Chương 1

Mùa hè năm đó là mùa hè quê ngoại.
Cuối năm lớp chín, tôi học bù đầu, người xanh như tàu lá. Ngày nào mẹ tôi cũng mua bí đỏ về nấu canh cho tôi ăn. Mẹ bảo bí đỏ bổ óc, ăn vào sẽ mau thuộc. Trước nay, tôi vốn thích món này. bí đỏ nấu với đậu phộng, thêm vài cọng rau om, ngon hết biết. Nhưng ngày nào cũng buộc phải ăn món đó, tôi đâm ngán. Hơn nữa, dù dạ dày tôi bấy giờ tuyền một màu đỏ, trí nhớ tôi vẫn chẳng khá lên chút nào. Tôi học trước quên sau, học sau quên trước. vì vậy tôi phải học gấp đôi những đứa khá.
Tối, tôi thức khuya lơ khhuya lắc. Sáng, tôi dậy từ lúc trời còn tờ mờ. Mắt tôi lúc nào cũng đỏ kè. Ba tôi bảo:
- Nhất định đầu thằng Chương bị hở chỗ nào đó. Chữ nghĩa đổ vô bao nhiêu rớt ra bấy nhiêu. Thế nào sang năm cũng phải hàn lại.
Mẹ tôi khác ba tôi. Mẹ không phải là đàn ông. Mẹ không nỡ bông phèng trước thân hình còm nhom của tôi. Mẹ xích lại gần tôi, đưa tay nắn nắn khớp xương đang lồi ra trên vai tôi, bùi ngùi nói:
- Mày học hành cách nào mà càng ngày mày càng giống con mắm vậy Chương ơi!
Giọng mẹ tôi như một lời than. Tôi mỉm cười trấn an mẹ:
- Mẹ đừng lo! Qua kỳ thi này, con lại mập lên cho mẹ coi!
Không hiểu mẹ tôi có tin lời tôi không mà tôi thấy mắt mẹ rưng rưng. Thấy mẹ buồn, tôi cũng buồn lây. Nhưng tôi chẳng biết cách nào an ủi mẹ. Tôi đành phải nín thở nuốt trọn một tô canh bí đỏ cho mẹ vui lòng.
Dù sao, công của tôi không phải là công cốc. Những ngày thức khuya dậy sớm đã không phản bội lại tôi. Kỳ thi cuối năm, tôi xếp hạng khá cao.
Ba tôi hào hứng thông báo:
- Sang năm ba sẽ mua cho con một chiếc xe đạp!
Mẹ tôi chẳng hứa he,n gì. Mẹ chỉ "thưởng" tôi một cái cốc lên trán:
- Cha mày! Từ nay lo mà ăn ngủ lại cho lại sức nghe chưa!
Ba tôi vui. Mẹ tôi vui. Nhưng tôi mới là người vui nhất. Tôi đàng hoàng chia tay với những tô canh bí đỏ mà không sợ mẹ tôi thở dài. Dù sao cũng cảm ơn mày, cơn ác mộng của tao, nhưng bây giờ thì xin tạm biệt nhé! Tôi cúi đầu nói thì thầm với trái bí cuối cùng nằm lăn lóc trong góc bếp trước khi cung tay cốc cho nó một phát.
Giã từ bí đỏ, tôi giã từ luôn bút nghiên. Tôi nhét tất cả sách vở vào ngăn kéo, khóa lại. Rồi tôi lắc mạnh đầu cho chữ nghĩa rơi ra. Đầu óc thanh thản, tôi leo lên giường úp mặt vào gối ngủ vùi.
Tôi ngủ ba ngày ba đêm, thỉnh thoảng thức dậy ăn qua loa để lấy sức... ngủ tiếp. Trong cơn mơ tôi thấy tôi hóa thành một chàng trai khôi ngô lực lưỡng. Tôi co tay lại, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Tôi duỗi tay ra, bức tường trước mặt tôi thủng một lỗ to tướng. Tôi chuẩn bị ghi tên thi lực sĩ đẹp.
