Đánh máy: Trúc Nhi
Hồi 36
Ai Là Kẻ Trộm Kinh

Ngộ Phi đại sư cau mày khó chịu, đôi mắt hướng nhìn ra ngoài trầm giọng hỏi:
- Các ngươi làm gì thế? Đêm khuya tụ họp môn chúng làm huyên náo cả Vân Hiên... phiền lây đến quý khách.
Tiếng la hét bên ngoài dịu lại, ngoài Vân Hiên bước vào bốn người hòa thượng trung niên, tất cả đều mặc cà sa vàng, họ cúi đầu đáp lễ trước Ngộ Phi đại sư, một vi có lẽ lớn tuổi nhất đứng dậy chắp tay thưa:
- Bạch chưởng môn! Chúng đệ tử quyết vì thanh dự của Thiếu lâm có ba mươi sáu đời truyền thống, chúng đệ tử thề chết để bảo vệ Phật Pháp...Cúi xin chưởng môn ban pháp chỉ!
Nói xong hắn bước sang một bên chắp tay cúi đầu.
Ngộ Phi đại sư cất giọng trầm hùng bảo to:
- Bổn chưởng môn há chẳng biết hay sao? Nhưng mà, người lạ đến Tàng kinh đã lấy sách đi rồi, bấy giờ biết ngõ nào tìm “hắn”!
Bốn vị hòa thượng trung niên chắp tay nói:
- Xin chưởng môn thứ cho chúng đệ tử có đôi lời!
Ngộ Phi đại sư dịu giọng hỏi:
- Các ngươi muốn bảo gì?
Vị hòa thượng thủ lãnh chắp tay, cung kính đáp:
- Bổn tự tuy không có tường đồng vách sắt, nhưng các giới võ lâm đều nể trọng mấy đời Sư tổ của phái Thiếu Lâm, nên chưa chắc dám vượt qua Lôi trì nửa bước, còn câu chuyện đêm nay thật có điều uẩn khúc!
Vừa nói dứt, tám tròng mắt rực linh quang nhìn thẳng vào mặt Cừu Thiên Hiệp bằng những tia nhìn hồ nghi xoi mói.
Cừu Thiên Hiệp nhìn lại cả kinh, vì chàng nhận thấy trong tám tròng mắt của bốn vị hòa thượng đầy những tia hồ nghi, uất ức, phẫn nộ, căm hờn. Nhân đó chàng cao giọng hỏi:
- Tứ vị đại sư, chẳng nhẽ quý vị lại hoài nghi Cừu mỗ đã gây ra việc này ư!
Vị hòa thượng thủ lảnh mỉm cười, gay gắt:
- Thí chủ lại đây rất đúng lúc, bảo sao tiểu tăng không ngờ vực?
Tiếp theo đấy, ngoài sân Vân Hiên nhiều người la ó lên, tuy không có những lời ô tục như người đời, nhưng nhiều giọng reo hò đượm đầy vẻ căm hờn phẫn nộ, làm huyên náo cả lên.
Nhan Như Ngọc mỉm cười đứng dậy, hai bờ vai tròn trỉn của nàng khẽ run lên, hiển nhiên là nàng giữ thế phòng thân.
Cừu Thiên Hiệp nóng ran cả mặt, hướng ra ngoài nói to:
- Qúy vị nhầm lẫn, Cừu mỗ này không phải là hạng khoét vách đào tường, việc gì đã xảy ra cho quý tự. Cừu mỗ thật tình không rõ được!
Bên ngoài tiếng reo hò càng to hơn, nhiều vị tăng quá khích động đã bức đến trước thềm Vân Hiên...
Ngộ Phi đại sư đưa sâu chuỗi bồ đề vẫy nhẹ, bằng giọng nói hùng hồn quát lên:
- Cửa thiền an tịnh! Thể thốn của Thiếu Lâm như vậy ư!
Vị chưởng môn Thiếu Lâm tự, nội lực phi phàm tiếng quát của lão không to lắm, nhưng đủ khiến lỗ tai mọi người bị lùng bùng, kêu o o rất lâu. Bên ngoài, chúng tăng vụt nín bặt, không còn một tiếng xì xào nhỏ.
Bên trong bốn vị hòa thương chắp tay đứng yên như pho tượng hộ pháp thần kỳ.
