Chương II
725 tấn vàng

    
 hững cuộc nghiên cứu về dụng cụ viễn thông dành cho phi hành gia không gian đã mang lại nhiều kết quả không ngờ. Một trong các kết quả này là bộ máy SITS (1).
SITS là hệ thống điện thoại vô tuyến có thể liên lạc từ đầu này này đến đầu kia trái đất. Điệp viên hoạt động ở xa đất mẹ hàng chục ngàn cây số chỉ cần cắm điện, bấm nút là nói chuyện được ngay với cấp chỉ huy ở trung ương. Nói tha hồ, nói bao lâu cũng được, đối phương không thể hiểu rõ nội dung, dẫu họ ghi âm và đưa cho rôbô điện tử tối tân khám phá ý nghĩa.
Nó chỉ hơi bất lợi ở chỗ cồng kềnh. Nó lớn bằng cái mặt ti vi 9 inch xách tay, và khá nặng, nên điệp viên không tiện mang theo bên mình những khi thâm nhập vùng địch. Sở Mật vụ của ông Hoàng được trang bị rất nhiều máy SITS, đặt rải rác ở khắp nơi trên thế giới. Liên lạc bằng SITS đạt mức an toàn gần trăm phần trăm vượt xa mọi hình thức liên lạc khác : địch tịch thu được máy cũng vô ích vì địch không thể giả giọng nói -bộ máy chính ở Trung ương được nối liền với máy an bài điện tử phân tích giọng nói của mỗi điệp viên, và phăng ra sự giả mạo trong chớp mắt- mỗi điệp viên lại có một số công thức mật mã riêng. Ngoài ra –và đây là phát minh kỳ diệu nhất của kỹ nghệ điệp báo hiện đại- máy SITS được gắn bộ phận tự hủy : nếu người lạ sớ rớ tới nó, hoặc táy máy các nút bấm, hoặc nói vào mi cờ rô, lập tức một trái tạc đạn tí hon giấu trong hộp tự động nổ tung, toàn thể các bộ phận sẽ tan nát.
Ông Hoàng lập ở Ba lê riêng cho Văn Bình một trạm SITS. Đến châu Âu, chàng chỉ cần ghé Ba lê tạt qua trạm là có thể tiếp xúc bằng giọng nói với ông tổng giám đốc.
Hoàn thành tốt đẹp điệp vụ Hoa Sen ở Bhutan và Nepal, Văn Bình không có thời giờ nán lại Kátmanđu để khóc cái chết đáng kính của Mahan, và an ủi cô Tuyết Lê. Chàng cũng không có thời giờ cáo biệt thái tử Bôkha sau khi phe soán đoạt ngai vàng của tướng Khẩu Cầm bị thảm hại. Chàng tất tưởi lên máy bay đi Pháp. Tại dó, chàng được lệnh của ông Hoàng bay thẳng qua Hoa thịnh đốn để gặp đại tá Pít và ông tổng giám đốc CIA Sì mít. Lại một chuyến làm thuê mới.
Điệp vụ Muleta.
Cho đến năm 1931, Tân ban nha theo thể chế quân chủ. Nền cộng hòa ra đời giữa sự kèn cựa ác liệt của hai phe tả và hữu khuynh, phe này lên thì phe kia bị khủng bố. Những cuộc đàn áp trả thù kéo dài liên miên. Giữa năm 1936, cuộc nội chiến nổ bùng. Phe hữu do tướng Franco cầm đầu với sự hỗ trợ của Đức quốc xã, nước Ý phát xít và Bồ đào nha, Anh Pháp đứng trung lập, Liên sô công khai ủng hộ phe tả, Cộng sản quốc tế tung « chí nguyện quân » vào chiến trường.
Cuộc nội chiến chấm dứt vào năm 1939, tướng Franco đoạt phần thắng lợi, phe thân cộng tháo chạy và bị tan rã.
Điệp vụ Muleta liên quan đến những tháng đầu tiên của cuộc nội chiến. Tháng 9-1935, tướng mật vụ Ótlốp (2) được NKVD sô viết biệt phái tới Mađờrít điều khiển sứ bộ chuyên viên điệp báo, phản gián và du kích chiến giúp quân đội tả khuynh.
Tháng 10 năm ấy, Yétzốp (3), tổng giám đốc NKVD (4) ra lệnh bằng mật điện cho Ótlốp tạm ngưng mọi việc để dồn nỗ lực vào chiến dịch « chở vàng ». Nhà độc tài Síttalin đích thân gửi cho Ótlốp bức mật điện như sau : « Thu xếp với Thủ tướng Lácgô (5) để chở số vàng dự trữ của Tây về Liên sô. Nếu người Tây đòi giấy biên nhận, phải từ chối –tôi lặp lại, phải từ chối – Trả lời là giấy biên nhận chính thức sẽ do Ngân hàng Nhà nước Sô viết cấp phát tại Mạc tư khoa. Tôi giao toàn bộ trách nhiệm về vụ này cho đồng chí.
Ivan (6). »
Phe hữu đang thắt chặt vòng vây quanh thủ đô, có thể tiến chiếm bất cứ lúc nào. Tổng thống Arana và tổng trường Tài chính, bác sĩ Negrin quyết định di tản số vàng dự trữ ra khỏi thủ đô. Số vàng được cất giấu tại thị trấn bờ biển Cartagena, gồm khoảng mười ngàn thùng, mỗi thùng đựng 145 cân Anh vàng nén, tổng cộng 725 tấn. Thời giá năm 1936 là 600 trăm triệu mỹ kim.
