Chương 10
Đảo Hồng

    
ối xử dụng dây thòng lọng của thằng bé 6, 7 tuổi này hơn hẳn nghệ thuật truyền thống của dân cao bồi viễn tây một bậc. ở Mỹ, sau khi tròng dây qua đầu xuống cổ con vật, người ta phải khuất phục nó bằng sức lực. Bị mắc bẫy, con vật lòng lộn mạnh mẽ hoặc phóng chạy trên một quãng đường dài, kỵ mã kém bản lãnh có thể bị thương hoặc phải thả buông cho con thú thoát thân. Bởi vậy, dân cao bồi thường cột một đầu dây vào gốc cây kiên cố, con vật vùng vẫy một hồi thì mệt lử và trở thành ngoan ngoãn.
Đứa trẻ 6 tuổi đã biểu diễn một phương pháp khác hẳn, bắt nguồn từ một thế đánh roi mềm của Thanh bang, tục gọi là "viễn tiên thần pháp." Cao thủ Thanh bang chu du khắm lục địa Trung Quốc, với sợi dây đay tết trong túi, đã quật ngã nhiều võ sĩ vô địch. Thần pháp này gồm 64 thế, lâu ngày bị thất truyền, căn bản của nó dựa vào thế thăng bằng của đối phương, hễ đối phượng mất thăng bằng là tung thòng lọng giựt ngã. Phép quăng thòng lọng viễn tiên không cần lực, chỉ cần tinh mắt và lẹ tay. sở dĩ Văn Bình bỏ chửng dễ dàng vì chàng không ngờ. Đến khi ngã chúi chàng vẫn còn thời giờ nắm sợi dây kéo ngược để đảo chuyển tình thế, song chàng đành ngừng tay vì nhận thấy kẻ địch chỉ là đứa trẻ mà tuổi đời còn thua Văn Hoàng, con trai duy nhất của chàng từng nổi danh về võ thuật...
Vẫn biết đứa trẻ 6 tuổi, em ruột thằng Sue, chưa đạt tới trình độ chững chạc, nhưng ít ra phép viễn tiên của nó cũng đủ làm người lớn u đầu sứt trán. Chàng lồm cồm đứng dậy.
Chung quanh nhà chàng đếm được 6 đứa trẻ. Đứa nào cũng thủ thế, chân hơi chùn, tay thủ lưỡi dao sáng loáng. Chúng chia làm 3 toán, mỗi toán gồm 2 đứa, vây bọc lấy chàng.
Chàng phá lên cười. Trong cuộc đời ngang dọc, chàng chưa hề đối đầu với kẻ địch tí hon nên chàng không nín được cười. Dầu là 6 gã đàn ông lực lưỡng, học hết cơm gạo về môn đấu dao cũng vị tất xâm phạn được da thịt chàng, huống hồ đây chỉ là 6 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất lên 5, đứa lớn nhất chưa quá 10 tuổi.
Chờ chàng dứt tiếng cười, đứa lớn nhất - có lẽ kế thằng Sue - mới lia ngọn dao thành hình chữ nhật:
- Chúng cháu không có thù oán với ông. Hành động của chúng cháu chỉ để tự vệ. Yêu cầu ông ra khỏi nơi này. ông đừng khinh chúng cháu con nít, tài nghệ non nớt. Nhiều người đã lầm như ông và lãnh hậu quả thê thảm.
Lời nói sang sảng của đứa bé làm Văn Bình chột dạ. Chàng nhớ đến Văn Hoàng. Một số điệp viên GRU và Quốc Tế Tình Báo sở cao trên 1th80, nặng xấp xỉ một tạ tây, đã mất mạng vì khinh thường tuổi nhỏ. Họ đã khinh thường thằng bé Văn Hoàng. Khi ấy Văn Hoàng chỉ mới 7, 8 tuổi. Nghĩa là bằng tuỏi anh em thằng Sue. Khi ấy Văn Hoàng đánh bằng tay không. Và nó chỉ có một mình. Giờ đây bọn em thằng Sue lại chơi dao. Và chúng gồm đúng nửa tá... (1)
Cả 6 đứa đều phục sức gọn ghẽ giống nhau, sơ mi ngắn rằn ri và quần ống chật. Cách ăn mặc đàng hoàng này chứng tỏ chúng không đến nỗi thiếu thốn. Chắc thằng Sue kiếm được nhiều tiền. Lưỡi dao của chúng nhỏ bản nhưng rất dài, mũi nhọn hơi cong lại xẻ rãnh. Chúng cầm dao có qui củ, thế chuẩn bị bay bướm của chúng cho thấy chúng học được phép "liên hoàn lục diệp đao", phép 6 người đánh dao vây khốn một đối phương võ thuật siêu đẳng.
Dĩ nhiên 6 đứa em của thằng Sue mới am tường viễn tiên thần pháp và liên hoàn lục diệp đao chứ nếu thông thạo thêm hàng chục bí kíp khác Văn Bình cũng không ngần ngại. Tự dưng chàng có thiện cảm với chúng. Chàng nẩy ra ý muốn chở chúng về Sàigòn để trui tài nghệ và nuôi nấng nên người. Chính Cheng Ho cũng trối trăn với chàng như vậy.
Nhưng đứa lớn nhất đã tiến một bộ, vung dao khỏi đầu, giọng vẫn dõng dạc như giọng đàn ông trung niên:
- Một lần nữa, cháu yêu cầu ông. Ông đừng bắt chúng cháu phải có cử chỉ bất kính.
Văn Bình đáp:
- Cháu kêu anh Sue về đây.
Đứa trẻ lắc đầu, quyết liệt:
- Không được.
Vừa nói nó vừa bước tới. Nghĩa là nó không đấu lý nữa. Anh em nó sửa soạn đấu võ với chàng. Chàng không thể nào so tài với chúng. Dân trong nghề sẽ cười mũi chàng khi nghe tin chàng quần thảo với lũ con nít chưa sạch máu đầu. Họ không biết lũ con nít này lợi hại không kém người lơn. Nếu án binh bất động, chàng sẽ ăn thẹo. Chàng đành phải kháng cự...
