CÁI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
Ngô Ngọc Luyến

Khi miền quê chỉ còn lại bóng đêm, khi những ngọn đèn trong thôn Hùng Thành bắt đầu thắp sáng, là lúc ba mẹ tôi lặng lẽ xuôi thuyền ra khơi đánh cá. Nhà đông con, ba mẹ tôi phải làm lụng cực nhọc lo hai bữa ăn cho gia đình, lại còn lo chắt chiu dành dùm tiền bạc để đóng học phí cho anh em chúng tôi. Nhớ những hôm mẹ đi chợ huyện bán cá về, bà ngồi trầm ngâm đếm lại những đồng bạc lẻ sau khi đã mua đồ ăn cho gia đình và sách vở cho các con. Nhìn vẻ mặt lo âu của mẹ, tôi mới thấm thía hết nỗi nhọc nhằn của những ai phải kiếm sống bằng nghề đánh cá.
Tôi còn nhớ đêm hôm ấy, không khí lạnh như bao trùm lên toàn miền Bắc, thò tay vào nước như chạm vào những tảng băng tê tái, lạnh buốt. Thi thoảng lại có những con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước vì lạnh. Ba tôi vẫn chèo thuyền ra khơi, mẹ ngồi sau bẻ lái. Khi thuyền ra gần đảo Nẹ, bất thình lình một dòng xoáy từ đâu bỗng ập tới đã làm cho chiếc thuyền nan bé nhỏ lật đỗ. Sóng vỗ làm cho ba mẹ tôi lúc nhô lên thì chìm xuống trong đêm tối giữa biển khơi.
Nghe tiếng kêu cứu, hai chiếc thuyền câu Diêm Phố đi qua đều lặng thinh. Điều đó cũng dễ hiểu: đêm hôm khuya khoắt, buốt giá như vầy cứu người chết đuối ai mà không ngại rét và nguy hiểm! Đã thế dân miền biển còn kháo nhau rằng nếu cứu người chết đuối, sẽ gặp nhiều điều xui xẻo và làm ăn không nên, và họ còn đồn đêm ở ngoài khơi hay có ma gọi, nếu ai chèo đến gần sẽ bị dìm đắm thuyền. Ngay lúc đó một chiếc thuyền đánh lưới tình cờ đi tới, chủ nhân của nó là anh Đinh Công Chính (°) - người thanh niên làng Sung chưa đầy 17 tuổi. Nghe tiếng kêu cứu, anh Chính vội vàng lấy đèn pin rọi về phía trước, rồi anh hú lên một tiếng thật dài để người gặp nạn nhận được tín hiệu. Nhìn thấy đầu mẹ tôi nhô lên, anh vội thả neo xuống cho thuyền dứng lại rồi lao xuống dòng nước chảy xiết dìu mẹ tôi lên thuyền, để bà nằm dốc mặt xuống khoang cho nước trong bụng chảy ra. Sau đó, anh lại một lần nữa vật lộn với những đợt sóng hung hãn để cứu cha tôi nhưng đã không kịp nữa… Anh vội vã trèo lên thuyền tiếp tục hô hấp cho mẹ tôi, và lấy bộ quần áo khô duy nhất trong chiếc túi vải của anh thay cho bà. Chân tay anh run lên cầm cập, đôi môi thâm vì ngấm nước quá lâu nhưng anh vẫn ráng hết mình đốt bếp lửa sưởi ấm cho mẹ tôi. Anh bỏ vào nồi nửa lon gạo, nấu một tô cháo trắng với muối, chờ mẹ tôi tỉnh lại anh lựa lời động viên, an ủi khéo léo một người đang đau khổ và tuyệt vọng như mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy không còn đủ sức để khóc lên thành tiếng, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo, rám nắng. Bà khóc vì thương ba tôi, khóc vì mình được sống lại giữa cõi chết để trở về với các con, khóc vì tấm lòng nhân ái, bao dung của một người thanh niên còn rất trẻ, anh đang cầm tô cháo nóng đút cho mẹ tôi từng muỗng…
(°) Anh Đinh Công Chính hiện là công nhân nhà máy 3, Công ty giày da Hiệp Hưng, TP HCM.