Thủy binh Nga âm thầm đổ bộ lên Cartagena, mặc quân phục Tây ban nha, khiêng các thùng vàng trong hầm núi ra cảng rồi chất xuống tàu liên tiếp trong ba đêm. Do sự hộ tống của hải quân sô viết, đoàn tàu chở vàng về đến Ođétsa an toàn, bốc lên xe hỏa, đưa thẳng về Mạc tư khoa với sự đón tiếp nồng hậu và hoan hỉ của Síttalin và toàn thể bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Tướng Franco sau đó được báo cáo về vụ chở vàng song không dám hé môi vì nền tài chính trong nước bị kiệt quệ, đồng tiền Tây có thể biến thành giấy lộn đầu hôm sớm mai nếu công chúng biết là dự trữ vàng bị mất hết. Mãi đến tháng 12-1956, sau khi bác sĩ Negrin tạ thế, sự thật mới được tiết lộ. Bộ ngoại giao Tây tìm được trong số giấy tờ riêng của ông một tờ biên nhận số vàng mang chữ ký của bộ trưởng Tài chính và thứ trưởng Ngoại giao Liên sô.
Biết chối không xong, tờ báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận sô viết, bèn viết bài nhìn nhận năm 1936 có chở về nước 500 tấn vàng. Tuy nhiên, đó không phải là vàng gửi nhờ mà là vàng để thanh toán những hóa đơn cung cấp chiến cụ và mọi hàng hóa khác do phe « cộng hòa Tây ban nha ». Tờ Sự Thật còn nói thêm là số vàng 500 tấn kia chưa đủ trả nợ, và hiện người Tây còn thiếu 50 triệu mỹ kim nữa. (7)
Trên đây là một đoạn trong tập hồ sơ Muleta, đại tá Pít, phụ tá tin cậy của ông Sì mít, đang mở rộng trước mặt Văn Bình trong căn phòng rộng được điều hòa khí hậu gần Hoa thịnh đốn.
Văn Bình chỉ bức hình bán thân của cựu thủ tướng Nga Ótlốp đặt trên bàn :
-Anh đã gặp ?
Pít đáp :
-Đã. Tôi nói chuyện nhiều lần với ông ta. Ông ta trọng tuổi song còn rất sáng suốt. Theo lời ông ta thì 4 viên chức trung cấp của ngân hàng Tây có mặt trên đoàn tàu chở vàng về Liên sô. Họ bị giam lỏng tại Mạc tư khoa vì Síttalin âm mưu cướp đoạt số vàng. Sau khi nội chiến kết thúc một thời gian, họ mới được phép hồi hương. Họ đã chết. Chết già. Hoặc chết bệnh. Một trong 4 người này tiết lộ với cựu mật vụ Ótlốp rằng ngoài số vàng chở đi, còn một số được cất lại. Nghe đâu khoảng hai trăm tấn.
-Ótlốp biết địa điểm ?
-Nếu ông ta biết thì ngày nay làm gì có chuyện. Như anh rõ, Ótlốp bỏ Síttalin trốn sang Tây phương đúng 21 tháng sau vụ chở vàng. Vì an ninh cá nhân, ông phải ngậm miệng. Mấy chục  năm sau, ông ta có hoàn cảnh phanh phui sự thật, nhưng ông ta chỉ có thể nói những gì được bằng chứng cụ thể xác nhận. Câu chuyện 200 tấn vàng vì thế bị nhòa chìm vào quên lãng. Cách đây một năm, tình cờ nó được khai quật. Nhân vụ một nhân viên gián điệp GRU sô viết « chọn tự do ». Y là trung tá, đặc trách ước định tin tức tây nam châu Âu tại tổng hành doanh GRU. Tất cả tin tức do điệp viên Nga hoạt động ở tây nam châu Âu, trong số có Tây ban nha, gửi về trung ương, đều được tập trung tại văn phòng của y. Y phụ trách nghiên cứu, phối kiểm và làm công tác « ước định » mực độ chính xác. Xong xuôi y mới trình cấp trên.
Tin tức được cấp trên của y chiếu cố đặc biệt liên hệ tới sự hiện hữu của kho vàng 200 tấn ở Tây ban nha. Trong gần ba tháng trường, viên tướng chỉ huy GRU đích thân theo dõi nội vụ. Điện Cẩm linh đích thân gửi chỉ thị tới. Xuyên qua những tiết lộ của viên trung tá « chọn tự do », chúng tôi có thể kết luận một cách quả quyết rằng nguồn tin 200 tấn vàng là có thật, và Liên sô đang tìm cách xử dụng số vàng ấy vào mục đích khuynh đảo chính phủ Tây đồng thời làm tan rã khối Minh ước Bắc Đại tây dương.
Văn Bình hừm một tiếng ra vẻ nghi hoặc. Đại tá Pít lấy từ phía dưới tập hồ sơ ra một tờ giấy lớn gập tư, trải rộng rồi nói tiếp :
-Đây là bản đúc kết tin tức từ Gibờranta. Hòn đảo nhỏ xíu ở cực nam Tây ban nha này hiện là vị trí phòng thủ số một của khối Bắc Đại tây dương (8).Nước Anh và Tây đang tranh chấp về chủ quyền. Với tiền của một phần 200 tấn vàng kia, điệp viên sô viết có thể đổ thêm dầu vào lửa.
-Tóm lại ông Sì mít muốn tôi thu hồi 200 tấn vàng ?
-Phải phản gián Tây yêu cầu ông Sì mít. Họ không tiện ra mặt vì tổ chức của họ còn lỏng lẻo. Một công đôi việc, nhân cơ hội này xin anh quét luôn màng lưới GRU ở Tây xuống biển.
-Đồng ý. Trong hồ sơ có một người mang tên Luliô.
-Tối chủ nhật này anh giáp mặt Luliô tại Mađờrít. Y là đầu mối duy nhất giúp anh tìm ra kho vàng. Dưới cuộc nội chiến, Luliô mới 20 tuổi, học năm đầu đại học, có tư tưởng mác xít, và đứng hẳn về phe tả. Tướng Franco toàn thắng, Luliô trốn ra nước ngoài. Sau 15 năm sống lưu vong ở châu Âu, y hồi hương trong dịp chính phủ đại ân xá. Y về nước được một thời gian thì làm việc cho GRU.
