Phần 01

Chế Bồng Nga, lẽn về thăm nước cũ, lúc ấy, mải miết theo con đường núi phủ rêu cằn… Chàng đổ bộ từ xa, xa lắm, từ cái làng con Bản Mê Thuật, mất tăm trong vùng biên giới Ai Lao.
Hành lý của Bồng Nga là một gói nhỏ, y phục của chàng là tấm áo lông chiên ngắn, cái quần chẽn ống, đôi hài sảo với con dao lưng to bản vỏ đồng.
Khuôn mặt chàng – khuôn mặt ngót ba chục tuổi, hơi gày- đã rám mầu sương nắng; nhưng, cái trán cao, đôi mắt sắc và cặp môi vắng hẳn nụ cười vẫn giữ cho dung mạo ông Hoàng vong quốc Chiêm Thành ấy một vẻ khác thường.
Bồng Nga, hơn một tháng trời lặn lội qua những rừng hoang vắng nối giẫy Trường Sơn với bờ Nam Hải, đã giày xéo lên bao nỗi gian nguy.
Mười lăm năm ẩn lánh quê người, chàng, lần ấy, mới có dịp đem linh hồn đáp tiếng gọi của Non sông.
Chàng bước nhanh, mềm mại và lẹ làng trong cái dáng đi của dân sơn cước. Vừa đi, chàng vừa nhìn cảnh vật rỡ ràng dưới ánh nắng, ánh nắng muộn tàn thu vùng bể thường có gió Nam ấm áp thổi đều.
Ðã trải những ngày u ám trong rừng, nay, tới đây, bỗng thấy vẻ sáng suốt của không khí, vẻ lộng lẫy của mặt trời, Bồng Nga có cái cảm tưởng dịu dàng và đột ngột như lạc vào một thế giới xuân. Nhưng, qua phút đầu bỡ ngỡ, chàng nhận ngay thấy nỗi buồn thu ẩn trong vẻ gượng tươi của sự vật: sắc mây trong đã vẫn mầu sương trắng, rừng hoang tàn cỗi âm thầm tiếc vẻ xanh phai và, dọc đường, trên nệm cỏ gà ngùn ngụt lửa chiều hôm, những khớm hoa nhầm tiết thẹn với sắc hương lỗi mùa.
Xa xa trong ngàn cây, những túp nhà chàm rụt dè, ẩn hiện, nhắc Bồng Nga nhớ tới bọn con dân ngu muội, sống vùi trong cảnh an tĩnh đáng thương.
Chàng thở dài…
Theo mãi con đường lửng lơ ngang núi, con đường với chàng đầy kỷ niệm, Bồng Nga, càng vào sâu cảnh cũ, càng thấy bồi hồi…
Mùa gặt bắt đầu. Ðồng ruộng dưới thung phơi mầu lúa chín. Trên nền vàng thẫm, bóng cò lấp lánh đưa thoi.
Bồng Nga, buồn trước cảnh chiều buồn, khẽ ngâm một khúc hát xưa bằng cổ ngữ Chiêm Thành và kéo dài một điệu, tả những nỗi nhớ mong dằng dặc của khách xa nhà.
Thỉnh thoảng, gặp cái xe trâu tải thóc về một cô thôn khuất nẻo. Bồng Nga dừng bước trông theo.
Vững vàng trên đôi bánh gỗ, những xe ấy lăn đều trong dịp mõ trâu rời rạc, để lại khúc đường sau một vệt thương thơm.
Bọn đánh xe, người nào cũng chân buộc hài sảo, lưng thắt đao ngắn, áo chàm phanh trước ngực, da đỏ thẫm như xành…
Nhìn lũ nông dân ấy, Bồng Nga thất vọng vì thái độ chúng thờ ơ. Hoạ hoằn, có kẻ liếc trông khách lạ, trông cho thoả sự tò mò giây lát để quên ngay, để còn về kịp trước khi trời tối hẳn.
Thế rồi, người và xe vụt khuất sau chòm cây rậm; con đường rêu phong lại vắng tanh dưói nắng chiều hôm…
Trơ một mình với cảnh, Bồng Nga như chiếc nhạn lạc ven trời. Chàng lại ngâm khúc hát xưa, ngâm bằng cả nỗi buồn chất nặng trong lòng.
Bồng Nga hát, trên ngàn sương lạnh, chiếc nhạn về Nam hoạ theo mấy tiếng bi thu.
Ánh vàng dần úa; rừng cây xào xạc hơi may.
Chỉ một thôi nữa, chàng sẽ được nhìn thành quách Ðồ Bàn; chỉ một thôi nữa… nhưng, hình ảnh cố đô, chàng đã thấy vẽ ra trước mặt, cố đô giờ có lẽ đã điêu tàn.
Quãng đường ngày càng dốc, đường càng dốc, Bồng Nga càng cặm cụi đi nhanh…
Bỗng, chàng đứng sững bên một gốc cây to, khoanh hai tay trước ngực, vẩn vơ nhìn.
Ðồ Bàn!… thì kia, như cái ảo tượng bất thần trong vùng lủua đỏ, kinh thành nước cũ, xa xa hiện trước mắt chàng, buồn rầu dưói bóng cờ Ðại Việt.
Mười lăm năm qua, từ phụ vương chàng, Chế Chí, phải vua anh Tôn nhà Trần lừa bắt, tông quốc chàng bị diệt vong… Mười lăm năm, một vực thời gian thăm thẳm, mười lăm năm ấy bây giờ là đây!
Trơ như một khối đá, Bồng Nga lặng yên nhìn… Chàng lặng yên nhìn trong cái yên lặng chiều thu; nhưng lông mày chàng dần nhíu lại, hai mắt chàng dần đẫm lệ, vành ngực chàng mỗi lúc một phập phồng.
Ánh tà phai, chung quanh người lữ hành đơn độc sự vật lùi xa, mờ nhạt, chìm khuất trong sương. Duy, chót vót đầu non, lửa chiều gần tắt hẳn, vẫn ngấm ngầm hun đốt cỏ cây vàng.
Chế Bồng Nga, bân gkhuâng, nhìn tổ quốc chập chờn qua ngấn lệ.
Một trận gió hắt hiu, một cái rùng mình chạy lướt trên người và cảnh. Cũng như vạn vật, cảm thấy hơi thu, Bồng Nga băn khoăn đến những ngày mưa gió lạnh lùng.
