Chương 41

Phòng khám bệnh của En- đru ở số nhà 57a phố Oen-bếch lại gây ra cho anh một cảm giác đắc thắng mới. Mình đã đến được đây rồi – anh đắc chí nghĩ – cuối cùng đã đến được đây! Gian phòng không rộng nhưng rất sáng sủa nhờ có cửa sổ lồi ra ngoài và lại có ưu điểm lớn là nằm ở tầng dưới vì hầu hết bệnh nhân ngại leo cầu thang lên gác. Ngoài ra, tuy En- đru dùng chung phòng đợi với mấy bác sĩ khác, nhưng phòng khám này là của riêng anh, và tấm biển bóng loáng đề tên anh đã được treo lên ngoài cửa trước bên cạnh các tấm biển của các bác sĩ kia.
Ngày mười chín tháng tư, ký xong hợp đồng thuê, En- đru rủ Hem-tơn cùng đến nhận nhà với mình. Hem-tơn đã tỏ ra đặc biệt có ích trong mọi công việc sắp xếp ban đầu. Hem-tơn đã tìm cho En- đru một y tá cừ, bạn của chị y tá hiện đang làm cho Hem-tơn ở phố Hoàng hậu An. Chị y tá Sáp không đẹp, đứng tuổi vẻ mặt cau có y như bị ai bạc đãi nhưng có vẻ rất được việc. Hem-tơn giải thích tại sao anh ta lại chọn chị này:
- Điều cần tránh đối với các bác sĩ là chọn một cô y tá xinh. Cậu hiểu ý mình nói chứ. Chơi hẳn ra chơi, làm hẳn ra làm. Không được lẫn lộn hai cái với nhau. Chúng ta làm nghề này không phải để chơi bời. Thông minh như cậu, chắc cậu hiểu, à, mình nảy ra ý nghĩ là nay chúng mình đã ở gần nhau rồi, chúng mình có thể cộng tác với nhau khá chặt chẽ.
Trong lúc Hem-tơn và En- đru đứng bàn bạc cách bày biện gian phòng thì Phran-xit Lo-rân-xơ bất ngờ xuất hiện. Nàng đi qua tiện thể ghé vào xem En- đru chọn được gian buồng như thế nào. Phran-xit có cách đến chơi rất tình cờ mà không bao giờ có vẻ tọc mạch. Hôm nay nàng đặc biệt quyến rũ trong chiếc áo và váy cùng một màu đen, cổ quàng một mảnh lông thú nâu tuyệt đẹp. Nàng không ở chơi lâu, nhưng về cách trang trí, chọn rèm cửa sổ, ri- đô chăng sau bàn giấy, nàng có những ý kiến tinh tế, xác đáng hơn kế hoạch thô kệch của Hem-tơn và En- đru nhiều.
Người đàn bà hoạt bát ấy ra về rồi, gian phòng bỗng vắng hẳn. Hem-tơn thô lỗ:
- Cậu diễm phúc thật. Một thiếu phụ ngon mắt quá. – Hem-tơn nhăn nhở cười ra chiều ghen tị – Glét-xtơn năm 1890 đã nói như thế nào nhỉ về cách chắc chắn nhất bảo đảm cho bước tiến thân trên đường đời?
- Mình không hiểu cậu định nói gì?
Tuy vậy, khi gian phòng được bày biện xong, En- đru phải thừa nhận với Hem-tơn, và với Phran-xit lúc đó vừa rẽ qua xem kết quả những ý kiến của nàng, bày biện như vậy là thích đáng: hiện đại nhưng vẫn nghiêm túc, phù hợp với nghề nghiệp. Khám bệnh trong khung cảnh này thì tính tiền công ba ghi-ni một người là phải chăng và hợp lý.
Ban đầu, En- đru chưa có nhiều khách. Nhưng nhờ ở những bức thư viết rất lịch sự gửi đến tất cả những bác sĩ nào đã chuyển bệnh nhân của họ đến chỗ anh ở bệnh viện Vích-to-ri- Ơ – những bức thư này cố nhiên chỉ nói đến các bệnh nhân ấy và các triệu chứng của họ – chẳng bao lâu, En- đru đã chăng được một mạng lưới rộng khắp Luân Đôn, nó đưa khách bệnh từ khắp các khu phố đến cho anh. Bây giờ, En- đru là một người vô cùng bận rộn, anh cho chiếc xe Vi-tét mới mua của anh lao nhanh từ Chét-xbơ-rơ đến bệnh viện Vích-to-ri- Ơ rồi lại từ bệnh viện Vích-to-ri- Ơ về Oen-bếch, lại phải đi thăm biết bao nhiêu bệnh nhân tại nhà, chưa kể đến phòng khám cũ của anh lúc nào cũng đông nghịt, nhiều khi phải khám đến tận mười giờ khuya mới hết người.
