Đánh máy: check_rambutan
Chương 18

Lâu lắm chuẩn uý không lúc nào chạy như chiều nay, anh luồn qua các bụi cây, lách qua các mô đá, hết ngã xuống lại đứng dậy, lại chạy, lại ngã, cố vượt xa tiếng đạn chiu chiu trong các vòm lá trên đầu. Gặp những bóng người thoáng qua anh lại xỉa một băng ngắn và reo ầm lên. Anh đập cây, giậm chân, gào đến khản cổ, bởi vì anh không có quyền đi xa quá, anh phải nhử bọn Đức theo mình, phải thu hút chúng, phải chơi với lửa.
Anh khá yên tâm một điều: bọn Đức không vây được anh. Chúng không biết địa hình, mà quân số cũng còn ít, và cái chính là chúng còn nhớ kỹ trận đọ súng bất ngờ, trận tao ngộ chiến vừa qua mà chúng phải cắm cổ chạy, mắt cài sau gáy. Chính vì thế anh mới dễ dàng chạy thoát, mới cố tình chọc tức được chúng, làm cho chúng phải đuổi, làm cho chúng quên hết mọi điều và không thể hiểu được rằng nếu xét cho tinh vi thì anh chỉ có một mình. Một mình và thôi.
Bây giờ sương mù lại xuống cứu anh: mùa xuân này sương mù dày đặc. Hễ mặt trời xuống khỏi chân trời là thung lũng như có khói bếp, sương mù đọng thành lớp, bám vào các bụi cây và trong cái bầu sữa đặc ấy thì không phải một người, mà cả một sư đoàn cũng náu kín được. Bất kỳ lúc nào Vaxkốp cũng có thể lẩn được vào đám mây ấy và lúc đó thì đố ai tìm được anh. Nhưng điều tai hại, là đám sương ấy kéo về phía hồ, mà ngược lại, anh lại muốn dụ tụi giặc về phía rừng ấy, vì thế anh chỉ lẩn vào đám sương mù lúc không thể đứng được. Sau đó anh lại chui ra: xin chào các « ông bạn » Đức, tôi vẫn còn sống đấy nhé…
Nói chung là anh gặp may. Thường trong những cuộc bắn nhau nhỏ có một người thì sẽ bị băm nát như cái rổ rách, nhưng đằng này vận rủi đã qua. Anh chơi trốn tìm với cái chết thế là đủ quá rồi, nhưng không phải mình anh chạy được đến rừng: cả lũ đó chạy theo anh, khẩu súng của anh nẩy lên lần cuối cùng rồi câm bặt. Đạn hết, không còn gì để nạp nữa, và thế là nó làm cả đôi tay chuẩn uý đau lắm. Anh giấu nó vào một đống cành khô rồi lặng lẽ rút êm tay không.
Sương mù ở đây không có mà đạn cứ găm vào thân cây thun thút, các mảnh vỏ bắn tung toé. Bây giờ anh đã xa hẳn quân địch, đã có thời gian để nghĩ đến mình, nhưng bọn Đức vẫn còn hằn học, chúng vẫn khép cái vòng vây bán nguyệt và vẫn liên tục rượt đuổi, rõ ràng là chúng hy vọng đẩy anh đến sát đầm lầy và bắt sống. Bây giờ tình thế của chúng thật thuận lợi, chuẩn uý mà ở địa vị chỉ huy chúng thì anh cũng không tiếc ném ra hàng vốc huân chương cho quân lính để chúng tóm « cái lưỡi » này.
Anh vừa nghĩ thế, vừa thấy vui vì hình như chúng không còn nhằm bắn anh nữa, thì ngay lập tức tay anh bị đạn. Anh bị vào phần mềm, phía dưới khuỷu tay và Vaxkốp trong lúc vội vàng chưa hiểu, lại tưởng rằng một cành cây va phải, nhưng bàn tay anh đã thấy có cái gì nong nóng chảy xuống. Nó chảy không nhiều nhưng đặc quánh. Đúng là bị đạn rồi. Vaxkốp thấy người rét run lên: bị thương thì không đánh nhau được lâu. Lúc này cần phải quan sát, băng bó vết thương chứ không thể chọc chủng vòng vây, cũng không thể trốn thoát quân địch. Chỉ còn một cách là chạy ra đầm lầy và thế là anh vắt chân lên cổ mà chạy.
