Người lạ


Gò Thần

     huộc về tổng Thượng Ấm, châu Sơn Dương có một cái gò đất, tục gọi là gò Thần.
Cổ lai, dân tổng không người nào dám bén mảng đến đấy chém tre, ngả gỗ hay đốt phá gì cả.
Thế mà, một ngày kia, mãn lính về làng, bếp Nai, vì tham chỗ đất tốt, dám quả quyết phát gò Thần để tra lúa. Bà con can ngăn hết lẽ, bếp Nai cứ khăng khăng ý mình, lại cam đoan rằng nếu xảy ra tai nạn gì, bác ta xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trước thái độ ngang bướng ấy, mọi người đành chịu bó tay, chờ sự phi thường mà họ chắc trước thế nào rồi cũng không tránh được.
Nhất là các cô gái chưa chồng, mỗi lần thấy anh chàng bảnh trai nọ vác dao, rìu đi qua, lại càng chỉ trỏ bàn tán dữ lắm. Cô nào không tơ vương hoặc đã bị bếp Nai hờ hững thì đều bĩu môi bĩu miệng, cho anh ta là một kẻ ngỗ ngược xằng, có ngày lo không trắng mắt sớm! Còn những cô đã cùng bếp Nai hát một đôi lần, đều không bình luận gì, nhưng trong lòng đều lấy làm băn khoăn lo ngại và thường kiếm những lời tha thiết can ngăn anh ta.
Dù chê trách, dù khuyên lơn, anh chàng chỉ cười nụ, ưỡn cái ngực nhà binh một cách bệ vệ, ra dáng ta đây chẳng cần gì!...
Rồi nương cứ phát, hạt giống cứ tra. Đất tốt, lại thêm có màu tro, nên ngoảnh đi ngoảnh lại, lúa đã xanh rờn, rồi đâm bông, rồi kết quả...
Một buổi chiều, bếp Nai nhân rỗi việc, vác dao ra thăm nương, thì thấy lúa bị nát nhiều chỗ mà, trên mặt đất mềm, dấu chân hãy còn tươi:
- Vẩy, có lợn về quấy nè! Tối hôm nay phải thức keng mới được!
Lập tức chàng ta lận vào gò, chém mấy tàu lá cọ và mấy cành tre gai, dựng sơ cái túp nhỏ trên bờ nương để sẵn.
Đêm đến, chờ khuya khuya, bếp Nai lẳng lặng thắt dao, vác súng ra đi. Một mình ngồi trong chòi canh, bác bếp chú hết tinh thần vào sự trông nghe...
Trời tối như mực...
Trước mặt bếp Nai, rừng ruộng, núi đồi, chỉ là một cái hốc sâu đen tối. Trong khoảng mịt mù, anh lắng nghe tiếng gió thét đầu cành, sương gieo ngọn cỏ, dòng ngòi róc rách chảy như tiếng nói thầm đâu đó...
Thời khắc qua.
Bếp Nai, ngồi rình đã lâu lắm, dần dần thấy mỏi mệt, rồi thiu thiu ngủ...
Gió vẫn thổi, sương vẫn rơi, dòng ngòi cô tịch vẫn chảy âm thầm trong đêm tối.
Đột nhiên, bếp Nai ngồi nhỏm dậy và lắng tai nghe.
Thì ra, ngoài những tiếng động rất quen của đêm rừng, bếp Nai vừa thấy một tiếng gì khác thường. Tiếng ấy, trước còn rụt rè, sau mạnh bạo và rõ rệt hẳn... tiếng lúa bị quần rạo rạt... tiếng răng nhai khầm khập, tiếng thở phì phào... Đích rồi! Có thế chứ! Quen mùi cũ, con lợn lại lần về phá hại...
Bếp Nai mở cò nạp đạn, rón rén bò ra khỏi chòi. Anh nín thở, lắng nghe, vượt lên mấy bước, dừng lại, chống tay nghển cổ nhìn. Lòng bếp Nai mừng khấp khởi...
Con lợn vẫn mải ăn. Rồi, hai đằng chỉ còn cách nhau độ hai mươi bước. Tiếng răng nhai lúa động vụt cái im bặt. Bếp Nai nằm rạp xuống. Con lợn đánh hơi rầm rĩ. Lâu lâu, chừng không ngờ vực gì nữa, nó lại bắt đầu nhai chộp choạp. Bếp Nai se sẽ vục dậy, quỳ gối, tì súng lên vai ngắm... “Đoàng”... tiếng nổ xé tan cái lặng lẽ... tiếng lợn hộc... tiếng cỏ tranh động roàn roạt... Đồng thời, khẩu súng băng đi đâu mất. Bếp Nai choáng người. Xưa nay có thế bao giờ!
Trời sáng.
Trên đỉnh núi phương Đông, mây trắng lấp lánh như màu bạc mới. Rừng cây mờ mờ trong sương trắng. Không khí mát lạnh, rung lên vì những tiếng chim đua hót...
Bếp Nai cúi nhìn. Trong đám lúa bị giày xéo, vết máu còn tươi. Những dấu chân in mặt đất rõ mồn một. Vậy mà lạ thay! Ngoài mảnh nương, không thấy gì nữa, cả khẩu súng cũng chẳng biết bắn đi đằng nào!