Chất men thắng lợi khiến En- đru táo bạo, dám cả nghĩ cả làm, nó sôi sục trong mạch máu anh như một thứ thuốc thần hiệu. En- đru tranh thủ thời gian nhào đến hiệu may Ro-giơ cắt thêm ba bộ nữa rồi lại đến hiệu chuyên may sơ-mi ở phố Giơ-min mà Hem-tơn giới thiệu. Uy tín của anh ở bệnh viện Vích-to-ri- Ơ ngày một tăng. Quả thực anh không còn mấy thời giờ để làm việc cho khoa điều trị ngoại trú của bệnh viện, nhưng anh tự nhủ anh có bớt đi bao nhiêu thời gian thì đã bù lại bằng tài năng kinh nghiệm của anh bấy nhiêu. Ngay đối với bạn bè, En- đru cũng có những cử chỉ lời nói vội vã, cộc lốc nhưng vẫn khá hấp dẫn vì trên miệng anh lúc nào cũng sẵn một nụ cười. “Mình phải chuồn đây, cậu ạ, mình đúng là phải quàng chân lên cổ mà chạy”.
Phòng khám của En- đru ở phố Oen-bếch mở đã được năm tuần. Một chiều thứ sáu, có một người đàn bà nhiều tuổi đến khám họng. Bà ta chỉ bị viêm thanh quản thường thôi song là một người cẩn thận, cả lo, bà ta muốn được biết ý kiến của một bác sĩ thứ hai nữa. Hơi bị chạm tự ái, En- đru nghĩ xem nên gửi bà này đến ai. Để cho bà ta đến làm phí thời giờ một người như Ro-bớt Ép-bi thì thật lố bịch. Bỗng gương mặt anh sáng lên khi nghĩ đến Hem-tơn ở ngay gần chỗ anh. Thời gian này, Hem-tơn rất ân cần với anh. Thà để cho cậu ra “nhặt” ba đồng ghi-ni này còn hơn để cho một thằng cha không quen biết, nó sẽ chẳng hàm ơn gì mình. En- đru bèn gửi bà bệnh nhân kia đến Hem-tơn kèm theo mấy chữ.
Bốn mươi nhăm phút sau, bà ta trở lại với tâm trạng khác hẳn, yên tâm và mãn nguyện, hài lòng về Hem-tơn và nhất là về En- đrụ Bà ta xin lỗi:
- Bác sĩ thứ lỗi cho tôi lại trở lại đây lần nữa. Tôi chỉ muốn cảm ơn bác sĩ đã nhọc công về tôi. Tôi đã đến gặp bác sĩ Hem-tơn, ông ta đã xác nhận tất cả những ý kiến chẩn đoán của bác sĩ. Ông ta… ông ta bảo tôi là đơn thuốc mà bác sĩ cấp cho tôi hết sức đầy đủ không thể ghi thêm một thứ gì nữa.
Đến tháng sáu thì cặp a-mi- đan của cô Xi-bin Thoóc-tơn được cắt bỏ. Nó đã sưng lên khá to, và gần đây trên tạp chí “Y học”, người ta nghi là sự hút độc của a-mi- đan có thể liên quan đến nguồn gốc của bệnh hen. Ai-vơ-ri đã tiến hành phẫu thuật một cách thận trọng, chậm chạp.
Ai-vơ-ri nói với En- đru khi hai người ra rửa tay:
- Tôi muốn là từ từ với những mô bạch huyết này. Chắc ông đã từng thấy có những kẻ xẻo đánh loáng một cái là xong. Tôi thì không làm như vậy.
