---~~~mucluc~~~---


Chương IV (tt)
Xác chết trong phòng tối

     hàng mượn tạm một chiếc Dauphine. Dầu sao đây cũng là loại Gordini, phóng nhanh như gió. May mắn là trên xe không có tài xế, kính xe không lên nghĩa là cửa không khóa. Văn Bình đứng một bên, chuồi tay vặn nắm cửa. Cánh cửa trơn dầu mở ra êm ru. Chàng cùi đầu luồn vào. Như chàng đoán trước, ở táp lô không có chìa khóa. Có chìa khóa, chàng sẽ hà tiện được một phút. Không có chìa khóa, chàng phải bẩn tay nối hai đầu giây lửa để làm máy nổ.
“Thổi xe“ là một trong những nghề tay trái của Văn Bình. Hồi ở trường do thám, chàng đã được huấn luyện viên mến phục. Ra đời, thu thập kinh nghiệm trong giới ăn chơi Tây phương, chàng “thổi xe“ nhanh như chớp. Lâu nhất là 30 giây, chàng đã nối xong giây đề ma rơ và cho xe chạy.
Trong chuyến công tác nào ở ngoại quốc, chàng cũng mượn tạm xe của thiên hạ. Có lần chàng đánh cắp xe ngay trước mũi chủ nhân. Hoạt động ở Hà nội, chàng ung dung trèo lên một công xa trước tòa đặc sứ Trung quốc. Ở Nam Mỹ, chàng vào tận tư dinh một vị nguyên thủ để mượn tạm một chiếc Mercedès 300 SL kiểu xe đua mà chàng mê say như đàn bà đẹp. Chàng nghiện môn mượn xe đến nỗi có lần ông Hoàng nói đùa là sau khi giải nghệ, chàng sẽ trở thành ông vua ăn cắp xe trên thế giới.
Thật vậy, chàng biết lái mọi kiểu xe, lại biết mọi chi tiết cơ khí của từng xe. Một khi chàng cầm vô lăng, xe hơi cảnh sát khó thể theo kịp dầu có nhiều mã lực hơn.
Động cơ chiếc Gordini của Pháp nổ êm êm như tiếng nhạc ru con Mễ tây cơ. Văn Bình nhẹ nhàng vào số, thả thắng tay từ từ rồi lái ra giữa đường. Không ai để ý đến chàng. Chàng cười tủm tỉm, gài số 2 phóng như tên bắn trên đường nhựa thẳng tắp.
Chàng trở về lữ quán Melody.
Qua khách sạn 200 thước, chàng đậu xe sát lề rồi đi bộ lại. Khách sạn đã đóng cửa từ nửa đêm, ngoại trừ một cánh cửa hông khép hờ. Nhìn qua làn lưới thép mắt cáo, Văn Bình thấy một nhân viên gầy ốm, trung niên, ngủ gà ngủ gật trong ghế xích đu, cặp kính cận thị tòng teng trên mắt.
Văn Bình lẻn vào, bước êm như ru.
Ánh đèn đỏ quạch chiếu những vệt đỏ trên nền gạch hoa láng bóng. Chàng không về phòng vì thật ra chàng chưa buồn ngủ. Chàng thuê phòng tại Melody là để có cơ hội vào phòng Tim Dong, Trần Phương và Đoàn Lượng.
Tới tầng cao nhất, chàng vòng sang trái. Phòng xép dành cho bồi ở cuối hành lang. Văn Bình dứng trước cửa số 2: phòng của gã bồi bất hạnh Tim Dong. Đèn bên trong tắt ngúm, không một tiếng động kể cả tiếng kẽo kẹt quen tai của các lữ quán ổ nhện ban đêm.
Chàng vặn nắm cửa. Cửa khóa. Chàng rút trong túi ra đồ nghề mở cửa.
