Chương 5

    
ường hít một hơi dài rồi nhảy ùm xuống sông. Hai tay rẽ nước, người cong lại như con ếch, anh chúi thân mình lặn tận đáy. Mãi đến khi chịu hết nổi, Tường mới trồi lên. Anh bơi sải dọc sông một đoạn khá xa rồi quay lại leo lên nhà. Sự vận động làm anh linh hoạt hơn, nước sông tràn bờ mênh mông cho anh cảm giác thoải mái, tự do. Với Tường, ngôi nhà bên bờ sông này là nơi anh ưa thích nhất. Nó giống như anh, cô đơn, trống vắng, lẻ loi, nhưng lúc nào cũng một mình chống lại sóng gió của bờ sông bên lở.
Giông bão cuộc đời, luôn khắc nghiệt với người có số phận nghiệt ngã đắng cay như anh. Bảy tám năm dài, anh bị cách biệt với cuộc sống bình thường chỉ vì anh điên. Và người điên nào cũng có cõi riêng bí hiểm của họ. Các cõi riêng của anh mới đáng kinh tởm làm sao. Nếu điên được như mọi người tưởng, chắc anh đã không đau khổ triền miên như thế này. Nhưng vì đâu hôm nay Tường lại nghĩ đến chuyện từ lâu anh không muốn nghĩ tới nữa. Út Tường bây giờ khác Út Tường ngày xưa lắm rồi. Anh đã trở về nơi anh bỏ đi bảy năm dài, và anh nhận định giành lại những gì thuộc về mình.
Nhếch đôi môi ít khi nào cười lên, Tường lầm lì nhìn vào gương và bắt gặp một gương mặt lạnh lùng khắc khổ. So với tuổi của mình Tường trông già hơn nhiều vì những nếp nhăn ở đuôi mắt. Những vết hằng năm tháng này chứng tỏ anh trải qua nhiều biến động thăng trầm trong đời. Tường không bao giờ quên tháng ngày mình đã sống nhưng cũng chẳng thích ai tò mò nhắc đến. Bởi vậy anh rất bực mình khi nghe con bé cháu nội ông Chín Trực nhỏng nhảnh bảo anh kể về đời mình cho cô ta nghe.
Hừ! Ước gì mình có chút xíu thôi cái hồn nhiên, vô tư, dễ tin và lẻo mép của con bé ấy nhỉ! Càng lúc mình càng thấy mình già cỗi khô khan và nhẫn tâm với mọi người hơn. Nhưng biết làm sao khi không ai có thể ngược dòng thời gian. Suốt thời hoa mộng mình đã điên bây giờ mình có là vua đi nữa cũng không lấy gì bù lại những mất mát đó. Thôi đừng nuối tiếc nữa, vô vọng lắm. Điều quan trọng nhất là tương lai, sự nghiệp, là những việc làm sẽ đụng chạm tới quyền lợi của nhiều người. Nhưng biết sao hơn!
Tường lấy tay chải mái tóc ngắn còn ướt của mình rồi đi ra sân. Hôm nay anh phải gặp mẹ để bàn dứt khoát một chuyện. Anh suy nghĩ nhiều rồi và thấy không thể nhân nhượng chút nào hết.
Bước vội về ngôi nhà xây như biệt thự, Tường bồi hồi nhớ tới thuở ba mình còn sống. Ông là người lao động cần cù, hết mực thương vợ con, thế nhưng yểu mệnh. Nếu ông còn sống, chắc chắn cuộc đời Tường đâu phải rẽ qua một đường dích dắc khủng khiếp đến thế.
Nhảy lên tam cấp đi vào nhà, Tường gặp chị giúp việc đang lau chùi phòng khách. Thấy anh, chị ta vội chấp tay xá:
- Dạ thưa cậu Út!
Anh lãnh đạm gật đầu, dù trong bụng rất muốn cười vì thái độ tôn kính quá mức của chị ta. Những người dân ở đây vẫn cuồng nhiệt tin rằng cậu út Tường là người cõi trên. Họ rất sợ nên khi gặp anh, họ luôn vâng dạ, thậm chí xưng con nữa. Từ khi bỏ xứ đi Tường đã quên là "Tiên cậu" đến khi trở về gặp lại chị giúp việc anh mới ngao ngán nhớ thời xưa điên khùng của mình và không hiểu, giữa anh và những người ở đây ai dại ai khôn, ai mê ai tỉnh.
Thấy chị đứng sớ rớ nhìn quanh, Tường hỏi cho có chuyện:
- Sao bề bộn dữ vậy? Chắc Hai Nhân vừa nhậu xong phải không?
- Dạ! Cậu Út dạy đúng!
Tường khoát tay khổ sở:
- Tôi mà dạy ai chị ơi! Anh Hai tôi đâu?
- Dạ, đang ở trong phòng của bà.
- Vậy à!
Mày hơi cau lại, Tường đi dọc hành lang vào phòng mẹ. Chưa vào trong, anh đã nghe giọng Hai Nhân nhè nhè:
- Mẹ không được giao cho nó. Tui dặn trước rồi đó! Tui là anh, quyền huynh thế phụ, thằng nào cãi tôi đập chết mẹ!
Hất hàm về phía Tường khi thấy anh bước vô, Nhân nói:
- Bàn gì thì bàn cho dứt khoát rõ ràng theo ý tôi mới được à nghen. Bây giờ tui đi đây.
Tường đanh mặt:
- Anh không được đi. Gia đình còn ba người giải quyết vấn đề gì cũng phải có đủ ba ý kiến.
