Nhà lao trung tâm Caen

Vừa đến nơi, chúng tôi đã được đưa vào phòng giấy của ông giám đốc. Ông ta ngồi sau một cái bàn giấy đồ sộ đóng theo kiểu thời Đế chính, đặt trên một cái bệ cao đến một mét.
- Nghiêm! Quan giám đốc sẽ nói chuyện với các người.
- Các phạm nhân! Các người sẽ được tạm giam ở đây trong khi chờ đợi lên đường đến trại khổ sai. Nơi này là một nhà giam tuyệt đối nghiêm ngặt. Bất kỳ giờ nào cũng phải hoàn toàn im lặng; không có thăm viếng; không nhận thư từ. Một là khuất phục, hai là diệt vong. ở đây chỉ có hai cửa ra: một đưa đến nơi khổ sai, nếu hạnh kiểm các người tốt; một đưa ra nghĩa địa. Nếu có trường hợp hạnh kiểm chưa tốt, thì nhẹ nhất sẽ là sáu mươi ngày xà-lim ăn bánh mì không, uống nước lã. Xưa nay chưa ai sống qua hai lần phạt xà-lim như vậy. Hễ lơ mơ thì đừng có trách!
Ông ta quay sang Pierrot le Fou, một tù nhân người Tây-ban-nha đã bị chính phủ nước này trao cho tòa án Pháp.
- Nghề nghiệp của anh ngoài đời là gì?
Thưa ông giám đốc đấu bò.
Nghe câu trả lời, ông giám đốc quát lớn: “Tống khứ tên này đi, theo tác phong quân sự!” Trong nháy mắt, người đấu bò đã bị bốn năm tên cảnh sát dùng dùi cui và quả đấm đánh túi bụi rồi lôi nhanh ra khỏi phòng. Tôi nghe tiếng anh ta gào: “Đồ khốn k.., đã năm thằng đánh một mà còn phải dùng dùi cui, lũ hèn hạ!” Một tiếng “ah!” của loài dã thú bị tử thương, rồi không nghe thấy gì nữa. Sau đó chỉ có tiếng lệt xệt của một vật gì nặng bị kéo lê trên sàn xi-măng.
Sau cảnh này mà còn chưa hiểu thì sẽ không bao giờ hiểu được cái gì hết. Dega đứng cạnh tôi. Bác ta đưa một ngón tay một ngón thôi, chạm vào quần tôi. Tôi hiểu như thế có nghĩa là gì: Dega muốn khuyên tôi cố nhịn nhục để còn sống mà đến nơi tù đày. Mười phút sau, mỗi người trong chúng tôi (trừ Pierrot le Fou đã bị đưa xuống tầng hầm nhốt vào một căn xà-lim nhơ bẩn) đều có vị trí trong một căn xà-lim của khu trừng giới trong nhà lao trung tâm Caen.
Vận may đã làm cho căn xà-lim của Dega đặt ngay cạnh căn của tôi. Trước đó người ta đã giới thiệu với chúng tôi một con quái vật tóc hung cao một mét chín mươi là ít, chột mắt, tay phải cầm một cây roi cặc bò mới toanh. Đó là tên trưởng tù, nghĩa là một tù nhân giữ chức năng trấn áp các tù nhân khác theo lệnh của bọn cai tù. Hắn là nỗi kinh hoàng của các phạm nhân. Nhờ hắn, bọn cai ngục có được cái lợi là có thể đánh đập người ta mà không phải động tay động chân, và mặt khác, nếu có ai chết thì ban quản trị nhà lao không phải chịu trách nhiệm.