Nhưng tôi chưa kịp đi thi thì đã thức dậy. Tôi ngồi trên giường, vừa ngáp vừa nhớ lại những hình ảnh huy hoàng trong giấc mơ, bụng cứ tiếc hùi hụi.
Khi dứng chải tóc trước gương, tôi ngạc nhiên thấy tôi bỗng dưng tròn trịa hơn hẳn thường ngày. Tôi thấy mình giống hệt chàng trai tôi gặp trong mơ.
Tôi vội vàng chạy xuống bếp, khoe với mẹ tôi:
- Mẹ ơi, con mập ra rồi đây nè!
Mẹ tôi nhún vai:
- Con cũng vậy thôi, có mập ra chút nào đâu!
Giọng điệu thản nhiên của mẹ tôi khiến tôi tức tối vô cùng. Tôi ấn ngón tay trỏ lên má:
- Mẹ xem đây nè!
Mẹ tôi nhìn thoáng qua mặt tôi rồi thở dài:
- Đó không phải là mập! Con ngủ nhiều quá nên mặt sưng lên đó thôi!
- Sưng dâu mà sưng! Mẹ chỉ nói! - Tôi đáp, giọng giận dỗi.
Thái độ hờn lẫy của tôi khiến mẹ bật cười. Mẹ nói:
- Mập là phải mập đều kìa! Tay chân con đâu có mập! Tay chân con cứ như que tăm!
Tôi chạy lên đứng trước gương. Và tôi co tay lạị Tôi nhớ trong giấc mơ khi tôi co tay lại, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Nhưng dó là trong giấc mơ. Ngoài đời không thế. Tôi trố mắt dòm vào gương và hoàn toàn thất vọng khi thấy cánh tay khẳng khiu của tôi cuồn cuộn những... gân. Mẹ tôi nói đúng. Tôi chả mập. Mặt tôi chỉ sưng lên. Và ít hôm nữa, nó sẽ xẹp xuống. Hệt như một quả bong bóng xì.
Tôi chán nản, chẳng buồn ngắm nghía mình trong gương nữa. Tôi tót ra khỏi nhà chơi với mấy đứa bạn. Nhưng bạn tôi đứa nào đứa nấy tròn quay. Chơi với chúng một hồi, tôi tủi thân, bỏ về.
Những ngày sau đó là những ngày tẩm bổ. Các thứ thịt và các thứ cá ngoài chợ, mẹ tôi mua gần như không sót thứ gì. Rồi mẹ tôi bắt đầu chiên, xào, kho, nướng, hấp, luộc, hầm, rô - ti, nhúng giấm, bóp chanh. Mùi hành mỡ thơm nức mũi. Ba tôi vừa ăn vừa gật gù khen ngon. Nhưng tôi lại chẳng ăn được gì. Không hiểu sao, tôi chẳng buồn ăn. Tôi nhấm nháp như mèo.
Thấy tôi nhai rệu rạo, uể oải, mẹ tôi buông đũa, ngán ngẩm:
- Con làm sao thế?
Tôi lắc đầu:
- Con chẳng biết. Con chẳng thấy muốn ăn.
Ba tôi đề nghị:
- Cho nó đi đổi gió đi thôi!
Mẹ quay sang ba:
- Đi đâu?
- Cho nó về bên ngoại. Xuống dưới quê ở với dì Sáu vài ba tháng, họa may nó mới mập lên được!

*

Thế là tôi về quê ngoại. Tôi đến ở nhà dì Sáu. Ngày đi tôi chỉ mang theo mấy bộ quần áo và dăm cuốn truyện.
Dì Sáu là em ruột mẹ tôi. Dì ở làng Hà Xuyên, sống bằng nghề làm ruộng. Thỉnh thoảng, gặp lúc túng quẫn, mẹ tôi vẫn thường đến nhờ vả dì. Những lúc đó, bao giờ mẹ tôi cũng chở về nhà vài mươi ký gạo. Nói chung, dì và mẹ tôi, hai chị em rất thương nhau.
