TRẦN THIỆP THẾ GIA

1. Trần Thắng là người Dương Thành, tên chữ là Thiệp. Ngô Qủang là người Dương Hạ, tên chữ là Thúc. Lúc còn trẻ, Trần Thiệp thường cùng cày thuê với người ta, Thiệp dừng cày ở trên gò, bùi ngùi một hồi lâu mà rằng:
- Nếu được giàu sang, xin đừng quên nhau!
Bạn cày thuê cười, đáp:
- Đã đi cày thuê, còn giàu sang nỗi gì?
Trần Thắng thở dài nói:
- Than ôi! Chim én, chim sẻ làm sao biết được chí của chim hộc, chim hồng (Đoạn 1 - Trần Thiệp lúc hàn vi. Nhắc đến câu nói, “giàu sang đừng quên nhau”, để chuẩn bị cho việc Trần Thiệp quên bạn ở đoạn 4.)
2. Tháng bảy, năm thứ nhất đời Nhị Thế (-209) chín trăm người bình dân các làng được đưa đi đồn thú ở Ngũ Dương, đóng lại ở làng Đại Trạch. Trần Thắng, Ngô Quảng đều thuộc vào danh sách phải đi, và làm đồn trưởng. Gặp mưa to, đường bị nghẽn, tính biết đã quá kỳ hạn. Nếu quá kỳ hạn thì theo pháp luật là đều bị chém. Trần Thắng, Ngô Quảng bàn nhau:
- Nay nếu chúng ta trốn thì chết, mà mưu việc lớn cũng chết. Cũng một cái chết cả, vậy chết cho nước có nên không?
Trần Thắng nói:
- Thiên hạ khổ vì nhà Tần đã lâu rồi! Tôi nghe nói Nhị Thế là con thứ, không đáng được lập làm vua, người đáng được lập là công tử Phù Tô. Phù Tô vì hay can ngăn nên vua sai đi cầm quân ở ngoài. Nay nghe phong thanh ông ta vô tội mà bị Nhị Thế giết. Trăm họ nhiều người nghe nói ông ta hiền, chưa biết ông ta chết ( Xem Lý Tư liệt truyện). Hạng Yên làm tướng nước Sở, lập được nhiều công, yêu sĩ tốt, người Sở đều thương. Có người nói ông ta chết, có người nói ông ta bỏ trốn ( Xem Hạng Vũ bản kỷ đoạn 1). Nay nếu chúng ta giả xưng là công tử Phù Tô, Hạng Yên, đứng lên hiệu triệu thiên hạ thì chắc nhiều người hưởng ứng.
Ngô Qủang cho là phải. Bèn đi bói. Người bói biết ý, nói:
- Mọi việc của túc hạ đều thành, sẽ nên việc hết. Nhưng túc hạ thử “bói quỉ” xem sao.
Trần Thắng, Ngô Quảng mừng lắm, nghĩ đến chuyện “bói quỉ” nói:
- Đấy là ông ấy bảo ta trước tiên phải mượn quỉ thần ra uy với dân chúng đấy.
Thắng bèn lấy son viết lên lụa trắng mấy chữ “Trần Thắng Vương (Trần Thắng làm vua), bỏ vào bụng con cá. Có người đánh được cá. Quân lính mua cá mổ ra thấy thư ở trong bụng cá cho là quái lạ. Thắng lại ngầm sai Ngô Quảng đến nơi đền, cây cối um tùm, thắp ngọn đèn lồng làm giả tiếng cáo, “Đại Sở hưng! Trần Thắng Vương!” (Nước Sở nổi lên, Trần Thắng làm vua). Quân lính ban đêm kinh sợ, đến sáng họ kháo nhau, đưa mắt chỉ cho nhau Trần Thắng.