Về sau, nhờ mấy hôm ở bệnh xá, tôi đã được biết lý lịch của con thú có hình người này. Ta hãy lấy làm mừng cho ông giám đốc nhà lao trung tâm đã chọn được một đao phủ thủ đắc lực đến như vậy. Tên này trước kia vốn làm nghề đập đá. Một hôm, trong cái thị trấn miền bắc là nơi gia đình hắn sinh sống, hắn quyết định tự sát và đồng thời giết luôn cả vợ hắn. Hắn sử dụng vào mục đích ấy một thỏi mìn dynamit khá to. Hắn nằm xuống bên cạnh người vợ đang ngủ say (căn hộ của hai vợ chồng ở vào tầng thứ ba của một ngôi nhà bảy tầng). Hắn châm một điếu thuốc lá dùng để châm ngòi vào thỏi mìn mà hắn cầm trong tay trái, đặt vào giữa đầu hắn và đầu vợ hắn. Một tiếng nổ kinh hoàng. Kết quả: người ta phải dùng thìa múc từng mảnh vụn của vợ hắn. Tòa nhà sập hắn một bên, ba đứa trẻ bị vôi gạch đè nát, cùng với một bà già bảy mươi tuổi, những người khác ở trong tòa nhà đều bị thương, kẻ nặng người nhẹ.
Riêng hắn, Tribouillard, mất một phần bàn tay trái, chỉ còn ngón tay út và nửa ngón tay cái, ngoài ra mắt trái và tai trái của hắn cũng không còn. Dầu hắn bị một vết thương nặng, bệnh viện đã phải khoan sọ mới cứu được. Từ khi bị xử, hắn được làm trưởng tù ở các xà lim trừng giới ở trung tâm Caen. Thằng người giở điên giở dại này có quyền tự ý xử sự với những con người khốn khổ chẳng may lọt vào địa phận của hắn. Một, hai, ba, bốn, năm, quay đằng sau... một, hai, ba, bốn, năm... cuộc di chuyển vô tận từ tường đến cửa xà lim lại bắt đầu.
Ban ngày tù nhân không được nằm. Đúng năm giờ sáng một tiếng còi lảnh lói đánh thức cả cái đám người tù tội ấy Họ phải vùng dậy, thu dọn chăn đệm, rửa mặt, sau đó, phải đi đi lại lại hoặc ngồi yên trên chiếc ghế đẩu gắn chặt vào góc phòng. Không được nằm trên giường. Điểm tinh vi nhất trong hệ thống trừng giới ở nhà tù là cái giường của tù nhân ban ngày được nâng lên áp vào tường cho đến tối. Như vậy tù nhân không nằm được và người ta có thể giám thị hắn kỹ hơn. Một, hai, ba, bốn, năm... mười bốn giờ đi đi lại lại. Muốn cho cái thao tác liên tục này có được tính chất hoàn toàn tự động hóa, phải tập cách cúi đầu, chắp hai tay sau lưng, đi sao cho vừa phải, đừng nhanh quá mà cũng đừng chậm quá, bước cho đều, bước nào cũng dài bằng nhau, đến cuối phòng thì quay lại một cách máy móc, đến cửa xà-lim thì quay chân trái, đến tường đối diện thì quay chân phải.
Một, hai, ba, bốn, năm... Các xà-lim sáng sủa hơn ở nhà lao Conciergerie, và người ta nghe được những tiếng động ở bên ngoài, như những tiếng động ở khu trừng giới đưa sang, nhưng cũng có cả những tiếng động từ phía đồng ruộng vẳng tới. Ban đêm có thể nghe thấy tiếng huýt sáo hay tiếng hát của những người công nhân nông nghiệp đang trở về nhà sau một ngày lao động, hài lòng vì đã uống được mấy cốc rượu cidre ngon lành.
Tôi cũng đã có được món quà Noel: qua một khe hở giữa những tấm ván bịt cửa sổ, tôi nhìn thấy cánh đồng tuyết phủ trắng xóa và mấy lùm cây đen viền bạc dưới ánh trăng. Trông như một tấm bưu ảnh thuộc các loại điển hình mà người ta vẫn gửi tặng nhau vào dịp Noel. Bị gió lay mạnh, những lùm cây ấy đã trút bỏ tấm áo khoác bằng tuyết, cho nên nhìn thấy rất rõ. Nó làm thành những vệt sẫm lớn nổi bật lên trên nền tuyết trắng. Đây là một lễ Noél cho mọi người, thậm chí cho cả một phần của nhà lao. Đối với các tù nhân khổ sai đang tạm giam ở đây, ban quản trị nhà lao đã có một cố gắng đáng kể: chúng tôi được quyền mua hai thỏi sô-cô-la. Xin nói là hai thỏi chứ không phải là hai tấm đâu nhé. Hai thỏi sô-cô-la Aiguebelle chính là bữa tiệc réveillon của tôi năm 1931.
