Chương 1

Coi dáng dấp bên ngoài thì Chiêm cũng không có gì đặc biệt, so với các chú bé khác.
Có thể nói răng trông nó cũng giống như trăm ngàn các em nhỏ Việt Nam. Và chính nhờ cái chi tiết "cũng giống như" này mà Chiêm không bị người đời chú ý đến mấy. Không bị chú ý là 1 ưu điểm rất lợi cho cái nghề mà Chiêm khoái nhất: nghề làm trinh thám. Chiêm làm trinh thám? 1 chú bé 13 tuổi mà đã làm được cái nghề cao quí, khó khăn và nguy hiểm ấy? Các bạn trong gia đình Tuổi Hoa chắc ngạc nhiên lắm? Không ngạc nhiên sao được, vì chú Chiêm hạt tiêu... đã có mặt trong gia đình chúng ta... từ lâu rồi mà đâu có ai biết. Chỉ biết rằng, mỗi khi tay nào trốn học đi chơi hoặc ra đường đánh lộn, chạy lăng quăng đuổi nhau trên đường đầy xe cộ là y như lúc đi học về thế nào cũng bị ba má hoặc anh chị hạch hỏi trúng ngay boong, hết đường chối cãi. Vậy muốn khỏi lo lắng gì hết, anh em chúng ta chỉ có việc đi học thì đi tới nơi về tới chốn, không la cà đây đó, và tháng nào cũng đưa về cho ba má, anh chị chiêm ngưỡng 1 cái bảng danh dự.., thế là yên chí. Ngược lại, nếu bướng bỉnh không nghe, lỡ vi phạm điều gì, là thế nào cũng bị mắt thần của Chiêm tinh theo dõi... "méc" ba má thì ăn roi mây là 1 điều khó lòng tránh thoát.
Vậy thám tử tí hon "Chiêm Tinh" là ai, tên thật là gì? Người kể lại chuyện này, vì đã hứa danh dự với Chiêm nên không dám tiết lộ. Chắc các bạn trong gia đình Tuổi Hoa bực mình lắm vì óc tò mò không được thỏa mãn? Vậy để chuộc tội lập công, xin kể chuyện công tác của chàng thám tử ở rất xa mà lại rất gần chúng ta. À mà không! Xin đề nghị với các bạn là để tôi được đóng vai thám tử Chiêm kể lại chuyện của mình thì hơn... và sau đây là lời của Chiêm:
Tôi làm "thám tử" đã lâu rồi. Trên 2 năm chứ không ít. Thám tử tư, dĩ nhiên, tức là không phải công chức ăn lương của nhà nước.
Tôi cộng tác với 1 anh bạn rất thân. Tên thật của anh ta là Chính. Nhưng các bạn quen biết Chính lại cứ gọi là Trí, vì lý do gì tôi sẽ nói sau. 2 đứa tôi đã thành lập hãng thám tử tư đặt danh xưng là "Sê tê hai"! "Sê tê hai"? Chắc anh em nghe thấy lạ tai lắm? "Sê tê hai" là cái quái gì? Bình tĩnh suy nghĩ 1 chút thì thấy cũng có có gì đáng gọi là ly kỳ lắm. Này nhé: "Sê" là C tức Chiêm, và "Tê" là T tức Trí, "hai" là con số 2 hay là 2 người cũng vậy. Tóm lại "Sê tê hai" chỉ có nghĩa là Chiêm Trí 2 người thành phần cốt cán của hãng thám tử tư "Sê tê hai" hay viết cho nó đẹp mắt và có vẻ khoa học 1 tí thì là CT2. Và dĩ nhiên Giám đốc hãng tất cả phải là CT1, là Trí, còn tôi là CT3!
