Chương 9

Tháng bảy năm ấy, hội nghị thường niên của Tổng hội y khoa được tổ chức tại Ca- đíp. Như lời giáo sư Lem-plu thường dặn dò các sinh viên trong bài giảng cuối cùng của ông, mọi thầy thuốc danh giá đều phải nằm trong Hội này. Và Hội đã nổi tiếng về các hội nghị hàng năm của nó. Được tổ chức rất chu đáo, những hội nghị ấy tạo điều kiện cho các thầy thuốc hội viên và những gia đình họ được tham dự các cuộc vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, các buổi họp mặt liên hoan, các cuộc gặp gỡ bàn luận khoa học. Họ còn được giảm tiền trọ tại những khách sạn tốt nhất, được đi tham quan các di tích lịch sử, các tu viện trong vùng bằng xe hơi không mất tiền, được biếu không một cuốn sổ tay nghệ thuật, những quyển niên giám kỷ niệm của các hãng chế tạo dụng cụ phẫu thuật và các viện bảo chế lớn nhất, được bố trí chỗ ở thuận tiện tại những địa điểm có suối nước nóng gần nhất. Năm ngoái, đến cuối tuần liên hoan, mỗi bác sĩ và vợ còn được biếu những hộp bánh quy chống béo to tướng làm hàng mẫu chiêu khách.
En- đru không có chân trong Hội vì số tiền gia nhập Hội năm ghi-ni vẫn vượt quá khả năng hiện nay của anh, nhưng từ xa anh vẫn theo dõi hội nghị với đôi chút ghen tị. Hội nghị này làm anh cảm thấy trơ trọi, lẻ loi tại Blây-nen-lị Báo chí địa phương đăng những bức ảnh chụp một dãy bác sĩ đang được chào đón bằng những bài diễn văn trên một lễ đài rợp cờ xí, hay đang chen chúc trên một chuyến tàu biển đi thăm Oét-xtơn-trên-biển. Những bức ảnh ấy càng làm cho En- đru cảm thấy anh bị đứng ngoài rìa.
Nhưng đến giữa tuần, En- đru nhận được một bức thư ghi địa chỉ người gửi là một trong những khách sạn ở Ca- đíp khiến anh cảm thấy vui hơn. Đó là thư của người bạn học cũ Phrét- đi Hem-tơn. Hem-tơn đang dự hội nghị đúng như anh dự đoán. Anh ta mời En- đru ra chơi và ăn cơm vào thứ bảy.
En- đru đưa thư cho Cơ-ri-xtin xem. Bây giờ có chuyện gì riêng tư anh cũng đem nói với Cơ-ri-xtin. Từ tối hôm ấy, sau bữa tối ở nhà nàng cách đây gần hai tháng, mối tình của anh ngày càng nồng nàn. Giờ đây, anh có thể gặp nàng luôn, và khi thấy rõ nàng cũng vui mừng được gặp anh, En- đru cảm thấy hạnh phúc chưa từng có. Có lẽ chính Cơ-ri-xtin đã làm cho anh có được tâm trạng ổn định thăng bằng này. Cơ-ri-xtin là một phụ nữ nhỏ nhắn, rất thực tế, tính rất thẳng thắn, và tuyệt nhiên không có những điệu bộ kiểu cách, kênh kiệu. Nhiều khi, lúc đến với nàng thì En- đru lo âu hoặc bực bội, nhưng khi ra về thì những nỗi lo lắng, bực tức đã được dịu đi và lòng anh thanh thản hơn. Nàng biết cách yên lặng lắng nghe những điều anh muốn nói rồi thường là nàng nói vài ba lời thích hợp hoặc vài câu bông đùa dí dỏm. Nàng nhanh trí và hóm hỉnh. Và không bao giờ nàng tâng bốc anh.
Tuy tính tình nàng bình tĩnh dịu dàng, nhưng thỉnh thoảng hai người cũng tranh luận với nhau rất hăng, vì nàng có những ý kiến riêng. Nàng mỉm cười kể rằng tính thích tranh cãi ấy nàng thừa hưởng của bà nội, người Xcốt-lân. Có lẽ tính ưa thích độc lập của nàng từ nguồn gốc ấy mà ra. Nhiều khi anh thấy nàng rất cam đảm khiến anh phải mủi lòng và chỉ mong được che chở, bảo vệ nàng. Nàng thực sự chỉ còn có một thân một mình, ngoài người cô tàn tật sống ở Brít-linh-tơn.