Ngộ Phi đại sư hét bảo chúng tăng im lặng bèn quay sang Cừu Thiên Hiệp nói:
- Thí chủ! Pho sách “Thượng thừa Hoa Pháp chân kinh” là quyển sách rất cổ điển, lại là vật di truyền từ đời chưởng môn thứ bảy đến lão nạp là đời thứ ba mươi sáu, ước chừng trên ngàn năm đạo thống thì chẳng trách gì chúng đệ tử phẫn nộ uất lên!
Cừu Thiên Hiệp gật đầu tiếp lời:
- Đừng nói mất chân kinh, Thiếu Lâm tự mà để người xâm phạm, dù họ ra tay không, cũng mất đi uy tín và thanh dự của danh môn chánh phái phần nào. Vãn bối đã nghĩ ra và nhận thế là đúng!
Ngộ Phi đại sư thở dài buồn não tiếp:
- Không cần lắm, vì lão nạp đối với các giới võ lâm thanh dự hay quy tín, thì đã nhận chịu sự kém khuyết hơn người, nhưng à, việc mất bộ Chân Kinh...ôi!...Hậu quả không biết ra sao!
Cừu Thiên Hiệp ngạc nhiên hỏi:
- Vậy công lực sẽ ra sao? Đại sư xin cho biết nguyên nhân?
Ngộ Phi đại sư chớp nhanh viền mi bạc buồn bã tiếp:
- Mất quyển kinh này theo quy giới của bổn môn, thì...vị sư đệ giữ kinh phải tự thiêu để tạ tội, vị chưởng môn hiện nhiệm phải đóng cửa chùa và treo pháp chỉ mười năm, ngày nào chưa tìm được quyển chân kinh, là phái Thiếu Lâm chưa có lập chưởng môn quản nhiệm. Riêng về bản thân của lão nạp là chuyện nhỏ, mà đối với Thiếu Lâm tự trên ngàn năm hương hỏa, bị đoạn một chu kỳ thật là đại sự...vì cả ngàn năm mới xảy ra xớ vậy!
Giọng nói của đại sư rất thê lương buồn não, dường như đại sư cố dằn lòng, không để rơi lệ.
Cừu Thiên Hiệp vốn người hiền hậu, nghe qua những lời nói của Ngộ Phi, chàng cúi đầu trầm tự mặc tưởng.
Ngộ Phi đại sư lại nói tiếp:
- Thật ra quyển “Thượng thừa Hoa chân kinh” lọt vào tay người lạ, có thể nói không biết đọc làm sao nữa, vì gồm toàn thể chữ Phạn phiên âm chữ Hán rất ít. Lão nạp chỉ cầu mong vị nào đã tự lấy quyển Chân kinh, xin Phật trời xuôi khiến cho hắn phát thiện tâm giao trả cho nhà chùa, và toàn thể phái Thiếu Lâm trăm ngàn năm sau còn mến đức và ân nghĩa của vị ấy sẽ lớn vô ngần!
Đại sư vừa nói vừa nhìn Cừu Thiên Hiệp trầm ngâm, dường như ai móc cả ngũ tạng lục phủ chàng...Đương nhiên Cừu Thiên Hiệp bị nghi ngờ...
Nhan Như Ngọc quan sát thần sắc Cừu Thiên Hiệp, nhưng thấy chàng ưu tư phiền não, đôi môi mấp máy, nàng lại hướng vào Ngộ Phi đại sư vòng tay bái lễ nói:
- Hôm nay tiện nữ lại đây không nhầm lúc, gặp hồi quý tự xảy ra việc không may, mà tiện nữ không biết để ứng trợ, thành ra kẻ bàng quan...thế tiện nữ xin cáo từ!
Vừa nói dứt, nàng vòng tay làm lễ hai làn nhạn bước nhanh ra sân Vân Hiên toan tẩu thoát.
Bốn vị hòa thượng áo vàng nhanh mắt thấy, họ lắc mình chia mau bốn hướng vây Nhan Như Ngọc, hòa thượng thủ lãnh gằn giọng hỏi:
- Nữ thí chủ! Công việc nơi đây chưa rõ rệt, xin mời nữ thí chủ lưu lại!
Nhan Như Ngọc lộ vẻ không vui, gằn giọng:
- Thế à! Vậy quý vị nghi ngờ luôn ta nữa!
Vị hòa thượng thủ lãnh nói:
- Chúng tôi há dám ngờ vực cô nương sao, nhưng chỉ mong nước ròng lòi mặt đá!
