Chương 21

Mùa đông trôi qua, En- đru bây giờ đã có thêm một nguồn động viên trong công cuộc nghiên cứu về bụi mà anh đã bắt đầu kế hoạch khám một cách hệ thống tất cả các công nhân mỏ than trong danh sách khách bệnh của anh. Những buổi tối bên nhau bây giờ còn hạnh phúc hơn cả trước kia. Cơ-ri-xtin chép lại giúp anh những ghi chép của anh khi anh ở trạm xá về muộn. Cơ-ri-xtin ngồi làm việc cạnh một bếp than đỏ hồng: một thuận lợi ở khu này là họ không bao giờ thiếu than giá rẻ. Nhiều khi hai vợ chồng chuyện trò với nhau rất lâu và En- đru đã phải kinh ngạc trước sự hiểu biết rộng rãi của nàng tuy nàng không bao giờ lên mặt tỏ ra thông thái, và anh không ngờ là nàng đã đọc nhiều sách vở đến thế. Ngoài ra, En- đru còn bắt đầu nhận thấy ở nàng một sự linh cảm tế nhị, một thứ trực giác khiến nàng có những nhận xét, những sự đánh giá chính xác kỳ lạ về văn học, âm nhạc, và nhất là về con người.
- Quái nhỉ – En- đru trêu nàng – Bây giờ mình mới bắt đầu hiểu vợ. Khi nào em đã nhồi nhét quá nhiều vào trong cái đầu này thì ta phải nghỉ nửa giờ để đánh pi-kê, và anh nhất định sẽ thắng em. – En- đru và Cơ-ri-xtin học được môn chơi này ở nhà Von.
Ngầy dần dần dài ra, Cơ-ri-xtin bắt tay vào sửa sang khu vườn bỏ hoang mà không bảo cho En- đru biết. Một người ông họ xa của chị giúp việc vốn là một thợ mỏ già về hưu bằng lòng đến giúp Cơ-ri-xtin với tiền công mười pen-ni một giờ. Một chiều tháng ba, lúc đi qua chiếc cầu ọp ẹp, En- đru thấy mấy người đang dọn dẹp bãi vỏ đồ hộp rỉ cạnh con suối. Anh gọi to:
- Ê này, mấy người kia! Làm gì thế? Định không cho tôi câu cá nữa chắc?
Cơ-ri-xtin tinh nghịch đáp lại của nói đùa của chồng:
- Anh cứ chờ đấy rồi sẽ biết.
Mấy tuần sau nàng đã nhổ hết cỏ dại và dọn sạch các lối đi. Lòng suối sạch sẽ, bờ suối được xén đắp gọn ghẽ. Một hòn núi giả làm bằng những tảng đá vương vãi mọc lên ở cuối thung lũng. Giôn Ro-bớt, người làm vườn của gia đình Von, vẫn đến thường xuyên khi thì mang hạt cây, khi thì những gốc cây chiết cành. Cơ-ri-xtin hân hoan khoác tay En- đru dẫn anh đi xem những bông thủy tiên vàng đầu tiên.
Một ngày chủ nhật cuối tháng ba, Đen-ni đến thăm hai vợ chồng En- đru mà không báo trước. Hai người chạy xô ra vồn vập đón Đen-ni, túi bụi trút lên người Đen-ni nỗi vui mừng của họ. Gặp lại vóc người mập mạp, gương mặt đỏ sậm màu nâu này là một niềm vui sướng hiếm có đối với En- đru.
Hai vợ chồng dẫn Đen-ni đi xem khắp nơi trong nhà, dọn ra những thức ăn ngon nhất, đẩy Đen-ni ngồi vào chiếc ghế êm nhất, rồi háo hức hỏi chuyện. Đen-ni kể:
- Ông Pây-giơ không còn nữa. Ông cụ tội nghiệp mất cách đây một tháng. Lại bị xuất huyết. Thế mà tốt, - Đen-ni rít mấy hơi thuốc, vẻ nhạo báng quen thuộc ánh lên trong con mắt, - Mụ Blốt- đoen và ông bạn Rít của anh xem chừng đã quyết định ăn ở với nhau.