Cái thiên tính gia đình giục chàng nhớ lại bao điều tơ tóc, bao truyện xảy ra về những thu xưa: nào những buổi chiều u ám tiếp theo ngày sáng sủa. Bồng Nga, đứng tựa lầu cao, ngắm dải Cù Mông lẩn sau sương lạnh hay in một vết lờ mờ tím trên nền mây rực rỡ vàng; nào cảnh hoa rừng muộn nở quanh thành, đẹp như những nụ cười nhớ được trong giấc chiêm bao; nào những đêm mong đợi phụ vương săn bắn về khuya – ôi, phụ vương giờ đã vùi thân bên đất nước thù! – chàng lắng nghe mỗi khi tiếng lá chạy trên sân lạt sạt, những cuộc yến diên mừng chiến thắng, những phút mơ màng theo điệu hát cung nga.
Giờ thì thôi rồi! Hết thẩy đã tan theo xã tắc, đã chỉ còn là những ghi nhớ của một kiếp nào. Ngay đến thân chàng cũng vậy, cũng đã ba chìm bẩy nổi tháng ngày đi, đi mãi như lá thu theo gió vật vờ.
Mặt trời lặn, bóng đen, như một vết dầu, xoá nhoà sự vật, hơi lạnh thấu xương…
Một tiếng ngựa phi thốt khiến Bồng Nga tỉnh giấc mộng buồn. Chàng nhìn lại phía sau thì thấy, tự khúc đường xuyên sơn bên trái, một con bạch mã loán tới như giông.
Người ngồi trên yên, cố dàn mình xuống lưng con vật hoảng sợ, tay nắm bờm, vế quắp chặt vì đã dứt rơi đâu hết dây cương, bàn đạp.
Mặc dải lưng điều với mớ tóc bay tung, vị thanh niên mã thượng hết sức giữ mình cho khỏi ngã. Nhưng sườn núi cao, lòng dộc thẳm, sự rủi may của người lạ chỉ sai nhau chừng một đường tơ.
Bồng Nga không đành chớp mắt trước cái tai nạn lớn lao nhường ấy. Chàng sắn tay áo, chờ khi ngựa đến, thốt văng mình ra cản. người lạ, nhảy xuống đất, vỗ về con ngựa đoạn cười và bảo Bồng Nga:
- May quá! nếu chẳng nhờ tay hiệp sĩ, tôi ắt đã mạng vong rồi.
Giọng người tuổi trẻ êm như hơi xuân, Bồng Nga giật mình nhìn kỹ mới hay ai đó là một thiếu nữ trượng phu.
Trời, lúc ấy, đã tối sẩm, nhưng Bồng Nga vẫn còn được ngẩn ngơ trước gương mặt ngọc và đôi mắt long lanh như sao buổi êm trời.
Thiếu nữ, quen thói nhà quyền quý, cởi thanh gươm bên mình, trao tận tay Bồng Nga:
- Túc hạ làm ơn nhận cho thanh bảo kiếm, vì tôi trót có lời nguyền suốt đời chẳng chịu ân ai.
Bồng Nga, mích lòng vì cử động của cô gái lạ, vội ngắt lời nàng:
- Xin tiểu thư chớ coi làm một ân trọng, cái cử động rất thưòng của nam nhi ấy.
Giật mình, thiếu nữ hỏi:
- Người quê ở đâu ta? Sao nói tiếng bản quốc thông thạo như vậy?
- Bẩm, tôi là người của bốn phương trời.
Câu nói bí mật của người thanh niên bí mật càng khiến thiếu nữ ngạc nhiên.
Chàng mỉm cười. Nàng chữa thẹn:
- Hiếp sĩ dù chẳng kể là ơn cũng xin nhận lấy một vật làm ghi.
Bồng Nga, nể lòng, đành nhận.
Thiếu nữ tươi cười:
- Tôi phải về kẻo phụ thân tôi mong. Nhưng, kíp chầy thể nào tôi cũng tìm đến bái yết tận quý ngụ, vì tôi chắc người còn lưu lại trong thành.
Dứt lời, nàng cúi chào, đoạn nhẩy lên yên. Khi bóng giai nhân đã mất vào đêm tối, Bồng Nga, nhoẻn nụ cười lãng mạn, nói một mình:
- Ta về nước chuyến này, tình cờ gặp cô gái Ðại Nam tặng thanh gươm báu, phải chăng là ý Xanh Xanh muốn vì ta báo trước sự thành công.

°

*

Bồng Nga dằn rọc mãi trên nệm rơm khô…
Cõi lòng chàng có thể ví là một cảnh giông gió tơi bời. Sau, chừng không thể nằm yên được với trăm mối sầu thương nung nấu, vả còn muốn nghe sự vật rỉ thầm, Bồng Nga vùng dậy, mở cửa nhà trọ, lẻn ra.
Trống lầu vừa điểm canh hai.
Mấy tiếng đột ngột giữa đêm thanh gieo vào tâm trí Bồng Nga những âm hưởng rất buồn. Quanh mình chàng, đìu hiu, man mác… cuộc sống trên thế gian như đọng lại, như nín hơi trước giờ xuất hiện của Tử thần.
Bồng Nga rùng mình, cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Mà cảnh đêm có lẽ chẳng bao giờ sáng nọ như bắt chàng phải nghĩ đến cuộc đời chàng, cũng mịt mù u ám, cuộc đời không chắc ở mai sau.
Buông tiếng thở dài, chàng thất vọng. Nhưng, chàng vội gượng ngay, gượng thu hết nghị lực cuối cùng để rồi còn chống nhau với số mệnh.
Sự quả quyết giục chàng đi: Phải hoạt động khuây buồn. Chàng đi, không chọn lối, nhưng vẫn cố tìm dấu vết xưa.
Thì đây, cái khối đén lù lù hoang vắng nọ, hẳn điện cũ vua Chàm. chốn thâm nghiêm giờ bỏ mặc sự tàn phá của thời gian! Với kẻ vô tình, chẳng qua là một mớ đá vôi lổng chổng; với Bồng Nga, thương ôi! Nó là hết thảy những cái mất rồi!
Lại kia!… Mấy ngọn tháp buồn rầu, còn nhớ chăng ngày đắc thắng, hay cũng mềm gan đá với tang thương?
Cả khoảng đất thênh thang này nữa! Bãi tha ma ấy vốn xưa là một cảnh võ trường!
