Chương 7 (tt)

    
ự đau đớn không làm Seng nhụt nhuệ khí, trái lại hắn liều lĩnh hơn lên. Tay phải bị gãy, hắn dùng tay trái để tấn công. Hắn thu toàn bộ võ công vào sống bàn tay, nhắm giữa hoành cách mô của địch đánh ra thế quyền chí tử.
Song le tài nghệ của hắn chỉ là hạt bụi vô nghĩa đối với thượng tá U Ban, con người giang hồ của Tình Báo Sở, đã tốt nghiệp nhiều lớp huấn luyện quyền thuật cao cấp ở Bắc Kinh và Mạc tư khoa. Vì vậy, Seng Ho đã bị gạt bắn vào vách thạch động. Đầu hắn giáng vào phiến đá lởm chởm, máu tuôn ra xối xả. Seng Ho nằm sóng soài trên đất, và bắt đầu mê man.
U Ban đứng nhìn nạn nhân một giây rồi bĩu môi bước nhanh ra ngoài.
Ánh nắng xế trưa gay gắt bị vòm cây cao xanh um cản lại nên chỉ có một lằn sáng xanh man mác tỏa xuống lối đi ngập lá, chằng chịt rễ cây mốc meo, dày đặc rêu xanh ẩm ướt, lốm đốm những chấm đỏ của hoa mẫu đơn vừa nở. Phong cảnh rừng già thật nên thơ, nhưng thượng tá U Ban đã mất hẳn tâm hồn thi sĩ của 20 năm về trước. Hắn không có thời giờ dừng lại, nhìn lên cành cây có con chim mỏ đỏ, đuôi vàng, mình gầy nhom, cẳng cao lêu nghêu, đứng vắt vẻo suốt ngày cất lên những nốt nhạc êm đềm, êm đềm như cơn « Mơ mộng » của đaị nhạc sĩ Chopin.
Thuở xưa… thuở còn là sĩ quan tham mưu tình báo của đoàn quân viễn chinh Chindits, U Ban là một cây Hạ uy cầm chứa chan tình cảm. Mỗi khi ngón tay đeo vuốt sắt của hắn thoăn thoắt trên phím đàn là người nghe có thể rớt nước mắt.
Lâu lắm, U Ban chưa xử dụng lại Hạ uy cầm vi hắn còn bận chém giết.
Trong phút này, tư tưởng chém giết đang sục sôi trong lòng hắn.
Xa xa, tiếng súng nổ ròn.
…………….
Đoàng, đoàng…
Đó là hai phát súng trường từ bụi rậm bên trái bắn ra. Tài xế thiếu bình tĩnh, dồn hết sức lực vào chân thắng nên chiếc díp mảnh mai lết một đoạn ngắn trên con đường thoai thoải vừa bị trận mưa vừa trút xuống làm trơn như máng xối. Sau cùng, xe hơi chịu dừng lại trước một gốc đa hai người ôm không xuể, cành lá xòe ra như cái tán khổng lồ.
Chiếc díp chở toán vệ sĩ võ trang vọt lên trước, tên sĩ quan chỉ huy nhảy xuống hét lớn :
-Tôi đây, đừng bắn nữa.
Từ bụi rậm um tùm ló ra một cái đầu đen sì. Rồi hai cái, ba cái... hai bên đường, phia trước, đầu người hiện ra lố nhố.
Một người mặc đồ trận đen tiến lên ra lệnh :
-Yêu cầu mọi người xuống xe.
Tin Aung đã xuống xe trước khi khẩu lệnh được ban ra bằng giọng gay gắt. Cử chỉ bình tĩnh, hắn giơ tay cho Vêra nắm và đỡ cho nàng tuột xuống, còn tay kia hắn xách cái va li nhỏ bằng da den của nàng. Văn Bình hỏi hắn :
-Lính của U Ban phải không ?
Tin Aung gật đầu :
-Phải.
-Tại sao họ không cho xe hơi chạy nữa?
-Tôi không rõ. Có lẽ họ thay đổi lộ trình, bắt chúng ta dùng đò máy.
Văn Bình giọng chua chát:
-Ông với U Ban là bạn thân kia mà… Tại sao U Ban lại đối xử như thế này?
