-- XXVII --

     ột giờ sau, cửa mở. Người mang chăn, quần áo, người gánh củi, người bưng một mâm cháo. Lại kèm cả một cái bàn đèn.
Một tên giặc ăn mặc ra dáng một tên đàn anh nói với Trọng Khang:
- Lão gia tôi bảo bưng bàn đèn xuống để các tiên sinh hút cho đỡ buồn. Lão gia tôi vì bận việc không thể xuống hầu tiếp được.
- Chú về thưa với lão gia rằng ngài đối với chúng tôi tử tế quá.
Cả bọn ra rồi, Trọng Khang bảo Giáp:
- Đấy ông xem, có cái cảnh bị bắt cóc nào mà lại được sung sướng như chúng mình không? Họ đối với mình tốt lắm, ông đừng buồn. Để tôi đi đốt lửa, rồi chúng ta ăn cháo và hút thuốc phiện. Ông cứ nên coi những ngày chúng ta bị giam ở đây là những ngày chủ nhật, chúng ta nằm khàn để tĩnh dưỡng, là tự khắc hết buồn ngay. Nào bây giờ ta học làm hỏa đầu quân.
Trọng Khang vừa mó vào đống gộc tre thì Khánh Ngọc đã tranh lấy:
- Ấy, ông phải để tôi học làm nội trợ chứ. Tôi nhớ lại thì hình như trong đời tôi, tôi chưa nhóm bếp một lần nào cả. Nghe đâu thì đốt đèn cồn vài lần để đun sữa thôi.
- Thế thì được, xin mời cô cứ học.
Rồi Trọng Khang ngồi khoanh tay nhìn Khánh Ngọc lúi húi mãi mà không nhóm lên được.
- Cô đã thấy chưa? Đốt đèn cồn với gây lửa để nấu cám lợn như thế này chẳng hạn là hai thứ khác nhau. Cô cứ để cả những cái gộc tướng như thế này, cho vào lửa đốt thì bao giờ cháy. Mở đôi con mắt cho to ra. Và nhớ phải trả tiền công ông thầy dạy nhóm bếp đấy nhé.
Trọng Khang lấy con dao chẻ một cái gộc thành những mảnh nhỏ đặt lên trên một cái hỏm đá, rồi chàng mới chất mấy cái gộc lớn lên trên. Dí mồi lửa vào, tre bắt ngay, chỉ một loáng, lửa cháy đùng đùng.
- Cô đã thấy chưa? “Ăn vóc học quen”, câu phương ngôn thật là chí lý. Cô không nhóm được, vì cô không bao giờ học làm cả.
- Đời tôi có ngờ đâu có những lúc này mà học.
- Đời tôi chắc cũng không ngờ, nhưng tôi cứ chịu khó nhận xét để cho biết. Biết được bất cứ thứ gì là lợi thứ ấy.
Trọng Khang cười tủm tỉm:
- Nhiều cái trông người khác làm thì rất dễ, nếu khi mó tay vào mới biết rằng khó. Bây giờ, tôi đã rõ cái gì ta cũng nên nhiệm nhặt và không thể bình phẩm hồ đồ. Chuyến đi này, tôi khám phá ra rất nhiều chân lý và tôi nhìn đời bằng con mắt khác xưa nhiều lắm.
- Tốt lắm, tốt lắm. Thứ con mắt ấy là thứ con mắt của người đã trải, đã cảm, đã đắn đo kỹ càng, nghĩa là đã sống một cách hữu ích cuộc đời mình. Sau này, nếu cô làm thầy kiện thì cô sẽ là một tay thầy kiện rất sõi.
- Tôi không bao giờ làm nghề ấy. Có lẽ rồi tôi mở trường dạy học.
- Cô nhớ đừng có “cóp” cái món dạy nhóm bếp của tôi vào chương trình đấy nhé.
- Cái đó còn để xem. Nhưng có lẽ tôi làm báo để truyền bá cho chị em một quan niệm mới về nhân sinh mà tôi vừa sống và tôi cho là đẹp đẽ.
Trọng Khang hắt một cái tàn lửa nó bắn vào chân:
- Ấy, việc đó tôi xin can cô. Tôi rất sợ những nhà ngôn luận chưa ráo máu đầu. Tôi đã đọc nhiều tờ báo mà trong đó các ông văn “sỡi” mới rời khỏi ghế nhà trường, nói giăng nói cuội như những ông tướng.
- Bây giờ tôi không còn trẻ nữa.
- Cô bao nhiêu?
