Chương 3

Tuần nào Ngạc cũng đến thăm Vy, thường là vào buổi chiều thứ 5 hay tối thứ 7. Nếu không chàng cũng gọi điện thoại cho Vy
Tuy bố mẹ để Ngạc đến Vy tự do nhưng hình như ông bà không muốn cho Vy đi chơi riêng với Ngạc. Mẹ luôn luôn nói “nhỡ họ hàng trông thấy, nhỡ có sự thân mật quá trớn”, còn nhiều “cái nhỡ” khác rất buồn cười và bực bội. Nhưng hình như sự cấm đoán chỉ là 1 hình thức, không khác, và bố mẹ có lẽ cũng đoán được là Ngạc có thể đón Vy ở trường rất dễ dàng.
Vào 1 buổi sáng, bố mẹ và Vy đang sửa soạn ăn điểm tâm thì mẹ hỏi:
- Thằng Ngạc nó để ý con phải không?
Vy quay lại nhìn mẹ,thế nào là “để ý”? Tại sao nàng và Ngạc chưa hề nói 1 lời âu yếm hay 1 cử chỉ thầm kín nào. Có phải tình yêu nở ra như 1 đóa hoa, không dấu được hương sắc, có phải thế không? Vy mỉm cười:
- Con để ý nó, chứ
Mẹ ngẩng đầu lên, từ nãy đến giờ bà lúi húi pha café cho bố:
- Ðã đi chơi với nhau lần nào chưa?
Vy liếc vào trong gương, nàng vuốt khẽ mái tóc và muốn kể cho mẹ nghe những lần đi chơi vui vẻ của 2 người. Nhưng Vy mỉm cười, nàng nói dối:
- Chưa, mẹ
Mẹ bỏ đường vào café và ngoáy cho tan, tiếng thìa chạm vào ly nghe lanh canh và tiếng mẹ hình như theo nhịp đó:
- Mẹ mong cho chúng mày chỉ chơi với tư cách bạn bè thôi
Tự dưng Vy chạnh lòng, cái tình bạn đó đôi khi thật mơ hồ và giả tạo nhưng đôi khi cũng thật đúng nghĩa, nó “hợp thức hóa” sự liên lạc giữa Vy và Ngạc. Vy đi lại gần mẹ, nàng nhỏ nhẹ hỏi:
- Sao mẹ lại mong thế?
- Mẹ thấy nó chỉ có thể là bạn của con thôi
- Cái “có thể” là làm sao, Mẹ?
Mẹ yên lặng giây phút, bà mở tủ lấy hộp bánh rồi hỏi:
- Nó có thể đợi con được không?
Vy ngơ ngác, nàng chẳng hiểu mẹ muốn nói gì, đánh nhẽ câu đó phải đặt ra cho nàng vì Ngạc còn trong tuổi lính và cuối năm nay dù đậu hay trượt chàng cũng phải “lên đường”, thời buổi này cái viễn ảnh chàng được giải ngũ để đi làm có 1 đồng lương khá hơn, để có thể cưới nàng làm vợ thật là quá xa xôi. Vy bình tỉnh hỏi mẹ:
- Tại sao Ngạc phải đợi con?
Mẹ bưng café ra bàn cho bố, bà ngồi xuống 1 cái ghế đối diện bố, và nói:
- Bố mẹ cũng định hỏi ý kiến con...
Vy đi lại gần, bố rời những tờ báo buổi sáng và mỉm cười nói với Vy:
- Chú Diễm con viết thư về nói bố mẹ cho Vy qua đó học về beauté
Vy bàng hoàng tin đó như 1 tin “đùa vui” đối với nàng, “qua đó” tức là qua Mỹ nơi chú Diễm – em bố nàng – đã ở từ 10 năm nay, chú làm kỹ sư cho 1 hãng xe hơi, có vợ 2 con, đời sống rất sung túc nên chú mới nảy ra cái “tin vui” đó
Thấy Vy lặng thinh, mẹ nhắc:
- Con nghĩ sao?