-Y được GRU kết nạp trong thời gian ở hải ngoại ?
-Tin này do viên trung tá “ chọn tự do “ cung cấp. Ông ta không biết rõ Luliô gia nhập cơ quan gián điệp sô viết năm nào, và tại đâu. Ông ta chỉ biết Luliô bắt đầu gửi tin về từ ngày Luliô nằm trong một tiểu tổ đặc biệt phụ trách vấn đề 200 tấn vàng. Khai thác tin trên, ông Sì mít sai một nhân viên CIA sở tại tiếp xúc với Luliô, yêu cầu y gặp một đặc phái viên của ông Sì mít.
-Tôi?
-Phải.
-Đa tạ hảo ý của ông tổng giám đốc Sì mít, hảo ý đưa tôi vào chỗ chết.
-Chỗ chết? Đừng nghi oan ông Sì mít tội nghiệp. Ông già không ác độc đến thế đâu.
-Vấn đề đặt ra không phải là hiền với ác mà là trong hoàn cảnh hiện tại, tôi có hy vọng nào thoát ra cuộc phục kích của địch tại Mađờrít.
-Anh chưa lên đường mà đã biết bị địch phục kích? Nếu là người khác thì tôi cười mũi. Anh thì tôi tin. Tuy nhiên, tôi chưa …
-Chưa hết thắc mắc phải không? Anh trả lời những câu hỏi của tôi rồi thắc mắc tự nó sẽ tan biến. Giả sử anh giữ chức tổng giám đốc GRU, anh phản ứng ra sao sau khi viên trung tá phụ trách ước định tin tức Tây ban nha đào ngũ theo CIA?
-Tức thời thay đổi guồng máy gián điệp sô viết tại Tây ban nha.
-Tức thời nghĩa là trong bao lâu?
-Tức thời là làm ngay. Trong vài ba ngày. Vài ba tuần là chậm nhất.
-Tính đến nay viên trung tá GRU bỏ đi được mấy tuần ?
-Mấy tuần sao được. Đúng 50 tuần. Gần một năm tròn.
-Luliô phục vụ cho GRU trước ngày viên trung tá « chọn tự do » ?
-Dĩ nhiên.
-Và sau ngày ấy, Luliô vẫn tiếp tục phục vụ ?
-Ờ, ờ …
-Còn ờ, ờ gì nữa ? Người ta không kéo Luliô vào bóng tối tức là người ta chờ đợi. Chờ đợi CIA khái thác những tiết lộ của viên trung tá GRU rồi lao đầu tới kho vàng Tây. Anh hiểu chưa ? Điệp vụ Muleta chỉ là cuộc phục kích, không hơn không kém.
-Anh từ chối ?
-Không. Tôi nhận lời.
Đại tá Pít mừng rối rít :
-May quá, tôi cứ sợ tháng này nóng bức anh không khoái hoạt động tại Mađờrít.
Văn Bình chép miệng, nửa chế riễu nửa nghiêm trang :
-Anh là thằng con trai bệt nhất của hậu bán thế kỷ hai mươi. Ai bảo anh là mùa hè cấm kỵ với tôi ? Ngu ôi là ngu, từ ngày anh có trên nửa tá tí nhau, bà xã của anh giựt giải quán quân về ghen ngược thì anh quên phứt xã hội bên ngoài.
Mở hết tai ra, trời nắng gắt mới nhận chân được giá trị của cái máy lạnh giai nhân. Chọn người đẹp ở đâu thì khó, chứ ở Tây rất dễ. Dân Tây, đặc biệt là dân phía bắc giáp giới nước Pháp, ghiền tỏi như ta ghiền … nước mắm. Người Mạcxây ở Pháp là vua ăn tỏi mà còn thua họ. Họ trồng được thứ tỏi độc nhất vô nhị gọi là ai ô li, cay và hăng hết cỡ. Ăn tỏi có cái lợi là thúc đẩy tiêu hóa, và gia tăng năng lực tình yêu. Có cái bất lợi là hôi miệng, và dưới nắng bồ hôi sực nức một mùi khó tả. Không thứ thuốc nào át được mùi lợm giọng này. Rốt cuộc là gái Tây trong những tháng nắng có một mùi da thịt không lấy gì làm thơm. Nhưng hễ đã thơm thì thơm siêu đẳng. Dường như tạo hóa trang bị riêng cho thiểu số giai nhân ấy một bộ máy lọc hơi thở và bồ hôi. Đại tá Pít cù lần ơi, đại tá đã hiểu tại sao tôi nhận lời.
-Hiểu rồi …bộ máy lọc …
-Còn lý do nữa, anh không được quyền quên. Tháng này dân Mađờrít mừng lễ thánh Isiđờrô (9) là tháng hội hè, tiệc tùng, nhảy múa, đốt pháo bông líp ba ga. Nào, dặn dò gì nữa, để tôi ra phi trường.
Đại tá Pít há hốc miệng nhìn bạn. Chơi thân với Z.28 từ lâu, Pít vẫn chưa hiểu nổi bạn. Văn Bình lao đầu vào chỗ chết để kiếm tiền cho sở Mật vụ hay để thỏa mãn nếp sống hải hồ, pha trộn hiểm nguy với núi lửa giai nhân ?
Từ Mỹ, Văn Bình vù qua Pháp. Chàng vứt đồ đoàn ở hãng máy bay vì không có thời giờ lấy phòng khách sạn. Chân ướt chân ráo đến Ba lê chàng ghé trạm SITS, liên lạc với ông Hoàng xin chỉ thị.
Chỉ thị : chỉ được lưu lại một đêm ở kinh đô ánh sáng.