Nhân phản đối:
- Tao ủy quyền ý kiến cho mẹ rồi. Mày đừng lộn xộn.
- Anh đã biết tôi sẽ đề cập vấn đề gì đâu mà ủy quyền.
Hai Nhân cười nhạt:
- Thì vụ miếng đất thuộc về mày nhưng đang tranh chấp với nhà Chín Trực chứ gì. Hừm! Mày giao phần đó lại cho tao, bảo đảm tao sẽ lấy lại được. Cũng mấy công xoài chứ bộ bỏ hả! Ma quỷ là mày, điên khùng cũng là mày. Ở bên lão Chín sợ thấy mẹ, lão không đòi nữa đâu.
Tường lạnh lùng:
- Cám ơn anh đã gợi ý. Những gì của tôi phải là của tôi, anh nên nhớ điều đó.
Hai Nhân cau có:
- Vậy mày muốn gì?
- Muốn bàn với anh và mẹ về miếng đất bên cồn. Còn phần vườn xoài, tôi khôn đụng tới đâu.
Đang nằm trên ghế bố, bà Hà bỗng hơi nhỏm lên:
- Còn muốn bàn như thế nào nữa? Đã giao cho con một phần, bộ chưa vừa lòng hay sao?
Tường thẳng thừng:
- Đúng là con không vừa lòng. Con muốn lấy lại hết toàn bộ, để đầu tư làm ăn.
Mắt bà Hà trợn lên:
- Cái gì? Lấy hết à! Vậy chú Tiến sẽ ở đâu, và lấy gì để sống?
Giọng Tường lạnh lùng:
- Chuyện đó con không cần biết.
Hai Nhân nhừa nhựa:
- Mày nói khó nghe thật! Làm việc gì cũng có trách nhiệm chứ! Dầu sao ổng cũng là bạn thân của ba! Lấy hết đất lại ổng ở đâu vậy?
Tường quắt mắt lên:
- Từ lâu tôi quên ba có một người bạn như thế rồi.
Bà Hà đập tay vào ghế:
- Mày hỗn vừa thôi!
Tường bình tĩnh đáp:
- Cái gì cũng có nguyên do của nó. Hôm nay tôi không ngại nói toạc ra luôn, con muốn đuổi ổng đi.
Hai Nhân nạt:
- Đúng là điên. Mày có biết hàng năm chú ấy làm lợi cho nhà này bao nhiêu cây vàng chưa?
Tường nhếch môi:
- Trước đây tôi không biết, vì tôi điên mà! Nhưng bây giờ khó ai qua mặt tôi lắm! Vậy mẹ và anh có biết mỗi đợt thu hoạch, Sáu Tiến cất riêng cho mình bao nhiêu cây vàng không?
Bà Hà nôn nóng:
- Làm gì có chuyện đó. Mày giỏi đặt điều.
Tường cười khẩy:
- Con không quen đặt điều, và chưa đặt điều nhằm hại ai bao giờ. Mới trở về hơn ba tháng thôi, nhưng con đã tìm hiểu được cung cách làm ăn của chú Tiến rồi. Nhà ta không cần mướn chú ấy nữa. Con sẽ đảm nhận phần việc của chú.
Hai Nhân ngửa mặt cười hô hố:
- Thì ra là vậy! Nhưng tao và mẹ không cần, không tin vào thằng điên như mày. Dân ở đây cũng thế, mày chỉ làm ăn với người cõi trên thôi.
Tường không hề nổi giận, anh thản nhiên nói:
- Vậy sẵn có mẹ và anh ở đây tôi dứt khoát luôn chuyện đất đai. Mẹ nói với chú Tiến cuối tháng tôi sẽ lấy đất, nhà cửa chú phải dỡ đi, mấy vuông tôm tôi sẽ tính thành tiền trả cho mẹ.
Bà Hà nhảy nhổm:
- Úi trời ơi! Nói đi cũng phải từ từ chứ.
- Chuyện này cách đây ba tháng, con đã nói rồi. Tự mẹ dùng dằng thôi, sao bây giờ trách ngược lại con?
Bà Hà nín thinh nhưng trong lòng tính toán dữ dội....
Khi thấy Tường trở về sau nhiều năm ròng rã biệt tích, bà biết cuộc sống của mình sẽ bị đảo lộn nhiều thứ. Ngày trước khi bỏ nhà đi, Tường là một thanh niên ít nói, nhút nhát, khờ khạo, quen sống lặng lẽ như chiếc bóng với chứng bệnh tâm thần, bị mọi người xa lánh. Bây giờ trở về, Tường đã là người đàn ông già hơn tuổi rất nhiều. Nó chững chạc, khôn ngoan, lõi đời và rất tính toán trong mọi việc. Nó biết yếu điểm của bà nên bắt đầu đánh vào đó để đòi hỏi yêu sách. Nó muốn lấy lại phần đất đai được thừa kế. Trời ơi! Phải chi hồi đó bà có thể cho nó điên thật và điên suốt cả đời nhỉ?
Lạnh lùng nhìn đứa con ruột của mình, bà chán chường nói lẫy:
- Muốn làm gì thì làm. Đất đó của mày mà.
Hai Nhân gắt gỏng:
- Vậy chú Tiến sẽ ở đâu?
Tường nhún vai:
- Nếu anh cần ổng hái ra tiền, thì cho ổng ở chung nhà....
- Mày đùa với tao hả....  khùng? Còn mẹ thì sao? Thiên hạ dị nghị chết.
