Chương 1


Chương 4

Một buổi tối, tôi qua nhà bác Tám dạy kèm như thường lệ, không thấy Quỳnh đâu.
Tôi hỏi, chị Kim nói:
- Nó nhức đầu, nằm trên gác.
Trâm nhún vai:
- Nó xạo chứ nhức đầu gì! Nó đau tim thì có!
Hai chị em nói hai kiểu, tôi hoang mang chẳng biết Quỳnh bị bệnh gì. Tôi rất muốn lên thăm Quỳnh nhưng căn gác nhà bác Tám là chỗ ngủ của ba chị em, đàn ông con trai lên không tiện, dù đó là... con nuôi hụt trong nhà.
Không có Quỳnh, tôi giảng bài một cách lơ đãng, chẳng hứng thú chút nào.
Dạy xong, tôi uể oải gấp sách ra về, không ngồi lại như mọi lần.
Tối hôm sau, Quỳnh vẫn ở lì trên gác.
Tối hôm sau nữa cũng vậy.
Thấy cô bé nghỉ học liền một mạch ba hôm, tôi bắt đầu chột dạ. Tôi nhìn Trâm:
- Quỳnh chưa hết bệnh hả?
Trâm tặc lưỡi:
- Ối dào, con Quỳnh nó hứng bất tử, muốn bệnh thì bệnh, muốn hết thì hết, chẳng biết đường nào mà lần!
Trâm trả lời lấp lửng kiểu đó, nghe xong tôi cũng "chẳng biết đường nào mà lần".
Tối đó, tôi về hỏi Lan Anh:
- Chị Quỳnh bệnh sao vậy em?
Lan Anh trố mắt:
- Chỉ có bệnh gì đâu!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lạ vậy? Chị Trâm nói với anh là Quỳnh bệnh mà!
Nó lắc mái tóc:
- Chị Trâm xạo đó! Em thấy sáng nào chị Quỳnh cũng đi học, có bệnh tật gì đâu!
Trưa hôm sau, tôi "đột nhập" qua nhà Quỳnh và bắt gặp cô bé đang ngồi rửa chén.
Thấy tôi, Quỳnh ngoảnh mặt đi.
Tôi rón rén lại gần, hỏi:
- Em hết bệnh chưa?
Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ theo tin tình báo của "điệp viên" Lan Anh thì đây là một sự kiện thất thiệt.
Quỳnh cắm cúi rửa chén, không trả lời.
Thái độ của Quỳnh khiến tôi cảm thấy hoang mang dễ sợ, chẳng hiểu làm sao thời tiết lại thay đổ i bất thường như vậy không biết. Tôi ngồi trơ mắt ếch một hồi rồi lại nhỏ nhẹ hỏi, lần này tôi hỏi thẳng:
- Mấy bữa nay tại sao em nghỉ học vậy, Quỳnh?
Quỳnh vẫn một mực giả điếc, không thèm liếc tôi lấy một cái. Làm như mấy cái chén kia dễ thương hơn bản mặt của tôi hay sao ấy! Trong khi tôi đang tiến thoái lưỡng nan, không biết nên rút lui có trật tự hay nên ngồi lì tại chỗ ra vẻ ta đây là cục đá thì Trâm, đang ngồi đếm hột vịt ở góc nhà, vọt miệng "giải đáp tâm tình":
- Con Quỳnh nó giận anh đó!
Tôi ngơ ngác:
- Tôi làm gì mà giận?
Trâm nói huỵch toẹt:
- Nó thấy anh đi với bồ!
Tôi vò đầu:
- Trời ơi, tôi đi chơi với bồ hồi nào?
Quỳnh vẫn im lặng để Trâm tấn công tôi:
- Anh đừng có xạo! Chứ cái cô gì hay đón anh ngoài đầu hẻm đó?
Hóa ra, Trâm và Quỳnh thấy tôi đi chơi với Kim Dung. Tôi thở dài:
- Bồ đâu mà bồ! Cô đó là bạn cùng lớp với anh.
Bây giờ Quỳnh mới chịu lên tiếng:
- Chị đó tên gì vậy?
Quỳnh hỏi mà tay vẫn tiếp tục rửa chén, đầu không ngẩng lên. Ra vẻ ta đây chưa chịu làm hòa đâu, nhà người đừng có tưởng bở!
- Tên Kim Dung!
Tôi đáp khẽ, không dám thở mạnh, mắt vẫn liếc chừng về phía Quỳnh.
Quỳnh lại hỏi, vẫn không ngẩng đầu lên:
- Có phải chị Kim Dung là "anh bạn" bữa trước đi sở thú với anh không?
Giọng Quỳnh nhẹ nhàng mà tôi nghe như sét nổ bên tai, sống lưng lạnh toát. Cô bé mọi ngày hiền lành, ngây thơ sao bữa nay hỏi câu độc quá vậy không biết!
Trong nháy mắt, tôi cân nhắc lợi hại và quyết định chối phắt:
- Đâu có! Em đừng nói oan cho anh! Anh bạn bữa trước là anh Bảo!
Rồi chừng như thấy lời thanh minh chưa đủ trọng lượng, tôi đế thêm:
- Anh Bảo ở trong lớp chơi thân với anh lắm!
- Thật không? - Quỳnh có vẻ nghi ngờ.
- Thật chứ! - Tôi quả quyết.
