Chương 4

     ỘT ĐÊM THẬT DÀI ĐÃ QUA. PHÒNG TẠM GIỮ sống động hẳn lên vì nhiều đứa sắp được ra. Gian điếm, bọn giang hồ cười nói tíu tít. Chúng nó thay phiên nhau đứng bám vào song sắt ưỡn ngực hứa hẹn với bọn du đãng. Đêm nay hay đêm mai. Nhân vật Hưng mặt thẹo đã bị quên lãng. Bây giờ, bọn giang hồ ve vãn Mừng lác, Năm sáu ngón và Nguyễn Đạm.
Con điếm lống tình Hưng mặt thẹo chập tối, đang thò hai tay qua song sắt với Nguyễn Đạm. Mừng lác lộn tiết. Nó bảo Đạm:
- Để tôi cho nó bài học.
Nó ghì chặc đến nổi con điếm hét lên:
- Đau thấy mẹ!
Mừng lác gắn môi nó vào môi điếm. Hai môi dính chặt với nhau như nam châm hút sắt. Mừng lác xoa lưng, xoa mông con điếm, nó lần khuy áo con điếm cởi dần. Con điếm thỏ thẻ:
- Em tên Vang...
- Anh biết quá mà.
Con điếm sau lưng Đạm chưa thôi nức nở. Mừng lác thò tay qua vai lọt sang gian của con điếm, đập khẽ lên vai nó:
- Có nín đi không?
Con bé giẫy nẩy, ôm mặt khóc ròng. Mừng lác cười mỉa:
- Mẹ, cứ làm như oan uổng lắm. Mất khứa Mẽo hả?
Con bé sụt sùi:
- Tôi đâu phải điếm, họ bắt bừa, bắt bậy. Xin họ không tha...
Nguyễn Đạm xoay người. Nó hướng về gian nhốt điếm. Mừng lác đã rút tay về, nó không ngạc nhiên lắm. Mừng lác an ủi con bé bị bắt oan:
- Thế hả.
Con bé ngoan ngoãn:
- Dạ.
Nguyễn Đạm khẽ gọi:
- Này cô!
- Dạ.
- Tôi cũng bị bắt oan như cô. Họ bắt cô ở đâu?
- Tôi đang ngủ họ ruồng bố và họ bắt.
- Nhà cô khu nào?
Cô bé do dự mãi mới nói:
- Nhà... tôi... ở lăng Cha Cả!
Mừng lác xía vô:
- Ở lăng Cha Cả là có tội rồi. Ai bảo cô em không ở Catinat! Xuống cái xóm điếm ấy mà ở tụi nó tha gì mà không khép tội cô em là điếm.
Nó chửi đồng:
- Đ.m., đời chó đẻ đến thế là cùng!
Cô bé đưa tay quyệt nước mắt:
- Nhà tôi nghèo ông ạ!
Rồi cô bé ngậm miệng không nói gì nữa. Nguyễn Đạm khơi chuyện:
- Tên tôi là Đạm, tôi chẳng đánh lộn bao giờ mà tụi nó bắt tôi, đánh tôi, khép tôi vào tội du đãng.
Mừng lác cười ha hả:
- Tại số chú em sau này làm du đãng. Bộ mày tưởng du đãng không có số à? Người thì có số làm tổng thống, thủ tướng, kẻ thì có số làm ăn cắp, đĩ điếm. Mày cũng có số làm du đãng chứ sao. Mình đâu phải là du đãng, nó cứ đổ riết mình là du đãng rồi mình bất buộc là du đãng cho mà xem.
Nó hỏi Đạm:
- Chú em tên Đạm à?
- Dạ.
- Bao tuổi?
- Mười chín.
- Ở ngoài chú em làm nghề ngỗng gì?
- Đi học.
- Đi học à, oai quá ta, học lớp mấy?
- Tôi có bằng tú tài nhất.
Mừng lác ngừng chất vấn Đạm. Nó nhìn Đạm mắt không chớp. Những thằng du đãng giết người không gớm có một khía cạnh rất đáng nói tới là chúng nó ngưỡng mộ những người hiền lành, học giỏi hơn chúng nó. Du đãng, đôi khi, có đàn anh không hề biết đánh đấm, đâm chém. Nhưng chúng nó phục thứ đàn anh này sát đất. Đàn anh sai bảo, dẫu lao vào chỗ chết, chúng nó cũng lao. Chúng nó cung phụng, chiều chuộng đàn anh và không hề có gì ý nghĩ phản bội.
Mừng lác nhìn Đạm, giọng nó bớt “đàn anh”:
- Có bằng tú tài à?
- Dạ.
Nó chìa tay bắt tay Đạm.
- Giờ chúng mình đã là bạn. Tôi đã hơn bạn bốn tuổi lận. Tên tôi là Mừng, bị lác nên “giang hồ” gọi là Mừng lác.
Đạm nắm chặt tay Mừng lác:
- Lúc nãy anh bênh tôi, tôi chưa cám ơn anh.
Mừng lác xuề xòa:
- Có gì mà cám ơn.
Nó vỗ vai Đạm:
- Tôi tin tử vi hàng ngày lắm. Tôi cũng bì bõm vài chữ, chỉ thích đọc kiếm hiệp với xem mục tử vi. Bạn biết không, tử vi bảo tôi hôm nay gặp anh bạn tốt. Để ý bạn, tôi thấy bạn hiền lành không phải dân “giang hồ” nhưng đợi mãi mới có dịp làm quen bạn.
Nguyễn Đạm thấy cách xưng hô của Mừng lác ngượng nghịu quá. Dường như nó chỉ quen “mầy tao” hoặc “ông con” một cách trịch thượng. Mừng lác đã cố gắng “làm dáng đứng đắn”. Nguyễn Đạm tự nhiên, thương cái sự “làm dáng” của Mừng lác. Nó tỏ tình ngay với Mừng lác:
- Cám ơn anh Mừng.
