Câu 1200 - 1399.

Dứt tình họ Lục, mến tình họ Vương.
Kể từ định chước hại chàng
Thể Loan hớn hở lòng càng thêm vui
Ngày ngày trang điểm phấn giồi
Phòng khi gặp gỡ đứng ngồi cho xuê
Xẩy đâu Tử Trực vừa về
Vào nhà họ Võ thăm bề Vân Tiên
Công rằng: Chớ hỏi thêm phiền
Trước đà lâm bệnh huỳnh tuyền xa chơi
Thương chàng phận bạc ở đời
Cũng vì Nguyệt Lão xe lơi mối hồng
Nghe qua Tử Trực chạnh lòng
Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa
Than rằng: Chạnh nhớ linh xưa
Nghĩa đà kết nghĩa, tình chưa phỉ tình
Trời sao nỡ phụ tài lành
Bảng vàng chưa thấy ngày xanh đã mòn
Cùng nhau chưa đặng vuông tròn
Người đà sớm thác ta còn làm chi
Trong đời mấy bậc cố tri
Mấy trang đồng đạo, mấy người đồng tâm
Công rằng: Lão cũng thương thầm
Tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang
Thôi thôi khuyên chớ thở than
Lão đà tính đặng một đàng rất hay
Tới đây thì ở lại đây
Cùng con gái lão sum vầy thất gia
Phòng khi hôm sớm vào ra
Thấy Vương Tử Trực cũng là thấy Tiên
Trực rằng: Ngòi viết đĩa nghiên
1230.Anh em xưa có thề nguyền cùng nhau
Vợ Tiên là Trực chị dâu
Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì
Chẳng hay người học sách chi
Nói sao những tiếng dị kỳ khó nghe
Hay là học thói nước Tề
Vợ người Tử Củ đưa về Hoàn Công
Hay là học thói Ðường cung
Vợ người Tiểu Lạc sánh cùng Thế Dân
Người nay nào phải người Tần
Bất Vi gả vợ Dị Nhân lấy lầm
Nói sao chẳng biết hổ thầm
Người ta há phải là cầm thú sao
Võ công hổ thẹn biết bao
Ngồi trân khôn cãi lẽ nào cho qua
Thể Loan trong trướng bước ra
Miệng cháo: Thày Cử tân khoa mới về
Thiếp đà chẳng trọn lời thề
Lỡ bề sửa tráp lỗi bề nâng khăn
Tiếc thay dạ thỏ nằng nằng
Ðêm thu chờ đợi bóng trăng bấy chầy
Chẳng ưng thì cũng làm khuây
Nỡ buông lời nói chẳng vì, chẳng kiêng
Trực rằng: Ai Lữ Phụng Tiên
Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi
Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi
Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa
Hổ hang vậy cũng người ta
So loài cầm thú vậy mà khác chi
Vân Tiên anh hỡi cố tri
Suối vàng có biết sự ni chăng là
Tay lau nước mắt trở ra
Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông thành
Võ công hổ thẹn trong mình
Năm ngày nhuốm bệnh thất tình chết oan
Thể Loan cùng mụ Quỳnh Trang
Mẹ con đóng cửa cư tang trong nhà
Ðoạn này đến thứ Nguyệt Nga
Hà khê phủ ấy theo cha học hành
Kiều công lên chức Thái khanh
Chỉ sai ra quận Ðông thành chăn dân
Ra tờ khắp hết xa gần
Hỏi thăm họ Lục tìm lần đến nơi
Khiến quân đem bức thư mời
Lục ông vâng lệnh tới nơi dinh tiền
Kiều công hỏi truyện Vân Tiên
Lục ông nhớ đến bỗng liền khóc than
Thưa rằng: Nghe tiếng đồn vang
Con tôi nhuốm bệnh giữa đàng bỏ thây
Biệt tin từ ấy nhẫn nay
