Phê Bình nghệ thuật
Bé Ký, nỗi hoài nhớ niềm vui đã khuất

Văn chương và hội họa là những nghệ thuật bắt nguồn bằng nét (dessin). Chữ viết khởi từ nét, ngay trong cách viết chữ nho, người ta đã muốn vẽ vũ trụ và con người qua ngôn ngữ. Cho nên, chúng ta không nói quá, khi cho rằng chính dessin mới là nguồn của văn chương và hội họa.
Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký -như cái tên lựa chọn có ý tiên định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naĩf) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt.
Nếu biết rõ dessin là gì, thì sẽ thấy sự lựa chọn này không dễ dàng, bởi con đường đơn giản bao giờ cũng là con đường khó khăn. Văn mà đạt tới mức không rườm là khó. Vẽ mà đạt tới mức giản dị tối đa không dễ.
  Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Ðây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ; cũng như trong văn, ý nọ sọ ý kia, ý trước "đẻ" ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại: Trước khi vẽ, bức tranh đã phải "xong" rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.
Tính chất này của hội họa còn gọi là ngẫu hứng hoặc trực giác, mà cũng là thiền: Trực giác định hình, khi người nghệ sĩ thấy được "ánh sáng", "ngộ" rồi thì họ hoàn thành tác phẩm. "Ánh sáng" ấy là chất liệu, là nguồn cội của ký họa.
  Trong thế giới hội họa của Bé Ký, nhân vật, động vật và tĩnh vật, rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà... tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp sơn màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi.
  Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành; cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình. Quê mùa như thơ Nguyễn Bính, thế giới người, đồ vật và sinh vật của Bé Ký, hòa hợp với nhau, chung sống với nhau trong khung cảnh điền dã, giản dị, nghèo nàn, sinh động và hạnh phúc.
Người xem tìm thấy nguồn vui tự tại trong tranh, kèm nỗi nhớ nhung vô bờ và nỗi buồn man mác, về những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại.
Người Việt phần đông thích tranh Bé Ký, treo tranh Bé Ký, nhưng có mấy ai tìm thấy ở mỗi bức họa của Bé Ký, là một mất mát của con người. Chúng ta bán tuổi thơ đi để mua tuổi già, phá thiên nhiên, đổi thôn quê để chuốc lấy thành thị, chúng ta giã từ niềm vui vào đời để bước dần về nỗi buồn cõi chết.
May có người nghệ sĩ giữ lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm.

Yên Cơ 1-1-1997