Mừng lác thêm:
-... Lác. Cứ gọi tôi là Mừng lác cho thân tình.
Nó tâm sự:
- Anh làm gì mà nó bắt anh?
Tiếng “anh” thay thế tiếng “bạn” nghe một vẻ gì quý mến quá, Nguyễn Đạm cảm động:
- Không ngờ được gặp anh Mừng trong này.
Mừng lại nhắc lại:
-... lác... Mừng lác, anh cứ gọi trống không.
Nguyễn Đạm lắc đầu.
- Tôi không thấy anh lác. Tôi chỉ thấy anh khác Hưng mặt thẹo. Lâm sùi, Bảy rỗ... Anh khác xa chúng nó.
Mừng lác giải nghĩa:
- Tôi muốn đời gọi tôi là Mừng lác. Dân “giang hồ” không có cái dấu hiệu theo sau cái tên thì chỉ là “giang hồ” giẻ rách.
- Vậy mà tôi đâu có hiểu.
- Anh không hiểu vì anh không thuộc thành phần “giang hồ”. Anh biết không, hễ được gọi là mặt thẹo, sùi, rỗ, sư tử, thợ điện, lùn, bé, lác kèm với tên của mình, một thằng du đãng đã phải xầy vảy, đã phải chịu hàng chục vết đâm chém.
Nó ngừng lại, nuốt nước bọt:
- Như tôi chẳng hạn. Nên tôi thích ai gọi tôi là Mừng lác. Nói anh đừng giận nhé!
- Đâu dám giận anh.
- Ai gọi tôi Mừng là người đó khinh tôi. Dân “giang hồ” mà quên tiếng lác thì tôi phải dùng dao để nhắc nhở nó đừng có quên mà toi mạng.
Nguyễn Đạm hơi hơi ớn, Mừng lác mỉm cười nói tiếp:
- Nhưng anh đâu thèm là dân “giang hồ”. Mừng lác này không dám vô lễ với anh. Chỉ xin anh đừng kêu Mừng gọn lỏn, tủi Mừng lác lắm.
Nguyễn Đạm thân tình:
- Tôi sẽ gọi Mừng lác.
- Cám ơn anh.
Giọng Mừng lác trĩu nặng tâm sự:
- Chắc sớm mai tụi nó sẽ tha anh. À quên, lấy cớ gì tụi nó bắt anh.
Nguyễn Đạm thuật lại chuyện đã xảy ra. Nó kể cho Mừng lác hai lần gặp lão thẩm vấn viên và ớn cảnh sát. Mừng lác xoa tay:
- Anh hiệp sĩ rồi đấy. Đời này không có hiệp sĩ anh nghe chưa. Biết võ phải biết thêm đâm chém nếu anh muốn “vì đời rửa hận”. Anh khơi khơi đợi tụi nó xử dụng pháp lý là anh dại hết chỗ nói.
Nó kể:
- Xưa tôi ở lò Mã Thượng. Thầy võ của tôi dạy tôi tinh thần thượng võ, cứu khốn phò nguy, bênh vực kẻ cô thế. Tôi đem lời thầy ra áp dụng. Kết quả là tôi thành du đãng.
Nó thở dài:
- Anh sẽ gặp người cảnh sát biết điều không chó như lũ Chà và lai. Người ta sẽ thả anh.
Nguyễn Đạm buồn buồn:
- Chắc không?
- Chắc. Ra khỏi đây anh sẽ học hành sướng nhé? Chỉ Mừng lác là suốt đời khốn nạn, suốt đời bị đe dọa...
Nó nghiến răng:
- Đ. m. đời, đời đã chê mình, mình cần đ. gì đời.
Mừng lác chớp mắt:
- Ra ngoài anh đừng quên Mừng lác này. Nói thật Mừng lác thèm chơi với một người học giỏi, hiền lành lắm. Nhưng đến gần người nào là người ấy lánh mình coi mình như chó dại. Nếu họ biết mình là Mừng lác, họ còn tởm mình nữa. Anh có tởm Mừng lác không?
- Không, anh tốt lắm.
- Mừng lác đã giết hai mạng. Không ai biết chuyện này trừ Mừng lác, và nay anh là người thứ hai. Giết người anh có tởm không?
- Không?
- Anh nói thật hay anh muốn vui lòng Mừng lác?
- Tôi nói thật.
- Ra ngoài đừng quên nhau nhé.
- Tôi không quên anh đâu, anh Mừng lác à! Nhưng biết có được ra không?
Mừng lác bẻ bão răng rắc:
- Nó hành mình vài ngày chơi cho bõ ghét. Rồi cũng thả ra chứ.
Nó khôi hài:
- Ăn bánh mì mãi chán bỏ mẹ đi ấy. Tôi thèm một miếng bít tếch mà cảnh sát nghèo mạt, đâu có bít tếch cung phụng cho tụi mình.
Mừng lác cười ha hả:
- Ra ngoài, mời anh ghé tôi, sẽ tiếp đãi anh nồng hậu hơn cảnh sát.
Nó hỏi Đạm:
- Chắc anh cừ tiếng Mẽo lắm hả?
- Tàm tạm đủ dùng. Tôi học thêm ở Hội Việt Mỹ được một năm.
Mừng lác vỗ đùi:
- Thế là cha rồi. Mừng lác chỉ cần được một tháng thôi. Nghề của tôi đang đòi hỏi một sự nói nổi vài câu tiếng Mẽo.
- Sao anh không đi học?
Mừng lác nhăn mặt:
- Đi học và đi tù, tôi chọn đi tù. Tôi ngại cắp sách đến trường quá đi thôi. Xách dao rượt địch thủ đã khó, đi học còn khó hơn. Giá có bạn nằm bên mình dạy mình vài câu mình cần nói thì nhất. Đi học nó dạy đâu đâu. Tôi đã đi học, được hai ngày quăng mẹ nó sách đi. Mình cần nói “cô em này thơm lắm”, “chọi không”, nó đéo dạy, lại bắt mình học “Oắt-i-dờ-Giách? Giách-i-dờ-ơ-boi”, nản thấy mồ...
