Chương 25

Việc cứu Xam Be-vân là chuyện thường tình ở một thị trấn từng trải qua những giờ phút khủng khiếp, khắc khoải trong những tai nạn hầm mỏ lớn. Nhưng trong khu vực điều trị của En- đru thì việc đó có ảnh hưởng rất tốt với anh. Nếu như anh về đến nhà, đem theo độc có thắng lợi của anh trong cuộc thi cử ở Luân Đôn thì anh sẽ chỉ nhận được thêm một tiếng cười khẩy về “cái của dớ dẩn vô tích sự” ấy. Nhưng bây giờ thì anh được cả những người trước đây không thèm nhìn mặt anh gật đầu chào và thậm chí còn cười với anh nữa. Uy tín thực sự của một bác sĩ ở E-bơ-re-lo phải được đánh giá lúc anh ta ra phố. Những nơi trước đây En- đru chỉ gặp một dãy cửa đóng kín thì bây giờ anh thấy các cánh cửa rộng mở, những người thợ mỏ nghỉ ca mặc sơ-mi ngồi hút thuốc sẵn sàng trò chuyện với anh một đôi câu, các bà phụ nữ vui lòng “mời anh vào nhà chơi” khi anh đi qua và trẻ con nhoẻn miệng cười chào gọi tên anh.
Cụ Gớt Pe-ri, thợ khoan trưởng lò số 2 và là người cao tuổi nhất ở khu Tây, đã nói lên sự đánh giá chung của mọi người khi cụ nhìn theo bóng En- đru đi xa dần, bảo:
- Này, các chú ạ. Anh này là một tay thích sách vở, đúng thế. Nhưng khi cần thì anh ta cũng biết làm ăn ra trò.
Các tấm thẻ y tế bắt đầu trở về với En- đru, ban đầu dần dần từng ít một, sau đến tới tấp khi họ thấy En- đru không oán giận gì những người trước đây đã bỏ anh đi. On- Oen vui mừng thấy danh sách khách bệnh của En- đru tăng lên. một hôm, gặp En- đru ngoài quảng trường, On- Oen cười tủm tỉm: “Thế nào, tôi đã bảo anh mà!”.
Lu-ê-lin làm ra vẻ hân hoan trước kết quả thi cử của En- đrụ Ông vồn vã chúc mừng anh qua điện thoại rồi nhẹ nhàng mời anh đến phòng mổ gây mê giúp ông hai ca mổ.
Sau một buổi làm việc dài, sặc mùi ê-te, Lu-ê-lin tươi tỉnh:
- À này, thế anh có nói với ban giám khảo là anh làm bác sĩ phụ tá trong một tổ chức y tế không?
En- đru nhã nhặn:
- Tôi nói với họ tính danh ông, bác sĩ Lu-ê-lin ạ. Và câu nói đó gây ấn tượng mạnh lắm.
Oác-xbo-râu và Mét-li ở trạm xá khu Đông không chú ý gì đến việc đỗ đạt của En- đrụ Nhưng Ơ-cớt thì thật bụng vui mừng, tuy lời chúc của ông được bày tỏ bằng một câu trách móc ầm ĩ:
- Mẹ kiếp! Men-sân, anh định làm gì thế? Chèn chân tôi chắc?
Coi như là một cách ca ngợi người đồng nghiệp xuất sắc của mình, Ơ-cớt mời En- đru đến khám cho một người mắc bệnh phổi mà ông đang điều trị, rồi hỏi ý kiến tiên lượng của En- đru.
- Bà ấy sẽ bình phục. – En- đru bảo, và anh dẫn ra những lý lẽ khoa học.
Ơ-cớt ngờ vực, lắc cái đầu già của ông:
- Tôi chưa bao giờ được nghe nói đến các loại huyết thanh đa trị, các loại kháng thể hay đơn vị quốc tế gì gì của anh. Song chị này khi còn con gái là người trong gia đình Pâu- Ơn. Khi một người trong dòng họ Pâu- Ơn mắc bệnh phổi mà lại bị chướng bụng thì nội trong tám ngày thế nào cũng chết. Tôi đã biết gia đình này từ lâu. Thế mà bây giờ bụng chị ta chướng lên, có phải không?
Ông bác sĩ già biểu lộ một thái độ đắc thắng buồn rầu với phương pháp khoa học khi bệnh nhân ấy đến ngày thứ bảy thì chết.
