II. Bụng Heo
II-Chương 1
ĐỌ RÂU

Tân quan huyện Tiền Đinh có bộ râu đẹp, chảy mượt như thác đổ. Lần đầu thăng đường sau khi đáo nhiệm, với bộ râu đẹp này, ông giáng một đòn phủ đầu đối với bọn thơ lại ma mãnh của sáu phòng, bon sai dịch dữ như lang sói của ba ban. Người tiền nhiệm của ông là tri huyện Quyên, ông này mồm nhọn má tóp như mặt khỉ, râu cằm lơ thơ vài chục sợi như râu chuột, thuộc loại bất học vô thuật, chỉ giỏi đục khoét, ngồi trên công đường gãi má sờ tai, y hệt con khỉ đột. Tướng mạo khó coi và cái đức vô liêm sỉ của người tiền nhiệm, đã tạo cho người kế nhiệm Tiền Đinh ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Dưới công đường, bọn thơ lại thấy tân quan tướng mạo đàng hoàng, dáng ngồi uy nghi chễm chệ, cảm thấy có cái gì đó mới mẻ. Ngồi trên, Tiền Đinh cũng cảm nhận được những ánh mắt thân thiện phía dưới.
Ông đỗ tiến sĩ năm Quí Mùi đời Quang Tự, cùng khoa với Lưu Quang Đệ, một trong sáu người của nhóm “Mậu Tuất lục quân tử” nổi danh trong thiên hạ. Lưu đỗ Nhị giáp, xếp thứ ba mươi tám. Sau khi thi đỗ, ngồi chơi xơi nước hai năm ở kinh thành, sau lo lót được bổ nhiệm tri huyện ở tỉnh ngoài. Ông đã qua hai nhiệm kỳ tri huyện, một ở Điện Bạch – Quảng Đông, một ở Phú Nhuận – Tứ Xuyên. Phú Nhuận là quê của Lưu Quang Đệ. Điện Bạch, Phú Thuận đều là những vùng sâu vùng xa, ma thiêng nước độc, dân tình đói khổ, dù muốn tham ô cũng không có gì để tham! Vì vậy, được trị nhậm ở Cao Mật giao thông thuận tiện, sản vật phong phú, tuy chẳng có gì nổi bật, nhưng ông cho rằng mình đã được thăng chức. Ông chí khí hiên ngang, tinh thần mạnh mẽ, mặt đỏ hồng rạng rỡ, mày ngài, mắt sáng như sao, râu cằm sợi nào sợi ấy như mã vĩ, rũ xuống tận mép bàn. Một bộ râu đẹp, tự nhiên đã có một nửa tướng quan. Các quan đồng liêu thường nói đùa: Tiền huynh, nếu Lão Phật gia nhìn thấy ông, thể nào cũng lập cho ông một đạo đài, chỉ tiếc cho đến nay ông có dịp được thấy long nhan Hoàng thượng, Hoàng Thái Hậu. Đứng chải râu trước gương, ông thở dài: Tiếc cho bộ mặt oai vệ, phí cả bộ râu Tiên của ông ta!
Trên đường đi từ Tứ Xuyên đến Sơn Đông xa lơ xa lắc, ông rẽ vào một ngôi chùa bên bờ Hoàng Hà thuộc tỉnh Thiểm Tây xin một thẻ quẻ. Quẻ này tốt, đại cát đại lợi. Quẻ nói rằng: Cá diếc vào Tây giang, sấm dậy trời quang! Quẻ thẻ giúp ông gạt bỏ tâm trạng u uất của người bất đắc chí, vững tin vào tương lai của mình. Đến nơi trị nhậm mới, tuy người mệt ngựa mỏi, lại thêm cảm hàn nhẹ, nhưng ông xuống ngựa là lao vào công việc. Nhận bàn giao của người tiền nhiệm xong, ông lập tức thăng đường gặp mặt những người dưới quyền, đọc diễn từ nhậm chức. Do tâm trạng phấn chấn, lời hay ý đẹp cứ tuôn như suối, thao thao bất tuyệt. Người tiền nhiệm của ông dốt đặc cán mai, nói một câu hoàn chỉnh cũng không xong! Giọng ông vốn ấm cúng có sức lôi cuốn, nay thêm hơi rè vì cảm mạo, càng có ma lực với người nghe. Nhìn ánh mắt của đám thuộc hạ, ông biết mình đã thành công. Diễn thuyết xong, ông vuốt râu bằng ngón trỏ và ngón cái một cách khoáng đạt, tuyên bố bãi đường. Tuyên bố xong, ông đưa mắt nhìn xuống dưới, để mỗi người cảm nhận được là ông đang nhìn mình, cái nhìn sâu xa đầy ý nghĩa, vừa như cảnh cáo vừa như vỗ về. Rồi ông đứng lên, gọn gàng, dứt khoát, quay người đi vào như làn gió thoảng.
Ít lâu sau, trong bữa tiệc ra mắt hương thân hiền sĩ, tướng mạo đường hoàng và bộ râu đẹp của ông, một lần nữa, trở thành tiêu điểm chú ý. Ông đã khỏi cảm hàn, đặc sản vùng Cao Mật – hoàng tửu và thịt chó – rất hợp với khẩu vị của ông, rượu vàng thư giãn gân cốt, lưu thông huyết mạch, thịt chó đẹp da đẹp dung nhan, do vậy ông đẹp ngời ngời, bộ râu càng quyến rũ. Ông đứng lên chúc rượu bằng một giọng ấm áp và mạnh mẽ, bày tỏ quyết tâm trong thời gian trị nhậm, đem lại ấm no cho dân chúng. Diễn từ của ông luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay. Ông vừa dứt lời, những tràng vỗ tay nhiệt liệt kéo dài dễ đến cháy hết nửa nén nhang. Ông giơ cao chén rượu mời đông đảo những quả mũ dưa, những bộ râu dê cạn chén. Họ ào ào đứng dậy, ào ào giơ chén rượu lên, ào ào tợp một hơi, uống cạn. Ông đặc biệt lưu ý quan khach một món ăn. Đó là món cải phỉ thúy tươi như còn sống, thoạt nhìn tưởng là chưa qua lửa. Các quan khách chưa ai dám đụng đũa vào món này, chỉ sợ làm trò cười cho thiên hạ thì mất mặt. Ông nói với quan khách món này thực ra đã chín, có đến hơn một chục sơn hào hải vị bên trong. Ông lấy đũa chọc nhẹ một cái, cái bắp cải tưởng như nguyên vẹn ấy nở bung, phô ra những cánh như cánh hoa đủ màu sắc. Một mùi thơm quí phái lập tức tỏa khắp gian phòng. Các hương thân hiến sĩ phần lớn là dân cổ cày vai bừa, chỉ quen chém to kho mặn, cách ăn cao nhã như thế này chưa từng thấy, chưa từng nghe. Được quan huyện cổ vũ, họ dùng đũa gắp một mẩu lá đưa lên miệng nhấm nhấm, gật gù khen ngon. Lão Hùng người lo liệu hầu cận, được bồi tiếp cùng quan huyện không bỏ lỡ dịp giới thiệu phu nhân quan huyện cùng với đám khách khứa, rằng bà Huyện là cháu ngoại Tăng Văn Chính Công – Tăng Quốc Phiên, món này bà tự vào bếp làm, có tên Bạch Thái Phỉ Thúy nổi tiếng gần xa. Bạch Thái Phỉ Thúy do Tăng Văn Chính Công khi làm Thị lang bộ Lễ tại Kinh, đã cùng đầu bếp tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần mới trở thành kiệt tác, món ăn mang dấu ấn trí tuệ của một danh thần! Văn Chính Công văn võ toàn tài, chế biến món ăn lại càng tuyệt diệu. Nghe lời giới thiệu của lão Hùng, mọi người vỗ tay càng dữ, mấy vị cao tuổi nước mắt giàn giụa trên gò má nhăn nheo, nước mũi cũng chảy ra, dính trên bộ râu già lão!