Quỳnh thắc mắc:
- Bạn thân sao em không thấy anh dẫn về nhà chơi?
Tôi tính nói là tôi có dẫn bạn về nhà mấy lần mà Quỳnh không gặp. Nhưng sực nhớ Quỳnh có thể kiểm tra điều đó qua Lan Anh, tôi bèn nói quanh:
- Anh có rủ. Ảnh nói hôm nào rảnh ảnh tới.
Tội nghiệp thằng Bảo. Tôi chưa bao giờ mở miệng rủ nó đi uống cà phê một lần chứ đừng nói rủ về nhà.
Tôi tưởng sóng gió đã qua, không ngờ Quỳnh vẫn chưa quên chủ đề chính:
- Còn chị Kim Dung thì sao?
Tôi giật thót:
- Sao là sao?
- Anh có chơi thân không?
Tôi ấp úng:
- Thân nhưng mà... khác!
Quỳnh không hiểu:
- Khác cái gì?
Tôi nói một cách khó khăn:
- Khác... anh với em!
Quỳnh vẫn ngơ ngác:
- Anh nói gì em không hiểu.
Tôi nhủ bụng: anh nói anh còn không hiểu làm sao em hiểu được! Nhưng biết làm thế nào được, tôi cũng rất muốn nói một cách dễ hiểu, bằng thứ ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp mà những người có bản lĩnh ưa dùng. Nhưng mặc dù được Kim Dung rèn giũa khá kỹ lưỡng, trong trường hợp này tôi chẳng tỏ rõ bản lĩnh được chút xíu nào. Tôi vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ quanh co, bí hiểm rút ra từ kho tàng câu đố dân gian:
- Có gì đâu mà không hiểu! Anh thân với chị Kim Dung kiểu bạn bè, còn anh thân với em kiểu khác, kiểu... gia đình!
"Gia đình" trong "câu đố" của tôi là gia đình khởi thủy, chỉ có... hai người, giống như ông Adam và bà Eva, nếu Quỳnh hiểu gia đình theo cái kiểu anh chị em nuôi thì nguy to.
Chẳng hiểu Quỳnh hiểu thế nào, chỉ thấy cô bé mỉm cười cúi xuống... rửa chén tiếp. Có mấy cái chén mà rửa lâu dễ sợ!
Tôi chưa kịp thở phào thì Trâm gọi giật:
- Anh Chương!
Gì nữa đây! Tôi thấp thỏm quay lại.
Trâm nhướng mắt:
- Kiểu gia đình với kiểu bạn bè, kiểu nào thân hơn?
Tôi cười cầu tài:
- Tất nhiên là kiểu gia đình!
Trâm cười toe:
- Vậy mai mốt đi chơi, anh nhớ đi với gia đình chứ đừng đi với bạn bè nữa! Có đi với bạn bè thì đi ít thôi!
Trong khi tôi đang lúng túng chưa biết trả lời như thế nào thì Trâm "dụ" tiếp:
- Anh đi với gia đình, tôi chở con Lan Anh giùm cho!
Ý nó muốn nhắc tới chuyện đi chơi Nhà Bè lần trước.
Trong bụng tôi thầm cảm ơn nó quá xá nhưng ngoài mặt tôi vẫn làm bộ tỉnh:
- Ai chở Lan Anh chẳng được!
Trâm lên giọng liền:
- À, anh nói vạ^y thì mai mốt đi đâu, tôi để anh chở Lan Anh còn tôi chở con Quỳnh.
Nó nói năng lộ liễu quá mức khiến tôi ngượng chín người.
Không dám "tâm sự" thêm nữa, sợ mang họa, tôi kiếm cớ chạy về nhà.
Suốt buổi chiều, tôi ở lì trên gác. Bài vở vứt qua một bên, tôi nằm nghiền ngẫm, phân lại và đánh giá nhừng câu nói và thái độ của Quỳnh.
Đến khi dì dượng tôi đi làm về, tôi đã rút ra được một kết luận cực kỳ tươi sáng.
Rồi dường như để cho cái tươi sáng đó tăng thêm phần sáng tươi, buổi tối tôi vừa bước qua nhà Quỳnh đã thấy cô bé ngồi sẵn bên bàn học và đón tôi bằng một nụ cười duyên dáng và thân thiện kiểu... gia đình!

*

Cái "gia đình" xây dựng theo mô hình Adam và Eva đó suýt một chút nữa là xào xáo dữ dội vào năm thứ hai đại học của tôi. Lúc này, Qùynh đã là cô nữ sinh lớp mười một. Còn Trâm học lớp mười hai.
Thủ phạm gây ra sự lộn xộn này là thằng bạn mắc dịch của tôi, thằng Bảo. Chắc các bạn còn nhớ Bảo, nhân vật mà khi nói chuyện với Quỳnh tôi đã mượn tên để lấp liếm chuyện đi chơi sở thú với Kim Dung.
Năm đâù tiên, tôi với nó chỉ trò chuyện sơ sơ. Qua năm thứ hai, hai đứa cùng chung một nhóm thuyết trình. Những ngày chui vào thư viện lục tìm tài liệu khiến tôi và nó thân với nhau hơn. Trong nhóm của chúng tôi, nó là chủ nhiệm đề tài, còn tôi là thuyết trình viên. Do đó, hai đứa thường cặp kè với nhau.