Phút nghe người hỏi dạ này xốn xang
Kiều công trong dạ bàng hoàng
Trở vào thuật lại cùng nàng Nguyệt Nga
Lục ông người nói cùng cha
Duyên con rày đã trôi hoa dạt bào
Riêng than chút phận tơ điều
Hán giang chưa gặp, Ô kiều lại rơi
Nàng rằng quả thiệt như lời
Xin cha sai kẻ mời người vào trong
Nguyệt Nga đứng dựa bên phòng
Tay ôm bức tượng khóc ròng như mưa
Công rằng: Nào bức tượng xưa
Nguyệt Nga con khá đem đưa người nhìn
Lục ông một buổi ngồi nhìn
Tay chân mặt mũi giống y con mình
Nguyệt Nga lạy gửi phân minh
Lục ông khi ấy sự tình mới hay
Thương con phận bạc lắm thay
Nguyền xưa còn đó, con rày đi đâu
Nguyệt Nga chi xiết nỗi sầu
Lục ông thấy vậy càng đau gan vàng
Kiếm lời khuyên giải với nàng
Giải cơn phiền não kẻo mang lấy sầu
Người đời như bóng phù du
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng
Cũng như đống tịch đồng sàng
Cũng chưa nên nghĩa tào khang đâu mà
Cũng như cửa sổ ngựa qua
Nghĩ nào mà ủ mặt hoa cho phiền
Nàng rằng: Trước đã trọn nguyền
Dẫu thay mái tóc phải nhìn mối tơ
Công rằng: Ơn trước ngãi xưa
Liền đem vàng bạc tạ đưa cho người
Lục ông cáo tạ xin lui
Tôi đâu dám chịu của người làm chi
Ngỡ là con trẻ mất đi
Hay đâu cốt cách còn ghi tượng này
Bây giờ con lại thấy đây
Tấm lòng thương nhớ dễ khuây đặng nào?
Ngửa than: Ðất rộng trời cao
Tre còn măng mất, lẽ nào cho cân
Lục ông tạ từ lui chân
Kiều công sai kẻ gia thần đưa sang
Nguyệt Nga nhuốm bệnh thở than
Năm canh lụy ngọc, xốn xang lòng vàng
Nhớ khi thề thốt giữa đàng
Chưa nguôi nỗi thảm, lại vương lấy sầu
Công đà chờ đợi bấy lâu
Thà không cho gặp buổi đầu thì thôi
Biết nhau chưa đặng mấy hồi
Kẻ còn người mất trời ơi là trời
Thề xưa tạc dạ ghi lời
Thương người quân tử biết đời nào phai
Tiếc thay một bậc anh tài
Nghề văn, nghệp võ nào ai dám bì
Thương vì đèn sách lòng ghi
Uổng công nào thấy tiếng là gì đâu
Thương vì hai tám trên đầu
Người đời như bóng phù du lỡ làng
Thương vì chưa đặng hiển vang
Nước trôi sự nghiệp, hoa tàn công danh
Thương vì đôi lứa chẳng thành
Vùa hương, bát nước ai dành ngày sau
Năm canh chẳng ngớt giọt châu
Mặt nhìn bức tượng ruột đau như dần
Dương gian nay chẳng đặng gần
Âm cung biết có thành thân chăng là
Kiều công thức dậy bước ra
Nghe con than khóc, xót xa lòng vàng
Khuyên rằng: Con chớ cưu mang
Gẫm trong còn mất là đường xưa nay
Ðàn cầm ai nỡ dứt dây
Chẳng qua con tạo đổi xây không thường
Nàng rằng: Khôn xiết nỗi thương
Khi không gẫy gánh giữa đường chẳng hay
1Nay đà loan phụng rẽ bầy
Nêm nghiêng, gối chính phận này đã cam
Trăm năm thề chẳng lòng phàm
Sông Ngân đưa bạn, cầu Lam rước người
Thân con còn đứng giữa trời
Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi
Kiều công trong dạ chẳng vui:
"Con đành giữ tiết trọn đời hay sao?"