- Một đám cưới vàng ngay từ đầu. – En- đru nói với giọng chua chát ít thấy – Tội nghiệp cho ông Et-Uất.
- Ông Pây-giơ là một người tốt, một bác sĩ đa khoa già và giỏi. – Đen-ni trầm ngâm – Anh đã biết là tôi vô cùng căm ghét cái danh hiệu bác sĩ đa khoa và tất cả những gì mà nó tượng trưng. Nhưng ông Pây-giơ thì rất xứng đáng với danh hiệu ấy.
Họ im lặng nghĩ đến Et-Uất Pây-giơ, người bác sĩ già đã mơ ước đến miền Ca-pri nắng vàng rực rỡ và ríu rít các loài chim trong suốt những năm dài lăn lộn vất vả giữa những bãi xỉ than cứt sắt ở Blây-nen-li.
- Còn anh thì sao, Phi-líp?
- Ồ, tôi không biết nữa! Tôi không thể ngồi yên được một chỗ – Đen-ni nhếch miệng cười cay đắng. – Blây-nen-li không còn như trước từ ngày hai anh chị ra đi. Có lẽ tôi phải đi một chuyến ra nước ngoài, đến bất kỳ một nơi nào đó, làm thầy thuốc trên tàu biển, có thể lắm, nếu có một tàu chở hàng tồi tàn nào đó bằng lòng nhận tôi.
En- đru không nói gì, lại một lần nữa anh đau lòng khi nghĩ đến con người thông minh này, một người bác sĩ phẫu thuật thực sự có tài năng, đang cố tình làm hỏng đời mình, như thể cố ý tự dày vò mình. Nhưng có thực là Đen-ni tự làm hỏng đời anh không? Cơ-ri-xtin và En- đru đã nói chuyện với nhau về Đen-ni, cố tìm hiểu điều bí ẩn trong cuộc đời anh. Hai người được biết lờ mờ là Đen-ni đã kết hôn với một người phụ nữ có một vị trí xã hội cao hơn anh, người ấy đã cố bắt ép anh phải tuân theo những lề thói và những đòi hỏi của những khách bệnh ở một vùng nông thôn, một nơi không hy vọng gì làm việc đủ bốn ngày một tuần nếu ba ngày kia không bỏ vào rừng đi săn. Sau năm năm cố gắng của Đen-ni, người đàn bà kia đã đền công anh bằng cách nhẹ nhàng bỏ rơi anh để đi với một người khác. Không có gì lạ là Đen-ni tìm đến những nới heo hút, khinh bỉ các thói đời và căm ghét nếp sống chính thống của xã hội. Có thể một ngày nào đó rồi anh cũng sẽ trở lại với cuộc sống văn minh.
Chủ khách hàn huyên suốt chiều, và Đen-ni nán lại mãi đến chuyến tàu cuối cùng trong ngày mới ra về. Đen-ni rất chăm chú nghe En- đru kể về điều kiện làm việc của các bác sĩ tại E-bơ-re-lọ Khi En- đru căm phẫn kể đến chuyện Lu-ê-lin đòi các bác sĩ phụ tá phải trích phần lương của mình nộp cho ông ta thì Đen-ni nói với một nụ cười kỳ quặc:
- Tôi thấy anh không thể trú chân ở đây được lâu đâu!
Đen-ni đi rồi, theo ngày tháng En- đru dần dần nhận thấy có một lỗ hổng, một sự trống rỗng thế nào đấy trong công việc của mình. Ở Blây-nen-li, có Đen-ni bên cạnh, En- đru bao giờ cũng cảm thấy có một sự gắn bó chúng giữa hai người, có một mục đích rõ rệt mà hai người cùng theo đuổi. Nhưng ở E-bơ-re-lo, En- đru không thấy có sự gắn bó ấy, không thấy các bác sĩ đồng nghiệp của anh theo đuổi một mục đích như anh.