Làng Hà Xuyên cách đường quốc lộ khoảng ba cây số về miệt biển. Dẫn vào làng là một ngõ trúc quanh co, sâu hút, đẹp như tranh vẽ. Trưa đứng bóng, luồn qua ngõ trúc vẫn mát rượi. Nắng bị chặn lại trên những ngọn trúc cong cong, chỉ rụng xuống con đường làng đầy lá khô và phân bò những giọt vàng lốm đốm.
Không có nắng nhưng ngõ trúc đầy tiếng chim. Từ sáng đến chiều, lũ chim sẻ, chim sâu, chách hoạch và chào mào đua nhau hót líu lo Trên những cành nhánh lúc nào cũng đong đưa theo gió. Ngày tôi khăn gói về quê ngoại, lũ chim sẻ dạn dĩ chào mừng tôi bằng cách rủ nhau sà xuống mặt đường nhặt những hạt thóc rơi vãi từ những chiếc xe bò đủng đỉnh đi ngang. Chúng nhặt thóc sát ven đường, ngay cạnh cây mâm xôi tim tím và bụi mắc cỡ đầy gai. Khi tôi đi lướt qua, chúng không buồn bay lên, chỉ giương mắt ngó tôi như thầm hỏi cái thằng ốm nhom này từ đâu đến và đến làm cái quái gì?
Nhà dì Sáu ở cuối con ngõ, nằm sau một khúc ngoặt chạy quanh ao rau muống của ông Hai Đởm. Đó là một căn nhà gạch ba gian, rộng rãi, thoáng mát. Chỉ có căn nhà bếp là lợp tranh, trong nhà chất đầy những bồ đựng lúa và những đống trấu dùng để đun bếp.
Đằng trước là cái sân phơi lát gạch. Trước nữa là những thân cau cao vút nằm kế lũy tre xanh bao quanh vườn nơi chiều chiều lũ chim tụ họp về cãi lộn ỏm tỏi trước khi đi ngủ. Vườn phía sau khá rộng nhưng ao rau muống đã choán hết phân nửa diện tích. Dường như ở Hà Xuyên, mỗi nhà đều có một ao rau muống. Trên phần đất còn lại, lác đác dăm cây ăn trái. Cây bòng nằm o(? góc vườn cạnh chuồng bò. Dọc theo hàng rào là những cây ổi sum suê trái. Toàn là ổi sẻ, trái nhỏ xíu, chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái một chút. Giữa vườn, cạnh cái giếng đá mốc rêu, có hai cây khế, một cây khế ngọt, một cây khế chua. Trong những ngày ở nhà dì Sáu, ban trưa tôi thường mắc võng giữa hai cây khế này nằm đọc sách. Những lúc như vậy, bao giờ tôi cũng ngủ thiếp đi giữa những trang sách. Cơn gió thoảng từ ngoài khe suối thổi vào cộng với tiếng chim sâu lích chích bên tai cứ khiến mắt tôi díp lại, không làm sao cưỡng nổi. Chỉ đến khi một con chim quỷ quái nào đó lẻn vào vườn ăn khế chín và nhả hạt rơi trúng mặt tôi, tôi mới giật mình mở choàng mắt dậy và ngơ ngác nhìn quanh.
Dì Sáu có hai người con. Thằng Nhạn nhỏ hơn tôi hai tuổi và thằng Dế nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Ngay hôm đầu tiên tôi đến, thằng Dế lật đật kéo tôi ra sau vườn. Nó chỉ tay lên cây khế, hí hửng khoe:
- Cây khế nhà me trái quá trời! Em hái xuống cho anh ăn nghen!
Tôi thận trọng:
- Khế này là khế gì? Ngọt hay chua?
- Cây này khế ngọt. Cây kia mới chua.
Tôi gật đầu:
- Vậy mày trèo lên đi!
Chỉ đợi có vậy, Dế nhanh nhẹn bám cây trèo lên. Nó trèo nhanh như sóc. Nhìn nó leo thoăn thoắt từ cành này sang cành khác, tôi hồi hộp muốn rụng tim.
Tôi kêu lên:
-Mày trèo chầm chậm thôi! Coi chừng té!
