Lên rừng tắm thác

Người ta thường nghĩ đến Nha Trang với bãi biển tuyệt đẹp. Mấy ai biết được cách thành phố này không xa là những khu rừng hoang sơ với nhiều con suối, con thác hùng vĩ.
Không thể đếm hết Khánh Hòa có bao nhiêu con suối, bao nhiêu ngọn thác, chỉ biết rằng những khách du lịch "sành điệu", hễ đến vùng này là tìm hỏi đường đến suối Tiên, suối Đổ, suối Đá Giăng hay thác Tài Gụ, thác Yangbay... Suối Tiên cách thành phố Nha Trang khoảng 20km về phía nam, nằm vắt mình trên vùng núi đồi tuyệt đẹp. Đến đây, du khách sẽ quên hết mệt nhọc của chuyến đi bởi làn nước trong veo, mát lạnh, bởi mầu xanh thăm thẳm của nghìn trùng cây rừng, bởi muôn tiếng chim rừng ríu ra ríu rít. Ven bờ suối là những khối đá muôn hình, vạn trạng xếp chồng lên nhau, từ hòn đá nhỏ tròn trịa cho đến những tảng đá to bằng phẳng như nền nhà thường được du khách dùng làm nơi ăn uống, nghỉ ngơi sau khi vui đùa thỏa thích dưới nước.
Cùng đường với suối Tiên, nhưng đi khỏi quốc lộ chừng 4km rồi rẽ trái, sau 10 phút đi xe gắn máy, trước mắt du khách sẽ hiện ra những tảng đá nước chảy tràn của suối Đá Giăng. Không biết ai bày ra nhưng hễ người nào đến đây đều nghĩ ra trò chơi đặc biệt thú vị: trượt suối. Một nhóm khoảng bốn, năm người kết thành "con rết" ngồi ngay đầu một con thác nhỏ. Nước cứ cuốn vào chân, vừa buông tay ra liền bị cuốn vào cái hốc phía bên dưới. Con nước lại đẩy đoàn người đi nhanh một đoạn rồi lách qua hốc nước khác, rồi lại đẩy rồi lại hất lên, úp xuống... tuyệt nhiên không hề va vào vách đá cho đến một hồ nước rộng, tĩnh lặng mà đáy là tảng đá khổng lồ phủ một lớp rong mỏng. Lúc ấy, "con rết" đã đi được khoảng 50 m đã rã thành từng người một, đang ngồi hít thở, lấy lại tinh thần sau những tiếng hò hét vang vọng núi rừng...
Đi ngược lên huyện miền núi Khánh Vĩnh, du khách tha hồ thích thú với ngọn thác nhiều tầng Yangbay đổ xuống hai hồ nước trong xanh rộng khoảng 100 m vuông và sâu hơn 4 m. Những người mạo hiểm thường đứng trên bờ đá cao nhảy tùm xuống hồ, chìm nghỉm một hồi lâu rồi nổi lên, hay theo những người lấy mật ong vào khám phá những cánh rừng nguyên sinh bao bọc con suối. Cái tên Yangbay (tiếng dân tộc nghĩa là cá bay) của thác được hình thành từ một giai thoại hết sức ngộ nghĩnh. Người dân trong vùng truyền nhau: một ngày nọ, những người đi rừng bỗng phát hiện một lối mòn ven suối. Đoán rằng thú rừng ra suối uống nước, họ bèn đặt bẫy, ai ngờ sáng hôm sau thấy trong bẫy toàn là cá. Hóa ra, những chú cá ham vui theo dòng thác "bay" xuống rồi không cách nào bơi ngược lên thượng nguồn đành "lết thết" quay về bằng đường rừng.
Huyện miền núi Khánh Sơn, cách thị xã Cam Ranh 60km, nổi tiếng với thác Tài Gụ. Nhiều người khẳng định Tài Gụ có thể sánh với các con thác đẹp nhất của thành phố Đà Lạt. Hoàn toàn chưa có dấu hiệu can thiệp của con người, cảnh vật ở đây hoang sơ một cách toàn vẹn. Dòng thác hùng vĩ đổ từ trên cao, hồ nước tung bọt trắng xóa bên dưới, những bức tường đá dựng chung quanh... Tất cả được bố trí một cách hài hòa, tạo hóa quả thật tài tình!