Anh dốc sức mà chạy. Khi anh chạy đến chỗ cây thông làm mốc thì tim anh đã nện thình thịch. Anh cầm một cây gậy và thấy còn lại sáu chiếc, anh cũng không có thì giờ suy nghĩ nữa. Lá cây đang lạo xạo dưới chân bọn Đức, anh đã thấy tiếng chúng í ới và thấy đạn bay vèo vèo.
Anh đã làm thế nào vượt được đầm lầy ra đến gò nổi - chuyện ấy anh hoàn toàn không nhớ gì nữa. Anh chỉ định thần ngồi lại khi đến gốc cây thông con. Anh định thần lại vì rét, anh rét run lên, răng đánh cầm cập. Cánh tay nhức nhối. Có lẽ còn vì nó bị ướt nước nữa…
Anh đã nằm đấy bao lâu. Vaxkốp cũng không nhớ. Chắc bọn Đức đã rút. Gần sáng, sương mù dày đặc hơn, đọng sát mặt đất như thấm nước vào tận xương tuỷ. Tuy nhiên vết thương không chảy máu nữa, nhưng tay anh dình bùn đến bả vai, kín cả vết thương mà chuẩn uý không buồn gột đi, may trong túi vẫn còn cuộn băng, anh lấy ra băng rồi đi quan sát.
Phía chân trời sau rừng đã ửng hồng, bầu trời trên đầm lầy ép sương mù xuống sát đất và tươi hẳn lên. Nhưng ở đây, trong cái lòng núi này vẫn tràn ngập sương mù đục như sữa. Vaxkốp rùng mình vì lạnh, buồn rầu nhớ đến cái bi đông vô giá của mình. Bây giờ chỉ còn cách giải quyết là phải nhảy và anh bắt đầu nhảy cho đến khi toát mồ hôi ra mới thôi. Lúc này sương mù cũng đã thưa, có thể quan sát được.
Anh ngó nghiêng mãi mà không thấy có gì nguy hiểm vì quân Đức cả. Tất nhiên, bọn Đức có thể ẩn nấp đâu đây, chờ anh quay lại, nhưng khả năng này hầu như rất ít. Theo chúng hiểu thì đầm lầy không vượt qua được, nghĩa là đối với chúng chuẩn uý Vaxkốp đã chết đuối rồi.
Nhưng nhìn về phía quân ta, phía con đường đưa về khu trạm, nơi có Maria Nikiphôrốpna thì anh không nhìn chút nào. Phía ấy hoàn toàn không có nguy hiểm, ngược lại, đó là nơi cuộc sống an toàn, đầy đủ: nửa ca rượu, món trứng rán mỡ muối và chị chủ nhà ây yếm. Có lẽ anh không phải nhìn về cái hướng ấy, có thể khước từ những cám dỗ nơi đó, nhưng không hiểu vì sao viện binh mãi giờ này không thấy đến, vì thế anh lại phải nhìn về.
Đằng ấy có cái gì đen đen. Một cái gì đen đen mà chuẩn uý không phân biệt được. Trong giây lát anh muốn đến tận nơi chỗ vết đen ấy xem sao, nhưng anh còn đang thở hổn hển vì nhảy nên quyết định ngồi nghỉ một lát. Anh nghỉ xong thì trời cũng khá sáng, và anh hiểu ra cái gì đen đen trong đầm lầy kia. Anh hiểu ra và chợt nhớ lại rằng ở gốc cây thông lúc nãy còn sáu cây gậy do chính tay anh chặt. Sáu cây, nghĩa là chiến sĩ Brichkina đã xuống cái hồ khốn nạn kia không có gậy chống….