Một, hai, ba, bốn, năm... sự trấn áp của Công lý đã biến tôi thành một thứ quả lắc đồng hồ, cái thao tác đi đi lại lại trong xà-lim là tất cả vũ trụ của tôi. Điều này đã được tính toán một cách chính xác. Trong phòng giam không được để lại một cái gì, tuyệt đối không có một chút gì để phạm nhân có thể dùng làm cách giải trí. Nếu có ai bắt gặp tôi nhìn qua khe hở trên cửa sổ, chắc chắn tôi sẽ phải chịu một sự trừng phạt nghiêm khắc. Thật ra họ làm như vậy là rất có lý vì đối với họ tôi chỉ là một người đã chết. Tôi có quyền gì mà tự cho phép mình hưởng cái thú được ngắm cảnh thiên nhiên?
Cạnh cửa sổ có một con bướm đang bay lượn, cánh nó màu xanh nhạt, có một đường chỉ đen mảnh, và cách đấy không xa lại có một con ong đang bay vù vù. Hai con vật này đến đây để tìm cái gì vậy? Có thể nghĩ là chứng nó phát điên vì ánh nắng mùa đông này, nếu không phải là chúng nó lạnh quá muốn vào tù cho ấm. Mùa đông mà có bướm nhỉ! làm sao nó lại không chết, cái gì làm cho nó sống lại? Còn con ong kia nữa, tại sao nó rời tố đến chỗ này? Nó không biết rằng đến chỗ tù tội này là một việc liều lĩnh. May mà tên trưởng tù không có cánh, chứ không thì hai con này chằng còn sống được bao lâu.
Cái tên Tribouillard là một kẻ xa-đích° đáng ghê tởm, (°một chứng bệnh tâm thần (Sadisme) trong đó bệnh nhân tìm thấy khoái lạc khi được chứng kiến hay được làm cho kẻ khác đau đớn cùng cực) và tôi có linh cảm là thế nào cũng xảy ra một chuyện gì giữa tôi với hắn. Tiếc thay, tôi đã không nhầm. Hai con vật đáng yêu kia đến thăm tôi bên cửa sổ được một hôm, thì hôm sau tôi báo cáo là bị ốm. Số là tôi không chịu được nữa, tôi ngột ngạt vì cảnh cô đơn, tôi cần được trông thấy một gương mặt, nghe thấy một tiếng nói, dù là một tiếng nói rất khó chịu cũng được, vì đó là vẫn là một tiếng nói, tôi cần nghe bất cứ một âm thanh nào.