Dế cười hì hì:
- Té sao được!
Nó không thèm nghe lời tôi. Nó tiếp tục nhún nhảy và đi qua đu lại trên các cành cây trông phát ớn.
Dế chọn hái chừng hai, ba trái thật to. Rồi nó đứng dạng chân giữa hai chạc cây, ngó xuống:
- Em liệng xuống cho anh chụp nghen!
Tôi lắc đầu:
- Thôi, mày đem xuống đây đi! Tao chụp không trúng đâu!
Dế nheo mắt:
- Gì mà chụp không trúng! Gần xịt mà!
Tôi bực mình:
- Tao đã bảo không trúng là không trúng! Mày sao hay cãi quá vậy!
Nhưng thằng Dế quả là một đứa bướng bỉnh. Nó không chịu tuột xuống ngay, mà lại rủ:
- Hay anh trèo lên đây với em đi! Ăn khế, ăn ngay trên cây mới ngon!
Tôi rất sợ trèo cây. Đứng trên cao mà nhìn xuống, bao giờ tôi cũng bị hoa mắt. Tôi mà nghe lời xúi dại của nó trèo lên cây khế, thế nào cũng chóng mặt ngã xuống gãy cổ u đầu.
Thằng Dế không biết điều đó nên rủ toàn chuyện độc địa.
- Tao không trèo đâu! - Tôi từ chối.
- Sao vậy? Anh sợ té hả?
Thằng Dế hỏi như thể nó đi guốc trong bụng tôi. Tôi đỏ mặt, nói trớ:
- Tao sức mấy mà sợ té! Tao chỉ sợ dơ quần áo!
_ Thì cởi đồ ra! Mặc xà lỏn như em vậy nè!
Tôi khịt mũi:
- Tao khác, mày khác! Tao là người lớn! Sang năm tao sẽ vô lớp Mười!
Tôi đem chuyện học hành ra dọa nhưng thằng Dế coi bộ chẳng sợ. Nó tỉnh khô:
- Người lớn thì người lớn chứ! Ba em là người lớn nhưng ba em vẫn mặc quần xà lỏn vậy!
Thằng Dế này là dân quê mà sao mồn mép quá xá. Nó đem dượng Sáu ra làm " bằng chứng" khiến tôi đứng chết trân. May sao lúc ấy thằng Nhạn kịp thời can thiệp. Nó thò đầu ra cửa bếp, kêu:
- Anh Chương với thằng Dế vô ăn cơm! Mẹ tìm nãy giờ kìa!

*

So với Dế, Nhạn biết điều hơn. Nó không xúi tôi làm những chuyện nguy hiểm. Nhạn chỉ rủ tôi đi chơi. Trưa hôm sau, lúc tôi đang nằm trên võng đọc sách, Nhạn mon men lại gần:
- Anh làm gì vậy?
- Tao đọc truyện. Mày đọc không, truyện hay lắm!
Nhạn nhăn mặt:
- Em ghét đọc truyện lắm! Em chỉ thích nghe người ta kể!
Tôi hừ mũi:
- Kể đâu có hay! Phải chính mình đọc mới hay!
Khác với Dế, Nhạn chẳng buồn tranh cãi. Nó tỏ vẻ thờ ơ trước sự bắt bẻ của tôi. Nó không cần biết giữa "kể chuyện" và "đọc truyện" thực ra cái nào hay hơn cái nào. Nó chỉ chép miệng, hỏi:
- Anh đi chơi với em không?
- Đi đâu?
- Đi bắn chim.
Tôi nhỏm người dậy, mắt sang rỡ:
- Đi!
Đang hào hứng, tôi bỗng ngập ngừng:
- Nhưng tao đâu có ná!
Nhạn khoát tay:
- Anh khỏi lo! Để em đưa cho anh cái ná của thằng Dế!
Thế là tôi vứt cuốn sách trên võng, lật đật đi theo Nhạn.
Nó dẫn tôi đến cuối vườn, vẹt một lỗ hổng, chui ra ngoài.
Tôi ngạc nhiên:
- Ra đây chi? Ở trong vườn cũng có chim vậy!