Vy mỉm cười, nàng không hiểu cái tri giác về 1 tình yêu đang tới có xác thực không? Nhưng đối với nàng hiện tại, sự xa rời Ngạc là điều nàng chưa hề nghĩ tới. Chẳng có cái gì có thể đặt vấn đề đó ra cho nàng ngay cả cái tin du học mà Vy chẳng hề bao giờ ôm mộng. Dĩ nhiên nàng cũng mơ đi du lịch ở ngoại quốc trong 1 thời gian vài 3 tháng nhưng bảo sống ở đó hàng năm trời dù là để học Vy cũng không tưởng tượng nỗi. Do đó Vy trả lời:
- Con không thích đi Mỹ đâu
Bố gật đầu:
- Bố cũng muốn con đi Nhật, học beauté ở Nhật có lẽ hay hơn
Mẹ nói:
- Qua Mỹ thì đỡ tốn hơn, có chú Diễm lo hết
Bố nói với mẹ:
- Mình chỉ có Vy là gái, thằng Nghi đã lớn lại sắp cưới vợ, còn đứa nào phải nuôi nữa đâu mà bà lo tốn
- Không, ấy là nói thế, nhờ chú Diễm bao giờ cũng hơn, chú ấy trông nom săn sóc nó
- Ở bên Nhật mình cũng có người quen, ông bà Hoàng Văn Vinh đấy, bà quên à?
- Quên thế nào được, bà Vinh mới về VN tết vừa rồi chứ gì?
Vy mặc cho bố mẹ bàn chuyện, nàng đi lấy cho mình 1 ly nước cam rồi trở lại bàn, ăn xong 1 miếng bánh mì nướng, nàng nói:
- Bố mẹ đừng bàn mất công, con cũng không đi Nhật đâu
Bố dịu dàng, hỏi:
- Con muốn đi nước nào?
Không muốn nhìn nét mặt hớn hở của bố, Vy đáp:
- Con ở nhà học Luật
Bố hơi nhìn xuống ly café, mẹ liếc Vy nhưng không nói gì, 1 lát thật lâu bố ăn xong bữa điểm tâm rồi nói, giọng ông khít khao, cái tật của ông là vậy, bình thường rất dễ dãi nuông chìu con cái nhưng khi đã có điều gì phật ý, ông tỏ ý khó chịu hơn bất cứ người cha nào:
- Vy suy nghĩ kỹ đi, tương lai của con không phải là 1 chuyện đùa đâu
Vỹ cãi:
- Con thành thật muốn ở nhà học Luật, con không chết đói đâu bố đừng lo
Bố “sì” 1 tiếng thật mạnh:
- Con cái nhà này không bao giờ nghe bố mẹ nói
Vy thấy khó thở, nàng muốn thoát khỏi sự kềm chế ít ra là trong lúc này, Vy nói:
- Con vẫn nghe bố mẹ nhưng bố đừng bắt con học cái ngành không thích hợp với con chút nào
- Mày thích ngành gì?
- Con không thích ngành gì cả
Bố gắt:
- Thế tại sao mày ghi danh vào Luật? À! Có phải cái thằng chết tiệt nó vẫn đến đây phải không?
Dù không tự ái chút nào trước lời bố mắng, nhưng Vy cảm thấy không thể chấp nhận thái độ của bố, Vy buồn phiền, nàng hỏi:
- Tại sao bố lại nhắc đến Ngạc?
- Vì nó mà mày không chịu đi ngoại quốc học phải không?
- Con mới quen Ngạc có 4,5 tháng con nghĩ là không có chuyện đó
Mẹ xen vào:
- Ông sao mà cứ hay nóng nảy, để từ từ xem sao, việc đột ngột như thế mà ông bảo nó bằng lòng ngay được à?
- Nó phải bằng lòng, hỏi đứa nào có hoàn cảnh may mắn hơn nó nữa chứ?