Ngô Quảng tính yêu người, sĩ tốt nhiều người theo giúp. Nhân lúc viên uý say rượu, Qủang cố ý mấy lần nói mình muốn bỏ trốn để cho y nổi giận, mắng nhiếc mình, làm cho quân lính phẫn uất. Viên uý quả nhiên lấy roi đánh Quảng. Viên uý tuốt kiếm, Quảng đứng dậy giựt kiếm và giết viên uý. Thắng giúp Quảng cùng hai viên uý. Thắng bèn ra lệnh cho những người đi thú:
- Các ông gặp mưa, đều đã sai kỳ hạn. Sai kỳ hạn đều bị tội chém. Dù có khỏi bị chém đi nữa, thì trong số mười người đi thú, cũng chết mất sáu, bảy. Vả chăng, kẻ tráng sĩ không chết thì thôi, chứ đã chết thì phải mưu việc lớn, vương, hầu, tướng quân, thừa tướng, há phải có dòng dõi mới làm nên sao!
Những người đi theo đều nói:
- Xin vâng lệnh.
Thắng bèn nói dối là công tử Phù Tô, Hạng Yên để theo ý muốn của dân. Tất cả vén tay áo bên phải lên xưng “Đại Sở” lập đàn thề, lấy đầu viên uý để tế. Trần Thắng tự lập làm tướng quân, Ngô Qủang làm đô uý. Thắng đánh làng Đại Trạch, lấy được Đại Trạch rồi đánh đất Kỳ, lấy được Kỳ. Thắng bèn sai Cát Anh, người ấp Phù Ly đem binh chiêu hàng phía đông đất Kỳ, đánh Trất, Toản, Khổ, Giá, Tiều, đều lấy được tất cả. Khi đến đất Trần, thì đã có sáu bảy trăm cỗ xe, hơn ngàn kỵ binh, quân lính mấy vạn người. Thắng đánh đất Trần, quan quận thú và huyện lệnh của đất Trần đều không có mặt ở đấy, chỉ có một mình viên thủ thừa chiến đấu ở trong cửa lầu, đánh không nổi, Thủ Thừa chết. Thắng bèn chiếm cứ đất Trần, được vài ngày, Thắng sai hiệu triệu các tam lão (Quan ở làng lo việc dạy dỗ dân) hào kiệt để bàn bạc. Các tam lão và hào kiệt đều nói:
- Tướng quân đã mang giáp dày, cầm giáo nhọn, đánh kẻ vô đạo, giết nhà Tần tàn bạo, lập lại xã tắc nước Sở, công lao ấy đáng làm vương.
Trần Thiệp bèn tự lập làm vương, hiệu là Trương Sở (Nước Sở mở rộng).
3. Trong lúc bấy giờ, các quận huyện cực khổ vì quan lại nhà Tần, nên đều phơi bày tội trạng bọn quan cầm đầu ở đấy, giết họ để hưởng ứng Trần Thiệp. Trần Thiệp bèn cho Ngô Thúc làm giả vương giám đốc các tướng, đem binh về hướng tây đánh Huỳnh Dương; sai Vũ Thần, Trương Nhĩ, Trần Dư, người đất Trần, chiêu hàng đất Triệu; sai Đặng Tôn, người đất Nhữ Âm, chiêu hàng quận Cửu Giang. Bấy giờ những toán quân Sở họp nhau từng nhóm vài nghìn người tính không xuể.
Cát Anh đến đất Đông Thành lập Tương Cương làm Sở Vương, sau đó Cát Anh nghe tin đã lập Trần Vương, nên giết Tương Cương quay về báo với Trần Thiệp. Đến đất Trần, Trần Vương giết Cát Anh. Trần Vương sai Chu Thị, người nước Nguỵ, lên miền bắc chiêu hàng đất Nguỵ. Ngô Qủang vây Huỳnh Dương. Lý Do làm thái thú quận Tam Xuyên giữ Huỳnh Dương, Ngô Thúc đánh, không lấy được thành.
