ANH VÀ EM… & TÌNH YÊU
Cao Kim

Làm vợ thương binh nặng đã khó, tạo dựng gia đình hạnh phúc càng khó hơn. Đó là con đường phải vượt qua nhiều ngáng trở, từ gia đình, bạn bè và chính bản thân mình. Và trên hết phải có tâm hồn cao thượng.
Chị Bùi Thị Hai tâm sự: “Trước đây, mỗi lần đến Quân Y Viện 17 thăm anh Được, em lang thang qua nhiều phố, thấy người ta cặp đôi đi bên nhau mà mình buồn quá, vừa đi vừa khóc”. Thế mà bây giờ chị đã có hai con với anh Được, ở trong ngôi nhà cấp bốn, làm nên từ tiền để dành của chị và sự hỗ trợ của nhà nước. Còn Nguyễn Thành Được - người lính cùng trung đoàn 143 với tôi - trở thành cán bộ Hội Người Mù thị xã Tam Kỳ. Hằng ngày, anh vận động những người đồng tật vào tổ chức và tạo việc làm cho họ.
Tôi gợi chuyện: “ Lúc đó Hai có nghĩ gì không?”. - Có chứ anh. Cha mẹ nhất quyết không cho em đến với ảnh. Ông bà nói: “Bộ hết người răng mi đi lấy anh mù?” Điều đó không cản được em. Thời gian sau, ông bà có vẻ hết giận. Nhưng bạn bè lại bảo: “Mi cao thượng nhưng…”. Bạn không nói ra, nhưng em biết bạn…sợ thay em”.
Người ta bảo tình yêu dễ mù quáng. Nhưng tôi tin Hai không mù quáng đến mức không thấy viễn cảnh của hai người. Hai nói tiếp: “Em biết chứ anh, nhưng em sẽ thương yêu ảnh hết mực”. Thì ra trong tình yêu có biết bao nhiêu cung bậc. Và giả sử tình yêu có thang bậc, chắc Hai ở nấc thang trên cùng - tôi nghĩ thế.
Tốt nghiệp trường trung cấp y tế tỉnh, chị Hương về công tác tại Khu Điều Dưỡng Thương Binh nặng Hội An. Ở đây, chị nhận ra ngay khoảng trống của thương binh nặng - cái khoảng trống ấy tạo ra những cơn giận dữ, những việc làm vô cớ phiền đến người khác. Chỉ vì chưa xuân đã tàn. Chỉ vì chưa thoả chí trai đã phải nhờ người khác từ việc nhỏ đến việc lớn, sống mà như không sống. Còn gì buồn hơn! Tức ấy thôi nên cái tức rất dễ thương. Hương hiểu và đến với anh Nhị - một thanh niên mang vết thương chằng chịt trên người và là một thương binh thường quậy dữ. Quả thật, nếu Hương không chịu hiểu, làm sao…dũng cảm đến vậy! Người chưa hiểu thì sợ, còn chị thì…thương. Ôi, tâm hồn và sự can đảm của người phụ nữ!
Hương tâm sự, bạn bè em bảo: “Mi yêu thương binh nặng là quá rồi, lại yêu một thương binh quậy cỡ ấy, tao hết biết”. Em chỉ cười trừ. Hương nói xong là cười. Nghe Hương nói, tôi 45 tuổi đời - mới cảm nhận thêm trong tình yêu không cần ai hiểu. Chỉ hai người hiểu nhau là đủ, mặc dư luận xôn xao bàn tán. Nhưng chính Nhị lại từ chối tình yêu của Hương, với cái lý rất…đàn ông: “Yêu anh, em sẽ khổ”. “ Em sẽ vượt qua”. “Khó lắm”. “ Khó mấy em cũng chịu được”. Thế là dù người con trai có “cứng” đến đâu cũng mềm lòng trước tình yêu cao thượng ấy. Và bây giờ, gia đình bốn người ấy rất hạnh phúc, khá giả, nhờ vào nghề y của Hương, nhờ vào sự êm ấm trong nhà.