Trần truồng trong cái không khí lạnh buốt của hành lang, mặt quay vào tường, mũi chỉ cách tường bốn ngón tay, tôi là người áp chót của một dãy gồm tám tù nhân đang đợi đến lượt khám. Tôi đang muốn trông thấy người: thế thì tôi đã toại nguyện? Tên trưởng tù đã bắt gặp được tôi đang nói thì thầm với Julot, vốn có biệt hiệu là người cầm búa. Phản ứng cửa tên mọi tóc đỏ này thật là khủng khiếp. Hắn giáng một quả đấm thôi sơn từ phía sau đầu tôi, và vì bất ngờ, tôi bị giập mũi vào tường. Máu ộc ra, tôi gục xuống, rồi cố gượng dậy, lắc đầu thật mạnh cho tỉnh và cố định thần để hiểu cho được việc gì vừa mới xảy ra. Tôi phác một cử chỉ phản đối. Con đười ươi ấy chỉ đợi có thể: hắn giơ chân đá vào bụng tôi làm tôi lại ngã lăn ra đất, và dùng roi cặc bò quất túi bị vào người tôi. Julot không chịu nổi cảnh này. Anh ta chồm lên người hắn, một cuộc ẩu đả khủng khiếp nổ ra, và vì Julot ở vào thế yếu cho nên bọn canh tù thản nhiên đứng nhìn. Không ai chú ý đến tôi lúc bấy giờ vừa mới lồm cồm đứng dậy. Tôi nhìn quanh xem có cái gì dùng làm võ khí được không. Bỗng tôi nhìn thấy ông bác sĩ nghiêng người trên ghế bành để từ phòng khám dòm ra hành lang xem việc gì đang xảy ra ở đấy, và đồng thời tôi cũng nhìn thấy một cái vung lớn đậy trên một cái nồi sắt tráng men đầy nước sôi đang bập bồng nâng lên hạ xuống do sức đẩy của hơi nước. Cái nồi lớn này đang sôi sùng sục trên chiếc lò than dùng để sưởi phòng làm việc của bác sĩ.
Tôi phản xạ rất nhanh: nắm lấy hai quai nồi cố chịu bỏng tay, tôi hắt hết chỗ nước sôi vào mặt tên trưởng tù đang mải đối phó với Julot. Từ họng hắn phát ra một tiếng gào khủng khiếp. Hắn đã lãnh đủ. Hắn lăn lộn dưới đất, và vì mình hắn mặc ba chiếc áo len dệt, hắn cởi áo rất khó khăn. Khi hắn cởi đến chiếc thứ ba thì da của hắn cũng ra theo. Cổ áo vốn chật, nên khi hắn cố kéo áo lên thì đa ngực, một phần đa cổ và da mặt dính chặt vào áo dệt kim. Cả con mắt duy nhất còn lại của hắn cũng bị luộc chín: từ nay hắn sẽ mù. Cuối cùng hắn đứng dậy, nhầy nhụa, thịt chín từng mảng, trông thật gớm ghiếc, và Julot thừa cơ đã cho hắn một cú trời giáng vào đúng hạ bộ. Cả cái thân hình hộ pháp của hắn đổ xuống, hắn bắt đầu nôn ọe, rải rớt chảy ròng ròng. Đáng đời cho hắn. Còn chúng tôi thì cứ đợi đấy, chẳng mất gì.
Hai tên giám thị đã chứng kiến cảnh này không đủ can đảm để tấn công chúng tôi. Chúng bấm còi báo động để xin viện trợ. Viện binh của chúng từ khắp nơi ùa tới, và những phát dùi cui giáng tới tấp lên chúng tôi như một trận mưa đá. Tôi được cái may mắn là ngất đi rất nhanh cho nên cũng đỡ đau.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã được đưa xuống tầng dưới, mình trần như nhộng, nằm trong một căn xà-lim ngập nước. Các giác quan của tôi từ từ hoạt động trở lại. Tôi đưa tay sờ khắp cái thân hình đau đớn của tôi. Trên đầu tôi có ít nhất mười hai đến mười lăm chỗ sưng vù. Bây giờ là mấy giờ? Tôi không biết. ở đây không có đêm mà cũng không có ngày. Không hề có ánh sáng. Tôi nghe có tiếng ai gõ gõ vào tường, những tiếng gõ hình như từ xa lắm.