Trần Vương mời những người hào kiệt trong nước để bàn, cho Thái Tử người Thượng Thái, ấp Phòng Quân, làm thượng trụ quốc. Chu Văn là người hiền ở đất Trần, thường coi ngày tốt xấu cho quân của Hạng Yên trước, làm việc với Xuân Thâu Quân, tự tiến cử mình với Trần Thiệp, nói rằng mình thông thạo binh pháp. Trần Vương cấp cho y ấn tướng quân, đem binh về hướng tây đánh Tần. Chu Văn đi tập hợp quân đội đến Hàm Cốc Quan, có ngàn cỗ xe, mấy mươi vạn binh, đến đất Hý đóng quân. Tần sai quan thiếu phủ là Chương Hàm tha cho những người làm phu dịch ở Ly Sơn, và con cháu nô tỳ, đem tất cả để đánh đại quân của Sở. Quân Sở thua to. Chu Văn thua chạy ra khỏi Hàm Cốc Quan, dừng lại đóng quân ở Tào Dương hai ba tháng. Chương Hàm đuổi theo đánh. Chu Văn lại thua, bỏ chạy đến đóng ở Dẫn Trì hơn mười ngày. Chương Hàm đánh Chu Văn thua to. Chu Văn tự đâm cổ chết, quân lính không chiến đấu nữa.
Vũ Thần đến Hàm Đan tự lập làm Triệu Vương. Trần Dư làm đại tướng quân, Trương Nhĩ, Thiệu Tao làm tả thừa tướng, hữu thừa tướng. Trần Vương giận bắt trói gia quyến bọn Vũ Thần định giết đi. Quan trụ quốc nói:
- Nước Tần chưa mất mà ta lại giết gia quyến vua tôi Triệu Vương thì tức là gây ra một nước Tần nữa. Chi bằng nhân đó mà lập họ.
Trần Vương bèn sai sứ đến mừng Triệu Vương, đem gia quyến bọn Vũ Thần vào cung, phong con của Nhĩ là Trương Ngao làm Thành Đô Quân, giục quân Triệu mau mau vào Hàm Cốc Quan. Các quan văn võ Triệu Vương bàn với nhau:
- Nhà vua được làm vương ở đất Triệu, không phải là ý muốn của Sở. Nếu nước Sở diệt xong nước Tần thì nhất định sẽ đem binh đánh Triệu. Không có kế gì hơn là đừng đem binh về hướng tây, sai sứ đi về hướng bắc chiêu hàng đất Yên để mở rộng thêm đất cho nước mình. Nước Triệu phía nam giữ Hoàng Hà, phía bắc lấy được đất Yên, đất Đại thì nước Sở dù có đánh thắng được Tần cũng không sao không chế được Triệu. Nếu nước Sở không đánh thắng được Tần thì phải quí trọng nước Triệu. Nước Triệu nhân lúc Tần suy nhược có thể đắc chí với thiên hạ.
Triệu Vương cho là phải. Vì vậy Triệu Vương không đem binh về hướng tây, mà lại sai Hàn Quảng trước kia làm tốt sử (chức quan nhỏ) ở Thượng Cốc, đem binh về hướng bắc chiêu hàng đất Yên. Các quan lại và quí tộc cũ cùng hào kiệt ở Yên nói với Hàn Quảng:
- Nước Sở đã lập vương, nước Triệu cũng lại lập vương, nước Yên tuy nhỏ cũng là nước có vạn cỗ xe, xin tướng quân tự lập làm Yên Vương.
Hàn Quảng nói:
- Mẹ Quảng ở Triệu, làm thế không được.
Người Yên nói:
- Nước Triệu hiện nay phía tây đang lo về nước Tần, phía nam lo về nước Sở, sức của nó không thể cấm ta được; vả chăng mạnh như nước Sở mà còn không dám hại gia đình vua tôi Triệu Vương, nước Triệu làm gì dám hại đến gia quyến tướng quân!
Hàn Quảng cho là phải, tự lập làm Yên Vương. Được vài tháng, nước Triệu đưa mẹ và gia quyến của Yên Vương về nước Yên. Lúc bấy giờ số các tướng đi chiêu hàng các nơi kể không xiết.