Chiều thứ bảy hay chủ nhật, khi trời đẹp, hai người đi dạo chơi rất xa, theo con đường Pen- đi. Có lần họ cùng đi xem chiếu bóng, xem Sa-plin đóng phim “Cuộc đổ xô đi tìm vàng”, và một lần theo ý kiến nàng, họ đi nghe hòa nhạc cũng tại To-ních-glân. Nhưng En- đru thích nhất là những tối bà Uốt-kin đến thăm nàng để anh có dịp gần gũi nàng trong khung cảnh thân thiết của phòng khách nhà nàng. Đó là những lúc diễn ra hầu hết các cuộc tranh luận giữa hai người, trong khi bà Uốt-kin thản nhiên ngồi đan len, nhưng cố tình kéo dài cuộn len cho hết buổi tối để làm một khu đệm đáng kính giữa hai người.
Bây giờ, với cuộc đi chơi Ca- đíp đặt ra trước mắt, En- đru rất muốn Cơ-ri-xtin cùng đi với anh. Trường học phố Ngân hàng đến cuối tuần thì nghỉ hè và nàng sẽ về nghỉ với bà cô ở Brít-linh-tơn. En- đru thấy cần phải tổ chức một cái gì đặc biệt trước khi nàng lên đường.
Đợi Cơ-ri-xtin đọc xong thư, En- đru sôi nổi nói:
- Em đi với anh nhé. Đi tàu mất có một tiếng rưỡi thôi. – Anh sẽ bắt mụ Blốt- đoen phải cởi xiềng cho anh tối thứ bảy. May ra chúng mình có thể xem được đôi chút gì đó ở hội nghị. Với lại, anh muốn giới thiệu em với Hem-tơn.
Nàng gật đầu:
- Em cũng thích đi, anh ạ.
Được Cơ-ri-xtin nhận lời, En- đru hớn hở, anh không đời nào để cho Blốt- đoen ngăn trở mình. Trước khi đến gặp mụ để nói chuyện này, anh đã treo ngoài cửa trạm xá một cái biển đập ngay vào mắt mọi người:
Không khám bệnh tối thứ bảy.
Rồi anh vui vẻ bước vào nhà.
- Bà Pây-giợ Theo quy định về công việc đổ mồ hôi sôi nước mắt của các bác sĩ phụ tá mà tôi đã được đọc thì mỗi năm tôi có quyền nghỉ năm ngày. Tôi sẽ nghỉ nửa ngày của tôi vào thứ bảy này. Tôi đi Ca- đíp đây.
- Gượm hãy nào, ông bác sĩ!
Nghe thấy yêu cầu của En- đru, Blốt- đoen như xù lông lên, tưởng rằng anh làm mình làm mẩy. Mụ nhìn anh với con mắt ngờ vực rồi lầu bầu: “Được, ông cứ đi”. Rồi bỗng mụ nảy ra một ý nghĩ. Mắt mụ sáng lên. Mụ chặc lưỡi: “Tôi nhờ ông thể nào cũng mua hộ tôi một ít bánh ngọt ở hiệu Pe-ri nhé. Tôi không thích gì bằng bánh ngọt của hiệu Pe-ri”.
Bốn rưỡi chiều thứ bảy, Cơ-ri-xtin và En- đru đáp tàu đi Ca- đíp. En- đru rất vui, cười nói ầm ĩ, cậu cậu tớ tớ với người ngồi ở ghế trước mặt. Chiếc áo và váy màu xanh nước biển càng làm tăng dáng thanh nhã, gọn gàng hàng ngày của nàng. Nàng đi đôi giày đen rất xinh xắn. Đôi mắt nàng, cũng như tất cả vẻ mặt và dáng người, cho thấy nàng rất thích chuyến đi này. Đôi mắt ấy long lanh ngời sáng.
Nhìn nàng ngồi đó, En- đru cảm thấy một niềm trìu mến và một nỗi khát vọng mãnh liệt trào lên như một ngọn sóng trong lòng. Anh nghĩ, tình bạn giữa hai người thật hết sức tốt đẹp. Nhưng anh muốn hơn thế. Anh khao khát được ghì nàng trong đôi tay, được cảm thấy nàng bên anh, ấm áp nồng nàn, hơi thở dồn dập.
En- đru buột miệng:
- Anh sẽ không sống nổi nếu không có em – khi em đi xa hè năm nay.