Tôi thân với Trí từ hồi còn bé. Tên thật của anh ấy là Chính kia, nhưng các bạn đồng học chỉ thích gọi anh là Trí, lâu ngày quen miệng, nên ai cũng gọi, Trí, Trí. Và cái lý do khiến mọi người thích gọi anh là Trí, chính vì cái trí thông minh tuyệt vời của anh. Ngay từ hồi mới 9, 10 tuổi, tôi đã phục anh sát đất rồi. Đáp lại, Trí cũng quý mến tôi lắm. Chắc là do ở cái điểm cả 2 đứa chúng tôi đều thích làm công việc điều tra các vụ trộm cướp giết người... nghĩa là làm thám tử. Và chúng tôi góp sức thành lập hãng CT2. Các anh em đừng tưởng là chuyện giỡn nghe! Báo chí đã đăng tải nhiều vụ điều tra thật hữu ích của hãng tôi và nhiều vụ rắc rối, cơ quan cảnh sát nhiều khi phải bó tay, mà chúng tôi đã khám phá thành công đấy. Câu chuyện sau đây là 1 trong những công tác, cách đây hơn 1 năm, của hãng tôi đã được báo chí đăng tải dưới 1 cái "Tít" lớn: "Nhờ 2 em học sinh, 1 ổ đúc bạc giả tại Thủ Đức đã bị khám phá"...
Buổi sáng hôm đó, sau khi đi phân phát nhật báo về, (trong kỳ nghỉ hè, tôi vẫn lãnh báo và phân phát cho các nhà mua tháng để kiếm ít tiền tiêu vặt) tôi tạt vào sạp sinh tố của anh 3 Đốc ở Thủ Đức tự thưởng cho mình 1 ly mãng cầu. Nhà ở Saigon mà sao lại phải lên tận Thủ Đức để uống sinh tố lận. Nói để anh em rõ: Tờ báo Chuông Vàng nhiều độc giả lắm. Có ông ở tận Thủ Đức kìa. Gần đưa trước, xa đưa sau. Và cái ông độc giả tên Bách này bao giờ cũng là người cuối cùng nhận báo do tay tôi phân phối.
Tôi nhắc lại, khi ở nhà ông Bách ra, lúc đó khoảng 11 giờ sáng, tôi tạt vào anh 3 Đốc gọi 1 ly mãng cầu, loại ly lớn, để tự thưởng công lao mệt nhọc phóng xe đạp từ Saigon lên Thủ Đức. Gian hàng của anh 3 Đốc, ngoài cái xe sinh tố ra, còn bán cả đồ chạp phô nữa. Kể cũng hơi lạ! Trời lúc đó không trưa lắm mà sao hàng anh ấy coi bộ vắng khách dữ. Có mỗi mình anh ngồi sừng sững phía sau quày thu tiền. Thoáng thấy bóng tôi, anh 3 Đốc nhảy vội xuống, đi lại mở cánh cái tủ lạnh vĩ đại, lấy 1 chai nước mãng cầu lạnh buốt đặt trước mặt tôi, không nói 1 tiếng. Chúng tôi chỉ đưa mắt nháy nhau 1 cái... thông cảm: 3 Đốc thuộc từ lâu thói quen của tôi thích uống loại sinh tố này.
Tợp 2, 3 ngụm, ly nước mát như gột rửa hết mọi cái mệt nhọc bụi đường, cạn tới đáy. Tôi liệng 1 đồng "cắc" 20 lên mặt quầy. Vẫn im lìm, anh 3 Đốc quơ lấy đồng tiền "cắc" đoạn tiến lại chỗ thùng đựng tiền. Đột nhiên anh đứng sững lại:
- Ê! Nhỏ! Lại coi này! Đồng "cắc" này sao kỳ vậy?
Rồi anh liệng đồng tiền lên mặt quầy. Tôi sáp tới, cúi xuống ngó kỹ. Quả nhiên, không phải đồng cắc 20 bạc Việt Nam. Đồng tiền này làm bằng bạc thứ thiệt, to sấp sỉ đồng 20 của chúng ta, 1 mười 1 chín. Bề cạnh vòng tròn đã mòn vẹt. 1 mặt có hình 1 cái mũ sắt, mặt kia là hình 1 con cú có đôi mắt to thô lỗ...