Tường cố ý châm chọc:
- Tôi nghĩ mẹ không phản đối đâu!
Bà Hà ngó lơ lên trần nhà, thằng chó chết bắt đầu giở trò rồi đây.
Hai Nhân phản đối ngay:
- Ổng là người làm, ở chung làm sao được?
Tường bật cười:
- Anh cũng còn tỉnh để thấy vậy là không nên sao? Coi chừng quá muộn rồi đó.
Bà Hà rít lên:
- Câm mồm lại chưa? Thằng khốn! Mày đạt được mục đích rồi ra khỏi, đi ngay.
Tường đứng lên, giọng trầm xuống:
- Con lấy đất đai lại để đầu tư lại làm ăn. Tất cả những gì con làm đều vì lợi ích chung của cả nhà. Mẹ nên nhớ con luôn luôn vì mẹ. Nếu không, cuộc đời con không cay đắng thế này.
Mặc bà Hà ngồi gục đầu trên ghế bố, Tường bỏ về. Anh đứng trên balcon nhìn xuống dòng sông trước mặt. Lục bình từng mảng tím hoa, trôi trôi theo nước trông buồn quá. Chiều rồi! Bên kia sông nhà ai tỏa khói, làm lòng Tường mang mang. Anh đốt một điếu thuốc và trầm tư một mình với nổi cô đơn kinh khủng. Mãi đến khi nghe tiếng chân người, Tường mới nhìn lên:
- Mời cậu vào dùng cơm.
Nán thêm một chút nữa Tường mới vào bếp, ngồi xuống mâm, anh có thói quen ăn cơm một mình trong im lặng.
Tường vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên anh phải ăn cơm một mình. Đó là ngày thứ bảy, trời mưa dầm từ tối tới sáng, anh mệt lả người vì bị đói. Mẹ anh tin lời thầy bắt anh uống nước bùa phép gần cả tuần, đến khi thấy anh gần chết rồi bà mới cho ăn. Ngồi một mình trong căn phòng tối tù mù, Tường bưng chén cháo trắng mà hai tay run lẩy bẩy. Anh đã vừa húp cháo vừa khóc ngon lành. Thằng con trai mười hai tuổi ngây thơ, hay phá ngày ấy đã chết rồi, nhưng anh không thể nào quên một tuần lễ bị nhốt trong căn phòng đầy hương khói và bùa phép đó.
Lớn lên Tường mới hiểu ra tất cả là lừa bịp. Mẹ biết anh không loạn trí cuồng tâm gì hết, nhưng bà cố ý bày ra trò cúng bái, bà cho anh uống toàn thuốc ngủ, để suốt mấy tháng trời anh lơ ngơ như mất trí thật. Anh hận mẹ nhưng cũng tội nghiệp mẹ. Bà mê muội ích kỷ quá! Chỉ vì bản thân bà đã giết dần giết mòn thằng con trai nghịch ngợm thông minh của mình. Bà muốn nó điên thật để giấu nhẹm tội lỗi đã phạm. Anh đã chờ từ mười mấy năm nay lời ân hận từ miệng bà nhưng mẹ anh vẫn dửng dưng, bà vẫn còn cần người đàn ông đó hơn anh. Thấy anh về bà dửng dưng khó chịu.
Hai Nhân cũng thế. Anh ấy vẫn như xưa, thích chế giễu, chọc ghẹo em mình, nhưng hành động của ảnh bây giờ nhẫn tâm hơn, độc ác hơn. Hai Nhân đâu muốn chia bớt đất đai cho thằng em đã bỏ nhà đi. Bây giờ trở về đòi quyền lợi.
Tường chán nản buông đũa, anh gọi:
- Chú Năm ơi!
Một người đàn ông dáng vạm vỡ, mặt đầy nét phong trần sông nước bước vào. Ông ta hết sức nhỏ nhẹ:
- Dạ! Cậu Út cho gọi.
- Chú ngồi đó đi! Tối này tôi không ở nhà, chú cho đứa nào vô ở giùm.
Ông Năm ngạc nhiên:
- Chiều rồi, cậu còn về trển sao?
Tường chép miệng:
- Công việc mà, giờ này ngoài bến vẫn còn tài chót phải không?
- Đi buổi này không nắng nhưng hơi mệt vì bạn hàng đông, xe chở nặng lại chạy ẩu.
Tường làm thinh, ngẫm nghĩ một chút anh nói:
- Chừng nào bán cá?
- Dạ chừng một tuần nữa. Lúc đó hút cá, mình bán sẽ được giá. Tôi nghe nói vừa rồi Sáu Tiến bán rẻ nên.... nên....
Tường khoát tay:
- Đừng nhắc ổng với tôi. Cuối tháng này tôi lấy lại hết đất bên cồn. Chú lo tìm người để sửa sang mọi thứ bên bển.
Ông Năm lo lắng:
- Sáu Tiến thủ đoạn lắm! Cậu đừng chủ quan, dễ gì hắn để bà chủ giao đất cho cậu.
Giọng Tường thản nhiên:
- Tôi phải có cách đối phó chứ!
Ông Năm loay hoay dọn dẹp bàn ăn. Ông biết Tường có bản lãnh, cậu ấy sẽ làm được những điều đã nói. Ông đã không lầm người, nên bây giờ mới được Út Tường giúp đỡ tạo dựng cơ ngơi như ngày nay.