Nước non thay mặt cũ rồi, tấn tuồng đào thải cợt người hồi hương…
Bồng Nga nắm chặt hai bàn tay, đầu choáng váng, tai ù, trước mặt thoáng qua màng máu đỏ. Chàng cảm giác như bị mũi dao đâm trúng ngực, hơi thép còn lạnh thấu tim.
Những ý nghĩ não nùng về định phận loài người, về sự nổi chìm của phú quý, về nỗi hưng vong các quốc gia dồn dập nhau trong tâm trí ông hoàng tuổi trẻ.
Hai mắt trừng trừng, Bồng Nga nhìn bới móc cảnh hoang tàn…
Dưới tầng lá kín, bóng đêm dầy, những thân cành trơ trụi in lên nền trắng đục loang loáng mây đen; cỏ cây, rũ hạt sương đêm như khóc ngày linh lạc…
Bồng Nga, chợt nhớ sự rắp định mang theo, bỗng giơ tay, trợn mắt:
- Hỡi Nam Man kiêu hãnh! Ta thề quét sạch chúng bay.
Một tiếng xì xào tiếp theo câu phát nguyện, hình như tàn hồn cố quốc đã chứng nhận cho nhời chàng phát nguyện.
Chàng lại đi…
Một tiếng đờn ca văng vẳng khiến Bồng Nga vô tình cứ lững thững tiến đến một khu vườn đầy ánh sáng đèn lồng đỏ. Cửa vườn sẵn mở, chàng lùi lũi tiến vào. Một tiếng reo:
- Ô kìa tráng sĩ!
Bồng Nga giật mình ngẩng mặt: thiếu nữ ban chiều.
Nàng vui vẻ quay lại nói với một ông già đạo mạo:
- Thưa cha, đây là tráng sĩ đã cứu con lúc ban chiều!
Và, quay lại phía Bồng Nga, nàng giới thiệu:
- Thưa tráng sĩ, còn đây là Ðỗ Tử Bình Tướng Công, phụ thân của thiếp.
Vị quan lớn liền tươi vẻ mặt, hớn hở bảo chàng:
- Lại có duyên kỳ ngộ ấy ư? Ðỗ Tử Bình này xin kính chào túc hạ. Thực, người đã cho lão phu chịu một cái ân nặng tầy non vậy.
Vừa nói, Ðỗ công vừa trỏ ghế bảo chàng ngồi.
Hôm đó là ngày sinh nhật của Ðỗ công, nên trong tướng phủ mới có hội hè khuya thế.
Chủ khách vừa yên vị, trên án đã bầy tiệc hoa. Ðỗ công ân cần mời mọc lại hỏi thăm Bồng Nga về thân thế chàng.
Bồng Nga lựa lời đối đáp khiến Ðỗ công rất vui lòng. Không những vậy, chàng còn khéo ranh mãnh dò biết tên vị tiểu thư là Nam Trân, con gái một rất nuông chiều của Ðỗ công.
Bồng Nga lấy làm sung sướng biết được điều cần biết, chàng coi là một sự đắc thắng êm đềm.
Trong lúc ấy thì, rượu ngà ngà say, Ðỗ công truyền tiểu thư dạo đờn.
Nàng, không e lệ, tức khắc vâng theo phụ mệnh.
Bổng trầm vừa mấy tiếng thoảng qua, chàng tuổi trẻ đã bâng khuâng như lạc vào cõi mộng. Thả linh hồn theo dịp sóng thanh âm, chàng vơ vẩn nhìn Nam Trân…
Dưới ánh sáng lung linh, Nam Trân thực là một vẻ đẹp tuyệt vời. Tuổi chừng 19 đôi mươi, nàng tuy mềm mại yêu kiều, nhưng thân thể rất tròn trặn, in những nét hữu tình trong nếp áo là xanh; vẻ mặt ngây thơ mà dạn dĩ; hai bàn tay xinh xắn, nhẩy nhót trên lớp tơ đồng như đôi bướm trắng rờn hoa.
Nàng hát théo đờn, hát bằng một giọng ngậm ngùi dìu dặt, khiến người trong tiệc ngẩn ngơ lòng. Âm nhạc ấy thế là định hẳn cuộc mai sau của đời chàng vậy.
Trôi giạt đã nhiều, đau khổ đã nhiều, Bồng Nga như chiếc thuyền bạt gió cần nghỉ ngơi trong cái hải cảng bình tĩnh. Vả, bấy lâu đơn độc, ngoài tấm lòng thờ nước, chàng chẳng từng yêu; trái tim vẫn như một thứ bảo vật chưa dùng.
Nay, trước mặt nàng, Bồng Nga thốt có cái cảm giác êm đềm, thư thái lạ; tấm lòng chàng, lần thứ nhất, rung động vì tình.
Chàng yêu Nam Trâm, yeu một cách ngẫu nhiên, yêu một cách say đắm, yêu như con chim yêu cái ánh sáng đầu tiên của mặt trời xuân. Chàng nẩy ra cái ý muốn được cùng nàng sống chung một cuộc đời yên lặng an nhàn trong một cõi thế giới riêng thơ mộng. Chàng tự hỏi có nên lánh xa sự thế, mặc quách biển dâu, gác bỏ mối hoài bão trong lòng?
Tiếng đờn ca vẫn lên bổng xuống trầm; Bồng Nga vẫn tơi bời trăm mối nghĩ…
Nhưng, sau khúc não nùng, Nam Trân lại chuyển sang bài hát Chiêm thành. Những điệu hùng tráng bỗng như trận gió xuân ấm áp đánh ta hết mộ khí của lòng chàng.
Tỉnh cơn say, Bồng Nga lại thấy hăng hái, lại thấy cái tàn hồn của tổ phụ lởn vởn quanh mìh.
Chàng hổ thẹn, nghe trong lòng như có tiếng ai trách mắng:
- Hỡi đứa con hư đốn của dòng giống anh hùng! Ngươi vừa nghĩ gì có còn nhớ lời thề của nghĩa vụ của ngươi? Ngươi có còn nhớ lời thề của ngươi khi về thăm phần mộ tiền nhân? Ngươi có biết đời ngươi đã hẹn với một nhiệm vụ thiêng liêng, đã không thuộc quyền ngươi nữa? Cớ sao ngươi dám ngôn gcuồng, toan đem tình lụy buộc mình? Ngươi há không biết rằng đời ngươi là cái đời cần phải hy sinh? Hãy để cho bọn dung thường ích kỷ tìm kiếm những thú vui mà hiện nay ngươi phải lánh xa. Mơ mộng đi, vì đó là cái bệnh của ngươi; nhưng hãy mơ mộng những sự nghiệp đáng với mặt anh tài.