Ngộ Phi đại sư lại không can đệ tử mà quay nhìn Cừu Thiên Hiệp hỏi:
- Cừu Thiên Hiệp! Có gì muốn nói không?
Lời nói của đại sư dường như một sự chỉ định nói “Cừu Thiên Hiệp có liên can vào vụ trộm quyển Chân Kinh”.
Cừu Thiên Hiệp mang trong lòng sự uẩn khúc chưa tìm ra biện pháp thích đáng nào, bất giác chàng cất tiếng nói bừa không nghi ngờ:
- Các ngươi hãy để Nhan cô nương đi, chuyện gì sẽ nói sau!
Ngộ Phi đại sư lấy làm lạ hỏi:
- Ngươi nói thế là nghĩa gì?
Cừu Thiên Hiệp thản nhiên đáp:
- Bóng kẻ trộm xuất hiện tại Tàng Kinh lầu lúc bấy giờ chính mắt tôi thấy Nhan cô nương ở phía sau hòn giả sơn, và xin bảo đảm hành động đó không phải do Nhan cô nương làm ra, mong đại sư soi xét!
Nhan Như Ngọc và Ngộ Phi đại sư cả hai biến sắc và suýt kêu lên kinh ngạc.
Bốn vị hòa thượng áo vàng đồng hét lên:
- Sự thế đã như vầy, ngươi dám chứng minh và bảo đảm nữ thí chủ, vậy ai lại đây chứng minh và bảo đảm cho ngươi!?
Thật là câu nói trắng trợn và vô lý hết sức. Nhưng, bốn vị hòa thượng lại có lý riêng của họ? Cho nên sau khi dứt lời, bốn người chia ra bốn hướng vây Cừu Thiên Hiệp vào giữa, giơ tay thủ thế toan tấn kích Cừu Thiên Hiệp.
Nếu Thiếu Lâm tự đổi ra một địa phương khác thì Cừu Thiên Hiệp bất luận với giá nào chàng cũng không nhẫn nại được, đừng nói là Thiếu Lâm tự mà cho là Thánh cảnh võ lâm hay các thủ lãnh Cửu đại môn phái hợp lại nhếch môi nói động đến thanh dự của chàng, thì nhứt định mạng đổi mạng, thân liều thân chẳng soợ gì hang hùm ổ rắn.
Liều trọng yếu xuôi chàng phải nhẫn nại đã, Cửu đại môn phái đã đến kỳ ước hội nay may, mà Ngộ Phi đại sư có lời nói ngàn vàng. Chính mình lại liên quan rất nhiều với Cửu đại môn phái mà chỉ có Ngộ Phi đại sư là người duy nhất có thể hiểu rõ mà thôi, còn mọi người chẳng qua là khách đi đường không ai biết gì cả. Bởi vậy, bằng mọi giá nào hay sự khổ nhục đến đâu chăng nữa, chàng cũng không dám chạm trán với Ngộ Phi đại sư.
Nếu bước thêm một bướt nữa, thì việc động thủ sợ xảy ra trong muôn một, chẳng kể thắng hay bại, đều mang tiếng trộm sách nhà chùa, dù muốn dù không cũng khó thoát khỏi công luận phê phán.
Nhân đó, Cừu Thiên Hiệp mỉm cười, hai tay giơ thẳng lên trời nói to:
- Qúi vị lão tăng, có lẻ bốn vị đề quyết tại hạ trộm quyển Chân Kinh hay sao?
Ngộ Phi đại sư sớm đã đưa tay ngăn trở vừa từ tốn bảo:
- Các ngươi là Phật gia tử đệ, tại sao có những hành động quá khích như kẻ phàm phu thế!
Nói xong, Ngộ Phi quay nhìn Cừu Thiên Hiệp nhẹ giọng hỏi:
- Tiểu thí chủ, lão nạp muốn hỏi thí chủ một đôi lời đặng chăng?
Cừu Thiên Hiệp rùn mình, vì cảm giác vị chưởng môn Thiếu Lâm tự đối với chính mình chưa hết sự ngờ vực, chỉ vì lão hòa thượng công lực quá siêu việt, nên chẳng để lộ ra mặt những nét vui, mừng giận, ghét, muốn.....bèn vòng tay thi lễ nói:
- Xin đại sư chỉ giáo?
Ngộ Phi đại sư pháp thân nghiêm chỉnh cất giọng nói trầm hùng bảo:
- Suốt mấy tháng nay lão nạp có nghe Tiểu thí chủ tung hoành vùng vẫy chuyện có, chuyện không, lão nạp e rằng thí chủ không đủ sức chống lại với mọi người!
