Chương 10
Vỏ quít dày …

     ồng hồ tay của Z.62 chỉ đúng 12giờ05 phút khi chiếc Citroen sọc sạch của Văn Bình ra khỏi ngõ hẻm, phóng nhanh trên con đường đầy nắng.
Bà Huyền Hoa -tức Z.62- chậm rãi đứng dậy. Phần quan trọng của công việc đã xong. Bà tin vào tài thiện xạ của Văn Bình. Hôlếp bị bắn chết, nút thòng lọng cuối cùng sẽ xiết chặt vào cổ Phan Mỹ. Văn Bình có thể quay về Sàigòn. Vả lại, đêm nay phái đoàn Việt kiều cũng đáp máy bay trở lại Vọng các.
Bà Hoa xoa bàn tay ra vẻ bằng lòng. Bà lại bàn rót một ly nước lạnh uống rồi mở cửa xuống nhà xe. Chiếc xe cứu thương sơn trắng đã được Nguyệt Thanh lái vào từ nãy. Đúng 12g10, bà Hoa sẽ nổ máy từ từ ra đường.
Tuy nhiên, bà còn phải xử trí với xác chết xám ngoẹt nằm còng queo trong xe. Bà kéo xác chết xuống đất rồi dùng khăn ướt lau sạch sàn xe. Xong xuôi bà bấm một cái nút bí mật trong ga ra. Nút này ăn thông với một cánh cửa hình tròn xuống hầm. Bà hì hục khiêng hai thúng đựng đầy khoai ở góc nhà xe sang bên. Trông bà già nua, tóc bác phơ, da dẻ nhăn nheo mà khỏe mạnh khác thường.
Phia dưới là một vòng tròn nhỏ bằng sắt, gắn liền vào phiến đá -nền nhà được lót toàn bằng đá hình vuông. Bà xoay vòng tròn theo chiều cây kim đồng hồ rồi nhấc phiến đá lên, nhẹ như bằng giấy. Tấm cửa bí mật này là một công trình chế tạo khôn ngoan của bà, rút theo kinh nghiệm nước ngoài. Lệ thường, muốn mở một con ốc, người ta phải vặn từ tả sang hữu, ngược với chiều kim đồng hồ ? Bà đã làm trái lại. Thỏi son đựng phim vi ti, cán dù chứa đạn thuốc độc của các điệp viên cũng được chế tạo cách này, nghĩa là muốn mở phải vặn trái cựa.
Phiến đá nhấc lên để lộ cái miệng đen ngòm của nhà hầm. Bà Hoa vác xác chết lên vai, bước xuống. Bà bật lên, mở nắp một cai thùng kẽm lớn chứa quá nửa một thứ nước sền sệt. Loại thùng này trước kia dùng để đựng ét xăng. Giờ đây, bà Hoa dùng để tiêu hủy xác chết.
Kê sát tường, cả thảy có 5 cái thùng đậy nắp kín mít, bên trong là cường toan. Một số nhân viên của địch mất tích bí mật trong thành phố, không ai tìm ra dấu vết vì kẻ mất tích được dìm vào thùng át xít, trong vòng 24 tiếng đồng hồ chỉ còn trơ lại vài khớp xương và mảng răng bịt vàng. Một thời gian nữa, những mẩu xương cuối cùng cũng tan ra nước.
Dáng điệu thận trọng, bà Hoa thả xác chết vào thùng cường toan rồi đạy nắp lại. Phản gián địch không tài nào tìm ra. Vả lại, nếu họ tìm ra, họ cũng không mảy may hy vọng bắt sống được bà. Dưới căn nhà bề ngoài cổ xưa, hiền lành, đã được chôn sẵn một số thuốc nổ cực mạnh. Chỉ cần kéo con dao điện lên là tòa nhà phát nổ. Bà Hoa đã nghìên cứu kỹ địa thế : bên cạnh là kho vật liệu của báo Nhân dân, không có người ở.
Lên trên, bà Hoa đóng cửa hầm lại, mở ga ra, sửa soạn lái xe ra. Gài số de, bà ngoái cổ lại phía sau và chợt nhận ra một cái quẹt máy nằm gọn trong kẽ ghế. Bà nhặt lên ngắm nghía.
Bỗng bà rùng mình ớn lạnh. Đó là một cái bật lửa Trung cộng mạ kền còn mới nguyên, ánh kền lập lòe trong bầu không khí tranh tối tranh sáng của nhà xe. Bà Hoa mở nắp ra, bật thử. Bánh xe của bật lửa nằm lì ở một chỗ. Không phải vì quẹt máy hết đá lửa, mà vì bánh xe được hàn luôn vào thân quẹt máy.