Mệnh lệnh của lương tâm đến đây thì bài anh hùng ca vừa dứt tiếng. Trăng mờ sương toả, tiếng gà giục giã cuộc vui tàn…
Bồng Nga đứng dậy, cáo từ. Ðỗ tướng công yêu chàng vì nết, lại cảm chàng vì ân, tỏ lòng quyến luyến:
- Sự gặp gỡ của chúng ta là một điều hạnh ngộ, túc hạ vội chi về? VẢ, đêm đã khuya rồi, chi bằng túc hạ nghĩ luôn trong phủ là hơn.
- Tướng công sẵn lòng đoái tưởng, vãn sinh vô cùng cảm ta. Nhưng vãn sinh còn chút việc riêng nên…
- Túc hạ về bây giờ, lão hu áy náy, vị tất ngũ được yên. Hay túc hạ cho biết quý ngụ để mai sớm, lão phu sai người lại đón.
- Ðiều ấy, xin tướng công chớ ngại, vãn sinh còn mong được thỉnh giáo tướng công nhiều.
- Nếu vậy, hay! Cửa hầu tuy thăm thẳm mà lúc nào cũng rộng mở đớn khách anh tài vậy.
… Trên con đường vắng dưới trăng mờ, Bồng Nga cúi đầu lủi thủi…
Tiếng gọi của lương tâm, chàng còn văng vẳng nhớ, song, than ôi! Lòng chàng vẫn có nhiều lẽ phải không ngờ!

°

°
Nam Trân, ngả mình trên kỷ trầm hương, vơ vẩn nghĩ…
Cảnh phòng khuê trong ánh rèm châu xanh phớt, cũng đượm vẻ mơ màng.
Nam Trân buồn, nỗi buồn không duyên cớ, thắm thía tựa mưa xuân.
Với nét hoa cau có, hai mắt đăm đăm, làn tóc đen buông xoã, vóc mai lả lướt trong những nếp áo thướt tha, Nam Trân bâng khuâng giữa cảnh mơ hồ, phảng phất như một nàng tiên.
Cửa phòng mở ra khoảng rừng cây trùng điệp, mầu lá xanh hoen ố sắc thu vàng. Cái phong vị hoang giã, thiên nhiên thêm vào cảnh khuê môn sang quý một cảm giác thần linh, mộng ảo.
Tự rừng sâu, thỉnh thoảng, rúc lên một hồi tù và, âm thầm đứt nối, buồn như những tiếng gọi xa xa. Tiếng gọi xa khiến nàng hồi hộp, ước mong những cõi lạ phương trời, những cảnh tượng đẹp như Bồng lai, ghê như Ðịa ngục, những cảnh ngoài cuộc đời nàng mà thanh niên kỳ dị kia chắc đã trải qua.
Nam Trân cũng không rõ tại sao nàng mơ tưởng lạ lùng đến thế. Nhưng, nếu được phiêu lưu, nếu được chia sẻ cùng chàng nỗi cầu sương dặm tyết, nàng, lúc ấy, có lẽ bớt được nhiều ân hận bên lòng.
Phải, nàng sẽ bớt được nhiều ân hận bên lòng vì, từ ngày khi gặp gỡ, chàng tuổi trẻ kia đã in sâu trong trí nhớ Nam Trân một ảnh tượng rất buồn; cái ảnh tượng kiếp giang hồ luân lạc với hết thẩy những sự cực khổ trên đường đời, những nỗi lạnh lùng trong quán khách, những bữ no đói không thường, những cảnh gió mưa bất nhât, những khổ biệt li, những sầu tưởng nhớ, những ngày tuyệt vọng rất dài, những đềm dằn rọc thâu canh…
Ðể anh hùng đến bước lầm than, không gia đình, không tổ quốc, tội ác đó là thuộc về chủng tộc nàng tham tàn, ỷ mạnh.
Nam Trân vùng đứng dậy, buông tiếng thở dài…
Vùua lúc ấy, thị nữ đưa vào một mảnh hoa tiên:
- Thưa tiểu thư, người khách lạ hôm qua, vì thấy tiểu thư ưa điệu Chiêm Thành, gửi tặng tiểu thư khúc hát này.
Nam Trân, xúc động, tiếp lấy tờ hoa, nhưng nàng đành chịu không xem nổi thứ chữ ngoằn ngoèo đó.
Nàng truyền gọi nữ nhạc sư, một cung nhân của Chiêm vương hồi nọ và sai dạo thử nàng nghe.
Vâng lời, cung nhân tiến lại trước cầm đài, xo dây, khẽ nắn…
Nam Trân, thổn thức, lắng tai chờ….
Dưới ngán tài hoa, thanh âm bắt đầu tỉnh thức não nùng…
Nữ nhạc sư, theo đờn, cất tiếng hát sang Nam âm để tiểu thư dễ hiểu.;
Nam Trân, chừng nhận thấy ngụ ý bài ca, tê mê như người lỡ nhắp phải me nồng. Thỉnh thoảng, một tiếng thở dài khiến cho ngực nàgn thổn thức, chuỗi ngọc trai rung động như nước loáng tầu sen. Có khi một tia sáng lập lòe trong cặp thu ba đắm đuối, Nam Trân vội cắn chặt vành môi, cố giữ sự xúc cảm.
…. Tiếng đờn ca thốt im bặt… tiếng nức nở tiếp theo sau. Nam Trân tỉnh cơn mơ màng, nhìn cung nhân lúc ấy đang hạt lệ vắn dài.
Ngạc nhiên nàng hỏi:
- Cớ sao già khóc?
- Xin tiểu thư bỏ qua cho, ngu hèn này thực muôn phần đắc tội. Nhưng, tiểu thư ơi, mười lăm năm chợt nghe khúc cũ, tôi như thấy sống lại cả đoạn sử vong quốc Chiêm Thành. Nỗi nước, tình vua, nói sao cho xiết.
Nam Trân cảm động:
- Thế khúc hát kia, già co biết ai đặt ra chăng?
- Bẩm, khúc này ý mới nhưng là điệu cũ của Hoàng tử Chế Bồng Nga.