Chu Thị đi về hướng bắc chiêu hàng đến đất Địch. Người đất Địch là Điền Đam giết quan huyện lệnh đất Địch, tự lập làm Tề Vương, đánh Chu Thị, Quân của Thị tan rã, Thị trở về đến đất Nguỵ, muốn lập con cháu vua Nguỵ, là Ninh Lăng Quân tên là Cữu, làm Nguỵ Vương. Lúc bấy giờ Cữu đang ở nơi Trần Vương, không thể về đất Nguỵ. Sau khi đã lấy được nước Nguỵ, người ta muốn lập Chu Thị làm Nguỵ Vương, Chu Thị không chịu, sai sứ đi về năm lần. Trần Vương mới lập Ninh Lăng Quân Cữu làm Nguỵ Vương, cho Cữu về nước. Chu Thị được làm thừa tướng. Bọn tướng quân Điền Tang bàn với nhau:
- Quân của Chu Chương đã bị phá rồi, quân Tần nay mai sẽ đến, chúng ta vây thành Huỳnh Dương không lấy được, nếu quân Tần đến thì thua to. Chi bằng ta để lại ít binh đủ để giữ Huỳnh Dương thôi, còn đem tất cả tinh binh ra đón đánh quân Tần. Nay giả vương kiêu ngạo, không biết binh quyền, ta không thể cùng mưu toan với ông ta được, nếu không giết ông ta thì nhất định hỏng việc.
Họ bèn giả mệnh lệnh của Trần Vương giết chết Ngô Thúc, đem đầu dâng cho Trần Vương. Trần Vương sai sứ cấp cho Điền Tang ấn tính làm lệnh doãn nước Sở, cho Tang làm thượng tướng. Điền Tang bèn sai các tướng là bọn Lý Qui giữ thành Huỳnh Dương, còn mình đem quân tinh nhuệ đi về hướng tây đón đánh quân Tần ở Ngao Thương. Hai bên giao chiến. Điền Tang chết, quân bị phá vỡ. Chương Hàm đem quân đánh bọn Lý Qui ở dưới chân thành Huỳnh Dương phá quân Lý Qui. Bọn Lý Qui chết.
Đặng Duyệt, người Dương Thành, đem binh đến đất Đàm, biệt tướng của Chương Hàm đánh và phá quân Đặng Duyệt. Quân của Đặng Duyệt tán loạn chạy vào đất Trần. Ngũ Từ, người đất Trất đem binh đến đất Hứa, Chương Hàm đánh phá quân Ngũ Từ, quân của Ngũ Từ bỏ chạy tán loạn vào đất Trần. Trần Vương giết Đặng Duyệt. Khi Trần Vương mới lập, bọn Tần Gia, người đất Lăng, Đổng Tiết người đất Trất. Chu Kê Thạch, người đất Phù Ly, Trịnh Bố người đất Thủ Lư, Đinh Tật người đất Từ đều tự mình nổi lên, đem binh vây thái thú Đông Hải tên là Khánh ở đất Đàm. Trần Vương nghe tin bèn sai Vũ Bình Quân tên là Bạn làm tướng quân, điều khiển các đạo quân vây đất Đàm. Tần Gia không chịu nghe theo, tự lập làm đại tư mã không chịu phụ thuộc vào Vũ Bình Quân. Tần Gia nói với bọn quan lại:
- Vũ Bình Quân ít tuổi, không hiểu việc binh, chớ có nghe ông ta.
Nhân đó, Gia giả làm mệnh lệnh của Trần Vương, giết Vũ Bình Quân. Chương Hàm sau khi đã đánh bại Ngũ Từ, đem quân đánh Trần. Trụ Quốc là Phòng Quân chết. Chương Hàm lại tiến binh đánh quân của Trương Hạ ở phía tây đất Trần. Trần Vương thân hành ra đốc suất trận đánh. Quân bị đánh bại, Trương Hạ chết.
Tháng chạp, Trần Vương đến huyện Nhữ Âm quay về đến Hạ Thành Phụ. Người đánh xe là Trang Giả giết Trần Vương để đầu hàng Tần. Trần Thắng được chôn ở đất Đường hiệu bụt là Ẩn Vương (Đoạn 2 - Trần Thiệp khởi nghĩa và thất bại).