Sau ba tuần rượu, các hương thân luân phiên chúc rượu Tiền Đinh. Vừa chúc rượu, vừa ca tụng. Lời chúc tụng muôn hình muôn vẻ, rất sắc sảo, nhưng không ai quên ca ngợi bộ râu của quan lớn. Người bảo: Quan lớn đúng là Quan Vân Trường đầu thai trở lại, là Ngũ Tử Tư tái sinh. Người nói: Quan lớn rõ ràng là hóa thân của Gia Cát Võ Hầu, là Thác Tháp Thiên Vương xuống trần. Tiền Đinh tuy là người có bản lĩnh mà cũng không trụ nổi những lời tâng bốc của họ. Đã mời là phải uống, đã uống là uống cạn. Vậy là bỏ béng quan dạng, nói cười tự nhiên, bình luận khúc triết, hoa chân múa tay, đắc ý cả cười, biểu hiện đủ đầy chất phong lưu công tử, hòa nhập hoàn toàn với đám quan khách.
Hôm ấy, ông uống say ngả say nghiêng, các hương thân cũng say ngang say ngửa. Bữa tiệc chấn động vùng Cao Mật, trở thành chuyện cửa miệng mãi về sau. Món Bạch Thái Phỉ Thúy thì truyền tụng càng li kì, rằng trong cây bắp cải đó có lắp đặt máy móc, người khác không làm sao mở được. Tiền đại nhân chỉ cầm đũa chọc một cái vào cuống là nó nở bung như một đóa hoa sen trắng, xòe ra mấy chục cánh hoa, trên mỗi cánh hoa đều gắn một hạt trân châu lấp lánh.
Rất nhanh, mọi người đều biết, quan huyện mới đến là cháu rể Tăng Quốc Phiên. Ông tướng mạo đàng hoàng, bộ râu đẹp như râu Quan Vân Trường. Quan huyện không những đẹp một cách oai vệ, mà còn hai bằng tiến sĩ, là môn sinh của Hoàng thượng. Tài hoa rất mực, xuất khẩu thành chương. Rượu uống nghìn chung chưa say, say rồi phong độ như lúc tỉnh, với ông, rượu chỉ như gió lây cây Ngọc, như mưa bụi núi Xuân! Bà Huyện đúng là con nhà khuê các, chẳng những vào hàng quốc sắc, mà còn hiền thực nhu mì. Sự có mặt của quan ông quan bà là hồng phúc của nhân dân huyện Cao Mật.
Vùng Đông Bắc huyện Cao Mật có một người râu đẹp, họ Tôn, tên Bính, là ông bầu của gánh hát Miêu Xoang.
Miêu Xoang là một loại hình kịch xuất xứ từ vùng Đông Bắc Cao Mật, làn điệu du dương, diễn xuất độc đáo, mang đậm màu sắc thần bí, là hóa thân cuộc sống tinh thần của người dân vùng Đông Bắc Cao Mật. Tôn Bính là người kế thừa và cải cách kịch Miêu Xoang, có uy tín rất cao trong những người làm nghề. Khi biểu diễn ông không cần râu giả vì râu của ông đẹp hơn nhiều. Và cũng vì thế mà sinh chuyện. Cụ Lưu, tài chủ trong thôn ăn mừng sinh cháu ngoại, cỗ bày linh đình. Tôn Bính đến dự, ngồi cùng mâm với Lý Vũ, một nha dịch trên huyện. Trong khi ăn, Lý Vũ cậy mình là người nhà nước, ngồi ghế cao nhất. Lão khoác lác về quan huyện, từ ngôn luận đến cử chỉ, từ sở thích đến thị hiếu, cuối cùng, rôm rả nhất là chuyện về bộ râu của ông lớn.
Lý Vũ tuy đã nghỉ hưu ở nhà, nhưng vẫn mặc quần áo công sai, chỉ thiếu mỗi cái côn thủy hỏa. Lão hoa chân múa tay, thiên hô bát sát, khiến các vị nhà quê ngồi cùng mâm cứ ngồi ngây ra, quên cả uống rượu, dỏng tai lên nghe lão ba hoa, trố mắt ra nhìn nước bọt lão. Tôn Bính đã từng đi đây đi đó, hiểu rộng biết nhiều, nếu không có sự hiển diện của Lý Vũ, thì ông là nhân vật trung tâm… Nhưng mọi người quên bẵng ông, vì có mặt Lý Vũ, người mà sớm tối bên cạnh quan tri huyện. Ông uống một mình hết chén này đến chén khác, tỏ ý khinh miệt tên tay sai bằng những cái lườm và khịt mũi. Nhưng vẫn không ai chú ý đến ông, Lý Vũ không coi có ông trước mặt, thao thao bất tuyệt về bộ râu của quan lớn.
… Râu người thường, rậm nhất cũng chỉ một ngàn tám trăm sợi, nhưng râu của ông lớn, các vị đoán xem có bao nhiêu sợi? Hà hà, không đoán nổi đâu! Tháng trước ta cùng ông lớn xuống xã thị sát dân tình, có nói chuyện phiếm với ông lớn. Ông lớn hỏi ta:
- Tiểu Lý, đoán xem râu ta có bao nhiêu sợi?