- Của Hoàng tử Chế Bồng Nga?
- Vâng, nguyên khi quốc vương tôi phải Hoàng đế nhà Trần bắt đi, vương hậu tôi tử tiết trong cung cấm, Hoàng tử Chế Bồng Nga vội giả dạng tìm nơi ẩn lánh chờ dịp phục thù. Lúc giấn thân vào bước phong trần Hoàng tử hát điệu ấy để tả mối sầu khứ quốc ly hương.
… Trời ôi! Thương thay cho Ðông cung!….
- Làm sao?
- … Chẳng biết Ðông cung trôi giạt nơi nào, vẫn còn hay đã mất, dung quang phỏng được như ngày bước ra?
Nam Trân cau đôi mày liễu, nhìn xa làn khói toả ngọn rừng. Một sự ngờ vực bỗng thoáng qua trí nàng như ánh chớp.
Ừ, có thế chẳng? Có lẽ thanh niên bí mật kia đích thị Hoàng tử Chế Bồng Nga? Cái chứng cớ hiển nhiên là, ngay buổi đầu gặp gỡ nàng đã cảm thấy ai có vẻ khôi vĩ khác thường. Nam Trân thở dài… Ái tình từ trước vẫn núp náu trong lòng nàng bây giờ xuất lộ, rực rỡ như ánh nắng xuân. Tấm yêu nồng cháy vì, bên trong, có lẩn sự ái ngại sâu xa. Nàng cho rằng một người có cái thân thế như thân thế Bồng Nga cần phải được mối tình yêu nhưtình yêu đang rung động trái tim nàng. Nếu không thì, với chàng, cuộc đời chẳng hoá xấu xa lạnh lẽo biết chừng nào!
Nam Trân cũng thừa hiêủ rằng yêu một người thù đệ nhất của nước Ðại Nam, một người mà, nếu biết rõ tung tích, phụ thân nàng sẽ trừ khử ngay, là không thể được. Nhưng, chính sự không thể ấy càng khiến cho tình yêu kia thêm mạnh. Những ngỗi hiểm nguy, những niềm đau khổ mai sau, Nam Trân coi lấy làm thường. Hi sinh cả hạnh phúc, cả sự yên ổ, cả tuổi xuân tươi để bù lại cho Bồng Nga những nỗi thiệt thòi bấy nay, theo ý nàng, chẳng có chi là quá đáng.
Nam Trân nhận ra ý nghĩa sâu xa của sự hi sinh, lấy làm vui vẻ.
Nàng quay lại, hỏi cung nhân:
- Người tuổi trẻ, hôm qua ngồi uống rượu với tướng công, già thấy thế nào?
- Vì là quý khách nên ngu hèn này không dám đường đột.
- Bây giờ phỏng gặp Hoàng tử Chế Bồng Nga già có nhận được chăng?
Cung nhân rụt dè, không đáp.
Nam Trân hiểu ý:
- Già còn ngờ vực là vì chưa rõ lòng tôi…
Gương mặt ngọc bỗng nhuộm mầu hồng.
Cung nhân, nắm lấy tay nàng, khẽ hỏi:
- Tiểu thư ý định nói gì?…
- Người khách lạ ấy, theo ý tôi, chính là Bồng Nga Hoàng tử. Tôi tin chắc như vậy nên đang tìm cách giúp đỡ. Người thoát khỏi những tai nạn bất thường.
Cung nhân, ứa nước mắt, tạ ân nàng:
- Tiểu thư có ý tốt như vậy, thực may mắn cho dòng giống Quốc vương tôi! Vâng, tôi có thể nhận được, nếu tôi gặp mặt Ðông cung.
Nam Trân mừng rỡ, hẹn có dịp sẽ cho nữ nhạc sư ngầm ra nhận mặt Bồng Nga.
Lính hầu, vừa lúc ấy, dắt ngựa vào chực dưới thềm. Nam Trân tiểu thư vội thay áo chẽn, đeo cung tên, thắt bảo kiếm ra thành rạo chơi săn bắn.
Lúc nhìn con ngựa bạch, nàng cảm động than thầm:
- Bồng Nga chàng hỡi! Ðôi ta cớ sao lại là hai giống địch thù?

°

*

Bồng Nga, như chiếc bóng lẻ loi buồn, thẩn thơ trên dấu vết lâu đài của tổ phụ…
Mỗi viên gạch nát, mỗi phiến đá long đối với chàng, là một mảnh đời dĩ vãng tan tành.
Ngậm ngùi, chàng nhìn lớp cổ thụ đồng thời với các tiên vương hào hoa phong nhã, những voi ngựa đá rêu phong, những tháp cao nghiêng lệch, ủ e như bọn người già cả, yếu đau.
Qua sân rộng vắng tanh, lau chờm cỏ mọc, chàng bước lên thềm điện chính, tìm những ảnh tượng thân yêu trong khoảng mái long, tường sập, sau vẻ son nhạt vàng phai.
Mối cảm hoài nung nấu lòng chàng như lửa cháy ngầm trong đống trấu. Chàng ngồi xuống một đoạn cột đá to, khuỷu tay chống gối, bàn tay đỡ cằm, tia mắt xa xôi mơ mộng…
Không khí quanh mình chàng nặng nề cái cảm giác chết, cái chết âm thầm dưới những nụ cười hoa muộn, nắng thu.
Một tiếng rẵng hắng sau lưng; Bồng Nga quay lại…
Nam Trân – vì chính nàng – giơ tay trỏ vòng quanh trước mặt, đoạn hỏi Bồng Nga:
- Lớp tuồng thành bại phải chăng đã làm nát ruột anh hùng?
- Vâng, buồn lắm thực! Cảnh này, ai dám bảo là di tích một kinh thành lớn lao, thủ phủ một quốc gia hùng mạnh? Ai dám ngờ rằng, đã một thời, một dân tộc đô hội sống hở đây? Những bức tường xiêu đổ, năm tháng gặm hầu mòn, đã ủ ấp, che đậy bao vẻ sa hoa tráng lệ, đã chứng kiến bao sự đắc ý kiêu căng, đã lắng nghe bao tiếng cười ròn chen lẫn cung dờn giọng hát! Những gạch đá bộn bề nọ trước kia là lầu các thâm nghiêm. Những cây bùm tum đã che mát cho bao nhiêu sắc nước hương trời…
Mà nay, cả một đế kinh, chỉ còn trơ lại thế thôi, cả một nền uy vọng hiển hách chỉ còn lưu được một chút ghi nhớ lờ mờ…. Ðiện chúa, cung vua làm nơi hò hẹn của thằn lằn, các kẹ!