Cừu Thiên Hiệp nghe qua giật mình, lùi lại một bước song cố giữ giọng thản nhiên hỏi:
- Lão chưởng môn! Đại sư mãi không hiểu được tại hạ, suốt mấy tháng nay tại hạ đã làm gì mà gọi rằng chuyện có, chuyện không?
Ngộ Phi đại sư vẫn giữ vẻ thản nhiên nói:
- Việc này còn có công luận giang hồ, lão nạp chỉ có tấc lòng riêng...thành thử mới bày ra buổi ước hội vào tiết Đoan Ngọ này, một phần là vì nhờ công lý của đại môn phái, một phần là vì tôn trọng lý tưởng của Tiểu thí chủ, nhưng riêng về lão nạp chỉ mong chấm dứt sự tiêu đao, vị vận kiếp sát của mọi giới võ lâm! Tại sao thí chủ đối với lão nạp, dường như không có chút gì đồng tình vậy!
Cừu Thiên Hiệp nghe qua vội vàng đáp:
- Tại hạ vượt ngàn dặm đường đến dự cuộc ước hội, cũng vì cảm mến đại sư không nệ hà đến Tây Bắc triệu gọi, vì sợ trở ngại dọc đường nên tại hạ đến đây sớm hơn lời đã hứa, vậy tại hạ đâu có bất mãn về việc ước hội hay có thái độ phụ lòng đại sư! Cũng vì lại đây sớm mới có chuyện!
Ngộ Phi đại sư niệm một tràng phật hiệu lại nói:
- Người xuất gia không dám vọng ngữ, nhưng chỉ nguyện tiểu thí chủ lấy sự thành thật là để thấy hơn.
Cừu Thiên Hiệp chẳng lo lường mà hỏi tiếp:
- Vãn bối quyết không vọng ngữ dù một chuyện nhỏ nào, mong đại sư hãy tin nơi vãn bối!
Ngộ Phi đại sư gật đầu, lại thở dài u uất nhìn Cừu Thiên Hiệp nói:
- Tiểu thí chủ! Có thể nào thí chủ cùng đi với lão nạp giây phút được chăng?
Cừu Thiên Hiệp tuy không rõ đại sư muốn đưa đi đâu, nhưng dõng dạc đáp:
- Đại sư có lòng chỉ dạy, vãn bối lẽ nào chẳng nghe theo!
Ngộ Phi đại sư quay nhìn Nhan Như Ngọc bảo:
- Xin tạm ngưng hầu chuyện cùng cô nương trong giây phút!
Nói xong, đại sư vẫy tay áo rộng ra hiệu cho tăng chúng giải tán. Bằng chiêu “Phục hư hãm” lão không cần rún mình mà vọt lên cao.
Thật là công phu thâm hậu khác thường, đã không thấy đại sư khởi thế, hoặc nhích động bờ vai, mà thân người từ mặt đất nhấc bỗng lên không, bay tạt qua nóc chánh điện vừa cao giọng gọi:
- Thiếu Hiệp hãy theo lão nạp!
Cừu Thiên Hiệp ở tại Thiếu Lâm tự, cảm thấy nơi đây phận mình là hàng vãn danh hậu bối bèn cất tiếng nói to:
- Đại sư! Công lực thật tối thâm hậu, vãn bối mới có dịp mở rộng tầm kiến văn!
Chàng nói xong, thân mình đứng yên bất động.
Tăng chúng ngoài Vân Hiên có một cảm giác lạ kỳ đối với Cừu Thiên Hiệp, qua chớp mắt thời gian.
Không ngờ, trên mái ngói chánh điện lại vang lên:
- Xin đại sư đi trước!
Bấy giờ, bên dưới Vân Hiên lại không thấy bóng hình Cừu Thiên Hiệp đâu nữa, không rõ chàng phi thân lên nó điện vào lúc nào.
Chúng tăng người người đưa mắt nhìn nhau, kinh ngạc, tuy võ công Thiếu Lâm là lãnh tụ giang hồ và nghiễm nhiên là minh chủ của bảy đại môn phái, nhưng không phải mọi người đều là tay tuyệt thế cao thủ.