Cô chỉ còn để lại một chiếc váy lính, ngoài ra không còn gì, kể cả niềm hy vọng có viện binh đến cứu…
Vaxkốp bỗng nhớ đến cái buổi sáng lúc anh đếm đầu bọn biệt kích từ rừng chui ra. Anh nhớ đến tiếng Xônia Guốcvích thì thầm bên vai trái anh, đến đôi mắt Lida Brichkina mở to, đến Galia Chetvêrtak đi hài vỏ cây. Anh nhớ hết và bỗng nói to một mình:
- Thế là Brichkina không về đến nơi…
Tiếng nói khàn khàn lạnh run của anh chìm dần trong đầm nước, rồi mọi vật lại im lìm trở lại. Thậm chí những con muỗi đậu vào thịt anh cũng không phát ra tiếng động và chuẩn uý quyết định lội xuống. Anh đến bờ, chống gậy lên, bụng nghĩ đến Epghênina Kômenkôva và Rita Ôxianina, hy vọng rằng họ vẫn còn sống. Anh còn nghĩ một điều là vũ khí của anh chỉ còn vẻn vẹn một khẩu súng lục bên sườn.
Giá bọn biệt kích để lại một thằng ở đây thì Vaxkốp cũng đành nằm gí xuống bùn hôi cho đến khi mục xương. Cách hai bước là chúng có thể tóm được cổ anh vì anh đang lội bùn lên bờ, không có chỗ nào để ngả và để náu mình nữa. Nhưng bọn Đức không cài người lại và anh dễ dàng đến chỗ ngòi nước quen thuộc để rửa ráy chút ít và uống no bụng. Sau đó anh tìm một tờ giấy trong túi, kiếm rêu khô vấn một điếu thuốc, bật lửa và châm hút. Bây giờ mới ngồi nghỉ được. Thì ra ngày hôm qua anh đã thua trận hoàn toàn, dù rằng anh đã tiêu diệt được hai mươi lăm phần trăm quân địch. Anh thua vì không kìm được chân quân Đức, rằng anh đã mất một nửa quân số, đã mất toàn bộ vũ khí và chỉ còn một cây súng ngắn. Dù anh có giấu quanh, có biện minh thế nào đi nữa thì sự tình vẫn rất tồi tệ. Điều tệ hại nhất là anh không biết đi lùng bọn biệt kích theo hướng nào bây giờ. Vaxkốp cảm thấy cay đắng. Phần vì đói, phần vì khói thuốc khét lẹt, phần vì cô đơn mà những tính toán rối rắm như tổ ong bầu. Đúng là ong bầu. Chúng chỉ có đốt mà không cho mật gì cả…
Tất nhiên là phải quay về chỗ các bạn. Anh chỉ còn hai cô gái, nhưng may là hai cô khôn ngoan nhất. Ba người họp lại cũng là một lực lượng, chỉ có điều là họ chẳng còn vũ khí gì mà chiến đấu cả. Nhưng thế nghĩa là với tư cách chỉ huy anh phải lo hai câu trả lời: làm gì đây và chiến đấu bằng gì đây. Muốn thế chỉ có một việc: đầu tiên phải xác định tình hình, phải tìm được quân Đức và kiếm được vũ khí.
Ngày hôm qua bọn Đức chạy rầm rầm như ở sân nhà nên để lại khá nhiều dấu vết. Vaxkốp lần theo vết chân như trên bản đồ, phân biệt từng bước và tiếp tục tính toán. Theo cách tính của anh, số quân Đức đuổi theo không quá mười tên hoặc giả có thằng nào ở lại coi đồ, hoặc giả anh đã khử được một vài tên cũng nên. Nhưng dù sao cũng phải tính là chúng có một tá vì hôm qua có lúc nào mà ngắm bắn đâu.