- Vườn nhà mình chỉ có lèo tèo vài ba con. Để em dẫn anh lên vườn ông Tư Thiết. Ở đó chim vô số, tha hồ bắn! Hai đứa hai cái ná, chúng tôi men theo lũy tre xanh đi lần lên xóm trên. Trưa tĩnh mịch, cảnh vật như say ngủ. Chim chóc cũng biếng kêu. Thỉnh thoảng một tiếng chim khắc khoải vọng lại từ những gò xa.
Tôi đi đằng sau Nhạn, chân cố bước thật khẽ nhưng lá tre khô vẫn kêu rào rạo dưới gót chân. Trong khi đó, Nhạn đi êm ru. Tôi liếc nó, thấy nó đi chân không, tôi bèn cúi xuống cởi đôi dép ra cầm tay.
Nhưng tôi mới đi được vài ba bước, bàn chân đã đau nhói. Mặt ruộng gồ ghề, lại thêm lỗ chân trâu chi chít, tôi tưởng tôi đi trên than hồng. Có thằng Nhạn đi bên cạnh, tôi không dám xuýt xoa, phải nghiến răng nhịn đau. Nhưng đến khi đạp phải một cây gai nhọn hoắt, đau thấu xương, tôi không nén nổi, đành buột miệng kêu lên:
- Ui da!
Nhạn giật mình quay lại:
- Gì vậy?
Tôi nhăn nhó:
- Đợi tao chút! Tao đạp gai!
Vừa nói, tôi vừa lò cò giơ bàn chân lên.
Nhạn bước lại. Trong nháy mắt, nó đã nhổ cây gai khỏi chân tôi. Nó chìa cây gai trước mặt tôi, cười hì hì:
- Nhỏ xíu à!
Tôi thở phào:
- Vậy mà tao tưởng què giò rồi!
Nhạn nhìn đôi dép trên tay tôi:
- Ai bảo anh bỏ dép ra là chi cho đạp gai!
- Tao bắt chước mày. Tao sợ mang dép, nghe tiếng động, mấy con chim bay hết.
- Nếu vậy, lát nữa tới vườn ông Tư Thiết, hãy cởi ra! Bây giờ anh cứ mang vô đi!
Vườn ông Tư Thiết rộng gấp mấy lần vườn nhà dì tôi. Cây ăn trái nhiều vô kể. Chuối, cam, quít, ổi, xoài, đu đủ... không thiếu cây gì. Nhạn bảo ổi nhà ông Tư Thiết là ổi xá lị, xoài là xoài thanh ca, toàn thứ hiếm. Ông sợ trẻ con lẻn vào vườn hái trộm nên canh rất kỹ. Chung quanh vườn, tre gai giăng chằng chịt, tua tủa. Ông còn nuôi hai con chó rất dữ. Mỗi lần có tiếng động ngoài vườn, chúng lập tức nhảy xồ ra sủa ầm ĩ. Thực ra chỉ có con Đụp sủa. con Hắc-Ín không thèm sủa, hễ thấy bóng người là nó lặng lẽ bay vô cắn. Đối với bọn trẻ trong làng, con Hắc-Ín là kẻ thù không đội trời chung. Vì vậy, chúng không thèm gọi con Hắc-Ín là Mực mà bằng cái biệt danh Nhạn mới giới thiệu với tôi.
Tôi hồi hộp hỏi Nhạn:
- Mình chui vô, con Hắc-Ín... ăn thịt mình sao?
Nhạn trấn an tôi:
- Không sao đâu! Giờ này, bọn chó đang nằm ngủ trước hiên!
Nhạn cầm tay tôi kéo lại góc vườn. Ở đó có một lỗ nhỏ nấp sau bụi râm bụt. Đó là lối đi bí mật của bọn trẻ trong làng.
Tôi và Nhạn rón rén chui vào vườn.
Ban trưa, khu vườn yên tĩnh đến rợn người. Lũ chim tụ tập về đây khá đông. Chúng tìm trái chín trên những tàng cây.