Một quẹt máy giả.
Thoạt trông ai cũng bị lầm song con mắt chuyên môn của bà Hoa không thể lầm được. Bà lật phía dưới lên xem. Lệ thường, phía này để hở, nhồi bông để đổ xăng. Nhưng nó lại kín như bưng. Bà Hoa đưa tay lên lắc mấy cái.
Bây giờ bà đã biết rõ. Chiếc quẹt máy là một dụng cụ phát tuyến đặc biệt. Nó phát ra những tiếng tè tè, tạch tạch riêng. Bỏ vào túi một nhân viên công tác trong thành phố, trung ương có thể biết từng giây từng phút y ở đâu.
Bà Hoa không ngờ Phan Mỹ lại bắt nhân viên mang dụng cụ phát tuyến trong người. Bà đinh ninh hắn là thằng ngốc. Rốt cuộc, hắn không ngốc chút nào hết. Có thể hắn tiên liệu Văn Bình sẽ ra đường để bắt liên lạc và Văn Bình sẽ triệt hạ tên nhân viên đi theo. Trong khi tên nhân viên hớ hênh bị đánh bất tỉnh, Văn Bình ung dung dựa lưng vào nệm xe cứu thương, trò chuyện với bà Hoa thì ở phía sau -có thể là cách một quãng khá xa - một chiếc xe hơi khác gắn ăng ten vô tuyến dài lê thê lặng lẽ rượt theo. Trong xe, chuyên viên trắc giác của Phan Mỹ thản nhiên hút thuốc lá, đeo mũ nghe vào đầu. Xe cứu thương của bà Hoa đi đâu, họ cũng biết.
Và dĩ nhiên, như hai với hai là bốn, họ đã biết bà Hoa lái xe về trụ sở bí mật trong đường hẻm vô danh ở Cửa Đông. Văn Bình đi ra Hàng Lọng, tất Phan Mỹ đã phái người tới ám sát. Kế hoạch hạ thủ Hôlếp sẽ thất bại. Văn Bình sẽ bị bắt cùng với Nguyệt Thanh.
Nghĩ đến lúc con gái duy nhất và quí yêu của mình bị sa vào tay địch, đưa vào phòng tra tấn chịu những trận đánh dã man, bà Huyền Hoa rùng mình.
Tuy nhiên, bà vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Mặt bà chỉ hơi tái rồi thản nhiên như cũ. Bà đã quen với nếp sống thần kinh căng thẳng từ bao năm nay.
Bà Hoa lẩm bẩm :
-Phan Mỹ giỏi thật.
Song Z.62 cũng không tầm thường. Trong xe Citroen, bà đã lắp sẵn một máy vô tuyến cực mạnh, được sản xuất tại Tiệp khắc. Dáng đìệu từ tốn, bà rút trong cái túi đựng đồ ở băng trước xe ra một cái hộp vuông màu đen.
Bà Hoa ấn nút, cái ăng ten nhỏ xíu từ trong máy vươn ra dài gần nửa thước. Bà ấn một cái nút khác. Máy walkie –talkie này dùng một tần số bí mật, phản gián Hà nội không biết. Tiếng máy kêu rè rè, bà Hoa cất giọng đều đều:
-1, 2, 3, 4 … Long biên kêu Cầu Giấy. 1, 2, 3, 4 … Alô, alô, Long biên kêu Cầu Giấy.
Cùng khi ấy, tiếng rè rè nổi lên trong xe Citroen. Nguyệt Thanh cúi xuống nghe giọng nói quen thuộc và can trường của mẹ. Nàng đáp:
-Cầu Giấy đây. Long biên nói đi.
Giọng nói hiền từ của bà Hoa từ máy walkie –talkie tuôn ra:
-Z.28 xuống chưa?
Nguyệt Thanh đáp:
-Thưa rồi. Xuống cách đây một phút.
-Hỏng rồi. Bãi bỏ kế hoạch đã định. Con phải phóng xe lại tận nơi đưa Z.28 đi ngay. Địch đã phăng ra trụ sở của mẹ và đang theo sát con.
-Vâng, con đi ngay.
-Nếu không kịp, con phải bỏ Z.28 lại.
-Nguy cho anh ấy lắm.
-Con không được cãi lệnh. Tính mạng của một người quan trọng thật đấy song không quan trọng bằng tính mạng của một tổ chức. Này con, mẹ cũng không ép con làm gì, tùy con định liệu. Chào con, chúc con may mắn. Mẹ đang bố trí thoát vòng vây đây. Thế nào mẹ cũng thoát. Còn con, con hãy coi lại cái nhẫn ở ngón tay xem. Mẹ thương con nên không muốn con bị địch tra tấn. Hôn con nhé.
