KIẾN TRÚC
Độc đáo kiến trúc nhà ở Tây Nguyên

Một trong những nét đặc trưng của văn hóa vật thể Tây Nguyên là kiến trúc nhà ở. Nhà rông của các dân tộc Bana và Sêđăng được coi là biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên.
Hình ảnh thường thấy là những mái nhà hình lưỡi rìu hoặc mái tròn cao hàng vài chục mét, chỉ hoàn toàn làm bằng tre nứa và lạt buộc. Kết cấu càng lên cao càng nhỏ lại đòi hỏi người thợ dựng nhà phải hết sức khéo léo mới không để xảy ra tai nạn. Tranh dùng để lợp không đánh thành tấm mà được người lợp nắm lại thành từng nắm, kết hợp với nhau rất phẳng phiu, không cần có lạt buộc mà đơn giản chỉ là bẻ gập đầu những nắm tranh quặp vào những chiếc rui mè. Các tấm liếp, vách, đầu hồi bằng tre nứa... được các nghệ nhân tạo nên những đường nét hoa văn trang trí dày đặc rất độc đáo.
Có thể phân biệt sự khác nhau của nhà rông Jrai, Bana và Sêđăng bằng cách xem xét độ cong của vòm mái, nhất là những hình trang trí ghép bằng nứa hoặc bằng gỗ trên đỉnh nóc. Nhà sàn dài của người Êđê, theo trường ca sử thi Đam San, có thể "dài một hơi ngựa chạy", hoặc "dài như một tiếng chiêng". Hệ thống xà dọc, gồm toàn những cây gỗ to một vòng tay ôm, dài tới hàng chục mét được dùng rìu gọt nhẵn đến bóng láng, kê gác lên nhau không có đinh mà vẫn đứng vững hàng chục năm giữa cao nguyên lộng gió.
Thậm chí nếu cây không đủ độ dài của nhà thì cũng khó mà tìm ra điểm ghép nối giữa hai thân gỗ. Trong nhà dài của người Êđê có một hiện vật không thể thiếu. Đó là chiếc ghế dài (kpan) để các nghệ nhân ngồi khi đánh chiêng. Chiếc kpan này được làm từ nguyên một thân cây cổ thụ lớn, có thể dài đến hơn 10 mét, rộng từ 0,60 đến 0,80 mét. Một đầu thân ghế cong lên như hình dáng mũi thuyền, chân ghế liền vào thân, không hề có đục, gá. Những chiếc Kpan điêt (ghế nhỏ) cùng với chiếc Jhưng (giường nằm của riêng ông chủ nhà), cũng bằng cả một thân gỗ liền nhau như thế và những bộ chiêng, ché quý làm nên biểu tượng của sự giàu có và sang trọng của một gia đình Êđê.
Người Jrai vùng A Yun Pa thường dựng nhà sàn có hệ thống chân cột to lênh khênh, phù hợp với đặc điểm thiên nhiên 6 tháng mưa và miền sông nước bao quanh. Người Lào vùng buôn Đôn (Đắc Lắc) còn lợp nhà bằng hàng trăm mảnh gỗ nhóm 1 xếp lớp lên nhau, mỗi mảnh to bằng một viên gạch. Những tấm "ngói gỗ" này đã tồn tại hàng trăm năm, trong sự khắc nghiệt của mưa nắng cao nguyên. Hàng cột, nhất là cột chính của gian đầu tiên, hay xà ngang ở hàng hiên, xà ngang đầu tiên trong nhà rông, nhà sàn, là nơi để nghệ nhân thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, với những hình khắc nổi các loại thú rừng (hươu, voi, cheo, thỏ...), thủy sản (thuồng luồng, rùa, cá... ), chim muông, hình mặt trăng, mặt trời, những đường nét hoa văn chủ đạo thường thấy xuất hiện trong thổ cẩm của từng dân tộc...
Ở vùng người Bana, Chăm tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định còn có một loại phên dùng để lót sàn nhà rất đặc biệt. Đó là những thỏi gỗ hoặc mảnh nứa dày nhỏ như đầu ngón chân cái được nối với nhau thành tấm theo cách khớp từng mảnh lại, gác lên các thanh dầm gỗ sàn nhà. Trên sàn có trải chiếu ở chỗ mời khách ngồi, hoặc chỗ nghỉ ngơi của chủ nhà...
Gần đây, ở một số vùng dân tộc Tây Nguyên có đời sống kinh tế phát triển đang rộ lên phong trào xây dựng nhà theo kiểu biệt thự trong các buôn làng. Tuy nhiên, cũng có một số buôn Êđê, điển hình như buôn Đinh, xã Dliê Mông, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắc Lắc, bà con vận động gần như cả thôn làm nhà xây nhưng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, rất sáng tạo. Song kiến trúc nhà biệt thự đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng Tây Nguyên. Có một nhà dân tộc học người Nga đã nói: "Đến các vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, tôi khâm phục việc tổ chức điều kiện sống rất thông minh, rất phù hợp với thiên nhiên và môi trường của bà còn".
Việc đầu tư gìn giữ những nét độc đáo đặc trưng trong kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tây Nguyên trong hiện tại sẽ là một việc làm rất có giá trị văn hóa, góp phần không nhỏ cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa vật thể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.