Đen-ni hiện đang sống ở nước ngoài, không biết gì về danh vị mới của En- đrụ Nhưng lời chúc mừng bất ngờ cuối cùng là một bức thư dài của Phrét- đi Hem-tơn. Đọc được kết quả cuộc thi trên tờ “Mũi dao chích”, Phrét- đi viết thư la rầy En- đru về thắng lợi của anh, mời En- đru đến Luân Đôn chơi và mô tả tỉ mỉ những thành đạt của bản thân mình ở đường Hoàng hậu An, nơi hiện nay đã có treo một tấm biển bằng đồng bóng loáng đề tên bác sĩ Phrét- đi Hem-tơn đúng như lời anh ta đã nói trước đêm hôm nào tại Ca- đíp.
En- đru nói với Cơ-ri-xtin:
- Chúng mình lờ Phrét- đi thật đáng ngượng. Anh phải năng viết thư hơn cho anh ấy mới được. Anh linh cảm là chúng mình sẽ còn gặp lại anh ấy. Bức thư tử tế đấy chứ?
- Vâng, rất tử tế - Cơ-ri-xtin đáp cộc lốc – Nhưng hình như phần lớn bức thư là nói về bản thân anh ta thì phải.
Gần đến ngày Chúa giáng sinh, thời tiết chuyển lạnh, ngày thì rét căm căm và đêm thì êm ả, sao đầy trời. Mặt đường rắn đanh lại như thép, kêu vang vang dưới chân En- đrụ Không khí trong vắt như một thứ rượu làm say lòng người. En- đru đã hình dung trong óc bước đi kế tiếp trong cuộc tiến công lớn vào bệnh bụi phổi. Những điều anh đã phát hiện được ở các bệnh nhân của anh đem lại cho anh nhiều hy vọng, và bây giờ anh đã được Von cho phép mở rộng địa hạt nghiên cứu bằng cách tiến hành một cuộc kiểm tra có hệ thống tất cả các thợ mỏ ở ba lò An-thra-xít. Đây là một cơ hội tuyệt diệu. En- đru dự định lấy thợ đi lò và thợ làm việc trên mặt đất làm đối chứng, và anh sẽ bắt tay vào việc khi bước sang năm mới.
Đêm Nô-en, ở trạm xá về nhà, En- đru có một cảm giác lạ thường, cảm giác chờ đợi trong tâm trí và dễ chịu về thể xác. Lúc leo con đường dốc, anh không khỏi không nhận thấy những dấu hiệu của ngày hội sắp tới. Thợ mỏ ở đây rất coi trọng lễ Nô-en. Trong suốt tuần qua, ở nhà nào cũng vậy, phòng ngoài được chăng những dây hoa giấy và đóng kín cửa không cho trẻ con vào. Đồ chơi được cất giấu trong ngăn kéo, và trên bàn bày rất nhiều thức ăn ngon như bánh ngọt, cam, bánh quy đường, tất cả đều mua bằng tiền của Quỹ tương tếm được chia cho các gia đình vào dịp này trong năm.
Vui sướng đón chờ ngày lễ, Cơ-ri-xtin đã trang trí nhà bằng cành cây nhựa ruồi và tầm gửi. Nhưng tối nay, về nhà, En- đru nhận thấy ngay có một niềm hân hoan khác thường trên gương mặt nàng. Chìa tay ra với En- đru, Cơ-ri-xtin vội nói ngay:
- Anh đừng nói vội! Đừng nói một lời nào nhé. Chỉ nhắm mắt lại và đi theo em!
En- đru để nàng dắt anh vào gian bếp. Trên bàn là một chồng những gói nhỏ, buộc vụng về, có cái chỉ gói bằng giấy báo, nhưng gói nào cũng đính một mẩu giấy con ghi mấy chữ. En- đru hiểu ngay đó là quà của bệnh nhân gửi tặng anh. Có thứ không gói ghém gì cả.
Cơ-ri-xtin reo:
- Anh nhìn xem này. Một con ngỗng và hai con vịt. Lại còn một chiếc bánh kem thơm phức! Một chai rượu nữa. Họ tốt quá, anh nhỉ. Họ đem tặng anh những thứ này chẳng là quý anh lắm sao?
