm đá. Cơm nắm và thịt gà quay.
Khánh Ngọc mấy hôm nay không được ăn, bây giờ ăn nhiều quá và rất ngon lành.
Giáp nhìn nàng:
- Có lẽ Marie sinh ra để sống một cuộc đời hoạt động thật? Ở nhà thì buồn thiu, mà đi mưa gió lại mạnh khỏe và vui vẻ quá chừng.
- Có lẽ thế anh ạ. Bây giờ không hiểu sao tôi khác trước. Ở nhà thì như bị tù hãm. Đi như thế này, tôi thấy tôi sống một cách lạ lùng.
Nàng nói xong đặt một cái nhìn đầy yêu đương vào cái cổ cháy nắng của Trọng Khang.
Rồi liền đó, nàng mường tưởng đến những người đàn ông gặp trong những “xa-lông” tráng lệ ở Hà Nội. Một so sánh trong tâm trí làm cho nàng mỉm cười.
- Ông Trọng Khang bây giờ mà về Hà Nội, chắc sẽ bị các tiểu thư nhìn bằng một con mắt ngạo nghễ.
- Người ta nhìn tôi thế nào, đó là cái quyền của người ta. Tôi chỉ biết tôi nhìn tôi, tôi thấy tự bằng lòng là được rồi.
- Cái quyền đó là cái quyền ngu dốt của những người ngu dốt. Các cô ấy sống trong một hoàn cảnh eo hẹp, mà sự ỷ lại và sự ăn chơi đú đởn được nâng cao lên thành những đức tính thì hiểu làm sao được cái đẹp... “phong trần của ông”.
Sợ câu chuyện ấy làm đau đớn Giáp, Trọng Khang vội khôi hài:
- Cô thật có lắm ý tưởng kỳ quái. Lại còn cái thứ đẹp phong trần nữa.
Khánh Ngọc vẫn nghiêm trang:
- Ồ, có chứ. Mà cái đẹp ấy không phải ai cũng có thể có được như cái đẹp phấn sáp mượn của khoa học. Muốn có phấn sáp, người ta chỉ phải mất vài đồng bạc ra. Nhưng muốn cho mặt mình tráng được một lần bụi mỏng phong sương, ít nhất phải có một bản lĩnh. Không thế, người ta sẽ sợ gian lao như các cô gái bây giờ sợ nghèo. Mà rồi thì phong sương không có dịp để bám vào nữa.
Ra đi với tất cả một tấm lòng nhân nhượng, Giáp nhiều khi đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng đến bây giờ thì Giáp tức lắm rồi không chịu được nữa. Tức nhưng vẫn phải ôn tồn:
- Marie xét thế thì thiên vị lắm. Mỗi người chúng ta là do hoàn cảnh gây nên. Chả nhẽ như tôi với Marie, cái hoàn cảnh cho phép được ở chỗ an nhàn, ta lại đi đâm đầu vào gió bụi, tìm những nguy nan mà ta có thể không cần phải gặp.
- Thế thì cái hoàn cảnh của chúng ta là một hoàn cảnh xấu. Chúng ta là những kẻ chẳng may. Và chúng ta đừng nên lấy cái địa vị ngày nay làm kiêu hãnh. Chúng ta đã có ở trong người một chút gọi là cái tinh túy của sự sống đâu.
Trọng Khang đứng dậy:
- Người ta bảo sự bàn cãi làm nảy ra chân lý. Nhưng tôi cho thứ chân lý ấy cũng chẳng bổ ích gì. Bởi vì loài người không sống bằng những cái mình biết, mà bằng những cái nó cấu tạo nên cái bản thể của mình.
Rồi trỏ tay lên hòn núi sụt:
- Chân lý ở trước mặt ta kia, sao cô cứ bỏ mồi mà đi bắt bóng? Đi, ông Giáp, để một mình cô ấy ngồi đây mà cãi lẽ.
Khánh Ngọc ném vội chiếc khăn ăn, đứng dậy:
- À, ra các ông định đi tìm chân lý một mình. Sao ích kỷ thế?
- Theo thổ nhân thuật lại thì núi này sụt đã ngoài ba mươi năm nay, sau một trận bão. Trước khi núi sụt, người ta thấy khói bốc nghi ngút, rồi thì những tiếng nổ long trời ầm ầm kế tiếp nhau trong một tiếng đồng hồ. Đất chuyền đi trong mấy giây. Khi đã yên lặng, người ta nhìn ra thì không thấy ngọn núi cao ngất trời kia đâu cả. Dân cư sợ hãi, ba tháng liền không ai dám mon men lại gần đấy.
- Có lẽ là cái điềm ở đây sắp có núi lửa bật ra.
- Cái đó thì mình chưa biết. Nhưng từ ngày núi sụt chẳng xảy ra chuyện gì cả.
Trọng Khang vừa nói, vừa trỏ những hầm đất rạn vỡ mà mấy chục năm vẫn để nguyên vẹn.
- Người Xạ-phang thì đào đất rỗng ruột, núi nặng nên sụt xuống.
Cả khối núi tuy chìm xuống nhưng ngọn nó còn nhô lên khỏi mặt đất chừng hai mươi thước. Xung quanh vây bọc những vết nẻ, vết rạn mà lúc ấy thì mới mưa nên nước đầy ăm ắp.
