-- VIII --

     hánh Ngọc toan lên ngựa thì Trọng Khang cản lại:
- Cô cưỡi ngựa tôi. Ngựa của cô không lên nổi dốc này đâu. Nội đây, chỉ có con ngựa của tôi là lên được, nhưng cũng phải lên một cách chật vật.
Rồi gọi ông Phó:
- Ông đi dắt ngựa để cô lên. Nhớ lâu lâu cho nó nghỉ thì nó mới còn sức mà lên. Coi chừng không cô ngã thì khốn đấy.
Quay sang Giáp:
- Thôi chúng ta chặt lấy mỗi người một cái gậy, để ngựa cho chúng nó dắt, chứ không tài nào cưỡi ngựa được đâu.
Giáp ngước đầu nhìn lên đỉnh núi cao vút:
- Phải, tôi trông cũng khiếp lắm.
- Ông nhớ đi từ từ, đừng có cố. Cố thì đến lưng chừng, đứt hơi đấy.
Muốn tưởng tượng được hết sự vất vả khi lên cái dốc Khấu Chẩn này, phải biết rõ khi người ta xuống nó thế nào.
Là một con đường ngòng ngoèo dài chừng sáu bảy cây số, nối ngọn núi đến bờ sông, ấy thế mà san bằng, người ta đo từ ngọn núi ra bờ sông chỉ độ ba bốn trăm thước.
Một cái dốc vô cùng vĩ đại mà mỗi khi xuống nó, ai cũng đều phải chạy như bị giặc đuổi. Mỏi quá, muốn nghỉ, người ta phải bám lấy thân cây ở bên vệ đường, rồi ngồi sệp xuống, chứ không thì thế nào cũng bị lăn băng đi. Tuy chạy, nhưng mắt lúc nào cũng phải chăm chăm nhìn vào con đường, chờ đến chỗ ngoặt, phải lái ngay mình theo nó, chứ không thì thế nào cũng bị đâm bổ xuống dòng sông.
Sáu cây số đường dốc ấy, một người khỏe và đã xuống quen, chỉ đi mất có gần nửa giờ. Nhưng trèo lên, thì một người giỏi đến đâu, cũng mất xấp xỉ hai giờ. Có nhiều người yếu không trèo quen, lên khỏi dốc, nằm bệt, rồi phát sốt, phát rét ầm ầm.
Ít người ở trên đỉnh núi xếp đá gỗ lăn xuống thì một vạn quân cũng không thể lên. Đá lăn xuống chạy mạnh đến nỗi nhiều khi có tiếng rú lên như còi báo động.
Ông Nam Long đã lên một lần, nên ông đã rõ biết sự khó khăn. Ông mua sẵn một chiếc ba toong đầu bịt sắt nhọn. Lúc bắt đầu lên, ông sai hai người khỏe mạnh đi cùng để đỡ cho ông. Tuy thế, ông cũng phải nghỉ mười chặng mới lên đến trên đỉnh núi, ông phải vào ngay nhà lý trưởng Cờ Cái nằm vật ra đến nửa giờ mới lại hồn.
Khánh Ngọc nhờ có con ngựa và nhờ ông Phó là người đã thông thạo, nên trèo lên cũng không mệt nhọc mấy.
Nhưng nhiều khi dốc quá, nàng tưởng chừng như tuột khỏi lưng ngựa, nàng rú lên, rồi ôm lấy cổ ngựa.
- Cô không sợ, ngựa của cậu con nó lên quen rồi.
- Nhỡ đứt thắng đái thì chết.
- Không. Yên ngựa của cậu con thửa riêng thắng đái để leo dốc, chỉ bện năm lần, không tài nào đứt được.
Giá cứ thả ngựa cho lên, thì Khánh Ngọc thế nào cũng đến đỉnh trước mọi người. Nhưng một vì nàng thương con ngựa, thương ông Phó và muốn chờ Trọng Khang và Giáp nên nàng cứ cho ngựa nghỉ luôn.
Trời nắng như đốt, mồ hôi nàng vã ra ướt đẫm cả chiếc áo ngoài, con ngựa thì mình như dội nước.
Trọng Khang dìu Giáp lên được chừng một cây số thì Giáp đã thấy run chân và hoa mắt. Ngực đã như bễ thổi.
- Tôi khát nước lắm.
- Thế ta hẳn ngồi nghỉ ở cái mỏm đá này vậy.
Trọng Khang lấy bình nước đeo ở vai rót ra một chút đưa cho Giáp.
- Trời ơi! Ít thế này sao đủ khát được?
- Ấy, đừng nốc cả một hơi, ông chiêm chiếm tí một. Trời nắng, leo dốc, không nên uống nước nhiều. Càng uống nước mồ hôi càng ra. Dù uống bao nhiêu cũng không hết khát được. Ông phải chịu khó nhịn.
Đá núi bốc ra nóng chín người. Gió núi thổi vù vù. Giáp toan cởi áo ngoài thì Trọng Khang đã vội cản:
- Ấy cảm chết! Nắng thế này, mệt thế này, cần phải mặc ấm.