Bếp Nai vừa bực mình vừa hổ thẹn, một mạch về nhà. Nấu cơm ăn xong, anh định trở ra nương lần nữa, thì đầu óc anh bỗng choáng váng, tinh thần anh bàng hoàng, anh phải vào giường nằm...
Ngoài cửa, chợt có hai người đàn bà gọi to lên rằng:
- Bếp Nai! Bếp Nai sao dám bắn chết lợn của ta?
- Có lợn không giữ để phá lúa của tôi, chẳng bắn chết thì sao!
Hai người giận lắm, vớ gậy đập đánh bếp Nai túi bụi. Anh hoảng kinh, nhảy mạnh và trong nhà...
Thì ra một giấc chiêm bao. Bếp Nai ngẫm nghĩ:
“Cứ như lời thần mộng, con lợn rừng hẳn đã chết rồi.
Anh vội ra ngòi, vớt nước rửa mặt, đoạn rủ thêm hai người bạn thân nữa cùng nhau lên nương tìm.
Theo dấu chân, vết máu, ba người biết rằng sau khi bị đạn, con lợn rừng nhảy phóng vào búi tranh nhưng cớ sao tìm tòi mãi, chỉ thấy có một tảng đá mốc? Ba người nhìn nhau lấy làm lạ. Bếp Nai chém một đoạn nứa tép làm điếu, rủ bạn hãy cùng ngồi lên tảng đá hút thuốc đã. Một người bỗng nói to lên rằng:
- Quái lạ! Hòn đá này sao lắm ve thế?
- Ừ nhỉ! Mà con nào cũng béo núc ních, to bằng hạt ngô một.
- Lần thứ nhất thấy thế này vậy. Ve có ở đá bao giờ. Nó chỉ bám vào nai lợn để hút máu. Lỡ con nào bị chết, máu đọng và nguội nó mới chịu nhả mà thôi. Điều ấy các bác hẳn rõ chứ?
- Ai còn lạ gì. Nhưng thôi, tìm lợn không thấy, ta hãy xét khẩu súng đã.
Bếp Nai chịu là phải. Ba người lại tìm đến quá trưa, mới thấy khẩu súng ở bờ ngòi, cách nương lúa có đến bốn cột dây thép.
Mất cái hy vọng chén sơn hào, ba người tiu nghỉu kéo nhau về.
Năm hôm sau. Lúa đã chín đỏ. Bếp Nai đem lạt giang, đòn xóc liềm ra cắt gánh về.
Hôm ấy, tuy đã cuối thu mà nắng vẫn gắt như mùa hè. Vầng thái dương chói lọi trên vòm trời trong biếc. Dải Lịch Sơn lờ mờ sau đám hơi nóng bốc ngùn ngụt. Ánh nắng nhảy nhót trong đám lá cây rung trước gió. Vẻ thu chỉ biểu lộ trên mấy đám cỏ gà cằn cỗi, trên cái màu vàng nhuộm ố sắc cây xanh, trong luồng gió hanh hao thổi hút nhựa, đốt cháy cả thảo mộc. Những con ruồi, con dĩn bay lao xao, bay cố lấy một ngày cùng tận nữa, để rồi rũ xuống, lẫn với cát bụi...
Trong không khí lặng lẽ, phảng phất cái buồn của sự tàn tạ.
Bếp Nai vẫn làm mải miết, nhưng chốc chốc lại ra bờ nương ngồi nghỉ, hút một hơi thuốc, uống một hụm nước, hoặc kéo mảnh vải gai lau mặt, vẩn vơ nhìn lá rụng mây bay. Tự nhiên, chàng ta phồng lỗ mũi hít mạnh không khí chung quanh:
- Quái! Gì như mùi chuột chết ấy nhỉ?
Thật thế, một mùi hôi thối nồng nàn theo chiều gió bay lại. Bếp Nai chợt nghĩ đến con lợn rừng.
Anh đứng phắt dậy, lại theo lối tìm hôm nọ, lần vào búi tranh. Đến trước hòn đá mốc, bếp Nai đứng lặng đi, mắt giương to, mồm há hốc tỏ ra vẻ kinh ngạc vô cùng. Anh khẽ liếc mắt nhìn quanh, đằng hắng lên mấy tiếng, thử xem mình tỉnh thực hay mê.
- Trời ơi, có lẽ nào thế?
- Cái gì đấy, bác bếp?
Bếp Nai giật mình quay lại, thì hai người bạn thân của anh cũng vừa ở ngoài nương bước vào.
- Này, các anh! Có phải hôm vừa rồi, ba chúng ta ngồi hút thuốc trên một hòn đá không nhỉ?
- Sao anh hỏi dớ dẩn thế?
- Nhưng có phải thế không đã?
- Phải! Lúc ra về, chính anh còn gác cái điếu cày vào cạnh hòn đá ấy mà lại.
- Giờ các anh thử nhìn lại hòn đá ấy xem nào!
Hai người tiến đến cạnh chỗ bếp Nai đứng, vừa nghển cổ nhìn theo tay anh chỉ, bỗng kêu thất thanh:
- Ồ lạ! Lạ quá nhỉ!
Lạ thật! Tảng đá mốc meo ba người vừa ngồi hút thuốc hôm nọ, giờ đã biến thành một đống dòi lúc nhúc trên bãi thịt nát thối tha...