Tôi dáo dác nhìn lên những tán lá xanh um. Tôi thấy những bóng chim thấp thoáng chuyền càn. Trời nóng, chúng không hót, chỉ có tiếng vỗ cánh xào xạc. Thỉnh thoảng, lũ chim lại chí chóe nhau vì giành giựt một trái ngon nào đó. Rồi im bặt. Chỉ có bọn chim sâu là ngứa miệng. chúng chuyền loanh quanh trên những cành thấp và kêu lích chích luôn mồm.
Nhưng tôi không quan tâm đến lũ chim. Tôi nhìn đăm đăm những trái xoài chín vàng lủng lẳng trên cao và nuốt nước bọt liên tục.
Nhạn khẽ bước lại gần tôi, thì thầm:
- Anh thấy gì chưa?
Tôi liếm môi:
- Thấy rồi! Ngon ăn quá mày ạ!
Nhạn lại hỏi:
- Bây giờ anh bắn hay em bắn?
- Để tao bắn cho!
Vừa nói tôi vừa lấy ra một hòn sỏi lắp vào ná.
Nhạn dặn khẽ:
- Anh phải giương ná thật nhẹ, kẻo nó thấy nó bay mất.
Tôi trố mắt:
- Cái gì bay?
- Thì con chim chào mào chứ cái gì!
- Con chim chào mào nào? Tao đâu có thấy!
Nhạn ngạc nhiên:
- Không thấy sao anh đòi bắn?
Tôi khịt mũi:
- Tao đâu có bắn chim. Tao dịnh bắn mấy trái xoài trên kia kìa!
- Trời đất! - Nhạn kêu khẽ - Anh bắn xoài chi vậy? Mình đi bắn chim mà!
Tôi gạt ngang:
- Tao hết thích bắn chim rồi. Giờ tao chỉ thích bắn xoài.
Rồi không để cho Nhạn kịp "chất vấn" thêm, tôi giương ná lên, nhắm ngay trái xoài, "thả" một phát.
Tài xạ kích của tôi quả là hạng bét. Viên đạn bay vù một cái, chui qua vòm lá, mất tiêu. Trong khi đó, trái xoài vẫn còn nguyên trên cây và ngạo nghễ nhìn xuống như muốn chọc tức tôi.
Tôi không dám ngó Nhạn, chỉ lẩm bẩm:
- Hình như viên sỏi của tao nó bị méo hay sao ấy!
Không thèm để ý đến lời bào chữa của tôi, Nhạn nhìn lên tàng cây, nói:
- Để em bắn cho!
Nói xong, nó giương ná lên "phựt" một phát. Thằng tài thật, nó không cần ngắm nghía lâu lắc như tôi mà viên sỏi đi trúng phóc! Trái xoài bị bắm ngay cuống, rơi bịch xuống đất. Tôi hớn hở dợm chân định chạy lại nhặt xoài thì tiếng chó sủa "gâu gâu" đột ngột vang lên.
- Chạy mau!
Nhạn chỉ kịp hô lên một tiếng và vội vã nắm lấy tay tôi kéo đi phăng phăng. Tôi một tay cầm dép, một tay bám lấy Nhạn, chạy bán sống bán chết, trái tim nhảy lô tô trong lồng ngực.
Tiếng chó sủa mỗi lúc một gần. Theo lời kể của Nhạn thì đó là con Đụp đang diệu võ giương oai. Khi hai đứa tôi chạy đến lỗ hổng góc vườn thì con Đụp và con Hắc-Ín đã đuổi sát bên lưng. Tôi xanh mặt ngó Nhạn, giọng run run:
- Phen này chắc chết mày ơi!
Nhạn đẩy lưng tôi:
- Anh chui ra trước đi, để em chặn bọn chó cho!
Chỉ đợi có vậy, tôi thở phào và lồm cồm chui qua hàng rào. Nhạn chui sau tôi, vừa rút lui nó vừa dáo dác canh chừng lũ chó phía sau, cái ná cầm lăm lăm trên tay sẵn sàng nhả đạn.