Cộc, cộc cộc cộc, cộc, cộc Những tiếng gõ này là những tiếng gọi “điện thoại”. Nếu tôi muốn nhận thông điệp thì bản thân tôi phải gõ vào tường hai tiếng để trả lời ừ thì gõ, nhưng gõ bằng cái gì? Trong bóng tối tôi không trông thấy một vật gì có thể dùng để gõ cả. Gõ bằng tay thì không được, vì tiếng không truyền đi xa. Tôi lần về phía mà tôi đoán là phía cửa, vì ở đấy đỡ tối hơn một chút. Tôi vấp phải hàng chấn song mà tôi không hề trông thấy. Sờ soạng một lúc, tôi nhận thấy rằng trong phòng giam có một cánh cửa cách tôi hơn một mét. Tôi không thể động đến cánh cửa này vì đã có hàng chấn song chặn tôi lại. Như vậy khi có ai vào căn xà-lim giam loại tù nguy hiểm, tù nhân không thể với tới người đó được vì hắn bị nhốt trong một cái chuồng. Người ta có thể nói với hắn, đổ nước vào hắn, ném thức ăn cho hắn và lăng mạ hắn một cách an toàn tuyệt đối. Nhưng cũng được một cái là người ta không thể đánh đập tù nhân một cách không có gì nguy hiểm cho bản thân, vì muốn đánh hắn thì phải mở chuồng ra.
Những tiếng gõ chốc chốc lại được nhắc lại. Ai gọi tôi thế nhỉ? Dù là ai thì hắn cũng xứng đáng được tôi trả lời, vì nếu hắn bị bắt gặp thì khốn to cho hắn. Trong khi mò mẫm đi trong bóng tối, tôi suýt ngã vỡ mặt. Chân tôi vừa giẫm phải một vật gì cứng và tròn. Tôi sờ thì thấy đó là một cái muôi bằng gỗ. Tôi lập tức cầm nó lên và chuẩn bị trả lời “điện thoại”. Tai áp vào tường, tôi chờ đợi. Cộc, cộc, cộc, cộc, cộc - stop, cộc cộc - Tôi trả lời: cạch, cạch. Hai tiếng này báo cho người gọi điện biết là bên kia sẵn sàng nhận điện, cứ đánh đi. Những tiếng gõ của người kia bắt đầu: Cộc, cộc cộc những chữ cái lần lượt diễu qua rất nhanh... a, b, c, d, e, f, g, li, i, j, k, l, m, n, o, p, stop. Người kia dừng lại ở chữ p. Tôi gõ một tiếng lớn: “cạch”, như thế là người kia biết rằng tôi đã ghi nhận chữ p: Sau đó là một chữ a, một chữ p, một chữ i, và cứ thế. Người kia nói với tôi: “Papi thế nào rồi? Cậu bị khá nặng còn tớ gãy một tay”: Đó là Julot. Chúng tôi “gọi điện thoại” cho nhau như thế trong hơn hai tiếng đồng hồ mà không hề bận tâm lo bị bắt gặp: Chúng tôi say sưa trao đổi những từ ngữ, những câu cú đến mức như đã hóa dại.
Tôi nói cho Julot biết rằng tôi không có chỗ nào bị gãy, không có vết thương, tuy đầu tôi đầy u.
Julot đã trông thấy người ta cầm chân tôi kéo xuống thang gác, anh ta nói rằng cứ mỗi lần bậc thang thì đầu tôi lại nện xuống đánh cộc một cái. Còn anh ta thì không lúc nào bị ngất cả. Anh ta cho rằng tên Tribouillard bị bỏng rất nặng, và do mấy chiếc áo len, những vết thương của hắn rất sâu hắn đã lãnh dủ chỉ vì một lúc ra oai.
Ba tiếng gõ rất nhanh, và được lặp lại mấy lần, cho tôi biết rằng có động. Tôi ngừng gõ. Quả nhiên, một lát sau cánh cửa xà-lim mở ra. Có tiếng quát:
- Lùi vào, thằng khốn kiếp! Lùi vào sát trong kia và đứng nghiêm! - Đây là tên trưởng tù mới. - Tao tên là Batton, tên thật của tao đấy. Một cái tên rất hợp với chức vụ của tao° (°Batton gần đồng âm với báton, có nghĩa là “cái gậy”).
Hắn cầm một cái đèn lồng lớn của hải quân soi căn phòng giam, chiếu vào cái thân thể trần truồng của tôi.
- Đây cầm lấy mà mặc. Đứng yên đấy. Đây là nước và bánh mì. Chớ ăn hết ngay một lúc, vì hai mươi bốn tiếng nữa mới lại phát thức ăn° (°Bốn trăm năm mươi gam bánh mì và nửa lít nước -chú thích của tác giả).