Tiến thoái lưỡng nan, Văn Bình chỉ còn phương sách kéo dài thời giờ. Thằng bé đến gần thì chàng bước lùi. Trong chớp mắt, lưng chàng đã đụng vách phòng. Thang bé chỉ sang bên phải:
- Đây là cửa sân. Mời ông.
Văn Bình nhún vai, nhìn quanh một lượt trước khi cúi xuống chui qua ô vuông ra sân đầy rêu xanh và nước bẩn đen ngòm. Chàng tạm chịu thua, ra đường, chờ thằng Sue về.
Chàng suýt trượt té. Chàng phải vận công để lấy lại quân bình. Mấy đứa nhỏ nhất cười ré. Đứa lớn phải quát:
- Tụi bây không được hỗn.
Bọn nhỏ im thin thít. Vừa khi ấy, giọng nói Quảng Đông quen thuộc của thằng Sue nổi lên:
- Ơ kìa. Chúng mày làm trò gì thế?
Thằng Sue gầy như ống sậy. Nó gầy đến nỗi thân thể nó như chỉ gồm xương bọc da chứ không có thịt. Mặt nó vẫn sáng rực như hồi đêm chàng gặp nó trên đường Nam Kiều. Có chỉ liếc qua là nắm vững tình thế. Nó gắt ngậu xị thằng em lớn:
- Ông này là bạn của ông Cheng. Tụi bay định chơi dao hả. Có cút đi không.
Thằng em lớn lắp bắp:
- Tại anh dặn...
Sue là anh cả làm việc nuôi đàn em có khác, nó không lớn tiếng mà vẫn có oai, bọn nhóc giấu biến dao nhọn trong áo rồi lần lượt lỉnh ra ngoài. Văn Bình xoa đầu đứa bé 5 tuổi đứng gần, khen ngợi:
- Cám ơn Sue. May cháu về kịp. Các em của cháu giỏi ghê... Chúng nó biết đánh viễn tiên thần pháp như người
Thằng Sue nhanh nhẩu buột miệng:
- Bà Vân Kiều dạy anh em cháu đấy.
Hai tiếng " Vân Kiều" làm Văn Bình choáng váng. Sợ nghe lầm, chàng hỏi lại:
- Bà Vân Kiều là vợ ông Cheng Ho?
- Thưa phải. Cháu cứ tưởng ông biết bà Vân Kiều giỏi võ.
Văn Bình giả vờ tét vào mông đứa bé 6 tuổi để đánh lạc hướng nhận xét của thằng Sue. Chàng không muốn thằng Suẹ khám phá ra sự thay đồi trong nét mặt của chàng. Chàng bỗng nhớ đến người đàn bà nhỏ nhắn mà căng tròn ngồi vẽ trong cảnh hoàng hôn trên đảo Johore Bahru. Nàng là Vân Anh, vợ của Agong, đồng thời là em của Vân Kiều. Vân Anh đã đẹp, Vân Kiều còn đẹp hơn nhiều. Nhưng Vân Kiều mắc bệnh thần kinh, bỏ nhà sống cô độc ở một nơi nào đó ngoài khơi Tân Gia Ba... Mọi người liên quan đến nội vụ đều đã chết. Cheng Ho chết. Agong chết. Chỉ còn lại hai chị em...
Văn Bình có linh tính thằng Sue đang nắm giữ phần nào bí mật. Cũng như hai chị em Kiều Anh... Song chàng chưa dám hỏi thằng Sue.
Thằng Sue kéo ghế mời chàng ngồi rồi nói:
- Ông uống nước sâm, để cháu đi lấy.
Chàng xua tay:
- Cám ơn cháu. Tôi bất thần đến tìm cháu vì có công việc quan trọng, ông Cheng đã chết.
Thằng Sue thở dài:
- Vâng, ông Cheng thân yêu của cháu đã chết.
- Ai báo tin cho cháu?
- Nhân viên an ninh, thường lệ, cháu chỉ huy bọn trẻ giữ xe trên đường Nam Kiều. Đó là nghề công khai của cháu để che mắt công an, vì như ông biết, cháu còn thêm nghề khác. Tuy vậy, nếu ông Cheng không cưu mang quá rộng rãi, cháu vẫn thiếu tiền nuôi lũ em. Cháu làm nhiều nghề không chính thức nên luôn luôn dè chừng công an. Họ ập tới, đòi dẫn cháu về bót để khai về vụ ông Cheng chết, cháu nhanh chân lủi vào hẻm trốn thoát. Công an không biết nhà cháu ở đây. Sở dĩ bọn em cháu làm dữ với ông vì chúng tưởng ông là cớm đến bắt cháu. Tại sao ông Cheng bị thiệt mạng hả ông?
- Bị nhiểm độc. Sau khi đi đảo Hồng về với cháu.
- Lạ thật. Trên đường về, cháu không thấy ông Cheng có triệu chứng bệnh hoạn gì cả. À, cháu nhớ rồi, ông Cheng rót rượu tapai và đưa hai viên thuốc dặn cháu chiêu với rượu, cháu hỏi thuốc gì thì ông Cheng nói là thuốc trừ độc, cháu phải uống để khỏi lây. Cháu định hỏi thêm thì thấy mặt ông Cheng sa sầm nên không dám. ông Cheng thường có thái độ vui buồn thất thường. Khi vui, ông Cheng trò chuyện như bắp rang, khi buồn cậy răng ông cũng không thốt nửa lời. Khi vui, ông hiền như bụt, khi buồn ông trở nên dữ tợn kinh khủng, ông ấy chỉ tát nhẹ là cháu húp cháo cả tháng, cháu từng húp cháo như vậy nên thấy ông đổi nét mặt cháu cũng ngậm thinh luôn...
- Trưuớc khi chết, ông Cheng dặn tôi tìm cháu để đi đảo Hồng. Cháu dẫn tôi đi ngay được không?
- Cháu cũng đi nhiều lần với ông Cheng nên thuộc đường. Phiền ông chờ một lát, cháu kêu thằng em.
- Nhiều lần nghĩa là bao nhiêu lần?
- Thưa ông, nhiều lắm, cháu nhớ không xuể.
- 5 lần, 10 lần, 20 lần?
- Có lẽ nhiều hơn thế.
- Ba, bốn chục lần?
- Thưa ông, vâng.
- Từ hồi nào?