Vy muốn khóc nàng thầm cám ơn mẹ, đối với bố chỉ có sự chấp nhận không có sự lựa chọn. Và sở dĩ nó mãnh liệt bởi vì đó là quan niệm “tình thương” dành cho con cái của riêng ông. Có tiếng chuông điện thoại reo. Vy lo sợ, nhỡ Ngạc gọi cho nàng lúc này thì thật khó xử. Bố đi lại cầm ống nghe rồi đưa cho Vy, Vy lạnh toát cả người, bố nói:
- Thằng Ngạc nó gọi
- Bố nói con đi vắng
- Ra mà nói với nó
Vy đỡ lấy ống nghe, bố vẫn giữ nguyên nét mặt nặng nề bước ra khỏi phòng, Vy thở phào, nàng biết bố ra xe để đến sở làm việc, Vy áp ống nghe lên tai, nàng gọi nhỏ:
- Ngạc đó hả?
- Ừ
- Tại sao gọi sớm thế, không sợ bố em la sao?
- Hồi nãy nghe giọng bố anh đã định gác rồi nhưng đành liều 1 phen
- Bố vừa nói anh là “thằng chết tiệt”
- Tại sao?
- Bố nói vì Ngạc mà em không chịu đi ngoại quốc học
- Nước nào?
- Mỹ hay Nhật gì đó
- Học cái gì?
- Về beauté
- Em nói sao?
- Em nói em thích học Luật, thực sự em không thể sống ở ngoại quốc lâu được
- Thời gian học bao lâu?
- Tối thiểu cũng phải 4 năm
Giọng Ngạc trầm xuống:
- 4 năm thật ngắn Vy ạ
- Em có bảo với anh là dài đâu. Nhưng sao anh lại nói thế?
- Vì tương lai của em, em hãy suy nghĩ đi
- Ở đây không có tương lai à? Em không đi đâu hết
- Vy, anh không muốn nói thế, dĩ nhiên nếu em đi chúng ta phải tạm biệt 1 thời gian
- Thế tại sao anh còn xúi em?
- Anh thấy đó cũng là 1 ngành học rất hay
- Mai mốt sẽ có nhiều tiền?
- Nếu Vy nghĩ như thế thì cũng đúng
- Ngạc
- Gì? Vy
- Bỏ chuyện đó đi. Em hết tuổi học rồi
Ngạc cười:
- Anh cũng vậy
- Chẳng hiểu học để làm gì? Em chỉ muốn đi chơi
- Vy
- Dạ
- Vy ngoan quá, Vy đang làm gì đó?
- Ăn sáng
- Có 1 phim mới đổi ở Rex, Vy đi không?
- Phim gì?
- La valse dans l’ombre
- Ờ, em cũng định đi xem phim đó, anh dễ thương ghê
- Nhưng anh đón Vy ở đâu?
- Ừ nhỉ!
- Sáng nay Vy có giờ học không?
- Không
- Cách nào hở Vy
- Anh chịu khó đứng ở đầu phố nhé, em sửa soạn sẵn, anh đến em chạy ra liền
- Làm sao Vy thấy anh?
- Em leo lên sân thượng sẽ nhìn thấy anh
- Ðược rồi, chiều nay nhé Vy, 4 giờ
- Bái bai anh
Ðặt ống nghe xuống, Vy quay lại bàn ăn, mẹ hỏi:
- Chuyện gì mà lắm thế?
- Ngạc khuyên con nên đi ngoại quốc
- Thế à, chưa chi bố mà đã đổ lỗi cho nó
- Nhưng con nhất quyết không đi đâu
- Mày phản đối cái gì?
- Ðâu có gì, mẹ, nhưng tự nhiên con không thích
- Hay là học ngành khác
- Thôi mẹ, con hết muốn học rồi
- Nói hay nhỉ? Không học thì làm cái gì?