Tiếng nói quen thuộc câm bặt.
Bất giác, Nguyệt Thanh nhìn ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái. Nàng chưa đính hôn với người nào. Cái nhẫn bạch kim chạm trổ tinh vi này thật ra chỉ là dụng cụ chứa thuốc độc xi a nuya. Nàng được lệnh cắn vỡ con sư tử bằng ni lông ở giữa cái nhẫn và nuốt độc dược. Mẹ nàng nói xi a nuya tác động rất nhanh và rất êm, trong vòng mấy giây đồng hồ là xong hết. Nguyệt Thanh bậm môi để khỏi òa lên khóc như đứa trẻ.
Tuy giỏi võ, giàu kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch, Nguyệt Thanh vẫn là phụ nữ, đúng hơn một thiếu nữ thơ ngây, từ nhỏ đến lớn quấn quít cạnh mẹ. Con người gián điệp phớt tỉnh, tàn bạo bỗng nhiên nhường bước cho con người đầy tình cảm và ẻo lả. Nhưng chỉ một giây sau, nàng trấn tĩnh lại được. Mắt nàng quắc lên như sửa soạn giết ai. Như cái máy, nàng mở đề ma rơ. Từ chỗ nàng đậu xe đến chung cư của nhân viên bộ Ngoại giao, nơi Văn Bình mai phục để bắn thiếu tướng Hôlếp, nàng chỉ cần hai phút. Nàng sẽ leo lên gác kéo chàng xuống. Trong thành phố, bà Hoa có nhiều trụ sở kín đáo, nếu bỏ rơi được bọn theo sau nàng và chàng sẽ thoát hiểm. Nàng lái xe giỏi, Văn Bình lại là tay thần xạ. Họ mang một cam nhông đầy nhóc lính chạy sau cũng vị tất chặn được bàn tay cầm súng bá phát bá trúng của chàng.
Một tia hãnh diện lóe lên trong mắt. Tiếng động cơ nổ ròn, Nguyệt Thanh đặt chân xuống bàn ga sửa soạn phóng lên. Nàng nghe một tiếng động khô khan. Nàng thò tay vào rút súng nhưng không kịp.
Bốn cửa xe cùng mở tung ra một lúc.
Bốn họng súng đen ngòm chĩa vào người nàng. Nhìn sang tả, hữu, quay lưng lại, nàng đều thấy súng. Bốn người đàn ông này đều mặc đồng phục màu xám, gài kín cổ theo kiểu Trung quốc.
Ba người đứng ngoài, đóng cửa lại đánh sầm. Người thứ tư trèo lên xe, ngồi gần nàng, giọng nhỏ nhẹ:
-Chào cô. Cô bỏ giùm tay ra khỏi túi. Dầu cô bắn giỏi đến mấy cũng không diệt được cả bốn chúng tôi đâu. Vả lại, chúng tôi đều là tay súng cừ khôi cả.
Nguyệt Thanh buông thõng:
-Không dám. Ông muốn gì?
Người lạ bỏ khẩu súng của nàng vào túi quần rồi hỏi:
-Hắn đâu rồi?
Nàng quắc mắt:
-Hắn là ai?
Người lạ mặt cười đểu giả :
-Là cái thăng cùng ngồi với cô, tay xách cái đàn ấy.
Nguyệt Thanh bàng hoàng, song nàng vẫn thản nhiên :
-Tôi không biết.
Người lạ mặt nghiến răng :
-Rồi cô sẽ biết. Tôi đã cho người theo hắn rồi. Sở dĩ tôi hỏi cô là để xem cô có thật tình hay không. Bây giờ, tôi cho cô một hy vọng lập công chuộc tội. Bạn cô đi đâu ? Đi gặp ai ? Gặp về chuyện gì ?
Nguyệt Thanh mừng thầm. Địch chưa biết Văn Bình đi giết Hôlếp. Nàng bèn nhún vai, tìm kế hoãn binh:
-Ông tìm hắn mà hỏi có hơn không?
Người lạ mặt nói:
-Đây này, để tôi nói cho cô biết. Cô lái xe đưa hắn đến nơi đây rồi ngồi đợi, tất hắn chỉ vắng mặt một lát rồi quay lại. Cô đừng tưởng chúng tôi đến đây là chuyện tình cờ. Chúng tôi đã theo cô từ đường Hàng Mành lên Cửa Đông. Nếu cô chịu giúp, chúng tôi có thể tóm hắn mà không phí một viên đạn. Chúng tôi biết hắn mang súng trong người. Hắn kháng cự, buộc lòng chúng tôi phải nổ súng, và một chọi bốn thế tất hắn sẽ chết, nếu không cũng trọng thương. Mục đích của chúng tôi là bắt sống. Nếu tôi không lầm, cô là người yêu của hắn. Cô không muốn hắn còn sống để tiếp tục yêu cô sao?