Nàng hơi đỏ mặt, nhìn ra cửa sổ. En- đru sôi nổi:
- Có lẽ anh không nên nói như thế nhỉ?
Nàng trả lời, không quay đầu lại:
- Dù sao, em cũng mừng là anh đã nói.
En- đru chỉ muốn nói hẳn ra là anh yêu nàng, hỏi nàng có bằng lòng xây dựng cuộc đời với anh không dù rằng hoàn cảnh của anh hiện nay còn quá bấp bênh. Với con mắt bỗng trở nên sáng suốt, anh thấy đó là giải pháp duy nhất và tất yếu đối với hai người. Nhưng có một cái gì, một linh cảm là bây giờ chưa đúng lúc, đã ghìm anh lại. En- đru định bụng sẽ ngỏ lời với nàng trên chuyến tàu về.
Trong lúc chờ đợi, anh nói liền một mạch, không kịp thở:
- Tối nay, chắc phải vui lắm. Hem-tơn là người bạn tốt. Hồi ở trường, anh ấy bừa bãi lắm, nhưng anh ấy có tài. Anh nhớ có lần – mắt En- đru mơ màng trở về quá khứ – ở Đănđi tổ chức một buổi biểu diễn lấy tiền trợ giúp các bệnh viện. Tất cả các ngôi sao sáng của trường, những nghệ sĩ chính cống, đều lên sân khấu. Hem-tơn thì khỏi phải nói: anh ấy trình bày một tiết mục đặc sắc vừa hát vừa múa, tiết mục ấy được cả hội trường vỗ tay như sấm.
- Thế thì anh ấy giống một diễn viên sân khấu nhiều hơn một bác sĩ à? – Cơ-ri-xtin nhoẻn miệng cười.
- Đừng chê anh ấy, Cơ-rit. Rồi em sẽ thấy mến Phrét- đi cho mà xem.
Tàu đến Ca- đíp vào lúc sáu giờ mười lăm. En- đru và Cơ-ri-xtin đến thẳng khách sạn Pe-lít. Hem-tơn đã hẹn gặp họ tại khách sạn này vào sáu rưỡi, nhưng En- đru và Cơ-ri-xtin vào phòng khách thì chưa thấy Hem-tơn đến.
Hai người đứng bên nhau nhìn cảnh tượng trong phòng. Gian phòng đông ngịt các bác sĩ và vợ họ đang cười nói, trò chuyện và mời mọc nhau hết sức thân mật.
- Này, bác sĩ Xmít! Tối nay, hai anh chị phải ngồi cạnh chúng tôi đấy nhé!
- Ơ kìa, bác sĩ! Còn mấy chiếc vé xem kịch thì sao?
Người đi qua đi lại rất nhộn nhịp, có những ông sang trọng đeo phù hiệu đỏ ở ve áo, tay cầm những xấp giấy tờ trịnh trọng đi ngang qua gian phòng lát đá hoa. Ở đầu hành lang trước mặt, một nhân viên nói oang oang bằng một giọng đơn điệu. “Khu tai và họng, xin mời đi lối này”. Ở phía trên lối đi sang khu nhà phụ có treo tấm biển: “Triễn lãm y học”. Ngoài ra còn có cả những cây cọ và một dàn nhạc dây nữa.
En- đru cảm thấy hai người hơi bị lạc lõng giữa cảnh vui vẻ nhộn nhạo của mọi người. Anh nhận xét:
- Khá lịch sự đấy chứ em?… Còn Phrét- đi thì vẫn muộn giờ như mọi khi, anh chàng chết tiệt ấy! Chúng mình đi xem qua khu triển lãm đi!
Hai người chăm chú đi khắp khu triển lãm. Chẳng mấy chốc, trong tay En- đru có một xấp đầy giấy tờ đẹp đẽ. Anh mỉm cười đưa cho Cơ-ri-xtin xem một tờ: “Ngài bác sĩ! Phòng khám của ngài vắng bệnh nhân chăng? Chúng tôi có thể bày cách cho ngài có đông bệnh nhân”. Trong xấp ấy còn mười chín tờ quảng cáo nữa, mỗi tờ một khác, giới thiệu những thứ thuốc an thần và giảm đau. En- đru cau mày, nhận xét:
- Cứ như thể cái mới nhất trong y học là ma túy ấy!