Ta nói, bẩm quan lớn tiểu nhân không đoán được. Ông lớn nói, chú không đoán nổi đâu, nói thực để chú biết râu của bản quan tổng cộng chín nghìn chín trăm chín mươi chín sợi! Thiếu một sợi đầy một vạn. Đây là phu nhân đếm hộ bản quan. Ta hỏi ông lớn râu rậm như thế làm sao đếm được? Ông lớn nói, phu nhân là người cẩn thận, thông minh hơn người, cứ đếm được một trăm sợi, thì bà ấy lấy chỉ tơ buộc lại thành một túm, rồi đếm tiếp, không để sót sợi nào. Ta nói, bẩm ông lớn, mọc thêm một sợi nữa thì tròn một vạn! Ông lớn nói, Tiểu Lý, chuyện này thì chú không hiểu, mọi việc trên đời, tối kỵ là quá tròn trĩnh, thập toàn thập mĩ. Chú xem vầng trăng trên trời ấy, hễ tròn là phải khuyết; quả trên cây hễ chín là phải rụng. Mọi việc phải hơi khiếm khuyết một tí mới có thể tồn tại lâu bền. Chín nghìn chín trăm chín mươi chín là con số cát tường nhất trong thiên hạ, cũng là con số lớn nhất. Là dân, là bề tôi, đừng bao giờ nghĩ đến chữ vạn, điều bí ẩn này, chú phải cố công mà tìm hiểu. Những lời của ông lớn huyền diệu vô cùng, đến tận bây giờ ta vẫn chưa hiểu. Sau đó ông lớn bảo ta, Tiểu Lý, râu ta có bao nhiêu sợi chỉ có ba người biết, chú là một, một người là ta, một người nữa là phu nhân của ta. Chú phải kín mồm kín miệng, số sợi râu một khi tiết lộ ra ngoài, tai họa sẽ vô cùng, thậm chí còn gây ra đại họa!
Lý Vũ nâng chén rượu tợp một ngụm, cầm đũa gẩy gẩy đĩa thức ăn, luôn miệng “chậc chậc”, rõ ràng là chê món ăn thô thiển. Cuối cùng lão gắp một cái giá đậu, đưa lên miệng nhấm nhấm bằng hai răng cửa, chẳng khác con chuột mài răng khi bụng đã no. con trai cụ Lưu – chính là cái vị sinh được quý tử, bê một đĩa thịt thủ nóng hổi chạy tới, đặt ngay trước mặt Lý Vũ, dùng bàn tay lấm lem đầu mỡ lau mồ hôi trên mặt, vẻ áy náy:
- Thưa bác, nhà quê chúng cháu chẳng có món gì ngon, mong bác chiếu cố.
Lý Vũ nhổ cái giá đỗ xuống đất rồi đặt đôi đũa xuống bàn đánh cạch một cái, không bằng lòng nhưng làm ra vẻ khoan dung, nói:
- Chú Lưu này, chỗ này thì chú không đúng rồi! Chú cho rằng ta vì ăn mà đến đây phải không? Ta định ăn gì thì vào bất cứ nhà hàng nào, vừa ngồi xuống không cần mở miệng gọi, là hải sâm bào ngư móng lạc đà bàn chân gấu, đầu khỉ yến sào… bát nọ tiếp bát kia bê đến trước mặt. Aên một, thưởng thức hai, mắt nhìn ba, như thế mới gọi là yến tiệc! Nhà chú thì có gì đáng kể? Hai đĩa đậu xanh sống dở chín dở, một dĩa thịt lợn nửa ôi nửa không, một be hoàng tửu không nóng không lạnh, thế mà gọi là tiệc mừng? Ta đến nhà chú, một là để vẻ vang cho bố chú, rạng rỡ nhà cửa chú, hai là chuyện trò với bà con. Ta bận tối mắt tối mũi, đến đây dù chỉ một lúc cũng chẳng dễ dàng gì.
Ông con cả nhà Lưu bị Lý Vũ lên lớp, biết phận chỉ cúi đầu mà nghe, lợi dụng lúc Lý Vũ ho, ông ta lặng lẽ chuồn thẳng.
Lý Vũ nói:
- Cụ Lưu cũng kể là một hương thân có chữ, làm sao lại đẻ ra cái đồ vai u thịt bắp thế nhỉ?
Mọi người im lặng, không ai dám tiếp lời Lý Vũ. Tôn Bính tức lộn ruột, thò tay kéo đĩa thịt thủ về phía mình, nói:
- Ông Lý người nhà nước ăn quen sơn hào hải vị, để dĩa thịt này trước mặt ông, rõ ràng khiến ông ngán ngẩm. Tiểu nhân bụng đầy rau cỏ, đang cần bôi trơn lòng ruột và cũng cần đi ngoài cho dễ!
Nói xong, không thèm nhìn ai, nhét đầy miệng từng miếng thịt vuông có, dài có, đầy mỡ có, vừa nhai vừa hít hà.
- Ngon! Ngon quá! Đúng là ngon!
Lý Vũ phẫn nộ, trừng mắt nhìn Tôn Bính, nhưng Tôn Bính không hề ngẩng lên, luồng mắt của Lý Vũ rơi vào khoảng không, thành ra không có cảnh chiếu tướng nhau! Lão đưa mắt nhìn mọi người, lắc đầu, bĩu môi, tỏ vẻ khinh thị của bậc bề trên khi gặp trường hợp khó xử. Những người cùng mâm sợ sinh chuyện, bèn mời rượu lão. Đắm đò giặt mẹt, lão tranh thủ uống cạn một hơi, lấy tay áo chùi miệng, trở lại câu chuyện bị ngắt quãng vì bận lên lớp cho con cả cụ Lưu. Lão nói:
- Các vị hương thân, rằng thì là chúng ta coi nhau như anh em, nên ta mới nói chuyện râu của ông lớn với các vị. Người ta có câu: “Thân hay không thì cũng là đồng hương”, chuyện ta kể, các vị hãy chôn chặt trong lòng, nhất thiết không được kể lại với ai. Bí mật này mà bị lộ, đến tai ông lớn, cầm bằng đập vỡ bát cơm của ta! vì rằng rất nhiều chuyện, chí có ông lớn, phu nhân và ta biết. thôi, ta xin kiếu đây!
Lý Vũ cung tay xá một xá, chào mọi người. Mọi người đồng thanh:
- Xin cứ yên tâm, dân Đông Bắc chúng tôi có một người như ông Lý đâu phải dễ? Làng trên xóm dưới đều ngong ngóng thơm lây vì ông, làm gì có chuyện hớt lẻo để tự hại mình?
- Chính vì là người nhà, các vị mới bô bô cái miệng – Lý Vũ lại uống một chén nữa, thấp giong với vẻ bí hiểm – Ông lớn thường gọi ta vào phòng làm việc hầu chuyện. Bọn ta ngồi đối diện như hai anh em, vừa uống hoàng tửu ăn thịt chó, vừa chuyện trên trời dưới đất, chuyện xưa chuyện nay, chuyện Trung Quốc và chuyện nước ngoài. Ông lớn là con người uyên bác, chẳng có chuyện gì trên đời mà ông không biết. Ông lớn chỉ thích uống hoàng tửu và ăn thịt chó. Chuyện miết đến qua nửa đêm, phu nhân sốt ruột sai con hầu đến bảo: “Khuya rồi, mời ông lớn đi nghỉ!” Ông lớn bảo: “Mai Hương, bảo phu nhân nghỉ trước đi, ta nói chuyện với chú Lý một lát nữa”. Do vậy mà phu nhân không bằng lòng về ta. Một hôm, ta có việc vào hậu đường, chạm trán phu nhân ở đó. Phu nhân chặn ta lại, nói:
- Cái chú Lý này suốt đêm tán hươu tán vượn, để ông lớn quên cả ta, chú có đáng đánh đòn không? Ta sợ quá luôn miệng nói:
- Đáng đánh ạ, đáng đánh ạ.