Tường bước ra với chiếc áo gió và cái nón kết trên tay. Anh căn dặn:
- Vài bữa tôi về. Nếu bên mẹ tôi có hỏi, chú nói không biết tôi đi đâu nhé!
Ông Năm nói:
- Để tôi kêu tụi nhỏ đưa cậu ra bến xe.
Tường lắc đầu:
- Tôi muốn đi bộ, trời mát mà!
Bến xe chiều vắng hoe với một chiếc xe nằm đợi khách. Tường chui vào băng hai chỗ, anh ngồi sát cửa, kéo nón che mặt, dựa ra ghế như ngủ.
Ông Năm nói thế mà đúng. Xe chiều toàn là bạn hàng. Họ lên hàng ầm ầm, chuyện trò, cười cợt inh ỏi. Anh muốn rút vào cõi riêng của mình cũng không được. Trở người một cái, Tường tựa đầu vào ghế. Anh có cảm giác ai đó vừa ngồi xuống bên cạnh. Hy vọng là con gái, chớ không phải là một bà hàng gà hàng vịt đanh đá, lắm lời, nếu không tai anh sẽ bị tra tấn từ đây cho tới tận Sài Gòn.
Cuối cùng xe cũng ì ạch lăn bánh. Gió thổi ào ào át cả tiếng chí chóe của mấy bà bạn hàng. Người ngồi cạnh anh bắt đầu ngọ nguậy. Cô ta (đúng là con gái rồi, vì tóc dài bay vướng vào cổ anh) chồm qua người Tường để vứt gì đó qua cửa sổ, rồi loay hoay lục túi xách tìm tìm, kiếm kiếm....
Tường nghe mùi dầu nước xanh phảng phất, anh đang mơ mơ màng màng, thì bị giật giật tay áo mấy cái liền.
- Nè, anh ơi! Anh....
Tường nhíu mày mở nón ra:
- Chuyện gì vậy?
Một đôi mắt tròn khá quen đang chăm chú nhìn anh với vẻ ngạc nhiên.
Trong xe dù tối, Tường cũng nhận ra con bé.... vô duyên cháu ông Chín Trực. Có lẽ cô ta cũng bất ngờ, nên cứ trố mắt im lặng, đôi môi mà Tường nhớ rất mọng, hơi trề ra hơi thách thức trông thật dễ ghét.
Tường hầm hừ trước:
- Cô thích làm phiền người khác lắm à?
Lưu Ly trả lời rất tỉnh:
- Đâu có! Tôi chỉ thích làm phiền anh thôi. Đóng cửa lại giùm tôi, tôi lạnh quá!
Giọng điệu tiểu thơ con nhà giàu nghe chua làm sao! Tường cười thầm trong bụng rồi đưa tay kéo cửa xuống.
- Đừng quấy rầy tôi nữa đấy.
- Xì! Ai thèm!
Cô ta vừa dứt lời, Tường đã bị chiếc giỏ xách to đùng để lên người. Anh chưa kịp đẩy nó ra cho chủ thì đã nghe tiếp:
- Cái giỏ là ranh giới. Anh không được lấn tui à nha! Tướng tá kềnh càng như khỉ đột, ngồi gần hết chỗ của con người ta luôn.
Tường sượng trân vì mồm mép của con ranh nhỏ. Anh hậm hực chẳng biết trả lời sao thì Lưu Ly lại hạ giọng nói như thì thầm vào tai anh:
- Muốn ngủ, nhớ tựa về phía bên cửa sổ à nha! Đừng đè lên giỏ xách của tôi, hư quần áo bên trong đó hết.
Tường trợn mắt, con bé khoanh tay hất mặt nghinh lại. Đây là lần đầu tiên anh nhìn kỹ cô gái anh chưa biết tên này. Cũng dễ thương đấy chứ! Nhưng với anh, con gái đẹp hay dễ thương đều không nghĩa lý gì hết. Điều anh quan tâm nhất bây giờ là làm sao kiếm được nhiều tiền nhằm tạo một sự nghiệp vững chắc trên đất đai ông cha anh để lại. Trái tim chai sạn của Tường không còn chỗ nào để chứa tình yêu hết. Tất cả còn lại trong tim anh là oán hận, căm ghét.
Tường hơi bất ngờ khi thấy cô bé le lưỡi trêu chọc mình, như trò trẻ con trêu chọc nhau:
- Eo ơi! Trừng mắt như ông kẹ, khiếp thật!
Dứt lời, con bé che miệng lại cười, tự nhiên Tường bật cười theo. Lòng anh chợt dịu xuống một cảm giác êm ái nhẹ nhàng. Anh trầm giọng:
- Tôi vẫn chưa biết tên cô đấy!
- Vậy thì tệ quá! Lỡ khi muốn rủa tôi, anh phải làm sao?
- Thì... cứ rủa con nhỏ lắm mồm, cháu nội ông Chín Trực là đúng phóc chứ sao?
- Chà! Dài dòng dữ vậy, mà đã có khi nào anh rủa tôi chưa?
- Chưa! Nhưng tôi sẽ thử vì gợi ý của cô.
- Tốt! Để giúp anh thực hiện gợi ý của tôi chính xác hơn. Tôi cho anh biết tên tôi là Lưu Ly. Ngọc Lưu Ly đó! Bây giờ thì không dám làm phiền cậu út nữa.
Nghiêng người sang bên trái, Lưu Ly nhắm mặt lại. Khói thuốc lá từ người ngồi băng ghế đối diện bay sang mù mịt làm cô gái phát ho vì bị sặc. Lưu Ly ngọ nguậy sang bên phải và đụng ngay mặt của Tường. Hoảng hồn Lưu Ly ngóc đầu dậy.