Nam Trân nhìn Bồng Nga một cách ý tứ:
- Bọn ta là người thường, đối cảnh hoang tàn, còn có những ý nghĩ man mác như vậy. Chẳng rõ những bậc hoàng thân quốc thích Chiêm Thành, mỗi khi tới đây, tấm lòng bi kim tích cổ nung nấu biết chừng nào?
- Tiểu thư nói rất phải! Với các bậc ấy, cảnh này có thể gọi là cái mả lớn chôn vùi hy vọng…
- Lại như ông hoàng vong quốc Chế Bồng Nga, nếu đứng vào địa vị hiệp khách lúc này, người sẽ cảm tưởng ra sao?
Bồng Nga, làm bộ điềm nhiên hỏi:
- Tiểu thư có biết hoàng tử Chế Bồng Nga?
- Không, tôi không được biết người, nhưng nghe nói đến người nhiều lắm.
- Ý kiến tiểu thư đối với ông hoàng xấu số ấy ra sao?
Cúi đầu, Nam Trân nín lặng. Dưới nắng thu, sắc mặt nàng phơn phớt vẻ hoa đào…
- Hiệp khách hãy cùng tôi thử vào trong cấm điện này xem…
Nói đoạn, Nam Trân thướt tha lên trước, Bồng Nga đủng đỉnh theo sau..
Mỗi bước chân giày xéo lớp tro tàn là một mối thương đau cho người tuổi trẻ.
Khi tới thâm cung, nơi mẫu hậu chàng tử tiết, mười lăm năm về trước, Bồng Nga đành chịu, không ngăn nổi thương tâm.
Nam Trân nhìn lại… bốn mắt gặp nhau… yên lặng.
Trên ngọn tường rêu, đôi chim gâu cất tiếng khúc ái ân đột ngột giữa vùng hiu quạnh.
Nam Trân, gượng một nụ cười, hỏi riễu:
- Tôi tưởng anh hùng không nước mắt?
- Tiểu thư bỏ lỗi, tiểu thư nghĩ vậy là lầm, anh hùng nào phải giống vô tình.
- À ra thế! Nhưng này, người anh hùng, người có nhớ tôi là ai chăng?
Bồng Nga khảng khái:
- Có, tôi nhớ lắm! Tôi nhó tiểu thư là con gái Ðỗ tướng công, một thù nhân của nước tôi. Dầu vậy, dầu tiểu thư với tôi là hai kẻ địch, nhưng mối sầu chánh đáng của người lưu li, vong quốc này tưởng chẳng khi nào để cho một vị giai nhân có lượng như tiểu thư phải mếch lòng….
- Không những tôi không thù ghét mà, trái lại, tôi còn muốn giúp đỡ người tránh khỏi những sự nguy hiểm nó chờ người ở đây.
- Tiểu thư nói gì, tôi không hiểu…
- Người chóo giấu tôi. Ta đối với nhau cần chi phải dùng nhữngmánh khoé tầm thường. Vả, người giấu cũng không kịp nữa. Bài hát kia đủ cho tôi biết rõ lý lịch của người rồi.
- Thưa tiểu thư, đó chỉ là một bài hát….
- Phải, chỉ là một bài hát, tôi có cãi đâu, nhưng là bài trường hận của người, của hoàng tử Chế Bồng Nga.
Chàng ngạc nhiên, kinh hãi.
Nam Trân ôn tồn:
- Hoàng tử ơi, xin chớ bận lòng. Tôi chưa rõ tung tích của người mà rằng, một khi tôi đã biết, người có thể tin ở sự tận tâm của tôi.
Bồng Nga cảm động:
- Tiểu thư sẵn lòng thương xót kẻ bất hạnh này đến thế ru?
- Tôi không dám ngạo mạn thế. Nhưng, thực tình, tôi không muốn để cho hoàng tử phải lâm bước khốn cùng…
Nắm lấy tay Nam Trân, Bồng Nga thổn thức:
- Nam Trân! Những lời nàng vừa nói đó khiến tôi nhẹ hẳn nỗi lòng. Nam Trân hãy lắng nghe chim hót, hãy nhìn cảnh rực rỡ dưới nắng thu, hãy trông mặt trời tà lấp loáng bên kia rặng cổ tùng… Trên đường luân lạc, tôi chưa từng dám ước mong có một buổi chiều, trong khung cảnh này, được gần một người nhu Nam Trân… Nước đại nam nêú là thù địch của tôi, vì đã sinh ra Nam Trân, một nàng tiên rất an ủi, rất nhân từ…
Nam Trân nghe những lời nói ấy như nghe một khúc đờn. Ái tình thấm thía tim nàng như những giọt sương tưới bông hoa phơi dưới nắng chiều.
- Hoàng tử ơi, người có thể cho tôi biết rằng từ sau khi lìa bỏ quê hương, người đã phiêu lưu những chốn nào chăng?
- Phong trần lắm rồi, nàng ạ. Phàm chốn nào tấm thân phóng trục có thể ẩn núp lần hồi được, tôi đều qua cả. Tháng ngày tha mối hận trường lênh đênh thêm một bước đường một đau!
Nam Trân ngậm ngùi. Nàng cảm thấy một sự thương xót vô cùng. Nàng chỉ muốn bảo chàng: “Ðồng bào em đã khiến chàng vong gia thất thổ, em xin đem cuộc đời em bù lại cho chàng những nỗi thiệt thòi. Từ nay, trên đường mai sau, chàng sẽ không phải như chiếc nhạn lạc đàn; em sẽ theo chàng, sẽ cùng chàng ca khúc ái ân để quên hết nỗi nhọc nhằn, mưa nắng. Chàng vui đi…”
Hai người im lặng trong khung cảnh rực rỡ buồn. Hai trái tim, xa hẳn sự cạnh tranh, sự thù oán, thổn thức vì những cảm tình cao thượng sâu xa.
Mặt trời lặn. Giải núi tây, như con rồng biếc vẫy vùng trong đám lửa hào quang. Những cánh rừng xa thăm thẳm mờ mịt sương chiều. trên mặt đồng phẳng lặng, tuyệt mù không một bóng vang; có chăng từng quãng lâu lâu, một trận gió đưa, ngàn lau rào rạt như lũ oan hồn than tiếc một ngày sáng sủa đã tàn.