Mã Đại Đồng Sinh xen vào:
- Lý đại ca, không rõ phu nhân quan huyện mặt mũi, thế nào, nghe nói bà rỗ mặt…
- Bậy, bậy hết sức! Kẻ nào nói vậy, xuống địa ngục phải tội rút lưỡi! – Lý Vũ mặt đỏ gay, giọng buồn buồn – Chú Mã Đại Đồng Sinh này, đầu chú toàn bã đậu hay cháo loãng? Chú đã từng được ăn học, những gì nói trong sách chú quẳng đi đâu cả? “Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh vương”, “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang”, chú không chịu động não một tí, xem phu nhân quan huyện con cái nhà ai? Khuê các chính tông đấy, hòn ngọc trên tay đấy! Từ nhỏ vú nuôi hàng đàn, người hầu hàng lũ! Phòng the thì sạch đến nỗi rơi miếng bánh trứng, nhặt lên không một hạt bụi dính vào. Cuộc sống như vậy làm sao mắc bệnh đậu mùa? Đã không bị đậu mùa thì làm sao rỗ mặt, trừ phi Mã Đại Đồng Sinh nhà ông lấy móng tay xiết vào? – Cử tọa cười ầm, Mã Đại Đồng Sinh cứng họng, đỏ mặt vì ngượng, tự giải thích:
- Đúng vậy, người đẹp như tiên thì rỗ mặt thế nào được, lời đồn ác quá!
Lý Vũ liếc đĩa thịt trước mặt Tôn Bính lúc này chẳng còn mấy miếng, nuốt trước bọt, nói:
- Quan hệ như anh em giữa ông lớn và ta thì khỏi nói. Ông lớn từng bảo ta: “Chú Lý này, hai chúng ta đúng là duyên trời, không hiểu sao ta cảm thấy chú với ta là một, tim gắn với tim, phổi kề bên phổi, ruột liền với ruột, dạ dày thông với dạ dày”…
Tôn Bính bật cười, suýt nữa văng cả miếng thịt trong miệng ra ngoài. Ông dướn cổ nuốt đánh ực, nói:
- Nói vậy có nghĩ là, ông lớn no thì ông không thấy đói nữa?
Lý Vũ giận dữ hỏi:
- Tôn Bính, ông nói kiểu gì thế? Khen cho ông là một kép hát, quanh năm suốt tháng sắm các vai đế vương khanh tướng, tài tử giai nhân, hát ra rả những trung hiếu tiết nghĩa, vậy mà đạo lý làm người thì mít đặc. Cả mâm chỉ có đĩa thịt thủ là ngon, một mình ông đớp sạch, ăn đến nỗi nhờn mép nhờn môi, còn phun cứt phun đái ra làm gì?
Tôn Bính cười:
- Ông đã ngán tận cổ những món hải sâm, yến sáo, vó lạc đà, chân gấu, vậy ông để tâm đĩa thịt thủ làm gì?
Lý Vũ nói:
- Ông lấy cái bụng tiểu nhân để đo cái tâm của người quân tử! Cứ tưởng ta vì ta sao? Ta vì số đông ở đây tỏ nỗi bất bình đấy chứ!
Tôn Bính cười:
- Các vị ấy liếm đít ông đã đủ no, cần gì ăn thịt?
Mọi người cả giận, nhao nhao chửi Tôn Bính. Tôn Bính cáu lên, ăn sạch chỗ thịt, lại còn lấy màn thầu vét sạch đĩa. Aên xong, ông mở túi thuốc, nhồi một tẩu, thản nhiên ngồi hút phì phèo.
Lý Vũ lắc đầu:
- Đúng là bố mẹ ông chỉ biết đẻ mà không biết dạy, đáng để quan lớn Tiền tóm ông lên huyện, nện cho năm mươi gậy vào mông!
Mã Đại Đồng Sinh nói:
- Thôi thôi, cổ nhân có câu: “Chuyện vui là rượu, chuyện vãn là thịt”, huynh kể tiếp cho bọn tiểu đệ nghe về quan lớn Tiền và chuyện ở huyện, cũng coi là được ăn sơn hào hải vị rồi.
Lý Vũ nói:
- Hứng thú gì nữa mà kể! Ta chỉ nói gọn một câu, Tiền đại nhân làm tri huyện Cao Mật là hồng phúc của dân Cao Mật ta. Quan lớn Tiền tài cao học rộng, huyện Cao Mật tí tẹo, chắc chẳng lưu nổi ông, sớm muộn ông lớn sẽ thăng chức. Cái khác thì không nói, chỉ riêng bộ râu thần tiên của ông lớn, mèng nhất cũng phải Tuần phủ! Gặp thời, có thể trở thành lương đống quốc gia, thành danh thần như Văn Chính Công.
- Quan lớn Tiền làm to thì Lý đại huynh cũng khấm khá theo, đúng là “Nước lên thuyền lên” – Mã Đại Đồng Sinh giơ chén rượu lên – Xin chúc đại huynh một chén nữa, đại huynh mà ăn nên làm ra, gặp được đại huynh cũng khó!
Lý Vũ uống cạn chén rượu, nói:
- Thật ra, làm kẻ dưới trăm điều vạn ý cũng chỉ gói gọn một chữ “Trung”. Chủ cho mình bộ mặt tươi cười thì đừng có cong đuôi lên! Chủ đá mình một cái, cũng đừng có oán. Những người như ông lớn Tiền, cụ lớn Văn Chính, hoặc là tinh tú đầu thai xuống trần, hoặc là rồng rắn hóa kiếp, hoàn toàn không giống đám cỏ rác chúng ta. cụ lớn Văn Chính là ai? Là một đại mãng xà. Người ta bảo ngài bị bệnh nấm, mỗi khi ngủ dậy, người hầy gom được trong chăn đệm cả một vốc vảy. Quan lớn Tiền khẽ bảo ta: “Nấm đâu mà nấm, rắn lột da đấy!” Quan lớn Tiền là gì? Ta nói cho các vị rõ, nhưng không được nói với ai. Một đêm, ta cùng ông lớn trò chuyện mệt quá, ngủ lại ở Tây Hoa Sảnh, gác chân lên nhau mà ngủ. Ta bỗng cảm thấy có gì đè nặng lên người và mơ thấy một con hổ đặt một chân lên người ta. Tỉnh dậy thì thấy đó là chân của ông lớn!…
Mọi người nín thở, mặt tái nhợt nhìn miệng Lý Vũ. Lão dốc chén rượu vào miệng, nói:
- Từ đó ta mới hiểu, vì sao bộ râu của quan lớn Tiền lại rậm đến thế. Nó chính là râu hổ!
