Phê Bình nghệ thuật
Mùi đu đủ xanh
Trần Anh Hùng

Ðêm đã khuya. Tiếng dồn dập gõ cửa của một bé gái trước ngôi nhà cổ kính phá vỡ bản hòa ca rỉ rả của côn trùng trong giây lát. Rồi vài lời đối thoại ngắn gọn. Rồi tất cả những tiếng nói chìm đi, tiếng đàn chìm đi, chỉ còn lại bầu không khí tịch lặng của đêm khuya, của những nét mặt và những chiếc bóng thầm lặng...
Như khúc dạo đầu, cả cuốn phim ít lời đến gần như không nói. Tất cả diễn ra bằng ánh mắt, nụ cười, bằng cử chỉ, bằng những gì không phải là ngôn ngữ. Ðó là nghệ thuật điện ảnh dựa trên sức mạnh nội tâm. Ðó là cõi tịch lặng Ðông phương và đồng thời cũng là thế giới câm nín, suốt đời chịu đựng của người phụ nữ Việt. Trần Anh Hùng dẫn ta vào tác phẩm Mùi Ðu Ðủ Xanh bằng thuật pháp vô ngôn ấy. Anh đã thực hiện cái tĩnh, cõi tịch lặng và câm nín trên màn ảnh, một cách vô cùng nghệ thuật. Trần Anh Hùng dùng "kỹ thuật không lời" để "quay" cái sâu xa, mãnh liệt của thế giới những điều không thể nói.
Trong những phim về Việt Nam xuất hiện gần đây ở Pháp, không thiếu những phim hay. Mức độ hay tùy theo cách đánh giá của mỗi người: hay kiểu phiêu lưu, tiểu thuyết, nhuốm sắc cải lương như Indochine. Hay vì bật ra sức chịu đựng tối đa của con người trong cực điểm của chiến tranh như Ðiện Biên Phủ. Hoặc hay vì tính cách đặt vấn đề trực tiếp: trong tình yêu, thể xác làm chủ, thể xác đi trước tâm linh như L'Amant (Người Tình). Những giá trị điện ảnh ấy được các tầng lớp khán giả yêu chuộng theo nhịp độ và trình độ khác nhau, nhưng tựu trung đều đặt nền trên thể động của Tây phương. Từ tình tiết éo le trong Indochine, đến sự cung cấp dư giả xương máu, sinh mạng con người cho chiến tranh Ðiện Biên Phủ, hay động tác chủ lực của thể xác trong tình yêu L'Amant..., tất cả mọi diễn biến dù được quay trên đất Việt, nhưng quan niệm đạo diễn ở thể động. Nói khác đi, đạo diễn dùng hành động (action), ngôn ngữ, âm thanh làm giá trị căn bản cho tác phẩm. Ðó là một lối nhìn rất Tây phương, tuy lấy bối cảnh Việt nhưng không có "không khí" Việt.
Phải tới Trần Anh Hùng với Mùi Ðu Ðủ Xanh, quay trên đất Pháp, ở phim trường Bry sur Marne (vì thiếu phương tiện tài chính) mới thấy xuất hiện tâm hồn Ðông phương:
- Dùng thể tĩnh để nói lên sức sống của cuộc đời qua trung gian ống kính.
- Tôn vinh những người mẹ thầm lặng, những người phụ nữ không được quyền đa ngôn luận lý, mà chỉ có quyền câm nín, hy sinh, cho mẹ chồng, cho chồng, cho con trong suốt cuộc đời. Bao nhiêu thế hệ phụ nữ Việt Nam đã cuốn đi, trôi đi như thế...

°

Trần Anh Hùng diễn tả  những thầm lặng ấy bằng caméra trực chỉ. Caméra là nguồn sống, là sinh lực của cuốn phim. Cho nên, nếu muốn nói đến một kỹ thuật trong nghệ thuật điện ảnh, tôi cho rằng bí quyết của Trần Anh Hùng nằm ở đôi mắt caméra. Chính đôi mắt ấy đã làm cho khán giả ngửi thấy mùi lá cây, hoa cỏ, mùi mưa, mùi đu đủ... và cả mùi khổ đau của con người. Chính đôi mắt caméra ấy đã chiếu vào nội tâm của sự vật, của các vấn đề: từ hạt sương mai, giọt nhựa đu đủ, qua những con kiến, con cóc, con ễnh ương... đến những giọt nước mưa long lanh trên lá. "Ðôi mắt" Trần Anh Hùng đã dùng cận ảnh (gros plan) như những ẩn dụ để nói lên sức ép nội tâm: Ðàn kiến ngoi ngoai thoi thóp trong đống sáp nến khêu lên tâm trạng khốc liệt của đứa bé vị thành niên, muốn phá phách, muốn tận diệt những bất công xã hội mà mẹ nó suốt đời phải chịu bằng cách đổ những bạo động lên đầu "con kiến". Rồi đôi mắt long lanh như hai vì sao của đứa bé gái, chiếu hậu vào mặt trái cuộc đời. Cảm giác trườn trượt của những con ễnh ương, trong vũng lầy ẩm ướt, ẩn giấu khát vọng dục tình trong đêm khuya.
Tác phẩm dựa trên ba điểm mạnh:
- Caméra,
- Diễn xuất
- Và nhạc đệm.
Hai yếu tố đầu tùy thuộc đạo diễn vì các tài tử, phần lớn là những diễn viên không chuyên nghiệp, trừ nghệ sĩ Nguyễn Anh Hoa từ Việt Nam sang.
Nhạc đệm của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết góp phần không nhỏ vào việc tạo không khí Ðông phương, gợi cảm giác, và sinh lực cho tác phẩm.
Trang trí do Trần Nữ Yên Khê đảm nhận, trang nghiêm và khe khắt, hợp với tĩnh mạch của tác phẩm.
 Phần đầu cuốn phim đặc sắc hơn phần sau: các diễn viên đóng hay, diễn xuất hợp với không khí khiêm trang, đạm bạc. Phần sau, nhiều đoạn chậm quá, dài quá, có chỗ màu mè, cải lương không cần thiết. Cô bé Lu Man San đứng đầu trong diễn xuất các vai chính, rồi đến Nguyễn Anh Hoa, Trương Thị Lộc... Những vai phụ: hai cậu bé rất độc đáo.
Cũng cần nói rằng: Tác phẩm đã được thực hiện với những người Việt mà phần lớn sinh trưởng ở Pháp, -từ đạo diễn đến diễn viên-, hoặc rời nước đã lâu, từ năm 13 tuổi như Trần Anh Hùng. Nhưng tất cả hầu như đã trút bỏ khía cạnh phương Tây thường ngày của họ, để bước vào tâm cảm Việt, trong 1 giờ 40 phút. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã ghi vào tâm khảm người xem những ấn tượng sâu đậm lâu dài.

Paris 9-6-1993------------------

Chú thích:
Mùi Ðu Ðủ Xanh, phim của Trần Anh Hùng, đoạt giải Ống kính vàng (Caméra d'or) điện ảnh Cannes 1993.