Lúc En- đru nhận được tấm ngân phiếu của Ai-vơ-ri, cũng lại qua đường bưu điện, thì có mặt Hem-tơn. Hai người bây giờ thường xuyên đến thăm nhau tại phòng khám của nhau. Hem-tơn đã nhanh chóng trả nợ En- đru bằng cách gửi đến cho En- đru một trường hợp viêm dạ dày khá ngon ăn đáp lại trường hợp viêm thanh quản hôm nọ. Cho đến nay, quả thực đã có nhiều bệnh nhân đã đi lại, kèm theo mấy chữ, giữa hai phòng khám ở phố Oen-bếch và phố Hoàng hậu An.
- Này, Men-sân này, mình rất mừng là cậu đã bỏ được cái tính câu nệ cổ hủ của cậu. Ngay bây giờ, thực đấy – Hem-tơn liếc nhìn tấm ngân phiếu qua vai En- đru – cậu cũng chưa biết vắt chanh hết nước đâu. Ông bạn ạ, bắt tay với mình rồi cậu sẽ được nếm những quả thơm ngon hơn.
En- đru không nhịn được cười.
Tối hôm ấy, trên đường về nhà, En- đru cảm thấy người lâng lâng khoai khoái khác thường. Hết thuốc, anh đỗ xe lại, vào một hiệu thuốc lá ở phố Oác-xphớt. Khi bước ra qua cửa, anh bỗng để ý đến một người đàn bà đang lảng vảng ở cửa hiệu bên cạnh. Người đó là Blốt- đoen Pây-giơ.
En- đru nhận ra mụ ngay, tuy mụ đã thay đổi nhiều, khác xa bà chủ lăng xăng ở Brin-gao- Ợ Mụ gầy đi, dáng người ủ rũ, và con mắt mụ ngước lên nhìn En- đru khi anh bước lại gần mụ hỏi chuyện thì thẫn thờ, chán nản.
- Bà Pây-giơ phải không? Hay đúng hơn bây giờ là bà Rít phải không? Bà không nhận ra tôi à? Bác sĩ Men-sân đây mà.
Mụ nhận ra bộ quần áo sang trọng của anh, vẻ làm ăn phát đạt của anh. Mụ thở dài:
- Tôi còn nhớ. Ông dạo này mạnh khỏe chứ? – Rồi như sợ phải nán lại lâu, mụ quay lại nhìn về chỗ cách đó vài ba thước, ở trên vỉa hè, có một người đàn ông cao cao hói trán đang sốt ruột đứng chờ. Mụ vội kết thúc, vẻ sợ sệt:
- Tôi xin phép. Nhà tôi đang đợi.
Nhìn theo mụ ta vội vã bỏ đi, En- đru thấy đôi môi mỏng dính của lão A-nơ-rin Rít động đậy trách móc “Làm gì thế, để tôi đứng chờ thế à?” trong khi mụ chỉ cúi đầu với vẻ phục tùng. En- đru cảm thấy con mắt lạnh lùng của lão quản lý ngân hàng ngây ra nhìn anh trong giây phút. Rồi cặp đó bước đi, chìm vào trong đám đông.
En- đru không xua được hình ảnh ấy khỏi đầu. Về đến nhà, bước vào phòng ngoài, anh thấy Cơ-ri-xtin đang ngồi đan, ấm trà của anh đã đặt sẵn trên khaỵ Nàng vừa mới bảo mang trà lên khi nghe tiếng xe anh về. En- đru liếc nhanh nhìn Cơ-ri-xtin thăm dò. Anh muốn kể lại cho nàng nghe cuộc gặp gỡ ban nãy, anh bỗng tha thiết muốn chấm dứt thời kỳ xích mích đi.
Nhưng khi En- đru cầm đến chén trà chưa kịp nói thì Cơ-ri-xtin đã từ tốn bảo anh:
- Chiều nay, bà Lo-rân-xơ lại gọi điện thoại hỏi anh. Bà ấy không nhắn gì.
- À - En- đru đỏ mặt – Em định nói gì với chữ “lại”?
- Đây là lần thứ tư bà ấy gọi điện thoại cho anh.
- Ừ, thì sao?
- Không sao. Em có nói gì đâu.
- Nhưng vẻ mặt của em ấy. Anh cấm được bà ấy gọi dây nói cho anh à?
Cơ-ri-xtin im lặng, đôi mắt cụp xuống nhìn mảnh len đang đan. Nếu như En- đru thấy được cơn bão táp trong lòng nàng dưới bề ngoài yên lặng ấy thì anh đã không nổi nóng thế này.