- Tôi hai mươi ba. Nhưng tuổi thì kể gì. Ông chẳng vừa bảo bước đường luân lạc này đã khiến cho tôi sống bằng người một trăm tuổi ư? Bây giờ, tôi đã hiểu thế nào là sống một ngày bằng người khác sống một năm. Và có người sống một năm không bằng kẻ khác sống một tháng.
- Cô nói giờ ra vẻ một nhà báo và một triết nhân rồi. Coi chừng rồi các bạn đồng nghiệp lại công kích là thứ triết lý rẻ tiền.
- Phải, ở đời cái gì là chả tiền với những kẻ chưa có dịp sống sôi nổi để ngẫm nghĩ. Việc đời thoáng nhìn, cái gì chả thường như sự nhóm bếp kia. Nhưng ta có lăn theo cái đà sống của nó, ta mới rõ nó chẳng thường tí nào. Biết được, làm được là khó lắm. Tôi không biết có thành một tay viết báo có tài không, nhưng nếu tôi viết báo thì quyết là tôi coi thường sự đồng nghiệp công kích. Bởi tôi có một lòng tin mãnh liệt ở những tư tưởng mà tôi viết ra. Những tư tưởng ấy đã được lọc qua bao lần kinh nghiệm...
- Thế có nghĩa là cô đã nhận thấy cái khó ở trong những việc rất thường. Được lắm, được lắm. Chân lý có gì cao xa, bí hiểm đâu. Chỉ có những đầu óc bí hiểm và cầu kỳ không chịu nhiệm nhặt, nhận xét lấy nó trong những việc xảy ra hàng ngày đấy thôi. Thì cô xem những châm ngôn của các cụ để lại, thật rất giản dị, dễ dàng. Tỉ dụ như câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Thật là tầm thường, nhưng nó chỉ tầm thường với kẻ ngồi xó buồng, nhìn ra ngoài đời. Mà nó rất không tầm thường với kẻ đã đi một ngày đường. Tôi chúa sợ những người dòm vào quyển sách mà bàn việc thiên hạ. Cái gì họ cũng cho là tầm thường và rẻ tiền. Mà họ quên khuấy đi rằng rẻ tiền ấy là khối óc, trái tim họ chưa được đem ra thử thách với nước, lửa của trường đời. Những chân lý của cuộc đời chỉ là vật sở hữu của ta, khi nào ta đã sống nó. Chứ ăn cắp ở sách và nói thánh nói tường thì ai là chẳng nói được. Chê người rất dễ mà xét được lỗi ta rất khó.
- Xét mà lại sửa được.
- Biết được, nhưng làm được thì lại khó hơn một bực nữa. Thương người cũng dễ, nhưng có những cử chỉ thương người mới khó.
Trọng Khang vừa nói vừa nhìn Khánh Ngọc. Khánh Ngọc hiểu ý cúi đầu.
Đống lửa đã cháy to, than đã đỏ rực, Trọng Khang dập những mảnh tre nhỏ để cho lửa cháy nhom nhem.
- Thôi bây giờ hẵng xếp những triết lý lại, ta đi ăn, không cháo nguội.
- Tôi không đói, François có đói thì ăn đi.
- Tôi cũng không đói.
- Bây giờ ông và cô chưa đói, nhưng rồi sẽ đói. Thôi, húp tạm một bát, chứ không tối đói thì không thể như ở nhà, moi “bích-quy” ra ăn được đâu.
Trọng Khang khêu ngọn đèn dầu lạc:
- Tối nay, Vương lão gia có bụng tốt mời thì ta hút cho thật say. Nhưng mai có mời thì ta phải khước đi. Bởi ở vào cái cảnh buồn bã như thế này, cứ hút mãi thì nghiện mất.
- Phải đấy, hôm nay ông cho tôi hút say. Tôi thấy người tôi buồn bã thế nào ấy.
- Hút thế thì có thể hết. Nhưng cái lối này gọi là lấy thuốc độc mà chữa bệnh đây. Bệnh khỏi, thuốc độc ngấm vào người.
Trọng Khang tiêm luôn cho Giáp ba điếu.
Đến khi đưa mời Khánh Ngọc, Khánh Ngọc từ chối:
- Đêm qua tôi đã hút rồi.
- Cô không hút thì thôi. Nhưng tôi, tôi hút hết chỗ thuốc này, để thử sống cái đời lười biếng mơ màng một đêm xem sao. Thứ đời ấy, đã lâu lắm tôi không được sống. Nay có cơ hội, sao lại bỏ qua?