Mừng lát vừa dứt câu khôi hài thì có tiếng quát:
- Mày có xê ra không, chó đẻ?
Nguyễn Đạm và Mừng lác cùng hướng mắt về phía có tiếng quát. Mừng lác khẽ bấm Đạm:
- Dân Cầu Muối chính cống đó. Tên nó là Năm sáu ngón, bàn tay phải nó có sáu ngón. Để xem nó làm gì...
Năm sáu ngón giơ chân đá phốc vào mông một thằng đang bó gối. Nó hung hăng:
- Xích chỗ khác.
Kẻ bị áp bức ngước đôi mắt nai tơ:
- Chỗ em ngồi từ tối tới giờ mà anh.
Năm sáu ngón cười khẩy:
- Thế hả? Cụ tổ mày ngồi từ hôm nọ cơ. Chỗ này là chỗ của ông.
Kẻ bị áp bức xích ra chỗ khác. Năm sáu ngón gật gù:
- Biết điều lắm. Mày sang chỗ tao ngồi. Chỗ đ. gì khai sặc sụa.
Mừng lác vỗ vai Đạm:
- Anh xem tôi trị thằng Cầu Muối này.
Nó nháy Đạm:
- Khi tôi đấm nó trái thứ ba, anh kêu “Mừng lác” nhé!
- Để làm gì?
- Cứ nghe tôi đi. Tôi xem số anh khó mà về nhà sống với ông cụ được. Ông cụ khó tính thế, lần này dễ gì ông cụ chứa anh.
Mừng lác đã nói trúng cái nỗi lo ngại của Nguyễn Đạm. Nó lại nháy Đạm:
- Nhớ nhé!
Nó đứng lên, vươn vai ngáp... Mừng lác bước tới chỗ Năm sáu ngón ngồi, dừng lại và dạng chân trước mặt tên du đãng Cầu Muối:
- Mầy là Năm sáu ngón hả?
Năm sáu ngón ngồi thủ thế:
- Đúng tẩy, tao là Năm sáu ngón.
- Xòe tay ra cho tao coi!
- Bộ mầy là cha tao hả cắc ké?
Bọn du đãng mới vào chưa biết Mừng lác. Chúng chỉ biết Năm sáu ngón thôi. Nhưng bọn cũ, nhất là Lâm sùi đã hiểu Mừng lác. Lâm sùi vẫn còn cay cú Mừng lác. Nó hy vọng tên du đãng Cầu Muối sẽ hạ Mừng lác cho bõ ghét. Mừng lác nói:
- Ta không là cha mày nhưng ở đây có người là cha mày. Thái sơn trước mặt chúng mày mà chúng mày chưa biết đó thôi.
Năm sáu ngón bĩu môi:
- Tổ sư xạo có lẽ là mày!
- Tao nói thiệt tình, xòe tay mày ra!
- Tay tao khó xòe lắm, mày làm cho nó xòe ra đi.
Mừng lác lao người vào ôm lấy Năm sáu ngón. Hai tên du đãng vật lộn nhau một lúc, chưa đầy 3 phút. Mừng lác dựng Năm sáu ngón dậy đấm vào mặt nó một cái ghê gớm.
Năm sáu ngón lặng người. Mừng lác chồm tới đấm trái thứ hai. Năm sáu ngón ngã như cây bị đốn. Mừng lác dựng Năm sáu ngón dậy lần nữa. Nó sắp sửa đấm thì, theo lời nó dặn, Nguyễn Đạm hét:
- Mừng lác!
Mừng lác ngừng tay đấm Năm sáu ngón, quay lại:
- Tha nó hả, anh?
Nó nháy mắt, Đạm hiểu ý, gật đầu. Mừng lác đẩy Năm sáu ngón ngã ngửa:
- Thái sơn trước mặt mày đó du đãng Cầu Muối ạ! Mày thấy chưa?
Năm sáu ngón đang choáng váng đòn, chưa kịp mở mắt nhìn. Mừng lác quát:
- Năm sáu ngón!
- Dạ!
- Mày nghe tên Mừng lác bao giờ chưa?
- Dạ rồi.
- Biết nó ra sao không?
- Dạ, nó khét tiếng miệt Phú Thọ.
- Gặp nó mày dám “thử lửa” không?
- Dạ, không dám.
- Thế mà mày đã “thử lửa” đó, Năm sáu ngón ạ!
- Đâu có anh!
- Mày vừa “thử lửa” xong mà...
Năm sáu ngón tịt họng. Mừng lác nói:
- Gặp Mừng lác rồi con ráng nhớ mặt Mừng lác nhé! Kẻo tao chặt ngón tay thứ sáu của mày à.
Nó hét:
- Đứng dậy Năm sáu ngón!
Năm sáu ngón ngoan ngoãn đứng dậy. Mừng lác chỏ về phía Nguyễn Đạm ngồi.
- Không biết mở miệng cám ơn Thái Sơn trước mặt mày à?
Nó giới thiệu với cả phòng:
- Đ. m., lũ mắt thịt. Hôm nay anh Nguyễn Đạm có chuyện buồn không muốn bẩn tay. Chứ không, con nhà Lâm sùi bị cắt gân trước nhất.
Mừng lác quét sạch sự ngờ vực của du đãng:
- Từ tối chúng ông giả đò xem tụi mày giở những trò gì. Tụi mày lộng quá trời.
Năm sáu ngón đã bước tới trước mặt Nguyễn Đạm. Vẻ hung hăng ban nãy của nó biến đi đâu hết. Nó lí nhí:
- Em cám ơn anh...