- Nói thế chứ, vẫn phải học, mẹ cứ để con từ từ
Mẹ buồn rầu nhìn Vy:
- Mày có nhiều cái chẳng ra làm sao cả
Vy chớp mắt, nàng dịu dàng nói:
- Ðiều con ước muốn thật giản dị, điều con suy nghĩ cũng rất giản dị
Mẹ da diết:
- Tao biết rồi, mà với thằng Nghi là như nhau mà, đứa nào cũng tưởng chỉ cần mỗi tháng mấy ngàn đồng lương là đủ sống. Rồi đau ốm, chuyện này chuyện kia, như thằng Nghi bây giờ mới mở mắt ra, hỏi nó sắp sửa lấy vợ thì ai bỏ tiền ra?
Vy biết là bố mẹ muốn giữ nàng ở mãi lãnh vực giàu có sung túc này, những cố gắng trong việc làm ăn của bố cũng chỉ có mục đích đó. Vy biết ơn bố mẹ nhưng nàng luôn thờ ơ với những điều đó. Nàng không đặt vấn đề đời sống vật chất hay tinh thần, tiền, danh vọng, sự nghèo đói, khốn khổ đối với nàng cũng có thể gây nên những đau đớn tương tự. Nàng hiểu rõ đời sống có nhiều khuôn mặt, thay đổi và quay tròn, nếu nàng đứng lại, khoai thai và vững lòng bên cái giòng đảo điên đó, mọi sự sẽ vang dội muôn ngàn tiếng cười của 1 trò đùa thẳng tay mà kẻ chủ mưu thật mãnh liệt, thật vô hình ẩn náu trong từng mạch sống. Nàng chẳng coi trọng điều gì, chẳng coi khinh điều gì, những cái đó không nằm trong óc nàng, nàng sống thật giản dị theo tiếng gọi của chính lòng mình, những lúc đó tâm hồn và trí óc nàng hòa hợp nhau, tình cờ nhưng đồng điệu. Nàng nói:
- Ðáng lẽ mẹ phải mừng cho chúng con, quan niệm như thế thật là dễ sống
- Dễ sống, đấy thằng anh của mày đấy, bảo phải lo làm, lo ăn, lo ngoại giao để còn quen biết người này, người nọ... lúc nào cũng như trẻ con, chỉ tếu suốt ngày
Vy bênh anh, nàng bào chữa:
- Mẹ nói, anh Nghi cũng tốt nghiệp Ðại Học, cũng đi làm như mọi người vậy, tại anh ấy thích sống bình thản
- Bình thản cái gì, miễn là đừng bon chen lừa lọc thì thôi chứ cũng phải biết tháo vát xoay xở chạy đầu này đầu kia với người ta
- Anh ấy không thấy hứng thú khi làm như thế thì sao mẹ?
- Thế mới có chuyện, rõ chán, tao với bố mày không biết ăn cái gì mà con cái thật khó dạy, bố mẹ đầu tắt mặt tối làm ăn, con thì cứ ngơ ngơ như mới 3,4 tuổi
Vy phì cười, nàng ôm vai mẹ:
- Con có hư gì đâu?
- Hừ, có hư gì đâu, mày mà còn ăn chay nữa bố mày “ổng” đập hết xì dầu với muối lạc cho mà xem
Vy chán nản áp đầu vào tóc mẹ, nàng muốn bố mẹ ghét nàng đi 1 tí thì có lẽ
Vy được tự do hơn.