4. Lữ Thần trước là người hầu cận Trần Vương, quân của ông ta đều đội mũ xanh, khởi binh ở Tân Dương, đánh lấy đất Trần, giết Trang Gỉa, lại gọi nước Trần là nước Sở. Lúc đầu, Trần Vương đến đất Trần, sai Tống Lưu người đất Trất đem binh đánh lấy Nam Dương, vào đất Vũ Quan. Lưu đã chiêu hàng được Nam Dương, nhưng nghe tin Trần Vương chết, đất Nam Dương lại theo về Tần, nên không thể vào Vũ Quan. Lưu bèn đi về hướng đông vào đất Tân Thái, gặp quân của Tần, Tống Lưu đem quân đầu hàng Tần. Tần cho giải Lưu bằng xe trạm về đến Hàm Dương, buộc người vào xe, xé xác để thị uy. Bọn Tần Gia nghe tin quân của Tần Vương bị phá vỡ, liền bỏ chạy, lập Cảnh Câu làm Sở Vương đem binh đến đất Phương Dư, muốn đánh quân Tần ở vùng Định Đào, Tần Gia sai Công Tôn Khánh đi sứ sang Tề Vương muốn cùng Tề hợp lực tiến quân. Tề Vương nói:
- Ta nghe tin Trần Vương thua trận, không biết sống chết thế nào, sao nước Sở lại không xin phép ta mà lập vua!
Công Tôn Khánh nói:
- Nước Tề lập vua không xin phép nước Sở, vậy nước Sở có lẽ nào lại xin phép Tề để lập vua! Vả chăng nước Sở đầu tiên khởi xướng việc chống Tần, đáng lý được ra lệnh cho cả thiên hạ!
Điền Đam giết Công Tôn Khánh. Quân tả hiệu uý, hữu hiệu uý của Tần lại đánh Trần, lấy được Trần. Quân của Lữ Thần bỏ chạy, quân lính lại tập hợp. Quân của viên tướng cướp ở đất Ba là Đương Dương Quân Kình Bố liên hợp với quân của Lữ Thần đánh quân tả, hữu hiệu uý và phá quân Tần ở đất Thanh Ba, lại gọi nước Trần là nước Sở. Bây giờ là lúc Hạng Lương lập cháu của Hoài Vương là Tâm làm Sở Vương ( tình hình nước Sở sau khi Trần Thiệp chết đến khi Hạng Lương khởi nghĩa).
5. Trần Thắng làm vương tất cả sáu tháng. Khi làm vương đóng ở đất Trần có người bạn cũ thường cùng cày thuê với Thắng, nghe tin ấy, đến nước Trần gõ vào cửa cung mà nói:
- Ta muốn gặp anh Thiệp!
Quan coi cửa cung muốn bắt trói lại. Anh ta kể lại đầu đuôi, nên được tha. Quan coi cửa không chịu báo. Trần Vương ra, anh ta đón đường mà kêu, “Thiệp!”. Trần Thắng nghe vậy, bèn gọi vào gặp mặt, mang lên xe cùng về. Khi vào cung, anh ta nhìn thấy cung điện, màn trướng, nói:
- “Loả di” (Ôi chà!). Thiệp làm vương thật là oai vệ quá! (Người Sở nói nhiều là “loả”, vì vậy thiên hạ lưu truyền rằng, “Loả Thiệp làm vương”, là từ đó).
Người khách ấy ra vào càng ngày càng phóng túng cứ nói đến tình xưa nghĩa cũ của Trần Vương. Có kẻ bàn với Trần Vương:
- Người khách ngu không biết gì, cứ ăn nói bừa bãi, làm giảm uy tín của ngài.
Trần Vương bèn giết đi. Những người cố nhân của Trần Vương đều kéo nhau đi. Vì vậy không ai thân với Trần Vương.
Trần Vương cho Chu Phòng làm trung chính (quan coi việc thăng thưởng, bổ nhiệm các quan). Hồ Vũ làm tư quá (chức quan để can ngăn những điều sai lầm, như chức giám sát ngự sử), xem xét những điều sai lầm của quần thần. Các tướng chiêu hàng các nơi xong lại về phục mệnh, ai không theo mệnh lệnh thì họ trói lại và trị tội, lấy việc hà khắc để tỏ ra trung thành. Họ thấy ai không hợp thì không cần giao cho pháp quan tra xét mà tự mình xử lấy. Trần Vương tin dùng họ. Vì thế các tướng không theo và rốt cục bị thất bại.