Chàng nổi hứng, không ăn ở Tháp Bạc, nhà hàng đắt nhất, cũng không coi vũ thoát y ở Li đô để tái diễn tấn trò lập dị uống hàng mấy chai huýt ky trong khi dạ khách tỉ tê sâm banh (10).Chàng tạt vào hộp đêm trung bình, đeo cái tên thi vị « Ánh Trăng » xem những cô gái nõn nà phô diễn thân thể suốt đêm. 5 giờ sáng, hộp đêm đóng cửa, Văn Bình là khách sau cùng leo lên tắc xi.
Thiên hạ về nhà ngủ. Còn chàng, chàng lại ra phi trường. Thẳng một lèo đi Mađờrít.
Để rồi bị lôi cuốn vào sự mời mọc của người đẹp Diane, và cuộc đấu bò rừng không được ghi trong chương trình Điệp vụ Muleta.
……
Như một vở tuồng, cuộc đấu bò được chia làm nhiều hồi, mỗi hồi chia làm nhiều cảnh với những quy tắc rõ rệt.
Cả thảy 3 hồi : mở đầu là cuộc « diễn hành » quan trọng vòng quanh đấu trường của toàn thể « tài tử » chính và phụ.

Hồi nhất, tráng sĩ đấu bò xuất hiện, chơi trò mèo vờn chuột với bò một lát (11), đoạn những phụ tá cưỡi ngựa dùng giáo nhọn đâm vào bướu bò để chọc giận nó. Rồi tráng sĩ lại xuất hiện, dùng miếng vải đỏ ve vẩy trước mắt bò nhằm khiêu khích nó.

Hồi nhì, một toán phụ tá khác lần lượt cắm những dùi sắt nhỏ, đầu quấn vải vào cổ bò. Ba lần cắm. Mỗi lần cắm một cặp. Máu đổ. Con vật trở nên hung dữ.

Hồi ba : hiệp quyết định thắng bại giữa tráng sĩ và bò rừng. Tráng sĩ chỉ có mảnh muleta, trong khi con vật có sừng nhọn hoắt và sức húc nửa tấn. Sau chót, tráng sĩ giết chết con vật bằng gươm. Bằng một mũi độc nhất.

Mỗi cuộc đấu bò thường gồm 3 trận, với 3 tráng sĩ và 6 con bò. Văn Bình đến nơi khi trận thứ nhất sắp kết thúc. Các khán đài đông nghẹt, không dư một chỗ trống. Mọi người vỗ tay, reo hò vang dậy. Tráng sĩ, một thanh niên trạc 23, 24 tuổi, mặc bộ quang y xanh biếc, gỡ nón, cầm nơi tay, dạo một vòng quanh đấu trường. Theo truyền thống, tráng sĩ trình diện khán giả trước khi hạ thủ con vật.
Đến khán đài, tráng sĩ khom lưng thật thấp giữa những tiếng hoan hô cuồng nhiệt. Một cô gái trẻ măng, gương mặt kiều diễm, ném tặng tráng sĩ một bó hoa hồng thắt nơ bằng cái mù soa lụa thơm phưng phức nàng rút từ sau áo lót mình.
Giờ quyết liệt đã điểm. Tráng sĩ không thể ỡm ờ như hồi nãy. Mỗi lúc con vật xẹt gần thêm. Mỗi tích tắc đồng hồ trôi qua, tráng sĩ phải tạo thêm một ấn tượng là tráng sĩ suýt chết. Tráng sĩ không được phép trốn tránh. Phải gia tăng sự táo bạo. Hoặc con vật chết. Hoặc tráng sĩ chết.
Văn Bình rợn tóc gáy. Tráng sĩ áo xanh vừa thi thố một pha tuyệt vời. Y đứng thẳng như pho tượng, vuông vải đỏ buông lơi sau lưng, con bò lao tới, bụi cát mù trời. Ai cũng tưởng tráng sĩ bị trọng thương, không ngờ tráng sĩ vẫn còn nguyên vẹn, miếng muleta dưới bàn tay điều khiển phi phàm đã mê hoặc được con bò đen sì hung hãn.
Đấu trường rung chuyển những tràng pháo tay ròn rã. Tráng sĩ vừa thành công vẻ vang. Hươi muleta ra phía sau, dán chặt lấy người, gọi là arusina dễ chết như chơi.
Nhà matađo giỏi bắt buộc phải có 3 đức tính : thứ nhất, papar, nghĩa là mình tráng sĩ luôn luôn thẳng ro, sử dụng muleta thiên biến vạn hóa để điều khiển con vật theo ý mình, không bao giờ tỏ ra yếu kém để nó lấn át, và không bao giờ có cử chỉ thô tháp, vụng về. Thứ hai, mandar, nghĩa là hiểu rõ đối phương, hiểu  rõ trăm phần trăm, biến nó thành cái rô bô bảo gì làm nấy, không được cưỡng lệnh. Thứ ba, templar, là nghệ thuật vờn bằng muleta, vờn một cách khoan thai, không hối hả, vờn một cách chính xác tuyệt đối. Chỉ cần vuông vải đỏ nhỏ xíu tráng sĩ có thể bắt con bò dừng, chạy, lao đầu theo phương hướng mình muốn. Dần dà, con bò bị « say đòn », mệt lử khi ấy tráng sĩ vung gươm giải thoát. Coi chừng … tráng sĩ hớ hênh, hoặc nhu nhược, mất quyền kiểm soát là hết. Lấy lại sự sáng suốt, con vật sẽ không ngu xuẩn húc vào muleta nữa. Mà là húc thẳng vào thân thẻ tráng sĩ …
Tráng sĩ áo xanh xoay một vòng, cái muleta quay tròn theo như chong chóng. Đó là một kiểu vờn ngoạn mục từng được nhiều bậc thầy áp dụng. Con bò phóng tới và khựng lại. Lưỡi gươm của tráng sĩ loang loáng vút ra.