Tin Aung trả cái va li cho Vêra :
-Rồi ông sẽ hiểu.
Một giờ trước, tại Nambum-Ga, khi Văn Bình phẫn nộ về cái chết của Inka, Tin Aung cũng đã chậm rãi nói với chàng « Rồi ông sẽ hiểu ». Chàng đòi hắn giải thích thì hắn đánh trống lảng không đáp. Khi ấy, chàng không để ý, nhưng giờ đây chàng đã nhận thấy trong câu nói cộc lốc của viên xã trưởng dân tộc thiểu số một sự hàm súc bí mật. Chàng muốn hỏi hắn lần nữa thì toán người núp sau bụi rậm đã tiến tới, dàn thành hàng ngang, súng chĩa vào bọn cảnh bị của Tin Aung.
Tin Aung khoát tay :
-Chắc các anh không lạ gì tôi. Tôi là xã trưởng Tin Aung. Tôi có giấy thông hành đặc biệt do thượng tá cấp.
Tên lính mặc đồ trận đen, chỉ huy toán du kích nói :
-Vâng, tôi biết.
Tin Aung nhoẻn miệng cười thân thiện:
-Nghĩa là anh đã biết tôi áp giải phạm nhân vào tổng hành doanh nộp cho thượng tá …
-Biết.
-Vậy phiền anh ra lệnh cho binh sĩ…
-Không được. Thượng tá vừa đích thân gọi điện thoại cho tôi, ra lệnh chặn đoàn xe của ông lại.
-Để làm gì?
-Ông không có quyền hỏi. Binh sĩ dưới quyền ông phải nộp võ khí cho chúng tôi mới được trở về thị trấn.
-Hành động này trái ngược với sự thỏa thuận giữa thượng tá và tôi. Chúng ta là đồng minh. Vì như vậy bắt buộc chúng tôi phải chiến đấu. Các anh tuy đông thật nhưng không võ trang hùng hậu bằng chúng tôi. Thử hỏi một tiểu đội súng trường làm sao ngăn chặn được 15 tay súng Tôm sơn và một khẩu đại liên…
-Hà hà… xã trưởng bắt đầu dạy quân sự cho tôi. Vâng, tôi xin cám ơn. Nếu xã trưởng còn cho rằng chúng tôi chỉ có súng trường cũ mèm thì hãy nhìn quanh một lần nữa…
Tên chỉ huy du kích đập hai bàn tay vào nhau và cất tiếng kêu. Tức thời từ phía sau bụi rậm bên tả, bên hữu, nhiều cái đầu khác mọc lên, rồi những khẩu tiểu liên AK-47 từ từ chĩa về phía Tin Aung.
Tên chỉ huy du kích nói:
-Chúng tôi đã bố trí đầy đủ. Lọt vào quãng đường hiểm trở này thì cả một tiểu đoàn súng ống tối tân và đạn dược ê hề cũng chết không còn một mạng, phương chi ông chỉ có 3 xe díp lèo tèo và một bọn cảnh bị run như cầy sấy. Thôi, ông đừng làm tôi mất thời giờ thêm nữa. Ông bảo họ hạ súng xuống.
Toán vệ sĩ của Tin Aung lần lượt ném súng xuống đất. Mưa vẫn tuôn xối xả.
Tên chỉ huy du kích hất hàm:
-Tất cả lên xe.
Như mèo cụt đuôi, bọn lính cảnh bị lẳng lặng cúi đầu trèo lên xe díp. Tin Aung hỏi tên chỉ huy du kích:
-Còn tôi?
Tên chỉ huy đáp:
-Ông phải theo chúng tôi vào tổng hành doanh.
Chờ cho xe díp chở bọn lính bị tước khí giới của Tin Aung chạy khuất dưới sự hộ tống của hai khẩu trung liên, tên chỉ huy quay lại phía sau, nói líu lo với một vệ sĩ. Văn Bình lắng nghe nhưng không hiểu được gì mặc dầu căn cứ vào giọng nói uốn lưỡi và một số danh từ quen thuộc, chàng biết đó là thổ âm Vân Nam.