- Thái độ của em làm như em nghĩ anh là người hai vợ không bằng. Bà ấy là một phụ nữ hết sức tử tế. Chồng bà ấy lại là bạn thân của anh. Họ là những người lịch thiệp, duyên dáng. Đâu có vẻ như chó cụp tai thế này. Rõ khỉ.
En- đru húp vội nốt tách trà, đứng dậy. Nhưng khi ra khỏi phòng anh thấy ân hận. Anh bỏ vào phòng khám, châm thuốc hút, buồn rầu nghĩ đến quan hệ giữa anh và Cơ-ri-xtin ngày càng xấu đi. Anh không muốn để nó xấu thêm nữa. Sự xa cách ngày một lớn giữa hai người làm anh chán nản, bực dọc, nó là một đám mây đen trên bầu trời thắng lợi trong sáng của anh.
Hai vợ chồng đã có một thời kỳ hạnh phúc vô song sau ngày lấy nhau. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với Blốt- đoen Pây-giơ đã làm sống lại dồn dập những kỷ niệm êm đềm của những ngày tìm hiểu nhau ở Blây-nen-lị En- đru bây giờ không còn tôn thờ vợ như trước kia nhưng – rõ khỉ, đúng thế, anh vẫn yêu nàng. Có thể là gần đây, anh đã một đôi lần làm nàng bị tổn thương. Anh bỗng muốn giảng hoà với nàng, chiều chuộng nàng, làm lành với nàng. Anh mải mê suy nghĩ, bỗng ánh mắt anh sáng lên. Anh nhìn đồng hồ thấy còn đúng nửa giờ nữa thì cửa hàng Lo-ri- Ơ đóng cửa. Một phút sau, En- đru đã ngồi trong xe, lao đi gặp Ma-thơ Cơ-ram.
Khi biết được ý định của En- đru, Ma-thơ Cơ-ram sốt sắng phục vụ anh ngaỵ Hai người bàn bạc với nhau rất nghiêm nghị rồi đến gian bán hàng lông thú. En- đru được chỉ cho xem rất nhiều loại hàng. Ma-thơ Cơ-ram vuốt ve những bộ da lông với ngón tay nhà nghề, giới thiệu cái nước bóng, cái ánh bạc, những yếu tố mà những bộ da lông loại tốt cần phải có. Một đôi lần, Cơ-ram không tán thành ý kiến của En- đru, nghiêm trang chỉ ra cái nào là quý và cái nào là không quý. Cuối cùng, En- đru chọn được một loại mà Cơ-ram thành thật tán thành. Sau đó, Cơ-ram đi tìm cụ Uyn-sơ rồi trở lại ngay, hớn hở:
- Cụ Uyn-sơ bảo chỉ xin bác sĩ trả theo giá xuất xưởng – những từ như “giá vốn” không bao giờ đến làm ô uế đôi môi các cô gái bán hàng ở cửa hàng này – Như vậy tổng cộng năm mươi nhăm bảng. Bác sĩ cứ tin ở tôi. Hàng này quý lắm. Ánh lông rất đẹp. Bà nhà sẽ rất hãnh diện dùng nó.
Thứ bảy sau, vào mười một giờ trưa, En- đru đến lấy về chiếc hộp bìa màu lá cây sẫm có vẻ nhãn hiệu riêng không đâu bắt chước được của cửa hàng Lo-ri- Ơ ngoài nắp hộp. Anh đem ngay vào phòng khách.
- Cơ-ri-xtin, em lại đây một tí nào.
Cơ-ri-xtin đang ở trên gác cùng với chị Ben-nét dọn dẹp giường chiếu. Nàng vội xuống ngay, hơi thở gấp, con mắt hơi ngạc nhiên trước lời gọi này.
- Em xem này. – Bây giờ đến giây phút then chốt thì En- đru cảm thấy lúng túng, nghẹn cổ – Anh mua cái này cho em. Anh biết, anh biết chúng mình gần đây không thật hoà thuận với nhau. Nhưng cái này hẳn cho em thấy là… - En- đru nghẹn lại không nói được nữa, và như một chú học trò, anh đưa cho Cơ-ri-xtin chiếc hộp.
Cơ-ri-xtin mặt tái đi nhợt nhạt khi mở hộp. Tay nàng cởi nút mà cứ run bần bật.