-Còn sống! Ông tưởng tôi trẻ con sao? Các ông sẽ đưa chúng tôi vào phòng tra tấn. Tra tấn chưa chết, chúng tôi sẽ chết trong nhà giam, hoặc đem đi hành quyết.
Người lạ mặt vẫn cười đanh ác:
-Cô biết một mà không biết hai. Bị tra tấn, bị hành quyết là việc thường xảy ra trong nghề gián điệp, song đã có nhiều kẻ bị bắt mà không bị giết. Cuộc đời của cô, của người đàn ông yêu cô, tùy thuộc vào thái độ của cô lúc này. Lát nữa, về trụ sở, cô còn có dịp chứng minh lần nữa. Nếu cô chịu khai hết, chịu làm với chúng tôi, cô sẽ được sống, và có thể sẽ được tự do nữa.
Nguyệt Thanh thở dài:
-Ông muốn tôi làm gì?
Vẻ mặt đắc thắng, người kia hỏi:
-Khi nào người yêu cô trở lại?
-Anh ấy dặn chừng 15 phút đến nửa giờ.
-Đi đâu?
-Tới đầu Hàng Lọng.
-Làm gì?
-Gặp một người bạn.
Người kia dặn nàng ;
-Bây giờ, tôi để cô ngồi một mình trong xe, anh em chúng tôi sẽ rút vào ngồi trong quán nước đối diện. Thấy người yêu lại, cô đừng tỏ vẻ lo sợ gì hết, nghe chưa? Cô cứ để hắn trèo lên. Rồi chúng tôi sẽ tới. À, tôi cần khuyên cô một điều: hai tay cô phải để ngay ngắn trên vô lăng. Nếu không tôi sẽ nổ súng. Nếu cô tỏ cử chỉ nào khả nghi cho người yêu cô biết, tôi cũng sẽ nổ súng. Thôi, chào cô.
Hắn mở cửa bước xuống vỉa hè. Trước khi xuống, hắn không quên rút chìa khóa công tắc bỏ túi. Giá còn chìa khóa, Nguyệt Thanh có thể thừa cơ phóng ra khỏi lề. Xe hơi của họ, dầu thuộc loại cừ khôi, cũng không có hy vọng đuổi theo chiếc Citroen cà tàng của nàng. Mất chìa khóa, nàng có thể nồi hai đầu giây điện cho máy nổ, song hắn đã bắt nàng để tay trên vô lăng, không được rút xuống.
Vừa khi ấy, chiếc xe dài ngoẵng bệ vệ của Hôlếp phóng qua.
Nguyệt Thanh nhắm mắt lại. Nàng không dám nghĩ đến những việc sẽ xảy ra nữa.

*

Bà Hoa lặng người trong một giây đồng hồ. Bà vừa ra lệnh cho Nguyệt Thanh dùng độc dược để quyên sinh nếu chẳng may rơi vào tay địch. Từ ngày đưa con gái vào đường hoạt động nguy hiểm, bà đã dặn con nhiều lần, song chưa lần nào bà nhận thấy quyết liệt bằng lần này vì địch là kẻ vô cùng xảo quyệt. Trong đời gián điệp, bà Hoa đã thấy nhiều đồng nghiệp đưa ngón tay lên miệng, hoặc cắn vỡ răng giả. Mặc dầu trái tim đã trui lại, bà cũng xót xa, phương chi nạn nhân sắp tới lại là đứa con gái duy nhất của bà, là nguồn hy vọng duy nhất và cuối cùng của bà.
Bà Hoa lắc đầu nhè nhẹ để xua đuổi những tư tưởng ủy mị ra khỏi óc. Mất con gái, bà mất gần hết cuộc đời song không vì quyền lợi cá nhân mà bà quên được sứ mạng. Nguyệt Thanh cũng là một điệp viên dưới quyền bà, như hàng chục, hàng trăm điệp viên vô danh khác. Nếu Thượng đế, nếu tổ quốc muốn nàng hy sinh, bà vẫn phải dặn nàng sẵn sàng.
Bà Hoa lên nhà trên, mở tủ lấy ra một khẩu tiểu liên PPD 1940 (1), băng đạn tròn, chứa 71 viên đạn. Với khẩu súng này, bà sẽ quét ngã một tiểu đội của địch trước khi tử thương. Bà cho viên đạn đầu tiên vào nòng, nâng súng lên ngang vai, ngắm bắn, rồi lặng lẽ tiến lại cửa sổ nhìn ra hẻm.