- Khoảng nửa năm nay. ông Cheng thương cháu, muốn giúp cháu tiền, nên mang cháu đi theo coi ca nô. Vì ở đây có cái nạn ăn cắp thuyền máy. Ngoài khơi có nhiều đảo nhỏ, thuyền máy là phương tiện lưu thông tiện lợi nhưng lại đắt tiền, do đó hể xễnh ra là thuyền máy bị ăn cắp. Đến nơi, ông Cheng đậu ca nô dưới một phiến đá lớn nhô ra như mái hiên rồi trèo lên đảo một mình, cháu đợi trong ca bin.
- Chưa lần nào cháu cùng lên bộ với ông Cheng?
- Chưa. Vì lên bộ thì mất ca nô.
- Ông Cheng lên bộ để làm gì?
- Cháu không biết, ông Cheng không hề nói, cháu cũng không hề hỏi. Cháu không thích tò mò xía vào chuyện của người khác, dẫu ông Cheng coi cháu như con.
- Mỗi lần đi đảo Hồng, ông Cheng chở gì theo không?
- Có. Lúc nhiều, lúc ít, thường thường là 2 giỏ cần xé, thứ lớn.
- Nặng?
- Cháu chưa có dịp xách nên không biết. Khi cháu xuống ca nô thì các giỏ này được để sẳn.
- Đựng những gì?
- Cháu đoán là thức ăn. Giỏ cần xé được kết bằng mây và được che kín bằng giấy, không thể nhìn thấy bên trong. Các chuyến đi đều diễn ra ban đêm nên dầu giỏ cần xé mở rộng cháu cũng không thể nhìn thấy, ông thắc mắc về những chi tiết nhỏ nhặt ấy làm gì, thưa ông?
- Không phải là chi tiết nhỏ nhặt, vô nghĩa như cháu tưởng đâu. Tôi muốn biết vì lý do nào cháu đoán những giỏ cần xé này đựng thức ăn?
- Vì có lần ông Cheng nói ra. Cháu toan ngồi lên nắp giỏ thì ông Cheng hốt hoảng kéo cháu sang bên, miệng la "cẩn thận kẻo vỡ hết trứng"...
- Đúng rồi, đó là giỏ đựng thức ăn. ông Cheng mang thức ăn ra đảo Hồng cho ai?
- Cháu không biết.
- Mang cho bà Vân Kiều?
- Thưa ông, cháu không biết. Hồi còn ở nhà bà thường dạy võ cho mấy anh em cháu, ông Cheng rất giỏi võ, nhưng so sánh với bà thì còn thua, bà am tường cả những môn bí truyền... Đột nhiên bà thọ bệnh...
- Bệnh thần kinh.
- Vâng, ông Cheng nói là bà mắc bệnh thần kinh, phải sống ở nơi yên lặng, không khí tinh khiết.
- Ông Cheng đưa bà Vân Kiều ra đảo Hồng?
- Cháu không biết. Chỉ biết là sau đó bà Vân Kiều vắng mặt. Và cũng từ đó trở đi ông Cheng lái thuyền máy ra đảo Hồng, chở theo các giỏ cần xé đựng thức ăn.
- Hiểu rồi. Đảo Hồng cách bờ biển bao xa?
- Cũng không xa lắm. Phải đi ra phía Đông, qua khám đường đến gần bãi biển Changi, ca nô của ông Cheng đậu gần đó. Từ bãi biển Changi đến đảo Hồng đêm thủy triều lên cao thì mất nửa giờ. Đảo Hồng nhỏ xíu, nằm lẫn lộn giữa hàng chục đảo khác, tuy nhiên nó rất tĩnh mịch, không có dân chài sinh sống, cũng không có thuyền bè nào ghé. Vì nó là hòn đảo riêng.
- Do tư nhân làm chủ?
- Vâng. Theo lời ông Cheng thì chủ nhân đảo Hồng là người giàu sụ, giầu hơn cả ông Aw Boo, Haw. ông biết ông Aw chứ? Hãng dầu thoa bóp con Hổ ấy mà...
- Biết. Thôi, chúng mình đi.
- Có lẽ ông nên chờ cháu ở đây. Cháu phải tìm cách lẻn vào nhà ông Cheng lấy chia khóa.
- Chùm chìa khóa này phải không?
Văn Bình chìa cùm chìa khóa chàng lượm trên bàn giấy trong phòng Cheng Ho cho thằng Sue quan sát. Nó mừng rơn:
- Phải rồi. May mà có chìa khóa. Nếu không, cháu cũng đành chịu, ông Cheng gắn hệ thống báo động trong ca nô, người lạ xớ rớ đến là kèn cứu hỏa réo liên hồi. Nào, mời ông ra bằng lối này...
Một đứa trẻ hấp tấp chạy vào, suýt chạm vai Văn Bình. Nó là em kế thằng Sue, hồi nãy nó chỉ huy bọn lõi tì dùng dây thòng lọng viễn tiên và dao pháp liên hoàn áp đảo chàng. Nó báo cáo:
- Anh ơi, có lính. Đông lắm.
Thằng Sue chỉ hơi biến sắc trong khoảnh khắc rồi lấy lại sự điềm tĩnh:
- Mày tẩu tán những hộp thuốc đi chưa?
Đứa em đáp:
- Rồi.
Sue hỏi:
- Họ đang ở đâu?
Đứa em nhìn ra cửa:
- Đầu hẻm. Họ đang hỏi đường vào nhà mình.
Thằng Sue quay về phía Văn Bình:
- Trong nhà cháu luôn luôn có cần sa và thuốc phiện trắng. Cháu làm nghề bỏ mối ăn huê hồng. Chắc lính đến bắt vì chuyện hít choác. Nhưng cũng có thể về vụ khác, ông hãy đi theo cháu kẻo...
Thằng Sue không có thời giờ nói hết. Vì hai gã đàn ông vạm vỡ mặc thường phục đã đầm sầm vào phòng. Họ phục sức giản dị, quần tây ống rộng, áo mầu rộng thùng thình bỏ ngoài quân, chân dận giầy ban mỏng, kiểu phục sức này ở đâu cũng thấy, tuy vậy Văn Bình đã biết họ là người Tàu. Có điều lạ là người Tàu phục sức bất cứ cách nào cũng không che giấu được gốc gác của họ. Hơn thế Văn Bình còn biết họ là cớm. Họ là nhân viên chìm của trùm Phản Gián Lim Koon.
