Người lạ


Con thuồng luồng nhà họ Ma

     gày xưa, về dòng họ Ma, có một người đàn bà rất nghèo. Cách sinh nhai duy nhất của người ấy là ngày ngày xách giỏ ra ngòi đánh cá.
Một buổi sớm mùa thu kia, dưới vòm trời trong vắt, núi xa mơ màng trong bức màn sương mỏng, cây rừng im lặng như nghĩ đến nỗi vàng úa nay mai. Những đám lau lách bạc đầu, ngất ngưởng trước làn gió nhẹ, như các ông già đã gác bỏ sự đời. Chim ngàn thú nội, ngẩn ngơ vì cái lặng lẽ chung quanh, cũng ngậm hơi kín tiếng. Còn hoạt động có chăng một dòng ngòi róc rách chảy xói vào những hòn đá trơ trơ, hình ảnh thời gian cố gắng mài mòn hết thảy sự vật trên đời.
Trời còn sớm lắm. Những trận gió mai còn ẩm sương đêm. Và, dưới cỏ, tiếng trùng chưa nín bặt. Tuy vậy, người đàn bà kia đã manh áo che thân, xách giỏ ra ngòi kiếm cá. Chị ta lội xuống ngòi, hai tay vớt nước lên rửa mặt. Xong đâu đấy, chị mới dám đưa cặp mắt ngơ ngẩn nhìn quanh. Nước ngòi mát lạnh không xóa hết những vẻ nhọc nhằn, chán nản đã in thành những vệt dăn sâu trên cái dung nhan những hom hem vì đói. Chị ta nhìn thiên nhiên mà thở dài. Rồi, nỗi lòng nao nao, chị chàng khẽ cất tiếng hát. Cái giọng hát mới buồn làm sao!
Chị chàng bắt đầu làm việc. Lưng cúi rạp, tay cầm cái xẻo con, chân bì bõm dưới làn nước lạnh, chị ta cốt kiếm lấy ít mồi, cái mồi nó giữ cho chị chút hơi tàn để mà đau khổ. Lắm lúc nhác trông bóng mình chắp nối dưới gương nước lung lay, chị ta, không hiểu ngẫm nghĩ sao, sụt sùi khóc.
Chị ta bì bõm mãi, hai cánh đã mỏi rã, mười ngón tay đã dăn deo, mà cái giỏ tre đeo sau lưng vẫn rỗng tuếch. Có một lần lùa xẻo vào trong hang, chị ta thấy nằng nặng mừng lắm... Chị vội nhấc xẻo lên thì... chỉ thấy một quả trứng to hơn trứng ngỗng, sắc vỏ vân vân, nằm gọn trong lòng lưới. Quả trứng đẹp lắm, nhưng ích gì! Chị dằn tay ném tõm nó xuống ngòi. Quanh quẩn thế nào lần sau, rồi lần sau nữa, cái trứng cợt người lại cứ lăn tròn vào đáy xẻo. Chị chợt nghĩ:
“Hẳn là trứng thuồng luồng. Mà ta vớt được nó luôn ba bận, chắc không phải do sự tình cờ. Âu là ta hãy đem về thử ấp xem sao”.
Chị bỏ quả trứng vào trong giỏ. Lạ thay! Từ lúc ấy, chị vớt được rất nhiều tôm cá.
Người đàn bà đem quả trứng về nhà, bỏ nó vào một cái chĩnh, vần xa xa bên cạnh bếp. Cách ít lâu, quả trứng nở ra một con thuồng luồng nhỏ, hệt như một con lươn, sắc da đen nhẫy. Chị ta đặt tên nó là con “Cuổng” và ngày hai bữa thường bớt tôm cá thả vào chĩnh cho Cuổng ăn. Cuổng lớn như thổi; chẳng bao lâu nó đã chật cái chĩnh, chị chàng đành phải đem thả nó xuống ngòi. Cái ngòi ấy hiện nay vẫn giữ tên là ngòi Cuống vậy.
Những việc ta vô tình làm, thường sau có những kết quả không ngờ.