30 giây đồng hồ sau, chàng đã lọt vào trong phòng. Chàng kéo riềm che cửa rồi mở đèn. Căn phòng nhỏ hẹp được bày biện mộc mạc, nếu không nói là cũ kỹ, nghèo nàn.
Kê sát tường là một cái giường sắt trải nệm vừa đủ một người nằm. Đối diện, chàng thấy một cái bàn viết sơn xanh, và cái tủ buýp phê nhỏ xíu, đánh vẹt ni lâu ngày ám bụi và loang lổ. Tiện nghi vệ sinh được gắn trong góc gồm một chậu xứ rửa mặt và cái gương tráng thủy ngân, khăn mặt, sà bông, bàn chải đánh răng, lưỡi dao cạo, thuốc pom mát trụ sinh xếp thành đống hỗn độn.
Văn Bình cúi xuống, bắt đầu lục lọi. Các ngăn kéo đều trống trơn. Tim Dong đã lấy hết đồ đạc nên Văn Bình lục lọi không kết quả. Chàng mở cả la va bô song không thấy gì khả nghi.
Chắt lưỡi, chàng tắt đèn ra ngoài.
Chờ ở cầu thang một lát, không thấy ai, chàng lần xuống tầng dưới, rồi ngoặt về phía phòng của Trần Phương và Đoàn Lượng. Chàng không tin hai nhân viên XX yểu mệnh của Sở để lại một dấu tích nào quan trọng giúp chàng tiến hành cuộc điều tra hữu hiệu. Tuy nhiên, gã bồi Tim Dong đã thúc đẩy chàng trở lại khách sạn Melody để khám phá bí mật.
Phòng của Trần Phương mang số chẵn, xế phòng của Đoàn Lượng. Tới Nam vang sau Trần Phương, Đoàn Lượng đã có  dụng ý rõ rệt khi thuê phòng đối diện. Có lẽ Đoàn Lượng đã áp dụng chiến thuật “nhử mồi “ cổ điển, xuất  đầu lộ diện để đối phó với địch. Nhưng vì non tay ấn nên bị địch hạ sát. Dầu sao Đoàn Lượng đã phăng ra manh mối. Vì phăng ra manh mối nên mất mạng.
Văn Bình liếc nhìn ổ khóa. Chàng hơi bực mình vì đây là khóa Vachette của Pháp, loại ngân hàng, nghĩa là một trong các loại khóa khó mở nhất thế giới. Lần này, Văn Bình phải loay hoay hơn một phút. Và chàng không mở đèn điện như trong phòng Tim Dong. Chàng rút trong túi ra cây đèn bấm bút máy. Ngọn đèn xanh lóe lên, chàng lấy bàn tay che lại rồi đảo ánh sáng một vòng quanh phòng.
Căn phòng được bầy biện giản dị nhưng đầy đủ với cái giường muôn thuở trải khăn trắng toát, cái tủ gương đựng quần áo, cái bàn viết kê gần máy điều hòa khí hậu.
Tất cả đều được thu xếp ngay ngắn, chứng tỏ sau ngày Đoàn Lượng thiệt mạng, căn phòng đã đổi chủ. Dĩ nhiên đối phương đã lục soát tỉ mỉ. Trừ phi gặp may mắn, chàng không có hy vọng.
Một ý nghĩ thoáng qua óc…
Văn Bình vừa nhớ ra Đoàn Lượng là nhân viên XX. Trước ngày xuất ngoại, nhân viên XX được huấn luyện về ám hiệu. Hoạt động đúng nguyên tắc, Đoàn Lượng phải ghi dấu trong tủ áo nếu có tài liệu cất trong phòng. Văn Bình bèn mở đèn và mở cửa tủ áo quan sát.
Chàng đoán không sai: ở cánh cửa bên trái, phía trong chàng thấy một cái dấu chữ thập khắc bằng dao nhọn. Bên cạnh là một hình tròn: như vậy có nghĩa là Đoàn Lượng giấu tài liệu trong máy điều hòa khí hậu.