Vả lại Cừu Thiên Hiệp đã đưa chiêu khinh công “Lôi hành cửa chuyển” lấy trong “thiết thư” là môn khinh công tuyệt học đã thất truyền hàng mấy trăm năm, bảo sao mọi người không trố mắt nhìn kinh ngạc?
Thậm chí đến Hồng hoa lệnh chủ Nhan Như Ngọc cũng lắc đầu chắc lưỡi, mặt phấn ửng đỏ như áng mây chiều.
Lại nghe trên mái ngói Chánh điện, Ngộ Phi đại sư lên tiếng bảo Cừu Thiên Hiệp:
- Tiểu thí chủ! Chúng ta lại đây!
Đại sư phất nhanh tay áo thụng, cà sa phơi phới lượng theo ngọn gió đêm, thân tựa vàng cung bật mạnh ra bên ngoài tường viện chùa, tỉ như một con tiên hạc màu đà, vỗ cánh tung bay theo gió nhẹ, thật là danh môn cao thủ khác hơn kẻ thường nhân rất nhiều.
Cừu Thiên Hiệp hơi buồn man mác, hắn triển mạnh đôi tay như cánh bàng lướt gió, đuổi theo sát mình Ngộ Phi đại sư, trong chớp mắt hai người đã ra khỏi Thiếu Lâm tự khá xa.
Ngộ Phi đại sư thân mình nghiêng nghiêng, hạ xuống một khóm cây xanh mịt.
Cừu Thiên Hiệp như bóng với hình, hạ ngay trước mặt đại sư lệch về hướng Bắc.
Ngộ Phi đại sư vừa hạ mình xuống đất, đã ngồi xếp bằng tròn trên mặt cỏ và từ từ hỏi:
- Này tiểu thí chủ! Có thật tiểu thí chủ trông thấy một bóng đen từ trong Tàng Kinh lầu bay vọt ra chăng?
Lời nói của đại sư đượm vẻ hồ nghi, vì không tin tưởng lời nói của Cừu Thiên Hiệp là đúng.
Cừu Thiên Hiệp thành thật đáp:
- Việc này chỉ mong đại sư tin tưởng chứ riêng vãn bối chẳng dám dối lòng!
Ngộ Phi đại sư đưa mắt nhìn Cừu Thiên Hiệp bằng những tia thần quang êm dịu, rất lâu đại sư mới cất tiếng thở dài não ruột, nói:
- Thôi được! Hiện tại chúng ta hãy trở lại chùa, mong tiểu thí chủ hãy lượng thứ cho tệ tự chúng tăng, vì chúng là những người không hiểu thí chủ? Và đừng nói lại việc này!
Từ ngôn ngữ đến hành động của lão hòa thượng khiến Cừu Thiên Hiệp như bị rơi vào sa mù, một áng mây mờ nghi vấn phủ kín cơ não của chàng, từng cơn thắc mắc đánh vào tâm linh đầu não làm cho Cừu Thiên Hiệp thộn người như bức phổng sành:
- Tại sao lại dắt ta ra khỏi vòng thành Thiếu Lâm tự? Tại sao chỉ hỏi một câu hỏi không đâu? Lão sư đương nhiên là vị chưởng môn tại sao lại căn dặn ta giấu những lời vừa nói? Có gì cố kỵ, có gì đáng ngại đâu? Giờ này trở lại chùa hay đi đâu? Tại sao tỏ vẻ sợ người hay biết...lạ thật?
Ngay lúc đó, Ngộ Phi đại sư đã rún mình vọt lên cao, sánh như lúc ra khỏi chùa thân pháp bấy giờ lại nhẹ nhàng và mau lẹ hơn tựa như áng mây nổi, bay lượn dưới ánh thiều quang, không gây ra một tiếng động nhẹ nào.....
Cừu Thiên Hiệp trổ khinh thuật bám sát theo dưới, nửa bước không rời vị lão sư.
Ngộ Phi đại sư không vào cổng trước mà vượt ngỏ sau chùa, đi xuyên qua khoảng vườn rau, lại đi mép mình dưới hàng trà, lẫn nhanh vào chùa. Lão sư là vị chưởng môn của nhà Chùa nên biết rõ lối nào tránh khỏi tai mắt của tăng chúng dể như trở tay. Quả nhiên trên đường đi thần không hay quỷ không biết, chỉ chớp mắt đã đến phía dưới chân lầu Tàng kinh.
Cừu Thiên Hiệp ngạc nhiên vô kể, nhưng không dám mở lời hỏi một câu nào, chỉ âm thầm lặng lẽ nói gót theo sau lưng Ngộ Phi đại sư, như một bóng mờ.