Tôi ngẩn người:
- Ủa! Lạ quá! Ở đâu ra vậy không biết!
- Chắc ông khách mua báo tháng nào trả lộn chú rồi!
- Chắc vậy!
Rồi tia mắt vẫn đăm đăm đồng tiền lạ, tôi thọc tay vào túi, vét ít đồng lẻ, đếm cẩn thận và xem lại cũng thật cẩn thận, trước khi trao cho anh 3. Miệng không ngớt lẩm bẩm:
- Kỳ thật! Chẳng hiểu là tiền nước nào đây và đúc từ hồi nào kìa?
Anh 3 Đốc thản nhiên:
- Ai biết được!... À này, nhưng mà coi bộ cái đồng tiền đó có vẻ hiếm, bán ra tiền đấy nghe!
Anh cười rộ lên, đoạn tiếp:
- Nhưng lợi đâu chưa thấy, chỉ biết là chú bị toi mất 20 bạc rồi đấy. Thôi, tùy! Tính sao thì tính, tùy em! Xếp chuyện đó lại! Uống gì thêm không?
- Thôi, cám ơn anh 3!
Xếp chuyện đó lại, hừ...! Đâu có dễ thế! Phải rồi, anh 3 Đốc đâu có là nhân viên của CT2. Thây kệ, để anh đi lo mấy cái vụ nước sinh tố, la de, nước ngọt và đồ chạp phô của anh cho rồi. Sau 1 lúc suy nghĩ kỹ, tôi tụt xuống khỏi chiếc ghế đẩu sao, chạy ra phòng điện thoại công cộng cách nhà anh chừng 20 thước. Phòng có 2 ngăn, 2 máy, ra vào bằng 2 cửa riêng.
Tại đây, tôi đã phạm vào điều sơ xuất đầu tiên trong ngày. Ngăn bên trái đã có 1 người đàn ông. Người này đứng quay lưng ra phía ngoài, đang nói chuyện, nhưng nói rất khẽ, đôi môi dán vào ống nói, ý chừng không muốn để người thứ 3 nghe lọt nội dung cuộc đối thoại, trừ người đầu dây nói đằng kia. Về sau, nghĩ lại tôi mới tiếc là để lỡ dịp. Đáng lẽ lúc đó tôi phải để ý ngay, chờ ông ta quay lại, nhìn cho rõ mặt. Nhưng lòng rộn lên vì đồng tiền lạ vô tình có được trong tay, tôi đã để lỡ mất dịp may. Tiền của quốc gia nào, đúc từ bao giờ, tôi mù tịt nhưng "sếp" CT1 của tôi, chắc phải biết. Đút vào khe máy 1 đồng 10, tôi quay số điện thoại của Trí:
- Allo! Allo?
Hại quá! Đầu giây nói vang lên giọng the thé của Bà 5 Rằng vị nữ quản gia của CT1. Tôi đã hy vọng được gặp anh, không ngờ lại vớ phải cái bà rắc rối, tò mò này. Chưa hết! Bà 5 lại còn có vẻ kỵ công việc thám tử của tôi và Trí, coi thường như trò trẻ con. Nhưng tôi vẫn phải lễ phép, niềm nở:
- Dạ thưa bà 5, cháu đây! Chiêm đây ạ, bà 5! Bà cho cháu nói chuyện với Trí á, á không... dạ dạ, Chính ạ!
May quá, suýt chút nữa thì nguy tai! Cháu bà tên Chính, nếu gọi trại đi là Trí thì chết với bà chứ không giỡn đâu! Bà vốn rất ghét cái lối thanh thiếu niên ngày nay cứ hay gọi chệch tên của nhau đi.