Mừng lác đưa Nguyễn Đạm lên địa vị anh chị dễ như trở bàn tay. Cũng chẳng lạ. Vì uy quyền trong phòng tạm giữ đương nằm gọn trong tay nó. Uy quyền của cái xã hội nào mà không là sức mạnh. Có kẻ dùng súng ống làm sức mạnh. Có kẻ dùng tiền. Có kẻ dùng thủ đoạn. Có kẻ dùng sắc đẹp. Du đãng dùng thành tích của mình. Thành tích đó, một thằng du đãng muốn có, nó đã phải giết người nổi tiếng trước nó. Nghĩa là thanh toán những thằng chì nhất vùng để đoạt cái địa vị của địch thủ.
Hai năm về trước, một thằng du đãng mới vô nghề, bước chân xuống vùng Phú Thọ, ngại ngùng hơn bước chân vào khám Chí Hòa. Chúng nó sợ Mừng lác. Danh của Mừng lác nổi như cồn. Xuất thân nó cũng như bất cứ thằng du đãng nào: bắt địa, cướp giật, đâm mướn, đánh thuê. Máu anh hùng chảy song song với máu mất dạy trong cơ thể nó. Khi máu anh hùng chảy mạnh hơn máu mất dạy, tên du đãng biết chê sự bắt địa, cướp giật, đâm mướn, đánh thuê. Nó muốn hách hơn. Muốn hiên ngang hơn, muốn trở thành thứ Bảy Viễn, Năm Lửa để chỉ huy một số đàn em “trọng nghĩa” khinh tiền.
Mừng lác bị ảnh hưởng kiếm hiệp. Nó ao ước trở thành hiệp sĩ thanh toán kẻ giàu, bao bọc người nghèo. Nó đã giết Toàn móm, Hải chột, hai tên du đãng bất trị ở vùng Phú Thọ để đoạt ngôi vị của hai tên này.
Nó, vô tình hạ giúp xã hội hai con chiên ghẻ khát máu. Cảnh sát biết nó là thủ phạm nhưng làm ngơ, theo dõi hành động của nó. Thấy nó không giống Toàn móm, Hải chột. Và từ ngày nó trông nom bọn du đãng Phú Thọ, sự cướp giật, đâm chém ít xảy ra. Cảnh sát đã “cảm” nó.
Mừng lác có máu hiệp sĩ, chỉ tội nó dốt nát. Chí lớn của nó nhỏ bằng cái tài đấm đá của nó. Nó muốn thoát nghề du đãng. Không nổi. Cuối cùng, nó làm nghề ma cô. Tuy thế, đàn em nó vẫn kính phục nó. Và bọn du đãng mới lớn lên nghe tên nó vẫn rụng rời.
Năm sáu ngón thấy Nguyễn Đạm không thèm trả lời, lặp lại to hơn:
- Em cám ơn anh...
Nguyễn Đạm gật đầu:
- Không...
Mừng lác nhăn mặt. Nguyễn Đạm trót lên sân khấu đành đóng trọn vai trò:
- Bận sau chú mày bớt hung hăng nhé! Vào đây thương nhau không thương được thì thôi, còn sinh sự làm gì?
Năm sáu ngón lễ phép:
- Em nhớ.
- Thôi về chỗ của chú.
Năm sáu ngón lủi thủi về. Mừng lác ngồi xuống cạnh Nguyễn Đạm.
- Anh biết ăn nói lắm.
Nguyễn Đạm nhếch mép cười. Mừng lác ghé sát tai Đạm:
- Nghe anh nói khá “judo”, cho thằng Lâm sùi hưởng thế cho nó phục luôn cả tài lẫn đức... của anh.
Nguyễn Đạm tròn xoe mắt. Nó chưa kịp mở miệng thì Mừng lác đã rót thêm vào tai nó:
- Có lợi cho anh lắm! Cho bọn nó kiềng mặt đi!
Nó dồn Đạm vào chân tường, bằng cách xách mé gọi:
- Lâm sùi!
Lâm sùi giật mình. Mừng lác cười hề hề:
- Chú mày hồi tối đã nói gì?
Cả phòng đang ngủ gà ngủ gật đều chột dạ bởi tiếng cười của Mừng lác. Gian điếm ngủ ngon lành, trừ tiếng khóc tỉ tê của người em nhà nghèo trót cư ngụ tại Lăng Cha Cả. Những tiếng tỉ tê đó không ai còn chú ý từ lúc Năm sáu ngón tác yêu tác quái bị Mừng lác át giọng. Bọn du đãng mở căng mắt theo dõi Mừng lác.
Bây giờ trời đã khuya lắm. Bên ngoài chắc xã hội ăn chơi chưa cho là khuya. Bên trong không có đồng hồ nhưng nghe điệu ngáy người ta đoán chừng đã một, hai giờ. Mừng lác đợi Lâm sùi lên tiếng. Nó lại trỗi nhịp cười nghe ớn xương sống. Tiếng cười làm sáng ngời thành tích của một chúa trùm du đãng miệt Phú Thọ.
- Mày câm hả, Lâm sùi?
- Dạ, không.
- Sao chưa trả lời tao?
- Dạ, em không nhớ hồi tối đã nói gì.
- Thật chứ?
- Dạ.
- Đ. m. dạ dạ vâng vâng nhiều vậy. Miệng mày dạ mà bụng mày chửi thầm. Thôi im cha nó cái điệu bộ điếu đóm của mày đi.
- Em đâu dám chửi thầm.
- Thì mày cố nhớ xem hồi tối mày đã nói gì?
- Em xin lỗi anh.
- Mày có nói gì tao đâu mà xin lỗi tao. Bộ mày quên à? Thằng này giả đò khéo ta. Để tao nhắc mày nghe!
- Dạ.
- Mày đã chỉ điểm thằng Chà chột người giết thằng Ganest Sang, nhớ chưa?
- Dạ nhớ, em trót dại.
- Sao mày hèn thế! Hơi một tí là trót dại...
Không biết Mừng lác giấu dao con chó ở chỗ nào mà cảnh sát không khám ra. Nó ném cho Lâm sùi:
- Đỡ lấy, bật dao ra!
Lâm sùi tóm con dao, năn nỉ:
- Em xin anh...