Đến gian cuối cùng, lúc họ sắp quay ra thì có một người trẻ tuổi bước đến lịch sự bắt chuyện. Gã chìa ra một cái dụng cụ nhỏ sáng bóng giống như một cái đồng hồ.
- Thưa bác sĩ! Tôi chắc ngài sẽ chú ý đến chiếc chỉ số kế mới của chúng tôi. Dụng cụ này có nhiều công dụng, rất hiện đại, gây ấn tượng rất tốt cho bệnh nhân, và giá tiền chỉ có hai ghi-nị Tôi xin phép giới thiệu với ngài. Ở mặt ngoài chỉ số chỉ các thời kỳ nung bệnh. Ngài chỉ quay mặt số là tìm được thời kỳ nhiễm bệnh. Bên trong – gã mở đáy hộp đánh tách một cái – ngài có một bảng chỉ số màu huyết cầu, rồi ở mặt đáy, dưới dạng bảng tóm tắt là…
En- đru cắt ngang lời gã:
- Ông nội tôi cũng có một cái như thế này, nhưng ông tôi đã vứt đi rồi.
Cơ-ri-xtin tủm tỉm cười khi hai người trở ra hành lang. Nàng nói:
- Khốn khổ anh tạ Trước đây chắc chưa ai dám chê cười cái máy xinh xắn đó của anh ta!
Lúc họ trở lại phòng lớn của khách sạn thì vừa vặn Phrét- đi Hem-tơn tới. Anh ta nhảy từ trên xe tắc xi xuống và đi vào khách sạn, đằng sau có một chú hầu nhỏ cầm gậy đánh “gôn” cho anh tạ Hem-tơn nhìn thấy ngay En- đru và Cơ-ri-xtin, anh ta đi về phía họ toác miệng cười đắc thắng.
- Xin chào! Xin chào! Các bạn đã tới rồi nhỉ. Mình xin lỗi đến muộn. Mình phải đánh lại trận đấu hoà trong giải Li-xtợ Mình chưa bao giờ thấy có tay nào gặp may như tay ấy. Chà, chà! Rất vui mừng gặp lại cậu, En- đru ạ. Vẫn anh chàng Men-sân xưa kia. Ha! Ha! Tại sao cậu không mua lấy một cái mũ mới mà đội? – Hem-tơn vỗ lưng En- đru một cách thân mật, suồng sã, con mắt cười cười nhìn chung cả Cơ-ri-xtin – Giới thiệu mình đi nào, của khỉ! Mơ màng gì nữa?
Ba người ngồi xung quanh một cái bàn tròn. Hem-tơn quyết định cả bọn đều phải uống một chút rượu. Anh ta bật ngón tay đánh tách một cái, ra hiệu người hầu bàn. Rồi vừa nhấp ly rượu hương mộc, Hem-tơn vừa kể cho En- đru và Cơ-ri-xtin nghe mọi tình tiết trong trận đấu “gôn” vừa rồi. Anh ta đã sắp thắng đến nơi thì đối thủ của anh bắt đầu đánh cú nào cũng trúng lỗ.
Da trắng, tóc vàng bôi đẫm sáp, bộ quần áo mặc rất hợp khổ người, khuy tay áo đính đá mắt mèo sẫm để thò ra ngoài, Phrét- đi Hem-tơn là một anh chàng dỏm dáng chứ không phải đẹp trai – nét mặt rất thường – nhưng được cái tính tử tế, ăn diện. Trông anh ta có lẽ cũng hơi ciêu ngạo, nhưng những khi có dụng ý thì anh ta cũng có những cử chỉ và lời ăn iếng nói dễ miến. Hem-tơn bắt thân rất dễ dàng, thế mà tại trường đại học, bác sĩ Niu- Ơ, một nhà bệnh lý học hay nhạo báng, đã có lần cáu kỉnh bảo thẳng vào mặt anh ta trước cả lớp: “Anh Hem-tơn! Anh chẳng hiểu biết gì cả. Đầu óc anh như quả bóng, chỉ chức đầy một thứ hơi vị kỷ. Nhưng được cái anh không bao giờ để cho mình bị mắc vào thế bí. Nếu anh vượt qua được những trò trẻ con mà ở đây người ta gọi là kỳ thi sát hạch thì tôi tiên đoán anh sẽ có một tương lai rực rỡ, sáng chói”.