Tôn Bính gõ vào chân bàn cho rơi hết tàn trong cái tẩu bằng đồng, phùng miệng thổi khói trong cán tẩu rồi giắt vào trong người. Ông đứng lên, nâng râu bằng hai tay, làm động tác vuốt râu như trên sân khấu, cực kỳ đẹp mắt và khoáng đạt! Rồi như trong khúc tự bạch của Miêu Xoang, ông nói rành rẽ, lên bổng xuống trầm, lúc dừng lúc lặng:
- Nhóc con Lý Vũ, về bảo với ông lớn nhà ngươi, rằng bộ râu của ông ấy không đẹp bằng bộ lông trong đũng quần của ta!
Tinh mơ hôm sau, chỗ thịt lợn trong bụng chưa tiêu hóa hết, Tôn Bính đã bị bốn tên công sai lôi ra khỏi chăn, không mảnh vải trên người. Tiểu Hồng, cô đào của gánh hát đang ngủ cùng, rúm người lại ở góc giường, mặc mỗi bộ đồ ngủ. Trong lúc lộn xộn, bọn công sai đá vỡ cái vại nước tiểu đổ tung tóe, Tôn Bính nhem nhuốc, chẳng khác một đống dưa muối. Ông kêu to:
- Các anh em, có gì bảo nhau! Có gì bảo nhau không được sao?
Hai tên công sai trói giật cánh khỉ Tôn Bính lại, một tên châm đèn ở hốc tường. Qua ánh đèn, Tôn Bính nhìn thấy Lý Vũ.
- Lý Vũ, chúng ta không thù không oán, sao ông nỡ hại ta?
Lý Vũ tiến lên, đáng một bat tai, nhổ một bãi nước bọt vào mặt Tôn Bính, chửi:
- Thằng con hát khốn kiếp, ta với ngươi đúng là không thù không oán, nhưng ngươi đã gây thù chuốc oán vời Tiền đại nhân. Ta ăn cơm của Tiền đại nhân, không thể không bắt ngươi, đồng thời ta cũng cáo lỗi ngươi về chuyện bắt này!
Tôn Bính hỏi:
- Ta với Tiền đại nhân có thù oán gì?
Lý Vũ cười:
- Anh già, đúng là người sang hay quên! Ngươi vừa nói hôm qua, rằng bộ râu của quan lớn Tiền không đẹp bằng bộ lông trong đũng quần ngươi, quên rồi à?
Tôn Bính trừng mắt nhìn Lý Vũ:
- Lý Vũ, ngươi là kẻ ngậm máu phun người! Ta nói câu ấy hồi nào? Ta có điên, có ngốc đâu mà nói như thế?
Lý Vũ nói:
- Ngươi không điên, không ngốc, nhưng bị thịt lợn làm cho lú lẫn!
- Ngươi không vu oan giá họa cho ta được đâu! – Tôn Bính nói.
- Mình làm mình chịu mà! – Lý Vũ nói – Ngươi có mặc quần áo vào không? Không mặc thì cứ trần truồng mà đi, muốn mặc thì mặc nhanh lên, bọn ta không có thì giờ đấu khẩu với thằng con hát như ngươi. Tiền đại nhân đang đợi ở công đường để kiểm tra bộ lông của nhà ngươi!
Tôn Bính bị bọn công sai xô đẩy, loạng choạng bước vào công đường huyện. Ông hơi bị choáng, người nóng ran, những chỗ bị thương nhâm nhẩm đau. Ông bị giam trong đại lao đã ba hôm, trên người bám đầy giòi bọ. Trong ba ngày, ngục tốt lôi ông ra sáu lần, lần nào cũng bịt mắt. Roi da, gậy tày rơi như mưa trên người, đau đến nỗi ông nhảy như choi choi, đập cả vào tường. Trong ba ngày, ngục tốt chỉ cho ông uống một bát nước đục, ăn một bát cơm hẩm. Ông cảm thấy đói và khát kinh khủng, người đau như giần, máu trong người gần như bị giòi bọ hút cạn. Ông trông thấy những con vật bé tí bụng đầy máu bám trên tường, lấp lánh từng mảng, giống như những hạt kiều mạch tẩm dầu. Ông cảm thấy không chịu đựng được nữa, thêm ba ngày nữa, chắc chắn ông sẽ chết. Ông hối hận trong một lúc cao hứng đã nói những câu không nên nói. Ông cũng hối hận về việc đã giành lấy đĩa thịt lợn. Ông rất muốn giơ tay vả vào miệng mình một cái để trừng phạt nó đã gây tai họa. Nhưng vừa giơ tay lên, mắt ông nẩy đom đóm, cánh tay đau buốt, nặng như thỏi sắt nguội. Và nó lại buông thõng, bất lực.
Hôm ấy xấu trời, phải đốt mười mấy cây nến đại bằng mỡ cừu trong công đường. ngọn lửa nhảy nhót, không ổn định, khói tuôn cuồn cuộn. Mùi hoi của mỡ cừu xộc vào mũi. Ông cảm thấy buồn nôn, trong bụng như có một vật cứng đang va đập, đang cuộn lên, một mùi tanh lợm xộc lên mũi. Ông nôn mửa ngay tại công đường, cảm thấy xấu hổ, thậm chí thấy mình có lỗi. Ông lau những vết bẩn trên râu, định nói câu xin lỗi, thì từ phía sau công đường vọng ra một tiếng “mi-ao”, tiếng kêu trầm, tròn trịa, tỏ ra đã được huấn luyện thành thục. Tiếng kêu làm ông giật thót, nhấtt thời không biết đối phó thế nào. Lúc này, tên công sai áp giải ông đạp một cái vào kheo chân ông. Ông khuỵu xuống trên nền đá.
Phủ phục trên mặt đất ông cảm thấy dễ chịu hơn đứng. Sau khi nôn, bụng có khá hơn. Đột nhiên ông cảm thấy mình không nên khóc lóc, xin xỏ. Mình làm, mình chịu, đứt đầu chẳng qua là một vết thương bằng miệng bát! Tình hình này, chắc rằng quan huyện không tha ông, giả vờ ngất xỉu cũng không ăn thua! Dù sao cũng chết, vậy thì phải cứng cỏi mà chết, anh dũng mà chết! Chỉ sau hai mươi năm là cùng, người ta sẽ viết thành vở rồi đem công diễn, cũng coi là tiếng thơm để đời. Nghĩ vậy liền cảm thấy máu dồn trong huyết quản, mạch đập ở thái dương, cái khát cái đói cái đau lập tức giảm đi nhiều, mắt lại trợn, nhỡn cầu lại chuyển động linh hoạt, đầu óc lại tỉnh táo. Sự tích bi tráng của các anh hùng hảo hán mà ông sắm vai, cùng với lời ca khẳng khái lại rộn lên trong ông. Mặc cho hình trượng đả nát thịt, nghiến răng ta chịu không than van! Thế là ông, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, trong tiếng mi-ao mi-ao liên chi hồ điệp của bọn sai nha cáo mượn oai hùm, trong bầu không khí thâm nghiêm, bí hiểm.