Có người sang cả, ngôi cao
Thái sư chức trọng trong trào sắc phong
Nghe đồn con gái Kiều công
Tuổi vừa hai tám, tơ hồng chưa xăng
Thái sư dùng lễ vật sang
Mượn người mai chước kết đàng sui gia
Kiều công khôn ép Nguyệt Nga
Lễ nghi đưa lại về nhà Thái sư
Thái sư chẳng biết rộng suy
Ðem điều oán giận sớm ghi vào lòng
Xẩy đâu giặc mọi làm hung
Ô-qua quốc hiệu, binh nhung dấy loàn
Ðánh vào tới cửa Ðồng-Quan
Sở vương phán hỏi lưỡng ban quần thần
Sao cho vững nước an dân
Các quan ai biết mưu thần bày ra
Thái sư sẵn có cừu nhà
Vội vàng quỳ gối tâu qua ngai vàng
Thuở xưa giặc mọi dấy loàn
Cũng vì tham sắc phá tàn Trung Hoa
Muốn cho an giặc Ô-qua
Ðưa con gái tốt giao hòa thì xong
.Nguyệt Nga là gái Kiều công
Tuổi vừa hai tám má hồng đương xinh
Nàng đã sắc khuynh thành
Lại thêm rất bậc tài tình hào hoa
Ðưa nàng về nước Ô-qua
Phiên vương ưng dạ ắt là bãi binh
Sở vương nghe tấu thuận tình
Châu phê khiến sứ ra dinh Ðông-thành
Sắc phong Kiều Lão Thái Khanh
Việc trong nhà nước, trẫm đành cậy ngươi
Nguyệt Nga nàng ấy nên người
Lựa ngày tháng chín, hai mươi cống Hồ
Kiều công vâng lệnh nhà vua
Lẽ nào mà dám nói phô điều nào
Nguyệt Nga trong dạ như bào

Chú thích:
1.Huỳnh tuyền (hoàng tuyền): suối vàng, cõi chết. Nói Vân Tiên đã bị bệnh chết rồi
2.Xe lơi: xe lỡ, xe dở dang.
3.Linh: tiếng dùng để chỉ người đã chết rồi.
4.Ðồng đạo: cùng theo một đạo lý. Ðồng tâm: cùng chung một lòng.
5.Thất gia: nhà cửa (như nói gia đình), tức vợ chồng
6.Ngòi viết, đĩa nghiên: bút nghiên, hình tượng này được dùng để chỉ tình bằng hữu thân thiết trong việc học hành.
7.Vợ Tiên là Trực chị dâu: Trực chị dâu tức là chị dâu Trực, tác giả theo cú pháp chữ Hán. Người Trung-quốc thường coi người bạn thân hơn tuổi như anh ruột, và coi vợ bạn như chị dâu.
8.Tử Củ: con Hi Công nước Tề. Hi Công chết anh Tử Củ là Tương Công lên kế ngôi, chính sự rối nát, bị bầy tôi là Vô Tri giết chết. Khi ấy Tử Củ chạy sang nước Lỗ, em là Tiểu Bạch chạy sang nước Cử. Sau Tiểu Bạch về nước trước, lên làm vua (tức là Hoàn công) sai người nói với vua Lỗ giắt Tử Củ và lại lấy vợ Tử Củ.
9.Ðường cung: cung nha Ðường (618-907)
10.Thế Dân: Lý Thắ Dân, tức Ðường Thái Tông. Thế Dân giết em là Tiểu Lạc và lấy vợ em. Tích này trong Ðường sử chép lại là Nguyên Cát, đây nói là Tiểu Lạc, có lẽ sai.
11.Bất Vi: Lã Bất Vi, người nước Tần, một lái buôn giàu có và xảo quyệt. Khi Bất Vi đến nước Triệu, thấy cháu vua Tần là Dị Nhân đang làm con tin ở đó, y nói: "Người này là món hàng quí có thể tích trữ đầu cơ được" (Kỳ hóa khả cư), rồi y mưu mô cho Dị Nhân được về nước lên kế ngôi làm vua, và y làm Tể Tướng. Bất Vi còn lấy một người thiếp rất đẹp, khi có thai, đem gán cho Dị Nhân, ít lâu sau sinh được người con trai, Dị Nhân vẫn tưởng là con mình, nên được kế ngôi, tức Tần Thủy Hoàng. Sau Bất Vi vì thông tinh với thái hậu (mẹ Thủy Hoàng, tức người thiếp của y trước), việc tiết lộ, bị đày vào Tứ-Xuyên, rồi y uống thuốc độc tự tử.