Mừng lác lạnh lùng:
- Không xin tao. Bật lưỡi dao ra!
- Mày không đứng lên bật lưỡi dao ra, tao đè mày cắt gân mày đa...
Lâm sùi ngoan ngoãn đứng lên, bật lưỡi dao tách một cái. Lưỡi dao sáng loáng thoát khỏi vỏ, nằm trong tay run rẩy của Lâm sùi. Mừng lác hích Nguyễn Đạm:
- Nó mất tinh thần rồi, anh hạ nó như giết ruồi.
Nó trách trước:
- Đừng làm tôi mất mặt!
Nguyễn Đạm đứng dậy. Lâm sùi toát mồ hôi. Con người có dáng dấp hiền lành kia, có ai ngờ được tay khét tiếng Mừng lác tôn làm Thái Sơn trong làng. Lâm sùi xin xỏ:
- Em xin lỗi anh!
Nguyễn Đạm không nói năng gì, khiến Lâm sùi càng lo sợ:
- Em xin anh tha mạng, còn sống em sẽ là đàn em khốn nạn dưới trướng anh. Em mới ra lò, có mắt như mù. Em xin anh, em lạy anh...
Nguyễn Đạm toan bảo Lâm sùi về chỗ. Nhưng Mừng lác đoán được ý nghĩ đó. Nó khuyến khích:
- Hạ nó đi!
Bằng thế võ nhu đạo, Nguyễn Đạm chụp tay cầm dao của Lâm sùi bóp mạnh. Con dao rơi xuống đất, Nguyễn Đạm buông tay Lâm sùi ra:
- Tha mày lần đầu nhớ chưa?
Bọn du đãng nhà nghề nhìn cú chụp tay cầm dao của Nguyễn Đạm vốn đã sợ bóng sợ gió Đạm qua Mừng lác, giờ chúng nó sợ thật tình. Lại thấy Nguyễn Đạm tha Lâm sùi. Chúng nó đâm cảm phục Nguyễn Đạm.
Mừng lác dang hai tay đón Đạm nó, hỉ hả:
- Anh chinh phục bọn nó rồi. Ra ngoài tha hồ anh phá phách ở các phòng trà, không đứa nào dám động đến lòng chân anh đâu. Bọn nó đồn đãi anh, coi anh là “thần tượng” cho mà coi.
Nguyễn Đạm trả Mừng lác con dao chửa kẹp lưỡi lại. Hai đứa ngồi khít bên nhau như cũ. Pha hồi hộp thoáng qua, nhạt nhẽo vô vị. Khi đá chọi với trứng bao giờ cũng tẻ nhạt. Trừ phi trứng chọi với đá. Bọn du đãng gục đầu xuống gối, tiếp tục ngủ. Lâm sùi cũng ngủ.
Phòng tạm giữ chỉ còn nghe tiếng ngáy, tiếng thở và thỉnh thoảng, tiếng nấc của người em ngõ hẹp bị nghi oan là điếm. Mừng lác vỗ vai Đạm:
- Chắc anh lạ lắm nhỉ?
- Lạ gì?
- Cái không khí này. Không đâu giống đâu cả. Nếu anh bị nhốt ở Tân Bình hay quận khác, phòng giam giữ lại khác. Có nơi trai gái bị nhốt chung, tha hồ sờ mó, hôn hít. Anh chưa biết đấy thôi, vào tù mà chúng nó còn hứng thú “bề” nhau.
- Thật sao!
- Thật chứ. Nhưng cớm nó biết, nó lôi lên quật no đòn, té đái, vãi cứt. Cũng hấp dẫn lắm!
Mừng lác chuyển giọng:
- Này Đạm!
- Gì thế?
- Gọi tên anh cho thân tình nhé!
- Được mà.
- Đạm đã rõ rồi đấy, du đãng chỉ hiếm hoi, tìm cả Saigon may ra được mấy mạng. Bọn cắc ké thì vô kể. Chúng nó bất tài vô tướng, chuyên đánh đòn hội đồng cậy đông bắt nạt ít. Như thằng kia, nó có gì đâu. Vậy mà ai không biết nó tưởng nó ghê gớm tầy trời. Mửng đó vô Tế Bần một phen, đuổi ra là về nhà ngoan ngoãn ngay.
Nó nhăn mặt:
- Đòn Tế Bần ác liệt chịu không thấu đâu. Giám thị nó cho mình chọn hai thứ. Một là ăn cứt, hai là ăn đòn thù. Chịu nổi thì thành anh hùng.
Tiếng nói của nó uể oải:
- “Anh hùng” chẳng ăn cái giải gì. Rốt cuộc phí đời mình Đạm ạ! Cuối cùng Mừng lác làm ma cô. Xã hội đã dùng tài chịu đòn của Mừng lác như thế đó...
Rồi thưa dần... Và Mừng lác rũ đầu xuống gối, ngáy khò khò. Nguyễn Đạm ngắm ân nhân của mình. Nó thấy cái xác của kẻ gục đầu xuống gối toát ra một chất gì vừa đáng kinh tởm vừa đáng yêu mến.
Tên du đãng khét tiếng ngủ một cách vất vả quá. Ai đảm bảo nó là du đãng nếu không biết nó là Mừng lác? Nguyễn Đạm chớp mắt nghĩ về mình. Mừng lác nói đúng. Dễ gì Bố Đạm đã tha thứ cho Đạm dù nó chẳng có lỗi gì. Cuộc đời Đạm sẽ rẽ sang một ngã rẽ nào? Nó đưa tay quệt hai giọt nước mắt bỗng dưng ứa ra, nó thở dài.
Tiếng người con gái sau lưng nó vọng sang:
- Anh chưa ngủ à?
Đạm xoay hẳn lại. Hai tay nó bám vào song sắt. Cùng lúc đó, người con gái cũng xoay người lại. Hai tay nàng bám cùng hai song sắt Đạm bám. Bốn bàn tay hơi chạm nhau. Bốn con mắt gặp nhau. Không chớp. Người con gái nhỏ nhẹ:
- Anh chưa ngủ à?