Nhưng con Đụp và con Hắc-Ín đã chậm một bước. Có lẽ chúng hơi khựng lại trước vũ khí trên tay Nhạn nên khi hai đứa tôi thoát ra được mé ruộng bên ngoài thì chúng mới tới sát hàng rào. Con Đụp nghếch mõm lên trời sủa ăng ẳng một cách tức tối. còn con Hắc-Ín thì mắt long sòng sọc, đỏ lừ, đầy đe dọa.
Tôi trách Nhạn:
- Vậy mà khi nãy mày bảo hai con chó nằm ngủ trước hiên! Mình mà chạy chậm một chút là tiêu đời rồi!
Nhạn chưa kịp đáp thì tiếng một đứa con gái eo éo cất lên bên kia hàng rào:
- Tao thấy mày rồi nghe Nhạn! Mày lén vào vườn tao hái trộm, tao méc mẹ mày à!
Giọng con nhỏ chua như giấm. Nhạn vung tay, dẩu môi đáp:
- Cho méc! Tao cóc sợ!
- À, à, này anh hùng quá hén! Để hôm nào đi học lại, tao sẽ cho mày biết tay!
Không biết con nhỏ này là ai mà nó ăn nói hung hăng quá chừng. Nó lại "mày mày tao tao" với Nhạn nghe phát ớn.
Tôi liếc Nhạn:
- Đứa nào vậy mày?
- Bà La Sát!
- Bà La Sát? Tên gì kỳ vậy?
- Ừ. Nó là con Thơm, cháu ngoại ông Tư Thiết. Nó dữ như chằn nên tụi em gọi nó vậy.
Tôi lại hỏi:
- Khi nãy nó dọa gì mày vậy?
- Nó có dọa gì đâu!
- Có. Tao có nghe thấy rõ ràng. Nó bảo lên trường nó sẽ cho mày biết tay.
Nhạn có vẻ không thích thú với câu hỏi của tôi. Nó không trả lời thẳng, mà chỉ ậm ừ. Nhưng Nhạn càng giả điếc, tôi lại càng tò mò:
- Lên trường, nó méc cô giáo hả?
Nhạn chớp mắt:
- Không.
- Chứ nó làm gì?
Nhạn ấp úng một hồi rồi lí nhí đáp:
- Nó "uýnh" em!
Tôi trợn tròn mắt:
- Nó đánh mày? Con gái mà đánh con trai?
Nhạn bối rối:
- Nó là con gái nhưng nókhỏe lắm. Nó chuyên môn đánh lộn với tụi con trai trong lớp. Mỗi lần vật nhau với nó, bao giờ em cũng bị nó cỡi lên người.
Nói xong, Nhạn đỏ bừng mặt. Để cho nó đỡ xấu hổ, tôi hỏi lảng sang chuyện khác:
- Nó học cùng lớp với mày hả?
- Dạ nó bằng tuổi anh nhưng học dở ẹc. Nó bị "đúp" hai năm liền.
Tôi liếc vào trong vườn nhưng chẳng thấy gì. Hàng dâm bụt, lũ dây leo trên hàng tre gai và cây lá trong vườn che kín tầm mắt tôi.
Chẳng hiểu bà La Sát còn đứng đó hay đã bỏ vô nhà rồi. Thằng Nhạn dở, chứ gặp tôi, tôi "uýnh" con nhỏ đó chạy dài. Đang nói thầm trong bụng, bất giác tôi nhìn xuống cẳng tay mình. Mới đi "đổi gio" có hai ngày mà dường như cánh tay tôi "vạm vỡ" hẳn lên. Nếu tôi ở làng Hà Xuyên suốt ba tháng, hẳn tôi chẳng khác gì chàng trai lực lưỡng tôi gặp trong mơ dạo nọ. Đến lúc đó, tôi sẽ giúp cho thằng Nhạn thoát khỏi cảnh bị tụi con gái đè đầu cỡi cổ.
Nhưng đó là chuyện sau này. Còn trước mắt thì tôi và thằng Nhạn chẳng giúp được ai. Cả hai im lặng đi bên nhau, lếch thếch về nhà.