Bức thư thứ 9
Lễ sinh nhật

Ankara 25.12.1963
Acmét,
Tôi đã nhận được hai thư của bạn đề ngày 14 và 22-12. Cám ơn bạn thật nhiều. Đúng như bạn đã dự đoán, tôi bị ốm thật nên không thể trả lời ngay các lá thư của bạn. Tôi bệnh cũng không nặng lắm, chỉ bị cảm lạnh sơ sơ thôi, nhưng đau đầu ghê lắm nên phải nằm trên giuờng, không được đi lại. Bác sĩ cho phép tôi nghỉ học ở nhà, nhưng mẹ tôi cấm sờ đến sách vở, giấy bút. Thế là đành chịu! Mentin cũng bị ốm cùng một luợt với tôi. Hôm nay thấy người khỏe hơn, tôi đã bắt đầu đi học. Lúc tối, khi chuẩn bị viết thư cho bạn thì mẹ tôi lại gọi:
- Zeynep, con có thư này.
Đọc tên bạn trên phong bì, mẹ tôi bảo:
- À, của Acmét đây mà, thật là một đứa bạn tốt. Mẹ thấy nó chẳng để con buồn phiền vì thiếu tin tức...
Xem một hơi hết lá thư của bạn, tôi ngồi xuống cạnh giuờng Mentin. Nó vẫn còn sốt quá, nhiệt kế cặp nó vẫn còn chỉ 38o8.
Tôi sẽ kể cho bạn biết vì sao cả hai chị em tôi bị ốm cùng một lúc... Chúng tôi đã đến dự lễ mừng sinh nhật của Ataman, đó là một đứa bạn học cùng lớp tôi. Trong buổi tối dự lễ sinh nhật ấy, hai chị em tôi đã bị cảm đột ngột. Mà cũng không riêng gì chúng tôi, còn có đến ba đứa bạn nữa cũng bị ốm sau bữa đó cơ. Tại sao lại thế? Bạn nghe nhé!
Mẹ tôi đã làm quen với mẹ của Ataman trong dịp hai người đi họp hội cha mẹ học sinh ở trường.
Ngay hôm đó, mẹ Ataman đã nhiệt tình mời cho bằng được gia đình tôi phải đến dự lễ sinh nhật của con bà ấy. Bà ta ghi địa chỉ nhà chúng tôi rất cẩn thận vào sổ và hứa: "Chắc chắn là em sẽ cho xe đến đón hai bác". Đầu tiên mẹ tôi chỉ đồng ý cho tôi và Mentin đến thôi, nhưng bà ấy cố nài nỉ mãi: "Chúng em đợi cả hai bác đến nữa cơ!"... Cuối cùng mẹ tôi bị bắt buộc phải nhận lời mời thiết tha ấy.
Ba tôi khi được mẹ tôi cho biết chuyện đã ngạc nhiên: "Chúng ta làm gì trong lễ sinh nhật của một đứa trẻ con hả mình?" Mẹ tôi phải giải thích là do mẹ Ataman cố mời mọc, chèo kéo khá lâu, rằng "Người ta nhiệt tình mời mình đến, chối từ mãi cũng không tiện" và rồi mẹ tôi đã hứa cả nhà tôi sẽ đến. Mẹ tôi còn bảo: "Bà ấy đã làm mặt giận mà nói: Nếu cả nhà mình không đến, họ sẽ không chịu đâu..."
Ba mẹ tôi đã chú ý để chúng tôi chuẩn bị quà mừng: Tôi mua tặng Ataman một cuốn sách mới, Mentin đem tặng một cây bút viết. Chiều hôm đó họ đưa xe đến đón chúng tôi thật. Trong xe, ba tôi mới bắt đầu làm quen với ba của Ataman. Cái xe mới tinh và rất hiện đại ấy là xe riêng của họ...
Có lẽ tôi viết hơi lan man, dài dòng phải không bạn? Nhưng có thế bạn mới hiểu được tại sao tôi bị cảm đột ngột. Thôi chịu khó đọc tiếp nhé!
Sự giàu có của gia đình Ataman đập vào mắt ta ngay lập tức. Đó là sự giàu có không bình thường cũng như bạn thấy một người đột nhiên phát phì lên vậy. Tôi đã nghe mẹ tôi thì thầm vào tai ba: "Ôi thật là những người không có chút thẩm mỹ... Anh nhìn xem họ sắp xếp đồ đạc kia, chẳng ra cái kiểu gì?..."