Ông ngẩng đầu lên, trước tiên nhìn thấy, dưới bức hoành Chính Đại Quang Minh, trong ánh sáng rực rỡ của những ngọn nến, là viên quan huyện mặt đỏ râu dài, uy nghi như một thần tượng ngồi sau án bằng gỗ nặng trịch, chạm trổ hoa văn. Quan huyện cũng đang chăm chú nhìn ông. Ông phải thừa nhận rằng, quan huyện dung mạo đường hoàng, không như Lý Vũ miêu tả. Nhất là bộ râu rũ trước ngực, sợi nào sợi ấy mượt như lông đuôi ngựa, rất khác đời. Ông bất giác cảm thấy xấu hổ, tự nhiên nảy sinh tình cảm thân thiết với quan huyện, chẳng khác gặp lại người anh em ruột thịt xa nhau đã lâu ngày!
Anh em gặp nhau tại công đường, nhớ lại năm xưa lệ vấn vương.
Quan huyện vỗ án vang dội sảnh đường. Tôn Bính giật mình, lại thấy căng thẳng. Nhìn vẻ mặt oai nghiêm của quan huyện, ông như tỉnh giấc mơ, hiểu rằng công đường đâu phải sân khấu, quan huyện đâu phải diễn viên đeo râu, còn mình cũng không phải người hùng trong vở diễn!
- Kẻ dưới kia, nói rõ họ tên!
- Tiểu nhân Tôn Bính.
- Quê quán?
- Làng Đông Bắc.
- Tuổi?
- Bôn mươi nhăm.
- Nghề gì?
- Bầu gánh hát.
- Có biết vì sao triệu ngươi đến đây?
- Tiểu nhân rượu say nói bậy, mạo phạm quan lớn.
- Nói gì?
- Tiểu nhân không dám nhắc lại.
- Cho phép nói.
- Tiểu nhân không dám.
- Nói!
- Tiểu nhân nói rằng, bộ râu của quan lớn không bằng bộ lông trong đũng quần tiểu nhân.
Hai bên công đường có tiếng khúc khích cười vụng. Tôn Bính nhìn lên, thấy nét ranh mãnh thoáng qua trên mặt quan huyện, ngay sau đó là vẻ nghiêm nghị giả vờ.
- Tôn Bính to gan! – Quan huyện đập bàn quát – Vì sao ngươi hạ nhục bản quan?
- Tiểu nhân đáng chết! Tiểu nhân nghe nói quan lớn có bộ râu đẹp thì không nhục, trót nói bậy…
- Ngươi dám đọ râu với ta không?
- Tiểu nhân sở trường không có gì, chỉ có bộ râu vẫn tự nhận là nhất thiên hạ. Tiểu nhân diễn “Đơn đao hội”, đóng vai Quan Vân Trường không cần đeo râu giả.
Trường giang chảy về đông, sóng nước muôn trùng, thuận gió tây dập dềnh chiếc bánh, rời cửu trùng lầu các, dấn thân nơi nọc rắn hang hùm…
- Ngươi đứng dậy để bản quan xem bộ râu nhà ngươi!
Tôn Bính đứng lên, người lảo đảo như đứng trên thuyền.
Vọng đông Ngô tinh kỳ phấp phới, hổ giữa đàn dê, chi sợ quân Tào…
- Bộ râu quả là đẹp, nhưng chưa chắc đã thắng nổi bản quan!
- Tiểu nhân không cho là thế.
- Nhà ngươi muốn đọ râu với bản quan theo kiểu nào?
- Tiểu nhân muốn dùng nước để đọ.
- Nói tiếp.
- Râu của tiểu nhân chọc thẳng xuống nước, không nổi ngang.
- Có chuyện như vậy sao? – Quan huyện vuốt râu, im lặng hồi lâu, hỏi:
- Nếu thua thì sao?
- Nếu thua thì râu của tiểu nhân là lông trong đũng quần của đại nhân.
Bọn nha dịch không nhịn được, cười rũ. Quan huyện đập bàn quát:
- Tôn Bính to gan, dám nói tục!
- Tiểu nhân đáng chết.
- Tôn Bính, nhà ngươi nhục mạ mậnh quan của triều đình, lẽ ra phải trị tội theo pháp luật, nhưng bản quan thấy nhà ngươi là coi người thẳng thắn, nên nhận lời đọ râu với nhà ngươi. Nếu ngươi thắng, tội của ngươi sẽ được xóa. Nếu thua, ngươi phải tự mình vặt hết râu và không được nuôi lại. Bằng lòng không?
- Tiểu nhân bằng lòng.
- Bãi đường! – Tiền đại nhân nói xong, đứng dậy đi vào nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, khuất sau tấm bình phong.
Địa điểm đọ râu là cái sân rộng thênh thang, nằm giữa cổng lớn và nghi môn của huyện lỵ. Quan lớn Tiền không muốn mở rộng qui mô của cuộc thi, chỉ mời hơn chục bô lão có danh vọng ở huyện, một là đến xem, hai là làm chứng. Nhưng tin tức về cuộc đọ râu giữa quan huyện và Tôn Bính không cánh mà bay, từ sáng sớm người ta lũ lượt kéo nhau về trước cổng huyện lỵ. Những người đến đầu tiên sợ oai của nha môn, đứng xa mà ngó, về sau, người đông lên, xô đẩy nhau nhích lại gần cổng. Những người dân ngày thường đi qua cổng huyện không dám ngẩng đầu lên, nay chen bật cả nha dịch ào qua cổng lớn, tràn vào sân. Chỉ một loáng, cái sân đã dày đặc những người là người, vậy mà bên ngoài cổng, dòng người vẫn cuồn cuộn kéo đến. Một số trẻ tinh nghịch trèo lên cả ngọn cây, ngồi lên đầu tường.
Chính giữa sân, hơn chục ghế băng bằng gỗ lim nặng trịch quây thành hình đa giác. Các vị hương thân được mời đến ngồi vào ghế. Ngồi ngay ngắn, người nào người ấy vẻ mặt nghiêm túc, như gánh trên vai gánh nặng ngàn cân. Ngồi ghế băng còn có thơ lại về tư pháp, hậu cần và thơ lại lục phòng. Vòng ngoài là các nha dịch đứng quây thành vòng tròn, dùng lưng chắn người xem. Giữa vòng, hai thùng cao to đựng đầy nước kê liền nhau. Người đọ râu vẫn chưa tới. Mọi người hơi sốt ruột, mặt lấm tấm mồ hôi. Những đứa trẻ lẩn như trạch khiến đám đông thỉnh thoảng lại nhốn nháo. Bọn nha dịch bị xô đẩy đứng không vững, như những thân cây ngô bị nước lũ ào tới. Ngày thường, chúng giơ nanh múa vuốt, hôm nay lại tỏ ra dễ tính. Quan hệ giữa quan huyện và nhân dân vì có chuyện đọ râu mà trở nên thân thiết lạ thường. Một ghế băng bị gạt đổ, vị hương thân vội nhảy sang bên, giương cặp mắt gà chọi nhìn đám đông, đầu nghiêng nghiêng như đáng giá đối thủ. Một vị to béo, tóc điểm bạc, ngã sấp mặt, phủ phục trên mặt đất như lợn, mãi mới đứng dậy được. Ông ta vừa phủi bụi trên người vừa chửi, khuôn mặt to bè sưng sỉa, y hệt chiếc bánh mới ra lò. Một nha dịch bị xô ngã đè lên mép ghế, xương sườn đau nhói, gào lên như lợn bị chọc tiết cho đến khi đồng nghiệp của anh ta lôi dậy mới thôi. Đầu lĩnh Ban Điều Tra Lưu Phúc, một thanh niên thanh mảnh, da đen nhảm đứng trên ghế băng, từ tốn nói với đám đông:
- Bà con đừng chen lấn, chết bẹp ra đấy thì lôi thôi to!
