Cá Mắc Câu

Tôi cóm róm bước chưa đầy nửa thước sân, ba con chó vện ở đâu ùa ra, sủa ồn ào, nhăn răng, xửng gáy, dường như hăm he:
- Ếp! Ðứng lại! Bước một bước nữa thì cặp giò mầy nát ngớu như tương.
Nào, tôi có định lại đây với một ác ý: cướp của người như mấy thằng ăn trộm mắc tôi hôm trước nhè rinh đi của ông chủ hết mấy chục giạ lúa đâu? Tôi đến với một ý định hiền lành: mướn đất và “nạp mình” làm tôi cho ông Chủ kia mà!
Một tiếng rày vang từ trong nhà:
- Ðứa nào ra coi làm gì chó sủa rùm ngoài trước vậy? Ði chết đâu mất hết, đố khỏi ăn trộm xúc lúa ban ngày mà coi!
Một chị đàn bà cầm chổi chà chạy ra quơ… Mấy con chó kinh hãi, nhảy lùi, và như còn ấm ức, sủa vớt vài tiếng “quấu, quấu”.
- Anh kia muốn gì?
- Dạ tôi đến xin mướn đất.
Chị ta trề môi, rút chổi lặng lẽ đi vô, oai vệ như một… bà chủ!
Lại có tiếng nói rang rảng ở nhà sau:
- Kêu nó đợi một chút ông mầy thức dậy đã!
Tôi biết thân, ngồi bó gối dưới bóng mát hàng rào bông phướn trước sân, chờ.
Ba con chó bộ luyến tiếc hay thèm cặp đùi của tôi sao mà trở ra ngừ ngừ, đi chung quanh tôi, hửi hửi, liếm áo, liếm tay… liếm mặt. Tôi sợ bay hồn mà không dám la, la nó táp bất tử! Tôi cứ rút chân né, tránh nhè nhẹ. Nhưng cũng may, chúng biết điều, thấy chị ở nói chuyện với tôi, có lẽ đoán “thằng nầy cũng là một bọn nhà”, nên chúng lởn vởn chơi một chút rồi chạy nằm “táp ruồi” bên cạnh bồ lúa.
Tôi chờ một chặp, rồi một chặp nữa. Quái cái ông nầy! Không biết có phải ông ngủ ban ngày, để thay vào lúc ban đêm làm ông thần giữa bồ lúa hay sao, mà trưa đến xế dài ổng cũng chưa chịu thức dậy.
Hay là ổng ể mình?
Không, không có gì ráo. Khi tôi đã mổi mệt, ngồi gục đầu lên gối, thì bỗng nghe một hơi “rò sò sò sò” như bộng nước sôi, tôi ngóc đầu dòm: quả là ông Chủ!
Ông ngậm một hớp nước, súc trệu trạo ba cái, ngước mặt lên trời sôi “rò sò sò sò”, rồi cúi xuống “phẹt” một giọt dài vô gốc cột.
Sau những hồi liên tiếp như thế, ông ôm ngực ho xù xụ, rồi khạc, rồi lại ho.
Cuối cùng, ông mới tằng hắng, đưa mắt ngó lom lom ra đường:
- Trẻ ra coi đứa nào, biểu nó vô đây coi!
Tôi mừng như lượm được vàng.
Tôi theo chị ở vòng ra sau vô nhà thì ông Chủ cũng vừa ngồi lên bộ ván.
Ông co lên một chơn, kéo ống quần, lật lại trong lau mặt, chùi râu, rồi bỏ xuống, đưa tay nhè nhẹ kéo cái khay trầu. Ông tỉ mỉ lựa hai hột cau khô ngâm trong cái chén gần lên meo, bỏ vô miệng nhai chanh chách, rồi têm trầu nhét vô, rồi nhai chanh chách:
- Mầy muốn mướn đất hả?
- Bẩm Chủ, phải?
- Ở đâu lại đây?
- Dạ, bên điền cậu Bộ.
Ông Chủ hất hàm nói bằng một giọng khinh khỉnh chê bai:
- Chắc đã giựt đâu ở bển hết mấy trăm giạ gì rồi!…
Tôi tức gần bể mật, nhưng nhườn nhịn:
- Dạ, đâu có? Tôi giao trả đàng hoàng chớ! Không, tôi làm sao dám qua đây!
- Thôi thôi, tôi sợ mấy ông lắm! Ông Tư Lộ của tôi đó, cũng giao trả đàng hoàng! Ðàng hoàng gần hết tám chục giạ của tôi. Ðây rồi đến điền khác, thế nào nó cũng nói nó giao trả đàng hoàng! Tôi nói thiệt bây giờ tôi sợ tá điền hơn sợ cọp. Không có lúa ăn? Tôi giùm. Không quần áo bận? Tôi cho vay. Thất mùa? Tôi cho nợ… rồi đến khi lúa chín, lớp chèn nhét bán xài, lớp giấu đút cờ hạc. Ruộng trúng mà lúa không có. Ðến lúc nào liệu thế không xong, họ mới cuốn quần cuốn áo, nửa đêm dẫn vợ, dẫn con trốn đi mà! Bởi vậy, bây giờ tôi thấy ai lại mướn đất tôi cũng giựt mình đồn độp…
- Bẩm Chủ, tá điền cũng có nhiều hạng. Có kẻ trốn, thì cũng có người trung htành làm lợi cho Chủ vậy chớ!
