Phần thứ nhất
Phỏng Sự Ngắn
Các trò ơi, Thầy phen nầy thọ tử

Bạn hãy cùng tôi “du lịch” một vòng xuống các miệt “hóc Bà Tó”, “chó ăn đá, gà ăn muối”, để tìm những cái lạ lùng, lạ lùng cả đến cái tên: Bãi Háp, tắc Ông Do, mương Chệc Kịch, Tham Trơi, U Minh, Dớn, v.v….
Ở đồng quê, thế mà lắm chuyện.
Nhưng hãy khoan, ta tạm dừng chơn nơi xóm Kiến Vàng để biết thêm chút nhơn tình thế thái.
Thuộc làng Tân Hưng Ðông, ấp Kiến Vàng chia ra làm hai xóm. Thiên hạ hai bên thù nhau từ đời nào không biết mà hồi ấy họ ghìm nhau như địch thủ.
Và không khác hai nước đương chiến, họ tìm mọi cách để ngầm giết nhau. Họ nuôi râu cọp, tìm đủ thứ thuốc độc bỏ trong nước, trong món ăn, thuốc nhau chết như rạ. Thành ra, ở đó không ai dám tin ai, nhà nào nhà nấy giữ gìn từ lu nước món ăn, tiệc tùng đâu mời cũng không dám tới.
Một ngày ở đó là một ngày phập phồng.
Tuy nhiên, trong các nghề kiếm ăn, nghề “dạy học” vẫn giữ một địa vị quan trọng ở đồng, đâu đâu cũng không dám coi thường. Thế nên, là “thầy giáo” thì ở đâu cũng dám tới.

°

°
Con nít ở Kiến Vàng là con nít đủ tài thao lược.
Trên bộ, chúng ruồng tất cả rừng rậm chông gai, bắt rắn như bắt ếch, bắt chim như bắt gà, thôi thì đạo binh của rừng bụi đều kinh hồn mất vía.
Buồn? Chuíng có thể lôi đầu mấy con rắn hổ ngựa từ trên cây xuống… đá như đá ba lông, chúng có thể nắm chóp hết những con kỳ nhông rắn mối ra “rô ti…” nhậu rượu!
Dưới nước, tốp khác không kém, chúng là một đoàn thủy quân bơi lội “dàng trời ban”. Liệng chúng xuống bùng binh sâu hoắm tối ngày chúng không uống một chút nước, không biết lạnh, mà lại còn mò lên một mớ tôm cá mới tài! Chúng lại thường theo cha chú ra vàm sông Mang Giỗ ban đêm soi sấu, vớt những con sấu con đem về cho… cắn lộn.
Khi chán chê rồi, chúng vẫy tay một cái là vật đầu đem nướng!
Khốn nạn, tôi lại lọt đến cái xóm ghê hồn ấy! Ðã bảo thầy giáo ở đâu cũng dám tới mà! Ðiều nên biết là trước tôi, đã có không biết bao nhiêu thầy vì chịu không nổi lũ con nít “trời đánh” ấy phải xuốn gói bỏ trường mà trốn đi.
Nhưng rồi thằng “thiên lôi chạy mặt” như tôi cũng cai quản được cả đoàn.
Dầu vậy, trước khi làm Tổng tư lịnh cả hai bộ thủy và lục quân ấy, tôi bị thử phép gần trầy vì tróc vảy.
Nầy, lục quân: Hạ thủ một con rắn hổ? Chúng làm bộ như sợ sệt, viện đến tay thầy. Thì “rụp” một cái, thầy vỗ cửa hang “bòm bòm”, miệng làm bộ lâm dâm câu thần chú “Án đà ra họng rị…” rồi chĩa đầu con rắn đem lên!
Bắt con chim “bánh ích”. Thầy là một tay bắn giàn thung thiện xạ!
Chúng quyết bắt Thầy ra đồng trọn ngày chúa nhựt để bỏ đói? Thầy vui lòng móc củ bồn bồn, hoặc bẻ trái dừa nước ăn cho no và còn mở tiệc khao quân là khác nữa!
Nầy, thủy quân: Chúng rủ thầy chèo ghe ra cửa biển chơi mỗi chúa nhựt? Xa bao nhiêu thầy cũng vui lòng cầm chèo lái. Vác lưới đi đánh cá cháo, lặn cá dầy? Thầy phóng xuống bùng binh trước nhứt.
Tắm, chúng muốn trấn nước Thầy? Thầy là một con rái, hiên ngang hoạt động dưới nước như trên bờ!
Thế rồi, trong vòng một tháng, tôi nắm chắc chức Tổng tư lịnh trong tay, các… tiểu anh hùng đều bái phục.
Thôi thì mặc ai làm gì thì làm, tôi nằm tréo ngoảy ở nhà, muốn cá có cá, muốn chim có chim, hô lên một tiếng là có đồ đệ đến hầu.