Lên được bốn cây thì Giáp đã thấy cứng chân, tim trong ngực đập mạnh như muốn đứt ra.
- Nghỉ một chút, chứ tôi không thể nào đi được nữa.
Trọng Khang lái Giáp vào một gốc cây, rồi gọi một tên mã phu nắn gân chân cho Giáp, Giáp nằm thẳng cẳng gối đầu lên một hòn đá. Tên mã phu bóc một múi chanh đưa cho Giáp. Giáp nhai ngấu nghiến ngay.
- Ồ, cái nị ngậm chứ, lại nhai thì khỏi mệt làm sao được?
Trọng Khang nhìn bạn đồng hành, ái ngại:
- Ông cố đi một chút nữa, chỉ còn hai cây thôi.
Giáp mệt quá, lặng im, không trả lời, và có lẽ cũng không nghe tiếng.
Nghỉ được mười phút, Trọng Khang lại giục:
- Thôi ta dậy chứ. Chiều nay phải đến Động Diêm sinh mới nghỉ cơ mà.
Giáp gượng gạo đứng dậy:
- Trời ơi! Không bao giờ tôi bị mệt như bây giờ. Dốc gì mà dốc ghê gớm như thế.
Ngửng đầu nhìn con đường cháy nắng một cách kinh hãi:
- Thế ông không mệt à?
- Cũng mệt chứ, nhưng chúng tôi chịu đựng quen, mệt gọi là thôi. Ông chiếp một ngụm nước nữa rồi ta đi.
- Gần đến rồi chứ?
- Vâng, gần đến rồi.
- Xa nữa thì tôi đành chịu. Đầu tôi nhức lắm. Ông có dầu bạc hà đấy không?
- Đầy tớ tôi nó cầm cả. Để đến Cờ Cải, rồi xoa một thể.
Lần này, Khánh Ngọc nhất định chờ hai người. Đến một gốc cây, nàng xuống ngựa. Gặp ai đi qua, nàng cũng hỏi. Đều một câu trả lời:
- Còn nghỉ lại sau.
Nhìn đồng hồ tay, thấy chờ gần một giờ mà hai người chưa lên, nàng băn khoăn hỏi ông Phó:
- Sao lâu thế, hay ngã nghiếc làm sao? Hay xảy ra việc gì?
Ông Phó trả lời bằng một giọng tin tưởng:
- Có cậu con thì quyết không xảy ra sự gì được cả.
Khánh Ngọc mỉm cười:
- Cậu ông “ghê gớm” thế cơ à?
Hỏi dứt miệng, nàng vụt có vài cảm giác như thèn thẹn, thẹn vì nàng đã vô tình nhắc lại hai chữ ghê gớm mà Trọng Khang đã nói với mình ở Sủi-ón-lừng. Rồi thì tất cả những việc hôm ấy hiện đến trước mặt nàng. Nào lúc Trọng Khang bắn súng, nào lúc kể chuyện thê thảm, nào khi ném dây cho người trên mảng, nào lúc dắt ngựa lần dây bơi qua sông, nào lúc Trọng Khang cởi giày cho mình. Không hiểu sao lòng nàng bỗng thấy rạo rực một khoái cảm. Nàng thấy hai tai bừng nóng. Nàng bâng khuâng nhìn ông Phó, chờ câu trả lời.
Ông Phó vẫn thản nhiên, vẫn một giọng tin tưởng mãnh liệt:
- Leo cái dốc này, cậu con coi vào cái mùi gì. Có ông Giáp trông bị thịt như thế thì mệt, chứ cậu con ít khi mệt lắm. Nhiều lần, nước lũ lên to, sợ người làm cuốn gỗ không kịp, cậu con cũng xuống suối vần gỗ với chúng con cả ngày.
Cậu con tuy trông mảnh khảnh như thế, nhưng khỏe vô chừng.
Ông Phó vốn ít nói nhưng lần này, cạnh người đàn bà này, ông Phó thấy cần dùng phải nói nhiều về chủ mình, sự cần dùng ấy sinh ra bởi lòng ông bị ép trong hai ngày hôm nay dưới sự thắc mắc: không biết chủ có cho đi theo không. Người chủ đang giàu, vụt bị nghèo, hiện ra ở trước ông với bao nhiêu tính nết tốt đang ca tụng, và xứng đáng với tấm lòng trung thành, luyến ái của ông. Nếu Khánh Ngọc không ngắt lời thì có lẽ ông còn nói, nói nhiều nữa, nói cho hả cái lòng vui sướng được đi theo chủ. Ông càng muốn nói với Khánh Ngọc vì nhờ Khánh Ngọc mà ông được cái sung sướng ấy. Lúc này, ông thấy yêu Khánh Ngọc một cách lạ thường, ông cảm thấy ông có thể hy sinh cho nàng cũng như hy sinh cho chủ.
- Tại sao cậu không cho ông đi theo?
- Vì cậu con bảo một khi đã phải đi làm công thì không thể đem đầy tớ theo. Con thì con nghĩ khác.
- Ông nghĩ thế nào?