Xe chạy nhanh tiếng động cơ rì rì lẫn với tiếng mưa vừa trút xuống làm người ta dễ buồn ngủ. Ly nhìn xung quanh và thấy ai cũng gật lên gật xuống. Cô định kéo cái giỏ xách lại ôm cho đỡ trống trải, nhưng kịp nhận ra cánh tay to lớn của Tường đè lên đó nên cô đành thôi. Lẽ ra Lưu Ly không về Sài Gòn bằng chuyến xe chiều chật chội chở đầy gà vịt này đâu. Tất cả cũng vì tính ngang bướng mà ra cả. Hồi trưa Lưu Ly mới vừa mở miệng xin phép sang cồn chơi, ông nội đã nẹt một hơi làm cô ngọng luôn. Sẵn ấm ức chuyện hôm trước hỏi về gia đình Tường, ông gạt ngang không thèm nói, Lưu Ly giận dỗi đòi về Sài Gòn. Cô nghĩ rằng nội sẽ năn nỉ mình ở lại phụ ông chỉnh đốn toàn bộ sổ sách, ai ngờ ông dửng dưng gật đầu. Đáng lẽ sáng về sớm, Lưu Ly ương ngạnh về ngay chuyến xe chiều nay. Bỗng dưng Lưu Ly hối hận khi nghĩ đến ông nội. Ông già thế kia mà cô lại dám giận rồi bỏ về cho thỏa lòng bướng bỉnh. Nghĩ cho cùng, cô là đứa cháu chả ra gì. Lưu Ly xốn xang với suy nghĩ trong lòng.
Cô chập chờn theo nhịp lắc của xe và ngủ hồi nào cũng không hay. Đầu cô nghiêng sang một bên rồi tự nhiên ngả lên vai Tường. Tóc Lưu Ly cọ vào má làm anh nhồn nhột. Mở mắt ra anh hơi xúc động khi thấy Lưu Ly đã ngủ ngon lành. Cô bé vô tư làm sao! Mới vừa châm chọc, khích bác người khác, giờ đã ngủ rồi. Chả biết tựa đầu lên vai mình, cô nhỏ mơ thấy gì nhỉ? Chỉ mong rằng những tính toán lo toan của mình đừng lên vào giấc ngủ, làm hỏng những cơn mơ tuyệt đẹp cô nhóc đang mơ.
Tường bỗng nhớ hôm anh kéo Lưu Ly từ dưới sông lên bờ. Hôm đó anh có uống chút ít, và trong người không được khỏe nhưng vẫn thích nhảy xuống bơi một vòng như thường ngày. Nhờ vậy anh mới thấy Lưu Ly trồi hụp giữa dòng. Tường không rõ bằng cách nào anh kéo được Ly vào bờ rồi té xỉu ở đó. Anh cũng chả nhớ nổi mặt mũi cô ra sao. Mãi tới hôm gặp Ly ngoài vườn xoài, Tường mới để ý xem cô như thế nào mà dám bạt tai Hai Nhân. Lưu Ly cũng tạo cho anh một ấn tượng, nhưng kỳ lạ sao ấn tượng đó không sâu như lúc cô đang ngủ vùi trên vai anh lúc này. Bâng khuâng nghe mùi hương con gái thoang thoảng, anh lim dim mắt nhớ lại những câu đối đáp chanh chua cô nói với anh và mỉm cười. Ước gì cô né tựa vào vai ta hoài nhỉ?
Đang mơ màng với bao điều trong đầu, Tường bỗng kinh hoàng khi nghe tiếng thắng xe rít, tiếng bánh xe kéo sệt trên mặt lộ rồi chiếc xe lao vào lề đâm thẳng xuống ruộng.
Tường ôm đại Lưu Ly khi chiếc xe lăn một vòng chỏng bốn bánh lên trời. Toàn bộ hành khách đồ đạc để dồn nằm chồng đè lên nhau. Tiếng kêu la rên rỉ đầy sợ hãi đồng loạt vang lên thật hỗn loạn.
Lúc ấy Tường nhận ra mình đang đè lên Lưu Ly. Anh liền gượng dậy lay vai cô nhưng Ly không cục cựa. Trời vẫn mưa tầm tả và tối đen. Anh mò mẫm mở cửa sổ và kéo Lưu Ly ra giữa tiếng la của những người còn kẹt bên trong.
Tường nghe Lưu Ly rên nhẹ. Anh lo lắng hỏi:
- Có sao không?
Lưu Ly lắp bắp:
- Kinh khủng quá!
Rồi cô đứng tựa vào thân xe không nói thêm lời nào nữa. Tường lom khom chui đầu vào cửa, kéo túi hành lý đưa cho Ly. Lưu Ly run lên vì gió.
- Trong túi xách có cái áo mưa. Anh lấy ra giùm đi!
Co ro khoanh tay trước ngực, Lưu Ly nói tiếp:
- Anh cao hơn tôi nhiều lắm, do đó anh sẽ mặc áo mưa, còn tôi sẽ... núp ở dưới.
Tường lắc đầu:
- Tôi không cần áo mưa đâu! Cô mặc đi!
- Sao lại không? Bộ điên không biết lạnh sao?
Tường hầm hừ:
- Mới thoát chết đã độc mồm. Người ta nói họa vô đơn chí đó.