°

°
Một hôm, có anh thợ săn trong ấp bắt được một con “heo cấn” (heo rừng có chửa). Anh mổ bụng lấy bọc con ra đem tiềm thuốc bắc. Ðấy là món ăn quý nhất mà tôi đã thèm thuồng từ lâu.
Anh cho mời… thầy giáo!
Lần thứ nhứt, tôi đi dự tiệc nhà người. Bữa ấy tôi ăn hết nửa con heo con đỏ ói trong bọc, và nhậu trên một cốc rượu rừng, pha mật ong.
Về nhà bỗng dưng tôi thấy tối tăm mày mặt, ruột thắt gan bào.
Thôi chết rồi, chắc chắn là tôi bị trúng thuốc độc!
Mỗi lần tưởng tượng đến cả ngũ tạng lục phủ tôi sẽ liệt bại rồi chết lần mòn, tôi mê sảng nằm kêu rên không ngớt miệng.
Học trò lũ lượt đến đứng quanh giường.
Tôi nhìn qua một lượt, nắm tay từ đứa, ứa nước mắt trối dài:
- Các trò ơi! Thầy phen nầy thọ tử!
Anh thợ săn nghe tin cũng khiếp vía, chạy rước được một vị danh y về khám bịnh.
Sau khi nghe tôi thuật chuyện, ông thầy chăm chú xem mạch xong, vuốt râu cười khì:
- Tôi nói thầy đừng giận. Hôm trước, trong mình thầy hơi yếu, thầy lại ham… ăn “heo cấn” quá nhiều. Vón là một thức ăn hết sức mát, tì vị thầy không chịu được, nó hàn, và sẵn thầy uống rượu rừng không quen, hai thứ đó nó “vật” thầy “sập” chớ ở đây ai “thuốc” thầy làm chi!
Sanh nghề tử nghiệp
Bước bình bông đưa tôi đến một nơi sằn dã quê mùa ở tận cùng mũi đất của bán đảo Ðông Dương: Năm Căn!
Dân Sài Gòn hay hầu hết dân “miệt trên” khi nghe đến tên, ắt hẳn trong đầu đều có ý tưởng cao cả về trình độ của mình trên bước tân tiến… và tự nhiên thấy có cái thú chế giễu những cách ăn ở quê mùa bằng mấy tiếng: Dân Năm Căn phải không?… Ở Năm Căn phải không…
Nhưng bạn ơi! Năm Căn bây giờ không còn là quê mùa nữa. Ngoài những xóm lò than rộng lớn, thiên hạ đông đúc, cờ bạc, sa ngã, còn lắm cái lạ lùng, lạ lùng đến chuyện tôi kể cho bạn nghe về “Mét Văn Quang” (Maitre Văn Quang).
Ghê chưa? Chỉ vỏn vẹn tiếng “Mét Văn Quang” bạn cũng đủ thấy Năm Căn ngày nay đã khác lắm rồi.
Nhắc đến “Mét Văn Quang”, tôi phải nhớ ngay đến các bác họ “Mét”, và cũng không thể quên được những mánh khoé bịp đời của hạng người mang khiếng trắng có đủ thứ hình “tay nâng càm”, “tay chống nạnh” đăng trên các báo.
Hạng người ấy tự xưng là “Mét” hoặc “Giáo sư”. Nhưng nói cho phải, mấy ông “Giáo sư” trên đây đáng liệt vào bậc “sư bác” trong làng bói, vì họ sống nhiều khi, sang như ông Hoàng: nay ở “ô ten”, mai ở phố lầu.
Họ còn một đàn em sống vất vả lắm, một đàn em không tên tuổi, không “mét”, không “bờ rồ phết xơ”… mà lại là những cánh bèo thả trôi theo dòng, từ kinh thành mò đến làng mạc hẻo lánh, từ góc chợ đến những… hang cùng ngõ hẻm.
Họ cũng thường “tấp” vô ô ten, nhưng một thử ô ten rẻ tiền: chốn “yên hà cuộc tỉnh say”!
“Mét Văn Quang” của tôi không phải là bực đàn em ấy, mặc dầu “Mét” lập “đại bản dinh” ở tận chốn hang cùng: Năm Căn.
“Mét” quả là một “thiên tài”!
Cái câu quảng cáo dán trước bàn: “Một thiên tài đã từng được Tây, Nam khen tặng” chắc hẳn là câu nói không ngoa!
Mà… “Mét Văn Quang”! Than ôi! “Mét Văn Quang” ngày nay đã ra người thiên cổ mất rồi! Nhưng đây là đoạn chót của câu chuyện và các bạn sẽ cho phép tôi bắt chước nói như nhà văn hào C. Farrère trong một chuyện ngắn: “Ai lại bắt đầu câu chuyện bằng cái kết cuộc bao giờ?”
