Chương 2
Đảo Chính, Đảo Chính, Lại Đảo Chính

Trong tất cả những chuyện bất ngờ xảy ra cho một kiếp người, thì ngày 9, tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương phải là một bất ngờ kinh thiên động địa. Người ta như nằm mơ vì chỉ qua một đêm mà ngọn cờ Pháp bị hạ, cờ Nhật phấp phới bay. Đầu đường xó chợ đâu đâu cũng nghe hai tiếng Độc lập. Người ta mừng rỡ, ca hát, nhảy múa và cũng ngẩn ngơ không biết có nên tin hay không.
Giấc mơ của toàn dân gần một thế kỷ bị trị, đâu có thể chỉ ngủ một đêm như mọi đêm, mà sáng hôm sau thức dậy bỗng dưng nước nhà Độc Lập.!
Nhiều người tin nồng nhiệt, nhiều nguời nghi ngờ, Họ có kinh nghiệm rằng khi một cái gông cùm cũ được tháo ra thì cái gông cùm mới lại nặng nề thắt chặt hơn. Pháp thực dân ăn bánh mì phó mát. Nhưng Nhật dưới chiêu bài Đại Đông Á lại ăn cơm gạo, nên dân chúng phải chia sẻ hột lúa cắn hai cho ông chủ mới.
Nhật đảo chính thành công. Ba Trang bắt buộc phải từ chức cùng với toàn thể Nội các của Chánh phủ cũ, để cho một chính thể mới thân Nhật lên cầm quyền.
Gia đình Trang thu xếp về quê. Mọi người cứ yên trí sẽ dọn đến Hương Trang, ngôi nhà trải bao nhiêu năm, ba me đã đem hết của cải công sức ra sửa sang xây dựng, mong khi về hưu thì được ở dưỡng già tại đấy.
Ngày xưa rất xưa nó chỉ là một cái nhà gỗ xiêu vẹo trong một khu vườn quá rộng lớn xa thành phố, vì đó là một cái nghĩa địa bỏ hoang lâu đời. Sau mấy chục năm chính thân me trông coi thợ đắp từng viên gạch, lợp từng miếng ngói, xây cất tu bổ sửa sang. Ngày nay nó là một tòa nhà hai từng, mặt tiền giăng ra hai bên như cánh tay xòe. Trên không nhìn xuống thấy hình dạng giống một chiếc máy bay. Trước mặt nhà có hồ nước rất to, gần choán hết cái sân trải sạn. Trước hồ có hai cây Sanh và cây Bồ Đề gốc quấn chặt lấy nhau, cùng lớn lên, tỏa bóng im cả sân trước.
Tòa nhà lại ở trên ba cái dốc cao ngất, trong một vùng ngoại ô có vị trí hành quân quan trọng. Trong hoàn cảnh như thế thì dù ngôi nhà có cất đúng phép Phong Thủy, chủ nhà cũng không có hy vọng được ở lâu.
Quân Nhật đưa giấy “trưng dụng” ngôi nhà làm Tổng Hành Dinh. Trưng dụng nghĩa là mượn không cần trả tiền thuê, và cũng không được từ chối.
Thế là từ đấy số phận của ngôi nhà Hương Trang được làm Tổng Hành Dinh suốt đời, sau mỗi lần đổi mầu cờ.
Gia đình Trang cũng như mọi gia đình tổ ấm bị trưng dụng khác, cuốn gói về quê. Căn nhà thờ Ông Bà tổ tiên mấy chục đời yên tĩnh với khói hương, bỗng dưng bị đám con cháu, ào ào dọn đến làm náo loạn cả lên, suốt ngày chắc là các cụ điếc tai nhức óc...
Thời thế biến chuyển chỉ mới ở giai đoạn đầu. Các lớp học tiếng Nhật mọc lên như nấm mối sau cơn mưa giông; khắp nơi bắt đầu nghe tiếng ơi ới gọi nhau bằng Anatà chưa được nhuyễn, những thiếu nữ tập chải mái tóc bồng tròn cao cao như kiểu tóc của các cô gái Phù Tang cũng chưa thành thạo lắm.