Văn Bình mỉm cười ra vẻ đắc ý và tiến lại trước cái máy Westinghouse một ngựa, sơn xanh, gắn dưới cửa sổ ở giữa phòng. Chàng dùng lưỡi dao nhíp mở đinh vít chung quanh máy. Nằm cuộn tròn cạnh ống dẫn lạnh là một miếng vải mỏng màu hồng. Cầm lên soi dưới đèn, Văn Bình nhận ra đó là một chiếc mù soa, góc dua chỉ xanh, bên trên thêu trái tim nhỏ xíu bằng chỉ màu lá mạ.
Mù soa hồng!
Trần Phương thiệt mạng trên đường Phsar Dék, gần tiệm khiêu vũ mang trong túi một  cái mù soa hồng. Trước  khi tắt thở, gã bồi phòng Tim Dong cũng nhắc đến mù soa hồng. Cái mù soa lạ lùng này phải là chìa khóa mở cánh cửa bí mật. Song mở cách nào, Văn Bình chưa biết. Đoàn Lượng dấu mù soa hồng trong máy điều hòa khí hậu mà không viết giòng chữ nào để lại, có lẽ vì chưa khám phá ra chi tiết hoặc có lẽ vì biết mình sắp chết.
Vì vậy, Văn Bình phải đích thân gặp gỡ những người còn sống để tìm ra ý nghĩa của chiếc mù soa hồng.
5 phút sau, chàng đã thót ra ngoài đường bằng cửa hậu và trèo lên xe Dauphine. Chiếc xe du lịch bé bỏng và ngoan ngoãn rú lên nhè nhẹ rồi băng mình trong đêm tối. Gió đêm quạt mạnh vào mặt chàng. Chiếc đồng hồ Rô lếch ba kim dạ quang của chàng chỉ quá 3 giờ sáng.
Lại một đêm nữa thức trắng! Nhưng đêm nay Văn Bình không được thức trắng bên bộ ngực nguyên tử làm tượng đá rệu nước miếng, bên cặp giò thần tiên đượm mùi da thịt trinh nguyên, mùi nước hoa thượng lưu, mùi huýt ky, mùi thuốc lá Salem và mùi sâm banh hảo hạng…
Chàng đậu xe ở góc đường Viehei Kroh Trae. Cảnh sát viên Phan Sit ngụ trong một ngôi nhà trệt sơn xanh, sau hàng rào xi măng và cái sân nhỏ trồng cây cảnh đắt tiền. Văn Bình định nhảy qua tường, nhưng khi thấy một người cao lớn mặc đồng phục từ đầu đường  bước tới lại giả vờ đóng vai chủ nhân móc chìa khóa ra mở cửa.
Ngạc nhiên xiết bao, cửa cổng không khóa. Chàng xô cửa vào. Mùi hoa lan thơm ngát trong sân tạt vào mũi chàng. Cửa phòng khách cũng mở. Bên trong hoàn toàn tối om. Linh tính của nhiều năm sống trong nguy hiểm báo hiệu với chàng một điềm bất thường. Chàng nép vào tường lắng nghe động tĩnh. Không nghe tiếng động khả nghi, chàng bèn mở đèn.
Một tiếng quát nổi lên:
-Anh vào đây làm gì?
Chàng quay lại và nhận ra gã khổng lồ mặc đồng phục chàng vừa gặp ngoài đường. Nhìn phù hiệu, chàng biết hắn là nhân viên công an Nam vang.
Chàng không giật mình trước khẩu súng to tướng lăm lăm trong bàn tay lông lá đen đủi của hắn. Chàng chỉ nhún vai, ra vẻ không quan tâm:
-Còn anh, anh vào đây làm gì?
Hắn nghiêm giọng:
-Tôi là nhân viên công an. Phiền anh cho tôi coi căn cước.