Hắn quát tháo một cách man rợ, rồi đưa cái đèn lên ngang mặt. Tôi thấy rõ hắn đang cười, một nụ cười không có gì ác độc. Hắn đặt một ngón tay lên môi rồi chỉ cho thấy những thứ hắn mang đến. Chắc hẳn ngoài hành lang có một tên cảnh sát, và hắn muốn làm cho tôi hiểu rằng hắn không phải là một kẻ thù.
Quả nhiên trong ổ bánh mì tôi thấy có một miếng thịt luộc rất to, và trong túi quần, quý hóa thay, một bao thuốc lá và một cái bật lửa kèm thêm một dúm bùi nhùi. ở đây, những món quà này quý như cả triệu bạc. Hai chiếc áo sơ-mi chứ không phải một, và một ái quần len, gọi là quần đùi nhưng dài đến mắt cá. Tôi sẽ nhớ hắn mãi, cái thằng Batton. Tất cả những thứ đó có nghĩa là hắn đã thưởng tôi vì đã diệt trừ được thằng Tribouillard. Trước khi xảy ra vụ này, Batton chỉ là phó trưởng tù, bây giờ nhờ tôi hắn đã chính thức lên chức trưởng. Nói chung, tôi đã làm cho hắn được thăng chức, và hắn đã tỏ lòng biết ơn tôi bằng những món quà ấy.
Vì phải có được tính kiên nhẫn của người Sioux° (°Tên một bộ tộc thổ dân Anh-điêng (“Da đỏ”) ở Bắc và Trung Mỹ, nổi tiếng là mưu trí) mới xác định được những tiếng gõ “điện thoại” từ đâu đến và chỉ có người trưởng tù có thể làm được việc đó (bọn gác vốn lười, không đứa nào buồn bỏ công theo dõi) tôi và Julot cứ tha hồi nói chuyện với nhau, hoàn toàn yên tâm về phía Batton. Chúng tôi đánh điện cho nhau suốt ngày. Nhờ Julot, tôi được biết rằng ngày xuất phát không còn lâu nữa: chỉ ba bốn tháng là lên đường. Hai ngày sau người ta đưa chúng tôi ra khỏi xà-lim, và chúng tôi được dẫn đến phòng giấy của ông giám đốc, mỗi người có hai tên cảnh sát kèm hai bên. Đối diện với cửa vào có ba người ngồi sau một cái bàn lớn. Dó là một thứ tòa án. Ông giám đốc làm chánh án, ông phó giám đốc và ông tổng giám thị làm quan tòa.
- à, à? Hai anh bạn trẻ, đã đến đấy à? Hai anh có thể nói gì đây?
Julot mặt tái nhợt, hai mắt sưng húp: chắc chắn là anh ta đang sốt. Với cánh tay bị gãy từ ba hôm nay, chắc anh ta phải đau khủng khiếp.
Julot trả lời khe khẽ: “tôi bị gẫy tay”.
- Thì chính vì anh muốn người ta làm gãy tay anh chứ còn ai. Có thế anh mới chừa cái thói xông vào đánh người ta. Bao giờ bác sĩ đến đây, anh sẽ được khám. Tôi hy vọng rằng chỉ một tuần nữa thôi bác sĩ sẽ đến. Thời gian chờ đợi này sẽ có tác dụng tốt đối với anh vì có lẽ cái đau sẽ dạy khôn cho anh. Tôi thiết tưởng anh cũng chẳng hy vọng rằng tôi gọi bác sĩ đến đây để chữa riêng cho một thứ người như anh? Vậy anh hãy đợi bác sĩ ở nhà lao trung tâm có đủ thì giờ đến chữa cho anh. Tuy vậy tôi vẫn xử hai anh phải ở lại xà-lim cho đến khi có lệnh mới.