Lệ thường công chúng đánh dấu màn cuối của trận đấu bằng những tiếng ôlê, ôlê nhiệt liệt. Song Văn Bình chỉ nghe tiếng hoan hô lẻ tẻ, rời rạc. Tiếp theo là tiếng huýt sáo, tiếng ồ ồ phản đối. Thì ra con bò không bị chết lập tức. Nó chỉ khuỵu xuống và còn sống nhăn. Nó thu tàn lực sửa soạn nhào về phía tráng sĩ. Giết bò bằng nhiều mũi gươm là điều cấm kị. Một phụ tá của tráng sĩ từ chỗ núp chạy ra, bồi thêm một loạt nhát chí tử.
Con bò gục chết nhưng tráng sĩ của trận đấu mở màn bị khán giả la ó. Tùy theo tài nghệ, tráng sĩ được thưởng cái tai của con vật, hoặc hai tai, hoặc cả đuôi nếu là thành tích khác thường. Trên mức thường một bậc, tráng sĩ có thể được ban chủ tọa thưởng thêm cẳng chân hoặc trọn con bò (12). Tội nghiệp, tráng sĩ của trận đấu này chẳng được thưởng gì hết. Trước đó mấy phút y hiên ngang chừng nào, giờ đây y khiêm tốn chừng nấy. Y ôm đầu lủi thủi biến sau hàng rào gỗ sơn trắng, ngăn bãi đấu với nơi nhốt bò và cửa ra vào của nhân viên.
Văn Bình đến chậm, chỗ ngồi ghi số hẳn hòi của chàng bị choán. Chàng lui cui tìm mãi mới thấy. Người dẫn chỗ bị cuộc đấu thu hút, không buồn quan tâm đến khán giả nữa. Văn Bình không lấy làm giận, chàng đã quá quen lối sống của người bản xứ. Vả lại, giận vô ích, dân chúng coi việc ngồi ẩu trong rạp chiếu bóng, trong đấu trường, lái ẩu trên công lộ … là chuyện rất thường, cũng thường như lẽo đẽo tán gái ở ngã tư đèn đỏ xe cộ đông đúc.
Đặc điểm của họ là sự ẩu. Không phải ẩu ngược ngạo, ẩu lưu manh. Mà là ẩu ngây thơ, ẩu thi vị. Chuyến đầu tới Tây, lò dò lái xe hơi, Văn Bình bị quẹt tróc sơn, móp vè mặc dầu chàng chạy chậm như rùa, hai mắt luôn luôn mở rộng. Tài xế bất chấp kèn bóp, bất chấp trái phải. Họ áp dụng đúng phương châm vàng ngọc « đường ta ta cứ đi ».
Kẻ choán chỗ ngồi của Văn Bình phì phèo điếu xì gà gộc lớn bằng ngón chân cái, dài gần hai gang tay. Hắn đội mũ rơm sùm sụp, đeo kiếng mát ốp a đen ngòm, ăn diện khá sang, cổ lòng thòng cái ống nhòm đắt tiền. Hắn trạc ba mươi, bắp thịt cuồn cuộn, cân nặng trên dưới 90 kí.
Diane ngồi bên, mặt nhăn như bị. Gã mập cố tình lấn nàng, không nhưng lấn bằng cánh tay khuỳnh khuỳnh chọc mạng sườn nàng, lại còn lấn bằng vành mũ rộng. Thấy Văn Bình, nàng gọi như mếu :
-Anh.
Văn Bình chỉ gã mập :
-Bạn ?
Nàng lắc đầu. Gã mập lôi điếu xì gà ra khỏi cặp môi dầy nứt nẻ :
-Xin lỗi. Chỗ của ông hả ?
Văn Bình cười nửa miệng :
-Phải. Nếu không có gì trở ngại phiền ông trả lại chỗ.
-Không được.
-Yêu cầu ông trình vé.
-À, ông là nhân viên soát vé … Vé tôi đây, ông thỏa mãn chưa ?
-Vé ông thuộc khán đài sol. Không phải ở đây.
-Trên đó nắng quá. Tôi nhường chỗ tôi cho ông.
Văn Bình nghiêm mặt :
-Này, bảo thật ông, ông đừng có lộn xộn. Tôi sẽ xách ông lên cao như con nhái bén, quăng xuống bãi đấu cho bò rừng dẫm bẹp bây giờ.
Gã mập hơi ngạc nhiên. Chắc gã chuyên môn ngồi ẩu, chuyên môn lấy thịt đè người, và từ nhiều năm nay chưa hề gặp đối thủ đốp chát. Hắn lừ lừ đứng dậy. Đánh hơi thấy mùi ẩu đả, khán giả chung quanh rủ nhau ngồi nép lại, chừa một khoảng trống khá lớn. Diane nắm tay Văn Bình, năn nỉ :
-Thôi anh, ngồi chung với em cũng được.
Hỡi ôi, được ngồi chung với giai nhân thì còn gì bằng. Văn Bình đâu dám mong ước hơn. Khốn nỗi chàng phải từ khước vì hàng chục cặp mắt –tất cả đều do cặp mắt- đang dán lấy chàng, chờ đợi phản ứng của chàng trước sự khiêu khích của gã mập. Nhất là cặp mắt của nàng.
Gã mập nhổm đít, thách thức :
-Xách đi, quăng đi ?
Chẳng nói chẳng rằng, Văn Bình a tới. Chàng chộp vai hắn đẩy nhẹ. Thân thể cối xay của hắn trở thành nhẹ tâng. Hắn nhào qua bậc tam cấp, lăn lông lốc xuống phía dưới. Nếu không bị hàng ràơ khán giả chặn lại, chắc chắn hắn đã nằm tênh hênh trên bãi đấu phủ cát. Nước bọt đầy mép, mắt đục ngầu, gã mập khệnh khạng xấn lại. Trái đấm kếch sù của hắn giơ lên, chưa kịp bổ xuống thì chạm cánh tay cứng như bê tông của chàng. Hắn ngã mọp xuống nền khán đài. Văn Bình quét theo ngọn hoành cước, một đống răng vàng bê bết máu từ cái miệng ống nhổ thầy đề của gã mập tuôn ra.