- Cơ hội? Chẳng qua bây giờ ông không sống thế, thì cũng chẳng còn cách sống nào hơn. Ông là hạng người biết lợi dụng tất cả các cơ hội, không bỏ qua một thứ kinh nghiệm nào của sự sống. Tôi đã hiểu vì lẽ gì, óc ông và lòng ông rộng rãi hơn tôi và François. Ông chớ cho François hút nhiều, nhỡ thoát đây về mà nghiện thì thật là tránh cái tai nạn này để đâm đầu vào cái tai nạn khác.
- Không hôm nay tôi phải hút say. Tôi thấy buồn lắm.
Khánh Ngọc lấy tay hắt lên nhứng sợi tóc xòa xuống má Giáp:
- Lấy thuốc phiện để chữa cái buồn là một việc dại dột. Mai đây thuốc phiện tan đi, cái buồn vẫn còn lại, lại đèo thêm bao nhiêu chất độc ở trong người. Thôi, tôi chỉ cho anh hút ba điếu.
Giáp đã bao phen bị Khánh Ngọc hất hủi, nay thấy nàng ôn tồn, thân mật với mình, mừng hớn hở:
- Marie đã cấm thì tôi thôi. Ông hút cả đi.
Chàng nói xong, cầm bàn tay Khánh Ngọc hôn, Khánh Ngọc không rụt tay lại, chỉ liếc nhìn Trọng Khang bằng một cái nhìn nó như bảo: “Tôi đã thực hành bài học thương người mà ông vừa dạy tôi đấy”.
Trọng Khang cứ nhìn vào cái diện, giả vờ như không hiểu gì hết.
- Thôi thế được, để tôi hút cả. Cô và ông có buồn ngủ, cứ đi ngủ trước đi. Tôi thì ít nhất cũng phải đánh vào lượt xái. Hôm nay tôi sẽ sống hoàn toàn một đêm cái đời của người nghiện.
Rồi rờ ấm tích:
- Chỉ tiếc nước không được nóng mấy. Và chúng nó móc cả, chẳng để cho mình một điếu thuốc lá nào.
Khánh Ngọc đang nằm nhổm dậy:
- Ấy, đấy tôi còn gói thuốc lá thơm để ở túi trong, chúng nó không móc đến.
- Ồ, thế này thì đêm nay, tôi sung sướng hoàn toàn. Nhưng chúng ta còn bị giam ở đây lâu, cô còn có những lúc phải cần đến thuốc lá, tôi chỉ lấy hai điếu thôi.
- Ông cứ hút cho thật sung sướng. Tôi chịu ông bất cứ bao giờ, ở đâu, ông cũng tìm được cách sống hoàn toàn và đầy đủ những phút sống của đời ông.
- Ấy, cái bí quyết những nguồn vui của đời tôi là ở đấy. Nhưng có một người lúc này không vui là ông Phó. Chắc ông ta khóc hết nước mắt.
- Và ba tôi nữa.
- Nhưng có những lúc khổ thế này thì cái phút vui khi chúng ta trở về lại càng vui hơn. Ở đời, bất cứ cái gì cũng có ích cho loài người để đi sâu vào sự sống.
- Có khác là có những cái sống đẹp đẽ và những cái sống thấp hèn.
Không một câu nào là nàng không ám chỉ Giáp.
Trọng Khang ngồi dậy, đánh xái không trả lời. Và từ đấy, chàng chỉ hút mà không nói chuyện gì nữa. Khánh Ngọc thì nằm chăm chú nhìn chàng và tìm hết cách để không cho Giáp đụng được vào người mình.
Khi đã hút hết ba lượt xái, Trọng Khang vừa bưng bàn đèn lại cất ở một góc buồng thì Khánh Ngọc đã lôi ngay chăn nằm ra giữa chiếu để bắt buộc Trọng Khang phải nằm cạnh mình.
Lúc ấy, Trọng Khang xét thấy không thể tàn nhẫn được nữa. Chàng lại ổ tranh, thản nhiên bảo Khánh Ngọc:
- Ấy, cô nằm thế không được. Cô nằm trong ông Giáp nằm giữa, tôi nằm ngoài. Nhỡ có xảy ra chuyện gì chẳng lành thì người ta phải bước qua hai lần người mới đến cô. Chiều nay lạnh, chăn dạ của chúng ta phải nửa nằm, nửa đắp.
Khánh Ngọc không phải là hạng người không biết chống cự một cách quyết liệt những tình cảm thiêng liêng của lòng mình.
- Cái lần người của François có nghĩa gì! Không, tôi phải nằm giữa, không nằm cạnh ông, tôi sợ lắm, không ngủ được.
Trọng Khang không làm sao được, phải bằng lòng. Nhưng trước cái cử chỉ rắn rỏi ấy, chàng thấy lòng mến phục lại tăng lên.