Mặc dầu Trần Thắng đã chết, các chư hầu, vương, tướng quân, thừa tướng do Thắng lập nên, cuối cùng đã làm cho nhà Tần mất. Như thế, Thiệp là người đầu tiên đã khởi xướng. Thời Cao Tổ, Trần Thiệp được cấp ba mươi nhà để giữ phần mộ ở đất Đường, đến nay vẫn còn tế tự (Đoạn 4 – Nguyên nhân thất bại của Trần Thiệp).
6. Chử tiên sinh (Chử tiên sinh: chữ Thiếu Tôn người đời Hán Thành Đế, có bổ khuyết vào “Sử ký” Tư Mã Thiên mấy thiên) nói: địa hình hiểm trở dùng để giữ nước, quân lính hình pháp dùng để trị nước, nhưng cũng không đủ cậy vào đó được. Tiên Vương ngày xưa lấy nhân nghĩa làm cái gốc, mà lấy địa điểm, pháp luật, làm ngọn ngành, quả thật là đúng! Tôi nghe Giả sinh (Gỉa sinh: Gỉa Nghị, nhà văn và nhà chính trị thời Hán Văn Đế. Đoạn này là lấy trong bài “Qúa Tần Luận” của Giả Nghị - bàn về cái sai lầm của nhà Tần) nói, “Tần Hiếu Công dựa vào sự kiên cố của núi Hào Sơn và cửa Hàm Cốc Quan nắm lấy đất Úng Châu, vua tôi cố giữ để nhằm dòm ngó nhà Chu, có ý chí muốn lấy cả thiên hạ, tóm cả các nước, bỏ cả bốn biển vào túi, nuốt cả tám cõi. Lúc bấy giờ, Thương Quân giúp ông ta, bên trong thì cải cách pháp chế, đôn đốc việc cày ruộng, dệt lụa, dự bị sẵn sàng để cố thủ hay tác chiến; bên ngoài thì xui chư hầu liên hoành thờ Tần mà đánh lẫn nhau. Nhờ đó, mà người Tần chỉ vòng tay mà lấy được đất ở bên kia Tây Hà. Sau khi Hiếu Công mất đi, Huệ Văn Vương, Vũ Vương, Chiêu Vương nhờ nghiệp cũ, theo cái sách lược cha ông để lại, phía nam lấy đất Hán Trung; phía tây lấy đất Ba, đất Thục; phía đông cắt đất mầu mỡ, thu được những quận xung yếu, hiểm trở. Chư hầu hoảng sợ, họp nhau giao ước để làm yếu nước Tần. Họ không tiếc vật quý, của báu, đất đai phì nhiêu, đem ra để mời kẻ sĩ trong thiên hạ. Họ hợp tung, liên kết nhau thân thiết để hợp làm một. Trong thời bấy giờ, nước Tề có Mạnh Thường Quân, nước Triệu có Bình Nguyên Quân, nước Sở có Xuân Thân Quân, nước Nguỵ có Tín Lăng Quân. Bốn người này đều là những người sáng suốt, khôn ngoan, trung thực, tín nghĩa, rộng lượng, trung hậu, yêu người, tôn quí người hiền và kính trọng kẻ sĩ. Họ lo hợp tung các nước, chống lại kế liên hoành của Tần, bao gồm dân Hàn, Nguỵ, Yên, Triệu, Tống, Vệ, Trung Sơn. Lúc bấy giờ kẻ sĩ của sáu nước có bọn Ninh Việt, Từ Thượng, Tô Tần, Đỗ Hách làm mưu sĩ; có bọn Tề Minh, Chu Thú, Trần Chẩn, Thiệu Hoạt, Lâu Hoãn, Định Cảnh, Tô Lệ, Nhạc Nghị truyền đạt cái ý ấy; có bọn Ngô Khởi, Tô Tần, Đái Tha, Nghê Lương, Vương Liêu, Điền Kỵ, Liêm Pha, Triệu Xa cầm quân, thường lấy đất đai rộng gấp mười, quân đội trăm vạn, ngẩng mặt lên cửa Hàm Quan mà đánh Tần (Vì Tần ở nơi đất cao, quân chư hầu đánh phải trông lên phía trên). Người Tần mở cửa ải đón đánh, quân của chín nước bỏ chạy không dám tiến. Nước Tần không phí một mũi tên hòn