Người đàn bà nghèo khổ kia cũng là tò mò đem trứng thuồng luồng về ấp và khi trứng nở thì nuôi, sau lớn quá không đựng vào đâu được phải thả xuống ngòi, đem con vật lạc loài trả về chốn cũ. Chị ta có ngờ đâu việc mình làm, đối với vật vô tri, lại thành ra ơn nặng tình sâu! Và, cũng vì vậy nên hôm sau, khi xách giỏ ra bờ ngòi, chị chàng rất ngạc nhiên thấy đã sẵn một món tôm cá rất tốt để chờ mình.
Rồi cứ thế mãi mãi.
Chị, biết Cuổng trả ơn mình, cảm động lắm! Cặp mắt xưa nay có khóc chỉ khóc vì đau khổ, lần ấy bắt đầu tuôn ra hai dòng lệ mới, nó êm đềm chẳng khác giọt lệ người mẹ hiền trước sự cư xử của đứa con hiếu thảo.
Cuộc đời chị đánh cá thế là xoay sang một tình trạng mới. Mà trên cảnh thâm u tĩnh mịch, cỏ cây chim thú cũng đỡ bận lòng vì những tiếng oán than...
Nhưng tiếc thay! Cái may mắn, cái hạnh phúc của chị chàng đánh cá nọ chẳng bao lâu đã tan mất, cũng như cái bóng xà phòng...
Một đêm, chị ta ngồi quay sợi khuya bên cạnh bếp. Ánh lửa tàn như cố níu cái vẻ tiều tụy chung quanh khỏi đắm chìm trong bóng tối. Nó muốn cho chị chàng luôn luôn thấy rõ cái mặt thật của đời mình. Chị ta ít lâu nay quả nhiên đã vì chút an nhàn mới có mà quên hẳn nỗi cực khổ chưa qua. Chị vui sướng lắm, yên trí như cái hạnh phúc của mình sẽ cứ kéo dài cho đến khi mình nhắm mắt. Rồi cái lạnh lẽo đêm trường lọt qua kẽ vách vào nhà, rồi cả cái sầu cô tịch mọi khi, chị chàng không cảm thấy chút nào nữa. Tiếng guồng quay nhè nhẹ, cùng với tiếng củi tươi nổ lép bép nghiễm nhiên thành những tiếng vui tai. Chị làm việc một cách hăm hở, nhanh nhẩu, không uể oải, chán nản như xưa, đến nỗi giấc ngủ lẻn đến lúc nào, chị không hay.
Trên mảnh vỏ sui đập tơi làm nệm, chị chàng đánh cá thiêm thiếp ngủ... Ngọn lửa bếp vẫn lom nhom cháy. Cảnh tịch liêu như dằn nặng trên giấc cô miên. Tuy vậy, mỗi lần trở mình, chị chàng vựt mạnh cánh tay trên nệm vỏ cây thì, trên cặp môi chưa mất hẳn vẻ chua cay, lại thoáng một nụ cười. Và...
Lạ quá! Chị thấy một vật nửa người nửa rắn tự ngoài vào, vừa đi vừa khóc sướt mướt. Chị lấy làm ngờ sợ. Nhà chị xưa nay khách khứa rất hiếm. Nhất là người khách kỳ khôi nọ thì thực chưa từng thấy đến bao giờ. Chị vừa toan hỏi, người lạ đã tiến lại gần và nói qua tiếng thổn thức:
- Mẹ ơi, mẹ cứu Cuống với! Ngoài ngòi bây giờ có một con thuồng luồng trắng ở Đài thị mới về, nó định chiếm chỗ của con. Giờ Ngọ ngày mai, con với nó đánh nhau to. Được, chằng nói làm gì; nếu thua, con sẽ một là bị chết, hai là bị đuổi đi nơi khác, bấy giờ thì mẹ con sẽ mãn kiếp xa nhau... Vậy mai mẹ giúp con một tay, mẹ đem dao ra bờ ngòi, chờ lúc hai bên đánh nhau, hễ thấy khúc trắng nổi lên thì mẹ chém. Mẹ nhớ nhé...