Sục sạo trong thư viện chán, hai đứa thường la cà các quán cà phê. Ngồi quán chán, tôi lại rủ nó về nhà chơi.
Con mắt nó tinh như mắt mèo. Quỳnh chạy qua gặp Lan Anh nhoáng một cái chạy về, Bảo đã nhận xét:
- Con nhỏ dễ thương gớm!
Nghe cái giọng xuýt xoa của nó, tôi muốn nổi điên. Tôi rủ nó về nhà chơi, cốt yếu là chơi với tôi nhưng coi bộ nó không muốn chơi với tôi nữa mà lại muốn chơi với Quỳnh.
- Con nhỏ ở đâu ra vậy mày? - Bảo hỏi.
- Ở trong nhà nó ra chứ đâu!
Không để ý đến giọng gây sự của tôi, Bảo hỏi tiếp:
- Nhà nó ở đâu vậy?
Tôi đành phải cho nó biết địa điểm:
- Kế bên đây nè!
Bảo lấn tới:
- Nó tên gì vậy?
- Quỳnh!
Thật là đau khổ khi phải khai tên người yêu với thằng bạn chết tiệt này nhưng tôi không biết làm sao giấu giếm. Tôi chỉ mong cho Bảo đừng hỏi nữa. Tôi bẻ lái câu chuyện:
- Ngày mai mình có tới thư viện nữa không?
Bảo gạt ngang:
- Chuyện đó để ngày mai tính!
Nó khịt mũi một cái rồi trở lại đề tài cũ:
- Nhỏ Quỳnh có người yêu chưa vậy?
Tôi nổi sùng:
- Không biết!
Nói xong tôi mới thấy mình ngu. Đúng là no mất ngon, giận mất khôn! Phải chi tôi nói Quỳnh có người yêu rồi cho thằng Bảo tốp bớt cái miệng lại! Đằng này tôi nói không biết, thế nào nó cũng làm tới. Y vậy, nó nói:
- Mày dở ẹc, ở sát bên mà không biết! Để tao!
Tôi hồi hộp không biết nó định làm gì mà nó nói "để tao" nghe phát sốt!
Lát sau, Quỳnh lại chạy qua.
Bảo gọi giật:
-Quỳnh!
Đúng là thằng liều mạng! Quỳnh nhìn Bảo, mỉm cười:
- Anh kêu Quỳnh hả?
Lúc này, tôi giận Quỳnh dễ sợ. Con gái gì mà vô duyên, gặp ai cũng cười.
Bảo trâng tráo:
- Em ngồi chơi!
Quỳnh liếc tôi ra ý hỏi. Không biết làm sao, tôi đành nhe răng cười. Tôi cười méo xẹo nhưng Quỳnh không đủ tinh tế để nhận ra điều đó. Cô bé ngồi xuống ghế. Tôi tưởng như Quỳnh ngồi lên trái tim tôi.
Bảo bắt đầu ba hoa, nó giới thiệu:
- Anh là Bảo, bạn của anh Chương!
Quỳnh reo lên:
- A, em biết rồi! Anh Chương có nói về anh. Hôm trước anh với anh Chương đi sở thú chứ gì?
Không ngờ câu chuyện lại xoay ra như vậy, tôi giật bắn người, vội đá khẽ vào chân Bảo.
Bảo chẳng biết ất giáp gì nhưng thấy tôi ra hiệu, nó gật đầu bừa:
- Ừ, đi chơi sở thú vui dễ sợ! Hôm nào Quỳnh đi chơi với bọn anh! Anh sẽ dẫn Quỳnh đi tàu lửa!
Cái thằng láu cá hết chỗ nói - tôi hậm hực trong bụng - đi chơi thì đi ba người mà đến khi đi tàu lửa thì nó lại cho tôi ra rìa, chỉ để Quỳnh với nó!
Quỳnh trố mắt:
- Tàu lửa ở đâu mà đi?
- Thì ở trong sở thú chứ đâu! Tàu lửa dành cho trẻ em đó!
Bảo pha trò khiến Quỳnh cười khúc khích.
Thấy Quỳnh cười, Bảo càng ba hoa bốc phét tợn. Phải thú thật là về khoa ăn nói, Bảo rất có duyên, tôi không thể nào bắt chước nổi. Suốt buổi, nó nói đủ chuyện trên trời dưới đất, chẳng đâu vào đâu, vậy mà Quỳnh cứ ngồi nghe say mê.
Còn tôi thì ngồi im thin thít bên cạnh như một người thừa, thỉnh thoảng bực dọc hừ mũi một cái, vừa như nhắc nhở vừa như ra dấu chấm hết. Nhưng thằng Bảo cứ lờ đi. Tôi giận tím gan nhưng chẳng biết làm sao.
Đến khi Quỳnh về rồi, tôi mới cằn nhằn Bảo:
- Tới đây chơi với tao mà mày cứ ngồi nói chuyện đâu đâu!
Nó cười hì hì:
- Mày thông cảm! Con nhỏ dễ thương quá, tao không làm sao rứt ra được!
Nó càng không rứt ra khỏi Quỳnh được thì tôi lại càng muốn rứt ra khỏi nó. Nói theo ngôn ngữ khí tượng thì bão ngoài khơi xa đang tiến về phía đất liền, gió cấp mười, cấp mười hai, nguy cấp lắm rồi! Nếu không kịp thời ngăn chặn, giông tố ập lên đầu đến nơi.