En- đru thực sự không nói được thành lời. Anh nghẹn ngào trước bằng chứng về những tấm lòng tốt đẹp, nó cho thấy người dân ở khu anh cuối cùng đã bắt đầu quý mến anh. Anh đọc những mẩu giấy trong khi Cơ-ri-xtin ghé mắt nhìn qua vai anh, những dòng chữ nắn nót của những người kém học, có chữ viết ngoằn ngoèo bằng bút chì trên một phong bì lộn lại. “Người bệnh chịu ơn của bác sĩ ở số 3 phố Xi-phen”. “Xin gửi biếu bác sĩ với lời cảm ơn chân thành – Bà Uy-liêm”; những dòng chữ xiêu vẹo của anh Xam Be-vân: “Xin cảm ơn bác sĩ đã giúp tôi được bình phục vào dịp lễ Nô-en này”, vân vân.
Cơ-ri-xtin thì thầm:
- Phải giữ lại, anh ạ. Em sẽ cất tất cả những mẩu giấy này lên trên gác.
Khi En- đru trở lại nói năng như bình thường – cũng là nhờ có một chén rượu ngâm quả do Cơ-ri-xtin tự ngâm lấy – anh đi ngang đi dọc gian bếp trong khi Cơ-ri-xtin nhồi ngỗng. Anh say sưa nói:
- Trả công phải như thế mới đúng, em ạ. Không phải bằng tiền, không phải bằng những tờ giấy bạc đáng ghét, không phải bằng đồng lương tính theo đầu người đăng ký chữa bệnh, mà là trả bằng hiện vật. Em hiểu chứ, em yêu? Anh chữa cho người ta khỏi bệnh, người ta sẽ gửi đến cho anh một thứ gì đó mà họ sản xuất được, làm ra được. Than đá chẳng hạn, hay một túi khoai tây đào ở vườn, hay là trứng gà nếu họ nuôi gà. Em hiểu ý kiến của anh chứ. Đạo đức lý tưởng là thế đấy. Nhân đây, anh kể cho em nghe về bà Uy-liêm nhé, người gửi con vịt đến cho chúng mình ấy. Le-xli bắt bà ta uống nào thuốc viên nào thuốc nước trong suốt năm năm trời. Đến lượt anh, anh chữa cho bà ấy khỏi bệnh loét dạ dày bằng một chế độ ăn uống trong năm tuần lễ. Anh đang nói gì nhỉ. Aø, phải rồi. Em thấy không? Nếu người bác sĩ nào cũng loại bỏ được ý nghĩ kiếm tiền, làm giàu, thì toàn bộ ngành y sẽ trong sạch hơn…
- Vâng, anh ạ. Nào, anh đưa cho em gói nho khô, ở ngăn trên cùng tủ bát đĩa ấy.
- Khỉ gió. Sao em không nghe anh nói. Aùi chà, món ngỗng nhồi thịt này hẳn phải ngon lắm đây.
Hôm sau là ngày Chúa giáng sinh, trời sáng đẹp. Ngọn đèn pha Ta-lin nổi lên trên nền trời xanh xa xa như một hạt ngọc phủ một lớp tuyết óng ánh. Khám xong mấy người torng buổi sáng, En- đru bắt đầu đi thăm những người bệnh đã hẹn, vui thích nghĩ tối nay không phải ra trạm xá. Số người phải đến thăm hôm nay ít. Tại tất cả các căn nhà bé nhỏ kia, người ta đang sửa soạn buổi tối, và bữa ăn tối của gia đình anh cũng đang được nấu nướng ở nhà. Qua các phố En- đru luôn mồm không biết mệt chúc mừng và nhận lời chúc mừng của mọi người nhân ngày Chúa giáng sinh. Anh không khỏi so sánh niềm vui sướng của anh hôm nay với vẻ tiu nghỉu của anh khi đi qua những phố này mới ngày nào cách đây một năm.
Có lẽ chính ý nghĩ ấy làm En- đru dừng chân trước ngôi nhà số 18 phố Xi-phen, trong mắt có một ánh do dự, e ngại khác thường. Trong số tất cả các bệnh nhân của anh, trừ Chen-kin là người mà anh không cần, có độc một người không trở lại với anh là Tom E-vân. Hôm nay, trong lòng dào dạt một tình hữu ái giữa con người với con người, En- đru bỗng thấy muốn lại thăm E-vân chúc E-vân một ngày Nô-en vui vẻ.