Lưu Ly cong môi:
- Tại anh, tôi mới độc mồm chứ bộ. Tôi cho anh che chung áo để anh đi đâu tôi theo đó, chớ không tốt bụng như anh tưởng.... Nè, mau lên! Tôi lạnh quá rồi.
Tường miễn cưỡng trùm áo mưa vào đầu. Lưu Ly chạy lúp xúp theo anh. Hành khách ở trong xe đã chui ra hết. Cũng may là không ai bị thương nặng. Đám bạn hàng đang bu quanh tài xế để đòi đền bù, đòi trả vé.
Vừa lõm bõm lội ruộng để đi lên mặt lộ, Lưu Ly vừa lải nhải:
- Bao nhiêu đây người làm sao đón xe giữa trời mưa gió thế này được. Biết xui xẻo đến suýt chết như vầy tôi đã không thèm đi chuyến xe chiều này.
Tường mỉa mai:
- Không có cô, biết đâu chừng xe không đứt thắng. Chả hiểu ai xui đây nữa.
Lưu Ly ấm ức làm thinh, cô vấp một gốc rạ, té chúi vào người Tường. Anh ôm cô lại và hỏi:
- Bao nhiêu tuổi rồi?
- Hai mươi!
- Vậy mà chả nên thân chút nào.
Lưu Ly tức giận đẩy tay Tường ra:
- Quyền gì mà anh nói thế?
Tường hỏi:
- Phải có quyền mới được nhận xét người khác à? Tôi ngán đi chung với người bộp chộp, lóc chóc lắm. Lên tới lộ tôi trả áo mưa cho cô, liệu mà đón xe một mình nhé.... ranh con láu cá.
Lưu Ly chột dạ:
- Anh.... anh nói thật hả?
- Tôi chưa hề đùa với cô bao giờ.
- Nhưng lỡ tôi đón xe không được thì sao?
Tường bật cười:
- Tự hỏi mình chớ sao lại hỏi tôi. Trông đám hành khách này thiếu gì đàn ông con trai. Không có tôi cô vẫn lợi dụng được người khác bằng cách cho họ che chung áo mưa kia mà!
Lưu Ly nóng mặt:
- Vậy thì trả áo lại đi! Cầu mong anh bị chết vì viêm phổi.
Tường cởi áo ra, giọng tỉnh queo:
- Cầu mong cô sẽ đón được xe, không thì cũng chết vì cảm lạnh đấy.
Lưu Ly xăm xăm bước đi về phía đám đông nhốn nháo bên đường. Cô không nghe tiếng chân Tường theo mình, nhưng cô cũng chẳng thèm quay lại xem anh ta đâu.
Mưa vẫn chưa bớt. Đứng xớ rớ bên những người lạ hoắc, Lưu Ly muốn khóc hết sức nhưng chả ai thèm chú ý tới cô. Đón xe giữa đường ban đêm đã khó khăn, huống hồ chi trời lại mưa và người cần đi lại đông như vầy. Lưu Ly sốt ruột nhìn những ánh đèn từ xa đang tới gần. Nhiều người chạy ra giữa đường chận xe, nhưng đâu phải chiếc nào cũng ngừng. Lưu Ly lếch thếch chạy theo họ, song không tài nào chen lên những cabin xe tải chỉ chở một hai người. Những bậc mày râu giữa cơn hoạn nạn này chả ai biết galang cả. Ngoại trừ đám bạn hàng còn đứng bên đống hàng của mình, số hành khách trên đường chả còn mấy người.
Đồng hồ trên tay Ly đã sắp tám giờ rồi cô sốt ruột giương mắt ra đón xe. Lần này nhất định Lưu Ly leo lên bằng được mới thôi, cô sẽ không nhường ai hết nữa. Xốc lại giỏ xách trên vai, cô mím môi chạy theo một chiếc xe mới vừa thắng lại tay bám vào cánh cửa, chân vừa leo lên, Ly đã bị một người đàn bà to lớn kéo xuống. Còn đang mất thăng bằng thì hai ba người nữa chen vào đẩy cô ra. Lưu Ly té ngửa trên đường khi xe chuyển bánh, vừa đau vừa tức, Ly òa lên khóc. Lúc ấy có một người cúi xuống đỡ cô đứng dậy. Anh ta rít một hơi thuốc rồi nói:
- Đâu cần phải giành giựt chen lấn, rồi cũng có xe về Sài Gòn mà, lo gì đến mức... nhè vậy?
Ngước lên nhìn và hất tay anh ta ra, Lưu Ly quay mặt chỗ khác, nước mắt cô vẫn tràn trụa trên má lẫn với nước mưa. Biết giận lẫy như thế là vô duyên (thì người ta từng mắng cô như vậy rồi) nhưng Lưu Ly không thể nào không giận được khi nghe giọng Tường châm chọc. Hóa ra hắn vẫn còn ở đây với giọng điệu này, chắc gì Tường sẽ đón xe giùm cô, không chừng hắn cũng sẽ xô đẩy Ly như những người khác.
Làm bộ không nghe Tường nói, cô bước dọc theo lộ về hướng Sài Gòn. Tường lẽo đẽo theo sau:
- Định chạy bộ về thành phố à? Nếu có gan đi tới sáng cũng tới nhà đấy.
Lưu Ly lầm lũi đi tiếp:
- Chỗ khác cho tôi đón xe.
- Sao không giỏi đuổi những người hồi nãy mà để họ xô té? Cô chỉ có tài ăn hiếp người quen.
- Tôi không quen người như anh.