Rồi nàng reo lên một tiếng nghẹn ngào:
- Ôi, bộ lông thú đẹp quá.
Gấp trong tờ giấy lụa là hai con sóc bạc, hai bộ da lông sóc đẹp mê hồn, khéo léo ghép lại thành một tấm liền. En- đru nhanh nhẹn cầm lên, vuốt vuốt như Ma-thơ Cơ-ram vuốt, giọng xúc động.
- Em có vừa ý không, Cơ-rít? Em thử quàng xem. Chính cô Cơ-ram tốt bụng đã giúp anh chọn đấy. Loại nhất. Không còn loại nào tốt hơn. Về giá cả cũng vậy. Em có thấy cái mặt bóng và cái ánh bạc này không… đó chính là những tiêu chuẩn cần phải chọn.
Nước mắt ràn rụa trên má, Cơ-ri-xtin quay lại với En- đru, cuồng nhiệt:
- Anh yêu em, có phải không, anh của em. Đó là cái quý duy nhất đối với em trên đời.
Được yên lòng rồi nàng mới quàng thử chiếc khăn lông thú. Quả là đẹp lộng lẫy.
En- đru ngắm nhìn chiếc khăn mãi không chán mắt. Anh muốn làm cho sự hoà giải được hoàn toàn. Mỉm cười anh nói:
- Em này, Cơ-rít, tiện đây, chúng mình có thể tổ chức một cái gì nho nhỏ để ăn mừng. Ta đi ăn hiệu nhé. Một giờ trưa, em đến gặp anh tại phòng tiệc nhỏ “Grin-rum” ở khách sạn Plađơ nhé.
- Vâng, anh… - nàng nửa như hỏi – Nhưng trưa nay, ở nhà, em đã làm món thịt băm khoai rồi, món anh vẫn thích…
- Thôi thôi. – Tiếng cười của En- đru vui nhất từ mấy tháng nay – Đừng có làm cô gái già rú rú ở nhà. Một giờ nhé. Em hãy đến gặp anh chàng hào hoa đẹp trai tóc đen tại khách sạn Plađơ nhé. Em không cần phải gài một bông cẩm chướng lên ngực làm ám hiệu đâu, anh chàng trông thấy chiếc khăn quàng lông sóc của em là nhân ra ngay.
Suốt buổi sáng, En- đru rất vui vẻ, hài lòng. Mình ngốc thật! Chẳn để ý gì đến nàng. Phụ nữ là muốn được chăm chút, chiều chuộng, muốn được đưa đi chỗ này chỗ nọ giải trí. Phòng tiệc thân mật “Grin-rum” ở khách sạn Plađơ là chỗ thích hợp nhất. Ở đó, từ một giờ đến ba giờ trưa là có thể gặp toàn thể Luân Đôn, hay nói cho đúng hơn là gặp hầu hết những con người đáng kể nhất của Luân Đôn.
Cơ-ri-xtin đến muộn, đó là một điều hiếm có, vì vậy En- đru hơi suốt ruột. Trong lúc ngồi đợi ở một hành lanh nhỏ, nhìn qua chiếc tường kính ngăn hành lang với phòng ăn, anh thấy tất cả những chỗ tốt nhất đều nhanh chónh có người đến ngồi. En- đru gọi một cốc Mác-ti-ni thứ hai. Mãi đến 1 giờ 20 mới thấy Cơ-ri-xtin vội vã đến, ngơ ngác vì tiếng ồn ào, vì đông người, vì những người hầu bàn ăn mặc quá chỉnh tề và vì trong nửa giờ qua nàng đã đứng nhầm phòng.
- Anh, em xin lỗi – Cơ-ri-xtin hổn hển. Em có hỏi thăm, rồi đợi, đợi mãi. Sau mới biết là đợi nhầm phòng ngồi chơi của khách sạn.
Hai người bị xếp vào ngồi ở một vị trí xoàng, một chiếc bàn kê sát cột, cạnh chỗ đưa thức ăn. Phòng ăn đông đến lố bịch, bàn nọ kê sát bàn kia đến nỗi khách ăn dường như ngồi lên lòng nhau. Các người hầu bàn đi lại như làm xiếc uốn dẻo. Không khí nóng nực như ở miền nhiệt đới. Tiếng huyên náo cứ tăng lên rồi lại dịu xuống như những tiếng hò hét ầm ĩ trong một trân thi đấu thể thao của học sinh.