- À nói chuyện với Chính hả? Hừ! Thằng nhỏ còn đang chúi mũi chúi tai trong cái "phòng thí nghiệm" của nó đó. Sáng sớm tinh mơ, mở mắt thức dậy là đã chui vào trong đó rồi! Chờ 1 chút đi, để tôi kêu nó cho, nghe!
Đầu máy o o... 1 hồi rồi là tiếng nói của "sếp" CT1!
- Allo!
- Trí hả? Chiêm đây..! 1 tiếng "cách" khẽ vang lên. Tôi biết ngay là Trí đã hãm ống nghe để tiếng tôi nói khỏi lọt vào tai bà 5 Rằng. Các chốt hãm do tay anh chế ra và riêng chỉ có mình anh và tôi biết. Bà 5 mà khám phá ra cái đó là chúng tôi có chầu nguy...
- Cẩn thận chút nghe CT3! Áp dụng phương pháp thường lệ đi!
- Rồi! Đây, CT3 báo cáo!
- CT1 nghe! Nói se sẽ chút!
Tôi hắng giọng:
- Phi thuyền "T bình phương" đã bay vào quỹ đạo!
Dĩ nhiên đó là câu ám ngữ có nghĩa là: "Tin tức quan trọng". Tôi hí hởn đinh ninh là thế nào "sếp" cũng phải ngạc nhiên và vui mừng khi được tin mới; cụt hứng quá, Trí vẫn tỉnh như không:
- CT3 có tin gì thú vị đấy hả? Chắc phải quan trọng lắm nên mới mất công gọi điện thoại từ nhà anh 3 Đốc ở Thủ Đức về chứ, hả?
Người ngạc nhiên thay vì Trí, lại hóa là tôi:
- Ủa! Sao anh lại biết tôi gọi điện thoại từ đâu về! Tiếng tôi oang oang, quên bẵng cả lời "sếp" dặn là phải cẩn thận nói se sẽ chứ!
- Phân tích sơ sơ thôi! Có gì là khó! Này nhé! Ngày nào sáng nào, CT3 lại chẳng để tua cuối cùng mới lên Thủ Đức, đến nhà ông Bách, liệng tờ báo xong là vọt vào nhà anh 3 Đốc làm 1 ly mãng cầu. Nhìn đồng hồ ở tay là biết được ngay, có khó gì đâu nào?
- Quả có thế! Dễ hiểu quá, tôi đâm ra coi thường, nên không để ý, thành ra chẳng thấy gì hết!
Miệng nói, nhưng trong lòng tôi ấm ức thầm. Nhiều lần bị thua sút Trí rồi. Lần này gặp dịp may, tôi có ý định chiếm kèo trên để trở thành thám tử trứ danh, nếu không hơn được "sếp" CT1 thì ít nhất cũng phải ngang tay chứ bộ...
Tiếng Trí ong óng ở đầu giây nói:
- Thôi, có gì nói lẹ lên CT3, tôi còn nhiều việc lắm đấy!
Kệ cho Trí giục, tôi cứ đủng đỉnh, đặt đồng tiền cổ lên kệ máy điện thoại rồi đứng xả hơi. Trong phòng điện đàm chật hẹp, không khí ngột ngạt, nên phải đẩy cánh cửa hé ra cho thoáng 1 chút. Qua khe cánh cửa, gió lọt vào mát rợi, đồng thời nghe được tiếng người đàn ông ở máy bên sầm sì nói chuyện. Cố lắng tai hết sức, tôi cũng chẳng nghe rõ ông ta nói gì. Thành thử việc mở cánh cửa phòng điện thoại, ngoài 1 chút gió mát, lại hóa ra 1 điều tai hại thứ 2 tôi gây ra trong ngày.