Biết sẽ gặp phiền phức, Văn Bình đành áp dụng biện pháp mạnh. Thật ra, chàng không muốn nặng tay với nhân viên cảnh sát vô tội, song chàng không còn lối thoát nào nữa. Vả lại, khẩu súng quái ác lại sửa soạn khạc đạn…
Một phát atémi phạt vào yết hầu gã khổng lồ. Không tránh kịp, hắn bị trúng đòn nghe phập một tiếng như dao chém xuống trái dưa hấu rồi lăn ra, quay lông lốc trên sàn nhà.
Văn Bình vội mở cửa phòng ngủ.
Quang cảnh trước mắt làm chàng khựng lại. Cái chàng thấy trước tiên dưới ánh đèn 100 nến sáng quắc là một cái xác nằm sóng sượt trên đất.
Không cần đọc căn cước nạn nhân, Văn Bình đã biết hắn là Phan Sit. Chàng quỳ xuống xem xét vết đạn. Phan Sit bị một phát trúng tim chết không kịp trối. Khẩu súng được đặt rất gần, có lẽ gắn ống cao su hãm thanh.
Nạn nhân trạc ba mươi, tóc húi ngắn, có vẻ khỏe mạnh, nét mặt đều đặn, cái miệng nhỏ của người kín đáo, cằm bạnh ra biểu thị tính tình cương quyết, gan lì.
Hắn mặc đồ sọt trắng, chân còn nguyên xăng đan chưa cởi, có lẽ hắn mới đi chơi hoặc đi gác về. Lục túi, Văn Bình chỉ thấy hai chục riel, một tấm hình phụ nữ lõa lồ và tấm thẻ cảnh sát viên hạng nhì.
Ở sợi giây vàng tây đeo vào thắt lưng, Văn Bình còn thấy tòng teng một xâu chìa khóa nhỏ. Chàng suy nghĩ một giây rồi dùng chìa khóa mở ngăn kéo bàn viết kê sát giường. Bên trong, giấy tờ vứt lộn xộn. Chàng để ý tới cuốn sổ tay bìa da xanh đã cũ, mép giấy cong veo. Đọc mấy trang đầu, chàng không hiểu nghĩa vì Phan Sit ghi tắt. Song chàng mừng rơn vì thấy một trang đen đặc tên người và địa chỉ. Văn Bình định lục lọi trong phòng thì nghe tiếng còi rít lên the thé. Tiếng còi cảnh sát công lộ. Tiếp theo là tiếng xe thắng lại ken két và tiếng giầy đinh nhảy xuống đường nhựa cồm cộp.
Trong chớp mắt, đèn pha cực mạnh từ ngoài đường chiếu thẳng vào nhà. Tiếng khẩu lệnh bằng Miên ngữ nghe rõ mồn một:
-Bắt lấy nó!
“Bắt lấy nó “ nghĩa là công an Miên đã  biết chàng có mặt trong nhà Phan Sit. Chàng vội khóa cửa ra vào. Viên chỉ huy bên ngoài dõng dạc ra lệnh cho nhân viên xô cửa, và một toán khác chận lối sau, đồng thời trèo lên mái nhà.
Văn Bình vừa sa bẫy. Bẫy này có thể của Trung ương Cục miền Nam, song cũng có thể của Phản Gián Miên. Hai nhân viên công an bị thiệt mạng, chàng khó thể thoát tội tử hình nếu bị sa lưới. Từ lâu, nhà chức trách Miên muốn chơi ông Hoàng một vố.
-Mở cửa! Hàng đi!
Tuy ở trong tình trạng nguy ngập, Văn Bình cũng mỉm cười. Từ ngày dấn thân vào đời điệp báo, chưa bao giờ chàng đầu hàng. Nếu có, chẳng qua là một thủ đoạn, giả vờ đầu hàng để phản công thắng lợi.
Văn Bình mở cửa phòng ngủ. Tiếng quát “mở cửa, hàng đi “vẫn vang rân.