Cái thằng Bảo mắc toi này, phải gọi nó là thằng Bão mới đúng! Tại sao quỷ không tha ma không bắt mày đi, Bảo ơi!

*

Tôi ngăn chặn thằng Bảo bằng cách không rủ nó đến nhà chơi nữa. Nhưng dạo này nó khoái tôi đến mức tôi không rủ nó cũng tự động mò đến nhà. Có tuần nó ghé "thăm tôi" đến ba, bốn ngày liền.
Dù biết tỏng bụng dạ nó nhưng chẳng lẽ nó đến chơi, tôi lại đuổi nó về.
Cuối cùng tôi đành mặc xác nó, bụng bảo dạ: nếu Quỳnh thật sự yêu tôi thì dù Bảo có khua môi múa mép đến mấy cũng đừng hòng lay chuyển được tình cảm của Quỳnh. Còn nếu Quỳnh là người dễ dàng thay đổi thì rõ ràng cô bé không xứng đáng với tình yêu của tôi. Mà đã không xứng đáng, có gì phải tiếc, phải buồn!
Tôi tự trấn an mình như thế nhưng trong bụng vẫn cứ lo ngay ngáy. Lo nhất là thằng Bảo ngày càng tỏ ra táo tợn. Những ngày gần đây, dù biết tôi không có nhà, nó vẫn hiên ngang ghé thăm. Rồi vin vào cớ không gặp tôi, nó tót qua nhà Quỳnh, ngồi chơi cả buổi. Nó chỉ thiếu cái khoản xuống chợ ngồi bán hột vịt với Quỳnh nữa thôi.
Còn Quỳnh, chẳng hiểu cô bé tiếp Bảo là vì nó hay vì... tôi. Tôi luôn tự động viên: vì coi Bảo là bạn thân của tôi nên Quỳnh đối xử với nó niềm nở như thế, chứ nếu Bảo không phải là bạn tôi thì đừng hòng!
Nhưng vì ai thì vì, tôi vẫn cảm thấy nhói tim mỗi khi Quỳnh khen Bảo trước mặt tôi:
- Anh Bảo vui tính ghê! Nói chuyện với ảnh tức cười muốn chết!
Tôi bình phẩm đầy ác ý:
- Thằng đó ba hoa nổi tiếng trong lớp!
Quỳnh cự nự:
- Bạn anh mà anh gọi là thằng đó!
Tôi ấp úng:
- Anh lỡ lời...
Miệng nói mà trong bụng tôi tức thằng Bảo anh ách. Chẳng biết nó giở những phù phép gì mà bây giờ Quỳnh lại bênh nó ra mặt. Tôi mới nói động đến nó một chút, Quỳnh đã bắt bẻ rồi.
Lan Anh năm nay mười bốn tuổi, học lớp tám, biết chuyện đời chút chút. Nó cảnh giác tôi:
- Em thấy anh Bảo qua chơi với chị Quỳnh hoài!
- Kệ ảnh!
Tôi làm bộ thản nhiên nhưng trong bụng lo sốt vó.
Trâm không nói bóng gió như Lan Anh. Mỗi lần gặp tôi, nó đều báo động trực tiếp:
- Anh coi chừng ông bạn của anh đó!
Tôi nghĩ tới nghĩ lui nát óc vẫn không biết làm sao "coi chừng" thằng Bảo. Dạo này nó đến gặp Quỳnh đâu có thèm thông qua tôi. Khổ một nỗi, ngay từ đâù tôi dại dột giấu Bảo chuyện tôi yêu Quỳnh, bây giờ nó đang "triển khai" tình cảm, lẽ nào tôi lại thô bạo phá ngang. Tôi chỉ có cách ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nói chung, ý đồ của Bảo ai cũng biết. Chẳng hiểu Quỳnh có biết không mà cô bé vẫn tỉnh bơ giao thiệp với nó.
Tôi rất muốn biết Bảo đã nói nhừng gì với Quỳnh nhưng tôi không tài nào mở miệng hỏi Quỳnh được, dù là hỏi khéo léo đến mấy.
Còn thằng Bảo thì dù tôi không thèm hỏi, nó cứ bô bô. Mỗi ngày nó lại thông baóo một tin mới:
- Hôm nay Quỳnh cười bằng mắt với tao sáu lần!
- Tao vừa đá chân Quỳnh một cái dưới gầm bàn!
- Quỳnh hứa sẽ đi xi-nê với tao!
Chẳng hiểu những điều nó nói có thật hay không, chỉ nghe cái giọng khoe khoang trắng trợn của nó, tôi cứ muốn đấm cho nó một cú.
Mặc dù tôi vẫn tin những lời khoác lác của Bảo là bịa đặt, lòng tôi không khỏi buồn rầu. Buồn nhất là tôi không biết làm sao để kiểm tra những điều nó nói. Chẳng lẽ mỗi lần nó tới gặp Quỳnh, tôi len lén chui xuống nấp dưới gầm bàn để xem nó có đá chân Quỳnh thật không?
Một hôm, tôi vừa ló mặt vô lớp, Bảo chạy lại vỗ vai tôi:
- Tin`h hình càng ngày càng sáng sủa! Hôm qua tao mới tặng Quỳnh một bài thơ. Con nhỏ thích lắm!
- Xạo đi mày!