Bồng Nga thốt hỏi Nam Trân:
- Thời khắc này chẳng biết rồi ra còn lại thấy chăng? Hay, rút cục, chỉ là một giấc chiêm bao…
- Dù chỉ là một giấc chiêm bao, tôi tưởng cũng đủ lắm rồi!
Bồng Nga thở dài.
Nam Trân tiếp:
- Hoàng tử lại không biết đó sao? Hai chúng ta chẳng qua là hai mối đau khổ do sự thù oán của hai dân tộc gây nên.
Bồng Nga nhìn nàng, hai gương mặt cùng thiểu não…
…Bóng đêm trộn lẫn cả vật sắc chung quanh.
Mặt trăng nhẹ nhàng lên cao, toả ánh mờ xanh xuống những tường trơ, cột gẫy. Con chim từ quy bắt đầu ráo rác gọi đàn…
Nam Trân nói:
- Hoàng tử ơi, hai ta nên ra khỏi nơi này. Số phận của đời Nam Trân, từ đây, thế là quyết định.
Trái tim như thắt lại, Bồng Nga sẽ ép Nam Trân vào lòng hỏi:
- Nam Trân không thể là vợ tôi?
Nàng ngậm ngùi:
- Nhưng, chàng có thể là người dân của nước Ðại Nam chăng?
Nói dứt câu, nàng bỗng vùng chạy ra sân cỏ rậm, tháo cương ngựa, nhảy lên yên, xuống núi.
Trơ lại với muôn nghìn cảm giác, chàng ngơ ngẩn trông theo…
Dưới ánh trăng, bóng Nam Trân mỗi lúc một mờ, xa…

°

*

Ra khỏi nơi tàn phá đã xa rồi, Bồng Nga vẫn thấy trái tim rung động. Chàng như còn trông rõ cặp mắt của Nam Trân, cặp mắt trong sáng, tinh đời lại chan chứa mơ màng, thương xót. Tai chàng còn văng vẳng giọng nói du dương, nâng giấc và an ủi của thiếu nữ nhân từ. Bao nhiêu niềm đau, nỗi khổ trong lòng chàng, lúc ấy, tan đi như âm khí chốn hang sâu hé chút ánh dương. Những sự thù oán cũng dịu dần. Sau cái hình ảnh Nam Trân êm đềm, mỹ lệ, dân Ðại Nam không phải là một cừu địch tham tàn, hung ác nữa, chỉ là một dân kiêu dũng đã phạm vào sự tự do của người Chiêm Thành, đã làm mất cái quyền thiên liêng tuyệt đối của dân chàng, mà nay, chàng cần phải đời lại cho kỳ được, thế thôi. Việc khu trục dân Nam ra ngoài bờ cõi Chiêm Thành cũng chỉ còn là việc gây dựng lại sư thăng bằng giữa hai quốc gia hùng mạnh. Quan niệm của Bồng Nga đã thay đổi và lên cao được một tầng thì tâm linh chàng cũng theo đó mà bình tĩnh sáng suốt hơn.
Con đường chàng đi cứ chạy thẳng băng trước mặt, giãi ánh trăng trong. Giữa đêm trường yên tĩnh, chim từ qui ra rả, ve cuối mùa nỉ non, gió thoảng ngàn cây, run kêu nội cỏ, vạn vật như thiết tha cầu khẩn chút tình yêu…
Tâm hồn chàng là một bài thơ ân ái, thiên nhiên cũng là một bài thơ ân ái, hai bên cùng hoà theo một điệu say sưa…
Bồng Nga đi dưới ánh trăng, yên lặng cho linh hồn cảm thông với sự vật. Trong đời chàng, có lẽ Bồng Nga được biết lần này là một cái hạnh phúc tuyệt vời.
Nhưng, chàng bỗng giật mình…
Một người từ bụi rậm bên lề đường nhảy ra, gọi:
- Hoàng tử hãy thong thả!
Người lạ gọi bằng tiếng Chiêm Thành, có vẻ khác thường bí mật. Bồng Nga dừng bước, một tay nắm sẵn lấy chuôi gươm.
Phục xuống lạy xong, người lạ mặt hỏi chàng:
- Ðức ông quên tiện tốt rồi chăng?
- Không, nhưng hình như ta đã gặp nhau ở đâu một lần thì phải…
- Bẩm hai lần.
- Ðâu nhỉ?
- Lần thứ nhất, cách đây mười lăm năm, khi hoàng tử xuất bôn lánh nạn, chính tiện tốt đã theo hầu bên ngựa khỏi ngoài mưòi dặm tràng đình…
Bồng Nga cau lông mày, thờ dài:
- Ta nhớ rồi, thế còn lần sau?
- Lần sau, khi đức ông sai thượng tướng Bố Gia Luân từ làng Bản về đây chiêu mộ dũng sĩ, tiện tốt được theo hầu Bố tướng quân.
- À phải!… Nhưng, sao ít lâu nay ta không được tin tức gì về Bố Gia Luân cả?
- Thượng tướng Gia Luân đã chiêu mộ được hơn một vạn người, cho tản ra các miền quanh đây phá hoang cấy lúa. Hiện nay lương thảo sẵn, voi ngựa đủ, lại có mẹ tên Dương Nhật Lễ tự Thăng Long vào báo tin nội biến của triều đình nước Nam, chủ súy con, cho là cơ hội đã đến, vội sai con về Bản rước xa giá chúa công.
- Vậy, cớ sao ngươi đón ta chỗ này?
- Về đến làn Bản, tiện tốt nghe nói Ðức ông đi chiêm ngưỡng cố kinh nên vội trở lại đây. Lúc chiều, tiện tốt đã gặp Ðức ông qua con đường này…
- Bố Gia Luânb hiện ở đâu?
- Xin Ðức ông theo con.
- Nào đi?
Hai người lần vào dưới bóng cây to, viên tì tướng đi trước dẫn đường vì Bồng Nga không thuộc lối.
Hai người đi như thế một lúc lâu thì đến một con suối chảy thầm kín giữa rừng.
Một cái mảng nứa buộc sẵn bên gốc cơi to.
Vua tôi đều xuống rồi, chỉ ba mái khoát, mảng đã sang bờ bên kia.