5 nhân viên của Lim Koon đã bỏ mạng. Chàng không dính dấp đến vụ hạ sát tàn bạo này nhưng chàng không có cách nào giải tỏa nỗi oan... thị Kính. Giờ này, chân dung tướng mạo chàng đã được gửi đến các trạm kiểm soát nhập cảnh, các đội truy lùng đặc biệt được lệnh bắt giữ chàng với bất cứ giá nào. Và họ sẽ không ngần ngại nồ súng trong trường hợp chàng kháng cự.
Hai mật vụ viên đã thủ sẵn súng lục trên tay. Họ không ngạc nhiên khi nhìn thấy Văn Bình. Điều này chứng tỏ họ đến đây không phải để tìm bắt ma túy như thằng Sue tiên đoán. Mà là đến làm thịt chàng.
Hai mật vụ viên còn rất trẻ, chỉ độ 22, 23 tuổi là cùng. Tuổi 22, 23 chưa phài là tuổi kinh nghiệm trong nghề đấm đá nên họ tỏ ra hớ hênh ngay sau khi đột nhập. Bằng thoáng mắt Văn Bình nhận thấy miệng súng của họ không chỉ đúng mục phiêu, ngón tay chưa hườm sẵn trên cò. Giá họ là dân chơi có hạng Văn Bình cũng vẫn phản công, phương chi họ còn quá vụng về. Bởi vậy, cả hai đang lúng túng thì ngọn cước chân trái của Văn Bình đã tung vút, quạt luôn một lượt hai tay cầm súng. Chàng đá tréo nhanh đến nỗi sau khi hai khẩu súng rớt xuống nền phòng đối phương mới biết.
Chàng tiến lên, vung bàn tay đánh ngã tên đứng gần. Tên thứ hai chưa kịp ngơ ngác thì chàng đã khoèo chân xô hắn lộn nhào vào chân tường. Một tên mật yụ viên khác ngốc nghếch ló đầu qua khung cửa. Mặt hắn đỏ lòm, có lẽ vừa nốc rượu tapai. Văn Bình thập cổ áo hắn, lôi sềnh sệch vào nhà. Nạn nhân kêu oai oái, hơi men sặc sụa. Văn Bình đẩy hắn ngã ngồi, mũi giầy thúc mạn sườn hắn, giọng hăm dọa:
- Còn mấy đứa chờ bên ngoài?
Nạn nhân run như rẽ:
- Còn 5. Chỉ có 3 đứa tôi vào đây.
- Anh là nhân viên của Lim Koon?
- Thưa vâng.
Văn Bình xách tai hắn bắt đứng dậy rồi hích cùì trỏ vào hàm, làm máu miệng chảy đầm đìa:
- Mày về báo cáo với Lim Koon rằng hắn ngu như bò. Ngu như bò, nhớ chưa?
Chàng bồi thêm một đòn nhẹ, nạn nhân phủ phục luôn trên đất. Trong phòng không còn ai, đàn em của thằng Sue đã biến dạng trong giây lát như biết thuật tàng hình. Thằng Sue chống nạnh, dáng điệu phớt tỉnh. Nó ra hiệu cho chàng theo nó luồn vào một lối đi nhỏ xíu. Hai bên là tường cao vút. Bề ngang con hẻm chỉ vừa lọt chiếc xích lô đạp. Trên đầu, Văn Bình thấy một mảnh trời vàng úa. Trời đã ngã về chiều. Ánh nắng không chiếu được xuống nền hẻm quanh co.
Đi được một quãng ngắn. Văn Bình thấy một đứa em của thằng Sue giữ chiếc xe gắn máy Suzuki của Nhật, loại thấp mảnh giành cho phụ nữ. Thằng Sue cầm ghi-đông, ra lệnh cho đứa em:
- Mày chuồn đi, để xe cho tao.
Máy xe nổ xinh xịch. Thằng Sue nói với Văn Bình:
- Ông chịu khó ngồi phía sau. Cháu lái xe cừ lắm. ông đừng sợ. Đường hẻm này ngang dọc chằn chịt như trên bàn cờ, nhân viên an ninh không thể rượt kịp. Cháu lái ông đến bờ biển phía đông. Chập tối, cháu dẫn ông tới chỗ đậu thuyền máy.
Hẻm tuy nhỏ vẫn đông người đi lại, thằng Sue không ngớt bóp kèn. Vất vả lắm nó mới quẹo được vào hẻm khác, rộng hơn, và mực độ lưu thông thưa thớt hơn. Qua hết hẻm này xe máy dầu ra đến đường cái. Văn Bình không biết đây là đầu chỉ thấy hai bên toàn là thịt heo quay, lạp sường và vịt khô.
Trong chớp mắt, xe gắn máy ra đến bờ biển.
Khu bến tàu thường là khu sầm uất nhất của những thị trấn trên đảo. Cũng như mọi khu bến tàu khác, ở đây Văn Bình tháy tàu bè san sát dưới vòm trời hoàng hôn vàng úa và mặt nước xanh nhạt bềnh bồng, gợi trong lòng ý tưởng phiêu du. Tuy nhiên giữa đám tàu bè xa lạ này dường như chàng vừa khám phá ra một bóng hình thân thuộc... Đó là chiếc đò máy Mata Hari... Du khách đến đảo đáp tàu một vòng quanh Tân gia Ba không thể không biết đến đò máy Mata Hari trang trí tiện nghi, chạy êm như ru. Mata Hari là tên một nữ điệp viên có sắc đẹp mê hồn thời thế chiến thứ nhất ở châu Âu. Nàng đã bị hành quyết. Đàn bà đẹp bị hành quyết là chuyện ngược đời. Ngược đời hơn nữa, kẻ hành quyết nàng lại là nước Pháp, nước nổi danh trong lịch sử thế giới về bẩm tính ga-lăng đối với phái yếu.
Văn Bình có linh tính sẽ gặp nhiều Mata Hari trong điệp vụ éo le này trên đảo Phong Lan, để rồi chàng sẽ mang tội tàn bạo, thư tòa án quân sự Pháp mấy chục năm trước.
