Theo báo "Tuổi trẻ cười"
Bây giờ họ đang cưa

Một buổi sáng, ở giữa thành phố nọ, có ba ông biên kịch đang cuốc đất trồng rau. Bỗng lưỡi cuốc va phải một vật cứng bằng kim loại. Tất cả dừng tay, thận trọng bới và phát hiện đó là một quả bom rất to.
Trước một thực tế vừa bất ngờ, vừa có mâu thuẫn cao đến thế, lòng say mê nghề nghiệp trong ba nhà biên kịch nổi lên. Họ quyết định viết chung một kịch bản về quá trình phá huỷ quả bom. Đó là:
- Kịch bản phải rất kịch tính. (Bởi đây có đầy đủ các nhân tố ấy: Bom đạn ở ngay cạnh nhà dân).
- Kịch bản phải có tiết tấu nhanh (trái bom có thể nổ bất cứ lúc nào), tính hành động cao, lời thoại ít.
- Trong quá trình câu chuyện diễn ra, phải có một số thứ hy sinh (hoặc là tính mạng, hoặc là những nguyên tắc cư xử, hoặc những tính cách xấu nhân cơ hội này phải bộc lộ ra rồi bị xoá bỏ).
Tất nhiên, còn một số thoả thuận đơn giản khác nữa như diễn viên nữ chính phải đẹp, phải có cảnh đứng trong buồng tắm để xin tài trợ của công ty dầu gội đầu...
Sau khi thoả thuận xong những bước cơ bản, kịch bản được ba nghệ sĩ sôi sục phác thảo ngay tại hiện trường. Mở đầu là quay cảnh thành phố đông đúc. Rồi quả bom lộ ra. Một người dân trông thấy thét lên, cuống cuồng điện thoại báo cho cảnh sát. Hàng chục xe cảnh sát hú còi lao tới, một hàng rào an toàn được nhanh như chớp căng ra. Tất cả cuộc sống bên trong hàng rào bị ngưng trệ. Người ta khẩn cấp di chuyển trẻ con, ông già bà già. Người ta để lại nồi cháo đang sôi trên bếp, bế em bé sơ sinh ra khỏi cái nôi đang đu đưa, đu đưa... (phần này có nhạc).
Rồi một toán cảnh sát trang bị bảo hộ thận trọng tiến tới. Phát hiện ra trái bom vượt quá khả năng của mình, họ dùng vô tuyến gọi về trung tâm tình huống khẩn cấp cách đó mấy chục km. Lập tức, một chiếc trực thăng cất lên, mang theo một chuyên gia bom mìn.
Đến đây, như bao nhiêu lần khác trong đời, các nhà biên kịch nổ ra tranh cãi. Ba ông đưa ra ba phương án khác nhau.
Phương án một: Trực thăng gặp bão. Chuyên gia phá bom phải hạ cánh khẩn cấp. Anh đón một chiếc xe hơi phóng nhanh tới hiện trường. Lái xe là một cô gái. Giữa đường có bọn cướp chặn xe. Cô gái chiến đấu dũng cảm và bị thương. Anh chuyên viên phải đấu tranh giữa việc đưa cô vào bệnh viện và việc đến tháo trái bom. Cuối cùng, anh vẫn tới trái bom vì sinh mạng của hàng nghìn người. Lúc kíp nổ của quả bom vừa được tháo cũng là lúc cô gái bất tỉnh.
Phương án hai: (Tác giả của phương án này coi phương án một là "sến"). Ngồi trên trực thăng là một chuyên viên phá bom trẻ tuổi, con của một chiến sĩ phá bom anh dũng đã hy sinh trong chiến tranh. So sánh ảnh của cảnh sát truyền về với ảnh lưu trữ, anh biết rằng chính kiểu bom này đã giết chết cha mình. Hạ cánh bên trái bom, anh vừa xoay ngòi nổ thì tiếng nhịp của một thiết bị đếm ngược vang lên. Thì ra ngòi nổ thực nằm ở phía dưới, hễ anh buông tay là phát nổ ngay. Dùng tay còn lại, anh gọi điện về cho mẹ, nói rằng bà đừng buồn, mình đã sống xứng đáng. Rồi cả anh và trái bom được khiêng đi... ra biển. Dân thành phố đứng im hai bên xúc động. Bầu trời như ngưng đọng, chim chóc bỗng ngừng kêu... (Chỗ này âm nhạc cao trào).
Phương án ba: (Tác giả của phương án này chê hai phương án kia là thiếu tính khái quát). Trực thăng móc quả bom vào dây cáp rồi kéo lên, giữa chừng dây đứt. Trái bom rơi xuống và kíp nổ bị hỏng, không thể tháo được nữa vì bất cứ chấn động nào cũng sẽ làm cho nó bùng lên. Vậy mà trái bom lại rơi vào giữa một đám cưới. Toàn bộ quan khách và cô dâu chú rể phải bất động. Giữa lúc cực kỳ căng thẳng thì cô dâu nhào vào ôm lấy trái bom. Người ta bèn phun một chất đặc biệt khiến cô dâu và nó đông cứng lại trong một hình khối trong suốt. Hình khối đó được đặt giữa quảng trường thành phố, và là nơi tưởng niệm của tất cả những người yêu nhau hiện nay.
Cả ba ông, ai cũng bảo kịch bản của mình là nhất và cãi nhau kịch liệt. Chợt, một nhà biên kịch khác đi qua. Nghe xong câu chuyện, ông ta cả cười, rút ra tờ báo Tuổi Trẻ TP HCM số ra ngày 1/11/2002, trên trang 5 có đăng một chuyện, tóm tắt như sau: Có công ty đào được trái bom, báo cho ông chức năng ba ngày chưa thấy tới. Công ty bèn tự đưa bom lên xe, vừa run vừa hồi hộp lái đến giao nộp. Sau đó một tuần, công ty nhận được giấy báo phải đóng 1 triệu đồng là kinh phí để thiêu huỷ bom...!
Đọc xong bài báo, ba nhà biên kịch khóc lên tê tái. Lại một lần nữa họ thấy rằng: Từ thực tế cuộc sống cho tới phim ảnh là một khoảng cách quá xa. Thảo nào những tác phẩm của họ xưa nay không có người tin và không có người xem! Họ không còn tâm trí đâu để viết kịch bản của mình nữa. Nhưng trái bom thì phải làm thế nào? Nếu mang nộp thì phải đóng tiền, nếu chôn lại xuống đất là "phủ nhận hiện thực khách quan", thôi thì chỉ còn cách hành động như người dân xưa nay vẫn làm, đó là cưa bom ra để bán lấy tiền.
Họ kiếm lấy một cây cưa, và những tiếng xoèn xoẹt vang lên...