Đạm kéo xích tay lên:
- Chưa, tôi chưa ngủ, cô ạ! Ngủ làm sao được mà ngủ?
Người con gái nói một câu bâng quơ:
- Đêm dài quá!
- Tại mình thức đấy mà! Tôi là Đạm, Nguyễn Đạm, học sinh đệ nhất Chu văn An. Cô tên gì nhỉ?
- Dạ, Thủy, Trần Thu Thủy.
- Cô còn đi học không?
- Còn.
- Trường nào?
- Gia Long.
- Lớp mấy?
- Đệ tứ.
- Năm nay cô Thủy thi rồi nhỉ?
- Dạ.
Im lặng. Hai người không biết nói thêm câu gì. Đạm nghĩ mãi mới hỏi:
- Cô ở đâu?
Chợt nhớ ra, Đạm lấp liếm:
- Tôi ở đường Trần Bình Trọng, cô Thủy ạ! Tôi bị bắt buồn cười lắm. Bênh một người bán nước dừa mà nó vu tôi là du đãng Cầu Muối.
Đạm thuật lại một ngày vất vả dài nhứt của đời mình cho Thủy nghe. Rồi nó kết luận:
- Mai mốt giá tôi có trở thành du đãng, chẳng biết các nhà xã hội học sẽ phân tách tâm lý ra sao?
Nó chép miệng:
- Nhưng mình đâu có nhìn thấy tương lai của mình, cô Thủy nhỉ? À, cô đông anh chị em không?
- Dạ, đông lắm ạ!
- Mấy người?
- Năm người.
- Cô là thứ mấy?
- Thứ nhất.
- Tôi hỏi tò mò cô Thủy có phiền không?
- Dạ, không dám phiền đâu ạ!
- Vậy ông cụ ở nhà làm gì?
- Ba tôi làm trong phi cảng.
- Hồi đêm ông cụ có nhà không?
Thủy chớp mắt thật mau:
- Giá ba tôi ở nhà thì đâu đến nỗi...
Hai giọt nước mắt Thủy ứa ra, chảy xuống má và dừng lại ở bên mép. Và rồi hai giọt nước mắt đó len lỏi trong miệng nàng, khơi nguồn cho những giọt nước mắt trào ra, rơi rụng... Đạm ngắm những giọt nước mắt của Thủy. Nó không khuyên nàng thôi khóc. Nó muốn nàng khóc nhiều, khóc thật nhiều... Đạm hy vọng nước mắt nàng sẽ tắm sạch chất dơ bẩn của cuộc đời, của xã hội vừa bám vào bộ lông trắng của con bồ câu.
Thủy thổn thức:
- Người ta bắt nạt chị em tôi, anh ạ! Đưa sổ gia đình người ta xé đi.
Đạm thở dài:
- Cô Thủy còn may mắn hơn tôi. Tôi bị chúng nó đánh hộc máu mồm, đánh mềm nhũn người rồi bắt tôi ký nhận tội du đãng.
Thủy giật mình:
- Nó có bắt tôi ký nhận làm điếm không anh?
- Chưa biết.
Thủy bật khóc khiến Mừng lác chợt thức. Nó ú ớ:
- Cái gì đó?
Đạm đưa tay khẽ đặt vào miệng nó:
- Không có gì đâu.
- Ai khóc đấy?
Sợ Mừng lác nói năng nhảm nhí làm đau lòng Thủy. Đạm phủ đầu:
- Cô Thủy, bạn của tôi, bị bắt oan tủi thân đó, Mừng lác ạ!
Mừng lác đã tỉnh hẳn. Nó ngoái sang gian điếm, an ủi Thủy:
- Khóc làm chi cô. Bọn chúng nó có biết mủi lòng đâu mà khóc. Tôi hoa dao định đâm địch thủ, nó xin, tôi tha nó để nó sống nó nuôi mẹ nó. Nó khóc, tôi còn biết khép lưỡi dao lại. Chứ bọn khốn kiếp này càng khóc nó càng đánh, càng xin tha nó càng quật mạnh. Cô khóc làm gì, phí nước mắt.
Mừng lác nói dứt câu, ngó Đạm. Nó tự ý đứng lên đi ra chỗ khác. Đạm bảo Thủy:
- Anh ấy là trùm du đãng Phú Thọ đấy, cô Thủy ạ! Nói theo các nhà đạo đức thì Mừng lác là cánh sen trong bùn. Không có Mừng lác che chở, tôi bị bọn du đãng trong này hành hạ đến chết mất.
Nó móc túi lấy mùi soa đưa cho Thủy:
- Cô dùng tạm, khăn hơi dơ một chút.
Thủy đỡ khăn:
- Cám ơn anh.
Nàng thấm nước mắt. Nhưng vẫn sụt sùi:
- Liệu nó có bắt tôi ký nhận làm điếm không anh nhỉ?
Đạm không dám nói sự thực tàn nhẫn. Nó trấn tỉnh Thủy:
- May ra nó tha đàn bà, con gái. Nó chỉ thù du đãng thôi.
Thủy nhăn nhó:
- Nhỡ nó bắt ký thì sao?
- Thì cũng đành.
- Rồi ba tôi sẽ nghĩ sao, các em tôi sẽ nghĩ sao, họ hàng tôi sẽ nghĩ sao, bạn bè tôi sẽ nghĩ sao?
Đạm như đứt từng khúc ruột. Nó mang cái tâm sự của Thủy. Giống hệt, không khác mảy may. Nó nói nhỏ, đủ để Thủy nghe.
- Tôi cũng đang lo như cô. Không biết gia đình tôi sẽ nghĩ thế nào khi có đứa con bị cảnh sát khép vào tội du đãng. Thì cũng đành vậy, cô Thủy ạ! Ba cô chắc sẽ hiểu cô.