Chàng buông ra tiếng thở dài.
Xe Suzuki đang chạy rừ rừ giữa đám đông nên thằng Sue nghe rõ tiếng thở dài của Văn Bình. Nó thòng chân xuống đất, thắng lại, rồi hỏi:
- Ông nhớ hả?
Thằng bé mười mấy tuổi mà khôn hơn người lớn. Chắc nó tưởng quang cảnh bến tàu rộn rịp giục chàng nhớ đến nếp sống du hí. Hoàng hôn là chặng mở đầu của cuộc du hí dài dằng dặc thâu đêm đến sáng. Văn Bình ừ hữ cho qua chuyện, thằng Sue bèn cười ròn:
- Ông thức đêm lại làm việc quần quật chắc xương thịt mỏi rừ. Cháu xin giới thiệu ông một nơi đấm bóp tuyệt vời, ở gần đây, do người cùng làng Đan Ninh với cha cháu làm chủ....
Văn Bình giật mình. Đan Ninh là làng thờ thần tẩm quất trọng tĩnh Phước Kiến. Cô gái có đôi bàn tay vàng hồi sáng cũng là người xả Đan Ninh. Tôkita va Disa đã chở chàng đến đó.
Chàng hỏi:
- Tiệm đấm bóp này ở trên lầu hai một cửa hàng thuốc Bắc?
- Phải.
- Chủ tiệm là "bác Hai."
- Phải. Ông tài quá. Bác Hai ở tiệm này đã lâu. Bác ăn ít mà béo phục phịch như cái cối xay. ông Cheng Ho thường đùa gọi bác Hai là cối xay biết làm tình.
- Cheng Ho là bạn bác Hai?
- Còn thân hơn bạn nữa. ông Cheng cùng sinh trưởng ở làng Đan Ninh như bác Hai. Sau khi họ lên 3, 4 tuổi, gia đình mới di cư qua đây lập nghiệp.
- À... hiểu rồi.
- Ông hiểu gì?
Văn Bình không thể nói cho thằng Sue biết những điều chàng vừa khám phá ra. Điệp vụ Disa là cuộn chỉ rối, nhưng vừa tìm thấy những đầu dây chính. Bác Hai quen Tôkita. Bác Hai còn quen Cheng Ho. Không lẽ Cheng Ho không quen Tôkita... Chàng bỗng nhớ lại lời Cheng trối trăn. Hắn không muồn nói sự thật. Nhưng trong giây phút lâm chung hắn đã vô tình tiết lộ những điều chôn giấu tận đáy lòng. Hắn tâm sự là người đẹp Disa nguy hiểm hơn Hsiang-pen Lih nhiều... Tại sao Disa lại nguy hiểm. Tại sao Cheng không sợ Hsiang?
- Chàng lắc đầu:
- Không, ông Cheng đã giới thiệu tôi tiệm đấm bóp của bác Hai? Nghe nói Tôkita thường đến đó đấm bóp mỗi ngày.
- Tôkita là ai hở ông?
- Một ông già cụt chân rất giỏi võ.
- Cháu chưa hề nghe ai nói.
- Cháu có nghe nói đến cô Disa không?
- Không.
Màn bí mật chỉ mở hé rồi khép lại. Thằng Sue chỉ biết một phần nhỏ của nội vụ. Nó là con nít nên mới nói đã quên, và từ chuyện này nó bắt qua chuyện khác veo veo. Chếc xe gắn máy tiếp tục phóng về trung tâm thành phố.
Đây là công trường Ráp-fơn, lỗ rốn của Tân Gia Ba, với những tòa nhà chọc trời mới xây cất nhìn hiên ngang ra biển, những nhà ngân hàng, văn phòng thương mãi tráng lệ và đặc biệt là vườn hoa nên thơ bên dưới là những bãi đậu xe ngầm. Và kế cận là con đường nhỏ hẹp nồi tiếng nhất nhì Viễn Đông, gọi là Chang Alley, bầy bán đủ thứ, thượng vàng hạ cám, du khách khó tính mấy cũng hài lòng.
Đến lượt thằng Sue thở dài. Văn Bình hỏi nguyên nhân thì nó đáp, giọng xúc động:
- Cháu thương ông Cheng quá.
Thằng Sue đậu xe bên lề. Nó nhanh nhẹn thót xuống, chạy lại xe bán hàng rong mua hại chai la ve lạnh Con Hổ và gói bò bía. Bò bía khá ngon, tuy nhiên Văn Bình ngửi thấy mùi lạ. Đoán được ý chàng, thằng Sue cắt nghĩa:
- Bò bía chay đấy, bò bìa ở đây rất ngon, mặn thì đã ngon, chay cũng ngon không kém.
- Cháu thích ăn chay?
- Vâng. Vì hoàn cảnh cháu phải ăn chay. Hồi còn nhỏ xíu, cháu đói quá, quanh năm không được ngửi mùi thịt nên quen với rau đậu, dần dà cháu mê ăn chay, giờ đây kiếm ra tiền cháu không ăn mặn trở lại được nữa. Cháu thương ông Cheng vì ông ấy biết rõ sở thích của cháu, mỗi khi có thời giờ ông Cheng đều rủ cháu đến Phố Chợ (2) và đãi cháu ăn chay. Đường này có nhiều tiệm chay do chà và nấu hợp với mọi khẩu vị và túi tiền... Nó ở bên tay trái của cháu, đây này...
Khỏi cần thằng Sue chỉ đường. Văn Bình đã biết những đặc thù ẩm thực của Phố Chợ.
Nhà hàng chay của người Ấn quý phái Bà la môn (3) - xin nhớ, dân Ấn chia làm nhiều đẳng cấp khác nhau, người bà la môn tự coi là đẳng cấp đàn anh. Ở Phố Chợ vừa ngon vừa rẻ, chỉ một đôn Mã là no. Lại con lạ nữa vì thức ăn được chất đầy với cơm trên cái dĩa bằng... lá chuối, với hai ly nước, một ly là sữa lạnh, ly kia là nước pha tiêu ớt cay xè, và... khi ăn phải rón ăn bằng tay phải (đừng dại dột ăn bằng tay trái, tay trần tục dơ bẩn, mà... ốm đòn)
Xe gắn máy vượt qua cầu, bon bon chạy lên phía Bắc thành phố. Khi ra đến ngoại ô, dấn vào con đường đông bộ của đảo, Văn Bình cảm thấy lâng lâng cả thể xác lẫn tâm hồn. Gió chiều mát lạng. Mặt trời lặn gần hết, bãi biển bên đường như được giát cát vàng óng ánh. Chàng nhìn thấy xa ca những chấm đen và sám ướt đẫm nắng chiều, đó là các tiểu đảo của Nam Dương và gần đường là những kampong nhỏ leo teo nằm khuất sau những bụi kè.