Tường nói như thật:
- Vậy sao! Có xe lên nữa kìa. Tôi đi trước nhé.
Lưu Ly quay người lại vội đến mức không tránh kịp Tường đang bước tới, một lần nữa cô lại ngã vào anh. Tường tỏ vẻ thích thú khi ôm Ly trong tay:
- Tôi biết thế nào cô cũng té vào tôi để ăn vạ mà. Cần chi phải làm thế. Khi tôi đã ra đón xe giùm cô rồi.
Lưu Ly tức lắm nhưng đành im lặng vì đang cần tới Tường. Mãi lúc sau cô mới hỏi:
- Nãy giờ anh ở đâu?
Chỉ tay vào một cái chòi lá thấp khuất sau bụi cây, Tường nói:
- Nấp mưa trong đó, chớ đâu ngốc đến mức chạy bộ theo xe như nhiều người.
Lưu Ly đưa tay vuốt mặt miệng lẩm bẩm:
- Đến khi không còn xe về thì mới biết ai ngốc hơn ai.
Đang nói, cô chợt cắn môi vì bị anh trừng mắt. Tường sửa cái nón kết trên đầu lại rồi hít một hơi thuốc, đốm lửa trên môi anh đỏ rực lên. Lưu Ly chớp mi khi thấy đôi mắt của Tường. Trời ạ! Đúng là đôi mắt sáng rực nhưng đầy uẩn khúc cô từng thấy. Anh ta thật lạ lùng, mới trêu chọc cô tức thời, đã trở nên lầm lì khó ưa. Giọng anh chợt khô khan:
- Vào trong chòi đứng, bao giờ nghe tôi gọi là chạy ra ngay.
Lưu Ly cởi áo mưa đưa cho anh, Tường lắc đầu:
- Không cần!
- Nếu anh không cầm lấy, tôi không đi đâu hết!
Tường nhún vai:
- Vậy thì đưa đây.
Cô lom khom chui vào chòi và để ý xem Tường đón xe bằng cách nào. Trong lúc đó Tường đứng dang tay giữa lộ, ánh đèn xe vàng chóe chiếu thẳng vào người không làm anh nao núng, trái lại nhìn mặt Tường, Lưu Ly thấy sợ thế nào ấy. Chiếc xe thứ nhất lách ra giữa đường chạy luôn. Tường châm điếu thuốc khác và chờ tiếp tục. Lưu Ly bắt đầu thấy lạnh, cô ngồi xuống ôm cái giỏ, hà hơi vào hai tay rồi lấy dầu ra thoa cho đỡ cóng. Đang nhăn mặt hắt hơi, cô nghe tiếng Tường gọi mình, hốt hoảng Lưu Ly xách giỏ chạy ra. Cô thấy anh đã ngồi trên cabin một xe hàng và đang chồm người xuống đưa tay cho cô. Lưu Ly nắm tay Tường leo lên. Anh kéo mạnh đến mức cô chúi nhủi vào lòng anh. Chưa kịp ngồi đàng hoàng Tường đã đóng cửa và xe phóng vụt đi. Lưu Ly tìm chỗ để xích ra, nhưng chẳng biết xích đi đâu. Cô buột miệng:
- Trời ơi! Chật quá!
Giọng Tường sát tai cô:
- Chỉ có ngồi ngoài chòi giữa đồng là rộng thôi. Cô muốn nơi nào? Một người năm chục đấy! Cô chê tài xế không thèm chở đâu.
Lưu Ly làm thinh cố thu người lại cho đừng đụng anh, nhưng không được. Tường cao lớn, ngồi một mình đã hết ghế, huống hồ chi thêm cả cô nữa. Lưu Ly khổ sở nép vào cửa xe, tấm kiếng bể một mảng lùa gió mưa vào làm cô lạnh muốn chết. Dường như biết được tâm trạng của Ly, Tường thì thầm:
- Tôi chả thú vị gì khi bị ép sát thế này. Nhưng muốn về nhà đành phải chịu khó, nói thật nếu không nghĩ đến bà nội cô khi xưa, tôi đã nhảy xe đi lâu lắm rồi chớ đâu cần ngồi chung nghe cô cằn nhằn, bị cô né tránh như vầy. Nhớ hôm ở dưới sông, cô ôm tôi cứng ngắt, lên đến trên bờ vẫn chưa chịu buông.
Lưu Ly kêu lên:
- Anh.... anh....
Ông tài xế ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy?
Tường tỉnh khô:
- Em lạnh thì cứ xích vào, đưa dầu cho anh xức cho, không thì bệnh đó.
Thấy Ly ngồi yên, Tường cười thầm. Tự nhiên anh cứ muốn trêu cho con bé kênh kiệu này bỏ tật chanh chua. Tiếp tục ghé sát vào tai Ly, Tường thì thầm:
- Ngẫm lại tôi chả biết có nợ cô không mà cứ phải cứu mạng hoài. Hồi nãy lo kéo cô ra, tôi đụng đầu sưng một cục đây nè.
Lưu Ly mặc kệ Tường nói gì thì nói. Hắn ta cũng xạo lắm chớ chả vừa. Hừ! Nếu không ba xạo đâu có giả điên. Nhưng tại sao mình lại nghĩ Tường giả điên biết đâu anh ta từng điên thật, nhưng bây giờ đã hết rồi.
Lưu Ly xuýt xoa:
- Lạnh quá!
