Chương 10

Thế là đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi gặp Hồng Hoa. Quãng thời gian ngắn ngủi đó không ngăn cản tôi và Hồng Hoa tin rằng chúng tôi đã quen nhau từ rất lâu và hôm nay chúng tôi đã trở thành một đôi bạn rất đỗi thân thiết, mặc dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết chỗ ở của Hồng Hoa. Hồng Hoa không muốn tôi đến chỗ nó, một phần do nó nghĩ đó chỉ là nơi ăn nhờ ở đậu, phần khác chắc nó sợ tôi cao hứng gây sự với ông anh quí hóa của nó.
Tuy nhiên, tôi không cảm thấy phiền lòng nhiều về điều đó. Bởi vì từ sau cái tuần lễ tránh mặt tôi vì bị tôi bắt gặp ngoài chợ đến nay, trong những buổi chiều tôi nghỉ học, chiều nào Hồng Hoa cũng đến chơi với tôi trong vườn. Những lúc đó, ngôi vườn đối với chúng tôi chính là ngôi nhà ấm cúng của tuổi thơ, nơi chúng tôi mê mải chơi đùa quên cả giờ giấc hoặc ngồi im lặng bên nhau hằng giờ ngắm một chú chim lơ láo tìm mồi trong vòm lá hay ngắm một đàn kiến đang xếp hàng và nối đuôi nhau đi không đứt dưới những bụi cỏ rậm, cũng có khi chúng tôi chỉ ngóng cổ ngồi chờ một chiếc lá rơi.
So với tôi, cuộc sống của Hồng Hoa lắm vất vả và phiền muộn. Tuy nhiên chúng tôi chưa đủ lớn để suy tư về những éo le của cuộc đời và để nhận ra rằng trong cuộc sống những niềm vui thường bay mau còn nỗi buồn thì luôn luôn trở lại. Những âu sầu của Hồng Hoa hôm nào chỉ là những giọt lệ thoáng qua. Sau đó chúng tôi quên đi rất nhanh những vết bầm của số phận để say sưa đắm mình trong khung cảnh êm ả của cây lá chung quanh, trong những thú vui nhẹ nhàng mang đầy âm hưởng của đồng nội và trong một tình bạn chân thành, hồn nhiên, bao giờ cũng lấp lánh một thứ ánh sáng rạng rỡ và dịu dàng của hạnh phúc.
Mê mải vui chơi trong khu vườn cổ tích thơ mộng, tôi và Hồng Hoa không hề chú ý đến chuyện thời gian đã trôi qua như thế nào. Đối với chúng tôi, những buổi chiều trong vườn không hề khác nhau, đó là những giây phút êm đềm và đẹp đẽ được lặp đi lặp lại, đó là món quà tuyệt vời mà cuộc sống đã hào phóng và âu yếm trao vào tay chúng tôi. Và chúng tôi vẫn hồn nhiên tin rằng không ai nỡ tước đoạt của chúng tôi niềm hạnh phúc thân thuộc đó.
Nhưng mặc dù chúng tôi không ngó ngàng tới, thời gian vẫn âm thầm và đều đặn đi những bước đi vững chải của mình. Nó lướt qua khu vườn làm rụng những chiếc lá và nở những bông hoa. Nó ngăn cách tôi với Hồng Hoa bằng những buổi chiều đi học xen kẽ. Nó phủ lên mặt đất những lớp cỏ dày và nó dịch chuyển nhựa sống từ dưới lòng đất lên tới ngọn cây với một sự kiên trì, khoan thai và bền bỉ.
Tôi chỉ ý thức được sự có mặt của thời gian trong khu vườn khi một hôm buồn buồn hái một trái mận cho vào miệng cắn, tôi bàng hoàng và sung sướng nhận ra vị ngọt thấm tê trên đầu lưỡi. Nếu không kể những trái mận đầu mùa lác đác hôm tôi mới dọn về, thì đây là mận chín đầu tiên khu vườn tặng tôi. Vô cùng thích thú, tôi vừa đu đưa trên cây vừa quay mặt xuống đất hét toáng lên với Hồng Hoa:
- Mận chín rồi, mày ơi!
Hồng Hoa ngước mặt lên khỏi trang sách và khi kịp hiểu ra ý nghĩa trong lời reo của tôi, nó vội vàng vứt sách trên bụi cỏ, nhỏm ngay dậy, mặt mày rạng rỡ:
- Hay quá hén! Anh hái xuống cho em đi!
- Tao không xuống bây giờ đâu! - Tôi vừa nhai rau ráu vừa nói - Mày leo lên đây đi!
- Em leo không được!
- Xạo đi mày! Mày leo còn nhanh hơn khỉ mà kêu không được!
Hồng Hoa nhăn nhó:
- Nhưng hôm nay em bị đau chân.
- Sao vậy? - Tôi lập tức ngừng nhai, tái mặt hỏi - Thằng du côn kia lại giở trò với mày nữa hả?