Gõ cửa xong, En- đru mở cửa ngoài, đi thẳng xuống bếp. Đến đây, anh đứng lại sững sờ. Gian bếp trống trơn, gần như trần trụi, trong bếp lò chỉ có một ngọn lửa leo lét. Tom E-vân ngồi trước bếp lò, trên một chiếc ghế gãy lưng tựa, cánh tay cụt trồi ra như một cái cánh. Đôi vai E-vân rũ xuống trong một tư thế chán chường, tuyệt vọng. Trên gối E-vân là đứa con gái lên bốn. Hai bố con lặng lẽ ngồi nhìn một cành thông cắm trong một cái sô cũ. Trên cái cây thông Nô-en nhỏ xíu này mà E-vân đã phải đi kiếm trên núi cách xa hai dặm đem về cắm hai cây nến bé tí, chưa thắp. Phía dưới là bữa tiệc Nô-en của cả gia đình: ba quả cam con.
E-vân đột ngột quay lại và nhận ra En- đrụ Anh ta giật mình, mặt dần dần đỏ lên vì hổ thẹn và hối hận. En- đru hiểu rõ nỗi đau khổ của E-vân trong lúc này – mất việc, tàn tật, một nửa đồ đạc trong nhà bị cầm bán, gặp lại người bác sĩ mà anh ta không chịu nghe lời khuyên bảo.
En- đru cố nhiên có biết E-vân gặp nhiều chuyện không may, nhưng anh không ngờ tình cảnh của E-vân đáng thương đến thế. En- đru sững sờ, lúng túng, muốn trở gót quay ra. Vừa vặn lúc đó, chị E-vân ở ngoài về; chị đi cửa sau vào bếp, một cái túi giấy cặp dưới nách. Thấy En- đru, chị giật mình đánh rơi cái túi giấy xuống nền đá. Chiếc túi bung miệng ra cho thấy bên trong có hai khúc lòng bò, thứ rẻ tiền nhất ở E-bơ-re-lọ Nhìn vẻ mặt mẹ nó, đứa bé bỗng òa khóc.
Chị E-vân cuối cùng đánh bạo hỏi, một tay chống nẹ:
- Có gì đấy, ông? Anh Tom nhà tôi có chuyện gì đâu?
En- đru cắn răng. Anh xúc động và kinh ngạc trước cảnh tượng anh tình cờ bắt gặp đến nỗi chỉ có một cách có thể làm anh trở lại thư thái. Mắt nhìn xuống đất, En- đru nói:
- Chị E-vân này… tôi biết là có một chút hiểu lầm giữa anh Tom của chị và tôi. Nhưng hôm nay là ngày Chúa giáng sinh và,… tức là, tôi muốn… tôi muốn nói là tôi sẽ rất vui mừng nếu hai anh chị và cháu đến chơi nhà chúng tôi, ăn giúp chúng tôi bữa cơm Nô-en.
- Nhưng, bác sĩ… - Chị E-vân ấp úng.
- Nhà nó, im đi nào - E-vân cộc cằn ngắt lời vợ – Chúng tôi không đi đâu ăn gì sất. Nếu chúng tôi tất cả chỉ có chỗ lòng bò này thì chúng tôi chỉ có thể thôi. chúng tôi không muốn ai thương xót chúng tôi.
- Sao anh lại nói thế - En- đru hốt hoảng – Tôi mời anh với tư cách bạn bè cơ mà.
- Dào ôi, các ông cùng một giuộc cả - E-vân thiểu não đáp – Khi các ông đã dìm ai xuống rồi, các ông chỉ biết có quẳng đi một tí thức ăn vào mặt người ta thôi. Ông giữ lấy bữa cơm chết tiệt của ông. Chúng tôi không thèm.
- Anh Tom này – chị E-vân gạt đi yếu ớt.
Bối rối nhưng vẫn kiên quyết thực hiện bằng được ý định của mình, En- đru quay sang phía chị E-vân:
- Chị E-vân, chị hãy thuyết phục anh ấy. Tôi thực sự đau lòng nếu anh chị và cháu không đến. Vào lúc một rưỡi, chị nhé. Chúng tôi chờ anh chị đấy.