Ba người vào phòng ăn sát bếp để ăn tối vì không ai mặc lễ phục. Dẫu vậy, Hem-tơn cũng báo cho En- đru và Cơ-ri-xtin biết chốc nữa anh ta sẽ phải mặc áo đuôi tôm. Chả là đến khuya có tổ chức khiêu vũ, một việc khổ sai chán ngắt, nhưng anh ta buộc lòng phải có mặt.
Sau khi nhìn vào bảng thực đơn với những tên gọi sặc mùi y học (súp Pa-xtơ, cá bơn nấu kiểu bà Quy-ri, thịt quay Hội nghị y học… ) và uể oải gọi các món ăn, Phrét- đi bắt đầu gợi lại quá khứ một cách say sưa. Anh ta lắc đầu, kết thúc:
- Hồi ấy, mình không giờ nghĩ rằng ông bạn già Men-sân lại đi vùi xác ở vùng miền Nam xứ Uên!
Cơ-ri-xtin hỏi lại, nụ cười có phần gượng gạo:
- Thế anh bây giờ có cho rằng anh Men-sân đã bị vùi hẳn không?
Mọi người im lặng, Hem-tơn đưa mắt nhìn gian phòng chật chội, cười nhăn nhở, hỏi En- đru:
- Cậu nghĩ thế nào về hội nghị này?
En- đru trả lời do dự:
- Mình cho rằng đây là một cách rất tốt giúp người ta theo kịp thời đại.
- Theo kịp thời đại! Thôi đi, ông bạn già của tôi, cả tuần này, mình không hề dự một cuộc họp nhóm chết tiệt nào của họ. Không, không đâu, ông bạn ạ. Cái quan trọng là tiếp xúc, là làm quen, là gặp gỡ người này người nọ. Cậu không thể tưởng tượng được trong tuần này mình đã được tiếp xúc với những người có thế lực như thế nào. Có thế mình mới đến đây chứ. Khi nào về đến nhà, mình sẽ gọi điện thoại cho họ, đi đánh “gôn” với họ. Rồi sau – cậu hãy nhớ lấy những lời mình nói – mới đến công việc.
- Mình không hiểu hết ý cậu.
- Ồ, dễ hiểu như hai với hai là bốn. Hiện nay mình đã có một chỗ làm việc rồi, nhưng mình đang để mắt đến một căn buồng nhỏ xinh xắn ở khu Tây Luân Đôn, nếu cắm được ở ngoài cửa một tấm biển đồng nho nhỏ đề chữ “bác sĩ Phrét- đi Hem-tơn” thì trông thật là tuyệt. Khi tấm biển ấy được trương lên thì mấy thằng cha kia, mấy chỗ cánh bẩu với mình ấy, sẽ gởi bệnh nhân đến cho mình. Diễn ra như thế nào thì cậu biết đấy: có đi có lại mà. Đằng ấy gãi lưng cho tớ, tớ sẽ gãi lại cho đằng ấy. – Hem-tơn từ từ nhấp một tợp rượu rồi nói tiếp – Ngoài ra, ăn cánh với bọn bác sĩ lèm nhèm ở ngoại ô cũng có lợi. Thỉnh thoảng bọn ấy có thể gởi bệnh nhân đến cho mình. Thế nào, cậu, một hai năm nữa, cậu gởi bệnh nhân từ chỗ cậu, cái tổ cú Blây-nem… gì ấy nhỉ, lên Luân Đôn cho mình chứ?
Cơ-ri-xtin liếc nhìn Hem-tơn, toan nói, nhưng lại thôi. Nàng dán chặt mắt xuống đĩa ăn.
- Và bây giờ, cậu cả Men-sân, cậu kể cho mình nghe về cậu đi. Tình hình cậu thế nào –Hem-tơn nói tiếp miệng cười cợt.
- Oà, không có gì đặc biệt. Mình khám bệnh tại một gian phòng gô, mỗi ngày trung bình ba mươi người, hầu hết là thợ mỏ và vợ con họ.
Hem-tơn lắc đầu vẻ thông cảm:
- Có lẽ không thú lắm nhỉ.
En- đru nhẹ nhàng:
- Làm việc ở đấy mình lại thấy thích.
Cơ-ri-xtin nói xen:
- Và có công việc thực sự để làm.
- Đúng thế. Gần đây, mình có gặp một trường hợp khá lý thú – En- đru suy nghĩ giây lát – Mình mới viết một bài gởi cho “tạp chí”.