- Nói thì tốt lắm! Thằng Tư Lộ, hồi lại mướn đất, cũng nói trung thành như mầy nhưng đến chừng nó trốn, chắc nó cũng xách cái trung thành đó đem theo xài ở điền khác! Mà thôi, mầy muốn mướn sở đất nào?
- Dạ, sở của chú Tư Lộ.
- Ạ, té ra mầy hai tin thằng Tư Lộ trốn mầy mới lại đây?
- Bẩm phải, sở đất đó gần biền, vừa sức tôi lắm. Thế nào tôi làm cũng có lúa.
- Ðó! Vậy mà thằng Tư Lộ cứ nói là đất xấu! Mùa nào tao cũng thấy nó chất đầy cà lang mà khi đập ra, lúa hột biến đâu mất hết!
Quân gian xảo! Sau này tao mới hay nó giấu đem bán cho ba thằng Chệc nghe cà vom ngoài đầu kinh để lấy tiền cờ bạc! Thôi, mà mầy muốn mướn cũng được, nhưng năm nay tao tăng lúa ruộng.
- Bẩm, xin Chủ cho bằng như năm rồi.
- Ðược đâu! Từ rày tao phải tăng như vậy cho mấy người mời. Rủi thằng nào trốn còn có mà bù trừ.
- Bẩm Chủ…
- Không thưa bẩm gì hết. Chịu, thì làm giấy. Không, tao để cho người khác. Ðất tao chẳng “ế ẩm” gì!
Tôi đứng ngây người ra. Bình thường lúa ruộng của ổng cũng đã nặng hơn người ta lắm rồi. Nay ổng còn tăng lên nữa thì cũng bằng làm thí công cho ổng ăn. Tôi suy nghĩ gần điên đầu. Phải dè… Nhưng chẳng lẽ tôi lại trở về điền cũ. Còn mặt mũi nào nhìn người quen. Ăn làm sao, nói làm sao với cậu Bộ mà mình đã quả quyết giã từ?…
Tôi bặm môi nói thầm: Thây kệ, làm thử một mùa!
- Dạ, thiệt tôi cũng rán lắm, chớ làm chắc không thế nào có dư.
- Chịu phải không? Chịu thì làm giấy - đặng coi làm luôn mùa lúa nầy của thằng tư Lộ trốn bỏ. Mầy coi gặt, đập rồi giao hết lúa cho tao. rồi mùi tới tao sẽ tính.
Ông Chủ cho kêu một cậu học trò bên cạnh. Có lẽ đã quen thuộc nhiêù lần, cậu vô tới là đã lơn tơn đi tìm cái hộp thiết trên nóc tủ gần đó, lựa ra một bổn kiểu mẫu đọc cho tôi nghe.
Tờ lãnh làm ruộng giao
Nay tôi có lãnh làm 50 công ruộng cho ông Chủ Trần Háo Nghĩa tiền công tôi lấy trước phân nửa là 20$. Còn 20$ chờ đến cấy xong, giao ruộng, tôi lãnh tất.
 
- Bẩm chủ, tôi xin mướn ruộng, chớ không lãnh ruộng giao.
- Ậy, việc mướn chác thì mình biết với nhau, còn giấy tờ phải làm như vậy cho đúng phép. Phỏng như làm tờ mưóon rồi nủua chừng mầy trốn có phải lòng dòng cho tao thêm không? Làm như vầy mầy lãnh làm công, rồi có muốn trốn, ruộng của tao, bất quá tao gặt lúa trừ. Tao ngừa như vậy, tá điềnt ao đứa nào cũng làm kiểu đó, mà có đứa nào kêu ca gì đâu! Bây giựt của tao thì có, chó tao, ruộng đất minh mông, chẳng dodòi nào tao thèm giựt của bây!
- Bẩm Chủ, còn tiền lấy thêm: Hai chục đồng, tôi đâu có hỏi?
- Mầy quê lắm. Tiền đó là tao buộc phải vay, tới mùa, tao đong lúa trừ. Tao tính mỗi giạ năm cắc. Phải vay mới có mà ăn đặng làm chớ, không lẽ mầy cạp đất mà cày ruộng sao?
- Nhưng… giá lúa bây giờ đến hai đồng một giạ!
- Thì hai đồng bây giờ. Ðây ra giêng còn tới bốn, năm tháng nữa. Chừng đó giá lúa lên cao tao nhờ, sụt tao chịu. Tao dám “cho” như vậy, mà mầy còn chê rẻ…. thôi, không bằng lòng để ruộng đó lại cho tao!
Tôi bủn rủn cả người, mồ hôi trên trán đổ hột. Nếu biết như vầy, thà ở với chủ cũ còn hơn.
Bỗng dưng hình ảnh trời, sao, hình ảnh miếng ruộng, hình ảnh bầy cá táp mồi, và phản ảnh của cảnh tôi bị chìm xuồng, phải năn nỉ ỷ ôi với con tám Én, thảy thảy đều hiện ra chập chờn, từ đầu đến cuối… Tôi ngước đầu dậy nhìn ra sân, nhìn ông Chủ đang thản nhiên chanh chách nhai trầu, rồi tôi cuối xuống nuốt nước miếng cái ực, vỗ mạnh vào vai cậu học trò:
- Ừ được. Thôi viết đi em!