Không để cho hai vợ chồng E-vân kịp nói thêm một lời nào, En- đru đẩy cửa ra về.
Cơ-ri-xtin không nói gì khi En- đru kể lại sự việc vừa rồi. Hai vợ chồng Von có lẽ sẽ đến chơi hôm nay trừ phi họ đã đi Thụy Sĩ trượt tuyết rồi thì không kể. Thế mà bây giờ anh lại đi mời một người thợ mỏ thất nghiệp với vợ con anh tạ En- đru nghĩ thầm như vậy khi anh quay lưng lại lò sưởi nhìn Cơ-ri-xtin bày thêm bát đĩa. Sau cùng anh hỏi:
- Em giận à, Cơ-rít?
- Em tưởng em lấy chồng là bác sĩ Men-sân, chứ không phải là bác sĩ Bơ-nác- đô (#1) – nàng hơi xẵng giọng – quả thực anh là một người đa sầu đa cảm không thể tưởng tượng được.
Gia đình E-vân đến rất đúng giờ, mặt mũi sạch sẽ, quần áo phẳng phiu, hết sức ngượng nghịu, vừa hãnh diện vừa lo sợ. Lúng túng cố gắng tiếp khách cho niềm nở, En- đru có một linh cảm đáng sợ là đúng như Cơ-ri-xtin nói, buổi tiếp khách hôm nay sẽ thất bại thảm hại. Nhìn En- đru với một con mắt kỳ quặc, E-vân tỏ ra vụng về trong bữa ăn vì một bên tay cụt. Vợ anh ta phải cắt bánh mì và phết bơ hộ. Rồi xảy ra một chuyện may là khi En- đru rắc hồ tiêu, nắp lọ hồ tiêu rơi ra và cả nửa lạng hồ tiêu trắng đổ ụp vào bát súp của En- đrụ Gian phòng lặng đi. Cái Ec-níc, đứa con gái nhỏ của vợ chồng E-vân bỗng rúc rích cười. Người mẹ phát hoảng cúi xuống định mắng con, nhưng nhìn thấy vẻ mặt của En- đru chị lại thôi. Lát sau, tất cả mọi người đều cười như nắc nẻ.
Không còn lo sợ người ta lên mặt kẻ cả với mình, E-vân tỏ ra anh cũng là một người bìnnh thường như mọi người khác, say xem đấu bóng bầu dục và rất yêu thích âm nhạc. Cách đây ba năm, E-vân đã đi Ca- đi-gân biểu diễn tại ngày Hội khuyến nhạc ở đây. Tự hào bày tỏ sự hiểu biết của mình, E-vân bàn luận với Cơ-ri-xtin về những khúc ô-ra-tô-ri- Ô của En-ga trong khi Ec-nít chơi pháo tét với En- đru.
Ít phút sau, Cơ-ri-xtin kéo chị E-vân và cái Ec-nít sang phòng bên. Khi còn lại hai người, một không khí im lặng lạ lùng bao phủ lấy En- đru và E-vân. Hai người cùng nghĩ đến một chuyện nhưng không ai biết nên đề cập như thế nào.
Rốt cuộc, En- đru thấy không còn cách nào khác bèn nói:
- Anh Tom ạ, tôi đau lòng về cánh tay của anh. Tôi biết anh đã mất việc làm dưới lò vì một chuyện xảy ra trên mặt đất. Anh đừng nghĩ tôi vui mừng về chuyện ấy hay có thái độ gì gần như vậy đâu. Tôi thực hết sức đau lòng.
- Tôi cũng không kém.
Im lặng một lúc rồi En- đru nói tiếp:
- Không biết anh có bằng lòng để tôi nói với ông Von hộ anh không. Anh hãy ngăn tôi lại nếu anh cho rằng như thế là tôi dính vào chuyện không liên can đến tôi. Chả là tôi có đôi chút ảnh hưởng với ông ta nên tôi tin chắc có thể kiếm được cho anh một việc làm trên mặt đất trông nom về giờ giấc chẳng hạn, hay một việc gì tương tự.
En- đru dừng lời, không dám nhìn vào mặt E-vân. Lần này, không khí im lặng kéo dài. Mãi sau, En- đru ngước mắt lên nhưng lại vội nhìn ngay xuống. Mặt E-vân dàn dụa nước mắt, cả người E-vân rung lên vì cố ghìm cơn xúc động. Nhưng vô ích. E-vân đặt cánh tay còn lành lên bàn và gục đầu lên tay.