- Con nghĩ cậu con càng nghèo, càng khổ bao nhiêu, con càng cần phải theo để hầu hạ bấy nhiêu. Sáng ngày, cô nói cho một câu, con ơn cô quá. Thấy nghèo mà bỏ đi thì lòng con không đang cho được.
Ông Phó nói xong, lại ứa nước mắt.
- Tại cậu ông không cho ông đi theo, chứ có phải ông bỏ đâu.
- Thì cũng gần như là bỏ. Xưa nay, con không dám trái ý cậu con bao giờ, nhưng sáng hôm nay, thì con liều lắm. Nhất là cậu con giết con thì thôi, chứ còn sống thì con thế nào cũng phải theo. Không có cô sáng hôm nay thì không biết cậu con xử trí với con ra sao. Nhưng dù thế nào thì thấy con khóc lóc, cậu con cũng đến phải bằng lòng. Bởi tuy cậu con ngoài miệng rất ác, nhưng lòng thì tốt lắm.
- Và cũng thương ông.
- Thương thì hẳn là thương rồi vì con bế cậu con từ tấm bé. Mấy hôm trước đây, cậu con còn giàu, tiền trăm, tiền nghìn đều giao phó cho con. Ăn tiêu trong nhà, mọi thứ đều một tay con, không bao giờ cậu con hỏi con đã mua gì, còn bao nhiêu. Mà con thì cẩn thận không suy ly đi đâu của cậu con một xu.
- Thế cậu ông trước kia có giàu lắm không? Làm sao mà chóng hết thế?
- Giàu lắm thì không giàu, nhưng cũng có vài ba vạn. Vì trận bão hôm nọ, bao nhiêu bè gỗ đắm hết. Con thì khóc lóc lo cuống cuồng, cậu con cứ thản nhiên. Lắm khi thấy con buồn, cậu con còn mắng con nữa: “Tôi có chết đâu mà ông đã khóc. Còn người thì còn của. Gặp cơ hội, chỉ một việc lại có bạc vạn ngay, sao ông đốn mạt và hèn thế?”.
Rồi cậu con dọa đuổi con về nhà quê, con nẫu cả ruột, mà cứ phải gượng làm vui để khỏi bị đuổi đi.
- Cậu ông buôn gỗ từ bao giờ?
- Từ năm cậu con hai mươi, nghĩa là bảy năm nay rồi. Hai mươi tuổi cậu con đã lên rừng, lên núi, sang Tàu, đi khắp, chẳng sợ cái gì cả.
Khánh Ngọc ngồi tần ngần một lát, rồi lại hỏi:
- Thế trước kia cậu ông học ở đâu, đỗ gì không?
- Cậu con học đâu hay đỗ gì thì con không biết, bởi ngoài công việc ra, con có dám hỏi gì cậu con đâu. Cậu con cả ngày mặt cứ nghiêm như ông thần, còn ai dám hỏi gì nữa. Nhưng con nghe người ta nói cậu con giỏi lắm, bởi không cái gì là cậu con không biết. Nội vùng đây, ai có điều gì đều cũng phải đến hỏi cậu con cả, từ ông kiểm lâm, ông đồn, ông châu. Ngoài thì giờ làm việc và đi bắn, cậu con xem sách cả ngày. Trước khi cậu con đi nằm, bao giờ con cũng phải đem quyển sách cậu con xem dở ngày hôm ấy để trước vào đầu giường. Mỗi lần, cậu con về Hà Nội đều mua hàng hòm sách lên. Cậu con đọc, đọc cả ngày. Có nhiều lần, cô con ở Hà Nội cũng gửi lên nữa.
Khánh Ngọc bỗng hình như thấy trái tim mình mó máy. Nàng cố mãi mới hỏi ông Phó được một câu:
- Cô... nào?
- Cô, em gái của cậu con.
Đương ngồi, nàng vụt đứng dậy, đứng dậy để xua đuổi những tiếng gì nó đang xào xạc ở trong đầu nàng. Tuy thế, nhưng nàng cũng có cái cảm tưởng rằng con mắt của ông Phó đang nhìn chằm chằm vào mình; và hình như đã biết những tư tưởng nó đang xao động ở trong thần trí mà chính nàng, lúc ấy, cũng không biết là tư tưởng gì. Nàng chỉ nhận thấy rằng nó có, nó có hiển nhiên ở trong người nàng mà thôi. Nàng vội vàng đánh lảng sang chuyện khác.
- Trời hôm nay nóng quá nhỉ? Quái! Tại làm sao mãi chưa thấy lên?
- Chắc vì ông Giáp mệt, cậu con còn phải dắt ông ấy.
Ông Phó nói xong trèo lên cành cây nhìn xuống, rồi ông reo lên:
- Kia rồi, con biết ngay mà. Ông Giáp mệt quá, không lê chân đi được nữa. Cậu con phải xốc nách cho ông ấy.
- Đâu, đâu? Xuống đi, cho tôi trèo lên xem nào.
- Cô đi giày “nhọn” gót thế này thì trèo sao được.
- Ông tưởng thế. Tôi trèo giỏi lắm cơ. Ông xuống đi để tôi trèo lên ông xem.