Tên chỉ huy vừa dứt lời thì Tin Aung xấn tới phản đối:
-Anh không có quyền làm thế.
Tên chỉ huy nhăn mặt:
-Ông là kẻ nhiều lời nhất trong bọn. Vâng, tôi không có quyền thật, song viên đạn của tôi có quyền. Tôi chỉ tuân lệnh thượng cấp mà thôi. Nếu ông phản đối, xin để dành lát nữa phản đối trực tiếp với thượng tá.
Bọn lính mặc đồ đen từ trong bụi rậm ùa ra với những cuộn thừng ni lông to tướng. Trong chớp mắt, mọi người bị trói giật cánh khuỷu ra sau lưng, kể cả xã trưởng Tin Aung. Giây thừng xiết quá chặt neê Sophie kêu đau. Tên chỉ huy du kích cười gằn:
-Đó là chúng tôi còn nhân nhượng. Trói đúng tiêu chuẩn của quân đội giải phóng Trung quốc thì đau đớn gấp năm, gấp mười nữa.
Nghe hắn đe dọa, Sophie nìn lặng. Nàng không lạ gì lối trói vô nhân đạo của binh sĩ Hồng quân trên lục địa. Trói hai cánh tay rồi còn vòng sợi giây quanh cổ, lòng thòng như xích chó. Có nơi còn vòng cả xuống háng khiến nạn nhân bị kẹt cứng, chỉ có thể nhích lên từng bước một.
Văn Bình thản nhiên quật tay ra sau lưng. Hai tên lính lực lưỡng phụ trách riêng một mình chàng trong khi tên thứ ba chĩa lăm lăm khẩu tiểu liên Trung cộng. Có lẽ địch đã biết rõ căn cước điệp viên lưừg danh Z.28 nên hai tên du kích của F-22 trói chàng một cách chắc chắn, giây dù được chập lại, nút buộc đè chận lên nhau trong khi mọi người khác chỉ được trói một giây và buộc một nút.
Địch cho chàng là một kẻ lợi hại, song địch quên mất - hoặc vô tình không biết – chàng là một võ sĩ thượng thặng về Ninjutsu Nhật Bản và Thần Ảo Công của quyền Thiếu Lâm nghĩa là những môn võ có một không hai trên thế giới, chuyên về gỡ trói. Nếu muốn, chàng có thể vận công bẻ gãy xích sắt. Giây dù nổi tiếng dai bền, đôi khi dao bén mới cắt đứt song đối với chàng thì mọi thứ giây trói và mọi cách trói đều chỉ là trò chơi. Chàng chỉ cần một phút là tự giải thoát được.
Sau khi trói xong, bọn du kích chụp bao vải vào đầu Văn Bình rồi đẩy chàng ngã xuống võng ni lông do hai người khiêng. Chàng loáng thoáng nghe tên chỉ huy ra lệnh:
-Cởi ra. Ai bảo mày trói người đàn bà này?
“Người đàn bà này“ chắc là Vêra. Giọng tên chỉ huy lại cất lên oang oang:
-Nhanh lên, kẻo lát nữa thượng tá lại cho mày ăn đạn.
Rồi tiếng đáp của tên du kích:
-Xin lỗi, em quên khuấy.
Tiếng gã chỉ huy:
-Lần sau mày đừng nên quên như vậy nữa.
Tiếng Vêra phản đối:
-Tại sao ai cũng bị trói trừ tôi?
Tên chỉ huy đáp:
-Lệnh trên. Bọn tôi chỉ biết chỉ đâu đánh đấy. Bà là Vêra phải không ? Thượng tá đích thân dặn tôi phải biệt đãi bà.
Vêra càu nhàu vài ba tiếng nữa mà Văn Bình không nghe rõ rồi nín thinh. Văn Bình nằm ngửa trên võng, từ từ hít không khí vào lồng ngực để khỏi bị ngạt.