Chàng nhảy lên hồ nước đối diện nhà bếp, rồi đu lên mái ngói. Bên trên, chàng không gặp ai. Một giây đồng hồ sau, chàng đã băng mình qua sân thượng nhà bên.
Tạch tạch tạch…
Một tràng đạn cạc bin lóe sáng trong đêm tối, Văn Bình nhoài người trên sân xi măng, quay lộn một vòng rồi nhỏm dậy, bíu lan can sân thượng vọt sang mái nhà khác.
Một loạt súng.
Hai loạt súng.
Đèn pha chiếu lên mái ngói sáng lòa. Văn Bình bám vào cái pét gô la trồng hoa, phi thân xuống bao lơn một ngôi nhà 5 tầng cao lêu nghêu. Tiếng súng vẫn theo chàng sát nút.
Văn Bình xô cửa, băng qua phòng tối, mò xuống cầu thang, chạy xuống tầng dưới rồi biến vào hành lang sâu thăm thẳm một tòa bin đinh cũ. Nhanh như vượn, chàng bám cầu thang bê tông cấp cứu, nhảy lên tầng cao nhất, tầng thứ sáu.
Văn Bình dừng lại thở phào. Không hiểu sao chàng mệt mỏi lạ thường, và muốn được nằm dài trên giường, trong phòng kín, bên chai rượu huýt ky đầy ắp, và nhất là bên một thân thể cân đối và khêu gợi.
Tiếng súng chát chúa kéo chàng về thực tại tàn nhẫn. Luồng đèn pha soi mói bắt đầu quét vào mái nhà kế cận.
Văn Bình bị đẩy vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan : bin đinh này tọa lạc ở góc đường, bên dưới nhân viên an ninh đông như kiến cỏ. Chàng không thể tuột xuống đường, cũng không thể quay lại chỗ cũ. Chỉ còn lối thoát duy nhất : ẩn núp trong bin đinh đồ sộ để tùy cơ ứng biến.
Trước mặt chàng, một dãy phòng nhỏ cửa đóng im ỉm nằm thưỡn dưới ngọn đèn đêm 10 nến lù mù.
Một sức mạnh kỳ lạ bắt chàng đứng lại trước phòng 35. Chân ướt chân ráo tại Nam vang, Văn Bình đã ở phòng 35 trong khách sạn, và chàng đã gặp cô gái thang máy tràn đầy nhựa sống. Biết đâu phòng 35 trong tòa nhà này chẳng mang lại may mắn lần nữa cho chàng !
Văn Bình mở cửa nhè nhẹ.
Cửa đóng.
Chàng còn đang ngần ngừ thì tiếng thét từ bên dưới vẳng lên :
-Nó đang ở trên ấy. Nhanh lên.
Văn Bình đành gõ cửa. Có tiếng luc đục trong nhà. Rồi một ánh đèn ngủ màu xanh bật lên.
Văn Bình giật mình, tay chân bủn rủn. Nếu chủ nhân là gã đàn ông hay ghen thì chàng tuyệt lộ! Chàng hối tiếc vì đã gõ cửa bừa bãi, không suy nghĩ.
Sau cửa có tiếng người nói. Tiếng  nói của phụ nữ Việt. Tiếng Việt miền Bắc, nhẹ nhàng và thanh thoát:
-Ai?
Văn Bình thì thào, cũng bằng tiếng Việt, giọng Bắc:
-Tôi.
Vẫn giọng nói êm ái, nhưng hơi pha gắt gỏng:
-Tôi là ai? Gần sáng rồi, không cho người ta ngủ ư ? Muốn quấy rầy thì đến mai.
« Muốn quấy rầy thì đến mai » , mấy tiếng này mang lại hy vọng cho Văn Bình. Nữ chủ nhân có lẽ là vũ nữ, hoặc là… Chàng không dám nghĩ tiếp.