Ngộ Phi đại sư đến dưới chân lầu Tàng kinh lại không xô cửa chính vào, mà lần đến bên góc lầu ngay ống máng xối nước, hai tay bám nhẹ mà leo lên thoăn thoắt, lại trèo cửa song bước vào trong lầu Tàng Kinh...Cừu Thiên Hiệp vận dụng cả công phu theo sát một bên.....Cả hai đã thi triển môn khinh công tột bực, đến nổi bụi không đổ, gió không lay, nhẹ như miếng bông gòn rơi trên tuyết.
Bên trong Tàng Kinh lầu là gian phòng rộng rãi thênh thang, kệ ngang, tủ đứng, dựng dựa theo bốn bức tường san sát. Bên trong tủ kệ chứa toàn là kinh sách, từ loại kinh cổ lổ cho đến loại sách hiện kim, đầy dẫy những pho kinh giấy bạch đã ngã màu vàng như màu giấy bảng làng Chu Thượng, cùng có những pho tuyệt đẹp, in bằng thạch hàn nét chữ mạ hoàng kim vàng óng ánh, thật chẳng khác nào một hư viện của một xứ nhỏ.
Ngộ Phi đại sư hướng dẫn Cừu Thiên Hiệp xem qua những tủ đựng sách, sau cùng đến một ngăn tủ chìa ra ba hộc, có in chữ nê kim. Đại sư chỉ vào ba hộc tủ bảo:
- Thiếu hiệp! Đây là ngăn tủ chứa ba bộ quý thư của bổn tự. Một là “Đạt ma di tiết kinh”, hai là “Kim Cang chân kinh” còn bộ thứ ba đã mất là “Thượng thừa Hoa pháp chân kinh”.
Vừa nói dứt, Ngộ Phi đại sư lôi trong hộc một hộc hai ra hai bộ kinh, còn hộc thứ ba chỉ là cái hộc rổng tếch. “Thượng thừa hoa pháp chân kinh” đã mất tự bao giờ. Đôi mắt già nua của vị sư già long lanh vài ngấn lệ, lão trầm tư mặt tưởng một cách thê lương.
Cừu Thiên Hiệp nhìn thấy vẻ mặt sầu não của đại sư thật lấy làm khó nghĩ, bất giác cũng buồn lây, lại thẩn thờ nói:
- Gớm thật! Kẻ nào vào đây phải tay công lực phi thường mật gan chẳng nhỏ!
Ngộ Phi đại sư nhếch môi cười đau khổ, lại dùng giọng bí mật hỏi:
- Này thí chủ! Ngươi có biết ý ta dẫn ngươi đến đây để làm gì không?
Cừu Thiên Hiệp ngạc nhiên lắc đầu:
- Vãn hạ không rõ được!
Ngộ Phi đại sư lộ vẻ ngạc nhiên đưa mắt nhìn chàng sững sờ, đoạn từ từ nói:
- Tàng kinh lầu bình thường này, trừ chưởng môn và người đệ tử khán thư ra, không một ai được vào đây cả. Hôm nay tiểu thí chủ đến đây là người thứ hai!
Cừu Thiên Hiệp lấy làm lạ hỏi:
- À! Vậy người thứ nhất là ai?
Ngộ Phi đại sư mỉm cười thản nhiên nói:
- Tự nhiên là vị đã lấy quyển “Thượng thừa hoa pháp chân kinh” là người thứ nhứt!
Cừu Thiên Hiệp nghe đỏ mặt vừa chép miệng nói thầm:
“Chính mình giờ này còn nhiều câu hỏi!” Do đó chàng lẩm bẩm nói:
- À...ra thế! Phải... đấy!
Ngộ Phi đại sư lại nói tiếp:
- Khi mất Chân kinh, tuy lão nạp và sư đệ Ngộ Thanh đã lên lầu quan sát, nhưng chỉ có lão nạp nhìn thấy một phần chứng cớ, còn sư đệ Ngộ Thanh vì tâm thần rối loạn, không phát giác được gì!
Cừu Thiên Hiệp nghe qua lấy làm mừng rỡ bèn vồn vã hỏi:
- Nếu như thế, tiền bối đã biết rõ kẻ nào là thủ phạm đấy chứ?
Ngộ Phi đại sư điềm đạm cười bảo:
- Cũng không chắc lắm!