Hồng Hoa giả vờ không nghe câu hỏi của tôi. Nó dậm chân, ngúng nguẩy:
- Anh hái xuống cho em đi!
Tôi đang tức cái chuyện nó bị đau chân, thấy nó cố ý lờ đi, tôi lại càng tức. Tôi liền cau mặt, gắt:
- Không có hái xuống gì hết! Tao ở trên này tao liệng xuống, mày chụp được thì chụp!
Hồng Hoa vẫn tươi tỉnh, thậm chí nó còn tỏ ra khoái cái trò "liệng chụp" này. Nó xòe tay ra:
- Rồi! Anh liệng xuống đi!
Không thèm đáp, tôi lẳng lặng hái từng trái mận liệng xuống. Hồng Hoa đứng dưới chụp, trái được trái không. Có lần tôi ném hơi mạnh tay, trái mận lao thẳng xuống giữa mặt nó. Hồng Hoa quýnh quíu, nó không kịp chụp, cũng không kịp né. Trái mận rơi "bốp" một cái giữa trán nó khiến nó phải đưa tay ôm trán xuýt xoa.
Tôi nhấp nhổm trên cây, hốt hoảng hỏi:
- Có sao không, mày?
Hồng Hoa vừa xoa trán, vừa ngẩng lên:
- Không sao đâu! Chỉ đau sơ sơ thôi! Anh cứ liệng xuống đi!
Thấy nó không khóc, tôi hơi yên tâm nhưng trong lòng áy náy kinh khủng. Tôi chép miệng:
- Thôi, mày khỏi chụp nữa! Để tao hái xuống cho!
Tôi cởi áo ra và loay hoay cột thành một cái túi. Xong, tôi chuyền thoăn thoắt qua các cành nhánh trĩu trái và hái mận bỏ một túi đầy.
Bữa đó, tôi và Hồng Hoa ăn mận thỏa thích đến nỗi buổi tối cố lắm tôi cũng chỉ ăn được nữa chén cơm một cách uể oải.
Tất nhiên không phải chỉ mình tôi quan tâm đến những trái mận. Sau những ngày dài chờ đợi, anh Khánh tôi cũng đã phát hiện ra mận đã chín. Thế là cùng với những túi ni-lông to tướng, anh trèo lên cây hái lấy hái để. Anh truy quét những trái mận hăm hở đến mức ba ngày sau khi anh xuất hiện ngoài vườn, những trái mận đã biến sạch sành sanh và cây mận bây giờ nom tội nghiệp như một con gà đã bị vặt trụi hết lông.
Dù sao tôi cũng lấy làm mừng là anh chỉ lùng sục trên cây mận vào những buổi sáng, vì vậy anh đã không phát hiện ra sự có mặt của "tên trộm" Hồng Hoa trong khu vườn. Nếu không, chẳng biết những rắc rối nào sẽ xảy ra và trong tình huống đó tôi sẽ phải hành động như thế nào. Sự may mắn đó đã an ủi tôi rất nhiều mỗi khi tôi buồn bã ngắm nhìn vẻ tiêu điều của cây mận.
Hồng Hoa không biết chuyện gì đã xảy ra. Không nhìn thấy những trái mận nõn nà quen thuộc, nó ngơ ngác hỏi tôi:
- Những trái mận biến đâu hết rồi?
Tôi thở dài:
- Người ta hái hết rồi!
Hồng Hoa chẳng buồn hỏi người ta là ai. Nó lặng lẽ đưa mắt nhìn lên cây mận và nó cứ nhìn như vậy rất lâu. Mặc dù nó không nói gì nhưng tôi vẫn đọc được trong mắt nó nỗi nuối tiếc sâu xa.
Tôi đặt tay lên vai nó, khẽ nói:
- Mày đừng buồn! Ít hôm nữa cây mận sẽ cho ra lứa trái khác.
Hồng Hoa chớp mắt, giọng mơ màng:
- Ừ, em đã nhìn thấy những nụ hoa mới trổ trên cây. Khi nói như vậy, Hồng Hoa không bao giờ ngờ rằng đó là đợt ra hoa cuối cùng của cây trái trong vườn và những lứa mận tương lai kia sẽ mãi mãi chỉ là mơ ước. Cả tôi cũng vậy. Tôi không hề nghĩ rằng đến một ngày nào đó khu vườn yên tĩnh và thơ mộng của chúng tôi sẽ biến mất khỏi mặt đất. Vì vậy, tôi như chết điếng cả người khi một hôm, trong bữa cơm, ba tôi tuyên bố về việc thực hiện dự định của mình trước đây:
- Khoảng mười ngày nữa, ba sẽ cho phá khu vườn để chuẩn bị xây nhà.
Trong khi mẹ tôi và anh Khánh lộ vẻ hân hoan trước viễn ảnh xây dựng đó thì tôi ngồi sững sờ như bị đóng đinh vô ghế.
Mãi một lúc lâu, tôi mới cất nên lời, giọng cố giữ để không run rẩy:
- Xây nhà làm gì nữa, ba? Mình có thừa chỗ ở rồi mà!
