CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI
Lê Dân Sinh

Đó là chuyện của một bà lão, một thanh niên và một đứa bé.
Họ cùng với hai bà lão khác nương náu trong một căn nhà của trung tâm xã hội tỉnh. Căn nhà không rộng lắm, nhưng được bày biện rất gọn gàng. Kể ra, gọn gàng cũng phải, bởi tài sản của những người già yếu, tứ cố vô thân đâu có gì ngoài túm quần áo, năm ba cái tô chén, vài đôi đũa, vài cái soong nồi để sinh hoạt hằng ngày, có đáng là bao!
Bà lão đã hơn tám mươi, nay ốm mai đau, sống dật dờ như ngọn đèn treo trước gió. Gặp tôi, bà tỏ vẻ mừng rỡ, giọng thều thào tôi nào nghe được.
Còn đứa bé cứ ngây ra mà ngủ trong cái chuồng nho nhỏ.
Cũng nhờ tâm sự của anh thanh niên kia, tôi mới hiểu được nỗi bất hạnh của ba con người ấy. Nghe chuyện, nước mắt tôi cứ lưng tròng.
Bà lão anh gọi là vú, đứa bé anh gọi là con. Gọi vậy, người ta có thể hiểu ngay rằng bà lão là nội của đứa bé và là mẹ anh thanh niên. Nhưng không, ba người hoàn toàn xa lạ, nói trắng ra, họ đều là người dưng với nhau cả.
Chuyện kể ra cũng khá dông dài.
Bà lão mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ. Đến năm hai mươi tuổi bà chẳng chịu lập gia đình, buồn quá, bà khăn gói vào cô nhi viện sống nghề nuôi giữ trẻ.
Anh thanh niên gặp bà lão trong trường hợp đó.
Thời ấu thơ hồn nhiên của anh là một chuỗi ngày dài bất hạnh, đầy bi đát. Là đứa con bị ruồng bỏ từ lúc mới ra đời, anh sớm mất đi cái hơi ấm nồng nàn của mẹ, không được hạnh phúc ngậm bầu sữa mẹ, có đâu nghe được tiếng mẹ ru hời và làm gì có được tháng ngày sống trong vòng tay âu yếm của cha mẹ? Tuổi thơ lặng lẽ đi qua trong cô nhi viện. Người trực tiếp đùm bọc, nuôi dạy anh chính là bà lão. Công lao trời biển ấy anh không bao giờ quên được.
Những ngày đầu mới giải phóng, trong buổi giao thời ở cô nhi viện có sự thay đổi, xáo trộn. Số trẻ mồ côi khoẻ mạnh, bình thường thì được người ta lãnh nuôi, số trẻ tàn tật bỏ đi tứ tán. Bà lão và anh thanh niên trở nên lạc lõng. Biết về đâu bây giờ khi mà không có ai thân thuộc, nên họ đành ở lại trong căn phòng nhỏ của cô nhi viện. Lúc ấy, anh được mười lăm tuổi và bắt đầu phải vật lộn với cuộc sống bằng công việc làm thuê.
Không bao lâu, cô nhi viện bị xoá sổ. Trong lúc không chốn nương thân, bà lão lại phát bệnh. Bệnh viện tỉnh thương tình giúp đỡ thuốc men, điều trị và cho bà cùng anh ở nhờ.
Ngày ngày, không ngại cực khổ, anh làm thuê bất cứ công việc gì, chắt chiu từng đồng bạc để cùng bà lão sống lây lất qua ngày.
Đến năm 1991, người ta cho bà lão vô ở trong trung tâm xã hội tỉnh, anh không làm thuê nữa, mà đi bán bánh mì. Bà lão ngày thêm già yếu, mỗi lần bà ngã bệnh là anh đau xé lòng. Vốn, lời anh đều chắt mót mua thuốc cả. Có lần không đủ tiền, anh phải bán đổ, bán tháo cái tivi trắng đen mà anh đã dành dùm mấy năm trời mới mua được.
Tắm rửa, giặt giũ, chăm sóc bà lão là công việc vất vả hằng ngày, nhưng anh không hề than vãn, chỉ mong sao bà mạnh khoẻ là vui rồi.
Ngày tháng âm thầm qua mau.
Một hôm, người ta thấy anh thanh niên bồng đứa bé trai về nuôi. Hỏi ra, mọi người mới biết đó là phiên bản của cuộc đời anh. Thằng bé bị cha mẹ bỏ rơi trong bệnh viện. Đồng cảm với số phận đắng cay nghiệt ngã ấy, anh xin nó về nuôi nấng.
Biết ơn bà lão, đồng cảm với đứa bé mồ côi, anh lấy việc buôn bán kiếm sống hằng ngày làm nguồn an ủi. Đôi chân anh dường như đã lê khắp hang cùng ngõ cụt của thị xã Bến Tre nhỏ bé này.
Bốn mươi tuổi, vẫn không vợ (tình cảnh anh như thế, ai dám cùng anh xây dựng gia đình?), tương lai của anh vẫn là cái nghèo khổ, nhọc nhằn, vất vả và sống kiếp ở nhờ.
Một cảnh đời nghèo khó, ba số phận nghiệt ngã, đắng cay. Tất cả không họ hàng, thân thuộc. Thế mà, họ vẫn hình thành một mái ấm gia đình đủ ba thế hệ chung sống với nhau và mang cùng một họ. Bà lão tên là Nguyễn Thị Vọng. Lúc nuôi nấng, bà đặt tên anh thanh niên là Nguyễn Văn Don và rồi anh thanh niên nuôi đứa bé, anh khai sinh nó là Nguyễn Kim Thành.
Ba con người bất hạnh ấy nối kết với nhau bằng một “tài sản” vô giá: trái tim lương thiện của con người.