Tôi kể cho Trí nghe điều mới khám phá được. Tia mắt nhìn chăm chú vào đông tiền lấp lánh nằm trên kệ gỗ, tôi miêu tả hết sức tỉ mỉ. Càng nói càng hứng trí vì tưởng tượng đến món tiền kếch sù đồng tiền lạ ấy có thể đem lại: Từ khi lính Mỹ và lính đồng minh đặt chân lên đất nước Việt Nam, tôi đã thấy nhiều người Việt trở nên giàu có bạc triệu, bạc tỉ nhờ nghề buôn đồ cổ, đặt biệt là tiền cổ. Có 1 người Tàu bán được 1 đồng tiền từ đời Vua Khang Hy tới giá 200 ngàn đồng. Đồng tiền đó trông rất kỳ quái vô cùng, nó to bằng miệng hộp thuốc lá con mèo mà ba tôi vẫn ưa hút cái loại hộp tròn 50 điếu ấy. Ba tôi kể chuyện lại, chính mắt ông đã nhìn thấy các cô gái thuộc sắc tộc thiểu số miền Tuyên Quang (Bắc Việt) đeo lủng lẳng trước ngực loại tiền cổ, coi là 1 thứ đồ trang sức rất quý, hiếm. Và cáca nàng đó thuộc bộ lạc người Mán, gọi là Mán tiền, vẫn sống tại khu vực núi rừng âm u giữa khoảng phân cách 2 tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên (Bắc Việt).
Tiếng Trí:
- Suỵt! Suỵt! CT3 lại mất bình tĩnh rồi! Tôi đã bảo nói se sẽ chứ! Nếu không, tôi cúp máy đó nghe!
Bực quá! Trí hay có cái giọng trịch thượng ấy đối với tôi. Tôi đã định nổi sùng ăn miếng trả miếng anh mấy câu cho bỏ tức, thì tiếng nói sầm sì ở ngăn điện thoại bên cạnh đột nhiên im bặt. Người đàn ông cao lớn đã thôi nói chuyện từ lúc nào. Liếc mắt lên tấm kính trước mặt, tôi thoáng thấy bóng dáng ông ta lướt qua. Có lẽ, vô ý nói chuyện to tiếng quá, tôi đã làm phiền ông?
Lập tức tôi hạ thấp giọng:
- Này, Trí! Trên đồng tiền bằng bạc thật này có 1 chi tiết hơi lạ: 1 đường trũng chạy từ đường viền vào đến giữa tâm vòng tròn.
- Á, à! Vậy hả! Giọng CT1 có vẻ lắng đọng suy nghĩ. Tôi đã biết tính "sếp": khi nào mải nghĩ về 1 cái gì, anh rất ghét bị quấy rộn. Và tôi im lặng chờ xem ý kiến của anh thế nào.
Đột nhiên tôi cảm thấy 1 cái gì là lạ: 1 cảm giác nhột nhạt mà các nhà thám tử thường có. Đúng vậy! Tôi cảm thấy hình như mình đang bị rình mò, theo dõi. Người thường gọi đó là trực giác hay giác quan thứ 6, 1 thiên tính, 1 khả năng bẩm sinh gì đó không rõ, nhưng có điều rõ rệt là: có người đang nghe trộm cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa tôi và Trí. Bất giác ngước mắt lên, tôi liếc nhanh qua khe cửa hé mở: bóng người đàn ông gọi điện thoại vừa rồi đang đứng cách chỗ tôi chừng 5, 6 thước, im lặng, vểnh tai nghe tôi nói chuyện. Tóc trên đầu tôi như biết cựa quậy, dựng đứng cả lên.
Rồi qua cái tranh tối tranh sáng của khe cửa khép hờ, tôi thấy rõ 1 con vật gì có 5 chân dài nghệu khẳng khiu như 1 con nhện kềnh càng, lông lá bò vào. Nhưng không phải con nhện. Ngó kỹ chính là... 1 bàn tay người, lông lá rậm rì đen sì sịt. Móng ngón tay cái lại đen thẫm hơn nữa, móng tay của 1 ngón tay cái bị thương.
Cái bàn tay ghê gớm ấy, đột nhiên vùng lên rồi lạ xuống nhanh như cắt, chộp lấy đồng tiền cổ tôi để trên kệ.