Cánh cửa đóng kín, bà áp tai vào nghe. Bên ngoài vẫn không có tiếng động nào khả nghi. Có lẽ địch bao vây chứ chưa bắt, hoặc có lẽ địch bắt Văn Bình và Nguyệt Thanh trước rồi tấn công trụ sở này sau. Bỗng bà Hoa nghe tiếng chân người lệt sệt. Bà khựng người chĩa họng súng vào cửa lớn. Bà nghe tiếng ho, tiếng ho quen thuộc của người đồng chí già tàn tật sau cửa.
-Gì thế, bác Tư?
Già Tư nói vào:
-Bà mở cửa cho tôi.
Bà Hoa mở khóa và then cửa. Tấm cửa lim dày 5 phân đủ sức cản lằn đạn trung liên, chưa kể hai cái khóa Yale tối tân và một then cửa bằng sắt. Muốn phá cửa vào, địch phải mất từ 5 đến 10 phút. Cửa ga ra còn khó phá hơn vì nó toàn sắt, bên trên chông nhọn hoắt, trừ phi địch dùng ba dô ka bắn xụp tường.
Già Tư rón rén bước vào. Đó là một ông già trên 55, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, trông như hành khất. Già Tư đội một cái nón lá, tuột vành đen sì, và dận một đôi dép lốp cao su kiểu Bình Trị Thiên. Móng tay, móng chân bám đầy đất và dầu mỡ, bộ râu muối tiêu dài lê thê, dường như không bao giờ được sửa gọt. Tuy nhiên, nhìn kỹ người ta thấy cái cằm vuông bộc lộ sự cương quyết, vầng trán cao thông minh và quả cảm, nhất là cặp mắt rộng và sáng, lúc quắc lên như bắn ra tia điện.
Đóng cửa lại, già Tư hỏi:
-Họ vây kín rồi, bà biết chưa?
Bà Hoa gật đầu ;
-Biết rồi.
-Sao bà chưa trốn đi?
Bà Hoa cười:
-Trốn sao được. Tôi phải đợi bác về đã. Định ra ngoài hẻm gọi bác thì bác về.
-Bà lôi thôi lắm. Bổn phận tôi là gác bên ngoài để bảo vệ bà.
-Bổn phận tôi là bảo đảm cho những đồng chí trung kiên và tài ba như bác khỏi sa vào tay địch.
Già Tư thở dài:
-Chỉ 5 phút nữa, họ sẽ ùa vào đây. Mời bà đi ngay cho.
Bà Hoa cũng thở dài:
-Bác cùng đi với tôi, may ra có thể thoát hiểm.
-Không được đâu. Phải có người ở lại kháng cự để nghi binh. Vả lại, …
Giọng già Tư trở nên nghẹn ngào:
-Tôi chắc cô Thanh đã bị họ bắt. Bị bắt tất cô Thanh sẽ tự vận. Bà phải sống để trả thù. Bà phải sống để lãnh đạo anh em.
-Cám ơn lòng tốt của bác. Nhưng tôi đã quyết rồi. Tôi chẳng còn sống bao lâu nữa. Bác là đàn ông, lại ít tuổi hơn tôi, bác phải ở lại dìu dắt anh em thanh niên.
-Nếu bà chấp nê, địch vào đây, bà với tôi đều chết. Chết một cách ngu xuẩn. Chết một cách vô ích. Tổ chức sẽ kết tội bà, lịch sử sẽ kết tội bà. Không có bà trong giờ phút nghiêm trọng này, tổ chức sẽ như con rắn mất đầu, anh em sẽ phân tán, sứ mạng tổ quốc và ông Hoàng giao cho sẽ thất bại.
Bà Hoa cúi đầu suy nghĩ đoạn bà ngửng đầu, giọng sắc như dao:
-Tôi chỉ bằng lòng đi với hai điều kiện.
-Mời bà nói đi. Nếu là điều kiện hợp lý thì tôi chấp thuận.
-Hai điều kiện, xin bác nhớ cho. Thứ nhất, rút thăm, đúng tên ai người ấy phải ở lại. Thứ hai, Nếu chẳng may là bác, tôi sẽ ở lại cầm cự một thời gian, đến khi gần hết đạn tôi mới đi.
Già Tư nói:
-Bà bướng bỉnh thật. Ông Hoàng nói vậy mà tôi không tin, giờ đây tôi mới thấy rõ ràng. Vâng, bà đã muốn, tôi xin vâng.