En- đru đứng dậy đi ra cửa đứng mấy phút. Hết khoảng thời gian ấy, E-vân đã bình tĩnh lại. Anh ta không nói gì, không một lời nào, mắt anh ta tránh nhìn vào mắt En- đru với một sự im lặng nhiều ý nghĩa hơn cả lời nói.
Đến ba rưỡi, gia đình E-vân ra về tươi tỉnh, khác hẳn với thái độ ngượng nghịu khi đến. Cơ-ri-xtin và En- đru chuyển sang phòng khách, En- đru bắt đầu triết lý:
- Cơ-rít, em biết không. Tai họa xảy ra với anh chàng tội nghiệp này – anh muốn nói đến cái khuỷu tay sưng tấy cứng đờ của E-vân – không phải do lỗi của anh tạ Anh ta không tin tưởng anh vì anh là kẻ mới đến. Không thể bắt anh ta phải biết gì về thứ dầu gai khốn kiếp ấy, nhưng ông bạn Oác-xbo-râu, người đã nhận chiếc thẻ y tế của E-vân thì phải biết chứ lị. Ngu dốt, thực sự ngu dốt, ngu dốt cùng cực. Cần có một đạo luật ràng buộc các bác sĩ phải hiểu biết những phương pháp tiên tiến. Tất cả đều là do cái tổ chức y tế thối nát của chúng tạ Cần phải có những lớp bổ túc bắt buộc để cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp cứ năm năm một lần phải theo học.
Ngồi ở đi-văng, Cơ-ri-xtin tủm tỉm cãi:
- Anh của em! Em đã chịu đựng tính thương người của anh suốt ngày hôm nay rồi đấy. Em cứ để ý xem anh có mọc cánh như những thượng đẳng thần không. Đừng bắt em phải nghe thêm một bài diễn văn triết lý dài dòng nữa. Anh lại đây ngồi với em. Em có lý do thực sự quan trọng cần ngồi riêng với anh hôm nay.
- Thực à? - En- đru ngờ vực hỏi – Rồi phẫn khích – Anh mong em đừng có càu nhàu nữa đấy nhé. Anh nghĩ hôm nay anh cư xử như thế là rất đúng. Vả lại, ngày Nô-en mà lại…
Cơ-ri-xtin cười lặng lẽ:
- Ôi anh! Anh đáng yêu quá! Một lát nữa sẽ nổi lên một cơn bão tuyết, anh sẽ kéo thánh Bơ-nớt mặc áo choàng trùm kín đến tận cằm lên núi dẫn về nhà một người khách lạc đường giữa đêm hôm khuya khoắt này cho mà xem.
En- đru chọc lại:
- Anh có biết người giữa đêm hôm khuya khoắt mò đến giếng than số 3, mà người lại không choàng áo cho kín.
Cơ-ri-xtin duỗi dài tay về phía En- đru:
- Anh ngồi đây… Em có cái này muốn nói với anh.
En- đru đang bước lại ngồi gần vợ thì bỗng có tiếng còi ô-tô to mà khàn khàn từ ngoài vọng vào.
“Krr-krr-krr-ki-ki-krr”.
- Quỷ sứ - Cơ-ri-xtin thốt lên – Ở E-bơ-re-lo này chỉ có độc một chiếc còi kêu như vậy là chiếc còi ô-tô của Côn Bâu-lân.
- Em không muốn tiếp à? - En- đru hỏi, hơi ngạc nhiên - Bâu-lân đã hẹn đến chơi uống trà vào giờ này rồi mà.
- Thôi được! - Cơ-ri-xtin nói và đứng dậy cùng với chồng ra cổng.
Gia đình Côn Bâu-lân ngồi cả trong chiếc xe hơi mới lắp ráp lại, đỗ đối diện ngay với cổng chính. Côn ngồi ở ghế tay lái, đầu đội mũ quả dưa, tay đi đôi găng to tướng, bên cạnh là Me-ri- Ơ và Te-rân-xợ Ở ghế sau, ba đứa trẻ khác bâu chặt xung quanh chị Bâu-lân đang ẵm trên tay đứa bé nhất. Mặc dầu chiếc xe đã được kéo dài ra rồi mà người ngồi trên xe vẫn bị chật cứng như cá hộp.