Mọi người cứng đơ trong sự sửng sốt và bái phục. Văn Bình dựng gã mập dậy, rút mù soa lau miệng cho hắn, sau khi lượm hết răng bỏ vào túi hắn rồi yêu cầu đám đông giãn rộng để hắn chuồn êm. Xong xuôi chàng ung dung ngồi bên Diane.
Nàng suýt soa :
-Anh giỏi võ quá.
Chàng trề  môi :
-Còn thua em xa.
-Bậy nè, em chỉ giỏi vũ, giỏi ca, giỏi nhiều thứ khác, về võ nghệ thì em chưa học miếng nào.
-Em vẫn đánh tôi đại bại.
-Đánh anh? Đánh anh hồi nào?
-Tại tiệm ăn. Phút này tôi còn xửng vửng.
Nàng toan cười rồi mím miệng. Trên mặt nàng thoáng hiện vẻ buồn xa xăm. Chàng nghe nàng thì thầm:
-Lạy Đức Mẹ, xin Mẹ giúp con.
Văn Bình không tiện hỏi tại sao nàng đột ngột cầu nguyện Đức Mẹ. Nàng có cảm tình sâu đậm với chàng chăng? Có lẽ nàng muốn quên Manêlitô mà không được vì y là tráng sĩ đấu bò lỗi lạc.
Toàn thể đấu trường rầm rầm trở lại khi trận thứ nhì bắt đầu. Trên cánh cửa dẫn vào chuồng nhốt bò vừa được trưng bảng lớn, ghi sức nặng của con vật sắp dự đấu: 562 kí. 562 kí là sức nặng đáng sợ, chỉ những tráng sĩ đàn anh mới dám giao chiến.
Tráng sĩ trận này là Manê. Diane thu mình trong góc, hồi hộp theo dõi. Văn Bình không ngăn được ghen tuông: tất cả các cô gái có mặt đều vỗ tay, ném khăn mặt hoặc hoa tươi để chào mừng Manê. Y đến trước khán đài của Diane. Y ngó nàng, cười tủm tỉm. Những tia nắng của mặt trời sắp lặn chiếu thẳng vào bộ quang y màu hồng chói lọi. Khác với lúc y ruổi ngựa qua nhà hàng Bôtin, Manê có vẻ khả ái, tuy là khả ái lươn lẹo và phũ phàng. Mắt y sâu hơn, buồn hơn bao giờ hết. Tình trắc ẩn dâng lên ngùn ngụt trong lòng Văn Bình. Manê bước qua khán đài kế tiếp. Văn Bình ghé tai Diane:
-Yêu cầu em điều đình để tôi đấu thay Manê.
Nàng trợn tròn mắt:
-Đâu được. Con bò này thuộc loại lớn nhất và dữ nhất trong trại nuôi Vacát (13). Nó còn là loại nặng nhất. Manê còn ngán nó, huống hồ người tập sự như anh. Em biết anh muốn chứng tỏ sự gan dạ hầu làm đẹp lòng em, nhưng anh Văn Bình ơi, anh chỉ vờn được một cái là bị nó chém chết.
-Anh không đùa với sự sống. Cuộc đấu chưa khai diễn, em quen Manê, em hãy thương lượng Manê nhường con bò 562 kí này cho anh. Bồi thường bao nhiêu tiền anh cũng chịu.
-5 triệu peseta một trận.
-Trả Manê 6 triệu.
-Anh điên?
-Vì em, anh sẵn sàng điên gấp chục lần hơn thế.
-Ai cho phép anh gọi em bằng em?
-Nếu không có công chúng và Manê, anh còn ôm hôn em nữa.
-Hừ, đừng tưởng, em tát cháy má.
-Thách không?
-Không... Manê khó tính lắm, anh chớ làm gì ở đây.
-Vậy thì... 6 triệu peseta hoặc 7 triệu.
-Anh nói thật?
-Không đùa. Anh ký chi phiếu ngay.
-Về phần Manê chắc không xong. Nhưng em quen ban chủ tọa, em có thể dàn xếp để anh dự trận thứ ba. Tráng sĩ trận thứ ba chưa nổi tiếng bằng Manê. Anh chờ em nhé.
Nàng biến vào đám đông.
Dưới bãi đấu, Manêlitô vừa thôi miên mười mấy ngàn khán giả mộ điệu bằng kiểu vờn vêrôníc (14) bay bướm và toát bồ hôi lạnh.  Trận đấu nào cũng khai mào bằng vêrôníc, duy khác ở tài nghệ từng người. Vêrôníc là cách đứng nghiêng, giơ thẳng hai tay cầm vuông vải đỏ ra phía trước, xa hay gần tùy theo sự tính toán của  tráng sĩ. Con bò phóng lại, tráng sĩ ve vẩy vuông vải trước mũi nó, nó bị bàng hoàng rồi như cái máy nó chui dưới vuông vải, phóng thẳng một mạch.
Kiểu vêrôníc của Manê làm công chúng nổi vẩy ốc : y chờ con vật xán lại gần, lẹ làng kéo muleta về, áp sát ngực, con bò mất tinh thần vội dừng lại. Manê nhếch mép cười khinh bỉ. Ngay trong lúc thử sức đầu tiên, Manê đã khuất phục được con vật. Thường lệ phải mất tối thiểu 5 phút để dọ dẫm ưu khuyết điểm của đối phương. Chiếu nay Manê lập được thành tích phi thường. Y quay lưng về con bò, không thèm đếm xỉa đến nó. Nó chỉ cách Manê một mét, rướn lên là cặp sừng nhọn hoắt gây ra chết chóc, vậy mà nó rùn cẳng, bất động, mũi thở phì phì. Trông nó, ai cũng tưởng nó được nuôi từ lọt lòng mẹ trong sự chăm sóc của Manê. Nó ngoan ngoãn, hiền hậu đến nỗi ít ai dám nghĩ nó là bò hoang nặng 562 kí, vừa chẵn 8 tuổi, tuổi sung sức, tuổi bất kham không hề biết sợ người.