Ba tôi đáp với vẻ phấn khởi:
- Con ngốc quá! Đâu phải xây nhà là để ở! Đây là khu vực sản xuất. Mình sẽ làm tăm nhang xuất khẩu. - Rồi ba tôi gật gù, tiếp - Ba sẽ cho lát gạch toàn bộ khu vườn để làm chổ phơi phóng.
Trước một kế hoạch làm ăn lớn lao như vậy thì những niềm vui nhỏ nhoi của tôi và Hồng Hoa ắt sẽ chẳng có nghĩa lý gì dưới mắt ba mẹ tôi. Tôi chán chường nhủ bụng và từ lúc đó tôi không còn hy vọng gì vào việc làm thay đổi ý định của ba tôi.
Tôi rời khỏi bàn với những bước chân nặng nề như đeo đá, lòng ngổn ngang trăm mối buồn rầu. Lâu nay, tôi cứ ngỡ ba tôi nói ra cái điều khủng khiếp đó chỉ là do vui miệng và hẳn ông quên mất ý nghĩ đó rồi. Nào ngờ mọi chuyện lại xảy ra đột ngột như thể một trận động đất khiến lòng tôi tê dại hẳn đi.
Cũng như tôi, Hồng Hoa đón nhận tin đó với một sự đau khổ thẫn thờ. Nó ngồi lặng lẽ bên tôi, nước mắt chảy dài trên má. Những tiếng thút thít của nó khiến tôi như đứt từng khúc ruột. Nhưng tôi không biết phải an ủi nó như thế nào trong khi lòng tôi cũng đang rầu rĩ vô bờ. Thôi thì cứ để nó khóc. Tiếng khóc sẽ giúp nó nguôi ngoai và nỗi đau sẽ tuôn theo nước mắt để lòng nó vơi đi phần nào phiền muộn.
Suốt buổi chiều, tôi và Hồng Hoa không chạy nhảy nô đùa như mọi ngày. Những cuốn sách nằm buồn thiu trên bãi cỏ và trên cây khế sắp bị đốn kia, con sáo đứng lẻ loi và lặng thầm trong bóng hoàng hôn.
Trước khi chia tay, Hồng Hoa sụt sịt nói:
- Chiều mai em lại đến.
Tôi nheo mắt: - Mày quên rồi! Chiều mai là chiều tao đi học kia mà!
Hồng Hoa cắn môi:
- Em đâu có quên! Nhưng từ nay cho đến lúc khu vườn bị đốn, chiều nào em cũng đến. Hôm nào không có anh thì em chơi một mình.
Tôi gật đầu, giọng ngậm ngùi:
- Ừ, khi nào mày muốn đến thì đến. Mày cứ coi như đây là khu vườn của mày.
Khi Hồng Hoa đã ra về, tôi không vào nhà ngay như thường lệ mà lại nằm lăn ra trên cỏ. Cho đến khi những tia nắng cuối cùng đã thôi nấn ná trên ngọn cây và trên bầu trời đen thẳm những vì sao ẩm ướt bắt đầu lấp lánh, tôi cũng chẳng buồn nhúc nhích.
Tôi cứ nằm như vậy, im lìm, bất động, như những ngày xa xưa ở quê ngoại, tôi vẫn thường nằm mơ màng giữa một đồng cỏ xanh rì và nhấp nhô những gò đống, đầu gối lên khúc gỗ mục, chung quanh là đám bạn chăn bò cũng đang đắm mình trong cỏ như tôi. Những lúc ấy, bầu trời trước mắt tôi bao giờ cũng giống như một tấm màn đen trên đó đính muôn nghìn ngôi sao lóng lánh và đôi khi tôi có cảm giác tấm màn rực rỡ và bí mật đó đột ngột sà thấp xuống, gần kề đến nỗi suýt chạm vào người tôi và tôi tưởng như có thể nghe đầy mùi vị lành lạnh của các vì ngôi sao, nhưng khi tôi đưa tay ra rụt rè chạm vào đôi cánh mỏng của ngôi sao gần nhất thì tôi ngẩn ngơ thấy những ngón tay bé nhỏ và dính đầy đất cát của mình chỉ chạm vào những giọt sương khuya lạnh lẽo. Bây giờ, trước mắt tôi, tấm màn kỳ bí của bầu trời đã bị các tàng cây che khuất và chỉ có một vài ngôi sao lọt qua những kẽ lá trên cao. Nhưng lúc này tôi không buồn ngắm bầu trời và các vì sao. Tôi áp người vào đất chỉ để say mê hít thở lần cuối cùng hương vị thân thuộc của khu vườn, trong đó trộn lẫn mùi đất nồng và mùi cỏ ướt, mùi lá non và mùi rêu ẩm, ngay cả gió cũng có mùi, và có lúc dường như tôi đã nghe phảng phất đâu đây mùi phân bò đang nghi ngút cháy trong mùa bắt bọ rầy của một thời đã mất.