Bỗng nhiên, chiếc còi lại gầm lên: Kri-krr-krr-krr. Khi ngắt điện, Bâu-lân vô ý ấn phải nút còi và bây giờ chiếc nút ấy bị mắc kẹt vào trong không bật ra được. Còi vẫn cứ rống lên “krr-krr-krr” mãi trong khi Côn Bâu-lân mò mẫm và nguyền rủa. Cửa sổ các nhà ở dãy trước mặt bật mở cả ra nhưng chị Bâu-lân vẫn bình thản ngồi yên, tâm trí như để ở đâu đâu, tay ẵm đứa bé với vẻ mơ màng.
Bộ râu tua tủa nhấp nhoáng trước cái chắn cùn, Côn quát ầm lên:
- Mẹ kiếp! Phí cả xăng! Sao thế không biết. Bị đoạn mạch hay sao?
- Cái nút đấy, bố ạ. – Me- Ơ-ri điềm đạm nói với bố. Cô gái lấy móng tay út gảy cho cái nút bật lên và tiếng kêu inh ỏi chấm dứt.
- Aø, ổn rồi – Côn Bâu-lân thở dài – Chào anh Men-sân. Anh xem chiếc xe tàng của tôi bây giờ thế nào? Tôi kéo dài nó ra dễ được đến hai bộ. Trong có choáng không? Phải công nhận là hộp số hãy còn hơi trục trặc tí chút. Đúng là nó chưa leo quả đồi này được thẳng một mạch.
- Xe chỉ bị dừng lại có vài ba phút thôi đấy chứ bố. – Me- Ơ-ri nói xen.
- Không sao. Sẽ sửa lại ổn ngay khi tôi tháo nó ra lần nữa. Chào chị Men-sân. Cả gia đình chúng tôi đến chúc mừng anh chị và uống trà với anh chị nhân ngày Chúa giáng sinh đây.
- Mời anh vào nhà, anh Bâu-lân - Cơ-ri-xtin mỉm cười – Chà, đôi găng đẹp quá.
- Qùa Nô-en của bà vợ đấy – Côn trả lời, ngắm nghía đôi găng dài thườn thượt. – Hàng thừa của quân đội. Chị có cho là người ta bây giờ vẫn còn sản xuất loại găng này nữa không. Aø, à! Cái cửa này làm sao rồi?
Không mở được cửa xe, Bâu-lân vươn đôi chân dài qua cánh cửa, nhảy ra ngoài rồi đến đỡ vợ và mấy đứa con ở đằng sau xuống. Sau đó, anh lại đứng ngắm nghía chiếc xe, trìu mến bửa một mảng bùn bám ở kính che gió, rồi mới đành bứt mình khỏi vật sở hữu thân thương này theo chân những người khác vào trong nhà.
Bữa uống trà rất vui. Côn Bâu-lân rất hào hứng, anh lúc nào cũng chỉ nói đến tác phẩm của mình: “Anh sẽ không nhận ra nó khi nó được một nước sơn”. Chị Bâu-lân, vẻ lơ đãng, uống hết sáu tách cà phê đặc. Bọn trẻ con bắt đầu bằng những chiếc bánh sô-cô-la và kết thúc bằng một trận ẩu đả tranh nhau mẩu bánh mì cuối cùng. Tất cả các món ăn trên bàn đều hết nhẵn.
Sau bữa trà, trong khi Me- Ơ-ri đi rửa bát đĩa – bảo rằng Cơ-ri-xtin trông có vể mệt mỏi, cô bé đòi rửa cho bằng được - En- đru đỡ lấy đứa bé trên tay chị Bâu-lân và đùa với nó trên tấm thảm dải trước lò sưởi. Anh chưa bao giờ thấy một đứa bé bụ bẫm đến vậy: đúng là một đứa bé trong tranh của Ru-ben-xơ, đôi mắt to nghiêm nghị, tay chân có ngấn. Đứa bé cứ định chọc ngón tay vào mắt En- đrụ Mỗi lần nó chọc không trúng, mặt nó lại đượm một vẻ ngạc nhiên trang nghiêm. Hai tay đặt trên đầu gối, Cơ-ri-xtin ngồi nhìn chồng đùa với đứa bé.