Quá nửa buổi, diễn viên chính ra sân khấu. Quan lớn Tiền từ tam cấp công đường, thong dong bước qua nghi môn, tiến ra sân. Aùnh nắng chan hòa trêm mặt ông. Ông vẫy tay chào công chúng. Quần chúng không nhảy lên, không vỗ tay hoan hô, không chảy nước mắt, nhưng rõ ràng là xúc động. Đúng ra, phong thái của quan huyện làm quần chúng ngỡ ngàng. Người ta nói nhiều về dung mạo đẹp đẽ của quan huyện nhưng ít khi được gặp. Hôm nay ông lớn không mặc quan phục, chỉ quần áo thường, vẻ nhàn tản. Nửa mái đầu phía trước cạo nhẵn, chân tóc ánh lên màu trắng xanh; nửa sau, tóc xức dầu đen nhánh; đuôi sam to, dài chấm mông, phần chót găm viên ngọc màu xanh nhạt và một lục lạc bằng bạc, mỗi cử động lại kêu loong coong. Ông lớn mặc áo chùng bằng đoạn trắng rộng thùng thình, chân đi giày vải màu xanh nhạt có gờ nổi chạy dọc mũi, ống quần buộc túm bằng dây tơ, đũng quần rộng tới mức tưởng đó là con sứa đang bơi. Đương nhiên đẹp nhất vẫn là bộ râu rũ trước ngực của ông lớn, bộ râu sao mà sáng, sao mà bóng, sao mà trơn, sao mà mượt! Bộ râu sáng bóng trơn mượt rũ trước ngực áo trắng bong, trông mà sướng mắt! Trong đám đông có một phụ nữ đắm đuối nhìn quan huyện phong thái hào hoa như cây ngọc thụ trước làn gió nhẹ, mà như mê như say, chân nhẹ bỗng, nước mắt tràn mi. Một buổi tối mưa phùn cách đây vài tháng, nàng ngơ ngẩn trước phong độ của quan lớn Tiền, nhưng khi đó quan lớn mặc quan phục nghiêm chỉnh, khác hẳn hôm nay mặc thường phục. Ông lớn mặc quan phục, với không tới; ông lớn mặc thường phục, giản dị dễ gần.
Người phụ nữ ấy là Tôn Mi Nương.
Tôn Mi Nương chen lên phía trước, mắt vẫn dán vào ông lớn. Nàng như mê đi trước từng cái giơ tay, cái nhắc chân, cái nhìn của ông lớn. Dẫm phải chân người khác ư, bất chấp! Hích phải vai người ta ư, mặc kệ! Chửi mắng trách móc ư, dứt khoát làm như không nghe thấy! Một số người nhận ra nàng là con gái Tôn Bính, một trong hai nhân vật chính của cuộc đọ râu hôm nay. Họ cũng biết nàng đang lo cho tính mạng của cha. Mọi người cố né để nàng đi vào vòng trong. Cuối cùng, nàng đụng đầu gối vào ghế băng, nhìn qua vai nha dịch, trái tim nàng như bay lên để rồi rơi vào giữa ngực ông lớn mà làm tổ, mà sinh con đẻ cái, mà thụ hưởng sự dịu dàng ở đó!
Nắng chan hòa khiến mắt ông lớn càng long lanh, càng diễm tình. Ông lớn vòng tay chào các vị hương thân, chào cả công chúng. Ông không nói gì, chỉ mỉm cười, nụ cười đầy quyến rũ. Mi Nương cảm thấy ánh mắt ông lớn dừng lại một thoáng trên mặt mình, cái dừng như cố ý, khiến nàng như mê đi, mất hết cảm giác. Tất cả những gì trong người, dịch thể, nước mắt, nước mũi, mồ hôi, tiết dịch, xương cốt đều tan ra nước. Nàng cảm thấy mình nhẹ như chiếc lông tơ bay lên trời xanh, như trong mơ, như làn gió.
Lúc này, từ gian phòng phía đông, nơi quần chúng sợ vỡ mật mỗi khi nhắc đến, hai tên công sai dẫn Tôn Bính thân hình cao lớn, mặt sắt đen sì, vào sân. Mặt Tôn Bính hơi bị phù, trên cổ có mấy vết thương màu đỏ, nhưng tinh thần thì rất ổn, hình như ông đang tự động viên. Khi ông đứng sánh vai với quan huyện, dân chúng bất giác sinh lòng nể trọng ông. Dù rằng ăn mặc, khí sắc ông không bằng quan huyện, nhưng bộ râu trước ngực ông quả thực phi phàm. Râu ông hình như rậm hơn, hơi rối và không mượt như râu quan huyện, dù vậy cũng đáng nể rồi! Vị hương thân gầy nhom nói nhỏ với vị béo:
- Người này khí chất hiên ngang, mặt mày rạng rỡ, quyết không phải phường xướng ca vô loài.
- Có gì ghê gớm đâu, chẳng qua chỉ là anh kép hát Miêu Xoang! – Ông béo dè bỉu.
Viên thơ lại chủ trì cuộc đọ râu đứng lên, dọn giọng khàn khàn của con nghiện, nói:
- Thưa các vị hương thân, phụ lão và bà con, lý do cuộc đọ râu hôm nay là, tên cứng đầu Tôn Bính nói năng vô đạo, xúc phạm tri huyện đại nhân. Tôn Bính tội nặng, lẽ ra cứ pháp luật mà trị, nhưng niệm tình mới phạm lần đầu, nên khoan hồng. Để Tôn Bính tâm phục khẩu phục, quan huyện đặc cách phê chuẩn lời thỉnh cầu của hắn, đọ râu công khai với hắn. Nếu Tôn Bính thắng, ông lớn tha cho tội xúc phạm ngài; nếu ông lớn thắng, Tôn Bính phải tự vặt râu và không được nuôi lại. Tôn Bính, có phải vậy không?
- Đúng vậy - Tôn Bính ngẩng đầu lên – Cám ơn ông lớn đã khoan hồng độ lượng!
Viên thơ lại hình sự xin ý kiến Tiền đại nhân, đại nhân khẽ gật đầu ra hiệu bắt đầu.
- Đọ râu bắt đầu! – Viên hình sự hô to.