- Hết tuần này con không ăn chay nừa
Mẹ đẩy Vy ra, bà mắng yêu:
- Tao khổ vì 2 anh em mày, thằng Nghi đâu? Giờ này ngủ vẫn chưa dậy
Vy hét vọng lên lầu:
- Má kêu anh Nghi kìa
Vy nghe mẹ lẩm bẩm:
- Ði làm thì 9 giờ mới đi, chẳng bù cho bố sáng nào cũng đi đều đều 7 giờ rưỡi
- Hôm qua anh ấy trực nên về muộn mà mẹ
- Mày lên gọi nó dậy đi
- Sao ngày xưa mẹ không cho ảnh đi ngoại quốc cho xong
- Cũng định nhưng nó kẹt lính, lính tráng gì tối ngày ở Saigon
Vy đi lên lầu gọi Nghi, vừa đi vừa nói:
- Mẹ “chạy” cho ảnh ở Saigon rồi mẹ còn than
Mẹ đáp thật “hữu lý”:
- Việc chạy vẫn chạy, than vẫn than
Buổi chiều, gần 4 giờ Vy đang sữa soạn để đi ciné với Ngạc thì bố về, Vy chào:
- Hôm nay bố về sớm!
Thâm tâm nàng mong bố sẽ đi ngay bởi vì nếu bố ở nhà không thể nào Vy ra được với Ngạc. Bố có thói quen là hễ ngày nào có “chuyện” là ngày đó Vy phải ở nhà, không được “vác cái mặt bơ bơ đi chơi”. Vì thế Vy ái ngại, nàng hồi hộp xem bố có định cởi giày thay quần áo ở nhà hay không? Vy liếc nhìn bố, nàng thất vọng khi thấy ông đi lên lầu trở vào phòng riêng, Vy chán nản chạy ra phòng khách, nàng hỏi mẹ:
- Mẹ mua gì không? Con muốn đi Saigon có tí việc
Mẹ đáp, bà đang ngồi xem báo:
- Không, chẳng mua gì cả
Vy xin:
- Con đi 1 tí nghe, đến tối về
Mẹ rời tờ báo, lườm Vy:
- 1 tí mà lại tối về?
Vy cười:
- Hễ bố hỏi con, mẹ đỡ nhé
- Tao chẳng biết đâu, bố mày mà la, 10 tao đỡ cũng chẳng được
Vy than:
- Sao mẹ không đẻ thêm 1 đứa nữa, 1 mình con bố cứ chú ý hoài
Mẹ tiếp tục coi báo, trả lời:
- Chú ý thế mà chẳng ra đâu vào đâu
- Lúc nào mẹ cũng có sẵn 1 câu để mắng con, con thuộc hết rồi
- Ờ, nói với bố mày thế, ổng trả lời cho
Băn khoăn mãi, Vy hỏi:
- Sao hôm nay bố về sớm quá mẹ nhỉ?
- Chắc lại tiệc tùng gì ở sở chứ gì
Vy chép miệng theo kiểu mấy bà già:
- Nếu có tiệc thì bố đã dặn trước
Mẹ rời tờ báo nói với Vy:
- Thử lên hỏi xem chiều nay bố có ăn cơm nhà không?
Vy nghe lời mẹ lên cầu thang, nàng dừng lại hỏi:
- Bố giận hay sao mà chẳng nói gì với mẹ hết?
Mẹ cười nhẹ nhàng:
- Tại mày hết đấy, con ạ, mày bướng bỉnh thì bố mày lại quay qua tao
Vy nghiêng đầu, trêu mẹ:
- Tại con gì, nhờ con bố mẹ mới có dịp làm nũng với nhau chứ
Mẹ mắng theo thói quen:
- Bố mày
Vy cười, nàng rụt cổ chạy vút lên phòng bố, 5 phút sau trở xuống Vy hét sung sướng:
- Bố không ăn cơm nhà, bố hỏi cái cà vát mới toanh của bố, mẹ để đâu?
- Vẫn còn để ở hộp trong ngăn kéo mẹ chưa treo vào tủ đâu
Thế là yên trí, bố không ở nhà “cản mũi” rồi, Vy vào phòng “tán” bố:
- Mấy giờ bố về hả bố?