- Ba tôi khó tính lắm, mẹ tôi chết rồi không ai làm chứng được, các em tôi còn nhỏ.
Giữa lúc đó, bên gian điếm có tiếng lách cách ở ổ khóa và cánh cửa kèn kẹt mở. Thằng Chà và chột lừng lững bước vào. Nó ngắm nghía các em điếm vừa thức giấc một lát rồi chỉ mặt năm em. Trong số đó có Thủy.
Đạm đau nhói ở tim. Thủy òa lên khóc. Thằng Chà và chột ngắm con nai tơ, nham nhở:
- Lên phòng anh ký giấy rồi về, em nhỏ.
Nàng nức nở:
- Tôi đâu có làm điếm mà ký?
Thằng Chà và chột cười hềnh hệch:
- Biết rồi, biết em không làm điếm anh mới tha chứ. Lên phòng anh lẹ lên kẻo anh buồn ngủ, hết mẹ nó hứng, cưng ơi!
Đạm nghiến răng kèn kẹt. Hai bàn tay nó nắm thật chặt. Mắt nó tóe lửa nhìn Thủy đứng lên. Thủy ngoái lại. Đôi mắt sầu thảm của nàng gặp đôi mắt ngời căm hờn của Đạm. Nhưng Đạm bất lực. Nó hơi cúi đầu, quay đi chỗ khác. Tới lúc cánh cửa bên gian điếm đánh rầm, nó mới vụt đứng dậy, hai tay bám vào hai song sắt như muốn lay đổ.
Mừng lác đã đến bên nó. Tên trùm du đãng Phú Thọ ghé sát tai Đạm:
- Lo lấy thân mình, Đạm ạ!
Nguyễn Đạm buông thõng hai tay:
- Chúng nó sẽ làm gì nàng?
- Hiếp!
- Chúng nó hiếp nàng?
- Lạ à?
- Khốn nạn vậy ư?
- Còn khốn nạn hơn nhiều, vớ món bở, hai ba đứa thay phiên nhau.
Nguyễn Đạm khạc bãi đàm nhổ vào hàng song sắt:
- Tôi tưởng chỉ có thú vật mới làm cái trò khốn nạn này. Ai ngờ...
Mừng lác nhếch mép cười:
- Chà và lại còn tệ hơn.
- Người ta để chúng nó hãm hiếp đàn bà à?
Mừng lác nhún vai:
- Ai biết, đêm khuya mà. Các xếp Việt đi ngủ rồi.
- Rồi kẻ bị hiếp ra sao?
- Là điếm chính cống thì căm thù cớm, chưa là điếm sẽ biến thành điếm.
Nguyễn Đạm thở dài:
- Chúng nó sẽ hiếp nàng!
Mừng lác thản nhiên đáp:
- Chứ sao. Nàng ngon lành thế, gái tơ hơ hớ dễ gì thoát khỏi những con mắt dâm dật của lũ thợ đánh người.
- Tởm quá!
- Tởm quá thật!
- Cứ thế mà tiếp diễn sao?
- Cứ thế.
- Sao không ai tố cáo?
- Tố cáo ai?
- Tố cáo pháp luật.
- Làm chó gì có pháp luật ở cái xã hội này!
Nguyễn Đạm chợt thấy nó đã hơi ngây thơ. Nó mới chửi những tác giả các bài báo viết về quyền nọ quyền kia của công dân. Nó mới chửi các ông luật sư, chánh án... Thế mà còn hỏi Mừng lác tại sao không tố cáo tội ác của bọn thợ đánh người với pháp luật.
Nó lại ngồi xuống, dựa lưng vào song sắt. Mừng lác cũng ngồi xuống. Nguyễn Đạm hỏi:
- Bao lâu nó đưa nàng về phòng?
- Có thể nó tha luôn.
- Thật không?
- Thật, nếu nàng có ông Tổ rất thiêng!
Nguyễn Đạm chán nản:
- Thế là toi một đời con gái.
- Toi nhiều rồi Đạm ơi!
Nguyễn Đạm mím môi:
- Mừng lác!
- Gì thế?
- Không dễ gì được tha, tôi đã về nhà nổi.
- Tôi biết, ông cụ xua đuổi anh.
- Mừng lác nói đúng.
- Nhưng anh đừng lo, anh về ở với tôi tiếp tục học.
Nguyễn Đạm vươn cánh tay:
- Học hành chó gì nữa.
- Học chứ.
- Học làm gì?
- Học để làm luật sư.
- Bộ anh giỡn hả?
- Thật đó.
- Tôi nghĩ rằng anh cần phải làm luật sư. Anh không kéo dài vụ kiện để xoay tiền cơm của thân chủ, anh không lột của dân nghèo trơ trụi, anh chỉ cần đủ sống để phục vụ công lý, anh không cần phú quý thì không cần sài cảnh sát tư pháp làm ma cô đưa mối cho anh. Mừng lác tưởng nghề luật sư đâu có bần tiện, hèn nhát.
Nguyễn Đạm trợn mắt nhìn Mừng lác:
- Mừng lác biết nhiều quá nhỉ!
Mừng lác hỉnh mũi:
- Xó xỉnh nào tôi chẳng tới. Chuyện gì chẳng lọt mắt tôi. Đ. m. luật sư nhiều thằng bẩn như cứt. Nó cho vợ nó ra cửa tòa đón mối cho nó. Nó lột những người nghèo khổ, ngu dốt ưa kiện tụng đến phải bán cả cái quần rách, tống con đi ở đợ...
Mừng lác dịu giọng:
- Nhưng cũng có người tốt, những người tốt thì lại tốt quá. Tại sao Đạm không là một trong số những người tốt đó?
Nguyễn Đạm ngạc nhiên. Nó ngó Mừng lác. Không phải là lần đầu tiên nó ngó Mừng lác, bây giờ nó mới nhận rõ khuôn mặt thật của Mừng lác. Đạm hỏi:
- Mừng lác học đến đâu?
- Chữ nghĩa ăn đong.
