Vùng Duyên hải Trung Bộ
HỘI ĐỔ GIÀN

Hằng năm vào ngày rằm tháng 7, nhân dân huyện An Nhơn thường đổ về làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định để dự lễ Vu Lan - báo hiếu của nhà Phật – xem hát bội và những cuộc thi tài.
Cũng như nhiều chùa khác ở Việt Nam, vào dịp này nhà chùa trong lễ cúng cô hồn, xá tội vong nhân, thường dựng rạp làm chay (tức lập đàn cầu nguyện cho mọi oan hồn được siêu thoát), tổ chức hát bội cả ngày và đêm. Ngày rằm tháng 7 cũng là tết Trung nguyên của đạo Lão. Cảnh nhà chùa mở hội đón khách thập phương vào dịp này đã được phản ánh trong câu ca dao xưa:
Đồn rằng An Thái, chùa Bà
Làm chay, hát bội đông đà quá đông
Đàn bà cho chí đàn ông,
Xem xong ba Ngọ, lại trông Đổ giàn.
Như ta biết, hát bội (còn gọi là hát tuồng), vốn là một loại hình nghệ thuật cung đình của nho sĩ, nhưng khi vào đến đất Nam Trung Bộ, đã nhanh chóng trở thành một thứ nghệ thuật bình dân được yêu chuộng từ già đến trẻ, mà đất Bình Định là cái nôi tiêu biểu của nghệ thuật này, từng sản sinh ra nhiều tác giả kịch bản và những "ông bầu" nổi tiếng. Người ta mê hát bội đến mức hễ nghe tiếng trống chầu dóng lên là mọi người rạo rực, náo nức. "Tai nghe trống chiến, trống chầu, xếp ba miếng kẹo lộn đầu, lộn đuôi".
Nhưng sức hấp dẫn của hội chùa Bà không chỉ ở chỗ có "làm chay, hát bội" mà còn vì một lý do khác là hội được tổ chức ngay nơi mảnh đất giàu truyền thống thượng võ: Làng An Thái. An Thái thuộc huyện An Nhơn, là làng võ từng sản sinh ra những võ sư và võ sĩ xuất sắc của đất Bình Định. Dĩ nhiên vào những dịp hội hè, việc tổ chức thi đấu côn, quyền là tiết mục không thể thiếu được. về dự hội, cũng là dịp để các môn đệ thăm viếng, gặp lại bạn bè đồng khoá, đồng môn và cũng là dịp để các võ sĩ thử tài cao thấp trên võ đài...
Đặc biệt ở đây, cùng với hội chùa còn có hội Đổ giàn khá hấp dẫn, từng mang đậm dấu ấn nhiều cuộc tranh tài sôi động của các lò võ trong vùng cũng như sự thích thú đối với người xem. Nếu như đi dự hội chùa Bà mà chỉ xem làm chay, làm hội không thì chưa đủ, chưa thật thoả mãn, mà phải xem cả cuộc tranh tài trong hội Đổ giàn của các võ sĩ.
Người ta thiết lập một sân khấu ngoài trời, diện tích hẹp hơn sân khấu thường, nhưng chiều cao thì gấp nhiều lần, khoảng mười mét, bằng tre, gỗ giống như một chòi phát tin ở nông thôn thường thấy trước đây thời kháng chiến, trên đó người ta đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một heo quay để nguyên con, khoảng độ mười lăm, vài chục kilô.
Sau những nghi thức cúng lễ cổ truyền như thường thấy ở các lễ hội làng quê, vị chủ tế trên giàn cao, phát lệnh nổi 3 hồi chiêng trống, báo hiệu cuộc tranh tài sắp sửa diễn ra. Lúc này, ở bên dưới đám đông trở nên xôn xao, rộn rịp. Những người yếu, người già, phụ nữ và trẻ con thì dãn ra vòng ngoài để cho những võ sĩ và những người khoẻ tranh nhau và cũng tiện để xem. Còn những người tham gia tranh tài thì trong tư thế sẵn sàng, mắt hướng về phía giàn cao, chờ đợi....
Bỗng trên đài cao, vị chủ tế - thường trước đây cũng là người giỏi võ - bê con heo quay từ trên đàn cúng quay ra phía đám đông bên dưới, rồi dùng cả sức mạnh, tung con heo ra xa để rơi xuống đất. Đó là giây phút căng thẳng nhất sẽ quyết định quà thưởng đó rơi vào tay ai. Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên đón lấy con heo từ trên cao, nhưng rồi phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang con heo quay chạy về địa điển an toàn đã định. tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đã có phân công người bảo vệ, cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay. Trong cuộc tranh tài này, các võ sỹ dùng tất cả ngón võ, chiến thuật khôn ngoan để giành chiến thắng về mình.
Theo tục lệ con heo quay chiến lợi phẩm này được đem xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài này. Những võ sĩ, hay làng võ có người giành được phần thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng và họ tin rằng năm ấy họ sẽ gặp hên vì được "lộc của thần". thường thì những lò võ ở An Thái và huyện Bình Khê hay giành được vị trí đó. Vì vậy mới có câu: "Tiếng đồn An Thái, Bình Khê, nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo". Heo đây là heo quay, vật cúng thần trong ngày hội. Ý nghĩa của cuộc thi tài này không nằm trong giá trị vật chất của món quà giành được mà ở giá trị tinh thần, được thể hiện qua tài nghệ của những người dự cuộc với chỗ đứng danh dự trong làng võ.
Hội Đổ giàn là một cuộc tranh tài lý thú và hấp dẫn của một vùng quê giàu tinh thần thượng võ được kết hợp một cách hài hoà với ngày hội chùa theo truyền thống dân gian: rằm tháng bảy.