Riêng tôi nhận thấy rằng ba của Ataman bao giờ cũng bắt đầu mọi câu nói rằng: " Bản thân tôi..." hay "Thưa quý vị..." Nghe chán ngấy. Biết làm sao được, dù thế nào đi nữa chúng tôi đã đến nhà người ta rồi!...
Ngôi nhà khá rộng nhưng chật ních người. Thế mà khách khứa vẫn ùn ùn kéo tới. Lũ trẻ con chúng tôi có khoảng 15, 16 đứa cả thảy. Thế mà người lớn có đến hơn ba chục. Đứa nào cũng có ba mẹ đi kèm, mà nào chúng tôi có còn bé bỏng gì! Thấy lạ, Mentin hỏi mẹ tôi một cách ngạc nhiên:
- Mẹ ơi, hôm nay là ngày sinh của ba anh Ataman phải không mẹ?
Thường thường khi Mentin nói một câu không phải ở chỗ đông người, mẹ tôi hay nhéo nó một cái để nó giữ mồm giữ miệng. Lần này thấy cái nhéo tay của mẹ bên suờn, Mentin vội im bặt, nó biết rằng đã hỏi một câu không đúng chỗ. Nhưng chắc chưa kịp hiểu tại sao câu hỏi của nó lại không đúng. Bất chợt mẹ Ataman đến tiếp chuyện mẹ tôi:
- Nhà chật quá chị ạ, chật chội quá... Người quen, bạn bè quá đông... chị xem, không thể không mời hết. Vì vậy em đã nói với "nhà em" lần sau chúng em sẽ tổ chức lễ sinh nhật cho "cháu nó" ở nhà hàng lớn. Anh ấy đã ung thưận ngay. Thật đáng yêu quá, "nhà em" bao giờ cũng nghe theo em, chị ạ...
Khi nói đến chồng, bà ta thường dùng chữ "nhà em" ° còn khi nói đến Ataman thì "cháu nó"°. Chuyện trò một lúc, chợt bà ấy hỏi mẹ tôi:
- Nhà em làm tất cả mọi việc mà em muốn. Còn nhà bác thì sao ạ?
Mẹ tôi ngây người, chẳng hiểu gì, hỏi lại:
- Nhà tôi là thế nào ạ?
Bà ấy cuời rất rộng rãi rồi nhắc lại:
- Là em hỏi bác trai ấy, chồng chị ấy mà. Em hỏi bác nhà có tốt với chị không, có hay nghe lời chị không ý?
Mẹ tôi có lẽ không thích thú chủ đề này lắm nên bà khéo léo lái câu chuyện sang một huớng khác. Mẹ tôi phe phẩy cái khăn tay và nói:
- Ở đây hơi nóng nực phải không chị?
- Vâng, vâng,,, Tại vì chúng em đã cho mở hết cỡ các lò suởi hơi trong nhà đấy mà. Nhà em tốt thì tốt thiệt đấy nhưng phải cái hay phá của lắm. Đã thế còn mắng em: "Ngày sinh của con mà em cũng tiếc không dám vặn hết cỡ ba cái lò suởi lên à?" Cứ làm như em quê lắm đấy, bây giờ thì lại nóng quá. Em còn biết tỏng là ông ấy bắt bồ với hai ba cô gái trẻ cơ, rồi nhận cho làm thư ký riêng đấy... Đàn ông cả lũ họ như thế, chị ạ!
Mẹ tôi nhíu mày vẻ khó chịu quát tôi và Mentin:
- Các con qua chỗ ba chơi! Sao cứ quấn chân bên mẹ thế hả?
Tất cả đàn ông đang tập trung bên phòng khách lớn. Trên bàn đầy ắp thức ăn, đồ uống, trái cây... Ba tôi đang đứng nói chuyện với ba của Ataman, thấy hai chị em tôi kéo tới, ông có vẻ không vừa ý:
- Sao các con để mẹ một mình hả?
Nghe ba tôi mắng khi vừa đến, Mentin cãi lại:
- Thì chính mẹ bảo chúng con đến chỗ ba mà.
Ông chủ nhà chỉ chúng tôi hỏi:
- Cả hai cháu là con bác đấy ư?
- Vâng, chúng là con tôi!