Một con đường mạch chạy men theo bờ suối, thẳng vào rừng. Tới nơi, hai người dừng lại, vì từ nãy đã hết sức đi nhanh, không kịp thở, không kịp cùng nhau nói một câu nào.
Bồng Nga hỏi:
- Gần tới chưa?
- Bẩm đã.
- Sao không vào ngay?
- Vì ở gốc xồi kia còn một tên lính chờ sẵn để báo tin…
viên tì tướng chưa dứt lời, quả nhiên một cái bóng đên đã chạy đến bẫm:
- Xin ngài cứ tiến.
Tì tướng hỏi:
- Không trở ngại gì chứ?
- Bẩm không.
Cả ba vua tôi lại đi… Chỗ này cây cối rậm rạp, Bồng Nga nhìn chung quanh chỉ thấy là một cảnh hỗn độn mịt mù. Chàng luôn luôn vấp phải những vật đen trùi trũi, những cành khô, cây đổ, mắt nhìn lẫn với bóng đêm dầy. Cũng có khi giẫm ph3i hòn đá rêu trơn, Bồng Nga trượt ngã, vùng dậy rồi lại đi ngay, đi liều giũua cảnh vô cùng hắc ám. Ngực chàng lúc ấy thở mạnh, bao nhiêu gân thịt đều hoạt động, bao nhiêu năng lực phấn đấu xung lên, chàng tưỏng như trên đời không còn trở lực gì ngăn nổi sức tiến thủ của chàng.
Qua khỏi rừng, qua khỏi con đường hươu chạy,k lởm chởm gập ghềnh dưới bóng tối nặng nề u uất, ba người nhô ra mặt bãi cỏ tranh.
Hơi thở đẵ dễ, tầm mắt đã rộng, ánh trăng sao đã trả lại cái cảm giác thư thái của tâm hồn.
Nhưng, tiếng chó sủa dữ dội, văng vẳng từ xa, bỗng khiến chang cùng hai tên lính nín hơi. Một khắc dài, mấy thầy trò không nói, không động, lắng tai nghe.
Sự chuyên chú ấy say sưa lạ, nó nhắc lại những cảm giác của ngưòi ta khi còn lạc lõng trong những rừng hoang rậm cổ thời….
Tiếng chó im, sự đìu hiu lại bát ngát, ba thầy trò lại hăng hái vượt đường.
Ði một quãng xa, tên lính mới dừng chân, hú lên một tiếng. Một bóng đen khác nhảy ra.
Mấy tiếng xì xào, đám đông, chừng đã mười phẫn vững dạ, tiến thực nhanh. Con đường lên dốc, quằn quại dưới trăng mờ…
Tới đỉnh cao, bốn ngưòi đứng đợi.
An, hiện dưới ánh trăng lấp ló sau những giải mây đen, cảnh vật lạnh lùng thảm đạm. Ðó đây, một vài gốc thông gày guộc xoã đầu rên rỉ. Xa xa, mấy khóm cây lẩn trong sương lạnh như đàn ma quái chực gieo nỗi sợ hãi cho kẻ yếu linh hồn. Những con rơi rơi to lớn nặng nề bay thấp thoáng như những ý nghĩ tối tăm hiện ra rồi biến mất.
Viên tì tướng để hai ngón tay lên miệng thổi rít ba tiếng đều nhau, ba tiếng gọi lạ lùng…
Tức thời, trong rừng sâu, nổi lên một tiếng rì rầm như sóng biển. Cả một dân tộc đứng dậy, hăm hở phục thù. Họ vậy lấy chân đồi trong khi Bố Gia Luân hấp tấp chạy lên ra mắt hoàng tử Chế Bồng Nga.
Quân sĩ vẫn im lặng.
Gia Luân, chào vua xong, quay lại, giõng giạc bảo mọi người:
- Hỡi binh sĩ! Từ khi vua ta, đức vua nhân từ, minh ch ính, phải Trần Anh Tôn lập mưu lừa bắt, chúng ta thành một bọn yếu hèn vô chủ mà non nước Chiêm Thành trở nên đất phiên thuộc của Nam Man. Ở vào cảnh ngộ ấy, ai có chút nhân tính mà chẳng đau lòng?
“Các ngươi thử ngẫm xem, chúng ta sinh gặp lúc nhiễu nhương, non sông tan nát, ngụy tặc hoành hành, thân tự do biến ra đời nô lệ, kiếp sống thừa còn đâu hy vọng ở mai sau.
“Ta đây, phụng mệnh đức trừ quân, chiêu mộ dũng sĩ, mong gây dựng lại cơ đồ cũ, tạo lại cuộc thái bình hạnh phúc năm xưa, may được các người sẵn lòng khẳng khái, ta xiết bao cảm độnbg. Nhưng nuôi quân ba năm để dùng trong một ngày, các ngươi bấy lâu chắc cũng ngứa gan, muốn cùng ngoại tặc so tài cao thấp, hòng phơi mặt anh hùng dưới đôi vầng Nhật Nguyệt. Cái ngày mong đợi ấy nay đã tới. Cái ngày ta rửa nhục ấy tới nơi rồi. Triều đình nước Nam hiện đang nội biến, cơ hội trời cho ta không nên phí mà rồi ân hận mai sau.
“Chúng ta gắng lên, mạnh mẽ lên, lấy gươm sắc chém ta quốc hận, rỏ máu đào rửa sạch nhục nghìn đời.”
Sĩ tốt nức lòng, tiếng hoan hô vang động cả khu rừng.
Chờ sự kích thích qua, Bố Gia Luân lại nói:
- Hỡi binh sĩ! Quân mà không tướng chẳng qua như hổ không đầu. Vị chủ tướng can đảm, tài năng, nhân từ độ lưỡng sẽ dát các ngươi lên đường vinh quang hiện đã có mặt ở đây! Các ngươi hẳn đang khao khát lắm!
Hết thảy đều một lời:
- Vâng, khao khát lắm.
Gia Luân, trỏ Bồng Nga tiếp rằng:
- Hỡi ba quân, Chúa thượng của ta đâ. Mặt trời của ta đây!
- Vạn tuế!… Hoàng tử Chế Bồng Nga vạn tuế! Ðức Quân thượng vạn tuế!…
Bồng Nga tiến lên mấy bước, nhìn khắp mấy ngàn binh sĩ, hai giọt lệ bỗng từ từ lăn xuống má.