Lần theo vết chân đến chỗ rừng thưa, nơi nhìn thông thống ra hồ Vôpi, ra mỏm núi Xiniukhina và những bụi thông chạy dài bên phải. Đến đây Vaxkốp dừng lại một lát quan sát nhưng chẳng thấy ai cả, ta cũng không mà địch cũng không. Trước mặt anh chỉ là bốn bề yên tĩnh, thanh thản, kho báu của bình minh, và nơi đây trong cái kho báu ấy có ẩn náu những tay súng Đức và hai cô gái Nga với hai khẩu súng đang ôm nhau lo lắng.
Dù anh có mong muốn đi tìm hai cô trong các khe đá đến đâu đi nữa thì chuẩn uý cũng không dám ra khỏi rừng cây. Anh không được quyền liều mạng, hoàn toàn không, vì dù cay đắng tuyệt vọng đến đâu thì ngay trong suy nghĩ anh cũng không bao giờ coi mình là người chiến bại và cuộc chiến đấu đến đây vẫn chưa có thể là kết thúc được. Ngắm nhìn mãi khoảng không bao la, lặng lẽ. Vaxkốp lại trở ra chỗ rừng rậm và bắt đầu đi vòng dải núi đến bờ hồ Lêgôn.
Cách tính của anh là một phép trừ đơn giản. Ngày hôm qua bọn Đức đã đuổi anh đến tối mịt. Cho dù đêm có mờ sáng đi nữa thì chúng cũng không thể lao đầu vào những chỗ mờ mịt như thế được. Chúng sẽ phải chờ đến sáng, mà như thế, tiện nhất là vào rừng cạnh hồ Lêgôn để nhỡ có chuyện gì thì có đường thoát khỏi đầm lầy. Chính vì thế mà anh cứ đi mãi từ những mô đá quen thuộc vào những nơi mới lạ.
Đến đây anh đi thận trọng, từ gốc cây này sang gốc cây khác, vì vết chân đột nhiên biến mất. Nhưng rừng cây vẫn yên ắng, chỉ có tiếng chim ríu líu, nhờ đó Vaxkốp biết rằng quanh đấy chẳng có bóng người.
Anh đi một lúc lâu, có lẽ là vô ích, là anh đã tính sai, đi tìm ở nơi không có, nhưng bây giờ anh không còn phương hướng nữa, ngoài linh cảm của anh, mà linh cảm lại bảo rằng anh đi đúng hướng. Nhưng anh cũng vừa mới nghi ngờ cái linh cảm săn mồi ấy của mình, vừa mới thôi, và định tính toán lại từ đầu, thì bỗng nhiên một con thỏ rừng nhảy ra. Nó lao ra bãi cỏ, và không thấy Vaxkốp, nó đứng nhỏm hai chân, mắt nhìn đằng sau. Con thỏ này đang sợ, mà là sợ những người mới trông thấy, vì thế nó còn tò mò. Còn chuẩn uý cũng giống hệt con thỏ kia, anh vểnh tai theo nhìn theo hướng ấy.
Tuy nhiên, anh có nhìn, có nghe mà không phát hiện thấy gì đặc biệt. Con thỏ đã nhảy vào bụi liễu hoàn diệp và anh đã nhìn đến chảy nước mắt, nhưng anh vẫn đứng trơ trơ, bởi lẽ anh tin con thỏ kia hơn cả tai mình. Và cũng chính vì thế anh nhẹ nhàng như một cái bóng đi theo hướng nhìn của con thỏ.
Đầu tiên anh không thấy gì cả, sau thấy có gì thấp thoáng qua bụi cây. Một cái gì rất lạ, nhiều chỗ rêu mốc. Vaxkốp nín thở bước lên lấy tay gạt bụi cây thì đụng phải một bức tường cũ kỹ rêu mốc của một ngôi nhà lún sâu xuống đất.
« Nhà tu kín Lêgôn » - chuẩn uý chợt hiểu.
Anh lần vào góc nhà, thấy một miệng giếng gỗ mục nát, con đường đầy cỏ dại và cánh cửa vào treo nghiêng trên một bản lề. Anh rút súng ngắn, tai lắng nghe tiếng động rồi lần vào cửa, nhìn khuôn cửa, nhìn cái then gỉ, nhìn lớp cỏ gẫy rạp, nhìn vết chân chưa khô trên bậc tam cấp và anh hiểu rằng cái cửa này mới bị phá chưa đầy một giờ.