Julot nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn nói: “Cái ông lớn ăn mặc chỉnh tề kia có một thái độ thật là dễ dãi đối với sinh mạng của một con người”. Tôi lại quay đầu về phía ông giám đốc và nhìn vào mặt ông. Ông ta tưởng tôi muốn nói gì. Ông nói: “Còn anh, quyết định này không làm cho anh hài lòng ư? Anh có ý kiến gì?”
Tôi đáp: “Tuyệt nhiên không có ý kiến gì, thưa ông giám đốc. Tôi chỉ cảm thấy có nhu cầu nhổ vào mặt ông, nhưng tôi không nhổ vì sợ bẩn mất nước miếng của tôi”.
Ông ta kinh ngạc đến nỗi đỏ bừng cả mặt và thoạt tiên hình như không hiểu. Nhưng ông tổng giám thị thì lại hiểu ngay. Ông ta quát bảo bọn giám thị:
- Lôi nó ra ngay và chăm sóc nó cho kỹ! Phải làm sao một tiếng nữa hắn phải bò lê bò càng đến xin lỗi.
Sẽ có cách làm cho nó biết tay! Ta sẽ bắt nó liếm giày của ta cho sạch, hết liếm trên lại liếm dưới. Các anh không được ghê tay, tôi giao nó cho các anh đấy.
Hai tên gác vặn trẹo tay phải tôi, hai tên khác vặn cánh tay trái. Tôi bị dí sấp xuống đất, hai bàn tay kéo giật lên ngang xương bả vai. Họ còng tay tôi lại bằng một bộ khóa có kìm gắn chặt ngón tay trỏ bên trái với ngón tay cái bên phải, và viên tổng giám thị túm tóc tôi nhấc bổng lên như người ta nhấc một con vật.
Không cần phải kể lại cho các bạn nghe tất cả những gì họ đã làm để hành hạ tôi. Chỉ cần biết rằng tôi bị khóa tay sau lưng suốt mười một ngày. Tôi còn sống được là nhờ Batton. Cứ mỗi ngày hắn lại ném vào buồng giam của tôi ổ bánh mì thường lệ, nhưng vì không sử dụng được đôi tay, tôi không ăn được ổn bánh mì đó Tôi thử dùng đầu ép ổ bánh mì vào chấn song sắt để ngoạm, nhưng không được. Thấy vậy, Batton ném thêm cho tôi những mẩu bánh mì nhỏ vừa bỏ vào miệng, đủ để cho tôi khỏi chết đói. Tôi dùng chân gom những mẩu bánh mì ấy lại thành từng mớ nhỏ, rồi nằm sấp xuống ăn như con chó. Mỗi miếng bánh mì tôi đều nhai thật kỹ, để đừng bỏ phí mất chút nào.
Đến ngày thứ mười hai, khi họ mở khóa cho tôi, chất thép đã ăn sâu vào thịt tôi, và cái khóa số tám có nhiều chỗ dính đầy thịt thối. Viên cai ngục phát hoảng khi thấy tôi ngất đi vì quá đau. Sau khi đổ nước cho tôi tỉnh lại, người ta dẫn tôi đến bệnh xá. Mấy người y tá dùng nước ô-xy rửa chỗ thối cho tôi. Một người y tá nhất định đòi tiêm cho tôi một liều huyết thanh chống uốn ván. Hai cánh tay tôi bị tê dại không sao trở lại được tư thế bình thường. Họ phải dùng dầu long não xoa bóp hơn nửa tiếng đồng hồ tôi mới hạ được hai cánh tay xuống song song với nhân hình.
Tôi lại trở về xà-lim, và viên tổng giám thị khi thấy mười một ổ bánh mì còn nguyên liền nói với tôi:
“Thế là mày có được một bữa tiệc ra trò? Kể cũng lạ, mày nhịn đói mười một ngày mà trông cũng không đến nỗi gầy lắm...”
- Thưa sếp tôi uống nhiều nước lắm ạ.
- à! Đúng thật, tao hiểu rồi. Bây giờ phải ăn thật nhiều cho lại sức. Nói đoạn hắn bỏ đi.