Bố lừng khừng đáp:
- 9 giờ
Vy không nản, nàng nhắc:
- Gần 4 giờ rồi đó bố
- Ừ
Sau khi nói thêm vài câu “ngây thơ” nữa cho bố khỏi nghi, VY trở vào phòng sửa soạn hoa loa, nàng cảm thấy sốt ruột. Rồi thật mau, Vy leo lên sân thượng ở trên tầng thứ 5 cũng là tầng cuối cùng nhìn xuống con đường Hai Bà Trưng nhộp nhịp xe cộ, Vy bám vào lan can kiễng chân nhìn về phía đèn đầu đường Trần Quang Khải, Ngạc đã đứng tự bao giờ, chàng mặc chiếc áo màu xám, chàng đang hút thuốc, Vy muốn vẫy Ngạc nhưng làm thế nào để chàng nhìn thấy, tuy 2 người cách nhau không xa lắm nhưng Ngạc không chịu ngước lên sân thượng nhà Vy. Bực mình Vy leo lên bờ tường, gió thật mạnh ở trên cao hất tung tóc và áo nàng, Vy muốn bay luôn theo gió để rơi xuống yên xe với Ngạc, 1 tưởng tượng thật êm đềm kéo lan cảm giác trong Vy, Vy bồi hồi cảm động, Ngạc, sao lại có cái vẻ cô đơn đáng yêu đến thế? Vy gọi thầm:
- Ngạc ơi....
Bất ngờ chàng ngửng lên, Vy đưa tay vẫy, Ngạc nhận ra cũng dơ cao điếu
thuốc lên chào Vy, những cơn gió “chịu chơi”, từ 2 bàn tay bay ùa đến gần nhau cuống quít. Vy ra dấu bảo Ngạc đợi, rồi nàng nhảy xuống bật thềm, chạy bay xuống nhà xem bố đã đi chưa? Vy gặp bố mẹ ở phòng khách, bố nói với mẹ là 10 giờ đêm bố mới về, nấp ở thành cầu thang Vy không muốn bố nhìn thấy nàng mặc áo dài đàng hoàng bố sẽ hỏi “đi đâu” thì thật nan giải. Ðợi xe của bố đi thật xa, Vy chạy lại gần mẹ nũng nịu:
- Con đi 1 tí mẹ nhé
- 10 giờ bố mày về đấy
- Con đi đến 9 giờ 30 phút thôi
Mẹ mỉa mai Vy:
- 10 giờ kém 5 hãy về
Vy cười:
- Con phòng hờ thế chứ, nếu bố về sớm bất ngờ, mẹ che chở con nhé
- Mẹ không biết che chở
- Thì bố về giờ nào mẹ nói con vừa đi giờ đó, nhé
- Nhưng đi đâu?
- Con lại đằng Thảo ăn sinh nhật
- Liệu mà về đấy
- Vâng, con đi nghe
Vy chạy ra khỏi nhà như con chim bay ra khỏi tổ, nỗi hân hoan trên những ngón chân mềm mại luồn trong đôi dép mỏng quai trắng, ông cảnh sát ở đầu phố nhìn theo Vy ngạc nhiên. Băng qua đường đến bên Ngạc, lúc đó Ngạc đang lúi húi châm 1 điếu thuốc nên không để ý, Vy thấy ánh lửa đang phản chiếu lên 2 má Ngạc hồng hào, Vy yêu thích, nàng gọi:
- Ngạc!
Ngạc ngẩng lên nhìn thấy Vy, mắt chàng lim dim khói thuốc:
- Vy có biết anh hút bao nhiêu điếu rồi không?
Vy cười:
- Biết chứ nhưng phải đợi bố đi xong đã
- Bố còn mắng anh không?
- Làm gì có chuyện đó
- Anh hiền chứ, Vy nhỉ?
- Ừ, cả 2 đứa mình cùng hiền
Hít thêm 1 hơi thuốc, rồi vứt xuống đất, Ngạc mỉm cười:
- Thôi đi chứ? Mời người lên xe...
Vy leo lên ngồi phía sau Ngạc, nàng nói đùa:
- Về miền quá khứ...
- Vy thích Phạm Duy không?
- Cũng thích
- Bài gì có cái câu đó nhỉ?