Phải làm gì, anh tự hỏi. Không phải vì ham hiểu biết mà bọn Đức phá cửa vào nhà tu kín, đây phải là một việc cần thiết. Nghĩa là chúng đi tìm nơi trú ẩn. Có thể có thằng bị thương, có thể chúng giấu những vật cần thiết. Chuẩn uý không thể giải thích việc đó theo cách khác, vì thế anh lại quay ra lẩn vào bụi, hết sức chú ý xem không để lại dấu chân gì. Anh bò đến chỗ rừng rậm thì đứng sững lại.
Muỗi vừa bu đến anh thì có tiếng chim ác là kêu lảnh lót ở đâu đó. Rồi có tiếng một cành cây gãy rắc, và từ trong rừng đi về hướng nhà tu kín Lêgôn đủ mười hai thằng xếp hàng một. Mười một thằng vác nặng (chuẩn uý cho là thuốc nổ), còn thằng thứ mười hai thì chống gậy lặc lè đi. Chúng đến đó đặt đồ xuống, thằng bị thương ngồi phệt ngay xuống bậc gạch. Một thằng bắt đầu lôi thuốc nổ vào nhà, những thằng khác hút thuốc lá, bàn bạc gì với nhau và lần lượt nhìn vào bản đồ.
Bọn muỗi đói làm thịt Vaxkốp, chúng uống no máu mà Vaxkốp sợ không dám chớp mắt. Anh ngồi rất gần chúng, súng siết chặt trong tay, anh nghe rõ chúng nói từng lời mà không hiểu gì. Tổng cộng anh chỉ biết có tám câu trong sổ tay hội thoại, mà lại phải đọc theo lối kéo dài của người Nga kia. Nhưng anh cũng không cần phải đoán nữa: thằng trưởng nhóm đứng giữa chìa bản đồ cho những thằng khác chụm đầu xem rồi khoát tay một cái, thế là cả mười thằng xách súng chạy vào rừng. Trong lúc đó thằng kéo bao lúc nãy xốc nách thằng bị thương đứng lên và kéo vào nhà.
Cuối cùng Vaxkốp được thở mấy hơi khoan khoái và xử tội đàn muỗi. Bây giờ mọi việc đã rõ và thời gian là yếu tố quyết định công việc: bọn Đức đi về phía mỏm núi Xiniukhina không phải là để đi hái hoa hái nấm. Chúng không muốn phải đi vòng qua hồ Lêgôn, mà cố gắng tìm đường tắt vượt qua. Bây giờ chúng đi không mang theo hành lý tức là chúng mới đi tìm cửa mở
Tất nhiên, bây giờ đuổi vượt chúng chẳng có nghĩa gì. Anh phải đi tìm hai cô và bắt đầu lại từ đầu. Một việc nữa khiến anh lo là vũ khí. Không có vũ khí thì đừng nghĩ gì đến việc ngáng chân chúng cả.
Trong nhà này có hai khẩu súng tiểu liên, ngay sau cánh cửa xiêu vẹo kia thôi. Hai khẩu súng nguyên vẹn, cả một kho tàng. Nhưng lam sao lấy được kho ấy thì Vaxkốp chưa biết. Liều mạng sau một đêm mất ngủ với cánh tay trúng đạn thì anh không tính đến. Vì thế anh xác định chiều gió rồi chờ cho thằng Đức trong nhà bò ra.