- Nào, em ăn gì nào? – En- đru hỏi với giọng dứt khoát.
- Tùy anh gọi ạ. - Cơ-ri-xtin trả lời nhỏ nhẹ.
En- đru gọi một thực đơn nhiều món đắt tiền: trứng cá muối, súp “Quận công xứ Uên”, gà đánh sốt, măng tây, dâu ngâm đường. Cả một chai Líp-phrao-min năm 1929 nữa.
En- đru cười hềnh hệch, cố làm vui:
- Hồi ở Blây-nen-li, chẳng được thế này, em nhỉ. Không gì thích bằng được ăn tiêu thoải mái.
Cơ-ri-xtin cố thích ứng với tâm trạng của En- đrụ Nàng khen món trứng cá, cố gắng vượt bậc để thưởng thức món súp béo. Nàng làm ra vẻ chăm chú khi En- đru chỉ tay giới thiệu Glen Rốt-cô, nữ diễn viên điện ảnh, Ma-vi lóoc-sơ, một phụ nữ Mỹ nổi tiếng vì đã có sáu đời chồng, và những khách giang hồ, những tay chơi tiếng tăm không kém. Sự sang trọng thô bỉ của nơi này làm Cơ-ri-xtin thấy ghê người. Đàn ông thì ăn mặc quá bảnh bao, mái tóc quá bóng mượt. Người đàn bà nào mà nàng gặp cũng đều tóc vàng hoe, mặc đồ đen, phấn son kệch cỡm, lạnh lùng đanh đá.
Cơ-ri-xtin bỗng cảm thấy hơi choáng váng. Nàng bắt đầu mất bình tĩnh. Thường ngày, nàng có phong cách mộc mạc, tự nhiên. Nhưng thời gian gần đây, thần kinh của nàng bị căng thẳng quá nhiều. Nàng dần dần nhận thức được sự chênh lệch giữa chiếc khăn quàng lông thú mới với chiếc áo rẻ tiền cũ của nàng. Nàng cảm thấy những phụ nữ khác nhìn nàng chằm chằm. Nàng biết sự có mặt của nàng ở đây là lạc lõng, như một bông hoa đồng nội lạc vào một căn nhà kính trồng lan.
- Sao thế? Em không thích à? – En- đru đột ngột hỏi.
- Ô, có chứ. – Nàng chống chế, gắng mỉm cười yếu ớt. Nhưng môi nàng bây giờ cứng đờ. Nàng gần như không nuốt trôi được chứ chưa nói gì đến thưởng thức món gà phết đầy kem trước mặt.
En- đru làu bàu:
- Em chẳng nghe anh nói gì cả. Em cũng chẳng đụng đến rượu nữa. Rõ khỉ! Khi người ta đưa vợ đi ăn hiệu…
- Cho em xin ít nước. – Nàng hỏi nhỏ. Nàng chỉ muốn la lên. Nàng không hợp với một chỗ như chỗ này. Tóc nàng không được tẩy bạc thành màu bạch kim, mặt nàng không phết phấn son, không lấy làm lạ là đều cả những người hầu bàn cũng nhìn nàng. Nàng luống cuống gắp một cọng măng tây đưa lên miệng, bỗng đầu cọng măng gãy ra, rơi xuống bàn làm bắn đầy nước sốt vào chiếc khăn da sóc.
Người đàn bà tóc vàng nhạt như bạc ngồi ở bàn bên nhìn sang người bạn cùng bàn với nụ cười thích thú. En- đru thấy nụ cười đó. Anh mất hết ý muốn cố làm vui. Bữa ăn kết thúc trong một không khí im lặng ảm đạm.
Hai người đi về nhà với một vẻ còn ảm đạm hơn. Rồi En- đru lại vội đi thăm bệnh nhân. Hai người xa cách nhau hơn bao giờ. Cơ-ri-xtin đã bắt đầu mất hết tự tin, nàng tự hỏi nàng có thực là người vợ thích hợp với En- đru hay không. Tối hôm ấy, Cơ-ri-xtin vòng tay ôm cổ En- đru, hôn anh và cảm ơn anh một lần nữa về bộ lông sóc và bữa ăn hiệu.
- Anh mừng là em bằng lòng! – En- đru bình thản nói rồi vào phòng riêng của mình.