Chỉ thấy Tôn Bính cởi phắt áo ngoài, hai vai đầy những lằn roi, cuốn đuôi sam lên đỉnh đầu, xiết chặt dây lưng, đá chân, vươn vai, vận toàn bộ khí lực vào cằm dưới. Quả nhiên, như có ma thuật, râu ông rung lên lạo xạo một hồi, sau đó sợi nào sợi ấy cứng như dây thép, thẳng tưng! Rồi ông vươn cằm, thẳng lưng, hạ thấp người, nhúng bộ râu vào nước.
Ông lớn Tiền không hề làm một động tác phô trương thanh thế. Khi Tôn Bính vận khí, ông đứng bên mỉm cười, tay phe phẩy quạt giấy. Vẻ nho nhã của quan huyện khiến mọi người thán phục, đồng thời sinh phản cảm đối với Tôn Bính, cho rằng ông ta vửa giả tạo vừa khó coi, mang đậm phong cách của anh mãi võ bán thuốc cao. Khi Tôn Bính nhúng râu vào nước, ông lớn Tiền cụp chiếc quạt giấy lại, cất trong ống tay áo rộng thùng thình. Rồi ông hai tay nâng râu đưa ra phía trước rũ một cái, quẳng đi cái vẻ phong lưu khoáng đạt suýt làm mất mạng Tôn Mi Nương. Ông lớn cũng vươn cằm ra, thẳng lưng hạ thấp người, nhúng bộ râu vào nước.
Mọi người kiễng chân, rướn cổ, trố mắt nhìn vào thùng nước. Nhưng hầu hết không nhìn thấy gì. Họ chỉ thấy nụ cười thanh thản của ông lớn và bộ mặt tím tái của Tôn Bính. Những người đứng gần nhất thực ra cũng không nhìn thấy bộ râu trong nước như thế nào. Nắng chói quá, mà thùng thì màu sẫm!
Viên thơ lại làm trọng tài cùng cới Cử nhân Đan đi đi lại lại giữa hai thùng nước, so sánh nhiều lượt, vui mừng ra mặt. Để thuyết phục đám đông, viên hình sự cao giọng đề nghị:
- Có ai muốn xem, xin mời lên!
Tôn Mi Nương bước qua chiếc ghế băng, chỉ mấy bước đã lướt tới bên quan lớn. Nàng cúi xuống, bày ngay trước mắt là gốc đuôi sam to dày, rãnh sống lưng rất sâu, vànnh tai trắng trẻo của ông lớn. Nàng cảm thấy môi nóng ran, sự thèm muốn như con trùng nhỏ, cứ nhè trái tim mà cắn! Nàng những muốn cúi xuống hôn khắp người ông, không chừa một chỗ nào, bằng cặp môi mềm mại, nhưng không dám. Nàng cảm thấy một tình cảm còn sâu sắc hơn cả nỗi đau, những giọt nước mắt to tướng rơi trên cổ ông, cái cổ đầy đặn và mạnh mẽ. Nàng ngửi thấy một mùi thơm nhè nhẹ từ thùng nước bay lên. Nàng trông thấy râu của ông lớn, từng sợi từng sợi cắm thẳng trong nước như bộ rễ của loài thủy sinh. Nàng thực sự không muốn xa thùng nước của ông lớn, nhưng viên hình sự và cử nhân Đan giục nàng chuyển sang thùng của cha nàng. Nàng cũng thấy râu của cha nàng cắm thẳng trong nước, cũng như bộ rễ của loài thủy sinh. Viên hình sự chỉ mấy sợi muối tiêu nổi trên mặt nước, nói:
- Chị Hai, chị trông rõ rồi chư? Chị cứ công bằng mà nói với mọi người! Bọn ta nói thì cho qua, lời chị nói thì ghi nhận. Chị nói đi, ai thắng, ai thua?
Mi Nương do dự trong một thoáng, từ khuôn mặt đỏ lựng và cặp mắt như ứa máu của cha, nàng nhìn thấy sự kỳ vọng của cha đối với nàng. Nhưng khi nhìn sang bên, gặp cặp mắt đa tình của ông lớn, nàng cảm thấy như có gì dính chặt môi lại, không nói nên lời. Viên hình sự và cử nhân Đan lại giục, nàng nói như khóc:
- Ông lớn thắng, cha tui thua!…
Hai mái đầu lập tức ngẩng lên, hai bộ râu đẫm nước được đưa ra ngoài thùng. Họ rũ râu, những hạt nước bắn tung tóe. Hai đối thủ nhìn nhau chằm chằm. Tôn Bính mắt trợn trừng, thở hồng hộc; ông lớn nét mặt tươi cười, ung dung thanh thản.
- Tôn Bính, ngươi còn nói gì không? – Ông lớn tươi cười hỏi.
Tôn Bính môi run bần bật, không nói gì.
- Như đã cam kết, Tôn Bính, ngươi tự vặt râu mình đi!
- Tôn Bính ơi Tôn Bính, nhà ngươi nhớ chưa? Còn nói bậy nữa thôi? – Tôn Bính hai tay nâng râu, ngửa mặt lên trời than thở – Thôi thôi, vứt bỏ cái của nợ này đi! Rồi, ông giật đứt một nắm râu vứt xuống đất, những giọt máu đào rỉ trên cằm. Ông lại túm một nắm định giật, thì Mi Nương quì sụp dưới chân ông lớn, nước mắt lưng tròng. Sắc mặt nàng kiều diễm như hoa đào, thật đáng yêu. Nàng ngẩng mặt nhìn ông lớn, nũng nịu:
- Ông lớn hãy tha cho cha tui!
Quan huyện nheo mắt, sắc mặt lộ vẻ như ngạc nhiên, lại như vui mừng, nhưng rõ nhất là cảm động. Môi ông mấp máy như nói, như không:
- Thì ra là Mi Nương…
- Đứng dậy, con gái! – Một giọt nước mắt rỉ ra từ khoé mắt Tôn Bính, ông nói nhỏ – không nên cầu xin người ta…
Ông lớn sững người, rồi cười sảng khoái. Dứt tiếng cười, ông nói:
- Các người cho rằng bản quan định vặt hết râu của Tôn Bính hay sao? Hôm nay đọ râu hắn thua, nhưng quả là hắn có bộ râu hiếm có trong thiên hạ. Bản quan không nỡ để hắn vặt trụi cả bộ râu! Bản quan đọ râu với hắn, một là cho hắn bớt ngông cuồng, hai là để mua vui cho các vị. Tôn Bính, bản quan tha tội cho nhà ngươi, cho ngươi giữ phần râu còn lại để còn đi hát.
Tôn Bính dập đầu lạy tạ.
Quần chúng cảm thán không nguôi.
Hương thân bàn tán ồn ào.
Mi Nương quì dưới đất, nhìn không chớp khuôn mặt mê hồn của ông lớn.
- Con gái nhà họ Tôn, vì việc công mà gác tình riêng, là đàn bà mà chí khí đàn ông, thực là hiếm thấy! – Ông quay lại nói với viên thơ lại phụ trách hậu cần
– Thưởng cho cô ta một lạng bạc!