Quả nhiên là được. Thằng biệt kích bị muỗi đốt sưng mặt bò ra tìm lấy cái chết: có lẽ chúng khát nước. Nó đi thận trọng, súng xách trong tay và hai cái bi đông cạnh sườn. Nó ngắm mãi, nghe mãi, rồi rời khỏi bức tường, đi men về phía giếng nước. Vaxkốp thận trọng nâng súng và chậm rãi bóp cò. Một tiếng nổ, tên Đức đổ vật về trước. Muốn chắc chắn chuẩn uý bồi thêm phát nữa. Anh vừa định nhảy ra bỗng thoáng thấy một màu thép xám ánh lên trong khe cửa vỡ liền đứng khựng laị. Thằng thứ hai là cái thằng bị thương làm nhiệm vụ yểm trợ cho bạn đã nhìn thấy hết, và nếu anh chạy ra giếng tất sẽ ăn đạn.
Vaxkốp thấy lạnh xương sống. Cái thằng què kia thế nào cũng nổ một băng đạn. Nó chỉ cần bắn chỉ thiên thôi, một tràng báo động ầm ĩ là đủ. Trong giây lát cả bọn sẽ chạy lùng sục và sự nghiệp của chuẩn uý sẽ hết. Lần này thì đừng hòng chạy thoát.
Nhưng chỉ lạ là thằng Đức này không bắn. Nó chờ đợi gì đó, nó thận trọng quay súng và không bóp cò. Nó đã nhìn thấy bạn nó gục đầu xuống thành giếng, chân còn giãy đành đạch mà không kêu cứu. Nó chờ đợi…Nhưng chờ cái gì…
Bỗng nhiên Vaxkốp hiểu ra. Anh hiểu hết: nó lo giữ mạng nó, cái mạng phát xít của nó. Nó thì nhổ toẹt vào cái thằng hấp hối kia, vào mệnh lệnh, vào những thằng đang đi ra phía hồ, bây giờ nó chỉ nghĩ một điều là đững làm anh chú ý đến nó. Cái đối phương vô ảnh vô hình này khiến nó kinh sợ và nó chỉ cầu nguyện một điều là được nằm im sau bức tường gỗ dày cộp.
Phải, anh hùng khỉ gì cái thằng Đức lúc cái chết đã nhìn vào mắt nó. Hoàn toàn chẳng có gì là anh hùng cả. Nghĩ như thế chuẩn uý thở dài nhẹ nhõm.
Vaxkốp nhét súng vào bao rồi thận trọng bò ngược lại. Anh nhanh chóng đi vòng quanh nhà tu rồi từ hướng khác ra giếng nước. Như anh dự tính, thằng bị thương không thèm nhìn đến thằng chết, chuẩn uý nhẹ nhàng bò đến gần nó tước súng, tước túi đạn rồi lại luồn nhanh vào rừng.
Bây giờ mọi việc phụ thuộc vào tốc độ của anh vì quãng đường anh định đi là quãng đường vòng. Việc cần liều mạng thì anh đã liều rồi và đã vượt qua. Anh lao vào quãng rừng thông nối với mỏm núi rồi đứng lại nghỉ.
Đây là chỗ tiểu đội anh đã ép bụng xuống đất bò qua. Nếu không chạy về hướng đông thì mấy cô gái chắc còn ẩn náu đâu đây. Mặc dù anh đã ra lệnh cho họ nếu nguy hiểm thì rút chạy, nhưng giờ đây Vaxkốp vẫn không tin rằng họ tuân thủ từng câu từng chữ của anh. Anh không tin, mà cũng không muốn tin như vậy. Nghỉ xong, anh bắt đầu nghe ngóng, không thấy bọn Đức đâu cả, anh bèn thận trọng tiến về mỏm núi Xiniukhina bằng con đường mà hôm trước anh cùng Ôxianina đi qua. Lúc đó mọi người còn sống trừ Lida Brichkina…
Dù sao thì hai cô cũng đã tránh được địch, dù tránh không xa lắm. Họ đã sang được bên sông, nơi sáng qua đã bày trò đóng kịch lừa bọn Đức. Vaxkốp không nghĩ đến điều đó, anh không thấy họ trong các khe đá, cũng không thấy ở các vị trí cũ, anh liền bước ra bờ sông, không phải để tìm họ mà chỉ là bối rối. Bỗng nhiên anh nhớ ra rằng anh chỉ có một mình hoàn toàn cô độc với cánh tay đau, nỗi buồn ấy đột nhiên xâm nhập lấy anh, khiến đầu óc anh rối loạn đến nỗi ra đến chỗ hôm qua lúc nào không hay. Đến lúc anh quỳ xuống uống nước thì có tiếng thì thầm:
- Phêđốt Epgraphôvich…
Liền sau đó có tiếng gọi to:
- Phêđốt Epgraphôvich!… Đồng chí chuẩn uý!…
Anh ngửng đầu lên thấy họ chạy qua sông. Đúng là chạy qua nước, váy không vén lên nữa. Anh lao ra chỗ họ, giữa lòng nước họ ôm nhau. Cả hai cô đánh đu trên người anh, hôn lấy hôn để vào khuôn mặt râu ria, bẩn thỉu và hôi hám…
- Sao thế này, các cô làm gì thế này!