Đấu trường sôi sục. Những tràng pháo tay nối đuôi nhau không ngớt. Manê rút về phía khán đài, nhường chỗ cho toán thương sĩ (15) cưỡi ngựa, bốn con ngựa bạch được bảo vệ bằng lớp petô (16) dầy do những phụ tá của Manê nai nịt gọn ghẽ cầm thương dài, đầu bịt sắt, điều khiển, nhởn nhơ chung quanh con bò chưa hết ngơ ngẩn vì tài mê hoặc của tráng sĩ.
Một thương sĩ thọc ngọn giáo vào đám lông cứng trên cổ bò. Bị đau, nó kêu rống rồi xồ vào hông ngựa. Bộ giáp trụ kiên cố giúp ngựa khỏi bị thương nặng, nhưng nếu bò quá khỏe và thương sĩ cầm cương còn non thì ngựa có thể bị húc ngã.
Và đó là điều xảy ra. Một con ngựa té xụm, đè chặn lên người cưỡi. Thương sĩ mặc petô nên chân tay bị vướng. Con bò ào tới, suýt nữa dẫm nát ngực thương sĩ. Khán giả thở phào, trút được gánh nặng ưu tư khi nhiều mũi giáo cứu nguy tới tấp can thiệp, kết thành hàng rào cản bước tiến của con bò chiến thắng và đẩy nó ra xa.
Cöng chúng hô to:
-Manê, Manêlitô?
Công chúng đòi sự hiện diện của tráng sĩ Manê. Họ thất vọng trước sự yếu kém của đám thương sĩ. Tráng sĩ Manê chỉ vờn nhẹ muleta, vờn ung dung, lơ đãng như thể đùa rỡn với đứa trẻ mà con vật chịu quy hàng, trong khi 4 thương sĩ lực lưỡng, 4 cỗ ngựa trắng hùng dũng, 4 cây giáo dài nguy hiểm lại tỏ ra bất lực.
Khán giả hâm mộ Manê, tin tưởng ở Manê. Khán giả nài nỉ sự có mặt của y là phải.
Văn Bình cảm thấy nóng mặt. Chàng chưa chính thức dự những trận đấu bò vĩ đại có hàng vạn khán giả, có ban chủ tọa chấm điểm trịnh trọng như Manê. Chàng chưa được mang danh matađo như Manê. Nhưng chàng đâu đến nỗi dở. Người Tây ban nha mang chất đấu bò trong huyết quản, từ 6, 7 tuổi chơi trò matađo, đứa giả làm bò, tay thủ hai cái sừng, đứa đóng vai tráng sĩ, rượt đuổi nhau thình thịch dưới trăng, thì hồi 6, 7 tuổi Văn Bình cũng học chộp bắt, học né tránh trong võ đường. Thầy võ ra lệnh cho hai trẻ đấu với nhau, đứa dùng kiếm gỗ, đứa tay không cãu bé Văn Bình luôn luôn là đứa trẻ tay không- giống hệt trò matađo.
Những tráng sĩ hàng đầu của đấu trường thường vào nghề bằng đêm đêm lẻn vào chuồng bò, lừa người gác ngủ gục dụ bò ra bãi, vờn muleta với nó. Rồi lang thang từ nơi này đến nơi khác, nơi nào có trận đấu thì mầy mò, lạy lục xin dự không dám lấy tiền thưởng. Về phần Văn Bình, chàng cũng từng quần thảo tay không với dã thú trong rừng rậm. Chàng lê gót thế giới, nhảy lên võ đài từ đông sang tây, không biết bao nhiêu lần bị đánh bươu đầu sứt trán, ngất xỉu, trước khi trèo lên tước hiệu vô địch. Chàng không thể thua Manê. Phương chi trọng tài và phần thưởng của cuộc tranh giành này lại là hoa khôi đa tình …
Lại vỗ tay. Lại hoan hô. Trên bãi cát, tráng sĩ Manê vừa ghi thêm một điểm son rạng rỡ. Vuông vải đỏ thần bí tung lộn quanh mình y, lúc nâng ngang ngực, khi tuột sát mông, hai chân y mềm mại, lẹ làng như đang trình diễn một vũ điệu thời thượng. Con bò lộn tới lộn lui, mệt bở hơi tai, mõm phụt khói vẫn không làm gì được y. Kiểu vờn bay bướm này được gọi là rebolera.
Và đây... một chicu elina cực kỳ diễm ảo. Manê rung rung vuông vải cho con vật nhìn thấy. Khi nó co chân, sửa soạn phi tới thì Manê đứng rón trên mũi giày, toàn thân quay tròn, quay tròn, miếng muleta huyền diệu cũng quay tròn, một màu đỏ chói bao bọc y kín mít. Nếu là tráng sĩ bậc trung thì khi vuông vải đỏ đổi vị trí, con bò sẽ húc đại vào người. Đằng này, Manê quả là đàn anh trong nghề, chiếc muleta như buông tỏa ma lực siêu phàm, con bò loạng choạng...
Rồi như hồi nãy, nó khựng lại.
Lại vỗ tay. Lại hoan hô. Những tiếng vỗ tay ròn hơn, dài hơn. Tiếng hoan hô lớn hơn, cuồng nhiệt hơn.
Văn Bình bặm miệng, tức tối. Kìa, Diane trở lại. Nàng lách đám đông vẫy chàng. Chàng bước theo nàng đến khán đài kế cận. Giữa bầu không khí ồn ào –như bầu không khí một cuộc biểu diễn phi cơ siêu thanh từng giây đồng hồ gây ra những tiếng bằng bằng xé nát nhĩ tai làm tường nhà rung chuyển, kiếng cửa vỡ tan. Diane giới thiệu chàng với một nhân vật bụng bự, râu mép chải dầu thơm, ngón tay mập ú, đeo nhẫn kim cương to tướng.