Tôi cố không tin nhưng Bảo chứng minh liền. Nó lật tập lấy bài thơ đưa tôi:
- Bản nháp đây nè! Mày đọc đi!
Dù ghét cay ghét đắng bài thơ của nó, tôi cũng tò mò đọc thử.
Nó nịnh nọt Quỳnh một cách lộ liễu:
- Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh, chỉ mỗi tên Quỳnh đã xinh!
Nó nhại ca dao để lấy lòng Quỳnh. Riêng chuyện đó đã thấy gian lận. Có ngon thì tự mình sáng tác, làm gì phải bắt chước thiên hạ.
Ở dưới, nó con` giở giọng tình tứ, đọc phát bực:
- Ai làm ai nhớ đến ai
Bài thơ ai nói với ai những lời
Thương ai tóc biếc môi cười
Tương tư ai ánh mắt ngời long lanh.
Ai, ai, ai! Có ngon thì xưng tên họ đàng hoàng, làm gì phải lấp ló như ăn trộm! Lại còn "thương", là còn "tương tư" lăng nhăng lít nhít. Đọc mấy câu thơ lẳng lơ của nó, tôi dằn lòng lắm mới không xé toạc tờ giấy.
Bảo chẳng nghi ngờ gi,` thấy tôi đọc xong, nó hỏi:
- Hay không mày?
Tôi bịt mũi:
- Thối hoắc!
Nó giật bài thơ trên tay tôi:
- Mày cóc có tâm hồn thi ca gì ráo! Không bao giờ tao đưa thơ cho mày đọc nữa!
Nói xong, nó hầm hầm bỏ đi.
Còn tôi thì hầm hầm ngồi lại.
Hừ, - tôi nhủ bụng - người ta làm thơ là để nói về những cái cao siêu, rộng lơ"n chứ ai đời lại làm thơ để tán gái như nó. Mà lại là những câu thơ dở ẹc. Đọc thơ nó, chắc Quỳnh sẽ ôm bụng cười bò. Ý nghĩ đó an ủi tôi rất nhiều trong buổi sáng u ám đó.
Buổi trưa tôi qua nhà Quỳnh chơi, Quỳnh đem bài thơ của Bảo ra khoe tôi:
- Anh Bảo làm tặng em bài thơ nè!
Tôi bụng bảo dạ: thơ tình của Bảo mà Quỳnh lại đưa tôi xem, chắc cô bé định bình phẩm, chê bai nó. Tôi khoái chí, giở giọng móc ngoéo:
- Hay lắm phải không?
Không ngờ Quỳnh gật đầu:
- Ừ, hay ghê!
Tôi đứng sững như trời trồng. Phải một lát sau tôi mới định thần lại được. Hóa ra Quỳnh đem bài thơ khoe với tôi là để khen thằng Bảo.
Tôi hỏi, giọng giận dỗi:
- Vậy chắc em thích lắm?
Tôi chưa thấy ai vô tư một cách đáng ghét như Quỳnh. Cô bé nói tỉnh khô:
- Thích chứ!
Tôi không nói thêm nửa câu, lầm lũi bỏ về.
Chiều đó, tôi ngồi lì trên gác, loay hoay tập làm... thơ. Tôi không thể để thằng Bảo độc quyền sử dụng "vũ khí" lợi hại này được.
Tôi học hành không đến nỗi tồi, kỳ thi cuối lớp năm ngoái, tôi xếp trên thằng Bảo cả mười bậc nhưng tôi lại không có khiếu làm thơ. Tôi từng chê bài thơ của thằng Bảo thậm tệ nhưng bây giờ, sau một hồi loay hoay vất vả, tôi rất muốn làm được những câu thơ "dở ẹc" như nó.
Gạch gạch xóa xóa một lúc, tôi cũng "sáng tác" được hai câu:
- Gởi tặng em, cô gái láng giềng
Nụ cười em có rất nhiều duyên.
Thoạt đầu, bắt chước trò nịnh nọt của thằng Bảo, tôi định viết "nụ cười em rất có duyên". Nhưng rồi thấy nó thiếu mất một chữ, tôi đành phải sửa lại là "nụ cười em có rất nhiều duyên".
Có rất nhiều duyên mà ngâm nga một hồi, tôi thấy câu thơ vô duyên dễ sợ.
Trong khi tôi đang nhẩm tới nhẩm lui trong miệng tính "sáng tác" một câu khác để thay vào thì Quỳnh đột ngột xuất hiện.
Cô bé thò đầu lên khỏi gác, cười hỏi:
- Anh đang làm gì vậy?
Tôi vội vàng nhét "bản thảo" vào giữa cuốn tập:
- Anh đang học bài.
Nhưng tôi không đánh lừa được Quỳnh. Cô bé chỉ cuốn tập:
- Anh giấu tờ giấy gì trong đó vậy?
Tôi nhăn nhó:
- Có gì đâu!
Quỳnh càng nghi ngờ:
- Không có gì sao anh lại giấu? Thư ai gởi cho anh phải không?
Tôi giật thót, vội chìa tờ giấy ra.
Đọc xong, Quỳnh hỏi:
- Thơ của anh hả?
Tôi gật đầu.
Quỳnh lại hỏi:
- Anh làm tặng Quỳnh phải không?
Tôi lại gật đầu.