En- đru kể vắn tắt cho Hem-tơn nghe trường hợp Em-ri Hiuđợ Tuy tỏ ra chăm chú nghe, nhưng mắt Hem-tơn cứ đảo đi đảo lại khắp phòng. Men-sân kể xong, anh ta nói:
- Khá đấy, mình cứ tưởng người ta bị bướu cổ ở Thụy Sĩ hay ở đâu kia. Dù sao, chắc cậu cũng nặn được khá nhiều tiền về vụ này. À này, câu chuyện đó làm mình nhớ có một thằng bạn hôm nay bảo mình cách đối xử khôn khéo nhất về vấn đề tiền thù lao…
Hem-tơn tiếp tục thao thao nói về cái mánh khoé mà kẻ nào đó đã mách nước cho anh ta để được bệnh nhân trả ngay tiền công. Bữa ăn đã xong mà Hem-tơn vẫn còn nói. Anh ta đứng dậy, ném khăn ăn xuống:
- Ra ngoài uống cà phê đi. Ta sẽ nói chuyện nốt tại phòng khách.
Đến mười giờ kém mười lăm, điếu xì gà đã hút hết, kho chuyện tạm thời đã cạn, Hem-tơn khẽ ngáp một cái và nhìn vào chiếc đồng hồ bạch kim đeo trên tay.
Nhưng Cơ-ri-xtin đã đoán trước được ý định của anh tạ Nàng nhìn En- đru, mắt long lanh, ngồi thẳng người lên và nói:
- Đến giờ tàu chạy rồi phải không anh?
En- đru toan bảo là hãy còn nửa giờ nữa thì Hem-tơn đã bảo:
- Còn mình thì có lẽ cũng phải chuẩn bị cho buổi khiêu vũ chán ngắt sắp tới. Mình không thể bỏ rơi những người cùng đi với mình đến đây.
Hem-tơn tiễn En- đru và Cơ-ri-xtin ra đến chỗ cửa quay, chia tay rất lâu và rất thắm thiết với cả hai người. Anh ta bắt tay lần cuối cùng, thân mật vỗ vai En- đru, thì thầm:
- Này cậu, khi mình trương được cái biển con ở khu tây Luân Đôn, thể nào mình cũng gởi cho cậu một tờ danh thiếp.
Ra khỏi khách sạn, trong không khí ấm áp buổi tối, En- đru và Cơ-ri-xtin im lặng đi bộ bên nhau dọc đường công viên. Anh lờ mờ cảm thấy buổi tối nay không đẹp như anh dự kiến, ít nhất thì nó cũng không đáp ứng được những điều chờ đợi của Cơ-ri-xtin. Anh đợi nàng nói, nhưng nàng không nói gì. Mãi sau, En- đru mới rụt rè:
- Có lẽ những chuyện bệnh viện con cà con kê vừa rồi làm em phát chán, phải không?
- Không, em không thấy chán tí nào.
Hai người cùng lặng thinh, sau En- đru hỏi:
- Em không thích Hem-tơn hả?
- Không thích lắm, - Cơ-ri-xtin quay người lại, không kiềm chế mình được nữa, mắt long lên, thực sự phẫn nộ – Anh ta lạ thật cơ, ngồi suốt buổi tối, với mớ tóc bết những sáp và nụ cười rẻ tiền, lên mặt kẻ cả với anh.
En- đru sửng sốt nhắc lại:
- Lên mặt kẻ cả với anh à?
Cơ-ri-xtin nóng nẩy gật gầu:
- Không thể chịu được! “Một thằng bạn vừa mới bảo cho mình cách đối xử khôn khéo nhất về vấn đề tiền thù lao!” Mà nói như vậy ngay sau khi anh kể cho anh ta nghe thành công tuyệt vời của anh. Lại còn gọi đó là bệnh bướu cổ nữa chứ? Đến như em cũng biết là trái ngược hẳn. Rồi còn bảo anh gởi bệnh nhân đến cho anh ta! – Môi nàng bĩu ra – Thật không chê vào đâu được. – Nàng giận dữ nói nốt – Hừ, em khó mà chịu nổi cái cách anh ta tự coi mình là bề trên đối với anh như thế.
En- đru lúng túng cãi lại:
- Anh không nghĩ là anh ấy tự coi mình là bề trên đối với anh đâu.