Giai đoạn bánh vẽ Độc Lập tưởng như còn tiếp tục dài dài thì bỗng nhiên Thế Giới Đại chiến kết thúc.. Nhật trong hàng ngũ thua trận, chuẩn bị xếp giáo qui hàng, cuốn gói về đảo. Cuộc tình duyên Việt Nhật dưới chiêu bài Đại Đông Á mới ngắn ngủi làm sao!
Tháng 8, 1945 Việt Minh cướp chính quyền tại Hanội rồi như vết dầu loang…. Một lần nữa giải đất bé nhỏ thân yêu lại đổi màu cờ. Khắp nước toàn dân rợn người bừng tỉnh sau một cơn ác mộng.
Từ đây đi đâu cũng nghe bài hát:
Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu
Xếp bút nghiên coi thường công danh
Như phù vân
Sơn hà xao xuyến
Tiến ta tiến.....
Trước kia những cô gái ra đường chân bước nhanh, mắt nhìn xuống đất, và mặt đỏ bừng khi thấy có người lạ nhìn mình, bây giờ không còn e thẹn nữa. Những thanh niên nam nữ chỉ biết có gia đình và trường học bị lùa ra khỏi nhà một cách đột ngột. Ai tuổi từ 15 trở lên, đúng vào cái tuổi “ tiến ta tiến” đều bị cuốn vào trong làn sóng “Xếp bút nghiên…” Các đoàn thể có cái tên “Cứu quốc” mọc lên khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê cho tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi.
Nhóm họp, khai hội, thảo luận, công tác v. v... suốt ngày và có khi đến 11, 12 giờ đêm. Các bậc cha mẹ xưa nay vẫn sợ con gái mình “ nhẹ dạ” bây giờ chỉ còn cách thở dài, nấu sẵn chè cháo, ngồi chờ con về mở cửa.
Ba Trang vẫn còn nghiện thuốc lá, nhưng đã đổi thuốc nội hóa, mỗi ngày ngồi tự tay vấn điếu thuốc Cẩm lệ ông ngâm nga bài thơ tả cảnh thế giới đại đồng:
Hỏi ông, ông mắc ra đình
Hỏi bà, bà mắc biểu tình đến mai
Hỏi cô, cô mắc Một…Hai…
Hỏi cậu, cậu mắc hát bài Thanh niên
Cả nhà sung sướng như tiên....
Như một lớp sóng bể khi đã lên cao đến bực chót rồi thì phải hạ. Bọt sóng ngọn triều đã nâng lên, khi rơi xuống vỡ nát tan tành.
Đại gia đình Trang, cũng như mọi gia đình khắp nước, bắn tung ra bốn phương trời những đứa con, cháu ở lứa tuổi 16 trở lên, xưa nay vẫn được bảo bọc trong tổ ấm, vẫn còn ngây thơ như một bầy chim non.
Bọn anh chị em Trang ban đầu cũng tản cư như ai, nhưng dần dần tản lạc mỗi người một nơi. Trang đi vào miền Nam cùng với cô em họ buôn bán rất thành thạo nói rằng để tìm ánh nắng ấm, thực ra nàng muốn nhân cơ hội thực hành giấc mộng du học vẫn ôm ấp bấy lâu.
Vào Saigon cô em mở một hiệu may nhỏ trong một căn gác xép, chuyên nhận vá sửa quần áo. Mối hàng khá nhiều, nhưng chỉ một thời gian ngắn có tin quân Anh Pháp Giải giới quân Nhật sắp đến.
Công việc có thành công “dễ như ăn ớt” không, may ra người chỉ huy biết.
Có loạn xà ngầu, nhân dịp cướp của, phá nhà không chỉ có Trời biết.
Không biết người nhưng biết mình, thân phận hai chị em không đủ cứng để có thể “đứng đầu gió “, ai dám bảo đảm hai người sẽ được bình yên trong thành phố với mấy đoàn quân Viễn Chinh.?
“Chính quyền nhà“ đã chìm dần vào bóng tối, chỉ huy bí mật, cai trị âm thầm. Các cơ quan đã dọn vào rừng sâu gần xong, chỉ còn một chút bề mặt chờ ra đi giây phút cuối.
Tạm gọi là biết mình biết người, hai chị em quyết định cuốn gói, dẹp tiệm may, lên đường về quê. Số tiền bán mấy chiếc máy may cộng với tất cả dụng cụ trang bị cửa tiệm, chia nhau mỗi người một nửa.