- Tiếc quá, chúng ta đến xem trong một ngày mưa. Chứ nếu tạnh ráo thì có thể nhìn rõ những dấu tích của khối đất bị lún. Lần đầu tiên, tôi đến đây, tôi có cái cảm tưởng như nhìn thấy một khối đá đặt trên một đống bùn sệt. Rồi cái trạng thái “vật đổi sao dời” hiện rành rành ra trước mặt. Tôi tự nhủ: “Ở đời, chẳng có cái gì bền cả, có chăng chỉ là cái luật lệ nó cai trị muôn vật và cái đà sống luôn luôn đi tới trong sự luân chuyển không ngừng của nó”.
Khánh Ngọc nắm lấy cánh tay của Trọng Khang để nhảy qua một khe nước:
- Cái luật lệ cai trị muôn vật biết đâu chẳng cũng có chỗ thay đổi. Ta không nhìn thấy thì ta bảo rằng không thay đổi đấy thôi.
Lội qua bao nhiêu khe nước, ba người trèo được lên đỉnh ngọn núi.
Khánh Ngọc dún dún hai chân rồi cười bảo:
- Giá trước kia nó chưa sụt, trèo được lên tới đây phải nhiều công phu lắm.
Trọng Khang nhìn nàng lặng im thì nàng lại nói tiếp:
- Nhưng công phu ấy lại được trả giá bằng những cái nhìn có thể xa đến tít mù khơi. Tôi đi từ Hà Nội lên đây kể thì vất vả lắm, nhưng được nhiều cái lợi to vô kể, ông Trọng Khang lợi to vô kể, ông Trọng Khang ạ.
- Mà cái lợi kiến kim ngay là đã biết được một chân lý...
- Một à? Nhiều nữa. Biết một cách sâu xa và rõ rệt. Trường đời to và rộng hơn trường học nhiều. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Lại toàn là những cái khôn đích đáng tìm thấy ngay ở trong miếng thịt nóng hổi của đời. Còn ở trường học thì chỉ toàn...
- Cô đừng nên nói xấu sự học nhiều quá. Ít nhất nó cũng cho cô những khí cụ để ứng dụng trong cuộc đời.
Khánh Ngọc nhìn Giáp rồi cười:
- Ông nói thế, chắc anh François bằng lòng lắm. Thì sự học đã chẳng làm cho anh ấy thành một ông kỹ sư cầu cống, bây giờ bất cứ làm ở sở nào cũng kiếm được tháng vài trăm. Và bất cứ đi đến đâu, cũng làm cho nhiều thiếu nữ phải thèm khát. Vì ai mà không thích làm bà kỹ sư nhỉ?
Những lời nói chế giễu ấy làm cho Giáp vừa đau đớn, vừa bực tức nhưng sắc đẹp lộng lẫy và cái gia tài hàng vạn, vẫn có sức cám dỗ người ta một cách mầu nhiệm, nên sự ức uất cứ phải phát lộ ra một cách ôn hòa:
- Những ý tưởng của Marie bây giờ đều phát sinh ra bởi một khối óc thiên lệch. Sự Marie lên đây, những lợi gì tôi chưa biết, chỉ biết Marie bây giờ có ở trong đầu nhiều thiên kiến lắm. Marie xét việc chỉ theo một phương diện. Vì thế sự hiểu biết thành ra hẹp lại.
- Cái đó thì cũng rất dễ hiểu. Vì tôi xét việc không lợi cho anh, nên anh cho là óc tôi hẹp. Nếu tôi có thiên kiến thì anh cũng là người ích kỷ. Thôi, thế chúng ta ngang nhau, đừng cãi nữa.
Với một người đã nghĩ, cảm như thế, còn phân trần gì được nữa. Giáp tự biết nếu còn nói nữa thì làm cho mình thành lố bịch trước con mắt kẻ tình địch. Chàng quay lại bảo Trọng Khang:
- Thôi bây giờ ông đưa chúng tôi đi tắm suối nước nóng chứ.
- Bây giờ đã quá hai giờ rồi. Tuy suối ở ngay dưới chân núi này, nhưng đi đường quanh co cũng mất đến hai giờ, tối mất. Mà chúng ta cần phải tìm chỗ để ngủ đêm hôm nay. Vả lại, tắm suối nước nóng mà tắm buổi trưa thì nó nóng lắm, nước lại không trong. Ta chờ buổi sáng tắm tốt hơn. Bây giờ, ta hãy tìm chỗ để ngủ đêm. Ta ngủ một giấc cho thật kỹ, rồi bốn giờ sáng mai ta dậy sớm, kéo xuống núi. Tắm xong, ăn cơm thì về đến nhà vừa năm giờ. Tôi vì chiều ý cô Khánh Ngọc mà đi như thế này, chứ đêm nay thì chưa biết ra thế nào. Những xóm Mèo ở chung quanh đây toàn là cướp giặc cả. Biết chúng nó có để cho chúng mình ngủ yên không?
Khánh Ngọc đương hát, ngừng lại:
- Thì đến chúng nó bắt cóc bọn mình là cùng, chứ còn thế nào nữa.
Nàng nói xong, dang hai tay, rồi cười to:
- Tôi chưa biết mùi vị của sự bắt cóc là thế nào đấy. Nếm một tí cũng hay.
Trọng Khang nhìn nàng bằng một cái nhìn trách móc:
- Nghĩ liều như thế thì còn nói gì nữa.