“Mét Văn Quang” như tôi đã nói, là người có tài: Tài đoán số, tài coi tướng, coi tử vi, mà đặc biệt hơn hết là tài “lẻo mép, lanh mồm”!
Thì đây, có lần tôi đến viếng “Mét”.
“Mét” hỏi:
- Ông sanh năm nào, tháng nào, ngày nào?
Tôi vừa trả lời dứt là Văn Quang hí hoáy viết không đầy một phút, đã nói những cái quá khứ… đến nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên tưởng rằng tất những ngày qua rồi vẫn còn ghi trên tròng mắt tôi, mà hôm nay Văn Quang chỉ có đọc lại thôi.
Ấy thế, “Mét Văn Quang” được cả dân Năm Căn hâm mộ đồn đi mấy dặm… rừng: Nhưng Miên, Tân Ân, Hàng Vịnh v.v…
Nhưng đấy, lắm khi có người chỉ vừa nói ngày sanh, là Văn Quang đã mở hết tốc lực chạy… để rồi không đi đến đâu cả.
Và ở vào mấy trường hợp khác, vài ông khách “hâm mộ” phải ngạc nhiên vì cha mẹ họ vẫn sống sờ sờ và Văn Quang buộc rằng đã mồ côi, mồ cút; hoặc vẫn chất phác làm ăn mà “Mét” lại bảo có lần “đánh trộm người hàng xóm” để rồi còn tiên đoán cho họ nhiều “tai vạ” khác nữa.
Khách vừa mở miệng cải thì “Mét” đã chận họng bằng câu:
- Tôi đã rao trước rồi kia mà, ông không thấy tấm bảng đề: “Nói không tư vị” hay sao?
Nhưng nếu khách có là một người mồm mép lắm:
- Ậy mà những lời “không tư vị” của ông đều trật bét hết!
Tức thì Văn Quang lỏ cả hai mắt tròng chừng như lọt ra khỏi tròng:
- Trật à? Tôi mà đoán trật?
Và khi hỏi kỹ lại… thì Văn Quang xuýt xoa bảo:
- À! tại tôi đoán lộn tuổi khác, xin lỗi ông đấy!…
Nhưng cái lỗi ấy không phải ai cũng tha được như những nơi có “khuôn phép” chốn thị thành.
Thế là “Mét Văn Quang” có lần bị người ta bắt đền tội. Người ấy là một vị đại điền chủ có thể lực, keo kiết và tàn nhẫn, ở làng kế cạnh.
Một hôm ông đến viếng “Mét Văn Quang” với tất cả cái keo kiệt và tàn nhẫn.
Văn Quang thấy mặt ông, ngang nhiên hỏi:
- Ông mấy tuổi?
- Bốn chục.
Văn Quang không hỏi thêm nữa, có lẽ cái tuổi “bốn chục” nó đủ gợi cảm cho nguồn… hứng rồi, nên dõng dạc bảo:
Ông là người thất tín! Cách đây 13 ngày ông lừa bạn ông để lấy một số bạc ngàn… Vì vậy tôi quả quyết hai ngày tới đây ông sẽ bị nắm chóp…
Ông điền chủ hốt hoảng, mặt bổng nhiên nổi giận hầm hầm lên. Ông sùi bọt mép, chẳng nói chẳng rằng, với cái tàn nhẫn bấy lâu, ông vụt nắm lấy “Mét Văn Quang” tặng một “cú đìa rét” như các nhà võ sĩ tặng nhau trên trường diễn võ, rồi ông đấm đá “sặc cà rây”.
Văn Quang la vói:
- Tôi đã bảo “không tư vị”, “không tư vị” kia mà!
- Ừ thì “không tư vị”… Bốp!… Bốp!…
Chúng tôi đứng ngoài bất nhẫn lắm, nhưng có người nào có dám “nhào” vô cho mang vạ, ai cũng biết - trừ “Mét Văn Quang”, lẽ cố nhiên – ông ấy mạnh như thần!
- Vậy mà cũng đoán số! Sao mầy không đoán cái số mầy…. chết về tay tao, thằng kia?…
Hai hôm sau, “Mét Văn Quang” đoán số mình không sống nổi nữa, nên đã trút linh hồn tại xứ Năm Căn: cái xứ mà “Mét” đã phụ vào một chút công làm trôi mất tiếng quê mùa!

Hết

------------------------
[1]Một tướng cướp lừng danh ở miệt đó.
[2]Con heo, theo ngôn ngữ của ông đồng, bà cốt.
[3]một loại thơm (dứa).
[4]Tróng: cái tróng: gông đóng, tróng mang.
[5]Mấy câu hò trong bài này tôi chép hối hả trong mui ghe theo giọng hò đối đáp, có thể sai đi ít nhiều. Nhưng tôi không sửa được vì không có nguyên văn, xin nhờ bạn đọc nào biết rành bổ chánh giùm cho.
[6]Cọp
 

Xem Tiếp: ----