12. Dạ thỏ: lòng con thỏ, Thể Loan ví với lòng mình. Người xưa bảo cung trăng có con thỏ, -lại bảo con thỏ trông bóng trăng mà chửa. Hai câu này: giải theo thuyết trên thì nghĩa là: ôm nặng tấm lòng, như con thỏ ngồi trong bóng trăng mà chờ đợi, hay theo thuyết dưới, thì... con thỏ trông lên bóng trăng mà chờ đợi, nhưng theo thuyết dưới thuận nghĩa hơn. Thể Loan nói có lòng chờ đợi Tử Trực.
13.Lữ Phụng Tiên: Lã Phụng Tiên. Lữ Bố, một võ tướng đời Tam quốc, con nuôi và chân tay của Ðổng Trác. Trác mưu cướp ngôi nhà Hán. Vương Doãn, một trung thần nhà Hán, có người con gái hát trong nhà (ca cơ) tên là Ðiêu Thuyền, sắc đẹp, bàn dùng kế ly gián: trước hứa gả cho Lữ Bố, sau lại đem hiến cho Ðổng Trác.
14.Thất tình: bị việc gì trái mình mà uất ức phiền não trong lòng.
15.Cư tang: đạ tang, chịu tang
16.Thái khanh: một chức quan to
17.Chăn dân: do chữ Hán "mục dân": trị dân.
18.Dinh tiền: trước dinh.
19.Xốn xang: xôn xao, thổn thức, (tiắng miền Nam)
20.Hán giang: có bản chép là Hàn giang, xét ra không đúng nghĩa. Hàn giang tức là sông Hán (sông Ngân) trên trời; theo chữ Hán, sông này có nhiều tên: Thiên hà, Thiên hán, Ngân hà, Ngân hán, Vân hán, Hà hán.
21.Ô kiều: cầu Ô. Theo các sách Hoài Nam và Phong tục ký: Ðêm thất tịnh (đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch) chim ô thước (quạ và vẹt) sắp hàng làm cầu bắc qua sông Ngân cho vợ chồng Ngâu gặp nhau. Câu này nói: Nguyệt Nga chưa được gặp Vân Tiên mà nhân duyên lỡ dở, cũng như vợ chồng Ngâu chưa được gặp nhau trên sông Ngân, mà nhịp cầu Ô đã long mất, rơi mất rồi.
22.Phù du: con vờ, một thứ trùng có cánh, hay bay trên mặt nước, sống một thời gian rất ngắn. nói đời ngước, sống một đời người ngắn ngủi.
23.Ðồng tịch đồng sàng: cùng giường cùng chiếu, chỉ vợ chồng.
24.Cửa sổ ngựa qua: nói đời người chóng qua như bóng ngựa chạy qua cửa sổ
25.Dẫu thay mái tóc phải nhìn qua mối tơ: dẫu tóc bạc tuổi già cũng phải giữ lấy mối tơ.
26.Cáo tạ: cũng như cáo từ, từ tạ với chủ nhân đạ xin về.
27.Dám chịu: dám nhận
28.Tre còn măng mất: nói cha già thì còn, con trẻ thì đã chết.
29.Gia thần: người hầu hạ trong nhà quan.
30.Ðèn sách ghi lòng: ký chú việc đèn sách.
31.Vùa hương: bình hương
32.Dương gian: khoảng có mặt trời chiếu tức cõi sống.
33.Âm cung: âm phủ, chỗ toàn bóng tối, tức cõi chết.
34 Thành thân: nên vợ nên chồng, nói: sống không lấy được nhau, không biết chết xuống cõi âm có được thành vợ thành chồng không?
35.Cưu mang: ôm ấp, bận bịu, lo ngại.