đạn nào mà cả thiên hạ đều nguy khốn. Khi bấy giờ kế hợp tung bị tan, lời giao ước bị bỏ, các nước tranh nhau cắt đất để đút lót cho nước Tần. Nước Tần có thừa sức để nhắm nước nào yếu thế thì đánh đuổi kẻ bỏ trốn, rượt theo kẻ đã bị đánh bại, thây nằm trăm vạn, máu chảy trôi cả cái khiên, nhân cơ hội tiện lợi, mà chia cắt thiên hạ, xẻ núi, rạch sông, nước mạnh xin phục tùng, nước yếu xin vào chầu. Thời Hiếu Văn Vương, Trang Tương Vương làm vua không được bao lâu, nước nhà vô sự. Đến đời Thuỷ Hoàng, nhờ cái sự nghiệp sáu đời để lại, cầm roi dài mà chế ngự cả thiên hạ. Nuốt nhà Chu (Đông Chu và Tây Chu) mà diệt chư hầu, lên ngôi chí tôn mà làm chủ cả sáu cõi, cầm gậy gộc để đánh đập thiên hạ, uy vang bốn biển. Phía nam lấy đất Bách Việt, lập thành Quế Lâm, Tượng Quân. Vua của Bách Việt cúi đầu, buộc cổ nộp tính mạng cho quan coi ngục. Thuỷ Hoàng bèn sai Mông Điềm xây tường thành phía bắc để gìn giữ phên giậu; đuổi quân Hung Nô hơn bảy trăm dặm; người Hồ không dám xuống phía nam chăn ngựa; kẻ sĩ cũng không dám dương cung để báo oán. Tần bèn bỏ đạo tiên vương, đốt sách bách gia, làm ngu dân đen, huỷ hoại các danh thành, giết những người hào kiệt, thu binh khí của thiên hạ tập trung ở Hàm Dương, nấu binh khi ấy để đúc mười hai người bằng đồng, nhằm làm cho nhân dân yếu đi. Đoạn dựa vào núi Hoa Sơn để làm thành, lấy sông Hoàng Hà để làm ao, giữ cái thành cao một ức trượng, cạnh cái khe sâu không đáy, lấy thế làm vững chãi. Tướng giỏi, nỏ cứng, giữ nơi hiểm yếu, quan trọng, tôi tín cẩn, lính tinh nhuệ, bày binh khí sắc bén ra, còn ai dám làm gì nữa!
Thiên hạ đã bình định, lòng Thuỷ Hoàng tự cho rằng Quan Trung hiểm trở kiên cố, thành đồng ngàn dặm là nghiệp đế vương vạn đời cho con cháu. Thuỷ Hoàng chết rồi, uy danh để lại còn vang dậy ở nước ngoài. Thế những Trần Thiệp, một người vốn xuất thân từ nơi nhà rách, vách nát, dân ngu khu đen, trôi sông lạc chợ, tài năng không bằng con người bậc trung, không có cái hiền tài của Trọng Ni, Mặc Định, không có cái giàu của Đào Chu, Ỷ Đốn, chen chân giữa hàng lính tráng, lúi húi nơi đồng ruộng, cầm đầu bọn lính tráng mệt mỏi tan tác, đem số người chỉ độ vài trăm quay lại đánh Tần! Chặt gỗ làm binh khí, giơ gậy trúc làm cờ! Thiên hạ hưởng ứng như mây họp, mang lương thực đi theo như bóng theo hình. Hào kiệt đất Sơn Đông nổi lên làm cho nhà Tần bị tiêu diệt. Ôi! Thiên hạ không phải là nhỏ yếu, đất Úng Châu, Hào Sơn, Hàm Cốc Quan vẫn kiên cố như xưa. Địa vị của Trần Thiệp không phải tôn quý hơn vua Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ, Tống, Vệ, Trung Sơn. Cán cuốc, gậy, không phải sắc hơn liềm, giáo. Những người đi thú, không đông hơn quân của chín nước. Việc mưu sâu lo xa, phép hành quân, dụng binh, không bằng các kẻ sĩ ngày xưa.