Văn Bình mới bắt tay, chào hỏi qua loa, chưa kịp bàn luận với gã bụng bự thì Diane rối rít chỉ xuống bãi đấu, miệng nói không ra hơi:
-Lạ quá, giỏi quá... kiểu vờn gaenera...
Gaenera là biến thể tinh vi của verôníc. Trên lý thuyết, tráng sĩ dụ con vật tới gần, rồi bất thần căng rộng tấm muleta trước mặt nó. Nó sợ hãi rùn thấp, chạy luồn phía dưới. Trên thực tế, nhiều kẻ đấu bò mất mạng vì gaenera. Nó rất giản dị mà rất khó. Tuy vậy, nó chưa khó bằng thế manoletina.
Người ta đặt tên là manoletina để kỷ niệm vị anh tài phát minh ra kiểu vờn ấy: đại tráng sĩ Manolete.
Trên cát lấp lánh ánh nắng hoàng hôn, chàng thanh niên mặc quang y màu hồng, tia mắt buồn sâu thẳm, đang tái biểu diễn lối vờn nghẹt thở của đại tráng sĩ Manolete. Y hoành muleta ra sau lưng. Căn cứ vào hướng tấn công của con bò, nó phải xẹt ngang mặt y. Kiểu vờn manoletina bắt buộc nó từ phía trước quẹo ra sau lưng tráng sĩ. Mất trớn, nó có thể trượt té trên cát.
Từ 20 năm nay, nhiều tráng sĩ bắt chước Manolete. Kẻ bị sừng bò chém nát mông phải nằm bó bột trong bệnh viện để rồi giải nghệ trong cảnh túng thiếu, cô đơn. Kẻ gẫy xương sống, bán thân bất toại, chuỗi ngày còn lại phải ngồi xe lăn có người đun đẩy. Chết đau đớn. Chết thê thảm...
Tiếng tăm của Manolete lên như diều gặp gió vì kiểu vờn độc đáo ấy. Rồi xẹp xuống. Cũng vì kiểu vờn độc đáo ấy. Sinh ư nghệ, tử ư nghệ, ông chết yểu do một con bò gan góc không chịu quẹo ra sau lưng khi ông áp dụng kiểu vờn manoletina.
Giờ đây...
Đấu trường nín thở. Diane bỗng níu áo Văn Bình:
-Anh ơi, dường như...
Nàng nhìn thấy tai nạn trước khi nó xảy ra. Nàng nhìn thấy bằng linh tính đàn bà. Văn Bình cũng nhìn thấy bằng giác quan thứ sáu bén nhạy. Chàng giằng tay nàng, nhảy qua đầu khán giả. Chàng hụt chân lộn nhào qua lan can xuống sân cát.
Không kịp.
Định mạng đã an bài.
Cách Văn Bình một quãng ngắn, tráng sĩ Manê vừa bị con bò đen húc ngã ngồi, vuông vải đỏ rách bươm bị mắc trong sừng trái của nó.
Hàng trăm, hàng ngàn tiếng “Chúa ơi “được cất lên.
 

 
Chú thích :
1/ viết tắt của Scrambler Instantaneous Telephone System (  Hệ thống điện thoại nói chuyện tức thời gian và không bị người ngoài  nghe trộm ).
2/ thiếu tướng Alexander Orlov là nhân vật điệp báo cao cấp nhất của Nga đã « chọn tự do », hiện ông sống ở Hoa Kỳ. Năm 1953, ông xuất bản cuốn « Lịch sử bí mật những tội ác của Síttalin ».
3/ Nicolai Yezhov.
4/ NKVD là tiền thân của KGB hiện tại.
5/ Largo Caballero, thủ tướng của phe thân cộng, cũng như hai ông Arana và Negrin ở đoạn dưới.
6/ Ivan Vasilyevich là mật danh của Síttalin trên các bức điện ra lệnh cho phép điệp viên hoạt động ở hải ngoại.
7/ những chi tiết về danh sách và về số lượng vàng đều hoàn toàn có thật. Sự tiểu thuyết hóa chỉ bắt đầu từ đoạn dưới, và được xen lẫn với thực tại lịch sử.
8/ đảo Gibraltar, một phần đất của Tây, lại là thuộc địa Anh từ năm 1704. Nó dài 4km5, rộng 1km, dân số 30.000 người, được dính vào lãnh thổ Tây bằng một giẻo đất cát bằng phẳng dài 15km, rộng 1km.
9/ thánh Isidro, San Isidro, thánh bổn mạng của thành phố Madrid, ngày 15-05 hàng năm.
10/ tại Lido, dạ khách phải uống sâm banh.
11/ thoạt đầu là doblando, sau đó đến cảnh của các picador đâm bướu bò, rồi cảnh quites, tráng sĩ dụ con bà ra khỏi đám picador. Hồi nhì là banderillas. Hồi ba, faena ( giết chết ). Khi giết là La Hora de la Verdad ( giờ sự thật ).
12/ tráng sĩ El Cordobes có lần được thưởng cả con. Riêng năm 1960, tham dự 33 trận, ông hạ 32 con, và được thưởng 64 tai, 31 đuôi và 13 chân.
13/ tức Casa de Vacas, một nơi nhốt bò, bên trong một công viên rộng 1.747 mẫu gọi là Casa de Campo, bên kia bờ sông Manzanarès ( gần công trường Thị sảnh ). Trước hôm đó, các matađo họp nhau tại đó để lựa bò.
14/ veronica, véronique : kiểu vờn của Manê  là demi–véronique.
15/ thương sĩ là picador. Tác giả đã giải thích về picador ở một đoạn trên. Về danh từ banderilla mà đọc sắp gặp, tác giả xin dịch là chùy sĩ.
16/ petô là một loại giáp trụ.