Phê Bình nghệ thuật
Tựa

Sắp xếp lại một số bài viết trong khoảng mười năm để in tập tiểu luận phê bình, tôi rất phân vân.
Những bài viết tản mạn, không có "hệ thống", lựa chọn như thế nào? Phân loại thế nào? Theo "tiêu chuẩn" gì? Ðó là những câu hỏi không dễ giải đáp. Sau cùng, tính cách tản mạn, phi hệ thống, phá tiêu chuẩn đã được giữ lại như một hình thức sóng tự do giao thoa trong từ trường nghệ thuật.
Ðây là những bài viết đánh dấu những gặp gỡ của một cá nhân với một tác phẩm. "Tác phẩm" có thể là một bức tranh, một bài hát, một truyện ngắn, một cuốn phim, một truyện dài, một bài thơ... mà cũng có thể là một người. Những gặp gỡ ấy dàn trải và mở rộng trong không gian và thời gian, không phân biệt giới tuyến trong, ngoài, không phân cách kẻ trước, người sau, và cũng không phân chia địa hạt và hình thức biểu lộ nghệ thuật. Chúng ghi lại những xúc động, những cảm nhận, những suy tư... của một người trong khoảnh khắc ngắn ngủi hay lâu dài "sống chung" với một "tác phẩm".
Phê bình có thể xem như là một sáng tác gián tiếp cộng sinh và tạo sinh: Sáng tác từ một tác phẩm, sáng tác từ một cái khác, cái khác tôi, từ cái ngoài tôi. Khác với sáng tác của nhà văn: Sáng tác trực tiếp, từ bản thân, từ tôi, từ cái trong tôi.
Phê bình gần gụi với tình yêu ở chỗ tìm đến với cái khác, kẻ khác. Người ta có thể sống với một người những giây phút hoàn toàn khác nhau. Sống với nghệ thuật cũng vậy. Tuổi 13 không đọc Tây Du như tuổi 50. Hà Nội không đọc Nguyễn Huy Thiệp như Paris. Sự cảm nhận một tác phẩm tùy thuộc môi trường, bối cảnh, thời đại và cũng tùy thuộc trạng thái tâm linh cùng thể xác con người. Ở đâu có gặp gỡ là ở đấy có thể có phê bình.
Những bài viết trong tập sách nhỏ này, trải dài từ 1988 đến 1998. Mười năm. Một chặng đi qua. Chính bản thân người viết cũng chuyển biến trong tư tưởng, trong kinh nghiệm sống và viết, và bối cảnh xung quanh, từ chính trị đến xã hội cũng đã đổi thay.
In lại những bài viết cũ, là một cách nhìn lại đoạn đường đã đi, kiểm điểm lại ảnh hưởng thời gian trên không gian suy tưởng, ảnh hưởng thời gian trên những sôi động thực tế đời sống, thực tế môi trường.
Cảm nhận nghệ thuật xuất phát từ máu thịt của nội tâm, một cuộc tranh luận vô ngôn giữa bản thân và ngôn ngữ nghệ thuật. Một tình yêu. Một cách nói chuyện lặng thinh giữa hai đối tượng, nhưng vô cùng hào hứng và có khả năng mở cửa vào những đối thoại khác, những chia sẻ khác, khai sinh những tư tưởng khác, nơi chân trời khác.
Maurice Blanchot(1) nói đến cái vâng dạ nhẹ nhàng, ngây thơ của việc đọc (le oui léger, innocent de la lecture). Ðọc văn chương không thuần nhất chỉ để hiểu, mà còn ra ngoài, vượt trên sự hiểu. Ðọc, cũng không hẳn là kêu gọi mọi người tìm đến một khám phá mới mẻ và duy nhất về tác phẩm. Nếu có sự mời gọi, thì đây là sự mời gọi âm thầm, lặng lẽ đến từ tác phẩm. Ngay khi tác phẩm mở ra một chân trời khốc liệt, bạo tàn, người đọc cũng tham dự vào môi trường khốc liệt ấy một cách từ tốn, lặng lẽ: bình yên hóa những vô độ, cái vâng dạ thầm lặng là trọng tâm của tất cả mọi vần vũ cuồng phong, dông tố.
Và chính tiếng gọi tự do và lời đáp vâng dạ, nhẹ nhàng, âm thầm, tuyệt diệu và trinh trắng ấy là bản chất của việc đọc.

Paris ngày 24-3-1998

Thụy Khuê
Chú thích
1 L'espace littéraire, Maurice Blanchot, Gallimard 1955.