Thế nhưng thế cục thay đổi, công nghiệp ngược nhau. Nếu thử so sánh các nước Sơn Đông với Trần Thiệp về mặt rộng lớn, quyền lực thì thực là một trời một vực. Nhưng Tần từ một miếng đất nhỏ bé mà nắm được quyền vạn cổ xe, đè áp tám châu, bắt những nước cùng ngang hàng phải thần phục mình, đã hơn một trăm năm rồi, sau mới tóm cả sáu cõi để làm nhà, lấy Hào Sơn, Hàm Cốc Quan để làm cung. Một người xướng xuất phản đối mà bảy miếu đổ, thân chết vì tay người, bị thiên hạ cười. Tại sao? Đó là vì không lo làm điều nhân nghĩa, và cái thế đánh được nước cùng giữ nước khác nhau vậy (Đoạn 5 – Bài “Quá Tần Luận” của Gỉa Nghị. Bài này là một bài khái quát tình hình đời Chiến Quốc và nêu nguyên nhân thất bại của nước Tần rất nổi tiếng trong văn chính trị của Trung Quốc)

Truyện Sử Ký Tư Mã Thiên Lời giới thiệu THÁI SỬ CÔNG TỰ ĐỀ TỰA THƯ TRẢ LỜI NHÂM AN TẦN THỦY HOÀNG BẢN KỶ TẦN THỦY HOÀNG BẢN KỶ (tiếp theo) HẠNG VŨ BẢN KỶ HẠNG VŨ BẢN KỶ (tiếp theo) CAO TỔ BẢN KỶ CAO TỔ BẢN KỶ (tiếp theo) LỮ HẬU BẢN KỶ BÌNH CHUẨN (1) THƯ KHỔNG TỬ THẾ GIA KHỔNG TỬ THẾ GIA (tiếp theo) VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN THẾ GIA TRẦN THIỆP THẾ GIA LƯU HẦU THẾ GIA TRẦN THỪA TƯỚNG THẾ GIA TÔN TỬ , NGÔ KHỞI LIỆT TRUYỆN TRUYỆN LÃO TỬ TRUYỆN TRANG TỬ THÂN BẤT HẠI , HÀN PHI LIỆT TRUYỆN TƯ MÃ NHƯƠNG THƯ LIỆT TRUYỆN NGŨ TỬ TƯ LIỆT TRUYỆN THƯƠNG QUÂN LIỆT TRUYỆN Truyện Tô Tần Truyện Trương Nghi Mạnh Tử, Tuấn Khanh liệt truyện Bình Nguyên Quân, Ngu Khanh liệt truyện Ngụy Công Tử Liệt Truyện Phạm Thư, Thái Trạch Liệt Truyện Nhạc Nghị Liệt Truyện Liêm Pha, Lạn Tương Như Liệt Truyện Điền Đan Liệt Truyện Khuất Nguyên liệt truyện Truyện Lã Bất Vi Thích khách liệt truyện Lý Tư liệt truyện Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện Kình Bố liệt truyện Hoài Âm Hầu Liệt Truyện Lịch Sinh, Lục Giả Liệt Truyện Quý Bố, Loan Bố Liệt Truyện Trương Thích Chi, Phùng Đường liệt truyện Ngụy Kỳ, Vũ An Hầu liệt truyện Lý Tướng Quân liệt truyện Nam Việt Úy Đà liệt truyện Cấp Ảm liệt truyện Du Hiệp Liệt Truyện Hoạt Kê Liệt Truyện