Rõ nguy. Hắn nói như vậy vì yên trí rằng tôi không ăn gì suốt mười một ngày, và nếu bây giờ tôi ăn nhiều thì sẽ chết ngay vì bội thực. Hắn sẽ được một mẻ tẽn tò. Đến chiều tối Batton ngầm chuyển cho tôi một ít thuốc lá rồi kèm theo lá cuốn thuốc. Tôi hút lấy hút để, phun khói vào cái lỗ khoét trên ống truyền hơi nóng (đây là hệ thống sưởi của nhà tù - dĩ nhiên cái hệ thống này chẳng mấy khi hoạt động). ít nhất bây giờ nó cũng có được một công dụng.
Sau đó tôi “đánh điện” gọi Julot. Cậu ta tưởng tôi nhịn đói mười một ngày vừa qua cho nên vội khuyên tôi phải ăn từ từ. Tôi không dám nói sự thật cho cậu ấy biết, sợ rằng một tên khốn kiếp nào đó rình đọc “bức điện”. Cánh tay Julot đã được bó bột, tinh thần anh ta khá vững, anh ta chúc mừng tôi vì đã chịu đựng được cơn thử thách vừa qua.
Theo Julot thì chuyến tàu đã sắp khởi hành. Người y tá có nói với anh ta rằng nhà lao đã nhận được những ống thuốc tiêm chủng dành cho tù khổ sai trước khi lên đường. Thường thường những ống thuốc này được gửi đến nhà lao trước ngày khởi hành một tháng. Julot là một anh chàng thiếu thận trọng, vì anh ta dám hỏi xem tôi có giữ được plan không.
Có tôi vẫn giữ được, nhưng tôi đã phải làm gì để giữ được món tài sản ấy thì tôi không thể nói ra được. Hậu môn của tôi bị những vết thương rất đau đớn. Ba tuần sau người ta lùa chúng tôi ra khỏi xà-lim. Có chuyện gì thế này? Hóa ra họ cho chúng tôi một bừa tắm nước nóng tuyệt vời có cả xà-bông. Tôi cảm thấy như mình sống lại. Julot cười sằng sặc như thằng con nít; Pierrot le Fou thì mặt mày rạng rỡ niềm vui sống. Vì vừa ở xà-lim ra, chúng tôi không biết chút gì về những việc đang diễn ra. Tôi thì thầm hỏi anh thợ cắt tóc: “Có chuyện gì thế?” Nhưng anh ta không chịu trả lời.
Một người tù không quen biết có bộ mặt rất khó ưa nói với tôi: “Chắc bọn ta được miễn chế độ xà-lim. Có lẽ chúng nó sợ một ông thanh tra nào đó sắp ghé qua. Điều cốt yếu là phải sống”. Mỗi đứa chúng tôi được đưa vào một căn buồng giam thường. Đến trưa, trong bát xúp nóng đầu tiên tôi được ăn kể từ bốn mươi ba ngày nay, tôi nhặt được một mảnh gỗ nhỏ. Trên mảnh gỗ có viết: “Tám ngày nữa xuất phát Mai tiêm chủng”. Ai đã gửi cho tôi bức thông điệp này?
Mãi cho đến nay tôi vẫn không được biết. Chắc chắn đó là một người tù cấm cố đã có nhã ý báo cho chúng tôi. Người ấy biết rằng chỉ cần một đứa trong bọn chúng tôi biết là ai nấy đều sẽ biết cả. Sở dĩ bức thông điệp đến tay tôi chứ không phải ai khác, chắc chắn là do sự tình cờ.
Lập tức tôi gọi điện cho Julot, dặn anh ta truyền đi cho người khác biết.
Suốt đêm hôm ấy tôi nghe thấy tiếng gõ “điện thoại” lộc cộc. Còn tôi thì khi đã chuyển bức thông điệp xong, tôi im lặng.
Tôi thấy quá dễ chịu trên cái giường ấm áp của tôi. Tôi không muốn rắc rối, và nhất là không muốn trở lại xà lim. Và bây giờ càng hơn bao giờ hết.