Gió lùa qua mảng kính vỡ khiến Ly rùng mình từng hồi, mũi cô nhức buốt vì lạnh. Hai hàm răng va vào nhau cứng đơ. Cô biết chỉ cần xích vào một chút thôi sẽ rất ấm. Lúc nãy té vào người Tường, cô đã cảm nhận như thế. Anh ta nóng như có lửa vậy. Mặt đỏ lên vì ý nghĩ vừa thoáng qua. Lưu Ly co người lại vì gió. Hắn ta mà đọc được ý mình thì chết. Ngay đó Lưu Ly chợt thấy hai bàn tay tê cóng của mình đang nằm gọn trong đôi tay cứng cáp của Tường. Lưng cô tựa vào ngực anh vững chãi, và đầu cô tựa trên vai anh êm ấm. Hoảng hồn Lưu Ly vùng ra, nhưng vòng ôm của Tường đã siết lại nhẹ nhàng mà chắc chắn. Trời ơi! Sao lại thế này! Chả lẽ hắn hiểu mình nghĩ gì à!
Ly còn hoang mang, đã nghe giọng Tường nghiêm nghị:
- Lạnh cóng cả người mà cố chấp thì kẻ sắp bị viêm phổi là cô, chớ không phải tôi đâu. Hừ! Đưa chai dầu đây!
Lưu Ly ríu rít vâng lời. Cô nhắm mắt để mặt Tường xoa dầu vào thái dương, vào cổ, vào hai bàn tay rồi tự nhiên ôm cô vào lòng. Lưu Ly thấy mình yếu đuối hẳn đi, cô nghe tiếng cười thật khẽ, cô muốn đẩy anh ra nhưng lại không dám. Cô lo lắng, bứt rứt, nhưng cô cũng thấy thích thích mới kỳ. Như vậy là xấu lắm! Cô phải ngồi xích ra thôi, nghĩ thế nhưng Ly không cục cựa được. Nước mắt cô rân rấn rồi ứa ra, chảy xuống ướt cả tay Tường. Anh ngạc nhiên nâng mặt cô lên:
- Em đau ở đâu à?
Lưu Ly lắc đầu. Không biết sao cô lại ấp úng dối:
- Dầu cay mắt quá!
- Xin lỗi, tôi vụng về lắm!
Lưu Ly khẽ nhích người nép sang một bên. Cả hai rơi vào im lặng thật lâu. Bên ngoài mưa cũng bắt đầu tạnh. Cái gạt nước đã thôi đưa qua đưa lại, trước mặt cô lối vào thành phố sáng rực đèn.
- Hai người định xuống đâu?
Giọng ông tài xế ồn ồn vang lên làm Lưu Ly ngỡ ngàng nhìn Tường. Đã tới Sài Gòn rồi sao? Trái tim cô bỗng nhiên nhoi nhói.
Chẳng cần hỏi xem Lưu Ly về đâu, Tường trả lời:
- Tới Xa Cảng, bác ngừng giùm.
Thành phố khô ran như không biết mưa là gì.
Lưu Ly bước xuống xe, đầu hơi choáng một chút. Cô giữ khư khư cái túi xách khi đám xích lô quay quanh, xô đẩy, chào mời quá trớn làm cô chẳng biết phải làm sao. Tường nắm tay Ly kéo đi, miệng liên tục nói không. Đến một chỗ yên ổn, anh lắc đầu:
- Trong cô như trên sao hỏa vừa rớt xuống cứ ngơ ngác chán. Dân thành phố sao ngờ vậy? Với bọn này, cô mới cần đốp chát chanh chua đấy.
Lưu Ly không để ý đến giọng điệu mai mỉa của Tường. Cô ngớ ngẩn hỏi:
- Anh có đưa tôi về nhà không?
Tường nhè nhẹ lắc đầu:
- Tôi không phải mẫu đàn ông ga lăng với phụ nữ. Nên tới đây đường ai nấy đi là đúng rồi, cô không giận đấy chứ?
Lưu Ly xịu mặt buồn hiu:
- Tôi gởi trả tiền xe và cám ơn anh.
Tường xua tay:
- Chuyện vặt vãnh sao cô lại quan trọng dữ vậy, dù sao chúng ta cũng đồng hương mà!
- Tôi không muốn mắc nợ.
Tường nhếch môi:
- Nếu nói tới nợ thì số tiền này có nhằm gì so với món nợ ba mẹ cô thiếu nợ chúng tôi.
Lưu Ly ngơ ngác nhìn anh:
- Tôi không hiểu ý anh.
- Cũng chả nên hiểu làm chi cho khổ. Chúc cô lúc nào cũng vô tư như bây giờ.
Ngoắc chiếc xích lô đậu gần đó lại, Tường đỡ Lưu Ly lên xe. Ngần ngừ một chút anh dặn:
- Đừng bao giờ cho ở nhà biết cô đã quen với tôi. Mẹ cô không thích đâu.
Lưu Ly chưa kịp hỏi tại sao, Tường đã bước đi. Chiếc xe lắc lư chạy qua mặt anh. Ly dằn lòng lắm mới không quay lại nhìn. Cô gục đầu vào tay và nghe như khói thuốc lá thoang thoảng còn trên tóc mình. Người ta mất hút rồi, nhưng vẫn còn lãng đãng đâu đây những âm hưởng bất ngờ làm tim Lưu Ly xôn xao. Dù Tường như thế nào, dù có bao nhiêu điều xầm xì về anh chăng nữa, Lưu Ly vẫn khốn khổ nhận ra bắt đầu từ đêm nay, cuộc sống của cô đã bị anh làm đảo lộn.