Tưởng Quỳnh khen tôi như khen thằng Bảo, ai dè Quỳnh nói:
- Anh đừng làm thơ nữa! Thơ anh buồn cười quá!
Mặc dù tôi biết thơ mình chẳng ra gì nhưng nghe chính miệng Quỳnh nói ra điều đó, tôi chết lặng người.
Thấy tôi rầu rĩ, Quỳnh rủ:
- Tối nay, anh đi coi hát với em không?
Tôi mừng rơn, quên béng mất nỗi buồn sáng tác:
- Đi.
Rồi sực nhớ tới thằng Bảo, tôi buột miệng hỏi:
- Hôm trước, anh Bảo dẫn em đi coi phim gì vậy?
Quỳnh trố mắt:
- Em đi coi hát với anh bảo hồi nào? Ai bảo anh vậy?
Như vậy là thằng Bảo nói xạo. Chẳng thèm đánh kẻ ngã ngựa, tôi trả lời lấp lửng:
-Anh tưởng vậy thôi!
Quỳnh nhăn mặt, trách:
- Tưởng gì kỳ vậy?
Rồi tự nhiên Quỳnh nói thêm:
- Ngoài anh ra, từ trước đến nay em chưa đi coi hát với bạn trai bao giờ!
Nói xong, không hiểu sao Quỳnh đỏ bừng mặt và chạy vụt về nhà. Còn tôi, ngồi trên gác mà tôi cứ tưởng như đang ngồi trên mây. Người tôi cứ lơ lơ lửng lửng như vậy suốt cả tuần lễ.
Kể từ bữa đó, tôi không thèm "coi chừng" thằng Bảo nữa. Tôi mặc kệ nó muốn làm gì thì làm.
Đúng như tôi nghĩ, sau một thời gian tấn công quyết liệt thấy không ăn thua, nó tự động rút lui có trật tự. Nó than với tôi:
- Con nhỏ bề ngoài trông dễ ăn quá nhưng trái tim nó bằng sắt, mày ạ!
Tôi chọc:
- Chứ mấy bài thơ tác chiến của mày đâu rồi?
Bảo thở dài:
- Nó khoái thơ tao nhưng lại không khoái tao, thế mới khổ!
Nghe nó nói, tôi cười hì hì. Nó trách:
- Tao đau khổ mà mày lại cười!
Tôi vờ vịt:
- Tại bộ tịch mày ngó tức cười quá!
Bảo chẳng nghi ngờ gì tôi, nó triết lý thêm mấy câu rồi tặc lưỡi bỏ đi. Cho đến lúc này, Bảo vẫn không hề biết tôi yêu Quỳnh. Nó cứ tưởng tôi "kết" Kim Dung. Mãi đến khi tôi làm mất chiếc xe đạp thì nó mới biết chuyện.

*

Tôi mất xe trong một tình huống rất đáng... mất.
Đi học về, chạy ngang qua một hiệu sách, tôi ghé vào. Định bụng vào xem lướt một cái rồi ra liền nên tôi không khóa xe. Nhưng cũng còn sót một tí cẩn thận trong người, tôi dựng xe ngay trước cửa, chính giữa thềm, để tiện "trông nom".
Tôi bước vào hiệu sách, cứ ba bước tôi ngoái đầu lại một lần. Khi lấy cuốn sách trên giá xuống cũng vậy, cứ đọc hai, ba dòng tôi lại quay đầu ra cửa dòm chừng chiếc xe. Tôi dòm chừng đến lần thứ mười thì chiếc xe biến mất.
Trưa đó, tôi đi xe lam về nhà.
Thấy tôi thả bộ từ ngoài đầu hẻm vô, Lan Anh hỏi:
- Xe anh đâu rồi?
Tôi cười:
- Mất rồi!
Nó tròn mắt:
- Giỡn hoài! Mất xe mà cười!
Tôi khịt mũi:
- Không cười thì biết làm gì bây giờ!
Kể từ hôm đó, tôi đi học bằng... chân.
Từ nhà tôi đến trường không xa lắm, đi bộ cũng chẳng mệt mỏi gì. Thả bộ tà tà ngoài phố, tôi lại được thưởng thức thú vui dạo mát, nhất là khi đi trên con đường đầy bóng mát chạy ngang trước cổng trường.
Nhưng khổ một nỗi, tôi đến lớp ngày nào cũng trễ.
Tới ngày thứ ba, Kim Dung hỏi:
- Lam` gì đi trễ hoài vậy?
Tôi cười:
- Tại tôi đi bộ.
Kim Dung ngạc nhiên:
- Xe ông đâu?
Tôi thở ra:
- Mất rồi!
- Làm sao mất?
Tôi kể lại đầu đuôi sự việc.
Nghe xong, Kim Dung gật gù:
- Mất là đáng!
Tưởng nghe tôi mất xe, nó sẽ an ủi tôi, ai dè nó phán một câu khiến tôi chưng hửng.
Ngồi học một lát, Kim Dung day sang tôi:
- Lát nữa, tôi cho ông quá giang về nhà.
Tôi gật đầu.
Kể từ hôm đó, ngày nào Kim Dung cũng ghé đón tôi đi học. Có bữa nó nổi hứng nghỉ học bất tử, không tới đón, tôi cũng đâm lười ở nhà luôn.
Hôm sau, tôi trách nó:
- Nghỉ học mà không báo trước, làm tôi bỏ mất một buổi!