Bọn lính đang xuyên qua rừng nứa vì Văn Bình ngửi thoáng mùi thơm đặc biệt của phấn nứa và của những chồi măng mới nhú sau trận mưa vội vã. Hồi nhỏ, chàng thường vào rừng tre, rừng nứa, rừng giang, đốt lửa nấu cơm nếp cẩm. Nếp cẩm miền thượng phảng phất màu lam dịu dàng làm cậu bé Văn Bình say sưa. Màu lam là màu truyền thống của rừng núi : cơm màu lam, áo màu lam, khói trên nhà sàn màu lam, đôi mắt của những cô gái nhí nhảnh, thoăn thoắt cũng nhuộm màu lam, màu lam của sườn núi hoàng hôn, màu lam của cánh rừng bình minh quyện sương óng ánh.
Đoàn người đổ dốc thoai thoải rồi đi men suối. Văn Bình nghe tiếng nước chảy róc rách. Dầu không nghe tiếng nước chảy, chàng vẫn biết rõ lộ trình vì đường ven bờ suối ở bất cứ khu rừng nào trên trái đất cũng đều có mùi vị độc đáo, mùi hăng hắc của hoa cỏ trong rừng trên bờ : chàng nhận thấy hoa cỏ bên suối bao giờ cũng thơm đậm hơn hoa cỏ trong rừng vì được uống nhiều nước mát, khác nào cô gái dậy thì của xã hội « nhất dạ đế vương » Hồng Kông được nuôi bằng sâm nhung, thừa chất bổ đặc biệt nên da thịt nhất là khả năng lôi cuốn chăn gối thường có mùi hương đặc biệt. Những phiến đá bị nước mài nhẵn nhụi cũng tiết ra một mùi riêng. Rồi đến những bụi nấm, mùi những khóm rêu, mùi những tụm cỏ, mùi những đóa hoa chỉ mọc theo giòng suối, luôn luôn thủy chung như bóng với hình…
Lòng Văn Bình rộn lên một niềm vui vô tả. Chàng không nhớ là bị trói gô, đung đưa trên cáng ni lông, trong tay bọn đầu trâu mặt ngựa, coi tính mạng con người như con số không rỗng tuếch. Chàng không nhớ là lát nữa phải đối đầu với thượng tá U Ban, con hùm xám của Tình Báo Sở ở miền rừng núi hiểm trở Bắc Diến để rồi bị tiêm thuốc mê bỏ vào thùng gỗ chở về Bắc Kinh như món hàng, hoặc lãnh một băng đạn tiểu liên vào ngực, thi thể bị quăng xuống vực làm quà cho chim kên kên.
Núi rừng vốn là tình nhân của chàng nên chàng chỉ nghĩ đến núi rừng, nhớ đến núi rừng, mường tượng đến cuộc đi săn từ Việt Bắc vào Hòa Bình, Thanh Hóa, gót chân lãng tử dẫm lên các buôn Thái trắng, Mèo và Mường, trái tim rung động trước những tấm thân cân đối, kiều diễm phơi trắng dưới ánh trăng vàng huyền diệu…
Kỷ niệm hoan lạc của thời xa xưa bao trùm hết hiện tại phũ phàng. Văn Bình thiêm thiếp ngủ một cách bình thản và hồn nhiên như ngày nào nằm ngủ trên gối cô gái Mường mát rượi, vừa ở dưới suối lên, chưa kịp mặc quần áo…
Chàng ngủ say đến nỗi được khiêng từ võng xuống thuyền, rồi từ thuyền lên bộ mà không biết.
 
Chú thích:
(1) gọi là bọt biển Amboseli vì thứ đá này được tìm thấy (năm 1954) gần hồ Amboseli, dưới chân rặng núi hùng vĩ Kilimanjaro, Tanganyika. Bọt biển (meerschaum) là vật liệu quý giá nhất để làm nồi ống điếu. Ống điếu bọt biển là loại ống điếu đắt tiền nhất.
(2) cuốn « Hương viên » (vườn thơm) do tù trưởng Á rập tên là Abu Abd-Allah al-Nefzawi viết vào thế kỷ thứ 16, dịch sang tiếng Pháp vào thế kỷ 19. Sách này chứa đựng mọi bí mật về nghề nghiệp yêu đương trai gái.
(3) theo thi sĩ La mã cổ xưa Horace thì đuôi cá sấu có tác dụng khích động mãnh liệt. Món này hiện được ghi trong thực đơn « nhất dạ đế vương » ở Hồng Kông.