Nói thế nhưng chính anh suýt nữa thì cũng chảy nước mắt. Đã ứa ra ở chân mi, rõ ràng anh cũng có yếu đuối. Anh ôm vai hai cô và cả ba người cùng sang bên kia sông. Kômenkôva háo hức áp sát người vào anh, đưa tay xoa đôi má râu ria của anh.
- Ôi, những cô gái yêu quí của tôi! Từ hôm qua tới nay các cô có ăn được chút nào, ngủ chút nào không?
- Đồng chí chuẩn uý ạ, chúng em không ai buồn ăn buồn ngủ cả…
- Bây giờ tôi có còn là chuẩn uý của các cô nữa đâu. Tôi chỉ như anh ruột các cô mà thôi. Cứ gọi tôi là Phêđốt, hoặc như mẹ tôi gọi là Phêđia cũng được…
Trong bụi cây của họ vẫn đủ cả ba lô, túi xách và súng ống. Vaxkốp lập tức lấy ba lô của mình giở ra, Epghênina hỏi:
- Thế Galia Chetvêrtak?
Cô hỏi khẽ và nghi ngại nhưng cả hai đều hiểu. Chỉ cần giải thích thêm thôi. Chuẩn uý không đáp. Anh lặng lẽ mở túi, lấy chiếc bánh mì khô cứng, mỡ muối và chiếc bi đông. Anh rót rượu ra ba cốc, chia bánh mì và mỡ muối. Anh đưa cho hai cô và nâng cốc.
- Các bạn chúng ta đã hy sinh anh dũng. Galia Chetvêrtak hy sinh trong lúc bắn nhau, còn Lida Brichkina bị sụt đầm lầy. Kể cả Xônia Guốcvích thì chúng ta mất đi ba người. Thế đấy, nhưng ngược lại chúng ta đã vây được quân địch giữa hai hồ nước một ngày một đêm. Đúng là một ngày một đêm!…Bây giờ chúng ta lại phải cầm cự một ngày đêm nữa. Nhưng chúng ta sẽ không có viện binh nữa, mà quân Đức sắp tiến tới đây. Vì thế chúng ta hãy tưởng niệm ba người chị em hy sinh để rồi bước vào một trận chiến đấu mới, mà hẳn đây là trận cuối cùng…
Có những nỗi khổ đau lớn lao như con gấu xù lông. Nó ập đến, cấu xé, day dứt khiến ta không thiết nhìn cuộc đời nữa. Nhưng khi nó đi qua rồi thì tựa hồ không có gì cả, lại có thể thở được, sống được và hoạt động được. Tựa hồ không có gì xảy ra cả.
Nhưng cũng có những sơ suất, lỗi lầm lặt vặt. Chỉ là một tiểu tiết thôi, nhưng nó gây ra những hậu quả không ai lường được.
Tiểu tiết đó lúc ăn xong Vaxkốp đã phát hiện thấy, khi Vaxkốp người chuẩn bị chiến đấu. Anh đã lục tung khắp ba lô mình, ba lần lục túi từng người mà vẫn không thấy. Mất thật!