- Sao Mừng lác nói văn văn hoa thế?
- Chữ nghĩa của đời mà.
Nó lảng chuyện.
- Thế nào? Đạm bằng lòng về sống với Mừng lác không?
Đạm gật đầu:
- Đành thế thôi.
- Sao lại đành?
- Chẳng về với Mừng lác thì về đâu? Đạm chắc ông cụ không chứa chấp Đạm nữa. Nhưng Mừng lác cũng cứ cho Đạm một dịp may nhé!
- Nghĩa là được tha Đạm thử về?
- Đúng.
- Đạm về tùy Đạm, song Mừng lác đã có kinh nghiệm về những chuyện “trở về” rồi. À Mừng lác nói ngay, bây giờ Mừng lác sống bằng huê lợi của bọn điếm.
Nó nói tiếp, không đợi Đạm tỏ phản ứng:
- Sống bám bọn điếm thì đê tiện thật nhưng mình đâu có bóc lột tụi nó. Một con điếm ở xóm nhỏ đáng lẽ “đi” một lần có năm chục, mình đưa nó lên hàng hai trăm, chỉ lấy có một trăm, nó vẫn lợi cơ mà...
Nó xoa tay:
- Xã hội này có cả triệu thằng ăn bẩn hơn mình. Càng làm lớn càng ăn bẩn, chúng nó ăn tiền của điếm để điếm tự do hành nghề, ăn tiền của bọn ăn cắp để bọn ăn cắp tự do “đi hiu”, ăn tiền của bọn chứa thổ đổ hồ để bọn chứa thổ đổ hồ ngang nhiên hoành hành. Chúng nó đem luật để bênh vực một con đĩ, một trùm nhà thổ, thản nhiên nhận thù lao kiếm bằng sự “bán trôn” và móc túi của bọn bất lương. Thì cũng bẩn như mình. Có gì là lạ phải không, Đạm?
- Tôi chưa hiểu về cuộc đời.
- Rồi Đạm sẽ hiểu và Đạm chỉ muốn “ỉa” vào cuộc đời. Cuộc đời thiếu chó gì chuyện đưa đẩy mình tới chỗ không cầm dao đâm người thì không chịu nổi. Nữa là chuyện bọn Chà và hiếp dâm tội nhân.
Đạm chợt nghĩ tới Thủy. Mắt nó hoa lên. Lòng dạ bồi hồi. Nó níu cánh tay Mừng lác:
- Liệu chúng nó có hiếp Thủy không?
- Liệu gì nữa?
- Nó hiếp à?
- Chứ sao!
- Thế thì...
Mừng lác tiếp lời Đạm:
- Thế thì nhớ mặt thằng khốn nạn đó. Nhớ những bộ mặt của những thằng khốn nạn đó nghe, Đạm.
- Để...
- Để...
Mừng lác nghiến răng:
-... Ra ngoài cắt gân chúng nó.
Nó vỗ vai Đạm:
- Còn giờ hãy nuốt căm hờn đi kẻo chúng nó cắt gân mình.
Mừng lác xoa vai Nguyễn Đạm:
- Hoặc Đạm nuôi chí căm thù bằng cách học thật giỏi để làm lớn bắn bỏ mẹ hết những thằng khốn nạn. Hoặc Đạm nuôi chí căm thù bằng cách nhập làng du đãng. Tỉa từng thằng mình thù ghét. Mừng lác muốn Đạm trở thành luật sư là thế đó.
- Cần gì phải là luật sư. Vô khối thằng làm lớn dốt như chó thì sao?
- Là luật sư thì có lợi cho du đãng. Chưa ai bênh vực du đãng một cách thực tình. Chẳng hạn, Đạm giết thằng Chà và chột vì thằng khốn hiếp cô Thủy của Đạm. Nếu Đạm không có luật sư riêng của giai cấp Đạm, làm cố vấn giết người cho Đạm, công lý nào soi sáng nguyên do khiến Đạm giết thằng Chà và?
Nó nuốt nước miếng:
- Mình nghèo xoay đâu ra tiền mướn luật sư khác. Đ. m., đụng đến chúng nó, chúng nó bòn rút không còn xì líp! Luật sư có đứa nào tình nguyện cãi phước thiện cho dân khố rách áo ôm đâu?
Mừng lác biết có nhiều vụ các luật sư chê bỏ, Luật sư Đoàn chỉ định một thợ cãi cãi Phước thiện. Thí dụ: Cãi cho thiếu tá nọ, tên thợ cãi vừa nổi tiếng vừa lột cả mấy trăm ngàn của vợ tội nhân. Đến nỗi khi chồng bị khổ sai chung thân, bầy con đứa thì gửi chỗ này, đứa thì gửi chỗ nọ nhờ người nuôi nấng dùm vì có tí tiền nào thợ cãi lột sạch. Ấy thế mà nó vẫn bảo nó vì... lòng hào hiệp, vì muốn làm sáng tỏ công lý nó nhận cãi phước thiện thì có chó không cơ chứ!
Mừng lác đang say sưa chửi bới luật sư. Bỗng nó im bặt. Vì cửa phòng giam điếm kêu ken két. Mấy con điếm thản nhiên bước vào, coi như chẳng có chuyện gì. Tới lượt Thủy. Nàng mệt mỏi, đầu tóc bơ phờ, quần áo rách bươm. Nàng khập khiễng bước vào. Tới giữa gian Thủy ngã khụyu. Vừa lúc, cánh cửa đóng rầm.
Nguyễn Đạm vụt dậy. Mừng lác kéo nó xuống. Tiếng thằng du đãng rít qua kẽ răng:
- Nghiến răng mà chịu, kẻo đứt gân thì hết trả thù.
Nó nói nhỏ:
- Không thiếu quân chỉ điểm quanh chúng mình đâu.
Nguyễn Đạm nhìn Mừng lác. Nó không tỏ thái độ mà chỉ nhìn Thủy bằng đôi mắt đầy xót thương.