Nép mình bên cửa, chàng nói, giọng van vỉ và tha thiết :
-Mở cửa mau, nếu không tôi nguy mất.
Dường như câu nói của Văn Bình có sức hấp dẫn mãnh liệt nên thiếu phụ không trả lời. Chàng chỉ nghe tiếng giép kéo lệt sệt trên nền gạch rồi tiếng then cài cửa được rút ra.
Cửa mở. Văn Bình len vào. Thiếu phụ hỏi chàng :
-Ông là ai ? Ông vào đây làm gì ?
Tiếng súng đì đoàng dưới nhà trả lời hộ chàng. Chàng ôm vai giả vờ bị đạn. Thiếu phụ suýt soa :
-Trời ơi ông bị thương !
Văn Bình nhăn nhó, nhìn ra cửa. Hiểu ý, thiếu phụ đóng cửa lại. Tuy bị săn đuổi ráo riết, Văn Bình vẫn có thời giờ thưởng thức vẻ đẹp của người đàn bà lạ.
Nàng trạc 28 (căn cứ vào giọng nói và thân hình, ai cũng đinh ninh nàng còn là thiếu nữ đôi mươi), da trắng như trứng gà bóc, mắt đen và sâu như muốn dìm chết thế giới đàn ông, mũi nhỏ, cao, như nặn, ngự trên cặp môi mọng đỏ như trái dâu chín Đà lạt, và cái miệng (chao ôi, viết đến giòng này, Người Thứ Tám cũng bủn rủn ngòi bút) hình trái tim, phảng phất nụ cười đắm đuối.
Nếu không là tên tù hụt, Văn Bình đã ôm liều kho tàng mỹ nữ vào lòng và tắt ngọn đèn đêm tò mò trên bàn. Tay vẫn ôm vai, chàng nói :
-Cám ơn cô.
Cái miệng Tây Thi điểm nụ hoa hàm tiếu :
-Không dám. Tôi đã có chồng.
Trời đất ơi, nàng đã có chồng. Chồng nàng đang nằm trong phòng ! Nếu hắn thức dậy, và nổi trận lôi đình, chàng phải giở trò vũ phu để thoát thân.
Tuy nhiên, Văn Bình vẫn trấn tĩnh :
-Xin lỗi bà.
Giọng nàng vẫn thánh thót :
-Tôi xin lỗi ông mới đúng. Áo quần cẩu thả thế này, ông cười chết.
Khi ấy nhãn tuyến của Văn Bình mới đặt vào bộ áo ngủ bằng ni lông mỏng dính màu hồng mà phía dưới là một thế giới kỳ ảo không lính gác và công sự phòng thủ. Chàng ngây người như pho tượng, quên bẵng công an đang ruồng xét ráo riết, tính mạng chàng treo trên sợi tóc.
Chàng lắp bắp như người ngậm hột thị lúng búng trong miệng :
-Thưa…Tôi đâu dám cười.
Nàng cười tươi tỉnh :
-Ông vừa cười xong. Ông gõ cửa phòng tôi ban đêm có chuyện gì ?
-Tôi không biết. Cảnh sát huýt còi đuổi theo, sợ quá tôi chạy lên đây, đánh bạo tới xin bà…
-Hừ, nhìn ông tôi thấy ông không phải là người hay sợ. Chắc ông đã làm việc phi pháp. Ông cứ nói thật đi.
Văn Bình nín lặng. Thiếu phụ hỏi :
-Ông lên đây lâu chưa ?
Văn Bình đáp :
-Thưa, mới. Đường đột vào phòng đàn bà lạ trong đêm là hoàn toàn vô lễ. Nhưng thưa bà… Bà là người đồng hương…Chẳng qua vì hoàn cảnh… Nếu bà không đoái thương, tôi sẽ bị bắt.