Nó nhe răng cười:
- Vậy là ông tiến bộ được chút chút!
Tôi nổi sùng:
- Tiến bộ cái con khỉ!
Nó lại vỗ tay:
- Lần đầu tiên tôi thấy ông văng "con khỉ". Vậy là ông tiến bộ được hai chút!
Nghe nó khen, tôi giật mình ngậm miệng lại. Mở miệng, lỡ tức mình văng bậy, nó lại khen tôi "tiến bộ được ba chút" thì nguy to.
Nhưng từ hôm đó trở đi, Kim Dung không nghỉ học thêm một ngày nào nữa. Nó đón tôi đều đặn.
Mọi chuyện tưởng là êm đẹp. Không dè một hôm Trâm trách khéo tôi:
- Bộ anh muốn con Quỳnh bệnh nữa hả?
Nghe thoáng qua, tôi biết Trâm muốn nhắc đến chuyện Kim Dung đón tôi đi học, tôi chép miệng:
- Có gì đâu!
Trâm có vẻ giận:
- Có gì hay không có gì, ai mà biết được!
Nói xong, nó bỏ đi mất, không cho tôi kịp giải thích lấy một câu.
Tôi đứng ngơ ngơ ngác ngác một hồi rồi quyết định chạy sang gặp Quỳnh.
Đang ngồi học bài trên bàn, thấy tôi qua, Quỳnh liền quay mặt đi chỗ khác. Tôi nhẹ ngàng ngồi xuống bên cạnh và kêu khẽ:
- Quỳnh!
Quỳnh không quay mặt lại.
Tôi lại hỏi:
- Em giận anh hả?
Cô bé vần ngồi im.
Thấy tình hình có vẻ gay go, tôi ngồi đực mặt ra, nghĩ kế. Nghĩ tới nghĩ lui nát óc chẳng được kế gì, tôi đành bấm bụng hỏi thẳng:
- Bộ em không thích chị Kim Dung đón anh đi học hả?
Quỳnh gật đầu. Nhưng cô bé vẫn không ngoảnh mặt lại.
Tôi nhăn nhó:
- Chuyện đó có gì đâu! Anh đã nói với em rồi...
- Anh nói sao?
- Anh chỉ thân với chị Kim Dung theo... kiểu bạn bè!
Quỳnh vùng vằng:
- Bạn bè gì mà ngày nào cũng chở đi học!
Tôi chống chế:
- Thì tại anh mất xe!
- Anh mất xe sao anh Bảo không chở anh đi? - Quỳnh bắt bẻ - Anh Bảo cũng bạn anh vậy!
- Anh Bảo nhà xa, không tiện đường. Với lại, ảnh đi xe đạp!
Quỳnh quay lại:
- Chứ còn em đi xe đạp thì sao?
Tôi ngơ ngác:
- Sao là sao?
Quỳnh lườm tôi:
- Em kêu anh đi chung với em, anh có đi không?
Tôi như không tin vào tai mình. Có lý nào Quỳnh lại đưa ra một đề nghị ác liệt như vậy, mà lại nói với một giọng tỉnh khô!
- Em nói thật hay nói chơi đó? - Tôi hỏi lại.
Quỳnh cười, mắt nheo nheo:
- Nói thật!
- Thật thì đi! - Tôi sốt sắng.
Quỳnh nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Vậy là anh không đi với chị Kim Dung nữa hén?
Tôi gật đầu:
- Ừ, không đi nữa!
Tối đó, một lần nữa tôi có cảm giác mình đang ngủ trên mây, lơ lơ lửng lửng. Nhưng lần này, dù đang đắm chìm trong nỗi hân hoan choáng ngợp, tôi vẫn giật mình khi nhận ra Quỳnh chẳng hồn nhiên như tôi tưởng.

*

Không thể vừa đi học với Kim Dung lại vừa đi học với Quỳnh. Giữa hai trường hợp, tôi chọn trường hợp sau. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì tôi yêu Quỳnh. Còn với Kim Dung, chúng tôi chỉ là bạn. Ở cạnh Kim Dung, tôi cảm thấy niềm vuị Nhưng ở bên cạnh Quỳnh, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Niềm vui và hạnh phúc giống như hai bờ của một dòng sông, lẽ ra tôi có thể ung dung bơi thuyền ở giữa. Nhưng đằng này, Quỳnh bắt tôi phải cập một bờ, cập về phía Quỳnh.
Khi nỗi sung sướng trong lòng lắng xuống, tôi bỗng cảm thấy áy náy về quyết định của mình. Tôi có cảm giác đang phản bội lại Kim Dung, phản bội lại tình cảm chân thành của nó. Làm thế nào để giải thích với Kim Dung về mọi chuyện? Tôi loay hoay với ý nghĩ đó suốt đêm và chỉ chợp mắt khi trời gần sáng.
Hôm sau, Kim Dung vẫn đến đón tôi như thường lệ. Lòng đầy xáo trộn, dọc đường đến trường tôi không nói một câu.
Kim Dung tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Bữa nay ông làm sao mà á khẩu vậy?
Tôi thở dài:
- Ngày mai trở đi, Kim Dung đừng đón tôi nữa!
Nó bĩu môi:
- Có vậy mà cũng làm mặt nghiêm! Ông mua xe mới rồi chứ gì?
Tôi lắc đầu.
Kim Dung nhướng mắt:
- Chứ tại sao?