- “Nghìn trùng xa cách”
- Ai chẳng có 1 lần cảm thấy xa cách nghìn trùng, đúng không Vy?
Vy lặng thinh không trả lời Ngạc, tại sao lại bàn đến điều đó trong khi từ trực giác của mỗi người, họ thấy rằng họ đang “để ý” nhau. Ngạc cho xe xuôi xuống Saigon, buổi chiều đã bắt đầu có gió mát, cả 2 cứ lặng thinh như thế, đến đường Tự Do Ngạc quay lại, mặt chàng gần sát mặt Vy:
- Nhìn Vy đứng trên sân thượng lúc nãy, Vy biết anh nghĩ đến gì không?
- Không
- Anh thấy sự xa cách giữa 2 độ cao, khó xử và nan giải hơn sự xa cách của 2 độ dài
Vy dùng 1 ngón tay ấn khẽ vào lưng Ngạc:
- Nói cái gì mà lẩm cẩm thế Ngạc?
- Anh muốn nói nhìn Vy ở trên cao giống như 1 điều ước màu trắng
Vy cười:
- Có điều ước màu đen nữa sao?
- Anh không rõ, nhưng điều ước màu trắng là cái không thành sự thật
Vy chạnh lòng, nàng nói đùa:
- Em giống ma lắm sao?
Ngạc vòng 1 tay ra sau nắm lấy tay Vy, xiết nhẹ, chàng trầm ngâm đáp:
- Không, Vy giống như 1 con chim sắp bay, bay thật xa...
- Ðâu có, thì em bay ra đây với Ngạc
- Cám ơn, Vy
- Sao hôm nay mình nói chuyện kỳ cục quá
Vy trách như vậy và nàng rút tay ra khỏi tay Ngạc, Ngạc gọi khẽ:
- Vy ạ
- Gì cơ anh?
Vy đáp như thế và nàng mông lung trong những trạng thái thật khó diễn tả - có phải việc bố bắt Vy đi học xa đã làm cho Ngạc buồn hay không? Vy cảm thấy yêu mến Ngạc vô cùng, người bạn trai đầu tiên và có thể cũng là người mang đến cho nàng mối tình đầu tuyệt diệu – Vy ngắm sợi tóc dài của Ngạc, chúng ngoan ngoãn ép sát vào gáy của chàng, sạch sẽ và toát 1 mùi hương của riêng Ngạc như mùi của lá non trong khu vườn mùa mưa. Vy hỏi đùa, nàng không muốn những giờ phút của 2 người trôi qua 1 cách buồn bã như thế
- Ngạc để tóc dài không sợ lính bắt sao?
Ngạc cười đáp:
- Ðâu có dài lắm, Vy
- Bao giờ búi được mới dài hay sao?
- Ừ
- Ngạc bướng lắm
- Vy thích anh cắt tóc hay sao?
- Không, nhưng đừng dài quá
- Bao giờ Vy đi anh sẽ cạo trọc luôn
Vy đoán không lầm, Ngạc tưởng là Vy sẽ đi học xa, Vy hỏi lại:
- Ði đâu?
Trong thâm tâm Vy cảm động và thích thú khi thấy Ngạc để ý, bận tâm quá nhiều về mình. Không thấy Ngạc trả lời, Vy hỏi lại:
- Ði đâu hở Ngạc?
Ngạc cười, chàng cho xe chạy nhanh hơn:
- Anh không biết nhưng giờ thì đi ciné
Tự dưng Vy ứa nước mắt trước những cử chỉ che dấu xúc cảm của Ngạc, Vy nói thật dịu dàng:
- Em không đi đâu hết ngoài đi ciné với anh. Ngạc tin không?
- Vy nói gì anh cũng tin
Ðến Saigon sau khi gửi xe, 2 người đi bộ đến Rex, Ngạc nắm tay Vy, buổi chiều ở thành phố thật êm đềm như cảm giác giữa 2 bàn tay của những người sắp sửa yêu nhau.