Nói xong, già Tư lại bàn, lấy giấy ra. Già đưa cho bà Hoa một mảnh giấy:
-Bà viết tên bà đi, còn tôi viết tên tôi.
Bà Hoa nắn nót chữ Z.62 rồi gấp tư mẩu giấy lại trao cho già Tư. Già Tư cho vào cái nón lá xóc một hồi rồi nói:
-Mời bà rút thăm.
Tim đập hồi hộp, bà Hoa rút miếng giấy phía trên và mở ra đọc. Bà tái mặt. Già Tư mỉm cười:
-Tên bà phải không?
-Không, tên bác.
-Tôi đã bảo mà … Ông Trời có mắt, không bao giờ lầm cả. Thế là xong, tôi xin ở lại.
Ngần ngừ một giây, bà Hoa nói:
-Còn tờ thứ hai, phiền bác mở ra coi.
-Khố quá, có hai miếng giấy, cái đề tên bà, cái đề tên tôi. Bà đã rút tên tôi rồi thì còn lại phải mang tên bà. Tôi không ngờ bà chị lẩn thẩn như thế.
Bà Hoa vụt đứng dậy và lấy mẩu giấy còn lại trong nón, già Tư giật lại không kịp. Già Tư ngồi phịch xuống ghế, mắt đỏ hoe. Quả bà Hoa đoán đúng: miếng giấy thứ hai cũng đề chữ Z.64, bí hiệu của già Tư.
Bình sinh, già Tư là người giỏi quỷ thuật. Hồi còn trẻ, già Tư lang thang đây đó, trổ tài biến giấy ra trứng, nặn bột thành chim để kiếm tiền độ nhật. Chống Pháp bị bắt, đầy ra Côn đảo, bác kết bè vượt biển trốn về. Sau một tuần lênh đênh trên biển khơi, hai bạn đồng hành chết khát phải ném xác xuống nước, bác dạt vào đất Thái. Nhờ dân địa phương có cảm tình –và có lẽ cũng nhờ bác thạo tiếng Thái – bác thoát khỏi màng lưới của thực dân, và từ đó tá túc ở nước ngoài, tiếp tục sứ mạng giải phóng đất nước. Bác gặp ông Hoàng, gia nhập tổ chức gián điệp dưới bí hiệu Z.64, rồi ra Hà nội phục vụ dưới quyền bà Huyền Hoa. Bác coi bà Hoa như chị cả, và nhiều lần vào sinh ra tử đi sát với bà Hoa như hình với bóng. Bác đã cứu bà Hoa ra khỏi nanh vuốt ghê gớm của địch.
Bà Hoa nói:
-Tôi biết mà …
Già Tư lắc đầu:
-Tôi giỏi nghề quỷ thuật, chắc bà chị không lạ gì. Nhưng thôi, tôi quyết ở lại, bà không lay chuyển được tôi đâu.
Bà Hoa định nói: “tôi cũng quyết ở lại “ song vội im bặt. Tiếng chân người chạy thình thịch trong hẻm vang lại. Đến trước cửa trụ sở của bà Hoa, toàn người dừng lại.
Rồi một tiếng quát vang lên:
-Mở cửa.
Tiếp theo là tiếng báng súng đập vào cửa:
-Mở cửa. Công an.
Già Tư lên tiếng:
-Các ông đòi mở cửa làm gì?
Tiếng kêu bên ngoài trở nên gắt gỏng:
-Mở cửa để xét nhà.
Già Tư nói:
-Ông chủ đi vắng rồi. Lát nữa mời các ông lại. Tôi không có chìa khóa.
-Đừng có ỡm ờ  nữa. Con mẹ chủ nhà ở trong nhà. Mày là đứa giả ăn mày ngồi ngoài ngõ phải không? Khôn hồn thì mở ngay, nếu không chúng tao sẽ nã đạn vào, chết không kịp ngáp.
Già Tư rít lên:
-Phải, lão là đứa giả hành khất ngoài hẻm đây. Các ông có bao nhiêu đạn cứ bắn vào đây, lão sẵn sàng trả lời.
Ngoài hẻm, một chiếc xe díp gắn máy thu phát thanh đã đậu sẵn. Bốn người đàn ông mặc đồng phục xám kéo nhau sang kho chứa vật liệu bên cạnh để bàn bạc. Người chỉ huy nói:
-Chúng có súng. Anh em nghĩ sao?
Có tiếng đáp:
-Tôi đề nghị phá cửa vào. Phía sau đã bố trí xong rồi. Chúng không thoát được đâu.
-Chúng có mấy đứa?
-Tôi không biết. Ít ra là hai, mụ già và thằng ăn mày giả hiệu. Hai đứa già này không kháng cự được bao lâu đâu.