Sau một thoáng do dự, tôi cắn môi:
- Ngày mai tôi đi với Quỳnh!
- Quỳnh nào?
Tôi đáp một cách khó khăn:
- Cô bé ở cạnh nhà.
Kim Dung bắt đầu hiểu ra:
- Người yêu ông, phải không?
Tôi gật đầu và thấy mặt Kim Dung tái hẳn đi. Trong một thoáng, tôi cảm thấy một cái gì đó đang tan vỡ trong tôi.
Nhưng Kim Dung quả là một cô gái biết tự chủ. Sau một chớp mắt sững sờ, nó bình tĩnh lại ngay. Nó gật gù:
- Vậy cũng được! Cái đó là quyền của ông!
Tôi nói với giọng của một người phạm tội:
- Kim Dung có giận tôi không?
Nó nhún vai, đáp gọn lỏn:
- Giận!
Từ lúc đó, Kim Dung không quay sang trò chuyện với tôi nữa. Còn tôi thì không đủ can đảm để gợi chuyện.
Tới giờ ra chơi, Kim Dung bỏ về, nghỉ luôn hai tiết sau.
Trưa đó, tôi đi bộ về nhà, ngực nặng như đeo đá.
Kim Dung nghỉ học suốt một tuần. Trong thời gian đó, tôi học không vô lấy một chữ, trong lòng luôn day dứt không hiểu hành động của mình liệu có đúng không.
Đến khi tôi đinh ninh Kim Dung bỏ học luôn, đang định ghé nhà nó thì nó lò dò tới lớp.
Thấy Kim Dung xuất hiện, tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Một niềm vui kỳ lạ tràn ngập khắp người tôi. Tôi nhìn nó như nhìn một người thân đi xa về, lúng túng không biết nói gì.
Ấp úng một hồi, tôi hỏi một câu cực kỳ vô duyên:
- Kim Dung khỏe chứ?
Nó liếc tôi:
- Làm gì mà không khỏe? Bộ ông tưởng tôi sắp chết đến nơi hả?
Tôi đỏ mặt:
- Đâu có!
- Không có sao ông định chiều nay ghé nhà tôi?
Tôi ngẩn người ra:
- Sao Kim Dung biết?
Nó cười:
- Sao lại không biết! Tính ông tôi còn lạ gì!
Tôi phục lăn:
- Kim Dung tài thật!
Nó tặc lưỡi:
- Chưa tài lắm đâu! Nếu tài, tôi đã biết ông có người yêu rồi!
Nghe Kim Dung nhắc chuyện đó, tôi chép miệng ngó lơ chỗ khác. Thấy vậy, nó hỏi lảng:
- Mấy bữa nay ông có chép bài đầy đủ không?
- Kim Dung mượn tập hả?
- Ừ.
- Lát nữa lấy.
Lúc ra về, Kim Dung rủ tôi đi uống cà phê. Hai đứa ghé vào quán nước quen thuộc trước cổng trường.
Thấy tôi đi bộ, Kim Dung hỏi:
- Lát nữa cô Quỳnh ghé đón ông hả?
- Không?
- Sao vậy?
Tôi ấp úng:
- Mấy bữa nay tôi đi học một mình.
- Sao lại đi một mình? - Kim Dung lại hỏi.
Tôi ngồi im, không trả lời.
Kim Dung nheo mắt ngó tôi:
- Tôi nghỉ học làm ông áy náy nên ông chưa đi chung với Quỳnh chứ gì?
Nó nói trúng phóc, tôi đành gật đầu:
- Ừ.
Kim Dung chạm khẽ vào vai tôi:
- Nếu vậy, ngày mai ông có thể đi chung với cô ta được rồi. Tôi không nghỉ học nữa đâu!
Giọng nó bỗng nhiên dịu dàng kỳ lạ, khác hẳn thường ngày. Tôi lặng lẽ nhìn ra đường. Buổi trưa, nắng chói chang trên những tàng cây điệp, in xuống mặt đất những bóng đen im sững. Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ lướt qua, mơn man những nhánh cây làm rơi xuống những chiếc lá phản chiếu ánh sáng nom như những giọt nắng vàng lượn lờ trong khoảng không ngái ngủ. Tôi dõi theo những chiếc lá, lòng bồi hồi không biết Kim Dung có còn giận tôi nữa hay không.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Kim Dung bỗng nói:
- Tôi không giận ông nữa đâu! Hành động của ông không có gì sai, chỉ có điều nó hơi đột ngột, ít ra là với tôi.
Rôì Kim Dung nói tiếp - lần đầu tiên tôi nghe nó nói bằng một giọng tâm sự:
- Ông biết không, nhà tôi chỉ có hai chị em gái. Chị tôi đang du học ở Pháp. Từ lâu, tôi thèm có một người anh trai hoặc một người em trai kinh khủng. Tôi muốn được chăm sóc một người đàn ông. Đấy là một tình cảm tự nhiên, ông đừng hiểu lầm! Mà đám bạn trai của tôi toàn những tên láu cá...
Tôi quay lại và bắt gặp ánh mắt của Kim Dung. Tia nhìn củ!!!175_5.htm!!! Đã xem 100386 lần.


Nguồn: Thoiaotrang.com
Được bạn: Thành Viên VNthuquan đưa lên
vào ngày: 27 tháng 12 năm 2003