Kampong là làng xã của người Mã Lai.
Thằng Sue chỉ những giãy cọc chạy dài san sát ngoài biển, nói với Văn Bình:
- Đến nơi rồi, ông ơi. Chỉ qua cái kêlong này nữa thôi.
Mỗi nước có một cách sinh hoạt riêng biệt. Người Mã Lai đánh cá khác người Việt. Họ đặt những cái bẫy bắt cá gọi là kêlong. Đó là những hàng cọc được đóng gần nhau, từ bờ ra khơi, ban đêm một cái lưới lớn được buông xuống nước và đèn thắp sáng trên mặt biển, họ hàng nhà cá bị ánh đèn làm mê mẫn tự dẫn xác vào lưới.
Điệp vụ Văn Bình đang thực hiện không khác cái kêlong là bao, cá con đang kéo nhau chui đầu vào rọ. Tuy nhiên, chàng có bị sa bẫy hay không, chàng chưa dám cả quyết.
Thằng Sue rẽ xuống bãi cát. Nó dặn Văn Bình:
- Ông Cheng gửi thuyền máy cách đây một trăm mét. Phiền ông đưa chìa khóa cho cháu đi lấy.
Chàng hỏi nó:
- Ai giữ ca nô cho ông Cheng?
Thằng Sue đáp:
- Vợ chồng một người làm công. Người chồng thọ ơn ơng Cheng từ nhiều năm nay. Y quen mặt cháu.
Văn Bình ngẫm nghĩ một phút rồi nói:
- Chờ đến tối mịt tiện hơn.
Nó chắt lưỡi:
- Cháu hiểu ý ông. ông sợ nhân viên an ninh gài bẫy.
Thằng Sue khôn ngoan đáo dể. Văn Bình cũng chắt lưỡi theo. Chàng tỏ vẻ nuối tiếc một tài nguyên thông minh xuất chúng như thằng Sue bị mai một giữa đám trẻ bụi đời. Nó hơi sửng sốt trước cái chắt lưỡi của chàng. Nhưng rồi sự vô tư lự của tuổi ngọc hồn nhiên đã trở lại với nó. Nó xô cái xe gắn máy bám đầy đất bụi vào gốc cây kè rồi cười khanh khách, chạy một mạch xuống biển.
Thái độ vui tươi của thằng Sue lây sang Văn Bình. Chàng bắt chưóc nó cởi bỏ quần áo bơi lội tung tăng dưới nước. Nước biển gần tối mát rợi.
Những tia nắng cuối cùng của ban ngày đã tắt dần, tắt dần ở chân trời phía Tây.
Không một trục trặc đáng kể nào xảy ra khi Văn Bình và thằng Sue mở máy ca nô trên đường ra đảo Hồng.
Nói cho đúng, nếu thằng Sue kém tài ngoại giao thì chuyến đi đã vấp phải trở ngại. Gã nhân viên của Chẹng Ho thoạt đầu từ chối vì hồi chiều sở Phản Gián đã phái người đến hỏi thăm về chiếc ca nô, đồng thời yêu cầu hắn trình diện tại trụ sở vào sáng hôm sau để cung cấp thêm một số chi tiết cần thiết. Cũng may hắn chưa biết Cheng thiệt mạng nên thằng Sue đòn phép được dễ dàng. Thằng Sue thành công chóng vánh phần nào cũng do vợ gã nhân viên giữ thuyền máy lâm bệnh bất thần.
Văn Bình chờ ở bên ngoài sốt cả ruột. Chàng thở phào khoan khoái khi thấy nó trèo lên cầu bê tông sau nhà - một tòa nhà trệt khá rộng xây dọc bờ biển - gỡ tấm vải dầu che boong thuyền máy. Đó là một chiếc ca nô Rimini kiểu thể thao, vỏ lát tích nhẹ tâng, bề dài chỉ bằng xe hơi DS, gắn động cơ 90 mã lực có thể chạy 80 cây số giờ ngon ơ.... Cheng quả là tay chơi hàng hải có hạng, loại Rimini này nổi danh trên thế giới nhờ ở thân hình thuôn nhọn như cá mập, rẽ sóng phăng phăng... Được sản xuất ở Bỉ, nó rẻ rề, nó không chở được nặng nhưng rất dễ điều khiển. Loại ho bo này đem dùng cho cuộc hẹn hò trên biển cả giữa chàng và nàng thì tuyệt...
Bên cạnh chiếc Rimini bé bỏng là một du thuyền K-40 cực kỳ sang trọng. Trời ơi, phải là tổng giám đốc ngân hàng Mỹ trở lên mới dám đèo bồng chiếc K-40, nó chỉ dài 12m rộng 4m, song có đủ tiện nghi tân tiến, xa lông, phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm, boong nằm phơi nắng, giá tiền của nó sơ sơ bằng 15 lần giá tiền chiếc DS, xe hơi hạng nhất do Pháp chế tạo...
Cheng Ho không phải là tổng giám đốc ngân hàng Mỹ. Vậy mà hắn có tiền tậu du thuyền ngàn một đêm lẽ K-40. Chi tiết này bắt buộc Văn Bình suy nghĩ.
Động cơ kêu thật êm, ho bo lượt nhẹ trên nước không gây tiếng động. Khi ấy trời đã tối hẳn. Văn Bình không nhớ ngày âm lịch, song căn cứ vào vần trăng non treo tênh hênh dưới nền trời đen mượt chàng đoán mới đầu tháng.