Cừu Thiên Hiệp như rơi vào trận sa mù khói tỏa, liền mơ hoảng nói:
- Tại sao thế đại sư?
Ngộ Phi đại sư tỏ vẻ trang trọng nói tiếp:
- Vì hắn có để lại dấu vết, song ta quá tư lự chưa dám quả quyết, chỉ vì...vì.. Cừu Thiên Hiệp rất nôn nóng một là vì hảo kỳ, hai là chưa rõ ai là thủ phạm, bèn hỏi nhanh:
- Đại sư có thể cho tại hạ xem thử chứng tích đó được chăng?
Ngộ Phi đại sư mỉm cười điềm đạm nói:
- Tiểu thí chủ là tay lịch duyệt giang hồ, tư tưởng phong phú, may ra ngươi nhìn biết chứng tích đó là của ai?
Cừu Thiên Hiệp cả thẹn, khiêm nhượng tiếp lời:
- Xin đại sư chớ cười, chỉ vì tại hạ nóng lòng muốn biết câu chuyện ra sao, chứ là gì bằng được môn hạ của đại sư!
Ngộ Phi bước lần ra cửa song đưa mắt nhìn vào cõi mông lung, bằng giọng nói cực kỳ nghiêm trọng bảo:
- Này thiếu hiệp, việc này lão nạp đã có giấu bổn môn đệ tử, nếu chúng nghe được, lão sợ chúng không chế ngự được nội tâm vọng động, mà phá cả giới luật của nhà chùa, nhưng điều cốt yếu là muốn tránh vận kiếp sát, sẽ xảy ra bằng cách bất đắc dĩ...Vậy lão nạp cầu xin tiểu thí chủ:
Sau khi xem chứng tích, trước khi chứng tích này được minh định của ai, do ai? Thì tiểu thí chủ phải hứa với lương tâm là không nên đề cập việc này bất luận với người nào....Nếu thí chủ làm được như thế, là thí chủ đã miễn cho lão nạp một sự thương tâm thống khổ đời đời...
Cừu Thiên Hiệp cúi đầu lặng lẽ, không rõ có lý do kỳ bí nào mà đại sư dùng những lời lẻ quá chân trọng, nên cung kính đáp:
- Đại sư đã có lòng hậu đãi, vãn bối há không có chút thiện tâm hay sao, những lời tiền bối đã dạy, vãn bối tự dặn lòng không nói lộ ra nửa tiếng. Trừ phi việc này đã rõ ràng trước công luận.. Ngộ Phi đại sư gật đầu nói:
- Lão nạp trọng tin Tiểu thí chủ!
Nói xong, đại sư bước lùi hai bước đưa tấm màn bằng lụa vàng treo trước cửa song được cuốn lên rất cẩn thận, sau cùng đại sư lên tiếng bảo:
- Đây là tấm màn cửa song che cản ánh sáng rọi vào phòng để hơi nóng mặt trời khỏi làm vàng kinh sách và gió không cuộn bụi thổi vào làm bẩn cả sách kinh!
Cừu Thiên Hiệp hơi khó chịu, nói thầm:
- Hiện giờ không phải lúc nói chuyện cấp bách hay sao? Tại sao đại sư đem chuyện mùng màn ra nói, vô lý thật, hay là tâm lý đại sư bị nhiều sự kích thích, nên mất cả bình tĩnh của tâm hồn chăng?
Ngộ Phi đại sư nhìn chàng mỉm cười nói:
- Lúc lão nạp lên lầu xem xét, thì bức màn con buông tỏa trước song, nhân đó lão nạp mới để ý thấy vết tích còn ghi trên bức màn, thuận tay lão cuốn lại vắt lên, những vết tích và nét bút còn ghi rõ trong bức màn này!
Cừu Thiên Hiệp chợt hiểu kêu lên kinh ngạc:
- A! Nguyên lai như thế!
Chàng vừa nói dứt, Ngộ Phi đại sư đưa tay kéo bức màn cho buông xỏa xuống cửa song, vừa thuận miệng bảo:
- Đây thiếu hiệp hãy nhìn xem, đó là chứng tích của kẻ nào đây!
Cừu Thiên Hiệp vừa nhìn thấy dòng chữ in lồ lộ trên tấm màn, gương mặt chàng biến nhanh màu xám xịt, quả tim đập liên hồi, tai ù mắt loạn toàn thân run lên bần bật muốn ngã.