Nhưng Côn và gia đình anh không ở chơi được lâu. Bên ngoài trời tối dần. Côn không những lo ngại cho chỗ xăng trong xe mà còn có những điều ngờ vực khác anh thấy khôn tiện nói ra, đó là không biết đèn của xe có chịu sáng lên cho không.
Lúc cả nhà đứng dậy ra về, Côn Bâu-lân ngỏ lời mời:
- Mời anh chị ra cổng xem chúng tôi nổ máy.
En- đru và Cơ-ri-xtin lại ra đứng cạnh cổng trong khi Côn chất con cái lên xe. Quay ma-ni-ven được mấy cái thì động cơ nổ. Gật đầu đắc thắng với hai vợ chồng En- đru, Côn xỏ găng, kéo lệch chiếc mũ thêm tí nữa, rồi kiêu hãnh nhảy vào ngồi ở ghế tay lái.
Đúng lúc ấy thì mối hàn của Côn bửa ra, chiếc xe rên lên một tiếng rồi xẹp gí. Mang toàn bộ gia đình Bâu-lân trên mình, chiếc xe bị kéo dài ra quá mức từ từ võng sệt xuống đất như một con ngựa tải đồ kiệt sức ngã khuỵu. Trước con mắt kinh hoàng của En- đru và Cơ-ri-xtin, mấy bánh xe tuột cả ra ngoài. Các bộ phận của xe rơi loảng xoảng, kìm, lắc-lê ở hòm đồ vãi ra tung tóe. Rồi thân xe đứng sững lại, rời xa thành từng mảnh ngay giữa phố. Một phút trước còn là chiếc xe, một phút sau đã như cái bục rạp xiếc. Ở phần trước là Côn Bâu-lân, tay đang cầm tay lái, ở phần sau là vợ anh, ẵm đứa con. Chị Bâu-lân há hốc mồm, con mắt mơ màng Côn Bâu-lân khi chiếc xe xẹp gí xuống đất làm không ai có thể nhịn được cười.
En- đru và Cơ-ri-xtin cười ré lên. Đã cười rồi, họ không nín được nữa. Hai người cười cho đến khi không còn sức mà cười nữa mới thôi.
- Chết cha! – Côn thốt lên và đứng dậy, vò đầu bứt tai. Thấy con cái không đứa nào việc gì, bà vợ mặt tái đi nhưng vẫn còn ngồi ở ghế sau, Bâu-lân quay sang nhìn cái xác xe với vẻ đăm chiêu, choáng váng.
Nhìn lên dãy cửa sổ trước mặt, trong óc lóe lên một cách giải thích, Bâu-lân rốt cuộc nói:
- Có lẻ phá hoại đây mà. Chắc là mấy thằng nhóc ở mấy nhà trong phố đã sục sạo vào đây.
Rồi, nét mặt tươi lên, Bâu-lân kéo tay En- đru, tự hào và buồn rầu chỉ vào đầu xe nhăn nhúm mà động cơ ở dưới hãy còn yếu ớt rung rung mấy cái:
- Men-sân, anh thấy không? Nó hãy còn chạy đấy!
Mấy người ì ạch kéo cái xác xe vào trong sân sau nhà En- đrụ Cố nhiên gia đình Bâu-lân đi bộ về nhà.
- Một ngày hiếm có! - En- đru thốt lên khi cuối cùng hai vợ chồng được ngồi yên tĩnh bên nhau. – Suốt đời anh không bao giờ quên được vẻ mặt khi nảy của Bâu-lân.
Hai người im lặng một giây lát, rồi En- đru quay sang Cơ-ri-xtin hỏi:
- Ngày Nô-en hôm nay, em có vui không?
Không hiểu sao, nàng lại trả lời:
- Em vui khi thấy anh đùa với cháu bé nhất của anh Bâu-lân.
En- đru nhìn vợ:
- Sao em?
Cơ-ri-xtin không nhìn sang chồng.
- Cả ngày hôm nay, em định nói anh câu này. Ôi, anh yêu, anh không đoán được sao. Em nghĩ thực ra anh cũng chẳng phải là một thầy thuốc tinh lắm đấy.
----------
Chú thích:
(1-)Người sáng lập ra cô nhi viện đầu tiên ở Anh.