Bất giác chàng nhớ đến Bích Ngọc," người đẹp bọ ngựa" ở Sàigòn. Chàng sắp sắn tay mở khóa động đào thì bị giai nhân vung quyền Bạch Mi đánh ngất. Khổ quá... giờ này lênh đênh trên biển Tân Gia Ba, cách xa Sàigòn và Bích Ngọc hơn một giờ đồng hồ phản lực cơ chàng mới hồi tưởng lại lời căn dặn của một ông thầy tu tình đạo người Ấn. Theo lời ông thầy tu này thì đàn bà tuyệt đẹp mắc chứng bệnh sinh lý oái oăm thường chịu ảnh hưởng mặt trăng, trăng thượng tuần là thời kỳ thuận lợi để tính chuyện... làm tình. Tuy nhiên, cuộc hẹn hò phải diễn ra lộ thiên. Nghĩa là đứng giữa trời, có ánh trăng non thượng tuần chiếu xuống.
Khổ quá... nàng đã hẹn hò với Văn Bình trong gian phòng điều hòa khí hậu. Chàng bị nàng sửa lưng là đúng. Tại chàng tối dạ, hay quên, tiếc rẻ, Văn Bình rên lên:
- Trời!
Thằng Sue nhổm khỏi ghế:
- Ông kêu cháu?
- Không. Chừng nào đến nơi?
- Hơn nửa tiếng. Từ nãy đến giờ, ông đã hỏi cháu ba lần.
Thật vậy, Văn Bình đã hỏi nó cả thảy ba lần. Câu hỏi này đột nhiên từ óc chàng buột ra, chàng không có thời giờ cân nhắc và kiểm soát. Chàng cảm thấy cần hỏi thằng Sue, hỏi bất cứ việc gì hầu che giấu những bối rối ghê gớm đang xâm chiếm tâm tư.
Trong khoảnh khắc, những vùng sáng ven bờ đã nhòa nhạt phía sau. Ban đêm, ánh đèn dọc bến tậu Tân Gia Ba kết thành hình con rồng vàng uốn khúc. Mặt biển phẳng lặng như trên sông đào. Thằng Sue dán mắt vào kiếng chắn gió, biển rộng mênh mông và đen sì, mắt người không trông thấy gì ngoại trừ bóng tối bao la vô tận, vậy mà Văn Bình có ý nghĩ thằng Sue đã nhìn thấy con đường, một con đường vô hình được vẽ sẳn trên sóng, con đường dẫn đến hòn đảo chứa đầy bí mật hãi hùng, đảo Hồng.
Chàng hỏi nó:
- Cháu lái mò không sợ lạc ư?
Thằng Sue cười, cánh mũi phập phồng có vẻ hãnh diện:
- Đời nào cháu lạc được, ông Cheng chỉ lái những chuyến đầu, sau này ông ấy nhường vô lăng cho cháu. Cháu quen quá rồi, cháu nhắm mắt cũng lái đến nơi.
Thằng Sue vẫn cười. Phút này Văn Bình mới thấy nó có hàm răng đều, trắng và cái miệng duyên dáng. Nó không đẹp trai nhưng chắc chắn lớn lên đủ cốt cách của nghề điệp báo là phớt tỉnh, lạnh lùng, nhanh nhẹn hoặc lừng khừng, khả ái hoặc tàn nhẫn, gần giống Văn Hoàng, đứa con trai duy nhất của chàng.
Chàng mở miệng toan nói, song vội ngậm nín. Trời bỗng nổi gió. Rồi lằn chớp xẹt ngang vòm trời, làm đại dương sáng rực như ban ngày. Thằng Sue vội la lên:
- Kỳ cục... Tháng này mà mưa ư? Trời lại đang sáng trăng nữa mới lạ....
Văn Bình không đáp lời nó. Lằn chớp lóe sáng trong một vi phân thời khắc vừa cho chàng nhận thấy sự biến đồi khác thường trên mặt thằng Sue.
Chàng bèn nói:
- Cháu ngồi sang đây, để tay lái cho tôi.
Tiếng gió bắt đầu thổi mạnh, con thuyền máy chồng chềnh trên sóng nhấp nhô, thằng Sue phải nói lớn Văn Bình mới nghe lọt:
- Cháu thuộc đường, cháu điều khiển ca nô tiện hơn.
- Không phải vậy. Đêm nay bão lớn, sợ không ghé nồi đảo Hồng. Đề nghị với cháu trở về Changi, đến mai đi lại.
- Chẳng sao cả đâu. Cháu từng gặp mưa to, gió lớn nhiều lần với ông Cheng ngoài khơi. Sóng đêm nay thấm tháp gì. Loại ca nô này đằm lắm, sóng dữ mấy cũng không lật. Vả lại, chỉ còn mấy phút nữa là đến.
Văn Bình nói như mơ ngủ:
- Còn mấy phút nữa hả?
Thằng Sue xả thêm tốc lực:
- Vâng, chỉ độ 5 phút nữa là cùng. Nếu không có gió ngược, cháu đã cặp bến từ nãỵ. Ông ơi, ông làm sao thế? Tại sao ông lại đổi ý đòi về? ông nói với cháu là công việc rất hệ trọng, phải giải quyết nội đêm nay, hoãn đến mai là hỏng mà...
Thằng Sue nhận xét đúng, Văn Bình đã đồi ý. Tuy vậy, chàng đòi về không phải vì e mưa to gió lớn. Những cơn phong ba dữ dằn gấp chục lần trên biển lạ cũng chưa làm chàng rúng động, huống hồ đây chỉ là trận gió ngược và lằn chớp trái khoáy trên vùng biển quen thuộc, tứ phía có hàng chục đảo vây bọc. Lý do khiến chàng đòi về, vứt bỏ một điệp vụ hệ trọng bậc nhất là... thằng Sue.
Phải... trong vừng sáng của lằn chớp bất ngờ Văn Bình phăng ra một vết quầng trên trán thằng Sue. Quầng đen hình bầu dục này mới xuất hiện. Hồi chiều, trên đường ra Changi, chàng không thấy gì khả nghi. Quầng đen tai ác đã mọc lên sau khi đêm tối buông xuống. Văn Bình không thể lầm lẫn: quầng đen nằm giữa hai lông này thường báo hiệu tai nạn chết người. Điệp vụ Disa hệ trọng thật đấy, nhưng không hiểu sao Văn Bình lại thấy tính mạng thằng Sue hệ trọng hơn nhiều...