Bác sĩ Ơ-cớt cùng làm việc với En- đru tại trạm xá khu tây, tuy tính tình nóng nảy, nhưng là một người tử tế. Chỉ phải cái ông đã già rồi, ông làm việc có phần nào như cái máy quen theo nếp cũ và hoàn toàn không có sáng tạo. Tuy kinh nghiệm lâu năm khiến ông có thể, như lời ông nói, đánh hơi thấy bệnh viêm phổi ngay khi “thò mũi” vào phòng người bệnh, tuy ông buộc nẹp xương hoặc bó bột rất khéo tay, tuy ông là người có áp dụng cách điều trị nhọt đầu đinh theo kiểu chéo góc và thỉnh thoảng thích thú tỏ ra mình cũng có thể tiến hành vài phẫu thuật nhỏ đấy, song trên nhiều phương diện ông vô cùng lạc hậu. Dưới con mắt En- đru, ông hoàn toàn đúng kiểu bác sĩ gia đình già trung hậu, như lời Đen-ni nói, một kiểu bác sĩ khôn ngoan, cần cù, từng trải, đa cảm đối với bệnh nhân cũng như đối với mọi người, hai mươi năm nay chưa hề giở một quyển sách y học ra và vì lạc hậu mà gần trở thành nguy hiểm. En- đru bao giờ cũng muốn khơi chuyện tranh luận với Ơ-cớt, nhưng ông bác sĩ già không có mấy thời giờ nói chuyện nghề nghiệp. Xong công việc hàng ngày, ông húp bát súp đóng hộp –súp cà chua là thứ ông thứ nhất – lấy giấy ráp đánh bóng cây đàn vĩ cầm mới làm, ngắm nghía mấy thứ đồ sứ cổ, rồi vù ra câu lạc bộ Tam điểm chơi vài ván cờ và hút thuốc.
Hai bác sĩ phụ tá ở trạm xá khu đông cũng chẳng hơn gì. Người nhiều tuổi nhất là bác sĩ Mét-li, tuổi khoảng gần năm mươi, gương mặt thông minh nhạy cảm nhưng phải cái gần như điếc đặc. Không bị bệnh điếc đó thì Cha-lơ Mét-li lẽ ra có thể tiến xa hơn nhiều chứ không phải chỉ làm bác sĩ phụ tá ở vùng mỏ này. Giống En- đru, Mét-li chủ yếu là bác sĩ nội khoa. Ông chẩn đoán rất giỏi. Nhưng khi người bệnh kể bệnh với ông thì ông chẳng nghe được câu gì. Cố nhiên, ông phải nhìn môi người ta mà đoán ý. Nhưng ông lại rụt rè, vì nhiều khi ông phạm phải những sai lầm tức cười. Thật là đau lònng khi nhìn đôi mắt đầy ông lo lắng dán chặt vào đôi môi mấp máy của người tiếp chuyện ông với một vẻ dò hỏi tuyệt vọng. Vì ông sợ mắc phải một sự nhầm lẫn nghiêm trọng nên cho thứ thuốc nào bao giờ ông cũng chỉ kê liều lượng tối thiểu. Cuộc sống của ông không được dư dật vì ông phải lo toan tốn kém nhiều với một gia đình đông con. Giống người vợ đã tàn tạ của ông, bác sĩ Mét-li trở thành một người khép nép, vẻ bi đát lạ lùng, lúc nào cũng sợ Lu-ê-lin, sợ Hội đồng và luôn luôn phấp phỏng sợ bị đột ngột sa thải.