Kíp nổ của quả lựu đạn thứ hai và đạn súng lục là những tiểu tiết. Nhưng quả lựu đạn không kíp nổ thì chỉ là cục sắt. Một cục sắt câm như hòn cuội.
- Chúng ta không còn cao xạ nữa rồi, các cô ạ.
Anh mỉm cười nói cho khỏi mất tinh thần. Còn hai cô chỉ biết cười hớn hở.
- Không sao, anh Phêđốt, chúng ta sẽ đẩy lùi chúng.
Kômenkôva nói, đến chỗ tên anh, cô suýt líu lưỡi. Tất nhiên là chưa quen. Gọi tên cấp trên nó cứ khó thế nào ấy.
Còn vũ khí là ba khẩu súng trường, hai khẩu tiểu liên và một khẩu súng lục. Chọi nhau với mười thằng thì như thế cũng chẳng thấm tháp gì, nhưng phải tin rằng rừng cây cứu ta, cả rừng cây, cả sông nước.
- Rita, cô cấm lấy cái băng đạn này cho súng tiểu liên. Nhưng chúng ở xa thì đừng bắn. Chúng ở bên kia sông thì dùng súng trường, giữ tiểu liên lại. Bao giờ chúng lên nhiều, tiểu liên rất lợi hại đấy. Cô hiểu rõ chưa?
- Em hiểu, anh Phêđốt…
Cô cũng ngắc ngứ. Vaxkốp mỉm cười:
- Có lẽ các cô cứ gọi là Phêđia dễ hơn. Tên của tôi khó gọi, nhưng nó thế…
Dù sao một ngày đêm ấy cũng không phải là vô ích đối với bọn Đức. Chúng đã thận trọng đến gấp ba lần, vì thế chúng tiến lên rất chậm, xét nét từng mô đá một. Chỗ nào có thể được chúng đều sục hết, vì thế mãi đến lúc mặt trời lên cao chúng mới ra đến bờ sông. Mọi việc lại lặp lại hệt như trước, chỉ khác là lần này rừng cây trước mặt chúng không đầy ắp giọng con gái nữa, mà lặng thinh đầy bí ẩn đe doạ. Bọn biệt kích cảm thấy mối đe doạ đó, chúng tần ngần một lúc lâu không xuống nước, mà chỉ loang quanh ở các bụi cây bên kia.
Vaxkốp để hai cô lại chỗ rãnh sâu, tự mình chọn chỗ đứng cho các cô và hướng dẫn các điểm mốc. Còn anh, anh chọn các mũi đá, nơi ngày hôm qua Epghênina Kômenkôva đã ngăn bước quân thù. Nơi đây hai bờ sông gần như khép lại với nhau, rừng cây bò sát xuống nước và để ngăn cản địch tiến công thì không có chỗ nào tốt hơn được. Chính nơi đây bọn Đức thường hay để lộ đội hình nhằm khiêu khích, đối phương thần kinh không vững sẽ nổ súng trước. Nhưng không có ai thần kinh không vững bởi vì Vaxkốp đã hết sức nghiêm khắc ra lệnh cho các chiến sĩ chỉ được bắn khi quân địch đã lội xuống nước. Còn trước đó thì đáng thở hai lần, chỉ được thở một, phải làm sao để chim chóc vẫn véo von như thường lệ.
Mọi vũ khí đều ở trong tay, mọi thứ đã chuẩn bị kỹ, đạn đã lên nòng, chốt an toàn đã mở để chim ác là khỏi dứt tiếng sớm. Còn chuẩn uý thì hầu như rất yên tâm quan sát bờ bên, chỉ có cái tay đáng nguyền rủa là tấy đau như một cái răng buốt vậy.
Còn bờ bên kia thì ngược lại: các loài chim đã thôi hót, chỉ có ác là là kêu giật giọng. Mọi chuyện đó bây giờ Vaxkốp đều để ý, đều đánh giá và dự kiến chộp lấy cái thời cơ bọn phát xít nản chí không muốn chơi cái trò theo dõi này nữa.