Điệp vụ Disa liên hệ đến hàng chục triệu con người. Điệp vụ Disa có thể định đoạt vận mạng một quốc gia, một đại lục. Thằng Sue chỉ là đứa trẻ bụi đời, như hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ bụi đời khác xẹt qua đời hành động của chàng như sao chổi. Và trong đời hành động, Văn Bình luôn luôn đặt quyền lợi chung lên trên hết. Khi cần, chàng sẵn sàng hy sinh quyền lợi của riêng chàng và quyền lợi của những người thân. Và hơn một lần chàng sẵn sàng hy sinh mạng sống.
Thế mà lần này...
Chàng quát thằng Sue:
- Lái vào bờ mau lên, Sue.
Thằng Sue rạp đầu xuống vô lăng:
- Vâng, cháu đang ghé bờ đây.
Nó đã hiểu lầm lời nói của chàng. Chàng muốn nó quay về Tân Gia Ba thì nó lại tưởng chàng yêu cầu nó ghé bờ đảo Hồng. Thằng Sue giảm bớt ga xăng rồi reo mừng:
- Đến nơi rồi, ông ơi. Bờ đá đảo Hồng ở bên trái, ông nhìn thấy chưa?
Một đợt sóng lớn ập qua mạn thuyền máy làm nó tròng trành. Có lẽ thằng Sue lấy cua quá gắt. Nếu chiếc ho bo Rimini không phải là sản phẩm hàng hải cừ khôi, Văn Bình đã bị hất xuống biển. Chàng bơi giỏi như rái cá song vẫn khó tránh khỏi uống bụng nước mặn. Trong khi ấy thằng Sue vẫn tỉnh khô.
Dưới ánh trăng suông và ánh nước pha lân tinh Văn Bình nhìn thấy rặng đá lởm chởm chạy dài trước mặt.
Đó là đảo Hồng.
Chiếc ca nô còn cách bờ đảo vài chục mét. Thằng Sue tắt máy, con đò máy còn trớn lẹ làng tấp vào bến. Bỗng Văn Bình nắm cánh tay thằng Sue:
- Cháu nghe tiếng gì không?
Thằng Sue vẫn vểnh tai, dáng điệu trầm ngâm:
- Chỉ có gió và sóng.
- Cháu nghe kỹ lại xem. Có cả tiếng xinh xịch. Đúng là thuyền máy.
- Vâng. Cháu vừa nghe tiếng xinh xịch rất nhỏ. Tai ông thính thật. Nhưng tiếng thuyền máy có can dự gì đến công việc của ông đâu? Trời chưa khuya, thuyền bè qua đây là thường. Dân chài trong vùng lại quen dùng thuyền gắn động cơ. Có lẽ thuyền đánh cá. Trên bờ cháu thấy một dãy kêlong...
Văn Bình không nói thêm nữa vì ca nô đã ngừng lại. Bằng mái chèo gỗ thằng Sue điều khiển con thuyền nhỏ một cách thần tình. Nó chờ con thuyền đụng bờ mới phóng chèo, dùng những tảng đá trước mặt làm điểm tựa để dìu thuyền vào cái hang lớn, phân nửa chìm dưới nước. Chiếc ho bo lọt vào thạch động an toàn như xe hơi đậu trong ga ra.
Tiếng gió chỉ còn nghe xạc xào. Đá trong động toàn là thạch nhũ có lân tinh nên Văn Bình không cần mở đèn pha mà vẫn quan sát được cảnh vật rõ ràng.
Văn Bình ngồi sát thằng Sue, giọng hạ thấp:
- Cháu thường đậu thuyền ở đây?
Thằng Sue đáp:
- Vâng. Hòn đảo này rất hiểm trở, nếu không quen đường có thể húc thuyền vào mỏm đá nhọn bị đắm như chơi. Cho dẫu ghé được vào bờ cũng không lên bộ được vì bờ biển quá cao, từ mặt biển lên đến đảo cao 10 mét, phải dùng dụng cụ trèo núi chuyên nghiệp mới đổ bộ được. Vì vậy, mặc dầu đây là đảo của tư nhân, không người canh gác, người lạ cũng không dám bén mảng đến. Quen đường như ông Cheng Ho mới biết hang ngầm bí mật này, chỉ những đêm thủy triều lên ở mức trung bình, hang ngầm mới không bị ngập nước, ông nhìn coi, còn mấy thước nữa thì nước sẽ dâng chạm nóc, hết lối cho thuyền vào...
- Trước khi đi cháu biết là hang chưa bị ngập nước chứ?
- Biết. Cháu đã nói quen đường mà ông chưa tin.
Thạch động bị một bức tường dài chắn suốt bề ngang. Thằng Sue thận trọng lái thuyền máy đến gần tường. Nó rút cuộn dây thừng ni lông, buộc một đầu vào móc sắt ở chân ghế, rồi xoay đầu kia thành vòng tròn trước khi quăng ra phía trước. Nó liệng thòng lọng gọn gàng và chính xác không kém dân cao bồi chuyên nghiệp. Nó được học nghệ thuật viễn tiên có khác... trông nó thi thố tài mọn, Văn Bình tắc tỏm khen thầm.
Cái thòng lọng ợ đầu dây rớt đúng cái cọc sắt chôn chặt trên phiến đá hoa cương. Chiếc ho bo bị ghìm lại. Nhanh như con chim cắt, thằng Sue co chân thót lên bờ.
Văn Bình sửa soạn nhảy theo thì một tiếng quát lanh lảnh làm máu chàng đông đặc trong huyết quản.
Chú thích:
1. Xin đọc "kẻ cắp bà già" đã xuất bản để theo dõi hoạt động cừ khôi của bé Văn Hoàng.
2. Tức là đường Market Street. Còn công trường Ráp fơn là Raffles Place.
3. Tức là người Brahmin, từ 2500 năm nay, xã hội Ần được chia làm nhiều đẳng cấp, có lối sống riêng, đứng đầu là bợramin, thứ hai là kshatriya (viên chức, quân nhân, thứ ba là vaisya (nhà buôn, thợ thuyền), bét là harijan, đẳng cấp của nô bộc nghèo hèn.