36.Loan phụng: hai chữ chim thường dùng để tượng trưng cho vợ chồng đôi lứa tốt đẹp
37.Gối chích: gối chếch (lệch). Nệm nghiêng gối chích: nói loan phụng phải rẽ nhau, tình cảm đổi xây đột ngột nệm gối như bị xô lộn mà nghiêng lệch đi. Chữ Hán cũng dùng: khi trầm (gối nghiêng).
38.Sông Ngân: xem chú thích ở câu 245, 246.
39.Cầu Lam: chữ Hán Lam kiều, tức cầu trên ngòi Lam (Lam Khê) ở huyện Lam-Ðiền tỉnh Thiểm-Tây (Trung-quốc). Theo sách Thái-Bình quảng ký. Bùi Hàng đời Ðường gặp bà tiên Vân Kiều cho bài thơ, trong có chữ Lam Kiều, sau Hàng đến trạm Lam-kiều, khát nước, vào xin một bà lão gần đấy, được Vân Anh, con gái bà đưa nước ngọc dịch (thứ nước tiên) cho uống. Hàng thấy Vân Tiên tuyệt đẹp, muốn lấy, bà lão bảo: bà cần dùng cối ngọc và chầy ngọc để gia (luyện) thuốc huyền sương (thứ thuốc tiên) nếu có những thứ ấy làm sính lễ thì gả cho. Hàng về tìm được cối chầy ngọc đưa đến lại ở đấy giã thuốc tiên cho bà một trăm ngày, rồi Hàng lấy Vân Anh và hai vợ chồng cùng thành tiên (Truyện Kiều: "Chầy sương chưa nệm cầu Lam", sương tức thuốc huyền sương.
40.Tiết: xem chú thích ở câu 6 và câu 164
41.Thái sư: chức quan to nhất triều đình
42.Xăng: xe chặt, gắn bó
43.Mai chước (mối chước): người làm mối trong việc lấy vợ, lấy chồng
44.Lễ nghi: các cuộc lễ có nghi thức chương trình, cũng có nghĩa là các lễ vật. Ðây là các lễ vật mà Thái sư đưa đến để hỏi vợ cho con.
45.Ô-qua: Theo Gia định Thông chí thì ở miền Châu-Ðốc Hà-Tiên trước kia thường có giặc Qua Oa ở ngoài bể vào cướp phá. Quân Miến-Ðiện xưa, còn gọi là Ô-đỗ cũng hay đe dọa miền Hà-Tây, Châu-Ðốc. Có thể là Nguyễn Ðình Chiểu đã nhớ lại những giặc xâm lược này mà đặt tên nước Ô-qua chăng.
46.Binh nhung: binh sĩ, cũng có nghĩa là khí giới. Ðây chỉ binh sĩ. Dấy loàn: làm loạn. Nói nước Ô-qua đem quân quẫy nhiễu cõi biên.
47.Ðồng-Quan: một cửa ải hiểm yếu ở biên giới Hán Hồ.
48.Lưỡng ban: hai ban văn võ. Quân thần: bầy tôi trong một triều đình
49.Cừu: thù hằn
50.Khuynh thành: nghiêng thành. Lý Diên Niên đời Hán có câu ca: "Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc" (có bản chép là "Nhất tiếu"... "tái tiếu"...), nghĩa là một cái nhìn làm nghiêng thành, hai cái nhìn làm nghiêng nước (hay một cái cười... hai cái cười...), nói: cái nhìn (hay cái cười) của người con gái đẹp khiến vua chúa phải say mê đến nỗi mất thành mất nước. Do đó, người ta thường dùng danh từ "khuynh thành" "khuynh quốc" để chỉ những người con gái có sắc đẹp.
51.Hào hoa: hào là khí phách khác người, hoa là văn vẻ tỏ dạng.
52.Châu phê: vua hạ bút son phê vào tờ chiếu chỉ (châu: son)
53.Cống Hồ: đem dâng cho nước Hồ (tức nước Hung-nô ở phía Bắc Trung-quốc, người Trung-quốc thường gọi là nước Hồ)