Tôi đoán khi mới yêu nhau, các chị chưa hình dung hết khó khăn của một gia đình có người tàn tật. Và nếu có hình dung, cũng chỉ đặt quyết tâm vượt qua. Khi có con cái, gia đình khuyết tật ấy cũng sinh lắm chuyện… Trong lần hội thảo. “Vợ thương binh nặng” do Sở Lao Động - thương binh và xã hội tỉnh AN-ĐN (cũ) tổ chức, chị Hương nói: “Chúng em dồn sức cho cái gia đình nhỏ bé ấy, chăm sóc anh Nhị. Năm tháng đi qua, cũng có những trục trặc. Anh Nhị ưa tranh cãi, nên sinh bực. Mà đã bực thì anh trút vào rượu, sức yếu nhanh lại đi viện. Những lúc như thế, nào chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện chăm sóc anh ấy ở bệnh viện, mệt hết thở, tưởng khó vượt qua”. Vừa nói chị vừa khóc. Khóc xong chị lại cười, cười vì đem chuyện gia đình ra kể…
Những chị em trong phòng cũng rưng rưng. Mỗi người có những cái khó riêng. Chị Trần thị Hương ở Duy Nghĩa lại khác: Chồng chị, anh Nguyễn Văn Sáu, cụt hai chân, ra vào trên chiếc xe lăn. Một mình chị lội đồng, lội ruộng, lo chống hạn, chống úng, sửa lại chuồng heo, lo chế độ cho con đi học, lo cư xử với nội ngoại, lo khi anh Sáu ra Đà Nẵng điều trị vết thương tái phát… Và chị y tá trong quân đội ngày nào, giờ gồng mình làm mọi việc của đàn ông, che chắn cho gia đình năm con người ấy. Và, cảm thông với vợ, anh Sáu cũng ra đồng bằng cách…vợ cõng. Giờ gia đình anh có của dư của để nhờ vào đại lý bán phân bón, nhòo vào sự tảo tần của chị Hương và sự rèn luyện để thích nghi của anh Sáu… Gia đình ấy, bà con Duy Nghĩa ai cũng khen. Chị tâm sự: “Gia đình em hạnh phúc, con cái nghe lời bố mẹ, học giỏi. Em vui, anh Sáu cũng nể em, nhường quyền làm chồng cho em. Cực như chị Hương mà trong cách nói nghe cứ nhẹ tênh như thế, cũng là chuyện chỉ có ở chị em là vợ thương binh nặng.
Trong lần về Thăng Bình, tình cờ tôi gặp một số anh em thương binh nặng, cụt hai chân, đến phòng thương binh xã hội huyện nhận xe lăn. Có một phụ nữ tất tả đi vào hỏi: “Xe em đâu?” Thấy mọi người cười, chị đỏ mặt. Anh Nhâm (cán bộ phòng) vừa cười vừa làm nghiêm: “Mi cụt đâu mà đòi xe?”. Chị lại thẹn nhưng tôi cảm nhận được - qua cách nói của chị - là vợ chồng này đã thống nhất trong một người - người vợ, mọi việc của chồng là của mình, mới thấy toát lên sự che chắn hoàn toàn, sự thương yêu hết mực…
Khó có thể kể hết những điều mà mắt thấy tai nghe, trên những nẻo đường tôi đi tìm tư liệu, tìm vốn cho những trang viết của mình…
Và bây giờ mời bạn đọc hãy cùng lắng nghe một người trong cuộc nói về vợ của mình:
Nếu có thể đi theo em trên mọi nẻo đường
Nếu anh là đôi dép dưới chân
Anh sẽ rõ:
Em đã đi bao cây số
Và dãi dầu, và sóng gió…Em qua
Căn phòng sáng lên khi em bước vào nhà…
Em trở thành đàn ông, trở thành bảo mẫu
Trở thành chỗ dựa đời con, đời anh.