Cả bọn trở lại trước cửa nhà bà Hoa. Người chỉ huy cao giọng :
-Tôi cho những người trong nhà ba phút để suy nghĩ. Sau ba phút nếu không mở cửa và đầu hàng, tôi sẽ ra lệnh bắn nát cửa và ném lựu đạn vào.
Bà Hoa ra hiệu bằng mắt cho già Tư, hai người đều im lặng. Già Tư mân mê khấu tiểu liên trong tay, tia mắt sáng như điện. Bà Hoa hé cửa sổ nhìn ra sân. Chắc chắn địch phải trèo lên mái nhà bên, rồi truyền xuống sân, hoặc vượt tường nhảy vào. Bà Hoa đoán không sai. Một cái đầu vừa nhô lên khỏi bức tường, bà định lảy cò song già Tư chặn lại. Một người mặc đồ xám nhảy vọt lên đỉnh tường, sửa soạn tuột xuống. Khi ấy già Tư mới nhả đạn. Bác chỉ bắn một phát khô khan. Người áo xám ngã nhào xuống sân.
Bên ngoài có tiếng kêu :
-Đồng chí Mạnh bị chết rồi. Anh em, xung phong vào.
Già Tư nhún vai, ra vẻ khinh bỉ. Một loạt tiểu liên nổ ròn. Cánh cửa lim vẫn dứng vững. Lại một loạt nữa. Tacata, tacata … Bà Hoa ghé súng qua  chấn song sắt ra sân. Một bóng người nhô lên tường, bà thản nhiên nhả đạn. Một tên khác bò lồm cồm trên mái, già Tư tặng cho hắn một phát vào giữa óc. Hai xác chết đẫm máu lăn lông lốc xuống sân.
Tacata, tacata …
Cánh cửa lung lay.
Tacata, tacata …
Cánh cửa bật tung ra, một tràng đạn tuôn vào.
Bà Hoa và già Tư đã rút vào phòng trong. Bắn một hồi không nghe phản ứng, bọn công an ùa vào. Hai khẩu PPD cùng khạc lửa ra một lượt. Tốp đi đầu nằm xuống như sung rụng.
Trong khi ấy hai công an viên khác đã nhảy lọt xuống sân. Già Tư chĩa súng ra, song cả hai đều cuộn mình núp vào góc. Bà Hoa đóng chặt cửa ăn thông ra phòng ngoài. Một loạt đạn từ ngoài sân nổ ran làm nát cánh cửa sổ, mảnh gỗ bắn tung tóe vào vai già Tư. Bà Hoa bắn trả rồi khom lưng đi luồn vào trong.
Ngôi nhà gồm 5 phòng và một ga ra. Địch đã vào đến phòng ngoài và sửa soạn tông cửa vào phòng thứ nhì. Hai công an viên ngoài sân sắp sửa phá cửa ga ra.
Bà Hoa kéo già Tư vào phòng thứ tư. Đó là căn phòng kiên cố nhất, tường bằng bê tông cốt sắt, và không có cửa sổ. Ra vào bằng một cửa lớn, ngoài là gỗ lim, trong là tôn dày.
Già Tư nói :
-Thôi, bà đi đi. Tôi có thể cản chúng được 5 phút nữa.
Tiếng súng vẫn nổ ròn, xen lẫn tiếng quát ra lệnh quăng súng đầu hàng. Hai tiếng oang oác nổ lên. Bà Hoa giật mình : địch bắt đầu dùng lựu đạn cay mắt. Với khí giới trong tay, bà có thể chống cự không lùi, nhưng bà không có mặt nạ phòng hơi ngạt.
Già Tư húng hắng ho. Gian phòng được gắn máy điều hòa không khí đóng chặt cửa. Hai người còn cầm cự được lâu nữa nhưng địch đã cúp hơi điện. Đóng cửa thì ngộp thở, còn mở cửa thì hơi cay lọt vào làm đau mắt và rát họng.
Tứ phía, khói trắng bay mù. Già Tư nắm lấy tay bà Hoa:
-Bà đi đi.
Bà Hoa lắc đầu:
-Không, tôi ở lại với bác.
Già Tư quắc mắt:
-Khổ quá tôi nói mãi mà bà không chịu nghe. Bà đừng hy vọng tôi cùng trốn với bà, vì nếu cả hai cùng trốn, địch sẽ phăng ra. Bà Hoa…
Vừa nói, già Tư vừa chĩa súng xuống chân bắn một phát. Bà Hoa rú lên:
-Trời ơi, bác Tư!
