Tôn-Sư

Khi dọn đồ về ở cái trại của chú Tư Lộ, mẹ tôi cằn nhằn:
- Trại tồi tệ như vầy, mà lúa cũng không mấy trúng lắm, không biết mầy ham là tại làm sao?
- Má đừng lo, bên nầy chủ điền dể, cá nhiều, mùa tới thế nào con cũng khá.
Rồi trong lúc ở không đợi tới mùa, tôi lân la đi làm quen khắp điền.
Tôi đến đâu cũng được ngườit a niềm nở, ân cần. Tiếng ca giọng đờn làm trung gian gây ra biết bao nhiêu tình thân ái đậm đà.
Nhưng cái nhà mà tôi lui tới nhiều hơn hết lại là nhà một người đầy dẫy nghiệp ác: ông thầy Pháp cao đệ.
Sao mà thằng Út nó mê tôi như sam đực gặp sam cái? Vắng tôi một bữa là nó nhớ, biếng chơi, biếng cười.
Ông Thầy, bà Thầy có một mình nó là trai nên chiều như con vua, muốn gì cho nấy, nhiều khi hạ mình năn nỉ tôi ở chơi đờn ca cho thằng Út vui.
Con đầu lòng, cô Yến, năm ấy mới mười bảy xuân xanh. Mặt tròn, mắt sáng, môi mỏng, răng đều, cái gì cũng được hết thảy, chỉ trừ có nước da là đáng phiền!
Tôi không được nói chuyện nhiều với cô, nhưng lần nào lại chơi cũng được cô cho ăn chè nóng hổi, và khuya, bó đuốc cho tôi về.
Lần lần tôi được coi như người nhà, và lần lần, ông thầy cao hứng rủ tôi lên cùng mâm với ông, nhâm nhí cho có bè bạn.
Một đêm kia, tôi mang đến một chai rượu đế thượng hạng, vừa gặp lúc ông đương gậm đùi gà nhậu nhẹt.
- A! Em Sáu mới qua, may quá. Yến đâu con? Ðem them cái chén, đôi đũa.
- Dạ thôi, tôi còn no, xin thầy cứ dùng.
- Ậy, ậy, no cái gì?… Leo lên mà! Cùng hội cùng thuyền, chẳng mấy khi… Ðây mừng em một ly nhỏ.
Kể ra, tửu lượng tôi cũng khá, rán cầm hơi với ổng cho tới khuya.
Ðợi lúc ai nấy mỏi mệt đi ngủ hết, mà chai rượu đế cũng lưng chừng, tôi mới thỏ thẻ:
- Dạ, trong nghề phù phép, thầy cũng là bực anh cả?
- Anh cả thì chưa phải là anh cả, nhưng ở đây không thấy ai hơn “qua”.
- Nếu vậy chắc thầy có đạo “bùa tổ”?
- Chà! Em cũng biết “bùa tổ” nữa! Mà hỏi làm chi vậy?
Tôi ngần ngừ:
- Dạ… nếu thầy biết… tôi xin… học.
- Té ra em cũng ham bùa?
- Dạ đó là sở vọng của tôi.
- Mà em học để làm gì chớ?
- Dạ, ai cũng muốn biết để hộ thân và giúp đời…
Ông thầy ngước lên dòm tôi mỉm cười:
- Em tưởng dễ học lắm sao?
- Dạ, tôi cũng biết là khó, nhưng gắng công bền chí thế nào cũng nên. Mấy năm rồi tôi cũng có luyện chút ít.
- Em họ đạo nào?
- Dạ. “Mẹ sanh”.
- Em biết làm bịnh chưa?
- Dạ, biết chút đỉnh, nhưng mấy đạo “cà tha” của tôi nhiều khi không linh nghiệm bằng bên thầy.
Ông thầy pháp chăm chỉ nghe tôi nói, rồi cúi xuống ăn, gật gù, nín lặng. Lâu lâu thầy bưng ly đánh trót một hơi dài.
Tôi vẫn ngồi hầu rượu.
Ðêm đã khuya lắm rồi mà không thấy ông nói gì nữa.
Tôi nóng lòng đợi mãi không được, buồn ý đứng dậy xin về, nói một giọng chán nản:
- Nếu tôi có đường đột hỏi thầy điều khó khăn đó, xin thầy đừng chấp nhứt. Bởi lòng tôi hâm mộ quá, nhưng chắc tôi không có phần gặp thầy, nên…
Bỗng dưng, ông thầy nhường mắt, đưa tay khoát khoát:
- Không, không phải như em nghĩ. Em đừng buồn. Sở dĩ tôi không trã lời vội là vì tôi đang suy nghĩ coi có truyền đạo bùa đó cho em không. Em phải biết, phép của tôi thì nghiêm nhặt, mà em thì còn nhỏ tuổi quá. Theo luật định, với đạo bùa ấy, một thầy chỉ truyền được có một trò – trò ấy tự nhiên là trò ruột, phải có đủ đức hạnh. Chớ nếu đạo bùa mầu nhiệm đó ai cũng biết và đem ra dùng hết thì còn gì là luật trời, mà tôi đây còn có tước vị gì nữa?
Rồi ông êm giọng:
- Em à, qua thấy em, qua thương, cũng muốn truyền lại, nhưng sợ em còn nhỏ tuổi, nóng tánh hay làm càn.
- Tôi xin hứa với thầy rằng tôi học để giữ mình và giúp đời, chớ không cố ý giựt tiền, cướp ruộng của ai cả.
- Ðược, thôi em đưa tay lên ngay bàn Tổ thề đi, thề độc đi…