Thiếu phụ nhíu mày suy nghĩ. Văn Bình khẩn khoản nói tiếp :
-Tôi chỉ xin trú chân 5, 10 phút rồi đi ngay, không dám phiền bà lâu. Tôi sẽ vào phòng trong xin phép ông…
Thiếu phụ gạt ngang :
-Nhà tôi không có ở đây.
Rồi hạ thấp giọng :
-Không giấu gì ông, tôi chưa có chồng. Hồi nãy, tôi nói vậy vì sợ ông có ẩn ý. Thấy ông là người đường hoàng, tôi cần nói thật ông biết. Tuy nhiên…
Sự ngập ngừng này chứng tỏ thiếu phụ chưa bằng lòng. Trừ phi là gái giang hồ, không người đàn bà đúng đắn nào lại cho đàn ông lạ vào phòng sau 3 giờ sáng, nhất là đàn ông lạ này có khuôn mặt đa tình…
Tiếng giầy chạy rầm rập trên cầu thang xi măng là cứu tinh của Văn Bình. Chàng giả vờ run lẩy bẩy :
-Chết tôi rồi.
Thiếu phụ nhìn chàng, mặt tái mét một cách thành thật :
-Khổ quá, bây giờ làm cách nào ?
Văn Bình chớp mắt :
-Bà cho phép thì được.
-Thế nào tôi cũng bằng lòng. Ông thử nói tôi nghe.
-Thưa, vạn bất đắc dĩ tôi mới dám yêu cầu bà. Xin bà cho phép tôi trốn trên giường bà. Tạm trốn…
-Trời ơi !
Văn Bình thở dài :
-Vậy tôi phải chết.
Nhân viên an ninh bắt đầu đập cửa ầm ầm ở cuối hành lang. Văn Bình đứng dậy, giọng thiểu não :
-Chào bà.
Thiếu phụ ngước nhìn chàng :
-Ông đi đâu ?
-Tôi sẽ liều chết với họ. Chẳng qua số trời đã định…
-Không, không, ông không thể ra được. Dầu sao, ông cũng là người Việt như tôi…
Nàng định nói thêm nhưng tiếng đập cửa ở phòng bên làm nàng ngưng bặt.
-Mở cửa, mở ra, công an xét nhà.
Văn Bình cởi phắt sơ mi và quần dài, nhét xuống dưới nệm, rồi nhảy lên chiếc giường thơm tho, kéo mền trùm kín đầu. Còn tay kia chàng tắt ngọn đèn đêm.
-Mở ra, mở ra…
Thiếu phụ hỏi lớn, giọng ngái ngủ :
-Gì thế ?
-Công an, công an.
Nàng kéo đôi giép lệt xệt, hé cửa nhìn ra ngoài:
-Công an không cho tôi ngủ yên được ư?
Có tiếng Miên đáp lại:
-Xin lỗi cô. Một tên cướp vừa trốn vào bin đinh. Chúng tôi có bổn phận lục soát mọi phòng. Hắn rất nguy hiểm. Nếu hắn trốn thoát, tính mạng của dân chúng sẽ bị đe dọa…
Thiếu phụ suýt soa:
-Ghê quá! Tướng mạo hắn ra sao?
-Cao lớn, mặt mũi dữ tợn. Hắn chuyên cướp của, giết người.
Nàng cười ròn rã:
-Vậy mời ông vào trong này…Nhưng tôi chỉ mời ông thiếu úy thôi.
Vẫn tiếng Miên:
-Hắn núp trong ấy ư?
Nghe tiếng hỏi, Văn Bình lạnh toát châu thân. Chàng không hiểu sao thiếu phụ lại mời nhân viên công an vào phòng. Có lẽ nàng phản chàng…Nếu vậy, bắt buộc chàng phải dùng võ lực thoát thân mặc dầu hy vọng rất mong manh.
Nằm trên giường chàng co chân lại, chuẩn bị phản công. Lúc đó, cửa mở rộng rồi đóng lại. Đèn trong phòng bật sáng như ban ngày.