Già Tư mỉm cười  kiêu hãnh:
-Bà đã thấy chưa. Bây giờ tôi què rồi, bà  muốn mang tôi đi cũng không kịp nữa. Nếu bà trù trừ, tôi sẽ bắn nốt chân kia. Bà đi đi. Sau khi bà đi khỏi, tôi sẽ đóng chặt cửa phòng này lại. Trừ phi họ dùng cốt mìn, hoặc súng ba dô ka, họ không vào nổi đâu. Tôi sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng, sau đó tôi giật mìn cho nổ, nổ tung, nổ hết.
Nước mắt ràn rụa -phần vì hơi cay, phần vì xúc động tới cao độ - bà Hoa cúi đầu vái già Tư:
-Bác Tư, xin vĩnh biệt bác.
Già Tư ngồi phịch xuống ghế, máu dưới chân chảy lênh láng:
-Kính chào bà chị.
Đeo khẩu súng lên vai, bà Hoa hỏi:
-Bác muốn dặn lại điều gì không?
Già Tư lắc đầu:
-Tôi là kẻ tứ cố vô thân từ một phần tư thế kỷ nay, không vợ, không con, không họ hàng thân thích, thì có ai mà nhắn nhủ. Nếu trời phò hộ cho bà còn sống, về Sàigòn có dịp gặp ông Hoàng thì nói giùm với lão già ấy là thằng Tư vẫn nhớ nó, vẫn phục nó cho đến phút cuối cùng trong đời.
Bà Hoa nghẹn ngào:
-Vâng, tôi xin nói.
Một tràng đạn chát chúa cắt đứt câu chuyện của hai người. Già Tư nhặt khẩu tiểu liên, tra thêm bì đạn khác. Bà Hoa lặng lẽ đến bên tường bấm nút. Cánh cửa bí mật trong tường mở ra. Bà bước xuống một địa đạo ăn ngầm từ trụ sở, xuyên qua kho vật liệu của báo Nhân dân. Mùi ẩm mốc xông lên mũi. Từ lâu, bà Hoa chưa xuống địa đạo này.
Tiếng súng bên trên nhỏ dần rồi im bặt. Bà Hoa bấm đèn chiếu sáng đường hầm. Trước kia, đó là một ống cống lớn được đào dưới thời Pháp thuộc. Bà Hoa cho đào rộng thêm, và mở nhiều đường nhỏ tỏa ra tứ phía.
Trần hầm được chống bằng những cây gỗ lớn, nền hầm lót tôn, nhưng trời mưa luôn nên nước ngấm vào ngập đến mắt cá chân. Một con dơi cánh lớn bằng nửa cái quạt bay vù vù  ngang mặt bà Hoa. Đến chỗ rẽ, bà dừng lại nghe ngóng.
Bên trên là kho vật liệu. Hầm ăn thông qua đường cái, tới một ngôi nhà bỏ trống. Ngôi nhà này của một người Tàu phú thương vào Nam tị nạn sau hiệp định Giơ neo, để lại cho con gái ở. Nhiều đêm, vợ chồng người con gái giật mình thức dậy thấy một con ma mặc đồ trắng xõa tóc đứng dưới bếp, cạnh hồ nước, hoặc tiếng khóc nỉ non nho nhỏ trong bếp vọng ra. Hoảng sợ, họ bèn ngăn nhà ra làm hai, bỏ trống dưới bếp, chỉ ở nhà trên. Họ không thể nào biết được con ma mặc đồ trắng là Nguyệt Thanh, và tiếng ma nỉ non là từ một băng nhựa phát âm vẳng ra.
Biết vợ chồng chủ nhân tin ma quỷ, bà Hoa đã lập mưu chiếm cái bếp, và đào đường hầm tới đó. Đến nơi, bà Hoa nghỉ một giây cho lại sức rồi vận toàn lực vào hai vai, nâng phiến đá lên. Bên trên tối om như hũ nút. Vợ chồng chủ nhà đã dùng nhiều tấm tôn lớn, đóng vào cửa sổ cho con ma thất tình khỏi lang thang ra ngoài.
Bà Hoa cởi quần áo ngoài, lục trong cái bồ đựng giấy vụn kê ở góc lấy ra một bộ y phục Trung hoa. Bà lau chân cho khô nước rồi xỏ vào đôi giày tàu. Xong xuôi, bà mở cửa. Những cái đinh lớn đóng vào tấm tôn đã được gỡ ra từ trước. Cửa này nhìn ra một cái hẻm nhỏ, đi vừa lọt hai người, ngày xưa được dành cho phu vệ sinh.
Bộ điệu thản nhiên, bà Hoa đi ra khỏi hẻm tới phố Hàng Đồng.
Thoát nạn.