- Đức Ala phù hộ cho các cháu... Chúng ta đang nói gì nhỉ? à vâng, tôi, bản thân tôi không phải là người tham lam, ham lợi. Nhưng cái bọn đàn bà ấy thì bao giờ cũng thế. Ngay bà xã nhà tôi đấy, thật tham lam có một không hai. Để tiết kiệm, bà ấy mua cho đầy tớ ăn toàn đồ hư, đồ cũ. Tôi thì nghĩ khác... Nếu anh dùng gì, hãy cho người làm trong nhà anh ăn thứ đó. Bản thân tôi không làm sao giải thích cho vợ tôi hiểu cả. Có khi tôi phải giải thích rằng Như thế là không nhân đạo, nhưng cũng vô hiệu. Trí óc đàn bà đâu có hiểu rằng bà ấy có thể tiết kiệm được vài đồng bạc nhưng làm cho bọn người hèn hạ tức, là chúng nó phá. Con hầu nó thử giả vờ lỡ tay đánh rơi một chồng chén bát quý, đáng giá vài ngàn là anh chết.
Sợ chúng tôi bị ảnh huởng xấu, ba tôi nóng nảy đuổi chúng tôi đi khỏi phòng đó.
- Đi ra đằng kia, các con! Về ngay chỗ mẹ đi.
Những đứa trẻ khác cũng trong tình cảnh buồn chán không kém, chúng tôi chẳng biết làm gì nên cứ quấn chân người lớn. Một bà than thở:
- Thật không đi đâu thoát bầy quỷ con này!
Ba tôi có vẻ ngán đến cổ khung cảnh ấy nên bàn với mẹ tôi:
- Có lẽ tốt hơn là ta về... Cũng đến giờ rồi.
Mẹ tôi thì thấy chưa phải lúc:
- Chưa được đâu mình ạ, ai lại vừa đến đã về thế, người ta sẽ nghĩ sao? Thôi, hãy ráng chút nữa.
Ngay lúc ấy, ba của Ataman tiến đến chỗ ba tôi, tay giơ cao mấy tờ báo vẻ đắc ý:
- Thưa các vị, bản thân tôi lúc nào cũng muốn cứu giúp người nghèo. Ngày lễ mà không phân phát của bố thí sẽ không ra ngày lễ... Thưa các vị, hôm qua tôi đã phân phát của bố thí cho trẻ em nghèo và mồ côi để lấy phuớc cho cháu. Đây, bác xem tất cả các báo đã viết về tôi.
Về sau lũ trẻ con chúng tôi được gom lại vào một căn phòng. Trên bàn bày la liệt các tặng phẩm dành cho người được mừng, tức là Ataman ấy. Vì trong phòng nóng quá nên người ta phải mở cửa sổ cho thoáng. Nóng nực và ngột ngạt đã làm chúng tôi ra mồ hôi nhễ nhại, uớt cả áo. Lúc mở cửa sổ, tôi và Mentin đứng ngay ngoài hứng luồng không khí lạnh ùa vào nên mới bị cảm lạnh từ đó.
Muộn lắm ba tôi mới cáo từ để chúng tôi ra về. Ba Ataman rõ ràng là không vừa ý, nhất định chưa cho về.
- Nhưng bác đã nếm tí gì đâu? Bác cũng chưa kịp uống hớp rượu nào cả mà. Các bác hãy ở lại vui với chúng tôi chút nữa.
Ba tôi trả lời thẳng thừng là ông còn bận nhiều công việc. Ra đuờng thấy ba tôi có vẻ bực bội lắm nên mẹ tôi vội tìm lời lẽ nhẹ nhàng cho ba tôi bớt giận:
- Xin lỗi mình, không ngờ sự thể lại như vậy. Nghe bà ấy nài nỉ mãi, không hứa cũng không được. Thôi đành vậy, lần sao thì cạch!
Hôm sau tôi lên cơn sốt 39o5, còn Mentin 39o8.
Thư trước bạn có hỏi tin tức về Hicmét. Tôi cho bạn hay là cả một tuần nay nó không đến trường. Không biết nó làm sao, tôi lo cho nó quá. ở lớp tôi, chẳng ai biết nhà nó cả, nếu không, chúng tôi đã đến xem sự thể ra sao rồi. Tôi phải để tin này tận cuối thư vì chúng tôi ai cũng buồn cho nó.
Bạn mau chóng viết thư cho tôi nhé.
Thân mến,
Zeynep