Chị chàng giật mình tỉnh giấc. Chị ngồi choàng dậy, băn khoăn hôi lâu... Ngoài trời đêm tối, tiếng hoẵng đâu kêu dáo dác. Chị chàng lẳng tai mơ hồ như nghe thấy chính cái tiếng lo sợ của lòng mình vọng vào thẳm rừng sâu...

 

Trưa hôm sau, chị đánh cá vác con dao mới mài sáng nhoáng thủng thỉnh ra ngòi. Chị theo lời thần mộng mà ra đấy, chứ riêng vẫn lấy làm ngờ.
Trời nắng to, cái nắng lẻ loi của những ngày thu êm dịu. Cái nắng vớt ấy, nó thường nhóm lên trong lòng người một mối bâng khuâng...
Nền trời xanh biếc gác lên những dãy núi xa. Rừng cây chạy tun hút lên tầng không, vươn những cánh tay gân guốc in bóng xuống mặt nước ngòi phẳng lặng. Những tiếng giun tiếng dế, những tiếng ve cuối mùa họp thành một thứ vang ngân của tịch mịch. Chị chàng ngẩn ngơ nhìn: quanh mình chị chỉ có ánh sáng và bóng mát. Trước cái vẻ nghiêm tĩnh ấy, chị không thể tưởng tượng sẽ có xảy ra một tấn náo kịch phi thường, nó là cơ còn mất của cái phúc an nhàn mà chị vừa được biết. Cả cái dòng ngòi rực rỡ đang khẽ tung những mảnh vàng vụn nát lên sườn gành đá mốc, chị thấy nó cũng hững hờ với nỗi bồi hồi trong lòng chị... Rồi, người đàn bà cô độc nọ bỗng như sượng sùng bẽ thẹn trước cái vẻ lãnh đạm của thiên nhiên; và, lần ấy chị bắt đầu nhận rõ cái vực sâu nó ngăn cách tạo vật với người. Chị toan xách dao trở về. Thốt nhiên dưới dòng nước trong, chị thoáng thấy vệt cát lầm... Chị vội chạy lên đám gành đá, cúi nhìn, thì quả nhiên mặt nước đã đục ngầu... Chị cầm lăm lăm con dao trong tay, đem hết sức mắt soi xuống dòng ngòi... Trong đám nước bùn, hiện ra hai khúc dài, một đen một trắng, vẫy vùng, quằn quại, lăn lộn xoắn xuýt lấy nhau... Đích rồi! Cuộc chiến của đôi giao long quả nhiên dữ dội, tàn khốc, chí mệnh. Trái tim chị chàng đập thình thịch, chị lăm le giáng một lưỡi dao để kết liễu trận tranh hùng... Thoáng cái, một khúc trắng vừa nhô lên thì, nhanh như chớp, lưỡi dao đã chém đứt phăng dòng nước. Một vết máu loang ra. Chị chàng thấp thỏm chờ... Cái gì kia? Cái gì như một khúc đen lập lờ dạt theo làn nước cuốn?... Trời ơi!... Có lẽ chị chàng hoa mắt!... Không chị đã hấp tấp chém phải đứa “con nuôi” yêu mến, chị đã vô tình cắt đứt cái tựa nương của đời mình!...
Chị chàng khốn nạn hoảng kinh; con dao cầm trong tay rơi xuống đá xoảng một tiếng. Chị giật mình, buông tiếng khóc, đoạn chạy té xuống dòng ngòi vấy máu, cố vớt cái xác đã cứng đờ và lạnh ngắt. Chị đem xác Cuổng lên bờ, ôm vào lòng và khóc than thảm thiết.
Rồi từ hôm ấy, chị chàng đánh cá lại quay về với những nỗi nhọc nhằn lận đận chị vừa quên được trong ít lâu nay.
Trong khoảng non cao rừng rậm ngòi thẳm nước xanh, chị chàng lại âm thầm tha cái đời hiu quạnh. Mà nỗi quạnh hiu, lần này, chị thấy nặng như một tấm đá đè trên miệng huyệt...