Người phụ tá thứ hai là bác sĩ Oác-xbo-râu, tính tình khác hẳn Mét-li và En- đru không ưa cho lắm. Oác-xbo-râu là một gã to bệu, ngón tay như quả chuối mắn và thân mật một cách ầm ĩ. En- đru nhiều khi nghĩ rằng nếu có thêm một ít nghị lực thì Oác-xbo-râu có thể trở thành một tay viết sách kiếm tiền cừ khôi. Nhưng chính lại là gã Oác-xbo-râu ấy đi cùng với vợ chơi đàn hơi, hàng tuần cứ đến chiều thứ bảy là kéo nhau sang thị trấn Phơn-li bên cạnh – sự giao tiếp xã hội không cho phép Oác-xbo-râu xuất đầu lộ diện ở E-bơ-re-lo – đến đó, Oác-xbo-râu dựng lên ngoài chợ một cái bục nhỏ dải thảm và tổ chức một buổi giảng đạo ngoài trời. Oác-xbo-râu làm người truyền giáo. Là người duy tâm, là người tin có một sức mạnh tối cao an bài mọi việc trong cuộc sống, En- đru có thể đã khâm phục sự nhiệt thành này. Nhưng than ôi, Oác-xbo-râu lại đa sầu đa cảm đáng sợ. Gã có thể bỗng dưng òa khóc và cầu kinh vào những lúc khó ai ngờ tới. Có lần, gặp phải một ca đẻ khó, cố gắng hết sức mà vẫn không xong, Oác-xbo-râu bèn quỳ sụp xuống cạnh giường sản phụ lầm rầm cầu Chúa ban phép màu cho người đàn bà khốn khổ nọ. Vốn ghét Oác-xbo-râu, Ơ-cớt đã kể lại cho En- đru nghe câu chuyện đó bởi vì chính Ơ-cớt là người tình cờ đi qua đã vội vã đi cả giày nhảy lên giường dùng cái cặp thai lấy thai nhi ra.
Cứ nghĩ đến các bác sĩ đồng nghiệp của mình và cái chế độ trong đó họ làm việc, En- đru càng muốn kéo họ lại với nhau. Hiện nay, giữa những người ấy không có tình đoàn kết, không có ý thức hợp tác, và chẳng có mấy tình bằng hữu. Họ thực sự chống đối nhau theo lề thói cạnh tranh thông thường ở khắp nơi trong nghề nghiệp này, mỗi người cố dành cho mình được càng nhiều khách bệnh bao nhiêu càng tốt. Kết quả thường là ngờ vực nhau, hiềm khách với nhau. Chẳng hạn, một hôm En- đru thấy có một bệnh nhân của Oác-xbo-râu chuyển thẻ y tế sang chỗ Ơ-cớt, ông này cầm lấy lọ thuốc uống dở từ tay người bệnh, mở nút đưa lên mũi ngửi khinh bỉ rồi oang oang:
- A, đây là cái thứ mà Oác-xbo-râu đã cho ông uống đấy phải không? Bỏ mẹ thật, hắn ta từ từ đầu độc ông đấy!
Trong khi đó, trước cảnh khích bác thù ghét nhau này, bác sĩ Lu-ê-lin cứ thản nhiên thu về mình một phần tiền lương hàng tháng của mỗi bác sĩ phụ tá. En- đru rất căm tức, anh muốn lập ra một nề nếp khác hẳn, muốn xây dựng một mối thông cảm mới tốt hơn làm cho các bác sĩ phụ tá sát cánh lại với nhau và không chịu nộp tiền cho Lu-ê-lin nữa. Nhưng những khó khăn mắc mớ của chính anh, ý thức tự biết mình còn là kẻ mới lạ Ở nơi này và nhất là những sai lầm anh đã phạm phải hồi đầu tại khu anh khiến En- đru phải dè dặt.
Mãi cho đến khi En- đru có dịp quen với Côn Bâu-lân anh mới quyết định tiến hành mưu đồ lớn ấy.