HẾT


Xem Tiếp: ----

Truyện Người lạ Lời giới thiệu Người lạ Ma thuồng luồng Ma hay bóng dáng người chết, thần hay thực thể tâm linh, chủ yếu tạo áp lực nắm bắt cuộc sống đầy đủ, đa chiều. Nói khác đi, khi kể chuyện ma, thần là đi tìm những cách cắt nghĩa con người ở hai nơi cùng lúc (bilocation) sao cho tường tận, hấp dẫn. Hơn nữa, việc nhân cách hóa ma, thần để can thiệp vào thường nhật, bao giờ cũng vậy, ẩn giấu những bài học đối nhân xử thế, lời khuyên can, nhắc nhủ. Do đó, được giao tiếp với cái thiêng, cái kỳ quái, trong thời đại trưởng thành tư duy khoa học, vẫn là thèm muốn tự thân. Chính ở tập truyện này, Lan Khai cũng chủ ý nhấn mạnh văn bản của mình như là sản phẩm được kể lại (“Người lạ”, “Ma thuồng luồng”), được chắt ra từ thần tích, sự tích (“Con thuồng luồng nhà họ Ma”, “Mũi tên dẹp loạn”, “Gò Thần”) để thuận bề nghiền ngẫm, giải thích thực tại. Nhìn theo hướng này, sẽ thấy không có gì quá mâu thuẫn giữa Lan Khai Truyện đường rừng và Lan Khai Lầm than (1938), Mực mài nước mắt (1941). Tất cả đều xuất phát từ ngòi bút mạch lạc, điềm tĩnh và tấc lòng giàu cảm thương nỗi đời. Truyện đường rừng kéo sự dị biệt, xa xôi trở về với những nỗi khổ trần gian ở đâu cũng gặp. Riêng ở vùng cao bi kịch còn đến từ thiên nhiên dữ dằn, từ tình thế gieo neo, đơn độc và bệnh tật giày vò. Nhưng điều Lan Khai khâm phục ở các tộc người “dã man” không phải chỉ giỏi chịu đựng, mà dễ tạo niềm vui riêng. Tránh thái độ miệt thị với kẻ khác gốc gác cộng đồng, giờ đây nhìn lại cũng là một đóng góp tích cực của Lan Khai cho quá trình đồng đẳng văn hóa trong hiểu biết, tôn trọng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mai Anh Tuấn
An Yên, tháng Ba/2016
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: casau
Nguồn: casau - Vnthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 6 năm 2016

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--