En- đru im lặng một lúc rồi nói tiếp:
- Anh công nhân là tối nay anh ấy có vẻ hơi kiêu ngạo. Có thể đó chỉ là một tính khí bất thường thoáng qua thói. Anh ấy là người bạn tốt nhất có thể tìm được. Ở trường, anh với anh ấy thân với nhau. Hai người cùng nghiền bài với nhau.
Cơ-ri-xtin nói với giọng gay gắt ít thấy ở nàng:
- Có lẽ lúc bấy giờ anh ta thấy anh có ích cho anh ta, đỡ đầu anh ta được trong học hành.
En- đru không vui, phản đối:
- Cơ-rit, đừng nhỏ nhen thế, em.
Cơn giận của nàng bùng lên, những giọt nước mắt tức tối long lanh trong khoé mắt.
- Lỗi ở anh đấy. Mắt anh để ở đâu đấy thì mới không nhận ra anh ta là loại người như thế nào. anh ta làm hỏng cả buổi đi chơi hôm nay của chúng mình. Đang đẹp đẽ thì anh ta đến và bắt đầu kể về anh tạ Tối nay ở hội trường Vích-to-ri- Ơ có buổi hòa nhạc thật tuyệt, lẽ ra chúng mình có thể đi nghe. Nhưng lỡ mất rồi. Bây giờ muộn quá, chúng mình chẳng đi đâu được nữa, tuy rằng đối với anh ta thì vừa kịp cái buổi khiêu vũ ngu xuẩn của anh ta!
Hai người lê bước về phía nhà ga, cách đấy một quãng đường. Đây là lần đầu tiên En- đru thấy Cơ-ri-xtin tức giận. Cả En- đru cũng thấy tức giận, tức giận với chính mình, với Hem-tơn, và với cả Cơ-ri-xtin nữa. Tuy nhiên, nàng nói đúng khi bảo rằng buổi tối nay mất vui. Thực tế, bây giờ kín đáo nhìn gương mặt tai tái, gượng gạo của Cơ-ri-xtin, anh cảm thấy cuộc đi chơi đúng là hỏng toét rồi.
Hai người vào gạ Lúc họ bước lên sân ga, En- đru bất chợt thấy có hai bóng người ở bên kia đường tàu, anh nhận ra ngay bà Brem- Oen và bác sĩ Ghê-ben. Vừa lúc đó chuyến tàu xuôi vào ga, chuyến tàu địa phương chạy đến bờ biển Poóc-cọ Ghê-ben và bà Brem- Oen cùng lên tàu, cười mìm với nhau. Con tàu rú còi chuyển bánh.
En- đru bỗng có cảm giác chán chường. Anh liếc vội sang Cơ-ri-xtin, mong nàng không nhìn thấy. Mới sáng nay, gặp Brem- Oen, ông ta còn khen hôm nay trời đẹp rồi vui vẻ xoa hai bàn tay xương xẩu với nhau cho biết bà vợ Ông ta vừa mới về nghỉ cuối tuần với mẹ đẻ ở Sơ-ru-bơ-ri.
En- đru đứng im lặng, đầu cúi gằm. Anh đang yêu tha thiết nên cái cảnh anh vừa mới chứng kiến cùng tất cả những gì bao hàm trong đó gần như gây cho anh một nỗi đau đớn về thể xác. Anh cảm thấy nao nao như ốm. Chỉ còn thiếu đúng câu chuyện này nữa là làm cho ngày hôm nay hoàn toàn chán ngán. Tâm trạng anh dường như bị đảo lộn. Một bóng đen đã phủ lên niềm vui của anh. Bằng tất cả tâm hồn, anh tha thiết muốn có một buổi nói chuyện dài yên tĩnh với Cơ-ri-xtin để ngỏ nỗi lòng với nàng, xóa bỏ cái sự xích mích ngu ngốc nhỏ này giữa hai người. Điều anh ao ước hơn hết là được hoàn toàn một mình với nàng. Thế nhưng chuyến tàu ngược lại chật ních. Họ đành phải ngồi vào một toa đông nghịt thợ mỏ bàn tán ầm ĩ về trận đấu bóng trên tỉnh.
Tàu về đến Blây-nen-li thì đã khuya và Cơ-ri-xtin có vẻ rất mệt. En- đru tin chắc nàng đã nhìn thấy vợ Brem- Oen đi cùng với Ghê-ben. Anh không thể ngỏ chuyện với nàng trong lúc này được. Chỉ còn có cách đưa nàng về nhà và buồn bã chúc nàng ngủ ngon.